Mạnh tay xử lý hiện tượng trục lợi văn hóa tâm linh

Đã đọc: 1270           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Nạn buôn thần bán thánh, trục lợi tâm linh là những thực tế đang tồn tại bóp méo văn hóa, tín ngưỡng truyền thống. Có cầu mới có cung, có người mê tín dị đoan ắt có người lợi dụng để trục lợi. Làm gì để lễ hội, tín ngưỡng trở về đúng nghĩa đã có từ bao đời? Dưới đây là ý kiến từ một số nhà nghiên cứu, tu hành...

TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian VN: “Chúng ta chưa đầu tư thích đáng cho văn hóa”

- Nhiều năm nay chúng ta quan tâm nhưng chưa đầu tư thích đáng cho văn hóa, nếu không muốn là coi nhẹ văn hóa, tỉ lệ đầu tư cho văn hóa ngày càng thấp. Có nơi tỉ lệ đầu tư chưa đến 2% tổng số ngân sách của tỉnh.

Hiện nay các công trình, trung tâm văn hóa lớn từ cấp huyện cho đến trung tâm đều bán cho doanh nghiệp, hoặc kêu gọi đầu tư dưới dạng xã hội hóa. Giờ nhiều trung tâm văn hóa biến thành những nơi cung cấp dịch vụ ăn uống.

Đội ngũ cán bộ làm văn hóa chưa thật giỏi, thiếu các chuyên gia, kể cả ở cấp tỉnh, huyện. Bao năm nay chúng ta cứ lúng túng mãi trong quản lý lễ hội, phân biệt thế nào là phản cảm thế nào là không. Chúng ta đang quản lý lễ hội theo kiểu chữa cháy, thấy dư luận làm ầm lên là quay sang cấm.

Tiếp đó, vấn đề giáo dục văn hóa đang bị coi nhẹ từ nhà trường đến gia đình. Có người còn đe xóa bỏ môn Sử, giảm tải môn Văn. Trong khi những môn học này cung cấp lượng tri thức rất lớn về văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc. Khi mù mờ về những điều này sẽ dẫn đến nhận thức về văn hóa thấp, dễ bị hùa theo đám đông. Thế mới có chuyện lễ hội bây giờ chỉ có tranh, chen, cướp... Hay chỉ cần một người nói rằng đền chùa đó thiêng lắm, con cá, con rắn là thần thánh là tất cả kéo nhau đi cúng bái.

Theo ông cách nào để giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong văn hóa hiện nay?

- Giải pháp căn cơ là phải đầu tư cho văn hóa để bồi đắp cái gốc văn hóa. Kinh tế đang phát triển rất nhanh nhưng văn hóa chưa theo kịp, trong khi lại chưa được chú trọng đầu tư dẫn đến khoảng trống về văn hóa, tâm linh ngày càng lớn...

Nhà nước cũng phải có văn bản quy phạm pháp luật để hạn chế người dân tham gia vào các hoạt động có tính chất mê tín dị đoan. Chúng ta có nghị định về xử phạt việc đốt vàng mã và rải tiền lẻ vô tội vạ, nhưng có thấy ai bị xử phạt đâu. Nó chứng tỏ đang thiếu sự giám sát từ các cấp dẫn đến việc nhờn luật, mạnh ai nấy làm. Giờ cứ mạnh tay xử lý người đứng đầu ngành từ Trung ương đến địa phương nếu để xảy ra nạn buôn thần bán thánh, làm biến tướng văn hóa, tôi tin sẽ giảm ngay hiện tượng tiêu cực này.

GS-TS Đỗ Quang Hưng - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo: Nhiều nơi thờ tự đã trở thành nơi cung cấp “dịch vụ tâm linh”

Có ý kiến cho rằng, lâu nay chúng ta chưa rạch ròi trong việc xếp hiện tượng nào là mê tín dị đoan, hiện tượng nào là không, nên những vấn đề tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng dễ bị lợi dụng, khiến cơ quan chức năng lúng túng trong vấn đề quản lý. GS có đồng quan điểm?

- Có 3 khái niệm không đồng nhất với nhau là tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh, nhưng ở nước ta thì đôi khi bị cố tình làm cho đồng nhất. Đặc biệt vấn đề tâm linh rất phức tạp, đôi khi nó lấy vỏ bọc của tín ngưỡng, tôn giáo để nhân danh “tự do tôn giáo”, truyền thống văn hóa, để không bị cơ quan quản lý động đến. Nhiều cơ sở thờ tự bây giờ đang bị biến thành những nơi cung ứng dịch vụ tâm linh để làm kinh tế.

Ví dụ, ăn chay cũng là một dịch vụ, nó rất tiến bộ và đang mang lại nguồn thu lớn cho một số cơ sở Phật giáo. Nhưng dịch vụ cúng sao giải hạn lại là vấn đề rất nhức nhối. Nó trái với giáo lý của Phật giáo.

Theo GS, người dân, cơ quan quản lý cần ứng xử ra sao trước những hiện tượng này?

- Tôi cũng không hiểu tại sao chính quyền địa phương lại chấp nhận cho hàng vạn, hàng nghìn người ngồi tràn ra đường để cúng sao giải hạn ở một ngôi chùa rất lớn ở Hà Nội.

Về mặt tôn giáo học, xã hội học, việc làm này đã chiếm lĩnh các không gian công cộng, vi phạm Luật Giao thông. Nhà nước quy định mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, nhưng phải không gây ảnh hưởng đến người khác. Ở các nước, muốn rung chuông nhà thờ trong khu phố đông người, nếu rung không đúng thời gian quy định, TP sẽ phạt ngay. Đằng này chúng ta chiếm lĩnh cả đường phố để thực hiện hoạt động cúng bái.

Hơn nữa bây giờ nhiều người dân đang bị rơi vào trạng thái vô thức tập thể. Nếu không thì khi họ tìm đến chùa, họ sẽ nghĩ đến một không gian thanh tịnh, để tĩnh tâm. Muốn cúng lễ, họ sẽ hỏi khác ngay: Nếu như tôi đến nhà chùa xin cúng sao giải hạn, tôi không được chỗ yên tĩnh, lịch sự, không được nhà chùa chăm sóc thì có giải hạn được không?

Tôi thử hỏi trong một tâm thế như thế, khi người đứng, người ngồi la liệt ngoài đường thì còn gì là thanh tịnh nữa, thánh thần nào chứng giám mà hàng nghìn người dân vẫn cứ tin và chạy theo.

Chỉ buồn là trong khi thế giới khoa học càng phát triển thì việc quá tin vào tâm linh ở Việt Nam lại theo diễn biến ngày càng trầm trọng. Có cả quan chức sa lầy vào đám đông vô thức tập thể, đi cúng bái khắp nơi.

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Giáo hội cần kiên quyết loại bỏ tập tục mê tín dị đoan

- Tục cúng sao có nguồn gốc từ Đạo giáo của Trung Quốc, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tôn giáo của nước này từ hàng nghìn năm nay. Đạo Phật liệt tục cúng sao vào nhóm mê tín, tà kiến.

Mê tín là vì không hiểu rõ nhân quả, tà kiến là nhận thức sai dẫn đến hành động sai. Trong kinh Phật, Đức Phật còn khẳng định rằng bất kỳ ai làm nghề cúng sao, bói toán, đoán hưng suy, vận hạn… đều thuộc về nghề phi pháp theo đạo đức Phật giáo.

Rất tiếc, một số chùa ở miền Bắc, của người Hoa tại Sài Gòn và một số tỉnh thành khác vẫn còn tập tục cúng sao để thu hút quần chúng mê tín đến với chùa. Việc người dân đến làm lễ dâng sao mang lại nguồn thu cho các cơ sở thờ tự truyền bá mê tín hoặc chấp nhận sự mê tín được truyền bá để có được lợi nhuận.

Tôi nghĩ Giáo hội Phật giáo VN cần phải chấn chỉnh để chủ trương của đạo Phật được thống nhất tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo, đừng ngại những va chạm. Mong Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN ban hành ngay các công văn nghiêm cấm việc cúng sao, tuyên truyền mê tín dị đoan ở các chùa càng sớm càng tốt, để trả Phật giáo lại với văn hóa truyền thống của đạo Phật. Để người đến chùa có cơ hội tĩnh tâm, phát triển đạo đức chứ không phải tin vào những điều mê tín.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập