Nghe Nhạc Văn Cao Uống Rượu Dưới Trăng

Đã đọc: 3730           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tôi thường rất thích nhạc Văn Cao. Những nhạc phẩm tôi ưu ái nhất của ông là Buồn Tàn Thu, Bến Xuân, Suối Mơ,Thiên Thai... có thể nói đó là những tác phẩm bất hủ.

« Thiên Thai, ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần. Gió hắt trầm tiếng ca tiếng phách giòn lắng xa Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta... »

Văn chương thoảng mùi cổ điển, mà người đời nay, không ai viết được những lời nhạc đẫm màu tiên màu trăng và màu tình đẹp như vậy.

Câu "Thiên thai, ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian" với giọng hát Anh Thơ chấm dứt ba nốt nhạc cuối như ba giọt ngân hà rơi xuống trần thế trong một đêm đầy sao lung linh huyền ảo 
https://nhac.vn/bai-hat/thien-thai-anh-tho-so777Pp?fbclid=IwAR28jXMs17dEGCJfbKDaa9q_KzwPZvKWWCRVxRR4Dljk0JcslvdMXQIBfOA  

Nó làm tôi nhớ đến những câu thơ Đường:

潯陽江頭夜送客,Tầm Dương giang đầu dạ tống khách
楓葉荻花秋瑟瑟。Phong diệp địch hoa thu sắt sắt
主人下馬客在船,Chủ nhân hạ mã khách tại thuyền
舉酒欲飲無管弦。Cử tửu dục ẩm vô quản huyền
醉不成歡慘將別,Túy bất thành hoan thảm tương biệt
別時茫茫江浸月。Biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt
忽聞水上琵琶聲,Hốt văn thủy thượng tỳ bà thanh....

(Có bài hát Tì Bà Hành theo điệu ca trù VN do ca sĩ Mộng Thủy hát, ai muốn nghe thì xin vào đây:
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/ty-ba-hanh-mong-thuy.TrRggwj4D0.html)

Tôi thú thật chẳng hiểu ánh trăng xanh mơ của Văn Cao là ánh trăng thế nào, nhưng khi đọc lên, hát lên, nó như pha lê, một màu xanh phi thực của thiên thanh, của bầu trời đã chiều đi, một màu như vậy làm sao tan thành suối ? Tôi biết Văn Cao ngoài tài viết nhạc còn có tài hội họa, nhưng thế giới màu sắc của ông tôi không lãnh hội được.

Mà thôi cứ mặc kệ, miễn sao trăng ấy mơ tan thành suối cho ta ướp và đắm vào, tan và chảy vào; mà phải là suối trần gian, vì suối tiên giới có thể chẳng đẹp như suối trần thế, chỉ đơn giản là vì trăng và suối giao hội bằng một chất rất thế trần, chất ấy là chất TÌNH. Không có tình thì trăng là trăng, suối là suối; không có tình thì đàn ông là đàn ông, đàn bà là đàn bà, dù giao hội cũng không gặp gỡ.

Trong nhạc phẩm "Dỗi Nhau Tình Đầu" của tôi, tôi cũng có viết về dấu trần, dấu trần chính là chất tình, vì tình mà ta xuống trần, vì tình mà hờn dỗi, vì tình mà trăng lả lơi trên giòng nước: "...Hờn nhau xa xôi, như dấu trần này, dấu trần này: hờn dỗi"

(nghe nhạc: https://www.youtube.com/watch?v=A-9R7Ckq84A )

Trăng Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị đẫm một màu vàng óng trên sông, biến trần thế thành giải ngân hà, trên sông ngân lại có tiếng véo von nhã nhạc của đàn tì bà lượn theo mặt vàng óng thoảng về, và người xưa thì ngồi trên thuyền uống rượu buồn biệt ly. Trên sông của Văn Cao có tiếng phách giòn lắng xa, khiến lòng người bồi hồi nhung nhớ khiến ta có cảm tưởng Văn Cao chơi lại Tì Bà Hành và thay vì để màu vàng óng giang tẩm nguyệt, ông dùng cọ của hội họa siêu thực biến trăng thành màu xanh.
Vẽ lại tranh của người xưa, họ sống quá hạnh phúc, tưởng chừng như hạnh phúc ấy chỉ dành cho quá khứ, cho thời đại không có động cơ và ánh đèn điện.
Còn ai hạnh phúc như vậy nữa ? Dĩ nhiên là còn, còn chàng thi sĩ chết vì bệnh cùi, đã uống cả trăng, uống cả giòng sông trăng "giang tẩm nguyệt", trong bài Chơi Giữa Mùa Trăng:

 

« ...Thuyền đi êm ái quá, chúng tôi cứ ngờ là đi trong vũng chiêm bao, và say sưa ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê, không còn biết là có mình và nhận mình là ai nữa. Huyền ảo khởi sự. Mỗi phút trăng lên mỗi cao, khí hậu cũng tăng sức ôn hoà lên mấy độ, và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói... Ở thượng tầng không khí, sông Ngân Hà trinh bạch đương đắm chìm các ngôi sao đi lạc đường. Chị tôi bỗng reo to lên: “Đã gần tới sông Ngân rồi! Chèo mau lên em! Ta cho thuyền đậu ở bến Hàn giang!” Đi trong thuyền, chúng tôi có cái cảm tưởng lý thú là đương chở một thuyền hào quang, một thuyền châu ngọc, vì luôn luôn có những vì tinh tú hình như rơi rụng xuống thuyền... Trên kia, phải rồi, trên kia, in hình có một vì tiên nữ đang kêu thuyền để quá giang.... »

Đọc những dòng văn tuyệt vời như vậy về trăng, ta mới thấy cái phi thuyền Apolo 13 đã làm bẩn áo Hằng Nga, như Kha Luân Bố bạo dâm làm chảy máu Châu Mỹ, như thực dân Pháp hiểm ác xây các ngôi nhà thờ trên đất Việt, như lính Mỹ sang VN trước 1975 làm chiếc áo bà ba bay mùi Coca và thuốc hút Salem, như người TQ đưa tàu xuống uy hiếp Biển Đông và làm các hoang đảo bình yên dậy sóng.

Thử  nghe Tì Bà tấu khúc Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ (春江花月夜 琵琶) do Jody Vang (王竹夕 Vương Trúc Tịch, Zhuxi Wang ) độc tấu Tì Bà. Nhắm mắt lại, bạn sẽ thấy Hàn Mặc Tử chèo thuyền trên sông trăng, xa xa vẳng lại tìếng Tì Bà.
https://www.youtube.com/watch?v=qS-fHnbE7OA

Thuyền ai đâu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?

Vào thời xưa ấy, rất xưa, ở Á Đông không có những thứ phức tạp như TV, tủ lạnh, xe chạy bằng xăng thải đầy CO², nhưng con người sống hạnh phúc đến nỗi Lý Bạch uống rượu dưới trăng cũng được người Âu Mỹ hâm mộ:

Amongst the flowers I am alone with my pot of wine drinking by myself;
then liftingmy cup I asked the moon to drink with me,
its reflection and mine in the wine cup, just the three of us...

花間一壺酒Hoa gian nhất hồ tửu
獨酌無相親Độc chước vô tương thân
舉 杯要明月, Cử bôi yêu minh nguyệt
對影成三人Đối ảnh thành tam nhân

Entouré des fleurs, devant ma coupe
Je bois dans la solitude Je lève mon verre à la lune
Trinquons à nous trois, la lune mon ombre et moi...

Goethe làm thơ về trăng đẹp không thua Lý Bạch:

Nuit de lune (Đêm Trăng)

De tes clartés tu remplis - Từ ánh sáng huyền ảo em đã rót đầy
Vallon, bois et plaine, - Thung lũng, rừng cây, và đồng bằng
Et mon âme, au sein des nuits, - Và linh hồn ta, trong đêm êm ả
Redevient sereine. - đã trở nên tỉnh lặng
Astre pur, dans mon tourment, - Hỡi vì sao ngân trinh trong cõi hồn ta đau xót
Ta flamme adoucie, - ngọn lửa dịu mát của em
Me semble un regard aimant - tựa như luôn nhìn ta đầy trìu mến
Penché sur ma vie. - ban phát cho ta suốt cả cuộc đời.

Một nhà thơ khác của Ấn Độ, Kabir, đã nhìn trăng, trở thành chân lý của sự sống :

The moon shines in my body, but my blind eyes cannot see it: The moon is within me, and so is the sun.
Ánh trăng chiếu trong tôi, nhưng đôi mắt mù lòa của tôi không nhìn thấy: Trăng trong tôi cũng chả khác mặt trời.
The unstruck drum of Eternity is sounded within me; but my deaf ears cannot hear it.
Tiếng trống Vĩnh Hằng vang dội trong tôi, nhưng lỗ tai điếc của tôi không nghe thấy.
So long as man clamours for the I and the Mine, his works are as naught
Chừng nào mà tiếng huyên náo của con người luôn đòi hỏi cho Tôi và cho Của Tôi còn ầm ĩ, thì những công hạnh ấy còn mang đầy chất thế tục.
When all love of the I and the Mine is dead, then the work of the Lord is done.
Khi tất cả tình yêu dành cho Tôi và Của Tôi đều chết, thì công hạnh của Vũ Trụ tự được hoàn thành.
For work has no other aim than the getting of knowledge: When that comes, then work is put away.
Vì công hạnh chẳng có mục tiêu nào khác hơn là để đạt được tri thức. Khi tri thức đến, công hạnh liền lui gót.
The flower blooms for the fruit: when the fruit comes, the flower withers.
Hoa nở để kết trái; khi trái mọc ra hoa liền tàn phai.
The musk is in the deer, but it seeks it not within itself: it wanders in quest of grass.
Hương tàng ẩn trong hươu, nhưng hươu chẳng bao giờ biết mình có mùi hương, nó chẳng tìm hương thơm nơi chính mình, lại lang thang kiếm tìm nơi đồng hoang cỏ dại. ...

Những giòng thơ như độc thoại.

Tiếng trời văng vẳng bên tai, mọi âm thanh của thế gian lặn tắt, cõi lòng lắng đọng vào không gian, một màn trình tấu hiện ra giữa mây xanh chiều thu tím, nếu không có sự bơ vơ và cô đơn, mây chiều không diễm lệ e dè bước sang thu:

Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang
Chập chùng đêm khuya thức ai phòng loan
Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng
Đây đó từng song the hé đợi đàn.

Đêm khuya một mình trong phòng loan, không chủ thể thức, chỉ có đêm thức, nhưng phòng loan là phòng của phụ nữ, nên ai thức ở phòng loan, bỗng làm đêm đẹp và dịu dàng như mái tóc lặng chảy bồng bềnh phủ xuống hồn đời. Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng, cánh chim rơi theo tiếng nhạc huyền ảo. Lúc này mới biết phòng loan thức để nghe tiếng nhạc vàng, đợi một cánh chim, không phải tiếng nhạc của hiện tại, mà vẳng vọng từ rất xa xăm, từ thời Trương Chi Mỵ Nương, từ thời Tỳ Bà Hành, từ lức Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản, tiếng nhạc bên ngoài, xa vắng, lại chính là tiếng lòng của mỹ phụ trong hiện tại...ai nghe ai ? nhạc và người hòa quyện làm một, nhạc chìm đắm không và thời gian, nhạc hòa tấu như tiếng của đêm, cô đơn, lành lạnh, để đầu bên này hé song ngóng đợi đầu bên kia, nhưng đời cứ mãi đợi, và đời không bao giờ tương phùng.

Đó là cõi của hội hoạ, của âm nhạc, của tiên thiên, không phải của nhân sinh phàm tục. Và vì không bao giờ tương phùng, nên Ngưu Lang Chức Nữ vẫn cứ hé song mở tiếng nhạc lòng và đợi chờ hồi âm, cánh chim vẫn chao chao, đêm vàng vẫn tịch mịch, đây đó vẫn ảo huyền hé đợi muôn xa.

Ta không đến đây bị đọa đày. Ta đến đây, tự mình đi tìm tiếng xưa. Ta đến đây, trầm lắng trong u tịch và thỉnh thoảng nấc lên tiếng nghẹn ngào của thế trần mời gọi. Ta đến đây, vẽ vào mênh mông ánh nắng nhạt của chiều tà. Có ai cùng ta nhìn nhau mỉm cười bên chiều tím ? Có ai cùng ta nâng ly mời nhau giữa hoa gian cô tịch rồi lặng vào bóng mình để cảm khái cuộc thiên thu ?

Bằng tâm thức ấy, Văn Cao đã tự biến mình thành Trương Chi đầy đau khổ, cái đau sadique của cơn nghiện nhân sinh, cái đau của vô thường trần tục khát khao mùi tiên giới, như Jésus luôn nhìn lên trời để khấn nguyện và chịu chết với mình mẩy trần truồng đầy máu me, đôi mắt thèm thuồng thống thiết nhìn trời xanh van xin được làm nô lệ, đôi mắt đầy nỗi "gieo oan", chỉ được mơ tưởng một cõi xa xôi nghìn trùng, và không bao giờ giao hội, như sau:

Chiều năm xưa gót hài khai hoa,
Mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương.
Chiều năm nay bóng người khơi thương tiếng đàn gieo oan giấc mộng chàng Trương.

Không biết Văn Cao có phải là người tin vào Thiên Chúa không, nhưng 4 câu thơ nhạc trên vừa đượm màu lãng mạn phục sinh của văn chương Pháp, lại vừa giao lưu với văn hóa Đường Tống. Nỗi đau ấy trong Văn Cao càng được củng cố với 4 câu sau:

Cung đàn ngân buồn xa vắng trong tiếng thầm

Buồn tê tái trong tiếng ngân, buồn như lúc xuân sắp tàn.

Ơi đàn xưa còn vang nhắc chi tới người

Lòng ta tắt bao thắm tươi u hoài duyên đưa.

Cung đàn của Văn Cao, khi chả ai rung, cũng tự ngân thầm, và khi ngân thầm, thì nỗi buồn càng xa vắng.

Từ khi sang Pháp, tôi hầu như chẳng chơi đàn nữa, nhưng vẫn có một cây guitar dựng trong góc phòng. Mỗi lần nhớ âm nhạc, lại cầm đàn, nhưng ngón tay đã còn không chai thì làm sao bấm hợp âm ?...đành cất đàn lại, tiếng đàn "buồn xa vắng trong tiếng thầm" lại ngân xa một nỗi nhớ nhung man mác... Viết tới đây, tôi tự rót 1 ly rượu mời bác Văn Cao, những lời thơ ấy của bác làm tôi hiểu chính mình nhiều hơn. Và cũng mời bác Nguyễn Du 1 ly, rượu thật ngon của Pháp, tôi luôn có vài chai Grand cru classé để cùng với bạn nhâm nhi mỗi khi gặp mặt. Grand Cru Classé của Pháp mà uống với phàm phu tục tử uổng phí lắm, nên chỉ dành rót mời Văn Cao, Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Phạm Duy, Bạch Cư Dị, Lý Bạch, Đỗ Phủ chứ không thể uống một mình... "Khi tỉnh rượu lúc tàn canh, giật mình mình lại thương mình xót xa."

Viết về Văn Cao, phải nói đến 3 giọng ca: Thái Thanh, Anh Thơ, và Ánh Tuyết.

Trước 1975, tôi chỉ nghe duy nhất Thái Thanh hát Thiên Thai, Cung Đàn Xưa...và cứ như đinh đóng cột rằng không có giọng hát phàm phu tục tử nào có thể thế Thái Thanh hát các bài này nữa...cho đến một hôm, ca sĩ Ánh Tuyết được mời phỏng vấn với đại danh là người hát bài Ô Mê Ly hay nhất Việt Nam, tôi tò mò vào nghe. Quả thực, đây là giọng hát trời cho, như tiếng ngọc vút cao giữa bầu trời trong vắt. Tiếng hát Ánh Tuyết làm tôi mang máng hai câu thơ thiền:

Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh
Trường Khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Qua cuộc phỏng vấn này, tôi mới hay Ánh Tuyết được nhạc Sĩ Văn Cao chọn là người có thể làm sống dậy nhạc của ông khi ông từ Bắc vào Sài Gòn sau năm 1975. - Dù tôi chưa hề thấy nhạc Văn Cao chết.

Văn Cao có cốt cách và ngạo khí của bực danh sĩ. Ông đã chấm, thì dĩ nhiên Ánh Tuyết phải hát hay, không thể nhầm lẫn được.

Tôi nghe ba giọng hát hát Thiên Thai và đành chịu, không thể cho rằng ai hát hay hơn ai. Nhưng đặc biệt có sự rung động với giọng của Anh Thơ trong câu khởi và câu kết. Anh Thơ vào đầu bài tuyệt vời hơn Ánh Tuyết, "tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng..." thật nhe, thật tuyệt, chưa gì đã nghe sóng vỗ. Nhưng Anh Thơ bị phô một nốt, làm tôi phải chấm cô hát ngang với Ánh Tuyết, đó là khi cô phát âm từ "đào nguyên", cô hơi điệu một tí, âm "đào" bị chệch đi thành "đạo", nghe nặng, và không thể lướt sóng lên thiên thai như ý muốn của tác giả. Ánh Tuyết, ngược lại, từ câu thứ hai về đến câu gần cuối đều rất tuyệt vời, người nghe say mê, như tiếng ngọc vút giữa không gian xanh vắc không một tì vết, nhưng ở câu kết thì kém xa Anh Thơ, "tiếng ca còn rền trên cõi tiên...", Anh Thơ hát ba nốt cuối tưởng chừng như nữ thần của âm thanh, của mọi cái đẹp mà âm vực vật lý có thể cống hiến. Tôi e rằng không thể có giọng thứ hai nào, ngoại trừ Trần Hồng Nhung - Sao Mai (khác với Trần Hồng Nhung - Bống), tiếc rằng ca sĩ này chưa hát bài Thiên Thai.

Tôi không phân tích giọng Thái Thanh ở đây, và theo tôi, Anh Thơ, Ánh Tuyết hát không kém Thái Thanh qua bài Thiên Thai, có khi nghe còn mê ly là đằng khác, dù rằng nếu nghe thật kỹ từng nốt của Thái Thanh, thì vẫn phải công nhận, bà là tượng đài của âm nhạc thính phòng Việt Nam.

Các ca sĩ thường hay hát lệch các âm có dấu huyền sang thành dấu nặng, hoặc các âm không dấu thành có dấu, như tôi vừa lưu ý ở trên qua Anh Thơ. Khổ nỗi các nàng lại cứ tưởng thế là hay, nhất là ca sĩ Sao Mai hát nhạc của tôi. Thí dụ như khi Sao Mai hát bài "Vì Nhớ" (của tôi https://www.youtube.com/watch?v=bYo8_bK4ZVw), cô ấy hát rất truyền cảm, rất hay, nhưng lúc nhả chữ "tan nhanh vào sông lạ...", cô đã uốn âm "sông" thành bị cắt ở khoản giữa từa tựa như "sộng" hoặc "sổng" thay vì hát "sông" một cách khảng khái bình thường, cho nên nghe hơi phô (faut) và làm câu hát mất đẹp. Những lỗi nhỏ này các ca sĩ tượng đài gần như không bao giờ mắc phải, khi họ chải hơi dài trên một nốt (tenuto) hay như mèo vuốt (staccato) trên một nốt, là cả một công trình nghiên cứu và luyện tập chứ không phải hát đại, hát cho có hát.

Sự chải âm đặc biệt nhất tôi thấy nơi ca sĩ Việt Nam là Trần Hồng Nhung - Bống trong bài Thu Cô Liêu (Văn Cao). Khi một danh ca bẻ âm, thì có nghĩa là bài hát cần bẻ âm, như Thái Thanh hát ài Đôi Mắt Người Sơn Tây, bà hát bẻ chữ "uẩn" một cách tuyệt vời trong câu "u uẩn người tiển biệt". Khi người đẹp Tây Thi nhăn mặt, thì càng đẹp, nhưng kẻ vụng về không khéo đi bắt chước người đẹp nhăn mặt, không chừng như con khỉ. Điều này làm tôi nhớ giọng hát của Ngọc Hạ, cố hát bài Dòng Sông Xanh, bắt chước lối uốn éo của Thái Thanh, giống Thái Thanh đến lạ lùng, nhưng có nhiều đoạn "nhăn mặt" hơi quá, nên đâm ra dị hợm, kỳ quái khiến phát ngượng cho người nghe. Tôi đồng ý với Ánh Tuyết là cô hát giọng tự nhiên, có đôi lúc hơi giống Thái Thanh, nhất là ba bài Hội Trùng Dương, nhưng Ánh Tuyết hoàn toàn độc lập với chất giọng tuyệt vời của mình, không hề mong muốn bắt chước sư mẫu Thái Thanh. Cái mà tôi khó chịu khi nghe Ánh Tuyết tâm sự lúc phỏng vấn, đó là cái ngã của Ánh Tuyết quá cao, tự vẽ vời mình, khiến chính hình ảnh của cô mất đẹp.

Nhân tiện, tôi cũng so sánh đôi chút giọng của Ánh Tuyết và Sao Mai. Sao Mai có cùng chất giọng với Ánh Tuyết, chỉ kém phần nội lực và khi cần nhỏng nhẻo Sao Mai không biết, nên Ánh Tuyết lừng danh toàn quốc sau lời khen của Văn Cao, còn ca sĩ Sao Mai của tôi còn đang xây dựng sự nghiệp, dù rằng bản chất hai người không cách xa nhau. Nếu Sao Mai đọc những giòng này, cố gắng nhả chữ thật đúng lúc, biết chải âm, biết quào âm và thỉnh thoảng đùa hơi cho nhỏng nhẻo, tôi dám cám đoan Sao Mai sẽ còn tiến rất xa. Sao Mai không nên chỉ biết hát một cách chân thành, mà thỉnh thoảng nên biết đùa nghịch với âm thanh. Có những giọng hát hay, nhưng có những giọng hát vừa hay, vừa sexy. Các giọng hát đại danh ca tôi đề cập ở đây, đều vừa hay, vừa sexy. Tôi sẽ giải thích thế nào là giọng hát sexy, và trình bày về các giọng hát sexy VN để giới thiệu với các bạn.

 

                                                                                                                                   
                                                                                                                           Paris, một mùa trăng

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập