Xuân mãi còn xuân

Trời đất, con người và muôn loài động vật, cỏ cây chắc sẽ buồn vô hạn nếu mùa xuân đến chỉ một lần rồi ra đi vĩnh viễn. May thay nhờ vào sự biến thiên, tuần hoàn của vũ trụ mà mỗi năm đem mùa xuân trả lại cho trần gian. Với nhà thơ Nguyễn Bính mùa xuân của ông chỉ đơn sơ, mộc mạc:
Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Hoặc nói như Thiền sư Mãn Giác đời Trần cũng chỉ đơn giản:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Mùa xuân chỉ vậy thôi, cũng khiến cho muôn loài ngóng trông chờ đợi. Trước năm 1975 chúng tôi sống ở miền Nam nước Việt quanh năm chỉ có 2 mùa mưa nắng, nên không cảm nhận hết được sự đổi thay 4 mùa của vạn vật, thế nhưng khi mùa xuân đến với tiết trời mát dịu cũng đủ làm nên hương vị ngày xuân. Đặc biệt khi nhìn thấy những thứ trái cây hoa quả cũng như các loại rau cải thường thích hợp với thời tiết mát mẻ cuối năm như vú sữa, su hào, rau tần ô (cải cúc)…xuất hiện là cảm nhận ngay không khí Tết đang gần kề, khiến lòng người thêm rộn rã, nôn nao. Tựa như bài hát Đồn vằng chiều xuân của nhạc sĩ Trần thiện Thanh kể rằng: Có người lính Cộng hòa đóng quân trong rừng núi, quên cả thời gian vẫn qua đi lặng lẽ, cho đến khi nhìn thấy những cánh mai rừng hé nở mới chợt giật mình “ Nếu mai không nở anh đâu biết xuân về hay chưa”.
Ngày nay thì mọi thứ đã khác nhiều, với khoa học tiến bộ, kỹ thuật trồng trọt cao và cũng do lợi nhuận người ta có thể ép trồng cây trái không theo thời vụ hoặc trồng trong nhà kính thì quanh năm ngày tháng chẳng thiếu thứ gì kể cả các loại bánh mứt, nên phần nào đó cũng làm mất đi cái hứng thú đợi chờ ngày xuân,Tết đến và phải chăng cũng do bận rộn, hay vòng xoay của trái đất nhanh hơn mà thời gian cứ trôi đi vùn vụt, không trông chẳng đợi thì một năm cứ hết, ngày Tết cứ đến thật nhanh.
Nói đến mùa xuân với người VN nghĩa là năm đang dần hết và Tết sắp sang, mà dịpTết thì luôn được xem là những ngày trọng đại nhất của năm, là ngày đoàn viên của mỗi gia đình và cũng là ngày để mọi người có thêm niềm hy vọng, thêm nhiều niềm ước mơ cho một năm mới tốt đẹp hơn. Vì vậy dù đi bất cứ nơi đâu ngày cuối năm cũng phải cố gắng trở về nhà ăn Tết cùng gia đình, để thăm hỏi, hàn huyên hay chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Cho nên cứ xuân sang Tết đến lại thấy cảnh kẹt xe, vất vã của nhiều người từ khắp mọi miền đất nước tất bật, vội vàng về quê đón Tết. Với những người sống ở nước ngoài cũng vậy, tuy có xa xôi vạn dặm, có thời gian hạn chế thì ngày Tết đến cũng bằng mọi cách tìm về quê vui Tết cùng gia đình, đã khiến các cửa khẩu hàng không mỗi năm vào dịp này cũng trở nên quá tải, nhiều chuyến bay phải bay chờ trên trời cao rất lâu mới có bãi đáp. Thế mới biết sự gắn bó tình cảm với gia đinh, với quê hương bản xứ của người VN thật là sâu nặng. Như Nguyễn Bính trong một lần xa quê, đã gởi lòng mình vào những trang thơ khi ngày Tết đến, cho dù lúc ấy ông đang ở Huế chỉ cách làng quê Nam Định của ông hơn nửa ngày đường:
Tết này chưa chắc em về được
Xin gởi về đây một tấm lòng
Chao ôi ! Tết đến em không được
Nhìn thấy quê hương thật não nùng
Cũng như vậy, Thế Lữ với cảm giác cô đơn, lạc lõng chiều Giao thừa cuối năm ông viết:
Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan
Trong lúc gần xa pháo nổ ran
Rũ áo phong sương trên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang
Là người VN ai cũng biết Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng, trọng đại, như một trang giấy mới trắng tinh được lật sang trang cho những ước mơ và hy vọng mới. VN vốn là đất nước đã có một nền văn hóa từ rất lâu đời, đã lưu giữ được nhiều nét đẹp với những tập quán đáng yêu tốt lành trong những ngày đầu xuân đón Tết, thì đó cũng là những sợi dây gắn kết con người với quê hương, dân tộc. Một cách vô hình nào đó đã giữ chân, níu lại những người con xa xứ dù đi khắp muôn nơi cũng không bao giờ quên được cội nguồn. Nhiều nét đẹp dễ thương đáng nhớ có thể kể đến như sự khác biệt hoàn toàn của chiều ba mươi và sáng Mùng 1 Tết dù thời gian chỉ cách nhau vài tiếng đồng hồ. Như là với tình làng nghĩa xóm ra vào gặp gỡ thường xuyên, nhưng ngày Tết đến cũng phải quần áo chỉnh tề sang từng nhà chúc Tết hoặc có khi trong năm còn đìều gì hờn giận không vui thì đến sáng Mùng 1 gặp nhau cũng phải tươi cười chào hỏi để suốt năm cả hai sẽ không gặp điều xui rủi. Ngoài lý do vì tình cảm thương mến hay sự lịch thiệp mà mọi người đều nghĩ ra ngàn lời cầu chúc để gởi đến cho nhau thay vì chỉ vỏn vẹn “Chúc mừng năm mới”, là mong ước cho mọi người những điều chúc phúc an lành đầu năm, một nét văn hóa tốt đẹp mà người Việt hằng lưu giữ.
Đất nước VN tuy nhỏ bé nhưng có đường bờ biển chạy dọc dài từ Bắc xuống Nam cho nên ở mỗi miền cũng có sự khác biệt nhau về khí hậu. Như miền Bắc có những mùa giá rét, miền Trung cũng có những ngày mưa bão, nhưng đến Tết thì ở cả 3 miền đều được đón xuân trong không khí bình yên, mát mẻ. Điều đó thật đáng vui mừng, hơn nữa nếu so sánh với các quốc gia lân cận như Nhật bản, Philipine, Indonesia …thì VN cũng được nhiều may mắn về thời tiết, khi không phải thường xuyên chịu cảnh động đất, núi lửa hay những cơn bão khắc nghiệt hằng năm. Duy chỉ còn một điều đáng buồn hiện nay là đất nước VN vẫn còn phải mang một nỗi bất hạnh là chưa thoát ra được ách nạn Cộng sản, vì đây chính là đại họa đã bào mòn biết bao nhiêu giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, làm tâm hồn con người mỗi ngày mỗi biến dạng để trở nên hung dữ, tàn bạo như chế độ. Thống kê cho thấy mỗi cái Tết có không biết bao nhiêu người đánh nhau, giết nhau phải vào bệnh viện dù trước đó vài giờ vẫn còn là bè bạn của nhau, thật là điều tệ hại. Nói sao cho hết chuyện của một xã hội đã bị cầm giữ lâu dài bởi chế độ CS. Biết làm gì đây ngoài sự đợi chờ hy vọng một ngày tốt đẹp cho quê hương, đất nước như câu chuyện cổ Hy lạp vẫn nhen nhúm cho loài người những tia hy vọng.
Vào thuở rất xa xưa khi cuộc sống con người vẫn còn vô tư lắm và đất trời vẫn còn tinh khiết vô cùng. Một hôm có người ngư phủ vớt được chiếc lọ trôi giạt giữa biển khơi, anh ta mang về nhà lau chùi và ngắm nghía thì có vị thần hiện ra bảo: Ta là chủ nhân của chiếc lọ này, nhà ngươi thật là may mắn nên ta đến đây để giúp ngươi lựa chọn những điều hạnh phúc cho thế gian. Nhưng giờ thì chưa đến lúc vì ta có việc phải đi, vì vậy nhà ngươi phải giữ gìn chiếc lọ cẩn thận và tuyệt đối không được mở nắp ra cho đến khi ta quay trở lại. Nói xong vị thần biến mất. Người ngư phủ nhìn ngắm chiếc lọ và quên mất lời dặn của vị thần anh ta liền mở nắp. Thế là bao nhiêu hỷ nộ ái ố khổ đau, sợ hãi, phiền não… vụt bay hết ra ngoài, hốt hoảng quá anh vội vàng đóng nắp lọ thì cũng vừa kịp lúc vị thần trở lại. Nhìn thấy cảnh trần gian ngỗn ngang trăm mối, vị thần chỉ biết lắc đầu thở dài nói : Đã quá muộn rồi vì nhà ngươi không nghe lời ta dặn, giờ đây trong lọ chỉ còn lại một điều duy nhất là niềm hy vọng mà thôi. Hy vọng cuối cùng như 2 câu kết của Thiền sư Mãn Giác:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Đừng tuởng xuân tàn hoa rụng hết
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai Đêm qua sân trước một cành mai
Cho dù mùa xuân đã đi qua, bao nhiêu hoa tươi đã tàn lụi, thì đừng tưởng rằng đã hết mùa xuân, mà đêm hôm qua vừa có cành mai nở muộn, cho thấy mùa xuân vẫn còn. Mùa xuân cũng chính là niềm hy vọng của muôn loài vạn vật và cũng nhờ vậy mà cho dù trần gian có đầy dẫy những khổ đau, phiền muộn thì con người vẫn an vui để sống, để đợi chờ một tương lai tốt đẹp vì biết rằng hy vọng vẫn còn và mùa xuân thì không bao giờ hết.
Xuân Kỷ Hợi 20-2-2019
Nam Phương
- Chùa Phổ Hoá tổ chức Trai đàn Dược Sư Thất Châu cầu an diên thọ Quảng Ấn
- Ban Giáo dục Phật giáo TP. Hồ Chí Minh thăm, làm việc với Ban Trị sự, Ban Chủ nhiệm lớp sơ cấp Phật học huyện Củ Chi và quận 3 Quang Tròn
- Ban Giáo dục Phật giáo TP. Hồ Chí Minh thăm, làm việc với Ban Trị sự, Ban Chủ nhiệm lớp sơ cấp Phật học TP. Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình Quang Tròn
- Đẩy nhanh tiến độ biên soạn Từ điển Phật giáo Việt Nam Minh Đức - Quang Tròn
- Ban giáo dục Phật giáo TP.HCM họp triển khai công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2023 Minh Đức - Quang Tròn
- Ninh Hòa: Trang nghiêm lễ cầu an đầu năm tại chùa Đức Hòa Quảng Ấn
- Tết Nguyên Tiêu Trần Kiêm Đoàn
- Vĩnh Phúc : Chùa Vân - Tịnh Viện Vân Sơn tổ chức Đại Lễ Khai Pháp, Phóng Sanh, Cầu An, Tiêu Tai Miễn Nạn đầu năm xuân Kỷ Hợi Thích Giác Tuệ Hiếu
- Khánh Hòa: Tuần lễ Khai kinh cầu an đầu năm Kỷ Hợi 2019 Trí Bửu
- Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách dùng con và cái (phần 14) Nguyễn Cung Thông
- Khánh hòa: Chùa Địch Quang khai khóa đạo tràng đầu Xuân Kỷ Hợi Quảng Ấn
- Chùa Linh Sơn Pháp Ấn khai khóa tu niệm Phật đầu năm Kỷ Hợi Quảng Ấn
- Khánh Hòa: Chùa Sắc tứ Minh Thiện Khai giảng Khóa tu Niệm Phật đầu năm Kỷ Hợi Trí Bửu
- John F. Kennedy và Cuộc Chính Biến 1 Tháng 11 Năm 1963 Đỗ Kim Thêm
- Đốt vàng mã trong Phật giáo là vô nghĩa Nguồn: phatgiao.org.vn
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất


Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)