Đức Phật Dạy Pháp Niết Bàn Tức Khắc

Đã đọc: 1604           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đức Phật liệt kê ra 5 pháp cần có để tâm giải thoát thuần thục: (1) cần sống gần bạn thiện hữu tri thức, (2) cần giữ giới, (3) cần nghe kể các chuyện về ly tham và hướng tâm về giải thoát, (4) cần kiên trì rời tâm không lành và vun trồng tâm lành, (5) cần quán sát các sanh khởi và biến diệt để hướng tới xa lìa sầu khổ.

Phải là có cơ duyên nhiều đời mới được làm thị giả cho Đức Phật. Thị giả là nhà sư sống gần Đức Phật nhất, là vị đệ tử được tin cậy để chọn theo hầu bên Đức Phật, phải có nhiệt tâm tu học làm gương cho các tu sĩ khác, và do vậy được nghe Đức Phật thuyết giảng nhiều kinh nhất. Chúng ta có thể tin rằng nhà sư thị giả luôn ở bên Đức Phật trọn ngày hẳn là phải biết rất nhiều pháp, cả về thuyết lẫn hành.

Vị thị giả nổi tiếng của Đức Phật Thích Ca là ngài Anan. Tuy nhiên, trước đó đã có một vị thị giả khác: ngài Meghiya. Trường hợp ngài thị giả Meghiya được kể lại trong Kinh Ud 4.1 (Meghiya Sutta), bản Việt ngữ trong nhóm Kinh Tiểu Bộ của Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là Kinh Phật Tự Thuyết, Chương Bốn – Phẩm Meghiya. Kinh này cũng là kinh sơ thời, khi ngài Anan chưa làm thị giả. Tới cuối kinh này, Đức Phật dạy về pháp Niết Bàn tức khắc, ngay trong hiện tại, giải thoát ngay ở đây và bây giờ.

Có một số điểm đặc biệt trong Kinh Ud 4.1, có thể gọi là hy hữu. Ngài Meghiya ba lần cãi ý Đức Phật, thế rồi Đức Phật phải chiều ý nhà sư thị giả nhiệt tâm với thiền định này.

Kinh viết, trích:

Một thời Thế Tôn trú ở Càlikà, tại núi Càlikà lúc bấy giờ Tôn giả Meghiya là người thị giả Thế Tôn. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con muốn vào làng Jantu để khất thực.

– Này Meghiya, hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời.

Rồi Tôn giả Meghiya, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào làng Jantu để khất thực. Khất thực ở làng Jantu xong, sau buổi ăn, khi khất thực trở về, đi đến bờ sông Kimikàkà, sau khi đến, bộ hành qua lại trên bờ sông Kimikàlà, thấy rừng xoài tươi đẹp, khả ái, thấy vậy Tôn giả Meghiya suy nghĩ: “Thật tươi đẹp thay, khả ái thay rừng xoài này. Rừng xoài này thật là vừa đủ để một thiện nam tử tinh cần, hành trì hạnh tinh cần. Nếu Thế Tôn cho phép ta, ta sẽ đến rừng xoài này để tinh cần hành trì”…”(ngưng trích)

Điều để suy nghĩ: Buổi sáng hôm đó, Đức Phật không đi khất thực. Nghĩa là, thỉnh thoảng Đức Phật nhịn đói? Và do vậy, ngài Meghiya đi khất thực một mình. Thế rồi, sau khi ngài Meghiya khất thực về, đã xin được vào rừng xoài ngồi thiền.

Kinh viết tiếp, theo bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, trích:

Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, ngồi xuống một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào làng Jantu để khất thực. Khất thực ở Jantu xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, con đi đến bờ sông Kimikàlà, sau khi đến, con bộ hành qua lại trên bờ sông Kimikàlà, con thấy rừng xoài tươi đẹp, khả ái, thấy vậy, con suy nghĩ: “Thật tươi đẹp thay, khả ái thay là rừng xoài này. Rừng xoài này thật là vừa đủ để một thiện nam tử tinh cần, hành trì hạnh tinh cần”. Nếu Thế Tôn cho phép con, con sẽ đi đến rừng xoài ấy để tinh cần hành trì.

Ðược nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Meghiya:

– Hãy chờ đợi, này Meghiya. Chúng ta nay chỉ có một mình, chờ cho đến khi một Tỳ-kheo khác đến!”(ngưng trích)

Nghĩa là, thời kỳ này, tại góc núi Càlikà, chỉ có riêng Đức Phật và thị giả Meghiya. Không có nhà sư nào khác. Nghĩa là, thời kỳ này là thời kỳ rất sớm của Đạo Phật, vì chưa có ngài Anan làm thị giả, và không có nhiều nhà sư bên Đức Phật. Như thế, kinh này là một kinh Đức Phật nói trong những năm đầu hoằng pháp.

Thế rồi, kinh ghi rằng ngài Meghiya cãi Đức Phật, xin Thế Tôn cho ngài tới rừng xoài để ngồi thiền. Nghĩa là, ngài thị giả Meghiya muốn rời Đức Phật một mình, để riêng một mình ngài Meghiya tới rừng xoài ngồi thiền. Tâm thức tới nơi vắng để ngồi thiền, và “dám bỏ Đức Phật một mình” hiển nhiên là tâm thức của các vị sư sơ thời, khi Đức Phật khuyến khích các sư hãy tới nơi rừng vắng để ngồi thiền. Các nhà sư thời kỳ đầu không có tâm “ỷ thế thân cận Đức Phật” – mà chỉ muốn thiền tập để giải thoát.

Đức Phật không đồng ý, bảo ngài Meghiya hãy chờ… Kinh viết:

Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Tôn giả Meghiya:

– Hãy chờ đợi này Meghiya! Chúng ta nay chỉ có một mình, chờ cho đến khi một Tỷ-kheo khác đến.”(ngưng trích)

Thế rồi, ngài Meghiya cãi, xin lần nữa. Tới lần xin thứ ba, ngài Meghiya được Đức Phật cho phép ra đi một mình: “Này Meghiya, khi Thầy nói tinh cần, thời Ta có thể nói gì được! Này Meghiya, nay Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời!

Thế rồi, ngài Meghiya tới rừng xoài, kinh viết: “… đi sâu vào rừng xoài và ngồi trú ban ngày dưới một gốc cây. Trong khi Tôn giả Meghiya trú trong rừng xoài ấy, phần lớn ba tâm ác, không thiện hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm.”

Tức là, khi ngài Meghiya ngồi thiền, thấy tâm khởi lên nhiều niệm: dục (tham dục), sân (bực dọc, giận), hại (nguy hại, bạo lực).

Bản Anh dịch Anandajoti là: the thought of sensual pleasure, the thought of ill-will, the thought of harming.

Bản dịch Ireland: sensual thought, malevolent thought, and cruel thought.

Bản dịch Thanissaro: thoughts of sensuality, thoughts of ill will, and thoughts of doing harm.

Thế rồi ngài Meghiya trở về trình bày với Đức Phật chuyện ngồi thiền, thấy khởi lên các tâm sở bất thiện như thế.

Đức Phật dạy rằng: “Này Meghiya, khi tâm giải thoát chưa được thuần thục, năm pháp đưa đến sự thuần thục. Thế nào là năm?”

Đức Phật liệt kê ra 5 pháp cần có để tâm giải thoát thuần thục: (1) cần sống gần bạn thiện hữu tri thức, (2) cần giữ giới, (3) cần nghe kể các chuyện về ly tham và hướng tâm về giải thoát, (4) cần kiên trì rời tâm không lành và vun trồng tâm lành, (5) cần quán sát các sanh khởi và biến diệt để hướng tới xa lìa sầu khổ.

Điểm thứ nhất là ứng hợp với ngài Meghayi. Vì là thị giả, sống kế bên Đức Phật, là kế bên vị đệ nhất thiện tri thức trên đời này, có cơ duyên nghe rất nhiều kinh. Cũng là điều cảnh giác cho chúng ta: ngài Meghayi ngồi thiền còn khởi tâm linh tinh, huống gì chúng ta bây giờ.

Đức Phật dạy thêm, sau khi an trú trong 5 pháp đó, hãy tu thêm 4 pháp, kinh viết:

Lại nữa, này Meghiya, với vị Tỷ-kheo khéo an trú trong năm pháp này, bốn pháp cần phải tu tập thêm: Bất tịnh cần phải tu tập để đoạn tận tham; Từ cần phải tu tập để đoạn tận sân; Niệm hơi thở vô hơi thở ra cần phải tu tập để trừ khử tầm tư; Vô thường tưởng cần phải tu tập để nhổ lên kiêu mạn, tôi là. Này Meghiya, với ai có tưởng vô thường, tưởng vô ngã được an trú. Với ai có tưởng vô ngã, vị ấy đạt được sự nhổ lên kiêu mạn: tôi là, Niết-bàn ngay trong hiện tại.”(ngưng trích)

Nhóm 4 pháp này, tóm tắt là: (1) quán bất tịnh (thân người dơ bẩn, cõi này dơ bẩn) để không sinh tâm ái dục; (2) quán Từ Bi để không sân với bất kỳ ai hay chúng sinh nào; (3) niệm hơi thở vô và ra để ngưng niệm (Anandajoti dịch: cutting off of thoughts; Thanissaro dịch: cut off thinking; Ireland dịch: cutting off (discursive) thinking -- tức là cắt bỏ dòng niệm, hay là Vô Niệm); (4) quán vô thường để tâm an trú vô ngã.

Chúng ta có thể nhận ra một số điểm:

-- Đức Phật không dạy nhập định, thậm chí cũng không bảo ngài Meghayi phải vào sơ thiền.

-- Đức Phật dạy rằng theo thứ tự trước tiên là tâm phải ly tham, rồi phải ly sân, rồi phải tập hơi thở để ly niệm, và tận cùng là quán vô thường.

-- Kết quả là Niết bàn trong hiện tại (HT Minh Châu dịch), hiểu là đạt được Niết bàn tức khắc, ở đây và bây giờ. Ireland dịch là: Nibbana here and now. Thanissaro dịch là: unbinding right in the here-&-now. Anandajoti dịch là: in this very life reaches Emancipation.

Tuy kinh này nói riêng cho ngài thị giả Meghayi, nhưng sẽ thích nghi với nhiều người chúng ta. Rằng không nhất thiết phải tu tứ thiền bát định. Rằng niệm hơi thở không cần phức tạp, chỉ cần niệm hơi thở ra và vào để tới mức ly niệm (không nên hiểu là xóa sổ niệm, chỉ nên hiểu tương đối là khi thở, để tâm phẳng lặng như mặt hồ là đủ). Và quán vô thường là sẽ thấy vô ngã, là Niết bàn tức khắc.

Như thế nào để quán vô thường? Có thể cảm thọ vô thường qua các chuyển biến thân tâm như sau. Khi bạn từ ngoài nắng bước vào nhà, sẽ cảm thọ, nhận ra thân tâm chuyển biến. Tương tự, khi bạn từ trong nhà bước ra nắng. sẽ cảm thọ thân tâm chuyển biến. Bạn nhấp ngụm nước, sẽ cảm thọ chuyển biến khi nước lan vào người. Khi bạn ngồi thở, sẽ cảm thọ thân tâm chuyển biến theo từng hơi thở. Từng khoảnh khắc tới rồi biến mất tức khắc, đó là cơn gió vô thường trôi chảy nơi thân tâm bạn. Khi cảm thọ vô thường, bạn không níu được cái đã qua, cả ba thời quá-hiện-vị lai đều biến mất trên thân tâm bạn. Từng khoảnh khắc hãy thọ nhận vô thường trôi chảy trên thân tâm. Dó là kinh vô tự, vì chữ nghĩa là cái của quá khứ, mà bạn đã quăng bỏ quá khứ rồi.  Khi cảm thọ vô thường, bạn đang sống với cái Tâm Không Biết, với Cái Chưa Từng Biết, với cái The Unknown. Cảm thọ vô thường trên thân tâm hiện tiền như thế, Tổ Sư Thiền còn gọi là “không một pháp trao cho người.” Vì hễ nói có pháp nào để an tâm, đều là chữ nghĩa của quá khứ. Cũng gọi là Vô Tâm, vì hễ khởi tâm gì cũng là mất liền cái cảm thọ vô thường hiện tiền. Còn gọi là Vô Ngôn, vì hễ mở lời cũng là chuyện của quá khứ. Đức Phật nơi đây gọi cảm thọ dòng chảy vô thường là an trú vô ngã, là an trú Niết Bàn ở đây và bây giờ, tiếng Anh còn gọi là Nibbana here and now.

THAM KHẢO:

Bản của HT Minh Châu: https://thuvienhoasen.org/p15a1536/chuong-04-05

Bản của Anandajoti: https://suttacentral.net/ud4.1/en/anandajoti

Bản của Ireland: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/ud/ud.4.01.irel.html

Bản của Thanissaro: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/ud/ud.4.01.than.html

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập