Sắc màu của chiếc lá

Đã đọc: 3708           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tuyết có rơi nhiều phải không em

Như suối như mây trắng bóng đời

như sương như khói đem huyền thoại

ai thả tơ trời cho ước mơ

 

những khi mưa gió có đổ về

tìm đâu ánh nắng giữa đêm khuya

có khi bão tố phai màu sắc

xin chớ bao giờ bỏ mảnh tâm……

 

 

Thành phố tôi ở, vào mấy ngày qua, tuyết rơi xuống thật nhiều, trắng xoá toàn cảnh vật chung quanh. Cơn lạnh đổ về, vui đùa theo những hạt tuyết, lất phất rơi, bay. Những chiếc xe đậu ngoài sân được mặc chiếc áo dày màu trắng, những hàng cây dừa dọc theo lối vào nhà, mấy ngày trước còn vỗ cánh gọi lá rì rào trong gió, bỗng trở mình cũng tranh nhau khoác áo trắng, trĩu nặng, gồng lưng để gánh khối đá đông lạnh.

Trong nhà nhìn ra ngoài, ngắm tuyết rơi. Có thể, đối với những người ở những Tiểu bang miền Bắc nước Mỹ thì đành phải chấp nhận, chịu cảnh nầy vài tháng vào lúc mùa Đông về, nhưng nơi tôi ở, mưa nắng hai mùa tranh nhau, giành chỗ ngự trị, họa hoằn lắm mới có năm bị tuyết rơi. Tôi biết rằng xe cộ sẽ ít hơn ngoài đường, trường học sẽ đóng cửa và mọi sinh hoạt đều bị trở ngại, vì kinh nghiêm sinh hoạt trong lúc tuyết rơi, có tuyết, cũng không sao so sánh bằng với người ở miền Bắc.

Chạy ra sân ngoài, tôi chụp bắt những hạt tuyết, nắm trong lòng bàn tay, cái lạnh lan toả làm hơi bị cóng, nhưng khi mở bàn tay ra, chỉ thấy còn lại là nước do tuyết tan. Hạnh phúc chợt lan rộng trong tiếng cười, dù là chỉ có một mình, nhưng quay cuồng chung quanh với mưa tuyết, tóc đổi màu trắng, áo trắng, người trắng … như bắt gặp lại hình bóng trẻ thơ vui đùa trong tâm…

 

Ta gọi tuyết về cho điểm sương

cho ngàn cảnh sắc nở vấn vương

ngàn năm đi đến như mây ảo

vẫn mảnh trăng tròn thưở tuổi mơ ….

 

            Những ngày sau đó, lại mưa nắng bất thường, có lúc buổi sáng, sương mù dày đặc, khó nhìn xa. Quan sát lại các cây cảnh trồng chung quanh nhà, nhiều cây đã không còn mỉm cười, chào gọi nữa. Cành rũ xuống như những cánh tay giơ lên lâu ngày bị mỏi mệt, lá xác xơ úa vàng sậm như màu tóc nhuốm thời gian.. tôi chợt nhận thấy có những rung động xót xa trong tâm, vì là con người yêu thích cây cảnh. Nhưng, ô kìa, cũng vẫn còn vài cây còn sống đó chứ, vẫn xanh mơn mởn, vẫn lung lay cành lá réo gọi, như lời thì thầm an ủi cho người chủ, người săn sóc nó…tôi vẫn còn đây mà…

            Tiếng gọi của cây lá, tiếng hò của những thực vật, tiếng ca vang lên của các sinh vật còn sống làm náo động lại cảnh vật đang chìm sâu trong giấc ngủ..Tôi vẫn còn đây mà. Vâng, tiếng nói đó như từ xa vọng về, một điệp khúc hình như quanh quẩn đâu đây, và cũng là lời của tự tâm có mặt.

Dù thời gian biến đổi ra sao, dù có trầm luân qua bao nhiêu dòng đời, qua các cảnh giới, thay hình đổi dạng, nhưng tự trong thân của mỗi hữu tình, mỗi con người cũng vẫn còn tròn đầy Tánh Giác, vẫn luôn sống, sống vững vàng trước bao nhiêu nghiệt ngã, bình yên hay sóng gió của nghiệp lực xoay chuyển.

Trong 10 Hạnh của Ngài Phổ Hiền, lời vẫn dạy rõ ràng:”Nguyện thứ hai là xưng tán Như Lai” (Nhị giả xưng tán Như Lai).

Đức Phật có cần lời xưng tán như vậy không? Vì mặc dù là chúng ta có dùng đến biết bao nhiêu lời ca tụng, xưng tán như là:

 

Thân Phật thanh tịnh tợ lưu ly,

Trí Phật rạng ngời như trăng sáng,

Phật ở thế gian thường cứu khổ

Tâm Phật không đâu không từ bi

 

hoặc giả như là:

 

Đấng Pháp vương vô thượng

Ba cõi chẳng ai bắng

Thầy dạy khắp trờ người

Cha Lành chung bốn loại …”

 

vẫn chưa đủ để báo đáp thâm ân của đức Phật- Người đã xuất hiện trên thế gian nầy để chỉ cho con người tìm lại chính mình, nhận thức rõ Tri Kiến hay Tánh Phật có trong mỗi con người và chỉ khi nhận thức được như vậy, chúng ta chấp nhận mình là con Phật và sẽ thành Phật và mới sống trọn vẹn con người nhân bản, thoát khỏi khổ đau.

            Con đường đi, gia bảo vô giá, phương dược trị tâm bệnh, trị khổ đau …đã được trao truyền từ thời đức Phật, qua Thầy Tổ và được gìn giữ, truyền lại cho mỗi con người và chính mỗi con người tự nắm lấy vận mạng của mình và chuyển hoá, không một ai có thể giúp hoặc thay thế cho chúng ta để làm được điều đó..

            Những lời ca tụng, xưng tán hay bất cứ những ngôn từ đẹp nào v.v… để dâng lên Ngài, nhưng không hiểu Ngài và không áp dụng những lời dạy từ giáo Pháp, tùy theo căn cơ của mình để ứng dụng vào sự tu tập, quán chiếu, chuyển hoá để trở về chính mình, thì đó là vọng ngôn và làm sai bổn hoài của đức Phật.. Đó cũng là sự khác biệt quan trọng giữa đạo Phật và các nền tâm linh khác.

Mỗi người đều có đầy đủ đức tánh làm nên vị Phật như đức Phật, vì sự khác biệt chỉ là ranh giới giữa Mê và Ngộ, cho nên xưng tán đức Phật có phải chăng là khai phá Tánh Phật trong mỗi con người, để trở thành con người nhân bản đích thực được trưởng nở trong tâm, thành hình … Cầu cạnh ở ngoài, đối cảnh sanh tâm, chạy theo những bóng mây trời ảo ảnh, vọng mê, bỏ quên bản tâm thanh tịnh…chúng ta không thể thoát ra khỏi khổ đau chỉ duy nhất bằng sự cầu nguyện, xin ban ân…vì đức Phật không phải là vị Thần linh ban phước, giáng hoạ…

Từ phạm trù nêu trên, chúng ta bắt gặp lại lời kinh “Hãy trở về với chính mình”, cũng có nghĩa là sống trong giây phút hiện tại. Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa tới, chỉ có giây phút hiện tại là quí giá.

Có người nói rằng “Nếu không có quá khứ thì làm sao có hiện tại và tương lai, không có thời gian qua thì lấy đâu có kinh nghiệm sống cho thời gian hiện tại, không có dự phóng cho tương lai thì làm sao có thể có những công trình văn minh, văn hoá, giúp ích cho con người, cho nhân loại v.v…??”.

Theo tôi được biết, hiện tại cũng là mạch nối dài của quá khứ và là điểm tiếp diễn đi tới cho tương lai, nên tất cả cũng bắt đầu từ hiện tại, cũng có nghĩa trở về với Chánh Niệm hay Tánh Giác, Cái Biết. Vâng, thời gian là do con người đặt để làm thước đo, nhưng giữa thời gian của tâm lý và vật lý cũng đã có sự sai biệt, như ai nấy đều biết. Nhưng, Cái Tánh Biết không có quá khứ, hiện tại hay vị lai, vẫn luôn có mặt trong mỗi hữu tình, như vầng trăng luôn rực sáng và chỉ vì mây che mờ, nên thấy có sáng có tối.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, do lòng từ bi thương xót cho sự sai lầm của chúng ta, đức Phật đã dạy cặn kẽ, rõ ràng về Tánh Biết. “Khi thỉnh một tiếng chuông, chúng ta nghe được. Khi không thỉnh chuông, chúng ta không nghe, nên nói rằng không có tiếng chuông, nhưng làm sao để có nhận thức điều nầy. Như vậy, cái Tánh Biết nầy dù cho có thỉnh chưông hoặc không, Tánh Biết vẫn luôn có mặt, hiện hữu”. Đó là con đường mà chúng ta tìm và thể nhập, sống miên mật…

Sống với Tánh Biết nầy, cũng có nghĩa là trở về với Tâm, với Chánh Niệm và đó cũng là phương trời mở rộng thênh thang đến từ giây phút hiện tại và tất cả vạn pháp cũng đều đến từ giây phút hiện taị, nơi suối nguồn vi diệu mà mỗi người cần xưng tán, thể nhập, như vừa đề cập ở trên.

Tuyết rơi phủ ngập, mọi sinh thái mang nhiều biến đổi, khổ đau có bao giờ không hiện diện, phiền não có khi nào vắng mặt, khi tâm luôn vọng động, sống buông bỏ thực tại, quên chính mình…Tôi được nghe dạy rằng “Trong tâm, tất cả mọi thức uẩn đều không có nguồn gốc, không có khởi đầu và không có kết cuộc, vì là rỗng không, do duyên cấu tạo nên, rời duyên thì vạn pháp trở về như như”. Khi một niệm khởi, vạn pháp thành hình. Khi một niệm giác có mặt, khổ đau vắng mặt

Thấy có khổ đau, chúng ta trốn tránh, tìm bình an trong sự chạy trốn, dưới mọi hình thức, ẩn dấu tâm tình dưới trời đông giá tuyết … nhưng quên rằng, muôn vật ẩn mình duới sức giá lạnh của mùa đông để vươn lên, sống vững khi xuân về, cung cấp chất liệu tươi mát, hồi sinh cho con người, cho chính mình và vạn vật.

Tất cả khổ đau, bất hạnh, hạnh phúc, phiền não …không chừa một ai, không bỏ sót một người nào …nhưng phải chăng đó cũng chính là chất liệu, phù sa để tưới tẩm cho tâm hồn, Không khổ đau làm sao biết được hạnh phúc. Không phiền não lấy đâu ra an lạc. Chưa biết đói thì làm sao biết được bữa ăn ngon có được và nếu không có những khổ cảnh xẩy ra, dù muốn hay không, dù là do nghiệp duyên, nghiệp lực, tác động của nghiệp v.v.. thì đó cũng là những gì đóng góp cho một con người trưởng thành, nội tâm vững mạnh, thấy đuợc sự duy nhất bất sanh bất diệt trong mổi con người, con người của thương yêu, dấn thân và hạnh phúc.

Từ những nhận thức bùng vỡ khi đối diện với thực tại, chúng ta cũng sẽ cảm nhận được tấm lòng cao quí như bà mẹ thương con của đức Bồ tát Quán Thế Âm, khi dẫn ta vào tâm Bát Nhã, nơi vắng mặt của năm uẩn đều không, vì không có tự tánh và đây là sức bật mạnh cho mỗi người hành giả mang tâm nguyện đi vào đời, sống với và cùng con người mà trên vai mang gánh nặng của Chân Không, để lòng thư thới, vô ngại…..

Đời người mỏng manh như chiếc lá giữa đất trời, qua bốn mùa thay đổi, biến chuyển…chiếc lá cũng dầm mưa dãi nắng, đổi màu thay sắc để sống còn, để đem đến cho con người những thú vị, thi vị qua sắc màu của lá. Đông có về gây phiền nhiễu cho lá cho cây, có khi làm cho lá săn mình lại, co ro, lịm chết trong giá lạnh, nhưng khi xuân về, lá sẽ vươn mình bung ra để nói cùng vũ trụ rằng “chúng ta đều là người bạn thân thiết, thương yêu nhau trên cõi đời nầy, dù là mang những hình thái khác nhau, vì tự bản chất chúng ta đều nương nhau, duyên với nhau để hiện hữu, có mặt” và nếu lỡ như lá không còn có mặt, thì các chất màu của thân lá, của sơ lá, của gân lá sẽ biến thành đất, thành chất liệu để nuôi sống muôn loài trên trái đất nầy…

 Thưa bạn, một người Nhạc sĩ trẻ Lê Minh Hiền gửi cho tôi nhiều bản nhạc. Lắng nghe âm thanh kỳ ảo của dòng nhạc gồm Tình ca và Thiền ca, tỏ lên tấm lòng trong sáng của người Nhạc sĩ đối với dòng đời đạo. Vâng, chúng ta có thể dùng mọi hình thức dù đời hay đạo, chỉ vì mục đích nâng đỡ tâm con người trở về ánh sáng của giáo Pháp đức Phật, về với bản tâm thanh tịnh, an vui, hạnh phúc, vì “Phập Pháp không lià Pháp thế gian”. Cảm kích tấm lòng đó, gom lại vài Tựa của các bản nhạc mà Nhạc sĩ đã sáng tác, tôi ghi lại vài dòng thơ và tất cả đều là từ lời Tựa của nhạc …để cám ơn Nhạc sĩ và để dâng tặng cùng mọi người…

 

đêm đã khuya. vầng trăng còn sót lại
ánh lung linh, lan toả khắp phương trời
ta lặng lẽ, soi bóng mình tìm dấu
một vì sao, em hởi, giọt buồn đêm
 
nắm tay nhau, nghe tiếng gió ru tình
giữa bến lạc, cho em tình người đó
nghe tiếng yêu đầu, lời kinh nhân từ
cho em nụ cười, tiếng vọng trái tim
 
cám ơn thời gian, Quan Âm vô lượng
nguyện nụ thương mềm, ngàn tay hoá độ
từng bước chân tỉnh thức, đến rồi đi
xin đưa em cùng về, lời thơ mộng....

 

            Bốn câu thơ sau như dẫn dắt bước chân của tôi vào đời. Vẫn tâm tình xưa cũ của con người mộc mạc, biết ít nhưng lại hay nói nhiều, như cái trống rỗng thì hay kêu. Tuy nhiên, giữa biển đời nhiều sóng gió, biết bao khổ cảnh xẩy ra cho chính mình và bao nhiêu người, tự trong tâm xin được chắt chiu những gì biết được, qua chút ít hiểu biết dù đơn giản, cũng kính xin được dâng tặng cùng tất cả mọi người, dù những lời chân thành nầy, bạn có đồng ý hay không- cũng xin nhận nơi đây như một tấm lòng quí trọng, chia sẻ.

Nhân đầu năm Dương lịch 2010, kính mong chúng ta cùng chắp tay để cầu nguyện cho :

 

- Xin cho thế giới hoà bình, binh đao chấm dứt, những hận thù, chia rẽ, bất đồng chánh kiến, tư tưởng… gây đau khổ cho con người, cho nhân loại… sẽ không còn có mặt.

- Xin cho mỗi người đều trở về với Tánh Giác của mình, để sống có ích lợi, có ý nghiã cho đời sống của mình và người và mang tâm bồ đế, vô úy đối diện với nghịch cảnh để chuyển hoá.

- Xin cho nước mắt con người có rơi xuống thì cũng chỉ vì hạnh phúc, an lạc chứ không phải là những giọt nước mắt bất hạnh, đau khổ.

 

Lành thay ta vui sống,
Từ ái giữa oán thù,
Giữa những người oán thù,
Ta sống không thù oán
  (Kinh Pháp Cú, s ố 197 )

 

Ah, happily do we live without hate
amongst the hateful;
amidst hateful men
we dwell unhating.
 (Tịnh Minh dịch)

 

 

Thành kính dâng tặng và chia sẻ ….

nhân ngày Đầu Năm Dương lịch 2010.

  

Ngày 1 tháng Giêng, năm 2010.

  

 ngonnen_544833539

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập