Trường hạ Phật học viện Quốc Tế PL. 2557

Đã đọc: 4349           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Mỗi hành giả đều ý thức được rằng : đây là cơ duyên quý giá để kết nối Tình Pháp Duyên Tăng, chia sẻ tu học vì bản thể của Tăng già là đoàn thể của những người thanh tịnh sống theo Pháp Lục Hòa, khép mình trong Pháp và Luật.

 

Nắng Hạ chói chan khắp các miền

 

Hội ngộ an cư trọn phước duyên

 

Như bao sông lạch xuôi về Biển

 

Giới Đức dồi trao, ngát hương Thiền…

 

Tôi vừa đến sân Phật Học Viện Quốc Tế (PHVQT) liền gặp chư Tôn Đức Hòa Thượng hỏi : Sao Thầy Minh Tuệ đến trễ vậy, cuộc họp xong rồi? Tôi cảm thấyvừa vui,vừa ái ngại. Vui là vì Chư Tôn Đức quan tâm, chào hỏi, ái ngại là vì việc đến nơi hơi trễ của mình.

 

 

 

Đến 7 giờ tối thứ 2 (17/06/2013) cuộc họp Tiền An Cư và Cung An Chức Sự diễn ra. Đại chúng thảo luận về chương trình an cư và phân công các phân Ban lo việc an cư. Đó là một cuộc họp kéo dài với nhiều công việc. Tôi luôn rất ấn tượng với những lời Pháp nhũ, chỉ giáo, nhắc nhủ của Hòa Thượng Thiền Chủ. Với tuổi đời cao 85 như tuổi cha tôi, Ngài lại có thể đi chứng minh,tham dự Phật sự quan trọng khắp nơi và ban những lời Đạo từ, giáo huấn rất hàm súc, xác đáng, ý nghĩa trong mỗi trường hợp, quả nhiên Ngài còn rất minh mẫn, tỉnh táo, âu đó cũng nhờ đúc kết công lực tu hành cả đời của Ngài. Hòa Thượng sách tấn Đại chúng tinh cần tu học để có được một Khóa An Cư hoàn mãn tốt đẹp. Thượng Tọa (TT.) Viện Chủ trình bày những ưu tư lo lắng của TT khi số lượng người liên hệ xin tham gia an cư tăng liên tục trong khi điều kiện nơi ăn chỗ ở có giới hạn, TT đành khoá sổ lại trước cả tháng.  Dù vậy, TT vẫn tác bạch thưa trước là thật khó chu toàn cung ứng mọi bề cho Đại Tăng an cư với túc số vào khoảng 190 người và cung thỉnh Chư Tăng cứ tự nhiên sử dụng mọi tiện nghi đang có tại PHVQT, không cần cân nhắc hoặc tiết kiệm vì phụng sự Chư Tăng là ưu tiên hàng đầu của PHVQT. Chắc hẳn đây là một Đạo Tràng Tịnh Nghiệp An Cư với số lượng Tăng Ni Việt Nam đông nhất ở hải ngoại. phần tôi, ngoài tham gia theo các thời khóa tu tập hàng ngày, còn được phân công đóng góp sinh hoạt an cư với ba trách nhiệm : 1)  Thuyết Pháp cho Phật tử tại Chánh Điện vào đêm thứ Bảy (22/06/2013), 2) Trong nhóm 3 người đại diện cho đại chúng bên Tăng thảo luận một đề tài liên quan đến sinh hoạt Tăng đoàn mà mọi người quan tâm, 3) Trong Ban Duy Na - Duyệt Chúng vào thứ 2 (24/06/2013). Trách nhiệm 1 thì tôi nghĩ là mình đã quen cho dù là thuyết Pháp vào đêm thứ 7 cao điểm nhất. Trách nhiệm 2 thì thật là khó khăn vì đang trình bày trước chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni gần cả 200 người, phải làm sao cho có những điều mới mẻ, thu hút, gây cảm hứng để cho nhiều người cùng tham gia thảo luận chứ không phải mang tính cách trả bài, làm cho xong. Trách nhiệm 3 thì chẳng dễ dàng chút nào làm sao “duyệt chúng” cho chúng hòa vui trong suốt một ngày phụ trách trong khi chư Tăng đến từ 3 miền với nhiều trường phái nghi lễ khác nhau và nhiều người đăng đàn chẩn tế, nếu không khéo thì khác gì “múa rìu qua mắt thợ”. Dù sao thì cũng nguyện “con dốc lòng vì Đạo hi sinh”, Tăng Sai thì nào dám không vâng hành?

 

Một chi tiết tuy nhỏ trong phần “linh tinh” nhưng khiến tôi lại suy gẫm nhiều và ấn tượng. Đó là Hòa Thượng (HT) Trưởng Ban Tăng Sự đề nghị có thể dùng chén đĩa giấy cho quý vị cư sỹ giảm bớt phần công lao khó nhọc dọn rửa. Chỉ qua chi tiết ấy cũng biểu hiện từ tâm vô lượng, phương tiện tùy duyên, đơn giản, quán niệm bổn phận người tu sắp xếp sao gói ghém để khỏi tổn đức, giảm phước,…

 

Bắt đầu ngày an cư đầu tiên thứ Hai (ngày 17/06/2013), từng nhóm 3 người lên tác pháp xin nhập hạ an cư. Đọc lời tác bạch tùng chúng an cư 3 lần, tôi cảm thấy có niềm vui vì hai năm trở lại đây, mỗi mùa hạ tôi có phước duyên trở về sống với không khí chúng, trở về truyền thống sinh hoạt Tăng đoàn ngày xưa như khi xuất gia tại Tu Viện Nguyên Thiều, Bình Định, hòa mình với không khí tu học chung của Đại chúng sau bao nhiêu năm tháng ở xa chúng nơi các trú xứ Hoa Kỳ và đi các nơi dể học và lo Phật sự. Tất cả như dòng sông đều đổ về Biển, đều nhuần hương vị mặn, trong ý nguyện chung hòa hợp như nước với sữa. Hành trình của người tu gồm cả tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Những ngày tháng an cư là để cho chư Tăng vừa hạn chế đi lại làm thương tổn côn trùng sinh nở trong mùa mưa và đặc biệt là để thúc liễm tu tập, bồi dưỡng năng lực, hoàn thiện lẫn nhau. Năng lực nội thể nơi mỗi tu sỹ được bồi dưỡng, phát triển thì việc tu học và hành đạo càng vững chãi và hiệu quả hơn.

 

 

 

 

Thời khóa tu học trong một ngày một đêm 24 giờ có nhiều chương trình, thời khóa cho việc tu học. Ở các trú xứ làm Thầy, có Phật tử và thị giả lo cho các sinh hoạt hằng ngày, một vài tu sỹ cư trú trong một ngôi chùa cho nên phương tiện đầy đủ, phòng ốc rộng rãi,  mỗi tu sỹ có vài phòng để ở và sinh hoạt. Bây giờ nhập hạ, nhập chúng, nhiều người ở chung một phòng, nằm giườnghai tầng khiến tôi nhớ đến cư túc xá sinh viên, hoặc trong bệnh viện. Có nhiều thiếu thốn khó khăn về giờ giấc, chật chội, xếp hàng chờ đợi nơi các hành lang, tiện nghi công cộng, có những nhầm lẫn trong việc sắp xếp phòng ốc, chỗ ngồi, chỗ đứng trên chánh điện,… nhưng mọi người đều hoan hỷ vì đâu phải đến đây vì chỗ ngồi, hay chỗ nằm,..?

 

Mỗi buổi sáng bắt đầu bằng hồi chuông thức chúng vào lúc 4 giờ khuya. Đó cũng là giờ giấc sinh hoạt truyền thống Thiền môn như khi xưa ở Việt Nam. Nhưng về thời tiết, khác giờ giấc cũng như trong sinh hoạt chúng thì không dễ dàng an giấc mỗi đêm nhưng dù thế nào thì cũng phải thức dậy vào giờ thức chúng. Tu là cả một quá trình huấn luyện thân tâm và chinh phục bản thân, quả thật “chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”.

 

Mỗi ngày mỗi Ban Nghi Lễ khác nhau phụ trách, mỗi người mỗi vẻ nhưng giọng ngân nga của vị hô canh nào cũng hay. Bắt đầu một ngày với 30 phút Thiền Quán từ 5:30 sáng đến 6:00 sáng. Đại chúng đồng nhiếp tâm theo lời bài kệ :

 

Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai 

 

Tĩnh tọa lòng an miệng mỉm cười

 

Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức

 

Mặt trời trí tuệ rạng muôn nơi

 

Mỗi hành giả bước lên thuyền Bát Nhã, rải từ bi tâm quán sát, liễu triệt tục đế, chơn đế, phương tiện tùy duyên vào đời để độ sanh.

 

 

 

Sau thời ngồi thiền khuya là công phu sáng với Chú Lăng Nghiêm, Thập Chú, các bài sám văn phát nguyện, đảnh lễ chư Phật, Bồ Tát, xưng tán Đức Thế Tôn và hồi hướng. Hòa điệu trong âm thanh trầm bỗng ngân vang của Đại chúng mỗi hành giả tăng trưởng định tâm công lực trừ tà tâm, ma chướng, cũng như hồi hướng phát nguyện đem năng lực ấy hành hoạt trong cuộc sống làm lợi lạc quần sanh.

 

Mỗi buổi sáng vào lúc 9am đến 10:45 am là giờ Thảo Luận, học Kinh Pháp của Chư Tăng Ni. Phần thảo luận bao gồm nhiều đề tài liên quan đến cuộc sống tu học, sinh hoạt và hành Đạo tại Hoa Kỳ từ Ý Nghĩa và Thực Hành An Cư (HT Thái Siêu) cho đến truyền trao kinh nghiệm tu học giữa các thế hệ (HT Thiền Chủ), ứng phó đạo tràng hướng dẫn tu học và đáp ứng nhu cầu cúng tế, cầu an cầu siêu vẫn luôn là một phần quan trọng trong sinh hoạt Phật Giáo cho nên Nghi Lễ Phật Giáo được mang ra giới thiệu và bàn thảo. Thế hệ Tăng Ni trẻ được nâng cao nhận thức về tính chất sinh hoạt tập thể, Tăng Đoàn cho những người xuất gia, về ân đức cội nguồn về việc hỗ trợ cho nhau trong tu học và thành tựu lý tưởng, mục đích xuất gia, chu toàn Phật sự.

 

Để sách tấn việc hành trì tinh tiến, không theo chàg buông lung, lao chao, đại chúng tuy ở gần bên nhau nhưng nói năng như chánh pháp, yên  lặng nhu chánh pháp, TT.Thích Đồng Trí thuyết trình đề tài : Im Lặng là Thánh Thiện. Có nhiều cách im lặng nhưng cái im lặng của hành giả là của hiểu biết, cảm thông và hành trì,không vọng động gây nghiệp. Con đường truyền bá của Phật Giáo thông  qua giáo dục toàn diện, chuyển hóa, việc thành lập lớp học cho các thiếu niên Phật tử trong Chùa có vai trò quan trọng cho các em học tiếng Việt, bảo tồn văn hóa Phật Giáo và học Phật Pháp, trở thành lớp Phật tử kế thừa sau này.TT Thích Minh Hạnh bàn về : Giáo Dục trong Phật Giáo. tấm gương học Đạo, sám hối và chuyển hóa nhiệm mầu của Vua A Dục từ một vị Vua hung dữ như Ác Quỷ lại trở thành một vị vua hiền từ vĩ nhân, để lại biết bao nhiêu công nghiệp vĩ đại. Vậy nếu mội hành giả có niềm tin trong sáng, không lay chuyển, thành tâm sám hối  thì đều có thể cống hiến rất nhiều cho Đạo Pháp.

 

HT Nguyên Trí với tấm lòng cưu mang bảo lãnh hàng trăm Tăng Ni trẻ và đang tạo nơi ăn chốn ở cho Tăng chúng và làm trú xứ cho các kỳ an cư và sinh hoạt Giáo Hội chia sẻ đề tài : Tâm Tình với Tăng Ni trẻ để hiểu rõ hơn những việc HT đang làm, những chướng ngại cần phải vượt qua và những gì thế hệ trẻ cần chuẩn bị, cần làm để tiếp nối bước đi của thế hệ trước. HT đã kể lại những kinh nghiệm, đoạn đường HT đi qua, từ khi vượt biên dến Indo, bờ tự do nơi Singapore, cho đến khi đặt chân lên Hoa Kỳ, hành Đạo xuyên qua các tiểu bang, trụ trì các Chùa Hội rồi lập chùa, tiếp Tăng độ chúng, tham gia sinh hoạt với Cộng Đồng, các đoàn thể Tôn Giáo,... cho dù hoàn cảnh nào, HT cũng tùy duyên bất biến một lòng với Quý Ôn, Quý Ngài, trọn tình Huynh Đệ, thương yêu bảo bọc thế hệ trẻ, xây dựng Tăng Đoàn, dấn thân phục vụ cho Đạo Pháp, không quản khen chê,…

 

TT Minh Dung chọn đề tài để chia sẻ đến Tăng Ni là : Thực tại, tùy duyên. Quả nhiên trong Giáo Dục Phật Giáo, Hoằng Pháp hoặc mọi công việc Phật sự phải căn cứ vào tình hình thực tại, tùy duyên để khai mở các duyên và ban Pháp lành đến họ. Đây là phương tiện quyền xảo của hành giả nắm được yếu tính của Phật Pháp và vạn pháp, nhẹ nhàng tùy duyên thi tác bao nhiêu phương tiện lợi sanh :

 

Hồng trần nhẹ gánh chơi ba cõi

 

Mỗi niệm tùy duyên độ chúng sanh.

 

TT. Minh Dung nhường thời gian chia sẻ lại cho TT. Hạnh Bình bàn thảo về kinh nghiệm nghiên cứu Tam Tạng : Kinh Luật Luận Phật Giáo, TT Hạnh Bình có công phu học Hoa Ngữ và Pali, Sanskrit, say sưa nghiên cứu Phật Giáo Sử và những điềm còn đang tranh luận trong Phật Giáo với quá trình phát triển các bộ phái và truyền thừa qua các quốc gia khác nhau. Phật Giáo đang cần nhiều Tăng trẻ chịu đi vào con đường dấn thân tìm tòi, nghìên cứu nghiêm túc, khoa học như vậy để kiến lập Chánh Tri Kiến và có nền tảng vững vàng, có nhiều cống hiến cho Đạo Pháp.

 

 Đạo Phật mang tính chất uyển chuyển, tùy duyên khế hợp, khi truyền đến quốc gia, vùng đất nào liền thích nghi phù  hợp vói văn hoá, nếp sống, phong tục vùng đó. Có những đặc giả cần nắm được nhũng điểm tinh tuý của Phật Giáo và biết uyển chuyển đê thay đổi, tồn tại và phát triển, vói kinh nghiệm sinh hoạt nhiều năm và nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ, TT Thích Thông Triết bàn thảo đề tài : Vấn đề tuỳ nghi thích ứng. Bằng kinh nghìệm tu học mấy chục năm, TT ân cần thiết tha, chia sẻ về quá trình tầm Đạo tu học của mình, quá trình hướng dẫn khóa tu học các nơi về Thiền Tịnh song tu.

 

 

 

HT Tuyên Luật Sư của đạo tràng, HT Thái Siêu, tiếp tục khuyên nhắc đại chúng sinh hoạt theo Pháp và Luật trong Tăng đoàn, chỉ có cách đó Tăng đoàn mới ngày càng ổn định và vững mạnh. Đặc biệt mùa Hạ năm nay tiếp tục dành một thời thảo luận cho Ni trẻ, một thời dành cho Tăng trẻ dể trình bày những nỗi băn khoăn, ưu tư, những trở ngại và những hướng phấn đấu để cảm thông, nối kết, hỗ tương và thảnh tựu tâm nguyện vì hiện nay và nhất là sau 10 năm nữa, thế hệ Tăng trẻ thừa đương gánh vác công việc Giáo Hội và lo Phật sự. Giờ chia sẻ của 2 nhóm Tăng Ni trẻ được đại chúng hưởng ứng hết mình, chia sẻ kinh nghiệm, cuộc sống, hành Đạo cho mỗi cá nhân và đoàn thể,tự viện cho được thành tựu, ngày  càng phát triển tốt đẹp.

 

Song song với thời thảo luận Phật Pháp của chư Tăng Ni, hằng ngày diễn ra thời Pháp thoại mỗi đêm tại Chánh Điện cho Phật tử. An cư là dịp tốt cho hàng Phật tử tại gia hộ trì Tam Bảo, thân cận phụng sự, gieo ruộng Phước và tu tập, hành trì và gieo duyên học hỏi Giáo Pháp từ nhiều Tôn Đức khác nhau đến từ khắp các Tiểu Bang Hoa Kỳ.Mỗi vị Tôn Đức chắt lọc mấy chục năm kinh nghiệm thiền môn tu tập trong đời mình để truyền trao cho Phật tử làm hành trang tu học :

 

HT Thích Tín Nghĩa mở đầu với đề tài “Phước Đức của việc cung dưỡng trường  Hạ” : để cho Phật tử hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc an cư kiết hạ và sự cần thiết có hàng Phật tử hộ trì cho đàn tràng an cư. Chư Tăng khắp toàn quốc vân tập với số lượng gần 190 người tu hành thanh tịnh như vậy là ruộng phước điền vô lượng

 

HT Thích Nguyên Trí kế tiếp vào đêm thứ 2 với đề tài : “Vai trò của ngôi chùa Phật Giáo hải ngoại”. Những người xa quê hương lại tìm đến với nhau dưới những ngôi chùa, nơi đây bảo tồn văn hóa, phong tục, tập quán Việt Nam như nhà thơ Huyền Không mô tả :

 

Mái chùa che chở hồn dân tộc

 

Nếp sống muôn đời của Tổ tông

 

Chùa là những đạo tràng thanh tịnh trợ duyên tu học cho Tăng ni Phật tử thăng hoa trên đường giải thoát. Chùa  gắn bó với đời sống mỗi người Phật tử, an ủi, nguồn yêu thương, hạnh phúc mỗi người. Thật là duyên phước cho người con Việt ly huơng lại có nơi hội tụ, cùng chia sẻ, sinh hoạt tu học.

 

Đêm thứ 3 Ni Sư Minh Huệ giảng về : “Vai trò của Phụ Nữ trong Phật Giáo” Đức Phật đã cho phép phụ nữ gia nhập vào Giáo Đoàn, Ni giới nhìều người đã chứng đắc Thánh quả và cùng với Ưu Bà Di, Cận Sự Nữ trong Phật Giáo đã và đang thành tựu biết bao nhiêu việc cho Đạo Pháp, Xã Hội, nhân loại, chúng sanh và ngày nay cũng thành lập được Hội : “Những người con gái của Đức Phật” (Sakya dhita),nối kết tâm nguyện, việc làm của những đệ tử nữ của Đức Phật khắp nơi trên thế giới. Đối với Việt Nam, ni giới cũng nhiều, Tín Nữ chiếm đại đa số cư sỹ hộ pháp trong chùa. Nếu biết phát huy tác dụng thì những thành phần này sẽ tiếp tục đóng góp được rất nhiều cho việc phát triển đạo tràng, hoằng dương Chánh Pháp.

 

 

 

Đêm thứ 5, TT Thông Triết giảng về : Tu lúc tuổi xanh. Trong cách nhìn của Thiền Sư, quán sát kiếp nhân sinh và cõi đời, tuổi trẻ thì ham vui, tò mò thưởng thức các hương vị cuộc đời, chưa nếm trải hết về cái khổ thế gian, cũng như bận rộn đi học, đi kiếm việc làm, quan hệ ngoại giao, đối đãi trong cuộc sống, ít ai dốc hết sức vào việc tu mà tự biện minh lý do, trì hoãn, hẹn hò. Phải như cái ý chí, năng lực, sức khỏe và thời gian của tuổi trẻ mà biết đầu tư vào tu tập thì tốt biết bao nhiêu?  Đời người vô thưởng, mạng ngưởi trong hơi thở thì biết đâu mà đợi mà chờ :

 

Chớ đợi đến già mới học Đạo

 

Mồ hoang chôn lắm kẻ xuân xanh”

 

Đêm thứ 5 Thầy Minh Tuệ giảng về : “Năm loại triền cái - Chướng ngại người tu”. Đó là dục tham, sân, hôn trầm, trạo hối và nghi. 5 loại triền cái này luôn dấy khởi và làm trở ngại người tu suốt quá trình tu tập cho đến khi chứng Thánh quả, Thầy Minh Tuệ cũng nêu ra những kinh nghiệm và phương cách để có thể đối trị, vượt qua 5 loại triền cái nhờ đó hành giả mới có thể chứng đắc các tầng thiền và Thánh quả.

 

Đêm thứ 6 (nhằm vào chủ nhật), Ni Sư Giới Hương giảng về : “Ý nghĩa Sám Hối và nhân quả qua Thủy Sám Pháp”. Đây là một đề tài thiết thực liên quan đến đại chúng công phu hành trì Thủy Sám vào mỗi chiều vào lúc 3:30 pm. Tụng kinh thì phải hiểu nghĩa Kinh và thẩm thấu, áp dụng vào trong cuộc sống tu học hàng ngày : “Tụng Kinh giả minh Phật chi lý”. Quần chúng Phật tử ít có duyên thọ trì và tìm hiểu Thủy Sám cho nên đây là duyên lành để Phật tử học hỏi, hiểu sâu hơn về Thủy Sám.

 

Đêm thứ 7 Đại Đức giảng sư Thích Chúc Hiền giảng về : “Vì Sao Đi Tu”.  Pháp Thoại liên quan đến những kinh nghiệm đi tu trong cuộc đời của Đại Đức cũng như Phât tử luôn nhớ đến mục tiêu tu tập của mình mà cải sửa, hoàn thiện hàng ngày.

 

Đêm thứ 8 trong Khóa Hạ, bài giảng cuối cùng, Ni Sư Như Quang giảng về : “Thế gian qua cái nhìn của người học Phật”

 

Bản chất thật sự của thế gian là gì? Đời đáng yêu hay đáng chán? Người tu không say sưa dính mắc vào cuộc đời nhưng cũng không chán nản tìm cách rời xa cuộc sống.Hành giả hãy là những hoa sen trong bùn mà không nhiễm bùn, là những vị Bồ Tát dấn thân hòa nhập vào dòng đời.

 

Trong mùa an cư, chư Tăng không bị chì phối tâm trí  lo Phật sự của chùa, đi bên ngoài hoặc tiếp khách mà dồn hết cả thời gian tâm trí vào việc học và tu : 5:30 am: Ngồi Thiền, 6:00am Công phu sáng, 7:30 am : Tảo thực (Ăn sáng), 9:15 am Thảo luận Phật Pháp chư Tăng, 11:30am : Thọ Trai Kinh Hành, 3:30pm Thọ Trì Thủy Sám, 6:00pm Dược Thực, 7:45pm : Pháp Thoại cho Cư Sỹ và Thảo Luận cho Tăng Ni, 9:30: Hành Thiền, 10: 00pm Chỉ Tịnh

 

Ở trong chùa lâu năm sẽ thấm nhuần Thiền vị, tu trong mọi thời mọi lúc,mọi thể nghi,cần có chánh niệm tỉnh giác trong đi, đứng, nằm ngồi, Bữa ăn trong những ngày tu tập cũng khác với bữa ăn thường : ăn có tam đề ngũ quán, lặng lẽ, nhẹ nhàng, quán niệm công lao thí chủ mang đến, sắm sửa, cúng dâng, thọ thực chủ yếu như là dùng thuốc, duy trì mạng sống để tu tập hành đạo chứ không phải chạy theo món ngon, bổ dưỡng,hưởng thụ,…

 

Thời gian đi kinh hành mỗi trưa sau bữa ăn là thời gian tôi cảm thấy rất lợi lạc. Trước hết về mặt vật lý, sinh học, đi bộ nhẹ nhàng sau khi ăn giúp cho cơ thể dễ dàng tiêu hóa, thẩm thấu thức ăn. Đây là pháp môn tu - thiền hành -niệm Phật gắn liền với bước chân đi và hơi thở. Bước đi vững chãi thành thơi, từng bước chân an lạc, từng bước nở hoa sen, từng bước đi vào miền Tịnh Độ. Bầu trời trong xanh, chim hót reo vui, từng giọt nắng rơi lung linh trên những mảnh y vàng, đi ngang qua cây Bồ Đề, Bảo Tháp, Tịnh Thất của Cố HT. Thích Trí Chơn và Tổ Đường, tôi chợt nghĩ tưởng đến công đức bao la, ân tình dày dạn Chư Tổ Sư, Chư Hòa Thượng để lại, bao thế hệ Tăng giữ gìn và công lao Phật tử chăm sóc để có được một môi trường, cảnh quan, y báo trang nghìêm như Tịnh Độ nhân gian cho đạo tràng tu tập. Thắng cảnh, trú xứ xứng đáng này do nhờ giao lưu, hội tụ bao nhiêu công đức mới thành tựu viên mãn. Đạo Phật luôn gắn liền với môi trường thiên nhiên, đưa con người trở về bản chất thuần hòa tự nhiên như Đức Phật sinh ra ở vườn Lâm Tỳ Ni, tu học trên đỉnh Tuyết sơn, thành Đạo dưới cội Bồ Đề, chuyển Pháp Luân ở vườn Nai và nhập diệt nơi Ta La song thọ.

 

Vì một số trú xứ khác còn đang sửa sang chưa sẵn sàng cung ứng cho nên mùa an cư sắp đến, Hạ 2014, TT. Viện Chủ PHVQT tiếp tục đứng ra đảm đang trọng trách này lần nữa. Quả nhiên : “Danh Sư xuất Cao Đồ”, “Hổ Phụ sinh Hổ Tử”, Cố HT Thích Đức Niệm luôn có tâm niệm tạo trú xứ mở rộng trợ duyên cho Tăng chúng tu học, bây giờ tuy Ngài đã ra đi nhưng các đệ tử của Ngài như  các vị: Thích Minh Chí, Thích Minh Hạnh, Thích Minh Quang, Thích Quảng Định, Thích Tâm Quang,… dồn hết tâm trí tu học, tiếp nối tông phong, tiếp Tăng độ chúng, Kế Vãng Khai Lai, Hoằng Dương Chánh Pháp, quả thật là những biểu tượng đẹp, đáng tán thán. Hy vọng còn nhiều thế hệ kế thừa tại Hải Ngoại còn được kết thành như vây cho Đạo Pháp Trường Tồn, Pháp Luân Thường Chuyển.

 

 

 

Buổi chiều vào lúc 3:30pm là thời tụng Thủy Sám Pháp. Sám Hối là một phần quan trọng gắn liền với việc tu. Tu là tu cải hành vi, cải ác tùng thiện, lấy việc quán sát soi chiếu lại chính mình làm bổn phận chính. Trước kia, Bồ Tát Phổ Hiền còn nguyện Sám Hối  nghiệp chướng cho đến khi thành Phật Đạo, ngài Trần Thái Tông soạn và thực hành “Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi”, ngày đêm sám hối 6 lần, Tăng Ni Phật Tử thông thường mỗi tháng sám hối 2 lần với Hồng Danh Sám Hối. nhưng nay vào dịp An Cư Kiết Hạ thì hảnh giả nên thực hành Thủy Sám Pháp. Đây chính là Pháp Sám do Ngộ Đạt Quốc Sư bên Trung Hoa soạn ra để giải trừ oan kiết, tiền khiên oan báo cho chính mình và răn nhắc người tu đời sau cũng nên chuyên trì Sám Hối. Một vị Cao Tăng lỗi lạc như Ngài, trải qua 10 kiếp tu tinh nghiêm, lên đến chức Quốc Sư, Vua, Hoàng Hậu, quần thần và nhân dân đều kính ngưỡng, thế mà khi nghiệp báo trổ ra, Ngài lìa bỏ tất cả lui về rừng núi, am tranh cốc vắng, suốt ngày đêm lo sám hối trọn cuối đời. Lời văn của Ngài thống thiết chi ly, phân tích rõ ràng cụ thể, Ngài Trí Quang dịch theo nhịp điệu 4/4 gãy gọn, nhấn mạnh thấm sâu vào lòng hành giả.Mỗi hành giả noi gương Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư, thật hành Sám Hối, để ý thức sâu xa nghiệp quả báo ứng mà dè dặt cẩn thận trong từng ý nghĩ, lời nói, hành vi của mình, nhờ đó mà được nhẹ nhàng, thăng hoa, giải thoát.

 

 

 

Kết thúc một ngày tu bằng Khóa Thiền Quán 30 phút từ 9:30 – 10 giờ tối. Đến cuối ngày thì quán sát lại xem có điều gì không tốt, sai trái thì Sám Hối, nguyện sửa chữa, tất cả những ân oán thương ghét đều buông xả, để thấy được bản lai diện mục của mình, tỏ ngộ chơn tâm, Phật tánh, chỉ còn niệm Phật được giải thoát :

 

 

Sơ canh dĩ đáo thượng thiền sàng,

 

Tam nghiệp tịnh trừ đổ thánh nhan.

 

Thâm tín Phật ngôn hằng niệm Phật,

 

Chỉ tu nhứt hướng vãng Tây Phương.

 

 

 

Thân này mong manh vô thường, các pháp hữu vi duyên sinh huyễn hóa có có không không, biết vậy hành giả không còn quan tâm chuyện thịnh, chuyện suy, chuyện được chuyện mất của các pháp nữa, tất cả rơi rụng tan biến như giọt sương qua kẽ lá, như đám mây qua bầu trời :

 

 

Thân như bóng chớp chiều tà.

 

Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời.

 

Sá chi suy thịnh cuộc đời.

 

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành

 

 

 

     Có 2 chương trình đặc biệt trong Khóa An Cư này : thứ nhất là việc hôm chiều Chủ Nhật 23/06/2013 đại chúng đồng loạt lên xe buýt đến Santa Ana, Cali để chứng minh, tham dự Lễ Tưởng Niệm 50 Năm, Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu, những nhân chứng lịch sử của giai đoạn 1963, những tác giả của bài viết trong Tập Sách : “Năm Mươi Năm Nhìn Lại (1963-2013)” trình bày tham luận về các đề tài liên quan đến Phong Trào Đấu Tranh Bất Bạo Động của Phật Giáo và ý nghĩa Trái Tim Bất Diệt của Bồ Tát Thích Quảng Đức.

 

Chương trình đặc biệt vào đêm cuối cùng của Khóa An Cư là văn nghệ - Thiền Trà. Những giai điệu quê hương, ca nhạc Phật Giáo được các ca sỹ cây nhà lá vuờn biểu diễn : Nhạc về Huế, chùa chiền, làng quê, Tiếng chuông cảnh tỉnh, Kịch “Thạch Sanh Lý Thông” nói về nhân quả báo ứng, “thiện ác đáo đầu chung hữu báo”, khuyên mọi người sống hiền lương đạo đức như Thạch Sanh, không sống ích kỷ,dối trá, phản Bạn như Lý Thông. vở kịch “Chú Tiểu Xứ Hoa Kỳ” mô tả cuộc sống Thầy Trò ở Hoa Kỳ, chú tiểu hấp thu và biểu hiện 2 nền văn hóa Việt - Mỹ, cuộc sống thiền môn bận rộn nhiều nỗi lo chứ không phải đơn giản, nhẹ nhàng, giải thoát như người ta vẫn tưởng, tuy vậy 2 Thầy Trò vẫn nhập cuộc phấn đấu hết mình, đó là một hài kịch nhưng sâu sắc, khiến mọi người cảm thông hơn nếp sống của những người xuất gia ở nước ngoài.

 

Trải qua Khóa An Cư, mỗi hành giả phải vượt lên chính mình, theo cách nói: Tiểu ngã mỗi cá nhân hòa tan trong Đại ngã của Đại chúng. Mỗi người có những đặc tính riêng, nhiều trường hợp là trụ trì các nơi nhưng phải sống bình đẳng với chúng, nằm giường hai tầng, thức ngủ đúng giờ, hành trì đúng thời khóa,…Từ trước đến nay, tôi cũng chưa an cư một đạo tràng nào đông như vậy (gần 190 người). Thế nhưng mỗi hành giả đều ý thức được rằng : đây là cơ duyên quý giá để kết nối Tình Pháp Duyên Tăng, chia sẻ tu học vì bản thể của Tăng già là đoàn thể của những người thanh tịnh sống theo Pháp Lục Hòa, khép mình trong Pháp và Luật. Mỗi hành giả nương tha lực của Đại chúng để tu tập thăng hoa vì : “Đức chúng như hải”. Bao tháng ngày phải lo phật sự, tiếp khách, ứng phó đạo tràng, gieo duyên,…cũng bào mòn năng lực trong ta, đây là lúc sạc bình, tiếp thêm năng lượng, làm mới chính mình cho bao hành trình phía trước. Quả thật : “cơm có canh tu hành có Bạn”, “hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn” đến với đại chúng mỗi cá nhân khám phá ra cái hay cái đẹp ở nơi người khác để vươn lên, có người chỉ ra nhắc nhở những chỗ còn yếu kém của mình để khắc phục, cho dù gặp nghịch duyên đi nữa thì cũng phải rèn luyện đức tánh nhẫn nhục, hài hòa. Tình thương chung sống kỷ niệm hôm nay sẽ là hành trang vô giá cho ngày mai. Kính tri ân công đức Đại Tăng và Phật tử Hộ Pháp, trùng trùng duyên khởi kết thành một mùa an cư thành tựu viên mãn. Những “kẻ lữ hành cô độc”vẫn ý thức rằng mình còn có một “Tăng thân” có bao nhiêu người đồng tâm, đồng chí hướng cùng dấn thân phụng sự vì an lạc hạnh phúc cho chúng sanh, cho sự hướng thượng, giác ngộ giải thoát, làm tốt Đạo, đẹp Đời :

 

Rồi mai bao nẻo chia xa

 

Tuy không gặp mặt Tình ta vẫn gần

 

Sá chi bao nẻo phong trần

 

Hành trang kỷ niệm dấn thân đăng trình

 

 

 

                             Trường Hạ PHVQT PL2557,                               Thích Minh Tuệ

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập