Tôi Là Chú Chuột Nhắt Ở Phương Khê

Đã đọc: 2351           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Những câu chuyện trong khi uống trà sau bữa ăn như thế giúp tôi được biết về Xóm Mới và Xóm Hạ là hai xóm có quý sư cô ở; còn Xóm Thượng và sơn Hạ là nơi quý thầy ở. Có khi sư Ông dạy riêng cho một sư cô hay một thầy nào đó, có khi quý thầy, quý sư cô hỏi Sư Ông những thắc mắc trong lòng. Những lúc như vậy tôi thấy tình thương của Sư Ông dành cho đệ tử thật sâu sắc và dạt dào. Tình thương ấy thể hiện qua từng lời dạy rút ruột rút gan, qua lòng kiên nhẫn đợi chờ các sư con khôn lớn.

Đã hai tháng rồi chuột nhắt tôi không đùa giỡn, không rượt Chuột Chũi chạy lòng vòng. Hai tháng nay lúc nào tôi cũng yên lặng nghĩ đến Sư Ông. Ngày nào tôi cũng bò tới chỗ Sư Ông thường rãi bánh mì nhưng không thấy có mẫu bánh mì nào cả. Tôi nghe quý sư cô nói bác sĩ đang trị liệu cho Sư Ông nơi bệnh viện. Mỗi lần quý sư cô qua đây để chăm sóc nhà cửa, tôi đều chạy ra nghe ngóng tình hình sức khỏe của Sư Ông, không biết giờ này Sư Ông có được ra ngoài để ngắm nhìn mùa đông tĩnh mịch hay không! Hôm nay ông trời có đổ ra một chút nắng hiếm hoi nên trời trở nên sáng và nhẹ. Tôi bò ra vườn đi thiền hành quanh Sơn Cốc. Từ khi còn bé xíu tôi đã được nghe Sư Ông dạy đi thiền hành, nhưng hôm nay tôi mới thật sự đi thiền hành đàng hoàng. Tôi thở sâu theo từng nhịp bước, nơi đâu cũng có dấu chân của Sư Ông, tôi ra đến rặng tre, đến bên dòng suối nhỏ, tôi dừng lại thật lâu dưới hai gốc cây mà Sư Ông thường mắc võng để nằm. Tôi đã bao nhiêu lần núp trong bụi cỏ kia để nghe Sư Ông nói chuyện với quý thầy hay quý sư cô thị giả. Tôi học cách đi thiền hành, cách thở, cách buông thư và học yêu thương cuộc sống qua những câu chuyện ấy. Những bài học nhỏ, những câu chuyện dí dỏm mang tình thầy trò đã nuôi dưỡng tôi từ khi tôi bắt đầu biết nhận thức.

Không biết họ hàng tôi chuyển tới đây từ bao giờ. Chỉ biết rằng khi tôi có mặt trên cõi đời này mẹ tôi đã quen thuộc với từng ngỏ ngách trong khu vườn và căn nhà kho chúng tôi ở. Lớn lên, tôi lẽo đẽo theo mẹ chạy chơi ngoài vườn, chúng tôi ăn những trái hồ đào, trái táo, trái lê từ trên cây rụng xuống. Buổi sáng Sư Ông thường đi thiền hành. Lần đầu tiên thấy hình ảnh Sư Ông dẫn hai sư cô thị giả đi từng bước chậm rãi, gương mặt Sư Ông sáng ngời, tôi nhìn theo không chớp mắt, lòng tôi trào lên một cảm xúc thật khó tả, vừa thương mến vừa kính phục và sung sướng bò theo. Sư Ông nằm xuống võng, mắt lim dim, hai sư cô thị giả ngồi xuống đất bên cạnh và đong đưa võng. Ba thầy trò im lặng thật lâu, rồi Sư Ông cất tiếng:

-Này con, mai mốt khi con làm Sư Bà rồi con phải nói với đệ tử của con như vậy nè: ''Tụi bây mới có mấy tuổi đầu mà cứ như bà cụ non, thấy tau khôn? Tau từng ni tuổi rồi mà tau còn ''tuổi thơ'' nữa đó''.

Thì ra có một sư cô tên là Trăng Tuổi Thơ. Tôi bị ấn tượng cách nói chuyện của Sư Ông từ đó. Cách nói của Sư Ông vừa gần gũi, thân thiện lại vừa lịch sự và có tính dí dỏm nữa nên tôi bị hấp dẫn theo từng câu chuyện. Sư Ông tiếp:

-Thầy hỏi Hiểu Nghiêm: ''mai mốt lớn lên thành sư bà rồi con có đánh đệ tử của con không?'' Hiểu Nghiêm nói: ''Bạch Thầy, con sẽ không đánh đâu''. Thầy nói tiếp: ''Nếu con mà đánh đệ tử của con tức là con đánh cháu của Thầy đó. Thôi con đánh Thầy luôn cho rồi''.

Thầy nghĩ là Hiểu Nghiêm sẽ nhớ rất lâu. Sau đó Thầy dạy Hiểu Nghiêm: ''con phải tập nuôi dưỡng hạt giống của Thầy ở trong con ngay từ bây giờ, tập coi các sư em như là đệ tử của mình vậy đó, thì mai mốt lớn lên con mới dạy đệ tử con dễ thương được’’.

Tôi nhớ có một lần tôi núp trong hóc nhà nghe Sư Ông nói pháp thoại. Sư Ông nói rằng:''Thầy mong các con hiểu Thầy và giúp Thầy thực hiện con đường mà chư Tổ giao phó cho mình. Đó là cách dạy của Thầy, dùng tình cảm và lý tưởng để thức tỉnh các con’’. Tôi nghĩ Sư Ông mong mỏi quý thầy quý sư cô khi lớn lên cũng sẽ dùng cách đó để dạy các thế hệ tương lai. ''Dạy như thế thì làm sao mà quên cho được!’’_Tôi nghĩ. Bản thân tôi những lời ấy thấm vào trái tim non nớt. Tôi cảm được tình thương của Sư Ông qua từng câu nói, từng lời dạy đối với quý thầy quý sư cô.

Mùa xuân, bụi tre ngoài bờ suối mọc lên nhiều măng và quý sư cô thường qua cắt ba bốn ngày một lần. Sư Ông thích ăn măng. Sư Ông kho măng với đậu hủ ngon lắm! Nhưng Sư Ông lớn tuổi rồi, bác sĩ nói ăn măng làm cho mình bị đau nhức nên Sư Ông chỉ kho cho các sư con ăn thôi. Ngày làm biếng sau khóa tu tiếng Pháp, có vài thầy, vài sư cô qua Sơn Cốc làm việc với Sư Ông nên bữa ăn trưa đông vui lắm! Sau bữa trưa, quý sư cô kể chuyện về khóa tu. Sư Ông nhắc Thầy Pháp Áo khi giúp các sư cô làm âm thanh đừng có la các sư cô. Quý sư cô kể thiền sinh người Pháp tới đông và họ thấy quý sư cô chào hỏi nhiệt tình nên họ tưởng mình biết tiếng Pháp. Họ nói luôn một tràng làm quý sư cô ngớ người ra không hiểu gì. Sư Ông cười nói:

-Thầy bày cho mấy đứa con một cách, khi nào họ nói mà mình không hiểu thì tụi con cứ trả lời với họ:

Tiếng Tây tui có ba mo,

Tới khi Tây hỏi tui mò không ra.

Họ nghe xong cũng sẽ không hiểu như mình nghe tiếng Pháp vậy đó.

Mọi người phá lên cười.

Những câu chuyện trong khi uống trà sau bữa ăn như thế giúp tôi được biết về Xóm Mới và Xóm Hạ là hai xóm có quý sư cô ở; còn Xóm Thượng và sơn Hạ là nơi quý thầy ở. Có khi sư Ông dạy riêng cho một sư cô hay một thầy nào đó, có khi quý thầy, quý sư cô hỏi Sư Ông những thắc mắc trong lòng. Những lúc như vậy tôi thấy tình thương của Sư Ông dành cho đệ tử thật sâu sắc và dạt dào. Tình thương ấy thể hiện qua từng lời dạy rút ruột rút gan, qua lòng kiên nhẫn đợi chờ các sư con khôn lớn.

Thỉnh thoảng Sư Ông kể về chùa Tổ, chùa Tổ là nơi Sư Ông xuất gia, làm điệu. Nghe giọng kể, tôi biết Sư Ông thương chùa Tổ, thương quê hương Việt Nam ghê lắm. Nơi đó có cây me, cây khế, cây bùi, có bến nước, có con đường làng đất đỏ, lầy lội mỗi mùa mưa về. Nơi đó có bánh nậm, bánh giò, có canh khoai lang nấu với me đất, có trái bùi kho chao. Sư Ông kể về tiếng rao hàng của cô bán xôi bắp, xôi đậu, về tiếng chuông đại hồng ngân lên giữa buổi khuya yên ắng, về chén chè bắp thơm lừng nơi Cồn Hến Sông Hương. Sư Ông nói chè bắp mà ăn ở Cồn Hến mới ngon. Quê hương trong Sư Ông bao giờ cũng đẹp. Nghe Sư Ông kể, tôi biết quê hương Việt Nam nghèo nhưng đẹp và dễ thương vô cùng.

Quê hương của Sư Ông cũng là Sơn Cốc, là Xóm Mới, Xóm Thượng, Xóm Hạ, là những cánh đồng quê nước Pháp. Tôi cảm được quê hương là nơi mà mỗi khi nghĩ đến mình thấy thân thương, gần gũi. Quê hương là nơi mình thấy hạnh phúc khi nghĩ về. Tôi chỉ được nhìn thấy Sơn Cốc thôi nhưng Xóm Mới, Xóm Thượng, Xóm Hạ, chùa Tổ cũng là quê hương trong lòng tôi. Tôi yêu cây mộc lan ở Sơn Cốc và cũng yêu cả cây mít, cây chè chùa Tổ dù tôi chưa một lần đến Huế.

Là chú Chuột Nhắt ở Phương Khê, tôi thích chơi đùa cùng nắng sớm. Núp dưới rặng tre nhìn lên thấy nắng lấp lánh xuyên qua những giọt sương trong vắt, tôi thấy lòng mình như múa reo cùng với những chiếc lá tre. Tôi chạy đua với những hạt nước trong dòng suối nhỏ. Tôi trèo lên tảng đá thiệt cao rồi nhảy xuống, lăn cù ra đám cỏ, nghe toàn thân mát rượi, tôi cứ nằm yên như vậy nhìn trời, nhìn mây, nhìn những đàn chim tíu tít bay về.

Nắng xuân tươi và nhẹ, nắng chảy khắp khu vườn, xuyên qua cửa kính vào Nội Viện Phương Khê nơi Sư Ông thường viết thư pháp. Sư Ông viết thư pháp mỗi ngày sau giờ thiền hành. Những ngày làm biếng, các sư cô hay qua giúp Sư Ông tưới hoa và đóng dấu vào thư pháp. Từ ngoài vườn nhìn vô tôi thấy Sư Ông viết thư pháp còn hai sư cô thị giả đóng dấu và phơi. Đó là bức tranh tình thầy trò rất đẹp. Phút giây đó tôi thấy sự sống có mặt rất sinh động. Tôi cũng thấy tình thương và năng lượng tu tập của Sư Ông đi xa khi những bức thư pháp đến với mọi người. Tôi bò vào Nội Viện Phương Khê ngồi xem Sư Ông viết. Khoảnh khắc ấy mầu nhiệm và linh thiêng vô cùng.

Hôm nay Sư Ông dạy sư cô thị giả đóng dấu cho những bức thư pháp Sư Ông mới vẽ vòng tròn xong. Sư Ông dạy rằng:

-Con ấn lần lượt bốn góc trái, phải, trước, sau, và làm việc phải thở cho đàng hoàng nghe!

Sư cô đóng lộn một cái và giật nảy mình. Hồi nhỏ mỗi lần làm sai điều gì sư cô thường bị người lớn đánh, sư cô không dám thưa với Sư Ông liền bởi vì tập khí sợ hãi trong sư cô vẫn còn, sư cô chờ Sư Ông làm xong việc rồi mới sám hối. Sư cô đến bên Sư Ông, chắp tay lại và thưa:

-Con bạch Sư Ông, con đóng bị sai một tấm rồi. Hồi nãy con nhớ chuyện Sư Ông kể: '' sư chị Văn Nghiêm con ngày xưa đóng dấu thư viện cụp cụp nên lần đầu tiên giúp Thầy cũng đóng cụp cụp như vậy''. Con tủm tỉm cười một mình và quên để ý cái nào dưới cái nào trên. Con xin sám hối với Sư Ông ạ!

Sư Ông xoa đầu Sư Cô rồi nói:

-Làm sai có một tấm thôi hả con? Thỉnh thoảng Thầy cũng làm sai một tấm. Con đưa tấm đó lên cho Thầy coi... Ừ, ngược như vậy thì không dùng được nữa rồi!

Tôi thấy nước mắt sư cô rưng rưng vì cảm động. Tôi cũng rưng rưng khi chứng kiến cảnh này. Tay Sư Ông đau vì lớn tuổi nhưng Sư Ông cứ rọc giấy và viết rất nhiều. Vậy mà Sư Ông vẫn từ bi không la sư cô gì cả. Tôi thấy mình may mắn được sinh ra ở Sơn Cốc để sống gần và hưởng năng lượng từ bi của Sư Ông. Thật sự thì trong lòng tôi vẫn còn nhiều khổ đau lắm, những khổ đau ấy thường trồi lên khi tôi va chạm với những chuột anh, chuột chị, chuột chú… ở cạnh nhà. Và đôi khi ngồi một mình bỗng dưng tôi cảm thấy cô đơn và buồn tủi. Tôi hay tự hỏi ''tại sao những điều xúi quẩy đâu đâu cứ xảy đến với tôi hoài?''. Nhưng dù có bao nhiêu chuyện đến với tôi thì tôi cũng có cái hạnh phúc được gần Sư Ông. Sư Ông đã bù đắp hết cho tôi qua hình ảnh và cách sống của Sư Ông rồi. Nhìn Sư Ông, tôi chỉ muốn trở về để chăm sóc em bé trong tôi, để tôi có thể bình thản và thương được tất cả mọi thứ đến với mình. Mới tuần trước thôi, tôi giận Chuột Chũi ghê lắm! Chuột Chũi là bạn thân của tôi. Vì chúng tôi bằng tuổi và ở cạnh nhà nên tôi rất thương Chuột Chũi. Tôi luôn bênh vực và an ủi khi Chuột Chũi buồn. Chuột Chũi cũng thương tôi lắm! Cậu luôn chia sẻ thức ăn với tôi, giúp tôi tha những cọng rơm về chất ở trong hang cho ấm. Chúng tôi chơi với nhau, chui lủi từng ngỏ ngách của ngôi nhà, chúng tôi rượt nhau chạy lòng vòng quanh những gốc tre bên dòng suối. Chúng tôi tâm sự với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Tôi hay chọc phá Chuột Chũi. Những lần như vậy Chuột Chũi thường hỏi tôi:

-Thấy mặt mình trẻ không? - Ừhm, trẻ. Tôi trả lời.

Chuột Chũi vui vẻ:

-Tại vì không biết giận đó!

Chúng tôi phá lên cười.

Đôi khi tôi bực bội la lối, Chuột Chũi không bao giờ giận tôi hay la lại. Tôi ham chơi nên trở thành đảng trí. Mẹ tôi nhờ tôi chuyện gì tôi cũng làm không xong cả. Có khi mẹ sai tôi đi tha những cọng rơm về tổ, tôi lơ đảng vừa tha vừa tưởng tượng đủ thứ trên đời. Thế là sẩy chân tôi rớt xuống một cái hốc sâu, phải lần mò lâu lắm mới lên được, báo hại mẹ tôi đi tìm tôi cả buổi. Có khi mẹ sai tôi đi tìm hạt dẻ tha về cho Bà Ngoại tôi ăn vì bà Ngoại tôi đang bị bệnh, tôi vừa đi vừa chơi quên cả giờ về, để Bà Ngoại ở nhà đói meo. Mẹ tôi nói tôi tệ như vợ thằng Đậu. Người Việt Nam mỗi khi đem vợ thằng Đậu ra để so sánh nghĩa là tệ ghê lắm. Tôi kể cho Chuột Chũi nghe và kết luận:

-Vợ thằng Đậu mà nghe mẹ mình nói vậy chắc là buồn lắm. Bởi vì tính ra mình còn tệ hơn vợ thằng Đậu nữa, nói chung mình tệ nhất thế giới này.

Chuột Chũi nói với tôi:

-Những chuyện đó nhỏ thôi mà. Chuột Nhắt không được nghĩ là mình dỡ, mình tệ và không được nói như vậy nữa. Phải nói là mình giỏi, mình làm được, nhớ không?

Tình bạn của tôi và Chuột Chũi đẹp như thế. Vậy mà hôm đó Chuột Chũi đã đánh tôi chỉ vì tôi chui vào chiếc vớ để ở trong hang của Chuột Chũi khi Chũi không có nhà. Không biết Chuột Chũi tha từ đâu về một chiếc vớ để ở một góc trong hang. Tôi sang chơi thấy không có ai ở nhà thì chui vào đó nằm ngủ đợi bạn về. Chuột Chũi về thấy vậy thì cầm tay giật tôi dậy và tát tôi một cái. Tôi mở mắt ra còn ngơ ngác không biết chuyện gì thì Chuột Chũi đã hét lên:

-Ai cho phép bạn sử dụng cái này hả? Đi ra ngay, nếu không tôi còn đánh bạn nữa đó.

Tôi nghẹn ngào đứng dậy chạy như bay về nhà. Về đến hang tôi òa lên khóc vì không kìm nén thêm được nữa. ''Chuột Chũi có thể đánh tôi chỉ vì tôi sử dụng đồ của bạn ấy ư?'' Tôi cảm thấy nhức nhối trong lòng khi nghĩ đến câu nói của Chũi. Nó như cái kim đâm vào trái tim tôi đau nhói, vậy mà tôi cứ tưởng Chuột Chũi lúc nào cũng sẽ cư xử tốt với tôi. Đang khóc tôi chợt nhớ đến lời dạy của Sư Ông với một Sư Cô nào đó '' tha thứ cho người khác là mình nhẹ nhàng trước con à!'' Tôi ngồi thẳng dậy và bắt đầu theo dõi hơi thở. Tôi tập ôm ấp em bé bị thương ở trong mình trước. Một chặp sau, tôi thấy cơn đau trong lòng tôi nhẹ hẳn đi, tôi không giận, không trách nữa. Tôi bước ra khỏi hang và đi tìm Chuột Chũi. Chuột Chũi cũng đang ngồi một góc trong hang, mắt cậu nhìn chăm chăm vào tường. Cậu suy nghĩ gì mông lung lắm. Tôi ngồi xuống bên cạnh và nói:

-Mình xin lỗi Chuột Chũi, mình cứ tưởng là bạn thân thì có thể chia sẻ với nhau mọi thứ nên mới làm như vậy. Nếu bạn không muốn mình đụng vô đồ của bạn thì mình sẽ không làm vậy nữa.

Chuột Chũi nhìn tôi với đôi mắt ân hận:

-Chuột Nhắt à, thực sự mình không muốn làm cho chuột Nhắt khổ đâu. Nhưng bởi vì hồi nhỏ mẹ con mình yếu đuối nên thường bị ăn hiếp và coi thường. Họ giật thức ăn trên tay của mình và đôi khi giành luôn cả cái hang mẹ con mình đang sống nữa. Hồi nãy mình bị cảm giác hồi nhỏ trồi lên nên tức quá, mình đã đánh bạn. Mình xin lỗi!

-Chuột Chũi phải hứa với mình là sau này sẽ không làm như vậy nữa. Lúc nãy bạn làm mình khóc đến lụt nhà luôn rồi. Bởi vì Chuột Chũi là bạn thân của mình nên mình mới đau nhiều như vậy. Nếu như ai đó đánh thì mình sẽ không buồn lắm đâu.

-Mình hứa Chuột Nhắt à! Mình sẽ cố gắng tốt với bạn hơn. Chuột nhắt đừng buồn nữa nhé!

-Mình không buồn nữa, mình chỉ nói vậy thôi. Cũng nhờ chuyện đó mà mình hiểu Chuột Chũi hơn. Mình sẽ luôn bênh vực bạn.

-Vậy mình vẫn là bạn của nhau nha!

Tôi toét miệng cười trong khi mắt vẫn còn ươn ướt. Chúng tôi không còn giận nhau nữa.

Ở Sơn Cốc có cây táo, cây lê, cây hồ đào và khi trái rụng xuống chúng tôi có thể tha hồ ăn mà không sợ đói. Hơn nữa ngày nào Sư Ông cũng đem bánh mì qua rải bên nhà kho cho chúng tôi ăn. Nhưng tôi vẫn háu ăn, thấy cái gì cũng cắn. Đôi khi cắn rồi, ăn không được tôi lại nhả ra, tôi cắn còn để cho răng mòn bớt nữa. Thỉnh thoảng gặp món khoái khẩu tôi chén đến no căng. Có một sư cô thấy chúng tôi tung hoành quá thì muốn đem con mèo qua để chúng tôi sợ mà trốn bớt. Quả thật chúng tôi mới nghe nói đã rợn cả lông gáy rồi. Nhưng Sư Ông nói: ''Đừng có đem bọn khủng bố đó qua đây''. Thế là chúng tôi mừng rơi nước mắt, chúng tôi được tiếp tục chơi đùa.

Có lần ai đó gởi từ Việt Nam qua một túi xoài khô, Sư Ông để trên bàn làm việc. Tôi phát hiện ra và lập tức bò lên cắn rách cái túi, tôi ngồi vào đó ăn ngon lành. Hôm đó Sư Ông đi dự ngày quán niệm ở Xóm Thượng về, thấy túi xoài đã bị cắn rách nhưng Sư Ông vẫn để yên. Hôm sau tôi mon men bò lên ăn ngay khi Sư Ông đang làm việc. Thỉnh thoảng nhìn lên để dò xét, thấy Sư Ông nhìn tôi rồi lại tiếp tục công việc, tôi yên tâm chén tiếp. Hôm sau nữa tôi lại bò lên nhưng thấy túi xoài không còn, tôi đưa mắt dáo dát tìm quanh rồi bò xuống. Sư Ông đã để túi xoài vô lồng bàn đậy lại rồi. Sư Ông nói với sư cô thị giả:

-Đây là bàn làm việc của mình mà, đâu có để cho anh chàng lên ăn được, nhưng cất đi như vậy là mình đã lấy đi thiên đàng của con chuột rồi. Đối với con chuột túi xoài khô là thiên đàng của nó đó con.

Sư cô thị giả đem chổ xoài còn lại qua để ở bên kho, chỗ Sư Ông thường cho chúng tôi ăn. Sư cô đã trả lại thiên đàng cho tôi. Chiều, Sư Ông kể lại chuyện này cho sư cô Định Nghiêm và Sư Cô TN nghe. Sư Cô Định Nghiêm nói:

-Vậy thì mình phải làm một tờ giấy vẽ mũi tên chỉ đường cho nó nữa.

Thật ra thì Sư Cô Định Nghiêm đâu cần phải làm một cái bảng chỉ đường như thế. Bởi vì bất cứ cái gì ăn được xuất hiện nơi nhà kho này, chúng tôi đều phát hiện ngay lập tức mà. Sư cô TN nói:

-Con ước gì mình được làm con chuột ở trong nhà Sư Ông một lần.

Còn tôi, tôi cũng ước gì mình được làm sư cô hay sư chú một lần, được ngồi uống trà với Sư Ông và hỏi Sư Ông những gì Chuột Nhắt tôi từng thắc mắc. Tôi cũng muốn được cùng quý thầy quý sư cô quây quần bên Sư Ông nghe pháp thoại hay nghe Sư Ông kể chuyện, dạy làm thơ trong ngày xuất sĩ. Tôi muốn kể chuyện và hát cho Sư Ông nghe nhiều bài mà không phải lúc nào cũng chỉ bò lên bàn ăn kêu chít chít. Nhưng cả tôi và sư cô TN đều hiểu rằng hạnh phúc nhất của chúng tôi là sống trọn vẹn trong thiên đàng của chính mình. Và dù có khổ đau nhưng nếu biết cách khổ đau thì khổ đau sẽ ít lại. Và, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc mỗi khi ý thức rằng tôi là chú Chuột Nhắt ở Phương Khê.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Đăng nhập