Nhân chuyến từ thiện tại làng mù Sóc Trăng: Mù Mà Sáng

Đã đọc: 4862           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Xuất thân từ vùng đồng bằng sông nước, nhưng bước chân tôi chưa rảo bước hết chốn đồng quê. Những địa danh gắn bó nghìn đời với tổ tiên sông núi như những tiếng gọi thoi thúc cõi lòng muốn trở về thăm lại dù chỉ một lần. Đường về quê ngoại xa xăm dịu vợi phải đi ngang qua vùng đất này mới tới.

Bạn bè góc ở Sóc Trăng không nhiều, nhưng duyên may thấu hiểu, cảm thông tấm lòng của người Sóc Trăng thì không nhỏ. Nghe ông bạn thơ và một vài Phật tử giới thiệu về Vĩnh Châu nhiều lắm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có dịp đặt chân lên mảnh đất hiền hòa trải qua biết bao thăng trầm dâu bễ. Dù gì đi nữa, quê hương Sóc Trăng và vùng đất Vĩnh Châu vẫn là nơi rộng mở tầm tay đón nhận 3 thành phần dân tộc: Kinh, Khơ-Me và người Hoa đã và đang tồn tại với năm tháng thời gian, để rồi sẽ đọng lại trong trái tim người du khách những dấu ấn không hề phai nhạt.

Vì lượng thời gian ngắn ngủi, nên tôi chưa có kịp tìm hiểu về Vĩnh Châu. Đến đây, một phút loáng thoáng trong đầu những kiến thức xưa hiện về. Vĩnh Châu là nơi có bờ biển dài, ngành thủy sản đánh bắt không phải nhỏ. Vĩnh Châu còn có ruộng muối phong phú, đất đai canh tác trồng lúa và hoa màu phì nhiêu chẳng thua kém nơi nào. Những năm qua, người dân địa phương còn khéo léo kết hợp đầu tư nuôi tôm cá trong đất canh tác của mình để có đủ sản lượng tôm cá cung cấp khắp nơi. Sao người dân nơi đây vẫn chưa khấm khá? Ngoài ra, đất Vĩnh Châu xưa nay còn gắn bó với nghề trồng củ hành tím. Nghe người địa phương nói, những nông dân trồng củ hành tím đã ít nhiều bị cướp đi thị lực và ảnh hưởng rất lớn đến đôi mắt của họ. Vì vậy, đa số người dân làm nghề này đều bị mù mắt và đời sống vốn dĩ khó khăn nghèo thiếu trở nên nghèo thiếu khó khăn hơn! Viết đến đây, dòng xúc cảm trào dâng, tôi ngậm ngùi đau sót cho số phận Vĩnh Châu nên vội viết vài câu thơ sau:

Vĩnh Châu gắn với củ hành

Nắng vàng lóng lánh màu xanh ruộng đồng

Thương người mù mắt long đong

Muối-Tôm, cây lúa chẳng xong cuộc đời…

Tiếp xúc với những thành phần khiếm thị, tôi vừa thương cảm cho nghiệp duyên của họ, vừa liên tưởng đến đời sống thực tế mình thường tiếp xúc. Biết bao người đủ đầy phước duyên còn đôi mắt long lanh, nhưng họ không biết trân quý, không thấy đời mình tuyệt vời hạnh phúc. Bên cạnh đôi mắt long lanh đó, thay vì tìm cách soi đường dẫn lối cho cuộc sống thêm vui, cuộc đời bớt khổ, họ bị tiếng gọi kim tiền che mờ đôi mắt, rồi chạy theo những dục vọng thấp hèn, bằng thủ đoạn tinh vi xảo trá!

Trong lúc trao quà cho những người khiếm thị tại đây, Truyện Cô Gái Đồ Long của Kim Dung sống lại trong ký ức tôi. Hình ảnh Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, một đời hiên ngang khí phách hiện về. Lúc còn trai trẻ, như bao thanh niên cùng thời, ông cũng nuôi tham vọng trở thành võ lâm minh chủ. Cuối cuộc đời, ông lại giác ngộ tu hành nhờ tự nguyện trói tay cho Chùa Thiếu Lâm nhốt dưới mật thất. Thời gian nằm ung dung nơi này, nhờ Tứ Đại Thần Tăng thuyết pháp, nhờ tiếng chuông chùa, nhờ những thời công phu tụng niệm của chư Tăng, tâm hồn ông tĩnh lặng, nhìn lại bao nông nỗi nhứt thời của tuổi trẻ. Ông chợt tĩnh ngộ, phũi bỏ mọi nghiệp chướng oan gia và chấp nhận hình phạt của võ lâm đồng đạo.

Cuộc đời của Tạ Tốn, anh dũng nhưng ngang tàn, dám làm dám chịu, chẳng khuất phục một thế lực đen tối nào, dù thế lực đó được che đậy bởi màn the ‘danh môn chánh phái’. Do vậy, Tạ Tốn luôn bị những thế lực đen tối hảm hại chẳng chút nương tay. Họ ném đá dấu tay, đổ lỗi cho ông gây tạo. Nhưng cái hay đáng nể phục của Tạ Tốn là hoan hỷ chấp nhận những nguyền rũa của tha nhân, những oán thù của nhân thế. Thậm chí có người ‘thừa nước đục thả câu’, thừa cơ hội ‘nhà dột bìm-bịp leo’ phun nước miếng, xỉ vả vào mặt. Nhưng Ông vẫn thản nhiên vui vẻ chấp nhận trả những món nợ giang hồ mà không một lời than vãn, không cho con nuôi của mình là Trương Vô Kỵ tham gia bảo vệ hay trả thù. Cuối đời, chính Tạ Tốn là người hồi đầu hướng thiện, muốn chấm dứt nghiệp báo oán thù bằng hành động cao thượng đạo đức, cái đạo đức hết sức bình thường trong giới võ lâm và mọi người nơi chốn trần gian ít nhiều phải biết!

Ấy vậy mà có những người đầu mình tứ chi đầy đủ, đôi mắt họ mở nhưng trái tim lại đóng. Con tim chay sạn, khô cứng bởi những lợi danh, quyền thế địa vị ảo huyền. Chỉ vì một chút mâu thuẩn nội bộ, không thỏa mãn quyền lợi cá nhân, họ sẵn sàng làm ngơ, quay lung bịt mặt, nhắm mắt thẳng tay cho vọng trần phủ mờ chân tánh.

Người mù trực tính như Tạ Tốn bị Thành Khôn nham hiểm độc ác hãm hại. Ngoài miệng Thành Khôn dùng đủ chiêu bày và nhiều danh ngôn mỹ từ để triệt hạ bại hoại võ lâm. Phải chăng Thành Khôn ngày xưa và Thành Khôn ngày nay có khác? Nếu có khác chỉ là cách thức và phương tiện hảm hại thật tinh vi hơn xưa mà thôi!

Từng đoàn người khiếm thị dìu dắt nhau hướng về Tịnh Xá Ngọc Châu Như một cách thương yêu và vô cùng trật tự. Có lẽ nhờ sự giáo dục của quý Ni sư nơi đây, họ vào bên trong không dứt tiếng niệm Phật. Tôi vô cùng khâm phục những người khiếm thị này, vì nơi họ, tôi không thấy thái độ tranh giành hơn thua, hay những hành động hung hiểm. Họ thật sự biết thương yêu và xẻ chia những đắng cay ngọt bùi cho nhau. Họ dìu đỡ như anh em một nhà. Tiếp chuyện với hơn 700 con người khiếm thị này, dù thức khuya từ 4 giờ sáng, dù ngồi lâu trên xe hơn 5 giờ đồng hồ, dù đã hơn 12 giờ trưa, nhưng cõi lòng tôi không chút mõi mệt. Nhìn từng gương mặt của họ, tôi thấy rõ vẫn có điều gì mình cần phải học, đó là sức chịu đựng, lòng hoan hỷ chấp nhận cuộc đời. Vì nơi họ mắt đã mù lòa nhưng tâm hồn luôn tươi sáng!

Rời Vĩnh Châu trong nỗi niềm sót xa lưu luyến, đoàn từ thiện có dịp tham quan Chùa Dơi, một ngôi chùa Phật giáo Khơ-me rất nổi tiếng. Chùa có khuôn viên rộng trên 7 héc-ta, được dựng xây vào thế kỷ XVI. Những ngôi chùa Phật  giáo Khơ-me ở miền Tây đều thể hiện một nét đặt trưng như nhất là: vô số cây cổ thụ, đặt biệt là Dầu và Sao. Phải chăng, chính những loại cây này là điểm trú ẩn, là ngôi nhà hạnh phúc cho những loại ‘phi cầm tẩu thú’ có nơi nương tựa an bình vững chắc nhất? Chỉ có những mái chùa, những cây cổ thụ nhánh lá xum xuê, đặt biệt là tình thương yêu, tố chất Từ bi của đạo Phật làm cho những loài cầm thú trở về cư ngụ nơi đây như mái âm thương yêu nghìn đời. Có lẽ vì vô số chú dơi về đây lưu trú sinh trưởng, nên người dân địa phương gọi tên là Chùa Dơi cho dễ nhớ? Chứ bản thân ngôi chùa này chắc chắn không phải tên là Chùa Dơi! Cùng với Thầy Nhật Từ và mọi người trong đoàn bước vào bên trong chánh điện lễ Phật, tôi vô cùng sửng sốt trước vẻ đẹp mỹ thuật chạm khắc tinh xảo, hài hòa của 3 nền văn hóa: Khơ-me, Việt và Hoa. Cánh cửa chánh điện được sơn son thếp vàng, những bộ kinh văn phiên tả bằng tiếng Pali được viết trên những chiếc lá thốt nốt. Phải chăng, đó là một minh chứng hùng hồn về một thời đại hoàng kim của Phật giáo tại nơi này?

Cảm ơn tấm lòng ưu ái của Thầy Nhật Từ và quý Thầy Chùa Giác Ngộ. Cảm ơn chị Thanh Nhã, quý anh chị trong Quỹ Từ Thiện Đạo Phật Ngày Nay đã tổ chức một chuyến đi ý nghĩa tốt đẹp. Cảm ơn Chùa Đại Giác đã khoản đãi bửa cơm chiều chan chứa hương vị quê hương, đậm đà nghĩa tình đạo pháp. Tri ân Chùa Khánh Sơn đã cho một khoảnh khắc tâm linh bằng hình ảnh thân thương của Tứ chúng đồng tu. Cảm ơn những tấm lòng của những con người sẳn sàng sẻ chia, cắt bớt những sinh hoạt đời thường để đến với những người kém may mắn ở Vĩnh Châu và Bạc Liêu.

Tạm biệt Tịnh Xá Ngọc Châu Như ở Vĩnh Châu, vẫy tay chào những người tàn tật tại Chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu, tôi thầm nhắn nhủ với mọi người. Xin hay yên tâm, vì vẫn còn biết bao tấm lòng của những nhà hảo tâm xa gần, vẫn còn vô số con tim rung động tình yêu thương nhân loại của Phật tử. Bao nhiêu đó cũng đủ làm cho người mù có khả năng và nghị lực tỏa sáng tâm hồn! Bất chợt trong, trong tất cả mọi người mãi mãi vọng vang chất liệu yêu thương xuất phát từ tình cảm quê hương muôn thuở. Vì trong mỗi con người ai chẳng có nguồn cội, ai chẳng có một góc trời quê hương yên ả.

Ngày mai trở lại Sài gòn, nhịp sống thành đô sôi động, hơn thua được mất, nhưng những kỷ niệm đắng cay ngọt bùi ở một góc trời vẫn mãi ngọt ngào đượm thấm tình quê! Dù có tất bật hối hả xuôi ngược nơi phương trời góc biển nào, xin hay trở lại quê mình để nhận ra chính tại lòng mình sẳn có một quê hương diễm tuyệt!!!

Thứ Sáu, 11-09-2014-Giáp Ngọ

Tỳ kheo Thích Thiện Hữu

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập