Giáo Lý Tư Tưởng Phật Giáo Trong Cung Oán Ngâm Khúc Của Nguyễn Gia Thiều

Đã đọc: 4384           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Từ ngàn xưa, Phật giáo đã được xem là chiếc nôi, là cội nguồn sản sinh ra biết bao công trình kiến trúc văn hóa, văn học độc đáo. Những tư tưởng, đạo lý của nhà Phật đã đi sâu vào lòng người, trở thành ngọn đuốc soi sáng cho con người vượt qua biết bao nẻo đường tăm tối của cuộc sống. Thông qua các tác phẩm văn học, Phật giáo càng khẳng định rõ hơn vị trí của mình trong tâm tư, tình cảm của dân tộc Việt Nam – một dân tộc luôn đề cao tình người, tính người. Và nhờ có Phật giáo mà giá trị tư tưởng trong các tác phẩm văn học trở nên thâm thúy hơn, sâu sắc hơn. Một trong những tác phẩm nổi bật nhất nền văn học Phật giáo thời Lê – Nguyễn là Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều. Với thể song thất lục bát uyển chuyển, giàu chất trữ tình, Nguyễn Gia Thiều đã cất lên khúc ngâm tha thiết về số phận người cung nữ bị ruồng bỏ hay cũng chính là khúc hoài cảm về cuộc đời, thân phận của chính mình. Ta có thể dễ dàng nhận ra những giáo lý, tư tưởng nhà Phật trong Cung oán ngâm khúc như:

1.Khổ trong Tứ Diệu Đế

Bài pháp đầu tiên Đức Thích Ca Mâu Ni giải thuyết là Tứ Diệu Đế gồm có Khổ Đế, Diệt Đế, Tập Đế, Đạo Đế. Trong đó, Khổ Đế là chân lý đầu tiên đề cập đến sự thật khổ đau mà con người phải gánh chịu. Tư tưởng Phật giáo trong Cung oán ngâm khúc được thể hiện trước hết ở quan điểm “Sinh là khổ”- một trong Bát khổ của Khổ Đế. Khi vừa thoát thai, cất tiếng khóc chào đời, con người như đã được dự báo về những tháng ngày khổ đau mà họ phải gánh chịu. Thấm nhuần triết lý nhà Phật, Nguyễn Gia Thiều khẳng định con người từ khi được sinh ra đã là khổ đau: Thảo nào khi mới chôn nhau / Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra !. Chỉ với vài dòng suy tư, tâm sự của người cung nữ, Nguyễn Gia Thiều phơi trần ra cả một kiếp người: Khóc vì nỗi thiết tha sự thế/ Ai bày trò bãi bể nương dâu / Trắng răng đến thuở bạc đầu/ Tử, sinh, kinh, cụl àm nau mấy lần. Thì ra cuộc đời con người chỉ là vòng luẩn quẩn không lối thoát, loay hoay vì “nỗi thiết tha sự thế”, vì “tử, sinh, kinh, cụ” như lời Phật dạy “Này các thầy tỳ kheo sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà biệt ly thì khổ, mong cầu mà không được thì khổ...”. Cái khổ ẩn hiện ở khắp mọi nơi, rình rập tất cả mọi người. Con người đến với trần gian chẳng khác nào cánh bèo lênh đênh trong bể khổ: Nghĩ thân phù thế mà đau / Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê. “Bể khổ” hay còn gọi là khổ hải, thể hiện sự thống khổ mà chúng sanh phải gánh chịu cũng mênh mông như biển cả. Đức Phật cũng đã từng nói “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. “Bến mê” hay còn gọi là mê tân chỉ sự ngờ vực nơi tam giới và lục đạo, phải nhờ đến thuyền từ bi của Phật mới sang bến bờ an lạc được. Người cung nữ trách than cho đời mình, nghĩ đến thân thể mà xót xa cho thân phận bọt bèo trôi nổi dập dềnh vô định khắp nơi như “Cánh buồm bể hoạn mênh mang”. Đâu chỉ có thế, đường đời còn chồng chất bao nỗi đau thương, mất mát, liên miên tiếp nối bao điều khiếp sợ về sự sống, sự chết, bệnh tật, đói nghèo...: Mùi tục lụy dường kia cay đắng hay Bệnh trần đòi đoạn tâm can/ Lửa cơn đốt ruột, dao hàn cắt da hay Đòi những kẻ thiên ma bách chiết/ Hình thì còn bụng chết đòi nau. Đó là những câu thơ não nùng, u uất vẽ ra những cảnh bi thảm, tang thương trong một kiếp người.

                    Ở đây, Nguyễn Gia Thiều đã tiếp thu một trong Tứ Diệu Đế của nhà Phật là Khổ Đế và nâng nó lên một tầm cao hơn, bắt đầu từ quan niệm “sinh là khổ” cho đến những nỗi khổ mà con người phải gánh chịu suốt một kiếp trần ai. Thi nhân đã đưa triết học tôn giáo hòa nhập vào những dòng thơ song thất lục bát qua lời than oán của người cung nữ, giúp nó trở nên dễ hiểu, dễ cảm, dễ thẩm thấu hơn. Tuy nhiên, Phật giáo không bi quan dừng lại ở đó mà còn tìm ra nguyên nhân, sự kết thúc và phương pháp diệt khổ. Việc chỉ đề cập đến Khổ đế cũng chính là hạn chế trong thế giới quan, nhân sinh quan của nhà thơ.

2. Nghiệp báo, định mệnh, nhân quả

            Bên cạnh Khổ đế, Cung oán ngâm khúc còn đề cập đến một tư tưởng khác của Phật giáo là nghiệp báo. Con người có cuộc sống hạnh phúc hay bất hạnh là do việc tạo nghiệp thiện hay ác mà ra. Trong Cung oán ngâm khúc, nghiệp còn có thể hiểu là tiền định. Người cung nữ trong tiền kiếp đã gieo nghiệp ác nên ngày nay phải gánh chịu tất cả những khổ lụy trần gian, âu đó cũng là quả báo, là luật nhân quả – một trong những luật cơ bản của giáo lý nhà Phật: Hẳn túc trái làm sao đây tá / Hay tiền nhân hậu quả xưa kia?. Theo thuyết luân hồi của nhà Phật, người nào chưa trả hết nợ kiếp trước thì phải đầu thai lại ở kiếp sau để tiếp tục trả nợ. “Tiền nhân hậu họa” có thể hiểu là kiếp trước tạo ra cái nhân thế nào thì kiếp này hưởng cái quả thế ấy, rồi cái quả của kiếp này lại tiếp tục là cái nhân của kiếp sau nữa, cứ thế luân hồi mãi. “Sách Truyền Đăng Lục viết: Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị. Dục tri lai sinh quả, kim sinh tác giả thị” (Muốn biết nguyên nhân ở kiếp trước thế nào cứ xem việc hưởng thụ của kiếp này. Muốn biết kết quả đời sau thế nào cứ xem việc làm ở đời này)”. Nghiệp ở hiện tại chính là quả do nhân kiếp trước để lại. Nghiệp bắt đầu từ những tạo tác của tâm thông qua hoạt động thân, khẩu, ý. Chính do những nghiệp phát sanh từ tâm mà con người vẽ nên vòng tròn định mệnh. Dù có vẫy vùng, phản kháng họ vẫn không thể thoát khỏi vòng tròn khắc khe ấy. Do đó, người cung nữ muốn từ bỏ mọi thứ, trở về sống đời “cục mịch nhà quê” cũng là điều không thể. Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng từng ngậm ngùi: Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa. Luật nhân quả còn thể hiện quy luật vận hành của mọi hiện tượng, sự vật trong đời sống. Sự kìm hãm, bế tắc đến nghẹt thở của người cung nữ cũng là do luật nhân quả, do sự sắp đặt của tiền định mà con người không thể thay đổi được: Vẻ chi ăn uống sự thường/ Cũng còn tiền định khá thương lọ . Cái ăn, cái uống vốn là những chuyện nhỏ bé, bình thường hằng ngày cũng được sắp đặt theo “tiền định”, huống chi là số kiếp, vận mệnh con người. Chính vì vậy, con người không thể can dự vào hay đi ngược lại với sự sắp đặt ấy.

            Tuy nhiên, trong giáo lý nhà Phật, vận mệnh của con người là sự sắp xếp của tiền định, của việc gieo nhân gặt quả do chính con người tạo ra và quyết định chứ không phải một bậc thần linh hay thượng đế nào chi phối. Còn trong Cung oán ngâm khúc thì cuộc sống của con người còn bị chi phối bởi “trời”, bởi “tạo hóa”: Cái quay búng sẵn trên trời“Cái quay” ở đây phải chăng là bánh xe quay, là vòng quay luân hồi của tạo hóa? Số phận may rủi của con người không chỉ do “cái quay búng sẵn” hay tiền định, mà còn do một thế lực thần bí “trên trời”, thế lực này nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Đây là do ảnh hưởng thuyết “tài mệnh tương đố” của Nho giáo trong chủ trương “dĩ Nho giải Phật” người viết sẽ đề cập như một vấn đề riêng.

3.Hữuvô, vô thường

            Trong Cung oán ngâm khúc, quan niệm “Đời là bể khổ” còn được nâng cao hơn một bước, thể hiện sự triết lý hữu – vô và sự mong manh, vô thường của kiếp người: Sóng cồn cửa bể nhấp nhô / Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh. Câu thơ lấy ý từ Kim cương bát nhã kinh của nhà Phật: Nhất thiết hữu vi pháp/ Như mộng, huyễn, bào ảnh/ Như lộ diệc như điện / Ưng tác như thị quán. Sự tài tình của Nguyễn Gia Thiều là đã gói gọn tư tưởng Phật giáo vốn quán chiếu thế gian như huyễn mộng chỉ với hai câu thơ ngắn ngủi. Cõi đời được xem là giấc mộng, là cơn gió thoảng qua, là giọt sương tan trên chiếc lá. Tất cả mọi sự hiện hữu trên đời chỉ là giả tạm, vô thường. Vậy mà con người cứ mãi chạy theo những dục vọng, những ham muốn vinh hoa phú quý, có biết đâu những thứ ấy đang làm khổ chính mình: Mồi phú quý dữ làng xa / Bả vinh hoa lừa gã công khanh / Giấc Nam Kha khéo bất bình/ Bừng con mắt dậy thấy mình tay không. Biết bao “mồi phú quý”, “bả vinh hoa” được giăng mắc khắp nơi với bàn tay nghịch ngợm của tạo hóa. Con người mê muội không nhận ra những thứ “mồi” thơm, “bả” độc ấy để rồi cứ lao mình vào vòng khổ ải triền miên. Đây cũng chính là “cầu bất đắc khổ” mà đức Phật đã thuyết giảng trong Khổ đế. Cuộc đời còn được Ôn Như Hầu ví như mộng ảo Nam Kha, giấc Hòe, giấc Hoàng lương. Tất cả đều chỉ là giấc mơ huyễn hoặc về vinh hoa phú quý. Tất cả từ không rồi lại về với không, như cát bụi rồi cũng trở về với cát bụi mà thôi. Cứ tưởng có đó mà lại mất, cứ tưởng lấy được mà chẳng có gì trong tay, để rồi thi nhân mãi tiếc nuối ngẩn ngơ cho hồn bướm trong giấc chiêm bao: Khi bâng khuâng hồn bướm vẩn . Triết lý hư vô trong Cung oán ngâm khúc với quan niệm cuộc đời như giấc mộng còn được thể hiện trong nhiều câu thơ khác của Nguyễn Gia Thiều: Kìa thế tục như giấc mộng /Máy huyền vi mở đóng khôn lường. Không thể đoán trước, lường trước được những gì sắp xảy ra với mình, điều duy nhất con người có thể làm là chờ đợi, chấp nhận và cam chịu số phận. Đâu chỉ con người, mà tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều chỉ là ảo ảnh, không có thực: Tiêu điều nhân sư đã xong/ Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư. Sự vô thường, biến thiên nhanh chóng của cuộc đời được Nguyễn Gia Thiều khắc họa qua câu thơ giàu hình ảnh: Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương. Tất cả đều rất nhanh chóng như cuộc đời ngắn ngủi của con người. Thời gian như bóng câu qua cửa, con người còn lại gì đâu ngoài nấm mồ xanh: Tuồng ảo hóa huyễn bày ra đấy / Kiếp phù sinh trông thấy mà đau / Trăm năm còn có gì đâu?/ Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh . Nguyễn Gia Thiều đã đi từ cái sinh đến cái diệt, từ “tiếng khóc ban đầu” cho đến “một nấm cỏ khâu xanh rì”, đi qua cái hữu hạn, vô thường của cuộc đời để rồi nhận ra được tất cả chỉ nằm trong chữ “Không”, chữ “Vô”. Cuộc đời dâu bể này được Ôn Như Hầu ví như “tuồng” mà đạo diễn sắp đặt cho vở tuồng đầy bi kịch ấy chính là tạo hóa. Con người trở thành những diễn viên bất đắc dĩ phải đảm nhận trọn vẹn vai diễn đã an bài. Nhưng đáng buồn hơn, “tuồng” trong Cungoánngâmkhúc chỉ là “tuồng ảo hóa”. Tất cả đều là giấc mộng ảo vô thường, tưởng có mà lại không, tưởng hữu thoắt lại vô. Thời thế với biết bao đổi thay, “tang điền biến vi thương hải”, ngẫm lại cũng thoáng qua trong phút chốc, để rồi tất cả mọi thứ đều chỉ là hư ảo. Cái còn lại cuối cùng chỉ là “nấm cỏ khâu xanh rì” đặt dấu kết thúc cho cuộc đời mỗi con người. Câu thơ nhuốm màu cay đắng, ngậm ngùi, xót xa...

            Nhìn chung, tư tưởng của Nguyễn Gia Thiều là tư tưởng yểm thế, bi quan, nhận thức được thực tại khổ đau mà không biết cách để giải thoát thoát khỏi hiện thực khắc nghiệt ấy, tất cả chỉ là bế tắc, là tuyệt vọng, là ngõ cụt không lối thoát. Đối với ông, cuộc đời này không có nghĩa lý gì hết, con người sống trên cõi đời này cũng chỉ là để nhập thân trọn vẹn vào vai diễn của mình trong “tuồng ảo hóa”. Cái nhìn bi đát về cuộc đời ấy không chỉ là nhân sinh quan, thế giới quan được hình thành bởi tâm trạng thất sủng của người cung nữ bị ruồng bỏ mà còn là tâm lý của giới trí thức trong thời đại đầy nhiễu nhương, biến động đương thời.

4. Duyên sinh – duyên khởi

            Trong Cung oán ngâm khúc, rất nhiều lần Ôn Như Hầu đề cập đến chữ duyên. Duyên ở đây chính là muốn nói tới giáo lý mười hai nhân duyên – một trong những giáo lý đặc thù của Phật giáo. Nguyễn Gia Thiều đã dùng giáo lý duyên khởi của nhà Phât để giải thích cho sự tồn tại của vạn pháp nói chung và con người nói riêng. Con người tồn tại trên cõi đời này không chỉ chấp nhận luận vô thường mà còn phải chấp nhận quy luật sanh – diệt. Con người chỉ là giọt nước giữa đại dương mênh mông vạn pháp nên phải chịu chung số phận sinh diệt, vô thường và coi sanh – diệt như một lẽ tự nhiên.

Một trong mười hai nhân duyên mà Ôn Như Hầu đề cập nhiều nhất là “ái”. Chính những thứ tình: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục đã dẫn dắt cho con người vào cõi khổ ải, trầm luân. Chữ “ái” là một trong những thứ tình khó đoạn tuyệt, khó rũ bỏ nhất. Phật đã từng dạy trong kinh Đoạn tận ái đại ý rằng: nếu đoạn tận ái dục thì tất cả các chi khác cũng sẽ bị đoạn tận, nếu đoạn tận các chi trong thập nhị nhân duyên con người sẽ được giải thoát. Người cung nữ mang trong mình bao nhiêu phiền não, âu sầu cũng chính vì vướng vào bẫy tình duyên. Nàng than trách cho số phận hẩm hiu của mình, tưởng như gặp được may mắn nhưng hóa ra lại xui rủi dưới bàn tay nghịch ngợm, trêu ngươi của tạo hóa: Duyên đã may cớ sao lại rủi hay Hạt mưa đã lọt miền đài cát/ Những mừng thầm cá nước duyên may. Nàng luôn nghĩ về đường tình duyên của mình với những ước mong, những khát khao hạnh phúc bình thường như biết bao người phụ nữ khác: Có âm dương, có vợ chồng/ Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê/ Phải duyên hương lửa cùng nhau/ Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào. Những ước mơ giản dị ấy cũng nào có được, niềm vui nếu có cũng chỉ như những ánh sao băng vụt ngang rồi chợt le lói tắt, như “hang sâu hé chút mặt trời lại râm”. Chính vì đường tình duyên trắc trở nên người cung nữ nhìn cuộc đời bằng con mắt bi quan, chán chường. Nghĩ đến tuổi thanh xuân đã qua, nhan sắc một thời đã tàn phai, người cung nữ càng ai oán cho thân phận của mình: Ngẫm nhân sự cớ gì ra thế/ Sợi xích thằng chi để vướng chân/ Vắt tay nằm nghĩ cơ trần/ Nước dương muốn rẩy nguội dần lửa duyên. Khi nỗi buồn đau lên tới đỉnh điểm, nàng muốn lấy “nước dương”, lấy triết lý diệt dục của Phật giáo để “rẩy nguội dần lửa duyên”. Nhưng nàng có biết đâu rằng “lửa tâm càng dập càng nồng”, càng muốn thoát khỏi thì sợi dây Nguyệt Lão lại càng trói chặt. Chính vì vậy mà nàng càng lún sâu hơn vào bi kịch không lối thoát khi “Ngọn tâm hỏa đốt rầu nét liễu”. Thế mới biết ngọn lửa tâm kia có sức thiêu đốt lạ thường, làm cho con người đau xót, nhức nhối đến chừng nào! Khi cuộc đời chỉ còn toàn là cay đắng, tủi nhục thì còn có gì để người cung nữ bám víu. Nàng không còn thấy chút ánh sáng của hạnh phúc, của niềm vui để rồi phải tự nhắn nhủ vớ chính mình: Mùi tục lụy dường kia cay đắng/ Vui chi mà đeo đẳng trần duyên. Vẫn biết thế, vẫn nhủ lòng thế nhưng nàng nào có thoát được. Chữ “ái” cứ đeo đẳng con người không buông tha. Không thể dứt được lửa tình, không thể thoát khỏi sợi dây ràng buộc của tạo hóa, người cung nữ vẫn hoài nghi về thân phận, vẫn nhen nhóm cho mình hi vọng lại được ân sủng, vẫn xem quá khứ như bến bờ bình yên mà mình hoài vọng: Buồn này mới gọi buồn sao?/ Một đêm nhớ cảnh biết bao nhiêu tình?

5. Tâm hướng Phật

            Khi cuộc đời chỉ chất chồng những cay đắng, tủi cực, chỉ là mộng ảo do “trẻ tạo hóa” xếp bày, Nguyễn Gia Thiều đã mượn lời người cung nữ thốt lên những cung bậc ai oán: Mùi tục lụy dường kiacay đắng / Vui chi mà đeo đẳng trần duyên. Chính cái khổ, cái nghiệp, cái luật nhân quả đã trói chặt cuộc sống con người, dìm họ xuống đáy cùng những hố sâu cay đắng, bất hạnh. Kiếp tục lụy với biết bao “mồi”, “bả” làm u mê, mờ mắt, gây biết bao phiền não cho con người. “Mùi tục lụy” đã cay đắng vậy thì còn đeo đẳng “trần duyên” làm chi nữa. Để thoát khổ, người cung nữ chỉ còn cách chặt đứt tơ tình, lột sạch trần duyên, mong tìm đến cửa Phật để cầu an: Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật/ Mối thất tình quyết dứt cho xong / Đa mang chi nữa đèo bòng / Vui gì thế sự mà mong nhân tình!. Ôn Như Hầu đã thấm nhuần triết lý, tư tưởng của đạo Phật, nắm vững những giáo thuyết căn bản nhất để tìm thấy cho mình nơi nương nhờ, bám víu. Khi cùng đường lạc lối, khi không còn tìm thấy được sự bình yên, niềm vui trong cuộc sống, con người lại tìm đến cửa Phật như một lối thoát, một chốn an nhiên, tĩnh tại để thanh lọc tâm hồn. Chỉ có đến với bàn tay nhân từ của Phật, bỏ lại mọi ham mê dục vọng, con người mới cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản. Khi tâm thoát tục, con người sẽ mới đến gần hơn với Niết bàn, với cõi Chân Như vi diệu. Thế nhưng đó cũng chỉ là mong ước, là ánh sáng lóe lên khi tất cả niềm vui, hi vọng đã bị dập tắt. Nàng mang trong mình nỗi đau bị ruồng bỏ và vẫn trăn trở, ưu tư đến phút cuối cùng: Phòng khi động đến cửu trùng/ Giữ sao cho được má hồng ngày xưa. Phải chăng người cung nữ vẫn chưa bao giờ thôi khao khát, chưa bao giờ thôi hi vọng kể cả khi đắm mình trong vô cùng tuyệt vọng. Tâm hồn nàng lúc này là sự hòa quyện không tách rời giữa tuyệt vọng và hi vọng, càng tuyệt vọng thì lại càng nhen nhóm hi vọng. Còn vọng là trong nàng vẫn còn dục, mà còn dục là vẫn còn khổ lụy trần gian. Càng muốn thoát khỏi khổ lụy thì con người lại càng bị tơ tình, dục vọng trói chặt không sao vùng vẫy được. Chính vì vậy mà Cung oán ngâm khúc mãi là tiếng kêu đứt ruột về nỗi ai oán, nỗi đau bế tắc, không lối thoát.

            Cung oán ngâm khúc thể hiện giáo lý, tư tưởng Phật giáo, quan niệm nhân sinh về cuộc đời, về kiếp người một cách tài tình. Mặc dù tư tưởng chính của Cung oán ngâm khúc là Tam giáo đồng nguyên, nhưng ta vẫn có thể dễ dàng nhận ra rằng tinh thần Phật giáo là nổi bật nhất. Các giáo lý, hệ tư tưởng của nhà Phật trải dài trên suốt tác phẩm.  Tuy nhiên, những gì Nguyễn Gia Thiều chạm đến vẫn chỉ dừng lại ở triết lý Phật giáo phổ thông đại chúng. Ông thấy được cái Khổ nhưng không biết cách diệt Khổ, thấy cuộc đời chỉ là “bào ảnh”, “bến mê”, vô thường nhưng vẫn không ngừng nuôi hi vọng, hiểu rõ các triết lý nhà Phật mà chưa đạt được sự giác ngộ... Con người sống trong hiện tại mà như chỉ nhìn về quá khứ, không định hướng được tương lai. Bên cạnh đó, sự ràng buộc của Nho học, tư tưởng của trung quân trong Nguyễn Gia Thiều vẫn còn sâu nặng. Nỗi buồn bị thất sủng trong thực tại của kẻ sĩ như vết thương tưởng đã liền da mà thỉnh thoảng lại nhói lên nhức buốt, tê lòng. Chẳng trách thế giới quan, nhân sinh quan của Ôn Như Hầu lúc này nhuốm màu tiêu cực, bi thương. Chính vì những hạn chế trong thế giới quan và nhân sinh quan của nhà thơ mà tác phẩm mang màu sắc ảm đạm, có phần bi quan, yểm thế. Và lời thơ dù có chau chuốt nhưng vẫn đượm buồn, chất chứa suy tư, thiếu đi cái thanh thản, an nhiên của bậc ngộ đạo.

Phạm Kim Ngân

ThS. Văn học Việt Nam trường ĐHKH XH&NV TPHCM

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập