Mùa Xuân Không Đến Nữa

Đã đọc: 6122           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

      Năm 2006 bão đến tuy có báo trước song không ai ngờ lụt đến nhanh như thế. Ít nhất, gió thổi bay ba cây mận đỏ, rau trong vườn ngập úng: rau lang, rau bồ ngót, rau mồng tơi...Lụt vô nhà chưa rút cái khác đã đến, ba trận nước vô nhà trong một tuần. Trong vườn, lũ côn trùng như gián, rít, trùn, rầy nâu, bọ xít...chưa kịp thiên di. Chết nhiều nhất là trùn, một giống bò sát cứ hế lụt là bò ra khỏi hang nhiều vô số kể. Nhớ năm 1999 mẹ và ba ngồi nơi giếng nước sau nhà dùng đũa gắp đến bảy xô trùn chết phơi bụng trắng hếu rồi đào hố chôn. Lấy cuốc cào không xuể trong khi trùn chết chất đống như cái núi nhỏ trông thấy ghê. Không hiểu bằng cách nào mà một người vốn sợ chuột như mẹ có thể “cộng tác”với ba như vậy được. Lụt và bão như cái nghiệp trời hành hàng năm dành cho miền Trung. Lại nữa, cứ mưa là lụt. Mẹ đau trận lụt trước chưa bớt đã đến trận sau, ba buộc mẹ lên gác nằm không cho xuống nhà. Cuối cùng khi nước sắp tràn qua giường( đã kê cao 7 tấc), cả nhà lên gác. Nạn phá rừng là nguyên nhân. Phá rừng dưới nhiều hình thức, nào buôn gỗ nào đốn gỗ khi làm đường Trường sơn. Cây đào là gỗ loại bét thế nhưng khi cần vẫn tạm dùng được. Cây mận đỏ ba trồng sau vườn ngã sóng soài trên hàng rào(của ba làm) bổ qua nhà ông Thế, nước chưa rút hết ông đã chạy qua nhà hỏi mẹ.

-         Cây đào? (ý ông muốn hỏi: Cô tính sao?)

-         Cho ông đó. Mẹ đáp.

Ông Thế lật đật đi về. Mảnh đất ông đang ở ba bán cho ông, giá tương đương một cây vàng (năm trăm mét vuông). Khi nước đang còn trong vườn, người vợ đã tay cuốc tay lon sang vườn ba cuốc trùn cho vịt. Mùa nắng thì thả qua khoảng vài chục con gà, khiến hai ngàn(2000) cây hành tây( poireau) ba trồng để mua gạo chết hết vào miệng bầy gà. Lời qua tiếng lại sau cùng mẹ gọi thợ đến xây bức tường ngăn đôi hai vườn, ông Thế chẳng góp một cọc rào nói chi đến tiền. Bây giờ không còn thời bao cấp, hai nhà vẫn trông thấy nhau có điều họ không kết giao. Sau khi đốn phần cây mận đỏ ngã qua vườn, ông Thế nhân tiện rút bớt những cành sapotier ở cánh cổng sau, ba làm để rào. Cánh cổng bị bão lụt xô đổ, dọn vườn chưa xong còn hơi sức đâu mà dọn ngả sau. Không bước ra thì thôi, ra vườn thêm ngán.  Vườn sau mỗi lần lụt nước ngâm cả tháng nên ba mở thêm cánh cổng sau để xe chở đất dễ bề chạy vô vườn. Bây giờ chỉ mới sau nửa tháng cánh cống làm bằng tre to lớn hầu như biến mất, phần bị sụp đổ do bão, phần thì ông hàng xóm tốt bụng nhân cơ rút bớt những cọc rào chắc chắn, giây leo bìm bịp tha hồ.

            Năm đó việc cứu trợ rất tấp cập. Mẹ cũng đi cứu trợ với sư cô và cũng chịu khó mang đồ xuống cho sư cô đem đi. Cô nói ở ngoài huyện xa cứu trợ đến ba lần. Có làng như cái ốc đảo giữa sa mạc...nước. Nước bao vây muôn trùng cả tháng, đói, lạnh và rét. Chỉ tội nghiệp người già và con nít. Người dân nói, họ trồng bụi tre lớn để làm cái cột chống, những người làm đường nhất định đốn bụi tre hàng chục năm đó mặc cho dân can ngăn. Thế là đê chắn sóng vỡ, nước tràn xuống như thủy triều, dân bỏ của chạy lấy người! Khi trở về thì ôi thôi, mênh mông nước, nhà cửa và giường chiếu trôi mất phương nào rồi. Chỉ tội nghiệp những đứa trẻ. Những đứa trẻ mãi mãi việc đến trường chỉ còn trong mơ ước xa xôi.

Việc cứu trợ bao giờ cũng đến kịp thời và chủ quan. Tiền cứu trợ tỉnh rót về khu phố, khu phố chia cho từng tổ. tổ trưởng rót cho bà con mỗi nhà một ít, nhà cần cứu thì không cứu, nơi không cần mì tôm lại có, bởi thế mới sanh chuyện. Khi nào cho khỏi bất công, khi nào có được sự công bằng, khi người dân nói chỉ là dân đen. Một ông đứng lên nổ:” Hai vợ chồng tui có lương hưu ở trên thành cao không phải nuôi con cái, mẹ già, lại đem cho tui 20 kilô gạo. Báo hại tui phải chèo xuồng đem cứu những hộ thấp hơn. Cứu tui làm chi?!” Nhờ thế, việc phê bình có bớt đi.

Trận lũ lớn năm 2006 tràn khắp cả miền Trung, thị trấn Nam Ô ở  Đà nắng cũng tan tành sau một cơn bão. Gạo cơm mắc mỏ. Hai ngàn bốn cọng rau lang. Mười ngàn một lon ruốc Đà nắng, sáu ngàn một lon ruốc Huế. Mắc nhất là rau. Trong vườn chỉ còn cây rau bồ ngót có thể gọi là tạm sống  sót những nơi còn ánh sáng mặt trời. Trước khi  có lụt con gái ở xa gởi tiền về, mẹ đã làm một soong ruốc sả mè, mua thêm thịt hộp và cá hộp để dành, thành ra thèm rau.

2009. Vườn lại hồi sinh, có điều, trái cây bán không đủ tiêu pha rộng rãi như những năm trước. Mùa trái cây trong vườn lại về, ngày càng ít sapotier hơn, phần thì hai chị đã ra trường đi làm, phần thì ba ở tuổi 64, mẹ không ưa ba trèo hái nữa, do bịnh. Mẹ thuê người chặt thấp những cây đào xuống vì lo ba trèo cây cao nguy hiểm. Ông Thế làm nhà bắt ống nước đổ qua vườn, lấn đất chừng một mét. Cả nhà ông ta nương nhờ bóng mát hàng dãy đào hướng đông bắc đó. Mười cây thì bão 2006 đã trúc đổ mất ba gốc rồi. Người vợ nói khi thấy mẹ quét sân:

-         Cô nói thầy chặt bớt nhánh cây đào, kẻo bão gió trúc đổ qua lầu nhà tui.

-         Cây đào của bác trồng bổ qua trước ngõ nhà tôi thì sao? Tôi quét và hốt rác hàng chục thúng!

-         Tui cũng hốt rác cây đào của cô đổ trên lầu.

Mẹ không nói nữa bỏ vô nhà. Ba gọi người đến chặt. Thật ra cây mận trắng đã chặt thấp hồi bão 2006 , chỉ có một nhánh hơi bổ qua lầu ông Thế, bây giờ hạ thấp ngang tầm cửa sổ nhà láng giềng trên lầu. Nguồn nước bà Thế  hàng ngày giặt rửa cố ý đổ sang ao nhà làm cho cây mận lên xanh tốt.  Không những thế còn đổ rác. Mưa dầm thấm lâu, cái cây cho trái rất nhiều. Khi xây bức tường  ngăn đôi hai vườn, ba đổ ít nhất dưới móng chân tường một bao xi măng Biển Sơn do nước giặt rửa tích tụ lâu ngày, chố đất đó úng nước. Bây giờ chặt  cây thấp xuống, dãy phòng ngủ và phòng khách nhà ông Thế nắng dọi vào chói chang. Năm nay ong làm tổ dưới đất, đàn kiến tha lương thực từ đầu tháng 8 âm lịch. Kiến và con ong thợ là hai con vật chăm chỉ làm việc nhất. Châu chấu thì chết lần sau khi ba phun thuốc diệt cỏ hồi năm kia, mà vì sợ nhiễm độc cây ăn quả nên chỉ diệt cỏ cú và phun thuốc sơ sơ. Mùa hè kiến hay làm tổ trên cây thanh trà, mùa đông kiến chọn cành cao nhất làm tổ. Đàn ong mùa hè bay đi đâu mất tiêu, ong vò vẽ, thứ ong hay làm tổ trong bụi rậm – mà không ai để ý. Đàn kiến thiên di chưa bao lâu thì bão đến, bão đến sau mấy đợt mây mù, trời hanh, không gian yên tĩnh kì lạ. Bão đến có thông báo trên TV, nhưng lụt thì vẫn bất ngờ vì nước tràn vào còn nhanh và to hơn năm 2006. Ai mà ngờ được nhà máy điện ở hồ thủy điện Bình Điền ngập, người ta vội xả nước khi nước sông Hương đục ngầu chưa rút hết? Đang mưa lớn mà xả lũ, chẳng trách nước tràn vô nhà nhanh không thua lụt 99 bao nhiêu. Nước vô nhà 12 giờ trưa thì 4 giờ chiều đã lút mặt bàn, nước tràn qua giường, cả nhà lại di tản lên gác lần nữa. Lần này có chuẩn bị thế mà vẫn mệt vì ba cái áo quần chăn màn. Sách vở ba mẹ đã chồng lên gác cao sau năm 2007, những cuốn sách lâu lâu mới đọc một lần cho lên kệ áp mái. Mẹ quý sách lắm. Nước chưa rút hết dân trong xóm đã liệng ra khỏi nhà vô số bao ni lon dựng rác. Rác trôi đến trước cổng ngõ nhà, ba lấy xe rùa chở ra năm xe mới hết. Tuy có nộp tiền vệ sinh môi trường, tuy con đường vườn đã biến thành con đường xóm từ lâu, người hốt rác vẫn không vào  tận đây.

Lụt 99 ba sơ ý – mà ai ngờ nước vô trong nhà gần hai mét nước, để chết mất mười một giò lan. Lan bạch hạc, nghênh xuân, kim long vũ, diên vỹ...mỗi giò trồng ít nhất mười một(11) năm trở lên, có đau không chứ. Sau cơn lũ 99 salon cả thành phố ra bãi rác già nửa. Ai mà nghĩ tới chuyện sắm làm gì, giờ đây phải sắm một bộ. Lụt 99 me trôi hết, phấn son, rổ rá, chứng minh thư, đôi bông hạt trai của bà ngoại cho ngày cưới, tiền, gạo chỉ còn mười ba lon cầm cự năm đêm trên gác hẹp. Mà căn gác chỉ là mấy tấm gỗ gác tạm, ba bảo để gỗ rút rồi mới đóng đinh. Nếu nước chỉ cao thêm chừng vài tấc thôi là chỗ tấm ván cả gia đình năm người nằm sẽ nổi lềnh bềnh. Cũng còn may, mẹ nói thế.

Bây giờ mới hiểu ra khi nào không thấy đàn ong và khi nào chúng làm tổ dưới đất là năm đó bão lớn, lụt to trùn mới đùn vào nhiều. Đào mận hàng năm chi vào tiền học phí, tiền ăn năm nay ra trái  ít lại. Bà ngoại phụ thêm, ba bán sách phụ thêm. Vật giá gia tăng khủng khiếp. Gạo ruộng một chục ngàn chỉ có ba lon tám(3,8) mà thôi. Hàng ngày gạo ruộng được bốn lon hay bốn lon hai(4,2). Số học sinh nghỉ học năm 2006 ở Huế lên đến hàng trăm ngàn em năm nay không biết bao nhiêu. Lo nhất là ruộng. Mùa tháng tám qua rồi,còn vụ đông xuân? Điều gì khiến cho trời đất đổi thay, nổi giận? Thiên tai bão lụt triền miên. Chưa biết những chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Mà làm sao biết được, biết cũng thế thôi.

Chỉ có đàn chim chuốc chuốc trở về. Chúng trở về vào mùa sapotier chín và mùa hồng chín cũng chưa thấy đàn kiến trở về. Có lẽ chúng chưa kịp thiên di. Cỏ lút trước sân nhà. Năm nay hồng được mùa, ba me ham làm việc quên cả  năm nhuận hai tháng năm, nên hồng chín sớm. Hồng sây trái, sau cơn bão những trái hồng chín bị dơi tha đầy trên cây và rụng dưới gộc, chỉ có thế mới gọi một vài con chim chuốc chuốc với bộ lông màu cánh dán pha lẫn màu xám trở về, chứ lương thực đâu nữa. Chúng ăn những trái chín, nhưng không nhiều như trước bão. Kiến chết non nửa rồi. Hồng bán sỉ rất rẻ, me lại dú bán cho người tiêu dùng. Gạo thì mắc. Mẹ nói, bao giờ thì hết thiên tai, hết lụt lội đến hạn hán. Bao giờ con người tu cho đỡ nghiệp, bao giờ thì cái ác lùi bước nhường cho cái thiện phát triển. Thời buổi mà người bán gạo cũng lừa mình được. Ngoài đường mua một trăm ngàn ba mươi tám lon vô nhà họ đong cho mẹ chỉ có ba mươi hai lon. Ba nói tại em hay tin người. Tại hay động lòng thương người mà bị lợi dụng. Mẹ nói không phải thế. Tại nền giáo dục không dạy học sinh nhân cách làm người. Bao nhiêu thiệt thòi đổ lên đầu học sinh. Các em nữ không được học nữ công gia chánh, không biết truyện Triệu thị Trinh và Hai bà Trưng đã chống quân Nam Hán như thế nào. Các em trai không biết Lê Lai hi sinh liều mình cứu Chúa. Các em không được học kĩ triều đại Lý Trần, một thời đại mà đạo Phật và văn hóa phát triển rực rỡ, điển hình là các chùa cổ ở miền Bắc, các công trình mỹ nghệ nhỏ, đồ gốm sứ và đền thờ miếu mạo nay đang được trùng tu sau bao nhiêu năm bỏ hoang phế. Tất cả những gì sách dạy học trò và giáo viên nói chỉ sơ sài, lướt qua.

Cỏ cú tha hồ mọc, môn ngứa, củ ráy chết. Lũ côn trùng như gián, rít, sâu, rắn mối  chúng chạy trốn hay chết mất xác ở đâu đó. Cỏ dại mọc khắp vườn, nhiều nhất là cỏ bông lau. Mẹ vốn yêu loại cỏ này và vì chúng mọc ở đường biên nên ba cũng mặc. Bây giờ ba lại tấp cập làm cỏ, mẹ mang cỏ củ đi đổ dưới gốc cây mận ở vườn sau. Người ta nói cỏ cú ngâm rượu uống rất tốt. Nhưng ai có thì giờ để nhặt từng búi cỏ đây. Cỏ cú mọc chiếm nửa khu vườn. Lá lốt, rau  diếp cá, rau mã đề ngập ngụa bùn non. Rau má mới trồng chưa kịp lên xanh đã rụi. Nhà có mảnh vườn nhỏ không ai dám an rau chợ. Có một chuyện xảy ra nhiều năm trước. Ăn rau khoai luộc, đi nhà thương. Ăn rau muống luộc, đi nhà thương. Một bà bán rau nói:”Con tui không có  tiền đóng học phí, tui tưới thuốc trừ sâu hai ngày phải nhổ bán!!”.Chẳng biết tội về ai, bà bán rau hay người bán thuốc, hay vì một nền giáo dục không lấy dân làm gốc?! Bánh Trung thu, có người ăn không hết đem cho nhà khác, có nhà còn đem đổ rác. Nhi đồng của  những người bưng thúng bán mẹt, làm gì có tiêu chuẩn bánh, làm chi có tiền mua bánh. Tất cả chỉ vì tiền thôi sao. Mẹ bảo, học sinh và sinh viên trọ học xa nhà, có em bị đói khi trời lụt, gạo mắc, đồ ăn mắc, rau vườn mình chết hết sau trận lụt, chỉ còn cây khế ngọt. May nhờ cây khế, ngày nào bữa cơm cũng có một dĩa khế ăn thế rau đó mà. Xứ Tuy Hòa không bao giờ lụt mà cũng chết vì xả nước ở hồ thủy điện. Nghe đâu hồ Tả trạch cũng bị rạn ở phần đào bên cánh trái. Công trình phải tạm ngưng. Nguy hiểm thế đấy. Ba mẹ  góp sức làm cỏ vườn để trồng rau. Lũ rau trai rau éo mọc ở vườn sau tha hồ, ít nhất ba cũng đẩy chục xe rùa cỏ dại và rau trai ra tấp nơi gộc cây đào để chúng khỏi mọc lại. Rốt cục,  cũng vãi được vồng cải và trồng được ít xà lách. Cải bị rầy thì khỏi ăn, không tưới thuốc luôn cho an tâm. Nhưng trong vườn cũng còn hoa. Năm nay, khi nhìn đàn kiến di cư mẹ nhắc ba treo mấy giò lan lên cao, khi trời đổ mưa và  đài báo có bão treo cao hơn nữa.  Hoa và sách – giá trị tinh thần rất lớn. Hai con người đãng trí số một ấy làm gì có đến hai mươi chín triệu để chen lấn đi mua một cây vàng? May mà còn có hoa. Hoa Lyly de peace lem luốc những bùn đất. Giống hoa lấy từ Ý, hay Tân tây Lan này sống dưới bóng râm và nước. Thiếu nước chúng tàn héo. Hoa giấy, hoa Quan âm. Gọi là hoa Quan âm vì cái hoa màu trắng như năm ngón tay hoa chắp trước đài sen. Đó là loại hoa mẹ yêu nhất. Mẹ trồng một vồng ở vườn sau, chỗ cây mận trắng có nhiều bóng râm. Cây hoa giấy màu vàng chết thì còn được hai nhánh Ngọc Anh trồng thế chỗ, vậy mà bữa hôm sau cơn bão lụt, lá cây vàng rụng, mẹ đinh ninh nó chết rồi. Ba cùi hai nhánh Ngọc Anh hai năm rồi không trồng, một phần chưa đủ tiền mua hai cái chậu to. Bao nhiêu tiền đổ vào việc học của hai chị lớn, nay hai chị đi làm rồi, mới đỡ. Giờ hai nhánh Ngọc Anh ra đất luôn, không trồng chậu nữa.

Trời mưa mãi, đất trời xám xịt cho đến rằm tháng mười. Trời mưa vào lúc có Seagames. Đội banh Việt nam được vô chung kết. Người ta bỏ tiền sang Lào coi trận chung kết. Mẹ vừa ngồi  đan áo cho chị  vừa coi đội banh nữ. Mẹ chỉ coi đội banh nữ đá. Cái gì thuộc về nữ mẹ bảo nên coi, không biết đó có phải là truyền thống Hai bà TRưng bà Triệu như mẹ thường hay nhắc không. Nữ đá banh, chạy điền dã, hay hết chỗ chê. Có năm còn vô địch bắn súng, màn này thiệt hay. Đội banh VN thất bại nhưng cũng đứng nhì bảng. Ba nói, mình thua đội Mã lai là phải rồi, họ đấu có chiến thuật. Thua có chi phải buồn đâu. Đội người ta phòng vệ rất sát, vả lại VN thì thể lực e không bằng, hiệp hai xuống thấy rõ. Me không bình luận gì, chỉ thở dài.

Những con chim chuốc chuốc không mê đá banh, chúng đi kiếm những trái hồng chín rục, những trái sapotier bị dơi ăn thả dưới gộc, để ăn.     

Bao giờ thì có một nhà tài trợ bỏ tiền tỉ ra, xây cho học sinh miền lũ một ngôi trường – những đứa trẻ con nhà nghèo đã bỏ học, những đứa miền cao cũng đã nghỉ học. . Bao giờ thì người ta biết trích bớt một phần ba số tiền cứu trợ (non vài tỉ đồng), để xây một ngôi trường miễn phí dành riêng cho học sinh nghèo ở vùng thấp trũng; để chúng có một mái nhà thứ hai một nơi chúng cảm thấy yên tâm, không sợ bị thầy cô dùng điểm trừng trị - chứ không phải giáo dục - để chúng vui vẻ và hăng hái học hành. Ít nữa ở đó chúng không căng thẳng tâm lí, không mệt mỏi bởi những tiết học nặng phần nhồi nhét hơn là gợi mở, nặng phần hình thức hơn nội dung. Bao giờ có một cuộc đổi thay, một cuộc cách mạng thật sự về giáo dục để có một chương trình học dựa trên một triết lí nhân sinh căn bản là dạy học sinh làm người chứ không đào tạo ra những con người máy vô ơn vô cảm như bây giờ?  Một chương trình học nặng từ chương và  giáo điều, xa  thực tế trong khi thực tế chúng đang sống tuy chua chát song còn phong phú hơn nhiều. Biết đến bao giờ, người ta trích một phần ba số tiền tỉ cứu lụt để trang bị cho ngư dân một trong những chiếc tàu đánh cá ngoài khơi xa trông  giống một chiến hạm vững chãi, như tàu đánh cá của NZ?  Không phải cưỡng bách người không nhà di tản đến một nơi nào đó trong khi nước còn dâng một gói mì tôm cũng không có như nhiều người đã kêu ca năm 2006? Năm nào cũng có thiên tai hạn hán, năm nào me và ba cũng khổ vì lội lụt, dọn vườn, trồng rau. Như thế còn đỡ, chỉ khổ cho học trò nghèo khổ cho người dân nghèo. Lũ lớn tràn về có chừa ai, khiến đất đá trôi giạt, con người cũng xiêu dạt, sạt lở, bởi không còn cái để mà ăn, nông dân nhiều nơi không còn đất để trồng lấy ngọn rau nữa là. Hàng cứu trợ thì dùng được bao ngày? Chưa kể nó còn làm giàu cho một số kẻ ham lợi, vô lương tâm. Bao giờ đây, hở chúa Xuân, vị thần không có tuổi. Lạy trời cho trẻ em miền sâu miền xa được ăn no đến trường. Đợt rét hại năm 2006 khiến hơn sáu chục ngàn con trâu bò chết, học sinh bỏ học, cái đáng sợ đáng lo nhất trên đời là  trong  một quốc gia chuyện bỏ học hàng năm trở thành một quốc nạn. Chuyện các em gái hơ hớ đang xuân lấy chồng Hàn quốc, Mã Lai, rồi Hồng Kông...không cần  biết tương lai sẽ ra sao, không cần biết và cũng không ai nói cho các em biết hôn nhân nào phải chuyện đùa, không đơn thuần chỉ là tiền hay để giả quyết cái bao tử.  Hơn nữa mình vốn con Rồng cháu Tiên (dù cho truyền thuyết chăng nữa), sao lại coi rẻ mình đến thế, sao không có lòng tự ái dân tộc, má phấn môi son trình diện để người ta đến coi mắt như coi một món hàng? Ai dạy cho các em biết điều đó đây ngoài nhà trường? Nhà trường cũng không dạy. Bao giờ đây, thưa chúa Xuân, các em gái các em trai có được một mái trường nơi chúng có cảm giác thật sự được thương yêu, được che chở; một ngôi trường với một chương trình học phù hợp với mọi lứa tuổi, vùng miền, kích thích ở chúng lòng yêu văn học, mê lịch sử, từ đó nảy nở lòng yêu quê hương đất nước một cách tự nhiên và có giáo dục hẳn hoi,  để chúng nếu không  từ bỏ mái trường một cách lạnh lùng, không thương tiếc - vì nhiều lí do này khác mà nguyên nhân sâu xa trước hết ở tại ông thầy - (không thầy đố mày làm nên) với chương trình học quá nhồi nhét, điểm số và cách đánh giá(con người toàn diện) không vô tư trong sáng; thì cũng lao vào các trò chơi điện tử, chát chít thâu đêm. Đau hơn hết, có đứa ham học lại không đủ tiền đi học, chúng miễn cưỡng ở nhà. Thậm chí đậu Đại học mà vì thương mẹ cha cực khổ cũng ở nhà. Lạy trời cho tất cả trẻ cô nhi được yêu thương đúng nghĩa của danh từ, lạy trời cho trẻ em miền núi, miền sâu miền xa được ăn no chứ không phải chỉ hô khẩu hiệu, hay mựơn danh nghĩa mở trại mồ côi mà thu tiền từ thiện. Bao giờ đây hỡi Chúa Xuân, những thanh thiếu niên vui vẻ cắp sách tới trường, không hỏi mẹ:”mẹ ơi, ngày mai có chi ăn đi học không, mẹ ơi, cho con tiền đóng học phí, mẹ ơi, cho con tiền trả tiền học thêm, mẹ ơi...”

Bao giờ cho tình thương yêu ngập tràn thay vì lũ quét – mà bão lũ thì tàn phá và quét sạch sành sanh thật – trí thông minh và tài năng được tự do phát triển – cho người nghèo và người già yếu neo đơn thật sự có được nụ cười!

                                                     Huế 27/12/2009

 

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập