Lời cầu an cho cha mẹ

Đã đọc: 9890           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

“Buồn lắm hả ta ơi!” Câu hỏi vang lên trong đầu liên miên thành một điệp ngữ vô nghĩa suốt mấy ngày nay Chi phải nghe. “Chạy về đi! Về bên mẹ, sà vào lòng mẹ, nghe mẹ la rầy, mắng mỏ, trách cứ hoặc than phiền điều gì đó cũng được hơn là ngồi ở đây, trong căn phòng trọ vắng vẻ và có đôi chút u ám này”.

Chi nhìn những vần thơ mới viết trong đêm qua: Lời cầu an cho ba mẹ. Dâng lên trong Chi là một khát vọng yêu đương hướng đến một người vừa như thật có trong đời lại vừa như không. Chỉ mới cách đây một tháng thôi Chi tin vào sức thần của đức tin và nguyện cầu. Chi mơ ước ba me sẽ sống lâu, rất lâu dài, ít nhất cũng phải vài mươi năm nữa và lúc nào cũng khỏe mạnh. Chi muốn kiếm đủ tiền xây gian nhà nhỏ làm chốn an cư cho mình. Tọai nguyện Chi sẽ đón ba mẹ về chung sống. Nếu ba mẹ thoái thác vì đã có nhà cửa rồi Chi sẽ nhõng nhẽo rằng: Ba mẹ về ở với con đi. Đất ruộng ba mẹ có chút ít đó để con thuê người làm mỗi khi sang mùa vụ. Nhà con có gác cao để tránh lụt. Tiền trợ cấp hàng tháng của ba mẹ con sẽ đi nhận về. Con cũng sẽ làm lụng, ăn chung vào chỗ thóc lúa của ba mẹ. Hiện nay con kiếm được chút chút tiền. Con lo được cái ăn, cái ở cho cả nhà. Suốt đời con chỉ mong làm được bấy nhiêu việc thôi. Mẹ cứ nghỉ ngơi để mặc con cơm nước giặt giũ. Mẹ xem nè! Con vừa sắm được máy giặt, bỏ áo quần vào máy giặt nhóang là xong. Cơm nước cũng vậy: bếp ga, nồi cơm điện xào nấu rất chi là đơn giản. Cứ nhớ mẹ lọ mọ bên bếp lửa và những lúc thiếu củi đun phải đun rạ khô tro bụi cay sè mắt mà con xót. Có tiền con sẽ hiếu thảo như ai! Mẹ ở với con sẽ thanh thản. Con chỉ mong ba mẹ đừng rên than những lúc đau ốm, con biết xoa bóp, cạo gió, giác hơi để mẹ bớt đau! Con chỉ xin ba mẹ một điều thôi: đừng kêu khổ, trối chết bé con nó sợ...”

Mẹ cười:

-          Nó lớn rồi còn gì?

Con giật mình:

-     Trời! Nó lớn thật rồi. Vậy mà trong mắt con bao giờ nó cũng như một đứa trẻ sơ sinh. Mỗi khi có ai đó bắt nạt nó là con bảo: “đừng chọc em!” Nghe vậy mọi người cười. Nó mười mấy tuổi mà con làm như nó mới đẻ, nói gì về nó cũng em em. Coi bộ nó có người yêu được rồi đó.

Mẹ lắc đầu: “nhiều lúc mẹ nhầm lẫn nó với con đó mà mẹ đâu đã lú lẫn. Con lúc nào cũng trẻ con mà nó thì lớn nhanh hơn sự trông chờ...”

*

Chi nhìn thật nhanh ba mẹ rồi nhìn đống bát chén ngổn ngang giữa nhà. Đã nửa tháng nay mẹ đau tay nên  không lau quét nhà cửa được. Ngước mắt nhìn lên bàn thờ Chi ỏai cả người: lư hương, bình bát bị đập phá tan hoang, từ bàn thờ ra ngoài sân, chén bát, xoang chảo bừa bộn, méo mó.

-          Ông Mãnh lại quậy hả mẹ!

-          Ừ! giọng mẹ chẳng biểu hiện gì nhưng mặt tối lại– Hắn thấy cúng tết Đoan Ngọ, hắn đập phá.

Chi chẳng biết nói gì. Ba Chi thể hiện nỗi khổ qua cái thế ngồi rũ rượi khiến Chi đau tưởng đứt ruột. Chi biết mẹ còn tiếc chỗ đồ ăn thức cúng vương vãi khắp nhà đã mấy ngày chẳng ai thèm dọn dẹp. Chi không muốn dọn dù Chi rất mong lấy lại vẻ sạch sẽ của ngôi nhà. Chi không bao giờ muốn dọn những thứ bẩn thỉu, bừa bộn mà ông Mãnh đập phá. Tại sao ông ta đập phá? Chẳng sao hết! Thích thì đập. Đó là thói quen độc ác mà ông con trai thường lặp đi lặp lại hành hạ ba mẹ. Chi biết nói gì đây? Chi từng theo mẹ lên chùa. Mẹ ghi danh cầu an cho tòan gia, cầu an cho ông con trai bất hiếu. Chi không đồng ý cũng chẳng phản đối. Chi dự lễ cầu an với mẹ và biết lời nguyện cầu này cũng như ước mơ có một ngôi nhà để đón ba mẹ về chung sống vẫn hãy còn là lời ước nguyện. Bao giờ Chi trúng số thì Chi tất có tiền làm nhà thôi. Lẽ nào phúc lộc không một lần hào phóng với mình?

Anh chàng rể giàu sụ của cô ruột Chi hỏi:

-          Có bao giờ em mua vé số để hy vọng trúng độc đắc không?

Chi ngệch mặt và điều này tố cáo với anh rằng Chi chẳng biết chơi vé số là gì. Anh cười cong môi. Chi tức quá vì thấy cái kiểu cười của anh như muốn chế giễu: “ngay cả mơ trúng số cô cũng không mơ nổi đấy!” Thế là Chi quạu:

-           Anh giàu như vậy nhưng chắc chắn anh chưa từng chơi vé số bao giờ. Tui thì dù có nghèo kiết xác cũng đếch chơi!

-           Thử chơi đi Chi ơi! Anh không chơi vé số nhưng anh khuyên Chi nên chơi. Mỗi tháng một vé thôi. Trúng độc đắc một vé cũng được nhiều tiền đó.

Nói xong anh gọi cậu bé bán vé số mua nguyên một xêri, anh tặng cả cho Chi. Chi đã quên là mình có một xêri vé số như thế nên tối đến không dò để biết mình có trúng thưởng không, chỉ hơn nữa tháng sau tình cờ có người mời mua vé số Chi mới sực nhớ và đem ra dò. Chi chẳng trúng được dù chỉ một con trong dãy số được thưởng. Kể từ đó ý định mỗi tháng mua một tấm vé số cầu may cũng rời bỏ Chi.

 Mẹ vẫn ân cần mỗi lần Chi về nhà, còn ba lúc nào thấy Chi về cũng nhắc: “cơm còn, ăn đi con!”. Chi ăn thứ gì cũng lên cân nhưng không ăn thì sợ ba mẹ buồn, vậy là Chi nhai, Chi nuốt mọi thứ và tấm tắc khen ngon.

Chi không dám nói với ba mẹ là công việc hiện nay tệ hại hết sức. Đúng hơn là trước giờ công việc của Chi cứ tệ hại như thế. Đó là chưa nói nửa tháng qua Chi bị một căn bệnh kì lạ. Thậm chí Chi thấy cái chết lơ lửng treo trên đầu. Chỉ khi quá lo âu, bất an, chạy về với con gái trối chết, bé nói rằng: “con không tin mẹ sẽ chết!” Chi mới yên tâm một chút. Chi cũng ngạc nhiên không hiểu sao những người phía nhà chồng không hề thấy Chi đang trong trạng thái điên lọan. Họ hỏi Chi những điều Chi không thích trả lời. Xem chừng họ tin rằng Chi sẽ thành đạt, rất thành đạt.

Chi có tỏ ý cho bà chị chồng hiểu rằng: Chi rất muốn về sống cùng chị. Chi thích phụ với chị dựng thêm dãy chuồng trại nuôi gà công nghiệp như thằng rể chị đang làm nhưng chị lại hiểu là Chi đùa giỡn. Chị và những người ở quê chồng Chi lâu nay bảo rằng Chi ghét xứ chồng lắm. Bây giờ dù chồng nhà cao cửa rộng, dù tiền của dư thừa ăn không ngồi rồi Chi chắc chắn cũng chẳng bao giờ về bên chồng chung sống. Chi lại đang lo lắng vì một điều chỉ riêng Chi hiểu. Chi nói với chị chồng:

-           Giúp em nuôi bé Du nhé! Dù mai sau có thế nào chị cũng dạy bé hiểu rằng: ở đời này mà không làm gì có ích thì cuộc sống sẽ quá đỗi vô nghĩa.

Chị không biết nói gì với Chi ngoài việc cứ hỏi những điều ngớ ngẩn lần nào cũng như lần nào! Chi tự hỏi chị có biết anh Mãnh đã trở thành trùm khủng bố trong nhà Chi từ khi Chi hãy còn là đứa trẻ nhỏ hơn bé Du không? Rằng Chi sợ ông ấy bạo lực trẻ em nên thay vì để nó sống với ngọai Chi đã để nó sống cùng chị. Thế nhưng Chi thấy là mình không muốn nói bất cứ điều gì về ông Mãnh lúc này. Chợt Chi kể với chị những ám ảnh ma quái đang làm Chi chết điếng vì sợ:

-           Có cái gì đó rất khó hình dung đang bủa vây cuộc sống của em, đi đâu, làm gì em cũng chỉ nghe một lời thủ thỉ: “mày bỏ chồng theo trai đi! Chồng mày khốn nạn lắm!...”

Bà chị chồng tin Chi bị ám ảnh thứ gì đó thật, nhưng Chi theo trai để làm gì mới được chứ? Chi không có việc gì để làm hay sao mà đi theo trai. Hơn nữa Chi chẳng biết phải làm gì với một gã trai mà Chi hiểu là y chỉ đối đãi với Chi một cách hết sức đểu cáng. Thế là Chi nói trong một nỗi tuyệt vọng:

-           Phải chi có ai đó để em yêu nhưng không có ai hết. Em yêu một cái gì không cụ thể và nó đã thành mối đe dọa. Rồi em thấy như mình bị một thứ phù chú, bùa ngải mê hoặc vậy!

Chi ước gì ngay lúc đó chị và những người trong nhà chồng hiểu biết một chút mà đi tìm quý ông chồng ăn hại của Chi. Lúc đó mà có ông ấy, Chi sẽ kể ông nghe những gì Chi biết, Chi muốn nói rằng: Tình yêu chắc là thiêng liêng. Chi được một người xa lạ giới thiệu một cái nickname trên mạng, Chi đã yêu cái nick ấy, rồi Chi mail và than phiền Chi đau nặng. Chi không có một chút sức lực để làm việc. Nick đó bèn gửi cho Chi một bài tập luyện điển và nhấn mạnh thêm rằng Chi mà luyện được điển thì tự chữa bá bệnh. Chi tin ông chồng xưa như chùa cổ của Chi thế nào nghe Chi nói về chàng “nick” kia cũng sẽ bắt nọm, có cớ mà chửi bới hoặc chê bai, hoặc tìm những lời lẽ cay nghiệt, tàn nhẫn nhất để làm Chi đau tưởng chết được như ông từng làm mười năm về trước. Hồi đó ông không bao giờ nghĩ rằng cô vợ trẻ, mới sinh con đầu lòng dám bỏ ông chỉ vì những lời nói độc như lá ngón. Chi chua chát trong suốt mười năm qua khi hiểu ra rằng: dao chém có ngày lành thương tích, lời nói theo nhau hận suốt đời. Chi không biết ông ấy thế nào khi Chi từ bỏ ông. Cả nhà ông cũng không ai biết. Họ có vẻ như muốn nói cùng Chi rằng: dù Chi bỏ chồng, đi xa nhưng họ biết về Chi hơn biết về quý ông chồng Chi là người ruột thịt của họ.

Phải chi Chi nói được với đứa con gái và bà chị chồng rằng ngay tại thời điểm ấy, trong trạng thái hoang tưởng Chi chỉ muốn được nghe đức ông chồng mắng chửi. Ông ấy từng làm Chi chịu không nổi vì cái miệng nói có quai xách nhưng trong nỗi kinh hòang mà Chi đang trải qua một cách rất kì quái, chỉ miệng lưỡi của ông mới trả Chi về với đời sống thực. Thế nhưng người chồng mà Chi không muốn gặp lại nữa đã không có đó, cũng như ông vĩnh viễn không bên Chi. Vĩnh viễn Chi và ông là một đôi lứa tự áp đặt gán ghép một cách phi lý chẳng để làm gì.

-           Em đang bệnh như thế nên ở lại ít ngày? Chị chồng Chi nói thế khi Chi chuẩn bị quay về.

-           Em về xem làm được gì thì làm chị ạ! Dù có thế nào em cũng cố gắng làm việc bằng năng lượng của mình. Chị thấy là em sức yếu, mệt mỏi như thế này. Xưa nay vì cho rằng sức mình yếu em đã đi tìm học, tập luyện đủ mọi phương cách để có một thứ sức mạnh khác bù cho thể lực suy kiệt của mình. Và rồi lúc này đây em chợt hiểu ra bao ngày tháng học hỏi, luyện tập lọan cào cào như thế, có biết bao tai họa rình rập mình, có những hiểm nguy người ta gieo rắc mà em không được biết, như mấy ngày gần đây em thấy mình sắp chết vì bị ám hại bằng một bài tập luyện điển chữa bệnh. Đến tận cùng tuyệt vọng em mới nhận ra điển không có ích lợi gì cho mình, hoặc cái gì đó hung hiểm tiềm tàng từ lâu bất thần trỗi dậy. Chút sức lực vốn có không đủ để em làm việc nhiều như mong muốn nhưng em không nên vay xin sức vóc của ai!

Bà chị chồng nhìn Chi:

-           Lúc nãy chị lên thắp hương cha. Chị đã khấn vái cầu xin cha sống khôn thác thiêng, phù hộ cho em!

Chi thầm cám ơn chị. Suốt đêm qua Chi chập chờn trong lo sợ bởi những ám ảnh và hỏi mình: “cha chồng hiện đang ở đâu?” Chi mới gặp cha chồng vài lần trong và sau ngày cưới. Hồi đó Chi 25 tuổi, ương bướng và dại dột trong mắt những người thuộc gia đình chồng. Cha thương Chi nhất, ông biết Chi sẽ khổ khi lấy phải thằng con trai của ông nhưng ông không lường được Chi khổ bởi những cảnh ngộ nào. Con trai ông có ra gì đâu. Hắn là thằng nói láo nhất trên đời và vợ chồng con cái của ông biết hắn láo khóet và thường khuyên nhau đừng tin hắn vậy mà cuối cùng ai cũng bị hắn gạt. Cái con dâu của ông (là Chi ngày ấy) ngây thơ đến thế có tin hắn cũng chưa hẳn vì ngu. Đám bạn của con trai ông ở Đà Nẵng không thôi xỏ xiên: “Ả ngây thơ quái gì! Cáo thành tinh giả nai đó. Đàn bà lăn lộn giữa Hà Nội năm năm thì từng trải và khôn ngoan lắm, ả chài được con trai ông là bởi con trai ông dại hơn ả!...”

Chi không biết những lời lẽ này. Nó như thuốc độc ngấm vào mọi người và ngấm ngược lại những kẻ phát ra nó và họ bắt đầu tin điều họ nói. Ông cha chồng chẳng biết nói sao vì mới cưới vợ cho con mấy ngày, vợ chồng Chi có việc chưa về, ông tìm xuống Đà Nẵng thăm chúng nhưng không gặp. Rồi khi về nhà, ông có việc phải leo lên mái nhà, bất thần hai mắt ông tối sầm, ông ngã từ trên nóc xuống. Thực ra trong khi đứng trên mái nhà, ông tư lự vì hiểu ra một điều mà lúc ở Đà Nẵng ông không hiểu, ấy là: ông tìm gặp vợ chồng con trai, ông không biết chúng đang ở đâu, ông hỏi nhiều người quen thì họ bảo không biết. Ông đành quay về. Lẽ ra ông phải biết rằng lâu nay mấy người thân của con trai ông vì không thích hắn nên duyên với cô gái từ Hà Nội về và luôn tìm cách đâm thọc. Họ chẳng chút trắc ẩn khi ông đi cả chặng đường xa như thế từ quê xuống phố tìm dâu, con. Ông chỉ là một lão quê xóm núi, có biết gì chốn thành phố đâu. Con cháu đi làm ăn, sinh sống dưới thành phố luôn thay đổi chỗ ở. Ông tìm con như thể tìm kim. Bây giờ ông uất ức, thấy mình bị cư xử bất công. Mặt mày ông sa sầm và ông ngã...

Chuyện ông té ngã và chết cũng bất ngờ như chuyện con trai ông lấy vợ. Vậy là ông chẳng kịp nói với con dâu một điều rằng: con trai ông lông bông, lang bang lắm. Hắn nói dối hồn nhiên như nói thật. Hắn lừa gạt người khác một cách hết sức vô tư và chẳng bao giờ chịu trách nhiệm về những hành vi, lời lẽ của hắn. Lại nữa: hắn chỉ biết đòi hỏi mà không cần biết người ta có đủ điều kiện để đáp ứng đòi hỏi của hắn không? Bấy nhiêu thói xấu không đủ để hắn thực hiện được những việc hão huyền mà hắn vừa dốt nát lại vừa ngông cuồng. Ông còn muốn lưu ý con dâu:

-           Con đủ sức thì dạy chồng, lèo lái chồng theo ý mình. Hắn là đứa nhiệt tình và muốn làm điều tốt. Hắn nghe con sẽ khá hơn. Bằng như con không điều khiển được hắn thì hãy thóat ra. Cả thiên la địa võng bủa hắn đấy!...

Sau này Chi thóat khỏi quý ông chồng nhưng không thóat khỏi thiên la địa võng bủa vây mình. Chi ít khi nhìn vào bức ảnh của cha chồng vì ông xa cách với Chi quá. Nhưng thêm một tuổi, Chi thêm một hiểu biết để thấy ra rằng: dù sinh con gái hay con trai Chi cũng nên để nó về phía bên nội. Ông có đàn con cháu thờ kính ông và số ít trong đó giống ông. Chị chồng Chi cũng giống ông ở chừng mực nào đó. Mà chị lại có được người chồng ít nhiều để trong Chi những thiện cảm và Chi sẽ vui vẻ thường xuyên về bên nhà anh chị nếu như Chi không phải lo cho cái công việc khốn khổ mà Chi đang dây dưa.

-          Thế hồi ở Hà Nội mẹ có lăn lóc, từng trải như người ta họ nói không?

Con gái Chi hỏi điều đó khi nó lớn và biết vài ba người bên nhà chồng Chi bảo Chi hoàn toàn đứng đắn và cẩn thận trong cách sống. Họ chỉ không biết ở Hà Nội Chi sống thế nào. Hồi ấy Chi còn nhỏ và người ta chỉ nghe nói về Chi thôi nhưng cũng không biết ai nói thế và sai hay đúng. Chi bảo con:

-           Mẹ lăn lóc ở giảng đường và thư viện suốt gần 5 năm đó con. Đọc hết sách của trường đại học mẹ sang thư viện quốc gia đọc thêm. Mà nè! Mẹ không bao giờ cho con đọc sách đâu. Con có biết sách vở làm mẹ ngu như thế nào không? Hồi bằng tuổi con mẹ lanh lẹ và giỏi giang nhất xóm đó. Mẹ vừa đi học vừa làm đủ chuyện nhà. Một mình mẹ chăn cùng lúc cả đàn trâu cho ông ngọai. Chỉ khi lớn lên, đi học, cứ tưởng mình ở quê, thiếu kiến thức, nên vào đại học mẹ lao vào các thư viện tìm sách ngấu nghiến, cuối cùng mẹ mới thất vọng bởi sách vở chẳng ích gì trong thời buổi này...

Ba Chi vẫn chờ để thấy Chi làm được điều gì đó. Có lúc Chi tự hỏi: ba sẽ nghĩ gì nếu Chi bỗng lấy được một người chồng lý tưởng trong mắt ba: không phải cái người từng có con với Chi nhưng không muốn tiếp tục làm rể nhà ba đâu mà đó là người đàn ông Chi yêu thật sự. Ba chưa biết Chi yêu như thế nào nhưng Chi chưa gặp ai thương yêu Chi như ba thương yêu mẹ. Suốt đời Chi hướng vọng một cuộc hôn nhân như cuộc hôn nhân giữa ba mẹ và cho đến giờ Chi vẫn chưa tìm thấy, có lẽ chẳng bao giờ tìm thấy nhưng điều này với Chi chẳng sao. Chi không biết cái người đàn ông Chi từng gọi là chồng có tìm thấy cái nửa của mình như hắn mong muốn và tìm kiếm sau cuộc đổ vỡ giữa Chi và hắn không? Riêng Chi chỉ muốn một cuộc hôn nhân đích thực. Trong cuộc hôn nhân ấy, người đàn bà là Chi mỗi đêm xuống đón một lần hôn lễ...

Chi muốn nói với ba mẹ rằng: hạnh phúc của Chi sẽ là lời cầu an mầu nhiệm nhất đối với ba mẹ. Trong hạnh phúc, niềm an lạc của Chi sẽ tràn ngập đời sống nhưng cả hai đấng sinh thành nên Chi không bao giờ hiểu được những lời lẽ ấy, đơn giản là Chi từng ngộ nhận về hạnh phúc. Mỗi ngày Chi ước được về bên ba mẹ, mua một chút gì đó xào nấu, bê đặt trên mâm. Ba mẹ ngồi vào và cả nhà thưởng thức chỗ thức ăn đạm bạc đã là niềm vui, nhưng đã mấy lần Chi làm được như thế. Chi vẫn mãi còn bất ổn định, mỗi thời khắc trôi đi lại đối mặt với bao lo âu thường trực và điều Chi mong muốn nhất vẫn là làm sao để có một lời cầu an đích thực cho cha già mẹ yếu an vui trong những năm tháng còn lại của đời người. Chi không muốn nói về ông Mãnh – anh trai Chi – không bao giờ muốn nói nữa. Ông ấy vẫn còn đó, ngày ba bận chờ mẹ Chi cơm nước lên mâm lên bát là ngồi vào đánh cho căng bụng, cơm không lành canh không ngọt là chê bai. Rồi ông ấy cũng không quên đày đọa tinh thần ba mẹ bằng những cách mà chỉ ông nghĩ ra như: xé áo quần, đập phá đến không còn cái chén ăn cơm, bỏ công việc và tàn tệ hơn là moi móc chửi rủa ba mẹ, anh em cho hả cái sự thiếu thốn tình thương người khác dành cho mình mà không hiểu rằng mình già rồi mà vẫn chưa biết cách vun bồi tình thương để được bù đắp.

Mỗi ngày sống là uống bao cay đắng vào người nhưng ba mẹ Chi vẫn tràn trề niềm ham sống, bởi cuộc sống đâu chỉ có đắng cay mà còn tràn đầy mật ngọt nhưng không phải ai cũng tận hưởng thứ dưỡng chất tuyệt diệu này. Chi nhớ xưa kia ba mẹ không yêu nhau như bây giờ. Thuở ấy gia đình Chi cơ cực, lầm than và khổ ải lắm. Ba mẹ sấp ngửa nắng mưa đồng trên ruộng dưới để rồi mồ hôi, nước mắt và máu cả đời người thấm vào đất, làm tăng chất màu xanh khắp đồng quê. Ấy vậy mà nhiều lúc Chi co rúm lại khi thấy mẹ và ba cãi vả nhau vì người này không làm được những điều người kia mong muốn. Chỉ khi mẹ trải qua những cơn đau thập tử nhất sinh. Ba bàng hòang nhận ra thiếu mẹ ba sẽ cô đơn lắm, dù con cái còn đó ba vẫn mãi cô đơn. Ba đã chăm sóc mẹ, lo lắng cho mẹ để rồi qua cơn bạo bệnh, tình yêu của mẹ và ba càng sâu bền. Với tình yêu ấy, Chi tin mẹ và ba sẽ chờ đến cái ngày Chi xây được một ngôi nhà cho riêng mình làm chốn nương thân, thôi một kiếp nỗi nênh, lang thang và ba mẹ Chi sẽ tìm thấy niềm an ổn.

 

                                                            L.T.T

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập