Những Đóa Mai Xưa

Đã đọc: 2425           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Theo một quy luật tự nhiên, người xuất gia hay đứng trước những cuồng phong của lợi danh, nhân-ngã, sắc tướng âm thanh, hay những ngôn ngữ mật đường, đắng cay hủy nhục. Trong tình thế này, nếu sợ quá bỏ cuộc hay lao xao loạn động, thì con đường tâm linh khó có thể tiến bộ và hoàn thiện được.

Sau thời gian vắng mặt không được chăm sóc cộng với sức nóng ‘đặc biệt’ của mùa hè năm nay, cội mai già trước cửa thiền thất không còn những chùm lá xanh tươi, cành nhánh khô khan chờ ngày lìa khỏi thân cây cằn cỗi. Nhìn bề ngoài, tuy cội mai sắp sửa không hiện hữu trên dương gian, nhưng, như một thói quen, tôi vẫn vun phân tưới nước và hy vọng mùa xuân này vẫn tìm lại được những đóa mai xưa!

 

Nhớ mỗi năm, ngày hết Tết đến, cội mai này đã cho tôi bao niềm cảm xúc dâng trào. Đứng trước cửa thiền thất, tôi ngắm nhìn từng đóa mai vàng nở, thoang thoảng chút hương thơm dịu mật, cõi lòng phiêu lãng bềnh bồng, không gian dường như ngưng đọng. Phải lắng tâm tịnh ý, mới thưởng thức được mùi thơm diệu kỳ của những đóa mai này. 

Thời gian dài trôi qua, sống ở nơi đây, thời tiết khắc nghiệt thì làm gì có những cây mai to tướng như lúc ở chùa Giác Ngộ, Việt nam, hay cành mai thật lớn đặt trong chiếc bình sứ đầy giá trị nghệ thuật, được an trí giữa ngôi chánh điện trang nghiêm nguy nga rực rỡ. Tuy nhiên, những người Việt định cư ở đây lâu, vì nhớ hình ảnh cây mai ngày Tết, nên họ đã khéo léo đem giống mai vàng từ quê nhà sang đây nhân giống, rồi cố công trồng tại miền đất mới này. Người may mắn và thuộc loại bậc thầy về cây kiếng mới gieo giống, chăm sóc nổi một cây mai nguyên thủy Việt nam mà không bị trục trặc gì.                                                                                                                                        Cây mai trước thiền thất là do một Phật tử tín tâm biếu tặng cách đây gần 10 năm. Giờ ngồi nhìn cội mai già trơ trụi trước gió bụi, bão tố, phong ba, sương sa cùng nắng cháy, bất chợt tôi nhớ đến bài thơ của Thiền sư Hoàng Bá Hy Vân trong dịp đăng tòa thuyết pháp, giảng dạy cho đồ chúng xuất gia mà tôi được học thời còn ở Việt nam:

 

 Trần lao quýnh thoát sự phi thường

 

  Hệ bã thằng đầu tố nhất trường

 

  Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt

 

  Tranh đắc hoa mai phốc tỷ hương. 

 

Thiện Hữu tạm dịch:

 

 Thoát cảnh trần lao quả phi thường

 

 Một lòng kiên định chẳng vấn vương

 

 Nếu không nhờ có Đông lạnh giá

 

 Hoa mai đâu dễ tỏa thơm hương!

 

 

 

Hai câu đầu, ý Tổ nhấn mạnh việc cắt ái ly gia không phải dễ dàng đối với mọi người. Đây là việc làm phi thường nơi những con người không tầm thường. Người xuất gia sống trong cõi Ta-bà là hình ảnh con thuyền bơi ngược dòng nước, chấp nhận gian nan, thử thách truân chuyên. Hơn nữa, là mẫu người sống ngược đời, thì mọi hành xử nói năng động tịnh đều khác hàng thế tục. Về mặt hình thức, đành rằng vẫn còn sinh hoạt như người trần thế, nhưng khi thọ dụng phải biết vừa đủ hay chừng mực. Luôn trong chánh niệm tỉnh giác, mới có thể kiểm soát được mọi tạp niệm dấy khởi. Đi đứng, ngồi nằm phải giữ lễ nghi phép tắc của kẻ xuất trần. Nói năng, im lặng phải hợp lẽ đạo, lợi ích tha nhân. Nhưng, nhiêu đó chưa đủ, mà còn phải mãnh tĩnh thẳng tiến một đường, không nên nhìn lại thoái lui. Lập trường dứt khoát, kiên định với lý tưởng đã chọn, suốt đời phụng hiến cho nhân sinh xã hội.

 

Người tu phải chấp nhận mọi khó khăn thử thách của cuộc đời. Những mưa sa gió táp, mọi giông bão dập vùi đều phải nhẫn chịu với lòng hoan hỷ biết ơn và chỉ biết nguyện cầu muôn loài an lạc hạnh phúc. Giống như đóa mai vàng trinh khiết, trước khi tỏa sắc thơm hương cũng phải trải qua những thời tiết khô khan khốc liệt, mưa bão tối trời hay tuyết đông giá lạnh giữa đêm đen tịch mịch:

 

 Nếu không nhờ có Đông lạnh giá

 

 Hoa mai đâu dễ tỏa thơm hương.

 

Nếu không can tâm bền chí, đủ sức chịu đựng được những vùi dập tan tác của cuồng phong bão táp, mưa gió tối trời, giá lạnh sương rơi, thì làm sao đóa mai vàng chớm nở giữa tiết đông, làm sao hương thơm giới đức ngược gió tung bay?

 

Theo một quy luật tự nhiên, người xuất gia hay đứng trước những cuồng phong của lợi danh, nhân-ngã, sắc tướng âm thanh, hay những ngôn ngữ mật đường, đắng cay hủy nhục. Trong tình thế này, nếu sợ quá bỏ cuộc hay lao xao loạn động, thì con đường tâm linh khó có thể tiến bộ và hoàn thiện được.

 

Phải chăng, nhờ có bóng đêm vô minh, con người mới thấy được giá trị của ánh sáng trí tuệ nhiệm mầu? Nhờ kiên tâm định tánh trước mọi biến đổi của thế thái nhân tình, con người mới có thể vững bước trước ngưỡng cửa lợi-danh, thương-ghét, phải-quấy, tốt-xấu? Nhờ hoan hỷ chấp nhận mọi thứ cặn bã xấu xa của người đời ban tặng, người hành giả mới có thể bước qua ngưỡng cửa của tử sinh luân hồi?

 

Chấp nhận con đường đạo đức tâm linh để lên đường, nghĩa là chấp nhận mọi thương đau thử thách của cuộc lữ. Vì vậy, lúc nào cũng phải mãnh tĩnh tinh tấn, tự soi sáng lòng mình thông qua những việc tĩnh tọa thiền quán, lễ bái trì kinh, hay niệm Phật dụng công. Được như thế, nghiệp chướng nhiều đời khả dĩ tiêu tan, thiện pháp hiện tại mới có đất tốt gieo mầm.

 

 

 

Nhìn lại gương xưa của Thái tử Sĩ-Đạt-Ta, nếu không có những thất bại trong lối mòn ép xác hay vượt qua những tham đắm dục lạc mất hướng về, thì làm sao có được đêm đại ngộ huy hoàng dưới cội Bồ đề. Từ đó, ánh sáng từ bi trí tuệ bừng khai, những đóa mai vàng ngày Tết đêm xuân đua nở.

 

Lục tổ Huệ Năng nếu không ẩn nhẫn chịu đựng đeo đá giã gạo dưới nhà trù, rồi mười lăm năm ẩn náu theo đám thợ săn trong rừng sâu, thì thiền tông Trung Hoa lấy gì hưng hiển.

 

 

 

Chư tôn đức Tăng-Ni Việt nam từ thời khai hóa đến tận hôm nay, đã phát nguyện hy hiến, suốt đời dấn thân phụng sự, tiếp tục thắp lên ngọn lửa truyền đăng của lịch đại tôn sư.                                                                                                                      Quý Ngài vui vẻ chấp nhận mọi thị-phi của thế trần, mọi cấu uế của tha nhân. Quý Ngài chỉ biết hành hoạt, phụng sự đến hơi thở cuối cùng, không một lời than oán. Như vậy, từ thời Thích Ca Mâu Ni đến nay, xuyên qua các thời đại, xuyên qua mọi lãnh thổ quốc gia, lúc nào cũng có những bậc đạo cao đức trọng, những con người luôn xem thường giả danh huyễn tướng, xem khanh tướng công hầu như đôi dép rách, xem sống chết tợ giấc chiêm bao.

 

Là hàng hậu bối, chúng con chỉ biết cúi đầu đảnh lễ ngàn lần và âm thầm dõi bước theo chư tôn liệt vị. Những mong, một phần báo đáp ân sâu Tam bảo, một phần báo đền những người đã quên mình hy sinh cho quốc gia dân tộc!

 

Phát đại bi tâm vì bá tánh chúng sinh. Khởi đại nguyện lực mang an lạc cho tha nhân. Cùng nhau đi đúng con đường giải thoát giác ngộ là đã gội nhuần chánh pháp nhiệm mầu của mười phương chư Phật.

 

 

 

Ngày Tết gần kề, nhìn cây mai già trước cửa, tuy thân tướng chẳng còn khỏe mạnh như xưa, nhưng tôi vẫn giữ niềm tin tuyệt đối: cội mai này sẽ nở những đóa mai xưa.                                                       Không còn bao ngày nữa, đêm trừ tịch trở về. Ngồi đây ôn lại những công hạnh và nguyện lực của các bậc cổ đức tiên hiền, chỉ mong để tự nhắc mình, thẳng tiến trên lộ trình còn lại.                

 

Ô kìa, ngàn đóa mai vàng hay triệu đóa sen hồng đang khai hoa nở nhụy. Nhưng điều tiên quyết và chắc chắn là trước khi nở nhụy khai hoa, tất cả đều phải trải qua mùa đông giá lạnh hay nước đục bùn nhơ!!!

 

 

 

Chùa Phật Đà, ngày 08-01-2014; nhằm 08-12-Quý Tỵ.

 

T.K Thiện Hữu

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập