Tùy bút: Một chuyến đi

Chúng tôi xin cám ơn bà con bạn bè đã thư từ, điện thoại, email thăm hỏi, tặng sách báo, mua sách, mời tham dự họp mặt, đám cưới, đã gởi cho chúng tôi trong thời gian qua. Chúng tôi xin lỗi đã "biệt vô âm tín" từ hơn ba tháng nay. Lý do là chúng tôi đi chơi xa, nơi ở không có điện thoại, không có internet, và điện thoại cầm tay thì đắt quá, hơn 1 dollars một phút, hà tiện không dám xài.
Sau ba tháng đi chơi Âu châu, ở London hơn một tháng, và hai tháng thì lang thang tại các quốc gia khác, đi theo tour, đi theo bạn, nay chúng tôi đã trở về nhà tại Oakland, California. Về đến nhà mừng và thở phào sung sướng. Thế mới biết không đâu dễ chịu và êm ấm bằng nhà mình, dù có là căn chòi lá đi nữa!
Kỳ đi chơi nầy, tôi thấy sức khỏe xuống, nhiều khi ngồi trên xe, trên tàu mà cũng cảm thấy khá mệt, nhưng sau đó, được nghỉ ngơi vài mươi phút, thì khỏe lại. Từ đó, tôi nghĩ rằng, đi chơi bây giờ là đúng, vì biết đâu năm sau không còn sức để đi, uổng lắm. Mai mốt có chết xuống, cũng có chút chuyện mà nói dóc với Diêm vương.
Có người hỏi, đi chi mà đi lâu thế, có chán không? Tôi đi chơi theo lối "thiền", tà tà, thong thả, sống với, và sống trong giòng sinh hoạt của dân chúng địa phương. Muốn cảm nghiệm được cái tâm tình của con người, của xứ sở đó. Khi thì nhàn nhã ngồi hàng giờ bên hè đường của quán cà phê, cùng dân chúng địa phương nhâm nhi, nhìn sinh hoạt thành phố. Cũng có cái vui lạ của nó. Có khi nằm trong phòng, giữa London mà nghe mưa rơi, thấy trời xám xịt bên ngoài, cũng cảm được cái thi vị an nhàn trong tuổi già. Những khi đi chơi thuyền rất thú vị trên sông Thames (Anh quốc), sông Seine (Pháp), sông Rhin (Đức), kinh rạch của Amsterdam (Hoà lan), kinh rạch của Bruges (Bỉ), của hồ Constante (ba nước Đức, Áo, Thụy sĩ). Nhìn cảnh đẹp, phố phường, núi non, ruộng đồng ở hai bên bờ sông, bờ hồ. Được thăm nhiều thành phố cổ đã xây dựng trên năm trăm năm, mà vẫn còn bảo tồn được nét xưa cũ, với đường lát đá xanh, có làng nhà phải lợp lại bằng rạ như thời mấy trăm năm trước, ai không lợp rạ thì bị phạt đến 50 ngàn bảng Anh (bằng một trăm ngàn dollars Mỹ), và bắt dỡ ra, lợp lại. Thăm viếng nhiều lâu đài cổ mà vua chúa xưa đã bắt dân chúng đổ xương máu, mồ hôi, tài sản dựng nên, cho họ vui chơi. Cũng có đêm ngủ trong khách sạn bên sườn núi, cạnh hồ, khách sạn là một nông trại chuyển đổi lại thành nơi trú ngụ cho du khách. Toàn khu biến thành vùng du lịch và cắm trại. Nằm nghe lục lạc bò leng keng, bò rống to như tiếng hổ gầm, dê kêu văng vẳng, làm tôi liên tưởng đến những truyện đồng quê của Pháp, đã rán đọc từ thời thơ ấu. Nói là muốn hòa mình trong cuộc sống của dân chúng địa phương, nhưng đâu phải dễ. Họ thì tất tưởi chạy lo cơm áo, mình thì nhàn nhã đi chơi, làm sao mà hòa mình được. Cũng có khi chúng tôi đi theo các tour, chạy xồng xộc như bị ma đuổi, đến thăm viếng các nơi, hốt hoảng liếc sơ phong cảnh, rồi vội vã ra đi. Cũng xem phớt được nhiều nơi trong thời gian ngắn ngủi.
Chúng tôi có ghé thăm trại tập trung Do thái ở Dachau, nơi Đức quốc xã đày ải dân Do thái trong thời đệ nhị thế chiến. Tôi nhìn những giường gỗ ba tầng, mỗi giường chiều ngang chừng một mét, chiều dài khoảng hai mét rưỡi, và trên mỗi giường có kệ cho tù nhân đựng đồ cá nhân, bên tường có nhiều hộc tủ, mà có lẽ mỗi tù nhân được một hộc để cất đồ dùng cá nhân. Đầu dãy nhà là một khoảng trống, khá rộng, có bàn ghế, có lẽ để tù nhân sinh hoạt. Bên hông, là một khu lớn, có bàn dài, ghế dài, có lẽ là bàn ăn. Phía gần cuối dãy nhà, trong phòng ngăn riêng, có hai bồn nước máy, giống như bồn nước giữa công viên. Để tù nhân đánh răng, rửa ráy. Chung quanh một cái bồn như vậy, có thể hơn mười người vệ sinh cùng một lúc. Bên cạnh phòng nước, là cầu tiêu, mười cái bồn cầu ngồi, xếp hai hàng đối diện. Bỗng tôi thấy cay mắt, tim nhói đau, và nghẹn ngào thốt lên "sang quá!" Vì tôi chợt so sánh hoàn cảnh khi tôi đi tù "cải tạo", và cách đối xử của những người anh em miền Bắc khi họ thắng trận trong cuộc chiến tranh mà họ bày ra. Ông bạn đưa tôi đi thăm trại này nói rằng nhiều người cũng đã nói như tôi, cũng nói y hệt là "sang quá!" Tôi cũng biết rõ đây là tình trạng trong thời gian những năm đầu, về sau đông quá thì có thể hai người phải ngủ chung một giường. Chật chội và khó khăn hơn. Đối xử với kẻ thù mà bọn Đức quốc xã muốn tiêu diệt còn nhân đạo như vậy, làm tôi xấu hổ khi nghĩ đến người mình, cùng tổ tiên, cùng giòng máu, sao mà khắc nghiệt với nhau đến thế?
Đức quốc xã lấy thân xác người Do thái làm thí nghiệm y khoa, lừa họ vào phòng hơi ngạt, và đem thiêu. Vô cùng tàn bạo. Người anh em cọng sản của chúng ta không làm vậy, nhưng tôi nhớ lời nhiều tù nhân "cải tạo" đã nói, vào những lúc vô cùng đói khát, kiệt quệ và khổ ải, họ cho rằng bọn Đức giết người bằng hơi ngạt là nhân đạo hơn nhiều, vì chết là chấm dứt cái khổ triền miên. Đày đọa cho hao mòn đến chết, còn tàn bạo hơn.
Trại tập trung Dachau được bảo tồn và dựng lại, không phải để nuôi hận thù, mà là để nhân loại nhìn vào đó, thấy lỗi lầm của quá khứ, đừng bao giờ tái phạm. Tôi nghĩ, Việt nam cũng cần bảo tồn và dựng lại những trại cải tạo, với đầy đủ chứng tích, tài liệu. Cũng không phải để nuôi hận thù, không phải để khơi dậy căm hờn. Mà là để biết, để nhớ, để mai sau con cháu chúng ta tránh bước sai lầm. Nhiều người nói rằng, phải tha thứ, nhưng đừng cố tình quên, cố tình dấu diếm, cố tình không biết, là có tội với lịch sử.
Thiên hạ bảo "đi một ngày đàng, học được một sàng khôn." Chúng tôi không cầu học được một tí ti khôn nào hết. Cả một đời lỡ dại dột, muộn quá, nên cũng không tha thiết học khôn làm gì. Nhờ có chút điều kiện thuận lợi, chúng tôi đi cho thỏa lòng mong ước, chứ đôi khi cũng chẳng có ngắm cảnh, đôi khi ngắm cảnh mà lòng lại đửng dưng, không chút xôn xao xúc động. Bây giờ tôi mới biết tại sao nhiều người không thích đi chơi đâu cả, vì ở nhà khỏe hơn, tiện nghi hơn, dễ chịu hơn. Họ không tha thiết chi với cảnh lạ đường xa, vì thiên nhiên thì nơi đâu cũng tương tự, giống nhau. Những nơi đặc biệt, thì họ xem phim tài liệu, còn kỹ càng chi tiết hơn cả mấy chục lần khi đến tận nơi. Cả một đời miệt mài với công ăn việc làm, mấy chục năm làm việc, đủ rồi. Có khi dại dột, ham làm, ham đọc, ham học, quên sống. Bây giờ thì nhờ già nên khôn hơn, làm biếng cho sướng thân, sống cho riêng mình, sống cho vui, sống cho thanh thản trước khi đi về với đất bụi. Có ai chê trách, thì cũng xin nhận lời trách móc chê bai đó với cái tâm không buồn không vui.
Mong sao trong thời gian đến, có nhiều cơ duyên thuận lợi, được gặp gỡ bạn bè, bà con nhiều hơn, để hàn huyên, nói vài câu chuyện bâng quơ, nhưng vẫn thích thú trong lòng. Chúc bà con bạn bè vui, mạnh, thong dong, nhàn nhã...
* Tựa đề do Ban biên tập đặt
- Sen quê màu hạ Nguyễn Đức Sinh
- “Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng Mỵ (Mị) Chu, Diễn Chu, bồ cu, bồ câu … Bùi Chu” (phần 39) Nguyễn Cung Thông
- Tạo phước từ những điều đơn giản! An Tường Anh
- Niềm vui! Chân chính hay nghiệp lực khổ đau!? Chánh Bảo Trung
- Đại Thí Trường Vô Già_Thi hóa Tâm Tịnh thi hóa
- Biển cuốn trôi đời nhau Cư sĩ Liên Hoa
- Những Lời Nói Dối Lê Bích Sơn
- Vọng Giữa Hư Không Hồng Tâm
- Cuốn Kinh Kì Diệu Viên Quý
- Người đi tìm lời thơ Cư sĩ Liên Hoa
- Có những ngày vui như thế Thích Nữ Trung Thảo
- Ma Minh Ðạo
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất


Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)