Tết - Phút Suy Niệm Về Bài Cáo Tật Thị Chúng

Đã đọc: 2323           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Mùa xuân có đến có đi, cõi đời có suy có thịnh, có nhục có vinh. Khi nào con người chưa gội sạch những bợn nhơ của hơn-thua, tranh-giành, ngã-nhân, bỉ-thử, thì ngay phút giây đó, con người vẫn bị não phiền làm chủ tâm tư, vẫn bị những ngoại duyên tác động. Ngày nào nội tâm đủ sức mạnh táo bạo gạt bỏ những phân tranh tông môn pháp phái, những ranh giới địa hạt vùng miền, những thành trì kiến chấp, kiến giải, thì, ngày đó, cơ hội hồi quang phản chiếu, phản bổn hoàn nguyên sẽ đến với chính mình.

         Trong cuộc sống thường nhật, con người ít khi trở về với chính mình vĩnh viễn, chỉ trừ những bậc chứng đạo, người đã sống tự tại với thực tại và đang đi trong cõi không về.

Ở Việt nam, có thời kỳ xuất hiện nhiều bậc đạt đạo như thế. Quí ngài luôn thể hiện một đời sống bình thường, nhưng bên trong tâm thức vẫn ẩn chứa ý nghĩa phi thường, chơn thường; và Thiền sư Mãn Giác triều đại nhà Lý của Việt nam là một nhân vật lịch sử điển hình.

Chuyện đến đi, thành trụ của kiếp người là qui luật tất yếu, bình thường. Nhưng, đối với Thiền sư lại là một phát hiện tuyệt vời sống động, là một thực tại miên viễn, không khứ không lai. Thiền sư đã để lại bài thơ, nội dung không những chứa đựng hương vị thiền học, đượm màu sắc thi ca bác học Việt Nam, mà còn mang tính đột phá, táo bạo, hướng thượng của người sáng đạo:

“Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai”.

 

Đọc hết bài thơ này, ta sẽ thấy Thiền Sư là một người đang hành hoạt trong đời sống bình thường, như bao con người khác. Ngài đang nhìn cảnh vật xung quanh giữa mùa xuân, thấu thị cội nguồn của thời gian, không gian và hoàn cảnh. Trong tâm Ngài tiềm ẩn muôn vẻ của trời đất thiên nhiên. Trái tim Ngài mang nặng tình cảm thiết tha, hòa quyện với thi ca dân tộc. Ngài là người đã ‘xong việc’ nên thỏng tay vào chốn bụi hồng mà cõi lòng không hề ô nhiễm. Ngài là người đã ‘chứng đạo’ ngay trong đời sống nên thong dong đi vào chợ đời mà không bị tình đời vẩn đục. Hình ảnh của một người tự tại tiêu sái, khoan thai thoải mái, vừa thoát tục nhưng rõ nét siêu nhiên, vừa riêng biệt nhưng hoà mình vào càn khôn vũ trụ trong dịp Tết đến Xuân về. Hơn nữa, quan niệm nhân sinh, vũ trụ của Ngài cho ta thấy, Ngài thật sự là người đã thở với nhịp thở của trời đất thiên nhiên, đã thấu thị qui luật vận hành của càn khôn vũ trụ. Do vậy, đối với việc đến đi, hoa nở, hoa tàn hay hoa rụng, Ngài vẫn thấy như chuyện bình thường:

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười

Vòng luân chuyển đến đi, cười khóc của thế thái nhân tình là điều con người thường chứng kiến. Hôm nay tôi tiễn một người bạn lên đường du học, ngày mai tôi lại chia tay một người thân trở về cát bụi mênh mông. Đứng trước tình cảnh này, tâm lý ngậm ngùi đau khổ, đắng cay luyến tiếc dằn vặt khôn cùng. Rồi một ngày khác, tôi lại đón vị Thầy tôn kính, đêm ngày tôi ước vọng chờ mong, niềm hạnh phúc dâng trào bật thành tiếng khóc. Nhưng, đối với Thiền Sư, việc hoa rụng, xuân tàn là một qui luật tự nhiên, tất yếu trong cuộc đời vô thường này. Có gì phải tiếc nuối khi thấy hoa mai rơi rụng. Có gì phải buồn thảm, khổ đau khi người thân qui tiên. Đối với người đạt đạo, tất cả chỉ là sự lánh mặt, đổi thay hình thức khác mà thôi. Vì vậy, mùa xuân của người ngộ đạo, sống đạo hoàn toàn khác với mùa xuân của người tìm đạo hoặc lạc đạo và thi sĩ Xuân Diệu là một điển hình của hạng người tìm đạo và lạc đạo:

“Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”

(Xuân Diệu)

Trong truyền thống thi ca, tâm hồn thi sĩ hay nhạy cảm với thiên nhiên trời đất. Họ không thoát khỏi những tâm lý âm tính, buồn chán, cô đơn, cô độc khi đối diện với cảnh vật bên ngoài. Những tâm lý đa sầu, đa cảm, thở than với số kiếp đọa đày xuất hiện rất nhiều. Nhưng, chính những tình cảm này đã sản sinh ra nhiều bài thơ bất hủ trong kho tàng thi ca Việt nam xưa nay. Ở đây, ít người hiểu chính xác nguyên lý vô thường và sự hiện hữu của chân thường chỉ cách nhau trong gang tấc. Lìa cái này sẽ có cái kia, như lìa bóng tối, ánh sáng lập tức hiện hữu. Đi tìm ánh sáng trí tuệ bằng phương tiện khoa học hiện đại là đi tìm bóng tối. Nếu đạt được huệ nhãn, con người sẽ đủ can đảm rũ sạch mọi đối đãi phân hai, buồn vui, thương ghét, dơ sạch. Tâm hồn vượt lên trên cảnh giới siêu nhiên hay thường nhiên. Chuyện ngã-nhân, bỉ-thử, Xuân về Tết đến, mai vàng đua nở, đào trắng rụng dần của thành-trụ-hoại-không, chỉ là những ẩn hiện bên ngoài của càn khôn vũ trụ. Nào ai có biết, bên trong những thứ đó, còn có một thực tại miên viễn, sống động không bao giờ mất. Vì vậy, Thiền sư Chân Không đời Lý cũng đã táo bạo đánh lên tiếng chuông cảnh thức cho con cháu bằng lời nói mạnh dạn của người sống đạo:

Xuân đi cứ ngỡ xuân tàn

Hoa dù nở rụng tiết xuân vẫn là

(Thơ Văn Lý Trần, tập 1, Viện Văn Học, Hà Nội, 1978, trang 302).

Mùa xuân có đến có đi, cõi đời có suy có thịnh, có nhục có vinh. Khi nào con người chưa gội sạch những bợn nhơ của hơn-thua, tranh-giành, ngã-nhân, bỉ-thử, thì ngay phút giây đó, con người vẫn bị não phiền làm chủ tâm tư, vẫn bị những ngoại duyên tác động. Ngày nào nội tâm đủ sức mạnh táo bạo gạt bỏ những phân tranh tông môn pháp phái, những ranh giới địa hạt vùng miền, những thành trì kiến chấp, kiến giải, thì, ngày đó, cơ hội hồi quang phản chiếu, phản bổn hoàn nguyên sẽ đến với chính mình. Chính khi đó, mọi cửa nẻo bí ẩn của cuộc đời sẽ tự động mở tung mà không cần chìa khóa thần kỳ nào, như Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông khai thị:

“Thuở nhỏ chưa từng rõ sắc không

Xuân về hoa nở rộn trong lòng

Chúa xuân nay bị ta khám phá

Trải chiếu giường thiền ngắm mặt hồng”

(Trần Nhân Tông, Thơ Văn Lý Trần, tập 2, Viện Văn Học, Hà Nội, 1978, trang 463).

Khi đủ sức gan lì sáng suốt, dám trải chiếu giường Thiền để ngắm mặt hồng của mùa Xuân, thì con người mới đủ khả năng khám phá lòng trong trắng, trinh nguyên của mùa xuân thường tại. Còn lẩn quẩn trong hơn thua, ích kỷ, thì khó có thể đặt chân đến bức màn của cửa không môn!

Tâm hồn con người nhỏ bé là lúc còn phan duyên với bao cảnh vật bên ngoài.

Tâm lý con người còn lo sợ bị tha nhân chi phối là lúc con người còn tham lam, tật đố ganh hờn. Nhưng, đối với Thiền Sư, làm sao có một chút mảy may sợ sệt trong tâm hồn, khi Người đã đạt đạo và sống đạo. Sự chết chóc, bệnh già của kiếp nhân sinh đối với Thiền sư là lẽ thường tình, đương nhiên. Vì đã mang thân phận con người ai chẳng bước qua cây cầu sinh-già-bệnh-chết. Sinh-già-bệnh-chết không sợ, thì làm gì rung động trước những được-mất bại-thành. Nhận chân được điều này để thân tâm toàn tịnh, thể tánh hiển bày. Cuối cùng, Ngài để lại hai câu kết, không phải kiểu kết của một bài thơ tình cảm lê thê, mà là lối mở của lời khai thị, của pháp ngôn vô tận:

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai.

Giữa đêm trường băng giá, cành mai tự tánh tức mình nở hoa, báo hiệu một mùa xuân vĩnh tại nằm sẳn trong pháp giới tạng thân. Cành mai này vượt khỏi không gian và thời gian của dòng sinh diệt tương tục. Nếu diễn đạt đến tận cùng ngữ nghĩa của ngôn từ, ta có thể nói, hoa Mai của mùa xuân sẽ nở bất cứ lúc nào, khi thời tiết nhân duyên hội đủ. Đoá hoa mai giác ngộ vượt khỏi mọi định ước của con người, siêu xuất không gian và thời gian, vượt ngoài sự sống và lẽ chết. Đóa hoa mai tự tánh hiển lộ khi màn sương tan trong đêm đông mờ ảo.

 

Lời phú chúc của Thiền sư Mãn Giác trước giờ tạm chấm dứt kiếp sống hiện tại, đi đến nơi khác hoằng dương chánh pháp, có lẽ, vừa là bài học về cái nhìn như nhiên hiện tiền, vừa là kỷ niệm của một người vừa viên thành bi nguyện. Kỷ niệm này có giá trị giữa chốn tử sinh, đủ đầy ý nghĩa an lạc giải thoát giữa tâm thức cuồng loạn của kiếp người. Đó là sự chuyển hoá toàn triệt, không có bao người thực hiện được, nếu cõi lòng còn những phân ranh của ngã-nhân, bỉ-thử!!!

 

Chùa Phật Đà, 23/01/2014;

T.K.Thiện Hữu

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập