Phố nửa làng

Đã đọc: 840           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thầy Tuệ Sỹ nói, đi tu để chứng Thánh cực kỳ khó, học dễ hơn tu, vậy học không nổi sao đòi tu. Ôn Đỗng Minh dạy: “Nhỏ phải học chết bỏ; lớn làm việc chết bỏ; già tu chết bỏ. Mấy người trẻ vô chùa cứ đòi tu mau thành Phật, không chịu học. Cho lên bàn ngồi xếp bằng cả ngày như tượng Phật là thấy ngán leo xuống liền!”

Hiện nay Phật giáo Việt Nam nói riêng ở trong nước gồm nhiều hệ phái khác nhau: Phật giáo Nam tông, Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Làng Mai của Hòa thượng Nhất Hạnh, Phật giáo hệ phái Khất sĩ, phái thiền Trúc Lâm của Hòa thượng Thanh Từ… Ngoài ra còn nhiều nhánh nhỏ, mỗi nhánh có một tỳ-kheo tự xưng tông chủ, mở pháp tu đặc biệt… Tất cả đều có tín đồ Phật tử theo học và hành rất vượng khí. Đây là điều đáng mừng cho khu vườn Phật giáo trăm hoa đua nở.

Nhưng có một điều tất cả Phật tử cần ghi nhớ, tông phái nào, pháp tu nào cũng phải kiến lập trên nền tảng pháp học (gantha-dhura, vocation of books) và pháp hành (vipassana-dhura, vocation of meditation). Một tỳ-kheo muốn dùng pháp hành vào rừng sâu tu tập mà không học giáo lý thì chẳng biết gì để hành. Một tỳ-kheo đứng ra lãnh đạo đồ chúng làm giáo dục lại không hành trì thì chỉ dạy giáo lý khô chết, không truyền đạt được năng lực tu chứng. Đối với Phật tử tại gia, hai nền tảng ấy cũng cần hội đủ và bức thiết nhất là pháp học, học mới hành đúng. Người cư sĩ tại gia có quyền chọn lựa tông phái hay pháp môn để hành trì tu tập, nhưng tông phái nào cổ xúy chỉ nên tu đừng nên học và người cư sĩ nào có tư tưởng tương tự thì tất cả cần suy gẫm lại.

Thầy Tuệ Sỹ nói, đi tu để chứng Thánh cực kỳ khó, học dễ hơn tu, vậy học không nổi sao đòi tu. Ôn Đỗng Minh dạy: “Nhỏ phải học chết bỏ; lớn làm việc chết bỏ; già tu chết bỏ. Mấy người trẻ vô chùa cứ đòi tu mau thành Phật, không chịu học. Cho lên bàn ngồi xếp bằng cả ngày như tượng Phật là thấy ngán leo xuống liền!”

Học đừng sợ khó, khó dễ ở tại mình. Như chạy marathon, ban đầu chưa thể chạy 10 cây số, 40 cây số, thì mỗi ngày có thể chạy một đoạn đường ngắn, sau 3 năm số lượng cây số kia không là gì đối với bạn. Một bà lão 80 tuổi tại sao có thể ôm một con heo 100 ký, đi từ nhà ra bờ suối tắm cho nó. Bởi vì lúc bà 70 tuổi, nuôi con heo còn nhỏ, mỗi ngày ẵm nó ra suối tắm đều đặn, sau 10 năm nội lực trong người bà tăng dần chính bà cũng không biết.

Tôi lấy ví dụ thực tế. Trong kinh A-di-đà có đoạn Phật dạy Xá-lơi-phất: Lại nữa này Xá-lợi-Phất! Ở nước Cực lạc ở ao bảy báu… Trong ao có hoa sen to như bánh xe, màu sắc xanh ánh sáng xanh, màu sắc vàng ánh sáng vàng… (又舍利弗!極樂國土有七寶池… 池中蓮花,大如車輪, 青色青光,黃色黃光… Hựu Xá-lợi-phất! Cực lạc quốc độ hữu thất bảo trì… Trì trung liên hoa, đại như xa luân, thanh sắc thanh quang, hoàng sắc hoàng quang…). Đây là giáo nghĩa dạy về nhận thức luận – Tức mắt có hệ “thấu kính” bao gồm giác mạc và thủy tinh thể. Khi chúng ta nhìn một đóa hoa màu xanh, ánh sáng sau khi được khúc xạ qua giác mạc và thủy tinh thể sẽ hội tụ trên võng mạc của mắt. Tại đây tín hiệu ánh sáng sẽ được các tế bào cảm thụ ánh sáng trên võng mạc chuyển thành tín hiệu thần kinh. Sau đó, tín hiệu đó được truyền đến não thông qua hệ thần kinh thị giác (thùy chẩm) và được xác nhận là hình ảnh đóa hoa – màu xanh đóa hoa bên ngoài ra sao thì ánh sáng gửi vô não bộ cũng như vậy.

Cơ chế hoạt động của con mắt để nhìn thấy một vật thuộc giáo lý căn bản trong Duy thức. Nếu chúng ta không học sẽ mãi mãi không hiểu dưới lớp “sương mù” văn chương siêu hình của Phật giáo Đại thừa muốn diễn giải điều gì.

Ví dụ khác, có hai ông Tăng cãi nhau, một ông nói: “Phướn (cờ) động”, ông kia nói: “Gió động”, cứ thế tranh cãi. Lục tổ Huệ Năng liền bảo: “Chẳng phải gió, chẳng phải phướn, tâm các ông động”. Câu chuyện này trở thành công án thiền danh tiếng trong Thiền tông song nhà thiền vẫn y cứ trên giáo lý Duy thức (Vạn pháp duy tâm 萬法唯心, cittamātra) để truyền tâm ấn. Hay câu chuyện: Tăng hỏi Triệu Châu: “Con chó có Phật tính không?” Triệu Châu trả lời: “Không!” (vô 無). Chữ “Không” là nói đến giáo lý Tính Không (śūnyatā) của Trung quán tông (中觀, mādhyamika).

Thường ngữ cảnh, văn tự trong kinh điển chỉ nói vắn tắt, chúng ta cần học để suy luận ra chân lý Phật dạy. Làm biếng là “chứng bệnh hiểm nghèo”, đừng biện hộ vì hoàn cảnh nào đó để thoái thác không thể học được nữa. Một khi chúng ta ý thức mình là kẻ “nô lệ” của u tối mê muội, tự khắc đứng dậy “nổi loạn”, học để cứu mình.

Trên tấm bia Tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, ghi lịch sử khoa thi năm 1442 có khắc dòng chữ: “… Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh…” Cũng vậy, Phật giáo thịnh hay suy cũng ở người tài. Giả như Phật giáo rơi vào thời kỳ suy thoái, mục ruỗng đó cũng do một phần không còn người học; điều này người xuất gia và cư sĩ tại gia đều phải có trách nhiệm. Nếu tất cả không học, mạnh ai nấy tu, thì người mù dẫn người mù, rõ ràng như kiểu phố xá xây dựng sinh hoạt xô bồ điên đảo trên bờ sông Vị Hoàng thời Pháp thuộc, bị Tú Xương chơi chữ mỉa mai “phố nửa làng”.

“Trời kia xui khiến sông nên bãi,
Ai khéo xoay ra phố nửa làng.”

21/08/2022
Tâm Nhãn

Nguồn: https://thuvienphatviet.com/

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập