Không cần sự thừa nhận

Đã đọc: 1082           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đã bao giờ bạn nghĩ có người từ chối lời mời giảng dạy của hai trường đại học hàng đầu thế giới? Và từ chối cả những giải thưởng danh giá nhất? Nhưng đó chính là điều Gri-gô-ri Pê-ren-men (Grigori Perelman) đã làm. Đến bây giờ, ông vẫn là người duy nhất từ chối nhận giải “Nobel Toán học”.

 

Bài toán thiên niên kỷ

Sinh năm 1966 tại thành phố Lê-nin-grát (Leningrad), nay là Xanh Pê-téc-bua (St Petersburg), tư chất thiên tài của Perelman bộc lộ từ rất sớm. Cậu bé gốc Do Thái thông minh hơn hẳn bạn bè đồng trang lứa, nhất là ở môn Toán. 16 tuổi, Perelman được triệu tập vào đội tuyển Liên Xô tham dự Olympic Toán quốc tế năm 1982, để rồi trở về với tấm Huy chương vàng, cùng số điểm tuyệt đối.

24 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Thế giới bắt đầu chú ý đến nhà toán học trẻ tài danh của Liên Xô. Đại học Berkeley (Mỹ) là nơi đầu tiên mời Perelman về nghiên cứu. Ông nhận lời, nhưng chỉ ở Mỹ đúng hai năm rồi lại trở về Nga, để lại sau lưng lời mời của các đại học danh giá Princeton và Stanford, bằng lòng với một vị trí nghiên cứu “quèn”.

Năm 2000, Viện Toán học Clay của Mỹ đưa ra danh sách gồm bảy bài toán. Họ gọi đây là “7 bài toán thiên niên kỷ”, từng khiến hàng vạn nhà toán học không thể chứng minh trong suốt hàng trăm năm. Trong số đó, có Giả thuyết Poincaré - được đưa ra bởi nhà toán học người Pháp Poincaré vào năm 1904. Không thể chứng minh được bài toán này, người ta đành coi nó như một bổ đề để phát triển toán học. Ngay cả việc chứng minh một phần, hoặc chứng minh không thành công giả thuyết Poincaré cũng đã giúp ba nhà toán học nhận giải Fields. Khi được đưa vào danh sách “7 bài toán thiên niên kỷ”, một lần nữa, Poincaré trở thành một lời thách thức.

Nhưng Perelman đã khiến cả thế giới phải sững sờ. Chỉ hai năm sau khi “7 bài toán thiên niên kỷ” được đưa ra, ông đã chứng minh thành công giả thuyết Poincaré. Cách chứng minh của Perelman cũng rất khác người. Thay vì công bố trên một tạp chí toán học, ông lại viết tay trên giấy, chụp lại rồi đăng tải lên internet!

Công bố của Perelman nhanh chóng bùng nổ trong cộng đồng toán học thế giới. Từ năm 2003 đến năm 2006 là khoảng thời gian vô cùng bận rộn của Perelman. Ông liên tục phải đến Mỹ và châu Âu để gặp mặt những nhà toán học khác, chia sẻ và giải thích cho mọi người rõ hơn về bài giải của ông. Lý do rất đơn giản: Ngay cả những người cố gắng chứng minh cách giải của Perelman là đúng cũng bị ông chê “chẳng có đóng góp gì mới” hay “không hiểu bài giải đến nơi đến chốn”.

“Đã đúng, thì đâu cần ai thừa nhận!”

Thế giới mất ba năm để kiểm định và khẳng định lời giải của Perelman là chuẩn xác. Ngay sau đó, tháng 5-2006, một hội đồng gồm chín nhà toán học lớn đồng thuận bỏ phiếu trao cho ông giải Fields, vốn được mệnh danh là “Nobel toán học”. Thư mời được gửi đến cho Perelman, nhưng ông thẳng thừng từ chối nhận giải.

Không muốn một giải thưởng danh giá bị ảnh hưởng tiếng tăm, ngài G.Bôn (John Ball), Chủ tịch Liên minh Toán học Quốc tế đã đích thân tới Nga thuyết phục Perelman nhận giải. Cuộc nói chuyện giữa hai người kéo dài tới hai ngày, cuối cùng John Ball phải ra về tay trắng. Và đây là những gì Perelman chia sẻ:

“Ông ta cho tôi ba lựa chọn: Đến nhận giải; nhận giải nhưng không đến cũng được; hoặc từ chối nhận giải. Ngay từ đầu tôi đã chọn phương án thứ ba rồi. Giải thưởng chẳng liên quan gì đến tôi cả. Ai chẳng hiểu nếu bài toán tôi đã chứng minh là đúng, thì cần gì phải thừa nhận nữa?”.

“Tôi chẳng có hứng thú với tiền bạc hay danh vọng. Tôi không muốn mọi người nhìn mình như con vật diễn trò trong sở thú. Tôi cũng chẳng phải người hùng toán học. Tôi thậm chí còn chưa thành công, vậy nên tôi không muốn mọi người nhìn mình”, Perelman chia sẻ thêm. Hai tháng sau khi từ chối giải Fields, ông tiếp tục từ chối nhận giải thưởng của Hội đồng Nhà toán học Quốc tế.

Đến năm 2010, Viện Toán học Clay chính thức trao Giải thưởng Thiên niên kỷ trị giá 1 triệu USD cho Perelman. Nhưng ông chẳng thèm tới dự lễ trao giải, và cũng từ chối luôn số tiền kia. Theo Perelman, công trình của ông kế thừa nhiều kết quả trước đó từ tiền bối R.Ha-min-tơn (Richard Hamilton), vậy nên trao giải cho một mình ông thì “thật không công bằng”.

Sự nghiệp cũng chỉ là phù du

Điều kỳ lạ là thành công lại khiến ông ngày một thất vọng về con đường mình đi. Cuối năm 2005, ông bỏ việc ở Viện Sterlov.

Chẳng ai biết Perelman làm gì sau khi từ bỏ toán học. Hàng xóm thậm chí còn chẳng biết họ đang sống cạnh một thiên tài. Trong mắt họ, Perelman giống một gã trung niên ăn mày hơn: Râu tóc xồm xoàm, móng tay không cắt, chẳng chịu ngẩng đầu lên khi ra đường, lúc nào cũng mặc một bộ quần áo giống nhau.

Càng nổi tiếng, Perelman càng tránh xa công chúng. Một số tác giả viết sách về Perelman thậm chí còn không thể hẹn gặp ông nổi một lần. Những bài phỏng vấn ông đều bị nghi ngờ, và đem ra mổ xẻ về tính chân thực. Một nhà báo từng cố xin được số điện thoại để gọi cho Perelman còn bị mắng xối xả: “Đừng làm phiền, tôi đang đi hái nấm!”.

Những phóng viên cố tìm gặp Perelman đều được nhận khuyến cáo: “Perelman không nói chuyện với ai và đặc biệt ghét nhà báo”. Chỉ có B.Pho-rét (Brett Forrest), một nhà báo Mỹ nói tiếng Nga như người bản địa, mới có thể tiếp xúc ít phút với Perelman hồi năm 2012. Nhưng Perelman cũng từ chối phỏng vấn, chỉ chịu đi dạo và nói chuyện phiếm vài câu.

Khi được hỏi về lý do từ bỏ toán học, Perelman nói: “Tôi thất vọng về những kẻ vô đạo đức tự khoác lên mình cái danh xưng nhà toán học. Có người này người kia, nhưng bọn họ lại làm ngơ trước những kẻ thiếu trung thực. Khi chưa nổi danh, tôi có thể chọn cách không nói gì. Nhưng giờ tôi không thể im lặng được nữa, thế nên tôi từ bỏ”.

Cuối năm 2014, báo chí Nga lần ra tung tích của Perelman. Họ phát hiện ông tới Thụy Điển làm việc cho một viện nghiên cứu vật lý. Ngay sau đó, ông lại bỏ việc và về nước.

Toán học từng là tất cả đam mê đối với Perelman từ thuở nhỏ. Nhưng rồi chính toán học lại khiến ông mất đi niềm vui sống, đến mức chán ghét nhân tình thế thái. Cũng giống chính những nghiên cứu của mình, hiếm cuộc đời nhà toán học nào gây nhiều tranh cãi như Perelman.

Có một câu chuyện cổ ngụ ngôn từng ám chỉ có 2 loại người sống trên đời: Sống vì danh, hoặc sống vì lợi. Perelman thuộc loại người thứ ba, và có lẽ là người duy nhất trên đời.

ĐÀO HOÀNG

 Nguồn từ: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/quoc-te/item/33972902-khong-can-su-thua-nhan.html

Sưu tầm tư: Sống trong thực tại




Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập