Hạnh Phúc Trở Về

Đã đọc: 1090           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Từ nhỏ tôi đã sống cuộc sống kham khổ, bởi nhà tôi thuộc dạng nghèo nhất nhì trong trấn. Con phố nhỏ nơi tôi sinh ra người lớn suốt ngày đi tha phương cầu thực, chẳng hiểu từ lúc nào trong phố chỉ còn các mẹ và đám trẻ nhỏ quẩn quanh. Đàn ông trong phố không giong buồm ra ngoài khơi xa thì cũng đi tìm vùng đất mới, để các mẹ, các chị cứ chờ, chờ những trụ cột trong gia đình hoài trở lại.

 

Chỉ còn hai mẹ con trong ngôi nhà cô quạnh, đôi khi tôi cũng rướm buồn trước cảnh cô đơn nhưng rồi nhìn mẹ, nhìn sự ngóng chờ, tin tưởng mẹ giành cho ba nơi phương xa tôi càng dấy lên niềm tin về người ba chưa bao giờ biết mặt. Khi tôi lên mười, tôi hay trách mẹ phí hoài thời gian vô ích qua những lần chờ, để rồi bao người đàn ông hiếm hoi trong thôn dạm hỏi mẹ cũng bỏ qua với niềm tin bất diệt. Ba tôi theo những người đàn ông trong phố đi tìm vùng kinh tế mới đã được mười năm, ba đi vài tháng thì tôi sinh ra, ngày ấy phố nghèo bị cơn đói quật ngã nên dù vợ đang mang thai sắp tới ngày sinh ba vẫn cắn răng đi làm xa kiếm tiền .Rồi tôi sinh ra mà không biết mặt ba, rồi cứ thế bằng bẵng tám năm, chúng tôi chỉ “giao tiếp” qua những bức thư khi tôi biết đọc. Không nhiều .Có khi 1 tháng một bức, có khi vài tháng mới được một bức. Ba tôi dong ruổi khắp nơi, ba đi làm thợ xây hay đãi vàng gì đó, tuổi tôi hãy còn nhỏ quá không hình dung ra được .Có nhiều lần nhớ ba tôi ứa nước mắt, dường như mối dây của tình phụ tử có gì đó như ràng buộc nhau, dù chưa gặp mặt cũng thế thôi, tình phụ tử vốn là mãnh liệt và bất diệt, nó dấy lên mỗi lúc một mạnh mẽ mỗi khi tôi thấy mẹ gục ngã, mỗi khi tôi nhìn những người đàn ông bắt đầu về trong xóm, hay mỗi mùa tết, mỗi mùa khai trường, tôi thèm được ba đèo đi trong những lúc nắng sang.

Nhiều lúc leo lên mỏm đá thấp sau làng tôi hay quay sang hỏi Phong “có khi nào ba đã quên Vân không Phong nhỉ?”. Phong chỉ lắc đầu, không nói, cậu ấy ném một cục đá xuống biển rồi nhìn tôi : ”Đến khi nào Vân có đủ dũng cảm xuống tìm hòn đá ấy thì hãy bắt đầu thắc mắc để đối mặt với sự thật”. Phong biết tôi sẽ không bao giờ đi tìm hòn đá ấy, và đó cũng là cách Phong an ủi tôi, dẫu một đứa trẻ nít chỉ biết cách duy nhất quên đi niềm đau là trốn tránh đi sự thật.

Phong là con cô Thu nhà hàng xóm, ba Phong cũng đi làm xa như ba tôi rồi lấy vợ khác, bỏ mình cô Thu nuôi con suốt mấy năm nay. Phong đen nhẻm, không đẹp trai, mà mới chục tuổi đầu thì có đẹp trai cũng không để làm gì. Nhưng Phong luôn tỏ ra mình là người lớn, dù cậu ấy đôi khi cũng con nít lắm, cứ nhảy cẫng lên khi được mẹ tôi hay cô Thu cho quà bánh khi đi chợ về. Chỉ một lần tôi thấy Phong khóc, đó là lúc cô Thu khóc dữ nhất khi nghe tin chồng cô muốn chia tay, mẹ tôi cũng khóc an ủi cô Thu, mẹ khóc vì cô Thu là bạn thân mẹ, mà cũng vì mẹ sợ… Tôi nhớ hồi ấy bà con trong xóm tới đông lắm, toàn các mẹ các chị tới an ủi nhau lay lắt qua ngày, trong khung cảnh bề bộn ấy ,Phong ngồi im bất động, cậu ngồi ngoài hiên, một giọt nước mắt duy nhất rơi, cậu đưa tay quệt ngay rồi chạy vào ôm mẹ, từ đó tôi không bao giờ thấy cậu khóc nữa. Đó là chuyện hai năm về trước. Phong cục mịch. Dù tỏ ra người lớn nhưng cậu ấy vẫn cục mịch, cậu ấy còn rất nhỏ nhưng đã làm đủ thứ việc từ cấy rơm, làm ruộng, đan lưới đến dọn dẹp, quét dọn nhà cửa rồi chăn heo, chỉ khi mệt mỏi quá, cậu ngồi thừ ra rồi luôn xong tất cả ngay trước khi cô Thu về. Phong với tôi là bạn thân từ thuở lọt lòng, chúng tôi lớn lên bên nhau , rồi học cùng lớp, cùng trường.

Phong hay dắt tôi đi thả diều rồi đi chăn bò, lúc rảnh hai đứa lại chạy ra biển, nhìn tít ngoài khơi xa rồi tôi sẽ tâm sự cùng Phong những điều làm tôi bận tâm. Cậu chỉ nghe tôi nói chứ không kể gì về chuyện của mình,”với Phong bây giờ, như thế này đã là hạnh phúc nhất”. Cậu ấy nói thế và không bao giờ nhắc lại nữa. Trong cái hạnh phúc đó có tôi không? Nhiều lần tôi hỏi nhưng Phong không trả lời.

Khi tôi lên 15, ba vẫn chưa về. Tôi đi học xa, thi thoảng mới về thăm mẹ, Phong đã nghỉ học vì cô Thu không có điều kiện., Thế là chúng tôi xa nhau. Mỗi khi tôi về, tôi hay phụ mẹ đi cắt lá dứa, còn Phong hì hục dưới bếp nấu nước đường cho mẹ gánh đi bán. Biết mẹ cực khổ ở quê nhà, biết quang gánh đậu hũ mẹ oằn nặng thêm sau mỗi chiều tôi càng trân trọng từng đồng tiền mình kiếm được, Nhiều khi trên phố xa lạ quá tôi chỉ muốn ùa về thấy mẹ , thấy Phong,thấy bà con chòm xóm, đô thị giờ xô bồ quá…

Ba về vào một ngày hè cháy nắng. Người đàn ông ấy đứng ở cửa nhìn tôi rồi tự nhiên khóc òa ,”là con đấy à,Vân?”. Tôi khựng lại, mẹ chạy ra ôm chầm lấy ba, rồi kéo tôi lại phía ba, khi ba đưa tay ra không hiểu sao tôi lại thụt tay lại rồi lùi mấy bước. Người đàn ông đứng trước mặt mình là ai? Là ba, ừ tôi biết đó là ba chứ, chỉ là, có cái gì đó đột ngột quá, có cái gì đó mau quá, tôi chưa chuẩn bị tâm lý. Tôi không biết nên tới ôm ba, rồi làm gì nữa, rồi nói gì với ba. Tôi sợ tôi làm điều gì đó không tốt thì ba sẽ lại đi rất xa .Thế là tôi bỏ chạy, sau lưng tôi là tiếng ba gọi với ”Vân…Vân…”

“Phong biết Vân ở đây mà”. Cậu ấy ngồi thụp xuống cạnh tôi. ”Chả hiểu cái tảng đá ê mông này có gì mà Vân thích nhỉ? cứ ra đây mỗi khi buồn”. Tôi nhìn Phong cười ”không phải Phong cũng ở đây sao ”Phong không nhìn tôi, cậu ấy nhìn bâng quơ, tôi nghe như trong gió có tiếng ai nói “ở nơi đó có Vân”… Phong không nói gì nhiều, cậu ấy kể cho tôi nghe một câu chuyện, câu chuyện về một cô nhóc luôn hỏi cậu ấy ba có thương mình không, cô bé ấy khóc khi thấy ba người khác, rồi lại muốn được ba ôm vào lòng, cô bé đã chờ đợi ba suốt mười mấy năm trời,và rồi cậu nói “cô bé ấy biết cách để mình không hối hận”. Nghe tới đó mắt tôi nhòa lệ, tôi ôm chặt vai Phong còn cậu ấy nhìn xa xăm ra biển. Rồi Phong đưa tôi về đẩy nhẹ tôi về phía ba, thì thầm vào tai tôi một câu thật nhỏ rồi trở vào nhà. Tôi ôm ba khóc không thành tiếng, bao nhớ thương dồn nén, ba đã trở về và sẽ không đi xa nữa… Khi ôm ba tôi khẽ nhìn sang nhà hàng xóm, Phong đang cười, tít cả mắt. Và trong gió có tiếng của ai đó thì thầm vào tai tôi “trong hạnh phúc của ba Vân có Vân, và …tớ cũng thế”

 

  

Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Đăng nhập