Khi con người có đạo đức

Đã đọc: 4013           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sống tốt, sống đạo đức và có nghề nghiệp chân chính, để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội. Ngoài ra chúng ta còn phải có lòng thương yêu bình đẳng với tất cả mọi người, thấy ai bị bất hạnh khổ đau thì ta tìm cách san sẻ và giúp đỡ, họ là người đáng thương hơn đáng trách.

Khi chúng ta có được sự hiểu biết chân chính, tin sâu nhân quả, biết làm lành lánh dữ, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người không có điều kiện để được học hỏi Phật pháp.
 
Điều thứ 9 này rất quan trọng và cần thiết, đã làm người ai cũng phải làm sao phấn đấu cho bằng được để thể nhập Phật tính sáng suốt mà biết cách làm chủ bản thân. Thế nên, khi chúng ta có được sự hiểu biết chân chính, tin sâu nhân quả, biết làm lành lánh dữ, chúng ta hãy nhớ nghĩ tới những người không có điều kiện để được học hỏi Phật pháp.
 
Do đó, khi ta có đời sống ổn định về vật chất lẫn tinh thần, ta phải nhớ nghĩ và tìm cách động viên an ủi, những người còn đang lầm đường lạc lối, kẻ bất hạnh, họ đang sống trong biển khổ sông mê, giống như người ở trong nhà tối, ta có nhiệm vụ đem ánh sáng tới để phá si mê, tối tăm mờ mịt cho họ.
Con người muốn bảo tồn mạng sống và được tái sinh trong ba đường lành hoặc được giác ngộ, giải thoát viên mãn, thì phải biết kết hợp giữa thân và tâm. Chúng ta muốn thân hành động đúng đắn có lợi ích cho nhiều người thì tâm phải biết đạo diễn đi theo chiều hướng thượng mới giúp ta, biết cách làm chủ bản thân mà chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau thành an lạc, hạnh phúc.
 
Khi gia đình ta có chuyện mất mát đau thương, ta hết sức tha thiết chí thành, cầu khẩn van xin Phật gia hộ cho được tai qua nạn khỏi. Nếu chẳng may được như ý, thì ta cho là Phật linh thiêng, có khả năng ban phước giáng họa nên ta tiếp tục đi chùa lễ Phật, để cầu khẩn van xin những nhu cầu cần thiết khác.
 
Ta hãy nên biết rằng chính mình ăn ở hiền lành, làm nhiều việc tốt đẹp trong quá khứ và hiện tại, cho nên qua được cơn hoạn nạn hiểm nghèo, chứ không phải do cầu khẩn, van xin mà được tai qua nạn khỏi. Bằng như không được toại nguyện, ta dễ dàng sinh lòng trách móc oán hờn, phỉ báng Phật pháp không từ bi thương xót, không linh thiêng mầu nhiệm, nên từ đó ta có thể tự đánh mất chính mình mà đi theo con đường tà đạo.
 
Có nhiều người cầu khẩn van xin Phật không có kết quả, bèn đến các lăng tẩm chùa ông, chùa bà hoặc đến chỗ ông lên bà xuống, miểu ông miếu bà, để khấn vái van xin, phó thác con cái bệnh hoạn khó nuôi, xin bùa hộ mạng đeo trong người, xin phép làm ăn một vốn mười lời. Nếu những nơi đó có khả năng làm được như vậy thì coi như thế gian này làm sao có bất hạnh khổ đau, trong khi đó số người nghèo khó bệnh tật thiếu thốn khó khăn lại quá nhiều.
 
Cuộc sống của chúng ta luôn phải đối mặt với những bất hạnh khổ đau,  cho nên ta hay sống trong sự lo lắng, sợ hãi. Khi gặp khó khăn hoặc bị mất mát, chúng ta thường tìm cách nương tựa vào một đấng quyền năng nào đó để cầu khẩn, van xin, mong được sự bảo bọc của đấng bề trên. Trong kinh Phật dạy ngoài tâm cầu Phật tức là ngoại đạo. Bởi vì "Phật tức tâm, tâm tức Phật", ngoài tâm không có Phật, Phật chính là tâm thanh tịnh, sáng suốt ngay nơi thân này của mỗi người.
 
Tu để chuyển hóa phiền muộn khổ đau
 
Như chúng ta đã biết, đã làm người ai cũng đều có những tâm niệm xấu ác cho nên chúng ta cần phải tu, cần phải sửa, cần phải chừa bỏ như tham lam, sân hận, si mê, kiêu ngạo, nghi ngờ, đố kỵ, tị hiềm, ganh ghét, hơn thua, cố chấp, che giấu, bỏn sẻn, keo kiệt, ích kỷ, dối trá gạt gẫm, lười biếng ăn không ngồi rồi. Chúng ta cần phải chuyển hóa từ bỏ những tâm niệm trên, như vậy mới gọi là người tu hành chân chính?
 
Thường những chướng duyên nghịch cảnh là điều lợi ích trên con đường tu đối với các vị đang hành Bồ-tát đạo, vì đó là cơ hội để Bồ-tát biết cách an nhẫn, để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Ngược lại, những người chưa đủ niềm tin về nhân quả, sẽ cho đó là chướng duyên, nên đa phần đều oán trời trách đất và không kham nhẫn để vượt qua mà phải chịu nhiều phiền muộn khổ đau.
 
Tục ngữ Việt Nam có câu: Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Câu nói này dân gian cho rằng tu tập tại gia là việc dễ nhất, bởi vì các thành viên trong gia đình đều là những người thân yêu, nên mọi việc đều có thể cảm thông và tha thứ hơn, dễ bỏ qua những lỗi lầm sai trái, như cha mẹ thương con, vợ chồng thương yêu, anh chị em vui vẻ thuận thảo với nhau.
 
Kế đến, khi ra chợ làm ăn mua bán, mà muốn tu thực là không phải dễ, bởi vì những người ở ngoài chợ tập trung nhiều thành phần khác nhau, mua bán giống như làm dâu trăm họ, nếu không khéo một chút thì mất mối! Vô chùa tu lại càng khó hơn, bởi vì giới luật nhà chùa, khắc khe nghiêm ngặt, thường được sự giám sát của các bậc đạo cao đức trọng, sống muốn ít biết đủ, ăn chay và đi ngược lại sự ham muốn của người đời.
 
Nhưng thực chất tu ở chùa là dễ dàng nhất, bởi vì không phải lo chuyện tính kế sinh nhai, không bận rộn hay bị tiêm nhiễm chuyện thế gian, có thầy lành bạn tốt sách tấn tu hành. Còn tu tập tại gia là việc khó khăn nhất, bởi vì người trong gia đình quá quen thuộc, cho nên dễ lờn mặt, khó tu khó sửa, tình cảm luyến ái nặng nề, không người nhắc nhở, khuyến khích tu tập, do đó mà bụt nhà không linh, không thiêng là vậy đó.
 
Hơn nữa cuộc sống thế gian của người tại gia, đủ thứ cám dỗ, và rất nhiều cái bẫy đang giăng sẵn chực chờ nào là bẫy tiền tài, bẫy danh vọng, bẫy sắc đẹp, bẫy ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, vã lại với đủ thứ phiền não, khổ đau cuộc đời, suốt ngày bận rộn với công kia việc nọ, không có thời giờ, thì thử hỏi làm sao tu được?
 
Tu chợ so với tu nhà thì ít khó hơn, bởi vì mỗi ngày chỉ đi chợ chừng một tiếng đồng hồ là nhiều, có khi mỗi tuần chỉ đi chợ năm ba ngày, tu ngoài chợ chỉ cần nhỏ nhẹ, tế nhị, bán đúng giá thuận mua vừa bán, thường thì người mua dễ bị lầm hơn.
 
Vậy theo quan niệm nào mới thật sự là đúng? Thật ra mỗi chỗ mỗi nơi đều có cái khó riêng của nó, ai có duyên tu trong điều kiện nào thì chỗ đó là số một. Tu chợ, tu tại gia rất cần thiết cho đại đa số quần chúng bởi vì nó là nhân tố nền tảng đối với gia đình và xã hội. Tóm lại, bất cứ hoàn cảnh nào, dù dễ hay khó, chúng ta phải cố gắng tu vì đó là quyền lợi của bản thân, mình không biết tu thì sẽ gánh chịu hậu quả khổ đau, tu được mình sẽ an lạc, hạnh phúc!
 
Phật dạy yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được như ý khổ. Nhờ có khổ như vậy nên chúng ta mới đến chùa tìm hiểu học hỏi, mong sao để được hết khổ. Nhưng phần đông rơi vào tình trạng lấy cảnh chùa làm nơi trốn tránh cuộc đời, trốn tránh trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân.
 
Tu học là nhằm mục đích để tỉnh thức, nhận ra những điều sai lầm mà trước đây mình không hề hay biết. Ai cũng muốn được thương yêu một cách bình đẳng. Ngày nay, vợ chồng ly dị là chuyện thường. Sống chung mà không biết thương yêu nhau, chỉ làm khổ nhau thì tốt hơn là nên ly dị. Nhưng nhiều khi ly dị xong ta lại cảm thấy cô đơn, muốn đi tìm một người tình khác để yêu, để cưới và để rồi lại ly dị. Tại sao lại như vậy, tại vì mình không biết nhường nhịn và sẻ chia, không biết cảm thông và tha thứ cho nhau.
 
Nhiều lúc khổ quá, muốn đi tu, nhưng tu làm sao cho yên khi tình cảm dành cho nhau vẫn còn ướt át? Và chúng ta nên nhớ tu không phải là dứt hết tình nghĩa, mà là thay đổi quan niệm sống để không quá bi lụy trong tình yêu. Nếu chúng ta dứt hết tình cảm thì đâu còn là người nữa, tu như vậy vô tình chúng ta ví mình như gỗ đá và trốn tránh cuộc đời?
 
Tu là sửa, là chuyển hóa, là thay đổi, là từ bỏ, chuyển khổ đau thành an vui hạnh phúc, chuyển tình thương yêu ích kỷ, thành tình thương yêu bình đẳng, vị tha. Vào chùa học đạo mà chỉ biết thương Phật tượng, Phật gỗ mà không biết thương yêu giúp đỡ mọi người thì đó chưa phải là người tu hành chân chính.
 
Có khi nào trong cuộc sống với bộn bề công việc, ta biết dừng lại để tự hỏi chính mình sinh ra đời để làm gì? Chắc chắn ai cũng nói rằng để lập gia đình, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường? Ðể gầy dựng sự nghiệp tương lai cho bản thân và gia đình? Từ quan niệm đó chúng ta chạy theo tiền tài, danh lợi, địa vị, tình yêu, sắc đẹp, của cải, và ăn sung mặc sướng nên ta mặc tình gieo tạo tội lỗi!
 
Thật chất ta lớn lên lấy vợ lấy chồng không phải để thỏa mãn tình cảm nhục dục hay lấp vá khoảng trống cô đơn, mà là để học sự thương yêu trong hiểu biết và biết cách hòa hợp của hai trái tim, khi sống chung với nhau trong một mái ấm gia đình.
 
Tất cả mọi người trên thế gian này ai cũng phải điều biết "tu tâm", nghĩa là chúng ta chừa bỏ những tâm niệm xấu ác có tính cách làm tổn hại cho người và vật. Nhờ vậy, chúng ta ngày càng mở rộng tấm lòng từ bi rộng lớn, để đem niềm vui làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh, bằng tình người trong cuộc sống.
 
Con người có tu mới sống được an vui hạnh phúc và khi gặp cảnh mất mát khổ đau của bản thân và gia đình, cũng không làm cho ta phải thất chí nản lòng vì ta đã có niềm tin nhân quả, niềm tin chính mình, hạnh phúc hay khổ đau là do mình tạo lấy. Chúng ta đã gieo nhân trước kia thì giờ đây gặt quả, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, kết quả tốt hay xấu khi hội đủ nhân duyên quả báo liền đến.
 
Trong cuộc sống của chúng ta ai cũng mong cầu hạnh phúc nên suốt đời cứ mãi tìm kiếm để vượt qua hai điều thiếu thốn: Thứ nhất là thiếu thốn về vật chất và thứ hai là thiếu thốn về tinh thần. Người thiếu thốn về vật chất thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, có khi không nhà cửa hoặc có thì với túp lều lụp sụp, thân phải khổ sở nhọc nhằn làm thuê làm mướn, đầu tắt mặt tối mà nợ nần vẫn chồng chất.
 
Người thiếu thốn về tinh thần thì tham lam, ích kỷ, gian xảo, dối trá, ganh ghét tật đố, lường gạt, đầu trộm đuôi cướp gây ra nhiều tội lỗi làm tổn hại đến gia đình người thân và xã hội. Thế gian con người chỉ lo thiếu thốn về vật chất, mà ít ai nghĩ ngợi và lo lắng đến tinh thần!
 
Gia đình người thân biết tu tâm, thì mới được bình yên, an vui, hạnh phúc. Xã hội biết tu tâm, thì đất nước mới an cư lạc nghiệp trên tinh thần đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Thế giới ai cũng biết tu tâm, thì mọi người sống trong hòa bình. Phật tử biết tu tâm, mới mau vượt qua biển khổ sông mê.
 
Một người biết làm lành, tránh xa những điều xấu ác thì người ấy trở nên hiền từ và đức độ. Cả gia đình đều tránh dữ làm lành, thì mọi người đều được bình yên, hạnh phúc. Cả nước đều tránh giữ làm lành thì tất cả mọi người đều sống trong an lạc, thái bình. Hết thảy mọi người đều tránh dữ làm lành, thì chúng ta sẽ sống trong thế giới đại đồng, hưởng trọn vẹn niềm vui cực lạc.
 
Tâm là "cái hiểu biết phân biệt tốt xấu, đúng sai", hay gọi là phần tinh thần. Tâm không có hình tướng dài, ngắn, vuông, tròn, hay có màu sắc xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, nâu. Chúng ta không thể dùng con mắt mà thấy được tâm; cũng không thể dùng tay chơn sờ mó rờ đụng được tâm; chỉ thấy cái tác dụng của nó qua mắt tai mũi lưỡi thân ý, nên biết có tâm.
 
Cũng như "điện", người ta không thể thấy nghe hay rờ mó được điện; chỉ do thấy cái tác dụng của nó mà biết có điện. Như cho điện vào bóng đèn thì thấy đèn sáng, cho điện vào quạt thì thấy quạt xoay, cho điện vào bàn ủi thì thấy nóng, cho điện vào tủ lạnh thì thể lỏng đông đặc lại v.v…. Chính vì vậy mà người ta biết là có điện. Tâm Phật chúng ta cũng lại như thế, vì nó có tác dụng thấy, nghe hay biết mà không dấy niệm phân biệt tốt xấu, đúng sai v.v… nên chúng ta biết có tâm.
 
Nhưng tâm chia ra làm hai phần: Tâm chơn còn gọi là tâm thường biết rõ ràng, tâm vọng còn gọi là tâm phân biệt hư dối. Tâm chơn thì không thể dùng lời nói luận bàn, hay ý thức suy nghĩ mà được, chỉ thấy nghe hay biết mà không vọng động, hình ảnh sự vật như thế nào thì biết rõ như thế đó. Tâm vọng hư dối là hay suy nghĩ phân biệt tốt xấu, đúng sai, ta người…..
 
Chúng ta làm chủ bản thân qua suy nghĩ, lời nói rồi dẫn đến hành động chân chính bằng sự tỉnh giác trong từng phút giây, nên ta có thể cảm nhận được bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Người Phật tử chân chính sẽ nhìn thấy tất cả mọi sự việc xãy ra, đều có thể giúp cho chúng ta đạt được bình yên, hạnh phúc trong giờ phút hiện tại bằng cách buông xả mọi tâm niệm xấu ác. Nếu ai cũng sống và thấy như vậy, thì việc tu hành của mình sẽ mau chóng thành tựu, vì chúng ta thấy ai cũng là người ơn của mình, không thấy ai là kẻ thù chỉ có người chưa thông cảm với ta mà thôi.
 
Khi chúng ta đã biết thế nào là tu tâm rồi, việc kế tiếp là phải cố gắng sửa đổi tâm tính của chúng ta, phải quyết chí chừa bỏ những thói hư, tật xấu, phải chiến thắng những tâm niệm tham lam, sân hận, si mê, phải từ bỏ những lời nói ác độc, ganh tị, đố kỵ, phải vứt đi những hành động xấu xa tội lỗi, và sát sinh hại vật.
 
Chúng ta vì không chịu tham cứu kinh điển, học hỏi suy xét, quán chiếu lời Phật dạy, nên ta mới mắc phải những sai lầm đáng trách như vậy, vì chúng ta không có niềm tin sâu sắc đối với nhân quả.
 
Phật dạy hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp. Chúng ta muốn tu tâm dưỡng tánh trước tiên phải tin sâu nhân quả, hãy tự mình quán chiếu, soi sáng lại chính mình để nhìn thấy rõ những tâm niệm sai lầm mà tìm cách chuyển hóa thay đổi theo thời gian, bởi vì, ”giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.
 
Kế đến chúng ta từng bước dẹp bỏ tâm xấu xa độc ác, phát triển tâm từ bi trí tuệ. Tu là điều kiện tất yếu không chỉ dành riêng cho Phật tử mà tất cả mọi người muốn hết khổ được vui đều phải tu, không ai có thể ban phước giáng họa cho ta.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập