Lý Thuyết Vai Trò Xã Hội Dưới Ánh Sáng Duyên Khởi

Đã đọc: 655           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hiện nay vai trò xã hội (role sociale) của con người càng lúc càng trở nên đa dạng hơn. Lý do là trong xã hội hiện đại, mối quan hệ của con người tăng lên tỉ lệ thuận theo tốc độ phát triển của văn minh xã hội. Do vậy, trong Phật giáo dường như cũng hình thành hai cách nhìn khác nhau về vai trò của một tu sĩ trong giai đoạn hiện tại. Cách nhìn thứ nhất cho rằng người tu sĩ muốn đưa giáo lý vào cuộc sống, hòa nhập với xã hội cần thiết phải có các vai trò “phương tiện” để nhập thế; và do đó, người tu sĩ ngoài vai trò chính của mình lúc bấy giờ mang cả các vai trò khác. Trong cách nhìn thứ hai, người tu sĩ luôn giữ gìn tính chất thuần phác cổ xưa và trung thành với vai trò tu tập của một tu sĩ thuần túy. Với hy vọng làm sáng tỏ về hai cách nhìn trên, bài viết sẽ tập trung vào các chủ điểm chính sau :

- Lý thuyết vai trò xã hội và các tính chất cơ bản của vai trò xã hội trong xã hội học.

- Lý thuyết vai trò xã hội dưới ánh sáng duyên khởi.

- Vai trò truyền giáo của người tu sĩ trong hiện tại.

1. Lý thuyết vai trò xã hội và các tính chất cơ bản của vai trò xã hội trong xã hội học :

Khi đề cập đến chủ điểm trên, có lẽ cần hiểu qua về các khái niệm mang tính chất nền sau :

- Vai trò xã hội là gì? Vai trò xã hội có những tính chất nào?

- Vai trò của cá nhân trong một tổ chức xã hội.

a. Vai trò xã hội là gì ?

Trong thực tế xã hội, mỗi người có một vị trí và vai trò xã hội nhất định. Ví dụ vai trò xã hội của một giáo viên là giảng dạy, vai trò một bác sĩ là chữa bệnh... Do đó, có thể nói vai trò xã hội của một cá nhân là khái niệm xã hội học xác định những gì cá nhân ấy phải làm ở một không gian và thời gian nhất định theo những qui tắc chuẩn mực mà xã hội đã đặt ra.

b. Các tính chất cơ bản của vai trò xã hội trong xã hội học.

 Có lẽ cần phải điểm qua một vài tính chất chính yếu của vai trò xã hội trước khi đi vào tìm hiểu ý nghĩa của vai trò xã hội dưới ánh sáng duyên khởi, nội dung chính của bài viết. Theo các lý thuyết xã hội học, vai trò xã hội và việc đóng vai trò xã hội có những tính chất đặc thù sau :

* Tính chất 1: Ðối với con người, đóng vai trò xã hội và thay đổi vai trò là công việc hàng ngày diễn ra liên tục, kế tiếp nhau và không trùng lắp về thời gian. Ở mỗi hoàn cảnh không gian và thời gian khác nhau con người sẽ có những vai trò xã hội khác nhau.

* Tính chất 2: Không thể liệt kê số lượng vai trò của mỗi cá nhân, bởi lẽ cá nhân có bao nhiêu mối quan hệ là có bấy nhiêu vai trò.

* Tính chất 3: Vai trò xã hội phát sinh theo nhu cầu của cá nhân. Theo George Herbert Mead, người đứng đầu học thuyết Tương tác tượng trưng trong xã hội học, sự tăng thêm các vai trò xã hội trong một cá thể là bởi con người “một mặt thừa nhận tính mong manh và hạn chế của bản thân khiến họ phải tìm kiếm những quan hệ với người khác để có thể sống còn. Mặt khác là xu hướng đi tìm và lựa chọn những kiểu hành động có lợi cho sự hợp tác, giao dịch xã hội(1). Như vậy, tính đa phức của vai trò xã hội phát sinh theo hai nhu cầu :

- Nhu cầu bổ khuyết những mặt hạn chế của bản thân.

- Nhu cầu giao dịch vì lợi ích.

* Tính chất 4: Vai trò xã hội được thể hiện ở nhiều mặt:

- Vai trò thật là vai trò diễn ra trong đời sống hàng ngày, ngược lại là các vai trò giả thường xuất hiện trong các mối quan hệ ngoại giao...

- Vai trò định chế là vai trò của một cá nhân do một tổ chức qui định. Ngoài ra là các vai trò do cá nhân tự chọn.

c. Vai trò định chế của cá nhân trong một tổ chức xã hội :

* Tính toàn vẹn của vai trò định chế trong một tổ chức xã hội:

Thông thường trong một tổ chức xã hội và ở không gian, thời gian cụ thể, mỗi người phải chịu trách nhiệm trong vai trò mà mình đang đóng. Vai trò ấy cần được thể hiện một cách toàn vẹn, nghĩa là các hành vi của người đóng vai trò phải phù hợp với qui định của tổ chức xã hội ấy cho cá nhân đó và được gọi là vai trò định chế. Hãy lấy một ví dụ từ một qui tắc nhỏ trong tổ chức xã hội như tổ chức của Phật giáo để làm rõ điều này. Ngay từ thời đức Phật, Tăng đoàn luôn được xem là một cộng đồng của các tu sĩ xuất gia. Sự tiếp nhận người xuất gia thường chú trọng trên ý chí và tâm nguyện của người xuất gia mà không để ý nhiều đến thành phần xã hội của người ấy trước đó. Do vậy, từ nguyên thủy đến nay, hầu như các thành phần xã hội đều có mặt trong tổ chức Tăng đoàn. Tuy nhiên, trong vai trò tu sĩ, các vị xuất gia hầu hết đều được giáo huấn ngay từ đầu về vai trò mà bản thân phải vâng giữ. Ðời sống tu tập có khuynh hướng xa rời những ham muốn thọ lạc khiến cho các nhu cầu cũng như các mối quan hệ xã hội thông thường của con người dần dần không mang tính quyết định nữa, mà thay vào đó là sự cống hiến trọn vẹn cho vai trò thật sự cần thiết: vai trò của một vị truyền giáo với trách nhiệm tu tập, hoằng truyền Chánh pháp. Ðó là vai trò chính, và hẳn nhiên các vai trò còn lại (ví dụ vai trò thầy thuốc đối với bệnh nhân, vai trò của một vị tế sư...) có thể được xem là vai trò thứ yếu hay vai trò mang tính phương tiện. Các vai trò này được xem là bổ sung và làm hiển lộ cho vai trò chính. Do vậy, sự toàn vẹn của vai trò chỉ được thể hiện khi các vai trò thứ yếu luôn được xem là các phương tiện cần thiết bổ sung cho vai trò định chế.

*Tính bất định của vai trò định chế:

Một đặc tính nổi bật cần phải lưu tâm là tính bất định của vai trò định chế trong một tổ chức xã hội. Hãy trở lại với quan hệ giữa vai trò của Tăng sĩ và cư sĩ trong Phật giáo. Theo truyền thống, cư sĩ là một thành phần trong tổ chức Phật giáo, những Phật tử tại gia theo học và tu tập theo giáo pháp của Ðức Phật. Ngoài ra, họ còn có trách nhiệm hộ trì cho Tăng đoàn trong quá trình tu tập thể nghiệm và hoằng dương Chánh pháp. Trong quá trình cúng dường – học hỏi ấy, người cư sĩ tiếp nhận trực tiếp  những giá trị đạo lý từ Tăng đoàn để tu chính cho bản thân. Và vai trò định chế của người tu sĩ lúc bấy giờ là nỗ lực tu tập, thể nghiệm và có trách nhiệm truyền trao những kinh nghiệm ấy cho giới cư sĩ. Tuy nhiên vai trò định chế ấy không phải lúc nào cũng cố định. Càng về sau, vai trò của người cư sĩ càng được mở rộng. Khuynh hướng này có nguồn gốc từ các kinh luận thời phát triển. Các bộ kinh mang tính đặc thù như Duy Ma, Thắng Man cùng với tư tưởng Bồ-tát thừa có thể nói là những lý thuyết nền để xây dựng mẫu người cư sĩ hoằng pháp. Sự mở rộng vai trò ấy hẳn nhiên không phải là phổ biến trong tổ chức Phật giáo, nhưng đã được lịch sử Phật giáo chứng minh qua hình ảnh của các nhân sĩ Phật giáo: cư sĩ Tâm Minh–Lê Ðình Thám, Chánh Trí – Mai Thọ Truyền ...

2. Lý thuyết vai trò xã hội dưới ánh sáng duyên khởi :

Ðiểm xuất phát của mọi lý thuyết xã hội học hiện nay có thể nói là vấn đề : “Các cá nhân tác động lẫn nhau trong xã hội như thế nào để tạo ra cách nhìn chung về thế giới?(2) Ðây là vấn đề được nhà xã hội học Alfred Shutz nêu ra vào năm 1979, và ông gọi đấy là tính liên chủ thể (Intersubjective) của vai trò xã hội. Quan điểm này của ông khá tiến bộ so với các lý thuyết xã hội trước ông như thuyết Tương tác xã hội của G.H.Mead, hay thuyết Xã hội theo tộc người của Claude Lévi Strauss. Tuy nhiên, có thể tìm hiểu phát biểu trên của ông qua lăng kính duyên khởi.

Trong đạo Phật, nguyên lý Duyên khởi bao hàm toàn bộ giáo lý đạo Phật. Nguyên lý này có thể được tóm tắt trong công thức sau: “Khi A có thì B có, khi A không có thì B không có”. Trong phạm vi vấn đề trên, nếu xem A như các điều kiện xã hội bao gồm điều kiện sống, môi trường sống... của một người, thì B chính là người đó và ngược lại. Khi xét trên một cá thể thì sự hình thành và phát triển của một cá nhân sẽ tùy thuộc vào rất nhiều điều kiện khác như các mối quan hệ với cha mẹ, thầy dạy, bạn bè, môi trường học tập giáo dục, các điều kiện cư sinh... Có thể nói mỗi người trong xã hội là một tổ hợp của các điều kiện nhân duyên. Về bản chất, con người là vô ngã. Chính vì lý do này con người trong đạo Phật được nhìn dưới nhiều góc độ: hoặc là tập hợp của 5 uẩn, hoặc 4 đại, 6 đại hay 12 xứ, 18 giới... Cũng vì vậy, dưới ánh sáng duyên khởi, tính liên chủ thể mà A.Shutz đã nêu thật ra chỉ giới hạn trong phạm vi tương tác giữa các cá ngã (ego) giả tạo mà kinh Lăng Già đã mô tả như chuỗi dài những ảo ảnh của người đi trên sa mạc, như dợn nắng mong manh... Chừng nào con người chưa tìm hiểu và nhận thức trọn vẹn về tự thân trong mối tương quan với cộng đồng xã hội, chừng đó con người sẽ không thể có cái nhìn chung về thế giới. Từ cái nhìn duyên khởi – vô ngã trên cho phép chúng ta đặt lại vấn đề như sau: “Mỗi cá nhân đã tự nhận thức về bản thân như thế nào để có thể tìm ra cái nhìn chung về con người và thế giới

Một câu kinh ngắn trích từ Dhammapàda Sutta (Kinh Pháp Cú) viết: “Chính tự mình là chỗ nương cho mình, chứ người khác làm sao nương được? Tự mình khéo tu tập mới đạt được đến chỗ nương tựa nhiệm mầu” (PC.160)(3)

Nhận thức rõ về tự thân là khởi điểm cho quá trình làm chủ bản thân. Một giáo viên trước khi được phân công phụ trách một bộ môn thì công việc phải làm trước tiên là phải tự biết năng lực chuyên môn của mình để hoàn thành vai trò mà mình được giao phó. Trong giai đoạn này, không một người nào có thể làm thay hay hiểu rõ hơn người giáo viên đó. Khi đã tìm hiểu và có cái nhìn thật rõ về điều này, người giáo viên mới có thể tự sắp xếp các công việc trong vai trò giáo chức của mình. Tương tự, trong vai trò truyền giáo, người tu sĩ Phật giáo phải tự thân trải nghiệm qua các kinh nghiệm tu tập. Quá trình thực nghiệm này là điều kiện thiết yếu của vai trò truyền giáo. Một câu kinh khác trong kinh Pháp Cú đã khẳng định: “Trước hãy tự đặt mình vào Chánh đạo rồi sau mới giáo hóa kẻ khác, được như vậy mới tránh khỏi điều lầm lỗi xảy ra” (PC.158)(4)

  Như vậy, có thể nói một khi ý thức càng rõ về tự thân thì khả năng thành tựu của công việc sẽ càng cao và vai trò mà mình đang mang càng dễ hoàn thành.

3. Nhìn về vai trò truyền giáo của người tu sĩ Phật giáo

Trong xã hội, mỗi cá nhân là một phần tử trong cấu trúc xã hội, và chính môi trường xã hội là điều kiện để cá nhân phát triển. Do vậy, mọi cá nhân trong xã hội không thể tách khỏi các thiết chế mà xã hội đã đặt định. Cũng vì thế, mọi vai trò của cá nhân đều được qui định trong cái nhìn của xã hội. Tuy nhiên, ở mỗi xã hội của mỗi quốc gia và trong mọi tổ chức của xã hội, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như truyền thống đạo đức, tâm lý dân tộc... sẽ có những cái nhìn khác nhau về trách nhiệm của các vai trò trong xã hội. Ngoài ra, trong một tổ chức xã hội, trách nhiệm và bổn phận của các vai trò định chế cũng được thay đổi theo những yêu cầu mới của xã hội. Nếu trước đây trong vai trò truyền giáo, người tu sĩ Phật giáo tu tập và truyền trao các kinh nghiệm tâm linh của mình qua thân giáo hoặc thông qua ngôn ngữ nói – tức thuyết giảng, hay ngôn ngữ viết – sách, báo, thì giờ đây trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin như Mass Media (tức tập hợp các hệ thống phương tiện truyền thông như truyền hình, truyền thanh; những công cụ kỹ thuật truyền thông như vi tính...), người tu sĩ hẳn nhiên phải trau giồi và nắm vững các kỹ thuật truyền thông hiện đại ấy như một phương tiện truyền giáo. Không gian giao tiếp và các mối quan hệ mở rộng là động lực thúc đẩy, đòi hỏi người tu sĩ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc học tập và ứng dụng Ngũ minh(5) trong công tác truyền giáo, và như thế số lượng vai trò xã hội của người tu sĩ cũng phải mở rộng hơn.

Tuy nhiên, dù ở hình thức hay vai trò xã hội nào, sự nỗ lực trong vai trò truyền giáo cũng cần được bắt nguồn từ một ý chí phụng sự trong sáng và một kinh nghiệm nội tại của bản thân. Có lẽ đây là hai yếu tố tâm lý – tâm linh then chốt quyết định cho sự thành công trong vai trò truyền giáo – vai trò định chế của người tu sĩ trong tổ chức Phật giáo. Nếu được như vậy thì vấn đề đã nêu ra từ đầu bài viết: Người tu sĩ có thể tham gia vào xã hội với nhiều vai trò xã hội khác nhau hay không sẽ không còn là vấn đề khó khăn nữa.

Chú thích :

(1) &(2) : Xã Hội Học Tôn Giáo (nguyên tác Pháp ngữ: La Sociologie des Religions, Tác giả: Sabino Accquaviva và Enzo Pace), Lê Diên dịch, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội, 1998, trang 81 & 83.

(3)&(4) : Thích Thiện Siêu, Tỏa Ánh Từ Quang, 1992, trang174.

(5) Ngũ minh bao gồm : 1.Thanh minh tức văn học, ngôn ngữ học (trong nghĩa mở rộng bao hàm các môn thuộc ngành khoa học xã hội và nhân văn) 2. Nội minh tương đương với Tâm lý học. 3. Nhân minh tương đương với Luận lý học. 4. Y phương minh là y học và 5. Công xảo minh tức các môn thuộc ngành khoa học kỹ thuật tự nhiên.

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập