Danh ngôn

Đã đọc: 5526           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

DANH NGÔN SỐNG TỐT ĐẠO ĐẸP ĐỜI

1-Người Phật tử hãy nên nhớ, sở dĩ con người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm do không tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc.

2-Nếu chúng ta không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không thể làm cho ta phiền muộn khổ đau, vì ta đã có cây kiếm trí tuệ nhờ nghe và biết chiêm nghiệm để rồi tu sửa và làm chủ bản thân.

3-Người Phật tử dù thắng trăm vạn quân cũng không bằng chiến thắng những thói hư tật xấu của mình, đó là chiến công oanh liệt nhất mà người đời ít ai làm được.

4-Chúng ta hãy luôn cám ơn nghịch cảnh vì chính khó khăn đó đã giúp cho ta có cơ hội quay lại chính mình, nhờ vậy tâm ta an tĩnh, sáng suốt mà tìm ra phương hướng để khắc phục.

5-Người Phật tử hãy coi nhẹ danh lợi, sống đơn giản, dấn thân đóng góp vì lợi ích chung và bằng lòng với những gì đang có trong hiện tại.

6-Khi ta vui, ta biết mình đang vui và luôn tâm niệm rằng niềm vui này phải không phải là vĩnh hằng. Khi ta đau khổ do một hoàn cảnh bức bách nào đó, ta nên biết nỗi khổ này cũng không thể lâu dài vì ta biết buông xả.

7-Phật tử chùa Thiên Khánh, nguyện noi gương Phật Thích Ca Mâu Ni, dấn thân tu học phước huệ trang nghiêm. Dân tộc nước Việt Nam, phát huy tinh thần mang đạo vào đời, do hai triều đại Lý-Trần sáng lập.

8-Sự chấp trước của ta ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho mai sau, bởi vì ta đã làm tổn thương đến nhiều người dù có ăn năn hối lỗi, trái tim ta vẫn rĩ máu.

9-Người Phật tử, phải thắng sự lười biếng bởi thái độ ỷ lại hay dựa dẫm vào người khác mà cầu khẩn van xin để đánh mất chính mình.

10-Bất mãn là thái độ thiếu khôn ngoan và sáng suốt, người trí càng nổ lực tu học và dấn thân đóng góp nhiều hơn nữa khi mọi việc chưa được tốt đẹp để không bị rơi vào trạng thái tiêu cực.          

DANH NGÔN LỜI HAY Ý ĐẸP

11-Người Phật tử chân chính, cương quyết phải thắng sự thiếu quyết tâm khi muốn làm việc thiện dù bị nhiều thế lực bất chính ngăn cản. Ta làm việc thiện vì đó là trách nhiệm và bổn phận của người có lòng từ bi hỷ xả.

12-Nếu ta không thể cảm thông và tha thứ cho kẻ khác, thì lòng ta sẽ không bao giờ được thanh thản bởi trong tâm còn vướng mắc chuyện đã qua.

13-Người Phật tử chân chính, phải thắng sự tham lam và ích kỷ của mình, bởi do lầm chấp thân tâm này là thật ngã mà sống đời an vui giải thoát.

14-Khi có quyền hành trong tay chúng ta có thể hủy diệt người khác chỉ cần một câu nói, nhưng để xây dựng mọi người cùng nhau sống đời lành mạnh đạo đức, dân chủ văn minh nhiều khi phải trải qua một chặng đường dài lịch sử vài trăm năm, có khi đến cả ngàn năm.

15-Người Phật tử, phải thắng sự nhu nhược của mình do thiếu chính kiến về đạo đức sống làm người, hãy thường xuyên soi sáng lại chính mình mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

16-Khi ta biết đem lòng từ bi và thái độ ôn hòa để bày tỏ những nỗi oan khiên và bất mãn, có như vậy người khác mới có thể tha thứ và chấp nhận quan điểm của mình.

17-Người Phật tử chân chính, phải vượt qua chủ nghĩa cá nhân để sống bằng trái tim có hiểu biết mình vì mọi người với tinh thần vô ngã vị tha.

18-Chúng ta cùng tu học theo hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm luôn đồng hành, cùng gánh vác, cùng sẻ chia, đem niềm vui đến với mọi người và sẵn sàng san sẻ nỗi khổ niềm đau, với tấm lòng vô ngã, vị tha.

19-Người Phật tử cần phải biết rằng nghèo đều là do nhân quả  xấu đã gieo tạo từ trước, cộng với hiện đời không chịu làm việc tích cực, tiết kiệm và hay gian tham trộm cướp lừa lọc của người dưới nhiều hình thức.

20-Chúng ta là những con người có ý thức và trách nhiệm, thì  phải thắng thái độ hèn nhát của mình khi đối diện với sự thật và sẵn sàng dấn thân để phụng sự nhân sinh.

DANH NGÔN MỖI NGÀY MỘT CÂU NÓI CÓ Ý NGHĨA

21-Người Phật tử, phải thắng sự sĩ diện hão của bản thân do cống cao ngã mạn để ngày càng sống khiêm tốn hơn mà dấn thân đóng góp phục vụ tha nhân để sống an vui hạnh phúc.

22-Lắng nghe & thấu hiểu là nguyên lý sống làm cho con người thương yêu và gắn bó với nhau hơn, là chiếc chìa khóa mở rộng cánh cửa từ bi hỷ xả.

23-Người Phật tử quyết sống chân thật, không đổ lỗi cho người khác mà sẵn sàng nhận chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình qua thân, miệng, ý.

24-Bạn không nên quá coi trọng đồng tiền mà để tâm dính mắc chấp trước vào đó, sức khỏe mới là thứ quan trọng hơn nhiều, có sức khỏe thì mới làm được nhiều việc có lợi ích cho mình và người khác.

25-Người Phật tử chân chính, biết cho qua những chuyện vui buồn, phải quấy, đúng sai, thiện ác để lòng được thanh thản an vui lâu dài mà sống đời đạo đức.

26-Thế giới ai cũng biết tu tâm, thì mọi người sống trong hòa bình. Phật tử biết tu tâm, mới mau vượt qua biển khổ sông mê. Nhờ biết tu tâm nên không thấy ai là kẻ thù chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi.

27-Người Phật tử, khi chưa biết tu thì phó mặc trần gian, tu rồi đem đạo vào đời an vui. Chưa tu tưởng đạo huyền bí xa vời, tu rồi mới thấy đạo ngay nơi thân này.

28-Người nhiều bận rộn trong công việc giúp đỡ sẻ chia sẽ tránh được thị phi, phải quấy, tốt xấu, hơn thua còn quá nhàn rỗi mà không biết tu tâm sửa tính sẽ dễ sinh ra những sai lầm đáng tiếc.

29-Người Phật tử khi chưa tu nên sớm quay đầu, tu rồi thấy đạo tỏ sáng nguồn tâm. Chưa tu sợ bỏ việc nhà, tu rồi thấy đạo ngay nơi gia đình.

 

30-Chúng ta không chê trách dèm pha phỉ báng người khác, luôn khen ngợi việc làm tốt, không tạo ra oan gia trái chủ gây chia rẽ hận thù. Tâm luôn định tĩnh sáng suốt, nhờ tin sâu nhân quả và biết tu tâm sửa tính.

DANH NGÔN THIỀN NGỮ ĐỂ NÂNG TẦM CAO TRONG CUỘC SỐNG

31-Người Phật tử khi chưa tu thấy khổ triền miên, tu rồi cảm thấy thân tâm an nhàn. Chưa tu lo sợ não phiền, tu rồi thấy đạo ngay nơi thân này.

32-Mọi người hãy giữ tâm mình không bị loạn động bởi những thứ ô hợp, phải quấy, tốt xấu, đúng sai. Muốn làm chủ bản thân thì phải định tĩnh, sáng suốt mới không bị dòng đời cuốn trôi.

33-Người Phật tử khi chưa tu tưởng đạo khó hành, tu rồi mới biết đạo ta sáng ngời. Chưa tu làm biếng dối gian, tu rồi thấy rõ quả nhân công bằng.

34-Trong cuộc sống, con người thường bị dính mắc vào những thứ như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng mà đánh mất bản thân mình. Chính vì thế, họ thường hay oán giận thù hằn mỗi khi có việc trái ý nghịch lòng.

35-Người Phật tử khi chưa tu ham muốn ngao du, tu rồi mới tiếc thời gian không nhiều. Chưa tu phó mặc cho trời, tu rồi mới biết phước họa do mình làm ra.

36-Cuộc sống ngày càng văn minh hiện đại, với vô vàn những thứ cám dỗ thúc đẫy sự ham muốn của con người, bởi vậy, một người không tin nhân quả và rèn luyện đạo đức thì không thể có cuộc sống hạnh phúc thật sự.

37-Người Phật tử khi chưa biết tu vui ít khổ nhiều, tu rồi mới thấy an nhiên thanh nhàn, nhờ biết cách gìn giữ đạo đức không làm tổn hại cho mình và người khác.

38-Mọi người phải nên biết đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã không còn nữa. Con người đối xử không tốt với nhau bởi thất tình lục dục mà ngày đêm hao tâm tổn chí, cuối cùng khi ra đi chỉ mang theo hai bàn tay trắng?

39- Người Phật tử chân chính hãy cho qua lời nói trái tai, để tâm trí không bị loạn động mà an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh.

DANH NGÔN NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG SUY GẪM

40-Chúng ta nên nhớ khi con người có quyền và tiền trong tay thì hạnh phúc tinh thần sẽ mất đi. Vì lo sợ mất mát, sợ người chiếm đoạt và sợ kẻ thù, những thứ không thuộc về mình mà cố nắm giữ chỉ gây thêm phiền muộn khổ đau.

 

41-Người Phật tử hãy cho qua hết việc buồn đau, được mất, hơn thua không gieo oán giận thù hằn để tâm an ổn mà sống đời hạnh phúc, ngay tại đây và bây giờ.

42-Con người sống không thể không có niềm tin, nhưng niềm tin đó phải là chánh tín nhân quả, được xây dựng trên cơ sở có chánh kiến, chánh tư duy bằng sự thấy biết chân chính nhờ biết từ bi hỷ xả.

43-Người Phật tử chân chính hãy cho qua hết mọi đam mê có hại đến người và vật, biết phát huy tinh thần giúp đỡ sẻ chia bằng tình người trong cuộc sống.

44-Chúng ta nên biết không tranh thì an ổn, không giết không hại người vật thì an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh. Người hay giúp đỡ sẻ chia thì tâm từ bi rộng lớn mà sống đời an vui, hạnh phúc.

45-Người Phật tử phải siêng năng tinh tấn làm việc để vượt qua nghèo khó, không vui chơi sa đọa phóng túng dưới mọi hình thức và biết tiết kiệm.

46-Người biết đủ là người giàu có hạnh phúc nhất vì không thấy thiếu thốn, người tham lam ích kỷ, hà tiện keo kiệt dù có nhiều tiền vẫn là người nghèo nhất thiên hạ vì tâm toan tính sợ mất mát.

47-Người Phật tử phải học hỏi lời Phật dạy để mở rộng sự hiểu biết, làm lớn thêm thương yêu, chuyển hóa tất cả mọi khổ đau và tạo dựng một đời sống bình yên, hạnh phúc trong giờ phút hiện tại.

48-Mọi người hãy nên làm chủ khen chê, vì khi được khen ai cũng thích thú vui vẻ, khi bị chê ai cũng cảm thấy mình bị xúc phạm. Vượt qua mọi khen chê mà an ổn sống đời hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

49-Người Phật tử cho đi những điều tốt đẹp thì sẽ nhận lại những điều tốt đẹp, chúng ta cho đi những điều xấu ác thì sẽ nhận lại những quả báo xấu ác. Nhân quả rất công bằng, chỉ đến sớm hay muộn khi đủ duyên.

DANH NGÔN VỀ GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG

50-Chúng ta sống phải có niềm tin chân chính về nhân quả thiện ác do chính mình tạo ra, niềm tin này không phải là tin vào một đấng thượng đế, có khả năng ban phước giáng họa, hay tin vào một điều gì mà mình không hiểu, không biết. 

51-Người Phật tử phải có hiểu biết, có yêu thương, có trí tuệ, có từ bi và làm lợi ích cho nhiều người, mà không bao giờ tính toán, so đo, nhờ vậy ta sẽ sống bình yên và hạnh phúc.

52-Chúng ta phải biết buông bỏ những kiến chấp sai lầm và các tạp niệm xấu ác. Nhờ vậy cuộc sống lúc nào bình yên hạnh phúc trong từng phút giây.

53-Người Phật tử cần phải thiền trong đi đứng nằm ngồi, trong sinh hoạt hằng ngày sẽ giúp cho chúng ta nhận biết được rõ ràng những ý nghĩ, lời nói, hành động để ta sửa sai điều xấu ác và biết phát huy điều tốt đẹp. 

54-Mọi người không nên tiếc nuối về quá khứ tốt xấu, đúng sai mà đánh mất chính mình trong hiện tại, vì ta đang sống hạnh phúc trong từng phút giây của thương yêu và hiểu biết.

55-Người Phật tử khi đến chùa đọc kinh nghe pháp, khi hiểu rõ lời Phật dạy sau đó mới đem áp dụng vào cuộc sống của mình để có được hạnh phúc cho bản thân, và đem lại lợi lạc cho gia đình xã hội.

56-Một niềm tin thiếu hiểu biết gây tác hại, ảnh hưởng xấu, làm trở ngại cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, gieo bất an, khổ não cho nhiều người thì đó không phải là niềm tin đúng đắn, chúng ta cần loại bỏ.

57-Người Phật tử khi đi chùa phát tâm cúng dường phải biết nhu cầu ở trong chùa là gì, để việc phát tậm cúng dường của chúng ta có được lợi ích thật sự mà không lãng phí xa hoa.

58-Chúng ta phải sống có trách nhiệm đối với gia đình người thân, biết hướng con cháu mình tin sâu nhân quả, sống mẫu mực đạo đức thì trong tương lai gia đình, xã hội, đất nước mới được hạnh phúc tốt đẹp.

DANH NGÔN LỜI VÀNG

59-Mọi người hãy nên biết: “Thành công hay thất bại, là con đường thể nghiệm cuộc sống. Hạnh phúc hay khổ đau, trước sau gì ai cũng phải biết”.

60-Người Phật tử bất cứ môi trường và điều kiện nào cũng phải biết sống thích nghi, ta có thể sống một mình mà không cảm thấy cô đơn, vì ta lúc nào cũng sống trong chánh niệm tỉnh giác.

 

61-Người Phật tử biết gieo trồng phước đức thì sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong hiện tại và mai sau. Kẻ chỉ biết cho riêng mình thì sẽ trở thành người ích kỷ, làm tổn hại người và vật.

 

62-Mọi thứ trong cuộc đời đều có giá của nó, ít ai được trọn vẹn. Được cái này thì phải mất cái kia, muốn nhận thật nhiều thì phải cho đi tất cả, muốn được thành công và hạnh phúc lâu bền thì ta phải trả giá bằng sự nỗ lực và cố gắng trong kiên trì bền bỉ.

 

63-Phật tử tu hành hay bị thối chuyển, bởi vì hay cầu khẩn van xin không tin tưởng chính mình. Mọi người ai cũng có khả năng nhận diện tâm qua sự xúc chạm thấy nghe hay biết, mới có thể trở nên hiền từ, sống chân thật, đạo đức và biết giúp đỡ sẻ chia, bằng tình người trong cuộc sống.

 

64-Gia đình người thân biết tu tâm, mới được bình yên, an vui, hạnh phúc. Xã hội có tu tâm, thì đất nước mới an cư lạc nghiệp trên tinh thần đoàn kết vì đạo pháp và dân tộc bằng trái tim có hiểu biết.

 

65-Người Phật tử chân chính phải biết, kho tàng vô tận của ta là từ bi hỷ xả được thể hiện qua nụ cười chân thật và hành động dấn thân vì lợi ích chung.

 

66-Chúng ta nên tìm hiểu cho chín chắn lời Phật dạy để áp dụng trong đời sống hàng ngày. Mỗi ngày học Phật, mỗi ngày tu tập sẽ giúp cho ta thay đổi cách nhìn trong cuộc sống, mọi thứ đều không cố định nên ta mới tu hành được.

 

DANH NGÔN VỀ TU HỌC

67-Người Phật tử sống phải biết chuyên cần học hỏi rèn luyện tu sửa làm việc, dấn thân đóng góp phụng sự xã hội trong chánh niệm tỉnh giác, để không làm tổn hại mình và người khác.

68-Chúng ta biết tu học và buông xả nên có niềm vui chân thật, thì người đó không chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn hiến tặng niềm vui đến cho nhiều người.

 

69-Người Phật tử chân chính biết thương yêu tôn trọng lẫn nhau bằng trái tim có hiểu biết, thì tình yêu ngày càng thêm gắn bó và an lạc hạnh phúc nhiều hơn.

 

70-Mọi người nên biết, vật chất chỉ giúp cho ta có được cuộc sống đầy đủ bởi nhà lầu, xe hơi, tiền bạc thức ăn ngon…nhưng để thật sự an lạc hạnh phúc, ta phải biết buông xả về sự chấp trước ta, người, chúng sinh.

71-Người Phật tử chân chính hãy nên nhớ rằng từ bi là phương thuốc nhiệm mầu, trị lành các bệnh khổ đau ở đời, nhờ biết giữ giới, thiền định và buông xả.

72-Chỉ dạy cho con mình có một tương lai tốt đẹp bằng cách không ỷ lại vào tài sản của cha mẹ, mà bắt đầu bằng những thói quen tự lập và tin sâu nhân quả, để vững bước trên đường đời.

73-Người Phật tử nói sự thật để đem lại lợi ích cho người nghe, như chúng ta nói về sự công bằng của luật nhân quả, ai gieo nhân gì sẽ gặt quả đó, dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất, khi hội đủ các yếu tố quả báo hoàn tự hiện.

74-Những người không muốn giúp đỡ người khác thì như chiếc gương phản chiếu lại, họ cũng chẳng bao giờ nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Mãi mãi chỉ cô độc trong sự hèn mọn.

DANH NGÔN VỀ SỰ NHÌN XA HIỂU RỘNG

75-Người Phật tử lúc nào cũng biết nhìn xa, thấu rõ lý nhân quả mở lòng rộng lớn, giúp người chính là giúp ta biết cách hoàn thiện chính mình với tinh thần vô ngã, vị tha.

76-Chúng ta nếu sống riêng rẽ, chỉ là giọt nước nhỏ chẳng giúp gì được cho ai. Cùng nhau học hỏi, tu sửa, đoàn kết, hòa hợp dấn thân đóng góp vì tinh thần đạo pháp và dân tộc, chúng ta sẽ là đại dương của biển cả.

77-Người Phật tử học theo gương sáng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là phước huệ song tu. Làm phước mà không thấy mình làm, không thấy vật để cho và người được cho. Tu mà không thấy mình tu, không dấy tâm động niệm nhờ biết buông xả.

78-Mọi người khi không còn dính mắc vào ta người chúng sinh, thì chuyện phải quấy, tốt xấu, khen chê, được mất, thành bại không làm cho ta dao động.

79-Người Phật tử luôn sống trong chánh niệm tỉnh giác, là chìa khóa của mọi sự thành công. Chúng ta làm chủ bản thân qua từng ý nghĩ, lời nói và hành động.

80-Mê tín là lòng tin mù quáng không thấy đúng lẽ thật, không thấy đúng chân lý vì mê muội. Như tin ông đồng bà cốt, tin xin xăm bói quẻ, tin ngày lành tháng dữ, tin số mạng sang hèn, tin coi tay xem tướng, tin cúng sao giải hạn, tin có một người ban phước giáng họa v.v...

81-Người Phật tử phải biết buông xả thì lòng ta mới rộng mở, ai nói gì không vừa ý hoặc xúc phạm ta cũng dễ dàng bỏ qua mà không oán giận thù hằn.

82-Chúng ta nên biết hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng sự bình an và tự tại của nội tâm. Đây là ước mơ chung cho nhân loại mà ai cũng mong mỏi đạt tới. Muốn vậy, chúng ta phải biết buông xả từng tâm niệm não hại người và vật.

DANH NGÔN VỀ CHÂN LÝ CUỘC ĐỜI

83-Người Phật tử hãy nên nhớ, hạnh phúc vật chất trong cuộc sống đời người không thể kéo dài mãi mãi vì bản chất của nó là vô thường đổi thay.

84-Chúng ta hãy lắng nghe bằng trái tim hiểu biết, nên những người mình thân yêu nhất, dù thời gian đã trôi qua lặng lẽ, mình vẫn sống yêu thương và lắng nghe hết lòng.

85-Người Phật tử chân chính luôn cung kính tưởng nhớ Phật, luôn thương yêu kính mến ông bà cha mẹ, vui vẻ thuận thảo với anh chị em và hay giúp người cứu vật.

86-Con người khi mong cầu một điều gì mà quá khả năng mình thì dễ sinh ra mê tín. Ví như có một người muốn vay một số vốn lớn làm ăn, không biết việc làm ăn này sẽ đạt được kết quả tốt hay xấu. Chính vì lòng tham và sự mong cầu quá đáng mà dẫn con người ta đến mê tín dị đoan.

87-Người Phật tử nên chọn những nghề cao quý là thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư, trồng trọt, vận chuyển hàng hóa và giúp con người mua bán trao đổi các phương tiện vật chất…đến tay người tiêu dùng.

88-Mọi người nên biết, nếu ai luôn sống so đo, tính toán trong ích kỷ thì rất khổ tâm; nếu biết bao dung độ lượng, ta sẽ sống an vui hạnh phúc.

89-Người cư sĩ tại gia được quyền thừa hưởng hạnh phúc về sở hữu vật chất của riêng mình, và có thể bố thí cúng dường giúp đỡ sẻ chia, dấn thân đóng góp, phục vụ vì lợi ích cộng đồng xã hội, cũng như phát tâm hộ trì.

90-Con người ta hay lo lắng sợ hãi, suy nghĩ vu vơ là gốc sinh ra mọi điều mê tín. Hoặc có người sợ vận sui hạn xấu, nên đầu năm đến chùa cúng sao giải hạn, cầu cho tròn năm cuộc sống được hanh thông, gia đình được an vui may mắn.... Mọi lo lắng sợ hãi đều bắt đầu từ sự mê tín.

DANH NGÔN NGƯỜI PHẬT TỬ CHÂN CHÍNH

91-Người Phật tử nên biết, con người chỉ hơn nhau ở đức hạnh, ở những phẩm chất tốt đẹp chứ không phải hơn nhau ở tài sản của cải, vật chất hay quyền cao chức trọng.

92-Đạo Phật chủ trương lấy nhân quả làm nền tảng của sự sống để phản ảnh mọi lẽ thật hư trong cuộc đời này bằng ánh sáng trí tuệ, nhằm thấu suốt thế gian. Mọi lẽ thật giả đều hiện bày sau khi có sự chiêm nghiệm và suy xét.

93-Người Phật tử nếu đã sống không thật với người khác và với bản thân mình thì sẽ không bao giờ đạt được an lạc hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

94-Trong cuộc sống, người Phật tử phải nên biết ai nắm giữ và chất chứa nhiều chưa hẳn đã hạnh phúc. Mà ngược lại, buông bỏ chính là bí quyết làm cho ta chuyển hóa được phiền muộn, khổ đau mà an nhiên tự tại.

95-Người Phật tử nên biết, ông trời không can dự vào việc nên hư, thành bại, đúng sai, được mất của con người mà tất cả là do nhân quả tốt xấu của mình đã tạo ra trong quá khứ hoặc hiện tại.

96-Ta muốn làm chủ được bản thân nhờ tu hạnh lắng nghe thì phải giữ giới trong sạch, sau đó mở rộng tấm lòng từ bi mà chia vui, sớt khổ, không oán giận, ghét bỏ một ai dù đó là người thù.

97-Người Phật tử hãy phát tâm tu theo hạnh từ bi và trí tuệ của Bồ-tát Quán Thế Âm thì chỉ cần quán chiếu lại chính mình và lắng nghe, đừng vội can thiệp hay phán xét một điều gì, hãy để mọi thứ sâu lắng trong từng trái tim và thớ thịt của mình.

98-Thất bại là mẹ của thành công với những người có ý chí và quyết tâm cao độ, chính sự thất bại đã dạy cho ta những bài học kinh nghiệm để làm mới lại chính mình.

DANH NGÔN ĐẠO LÀM NGƯỜI

99-Người Phật tử chân chính có thể nói ra sự thật để làm một người buồn phiền khó chịu, dẫu sau vẫn hơn một người nói dối để làm hại thiên hạ.

100-Nhân quả tốt khi ta đã gieo, cho dù không thấy kết quả ngay bây giờ, nhưng nó đang giúp chúng ta ngày càng sống tốt hơn.

101-Phật tử chùa Linh Xứng, nguyện noi gương Phật Thích Ca Mâu Ni, dấn thân tu học phước huệ trang nghiêm. Dân tộc nước Việt Nam, phát huy tinh thần mang đạo vào đời, do hai triều đại Lý-Trần sáng lập.

102-Những gì chúng ta đang thấy không phải thước đo chính xác của thực tại mà đó chỉ là ảo ảnh tạm thời trong dòng chảy của cuộc đời.

103-Khi hiểu được giáo lý nhân quả, chúng ta sẽ sống có trách nhiệm và ý thức được hậu quả xấu gây khổ đau cho người, không ỷ lại hay đổ thừa mọi chuyện xảy ra là do “khi không”, “tự nhiên” mà chính ta phải chịu trách nhiệm đối với mọi hành vi tạo tác của bản thân.

104-Chúng ta không thể thay đổi những gì mình mong muốn, nếu không dám đối mặt để tìm ra nguyên nhân mà tìm cách chuyển hóa các bế tắc khổ đau trong cuộc đời.

105-Quá khứ đã qua dù tốt hay xấu nó không phải là của mình vì ta đang sống trong giờ phút hiện tại bằng ý nghĩ, lời nói và hành động lợi ích nhân sinh.

106-Chúng ta sẽ hiểu và cảm thông cho nhiều người hơn, vì đau khổ cũng giống như bùn vậy. Bùn sẽ có ích khi ta biết gieo nhân giúp người cứu vật và từ bỏ những thói hư tật xấu.

DANH NGÔN VỀ CẢM XÚC CUỘC SỐNG

107-Khi ta oán giận một ai đó, giống như ta đang ghim từng mũi kim vào thân mình. Hãy học cách khoang dung và độ lượng để tâm ta được an tịnh trong từng phút giây.

108-Chúng ta đón nhận cuộc đời mình như thế nào là do bản thân ta lựa chọn, người khác không thể quyết định thay. Khi ta tin sâu nhân quả, sống đời đạo đức và vị tha thì cuộc này không có gì đáng để cho ta phiền muộn khổ đau.

109-Chúng ta thích chiến thắng người thì tâm mình bị loạn động bất an, tạo ra mối hận thù vay trả không có ngày thôi dứt, quay lại chính mình để điều phục tâm nên sống bình yên hạnh phúc.

110-Thế gian thường cho rằng hiểu được mọi thứ trên đời này là khôn, nhưng hiểu được chính mình và từ bi với người khác, mới là người khôn thật sự.

111-Từ con người cho đến muôn loài vật đều có thể thay đổi, biết được như vậy thì chúng ta không nên cố chấp và nắm giữ một cách thái quá.

112-Ai vội vàng tiến lên phía trước và có nhiều tham vọng đều không thể thành công mà cần phải nghiệm xét và kiên trì để tìm ra phương hướng đúng đắn.

113-Hận thù người khác là một mất mát lớn nhất đối với chính mình, chưa hại được ai mà chính ta đã bị tổn thương do niềm oán hận muốn tìm cách trả thù.

114-Người che đậy khuyết điểm của mình để bảo vệ quyền lực bằng thủ đoạn làm tổn thương người khác là hành vi của người thiếu đạo đức, dù đó là người xuất gia.

115-Hận thù người khác là một mất mát lớn nhất đối với chính mình, chưa hại được ai mà chính ta đã bị tổn thương do niềm oán hận muốn tìm cách trả thù.

DANH NGÔN VỀ TRIẾT LÝ SỐNG

116-Chúng ta sẽ nói sự thật dù bị nhiều người ghét bỏ, vẫn tốt hơn những kẻ nói dối để lừa gạt người và đắc nhân tâm được lòng thiên hạ mà đánh mất giá trị đạo đức chính mình.

117-Chúng ta đừng tin tất cả những gì mình đang nghe và đã nghe mà cần phải tìm hiểu rõ ràng, đừng ham làm tất cả những gì mình mong muốn.

 

118-Chúng ta hãy tự mình học cách nói năng chậm rãi và hành động vì lợi ích nhiều người, nhưng suy nghĩ nhanh chóng để kịp thời giải quyết mọi chướng ngại.

 

119-Chúng ta phải luôn biết tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác và chịu trách nhiệm với những gì mình đang làm và đã làm.

 

120-Chúng ta phải luôn đón nhận mọi sự thay đổi của cuộc sống này, nhưng đừng bao giờ đánh mất chính mình vì quyền lợi riêng tư.

 

121-Con người càng ngày làm mất đi giá trị nhân cách do không hiểu biết và nhận thức thiếu sáng suốt vì không tin nhân quả, nên dễ dàng gây tạo nhiều tội lỗi và làm khổ đau cho nhau.

 

122-Hoàng đế Lý Thái Tổ khơi nguồn tâm linh mở trang sử mới cho người dân nước Việt. Phật hoàng Trần Nhân Tông đưa đạo vào đời phá trừ mê tín làm rạng rỡ tổ tiên.

123-Ai cũng có thể biết tình yêu đưa đến hôn nhân nhằm phát triển giống nòi nhân loại và bảo vệ truyền thống gia tộc, nhưng lại là đầu mối của nhiều hệ lụy khổ đau, bởi sự yêu thương trong vị kỷ cho nên nói tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ, đời mất vui khi đã vẹn câu thề.

 

124-Để đảm bảo cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, những thành viên trong gia đình cần phải tích cực siêng năng trong việc làm ra của cải vật chất, biết chi tiêu phù hợp những nhu cầu cần thiết, và không để tài sản hao hụt thất thoát.

 

DANH NGÔN VỀ XÂY DỰNG TRÁCH NHIỆM CUỘC SỐNG

125-Khi gia đình được xây dựng và phát triển ổn định về mọi mặt, thì xã hội mới hưng thịnh và bền vững lâu dài. Chính vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình cần phải có trách nhiệm tương trợ lẫn nhau để đảm bảo an sinh đời sống, về vật chất lẫn tinh thần.

126-Để duy trì nề nếp sinh hoạt, tình cảm, văn hóa, đạo đức, kinh tế, tài chính, truyền thống gia đình, sự nghiệp của từng cá nhân và sự nghiệp chung của gia tộc, mỗi thành viên phải có trách nhiệm, bổn phận để làm thành cho nhau bằng sự siêng năng tinh cần.

127-Người Phật tử xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, những thành viên trong gia đình cần siêng năng tháo vát trong việc tạo ra của cải vật chất, biết sử dụng tài sản một cách hợp lý và biết giữ gìn tài sản, không để cho tài sản thất thoát, tiêu tán bất hợp pháp.

128-Con người do tạo nhân quả không đều nên có sự sai biệt rất lớn trong cuộc đời, như giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu, thông minh hay ngu dốt, sống thọ hay chết yểu.

129-Giáo lý nền tảng của đạo Phật có khả năng chuyển hóa khổ đau thành an vui hạnh phúc, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau, hay còn gọi là ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão. 

DANH NGÔN VỀ TRIẾT LÝ NHÂN QUẢ

130-Hiểu và ứng dụng lý nhân quả vào trong đời sống hằng ngày, chúng ta sẽ không đổ thừa do số mệnh định sẵn, hay có sự an bài của đấng tạo hóa nào đó, mà không vươn lên làm mới lại chính mình, thay đổi hoàn cảnh cuộc sống. 

131-Đối với thức ăn vật chất, Đức Phật dạy không nên ăn nhiều, chỉ ăn vừa đủ giúp cơ thể khỏe mạnh, không nên ăn những gì không thích hợp với cơ thể. Đó là cách ăn của chư vị Tổ sư đã thể nghiệm nên đưa ra pháp tu tương ứng nhằm duy trì mạng sống chúng Tăng được khỏe mạnh.

132-Chúng ta đừng để tâm chạy theo những mối ưu tư của nó giống như những người bình thường chưa biết quán sát hơi thở là gì. Một khi ta đã có chỗ an trú, để giữ con khỉ tâm thức thì nó ngày càng bớt ngang ngạnh và từ từ bớt rong rủi chạy tìm.

133-Chúng ta chỉ làm một việc duy nhất là đơn thuần theo dõi và nhận biết hơi thở rõ ràng, thở vô mình biết mình đang thở vô, thở ra mình biết mình đang thở ra. Hơi thở dài hay ngắn là tùy theo khả năng của mỗi người.

134-Ngu dốt là sự không hiểu biết của con người nên ngu dốt cũng đem tới nhiều tai hại cho bản thân, gia đình và xã hội. Có thể nói, ngu dốt là không có kiến thức, không tin sâu nhân quả, không hiểu biết chân chính về mối tương quan trong thế giới mình đang sống.

135-Thế gian là một trường đời hỗn hợp mang nhiều sắc thái đa dạng, phức tạp, chúng ta không biết đối xử với nhau bằng tình người trong cuộc sống thì dễ dẫn đến oán giận, thù hằn vay trả không có ngày thôi dứt. 

136-Chúng ta không nên đi theo con đường du lịch tâm linh của người thế gian bằng cách cầu khẩn, van xin mà không chịu gieo nhân tốt để gặt quả tốt và tu tập để chuyển hoá phiền não tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ và từ bi.

DANH NGÔN Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

137-Phật là con người, Pháp là những lời dạy chân chính của Ngài, Tăng là những người truyền thừa, thay Phật hoằng dương chánh pháp, sống trong tinh thần lục hòa, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần chia vui sớt khổ, phục vụ vì lợi ích chúng sinh. 

138-Đạo Phật không dạy chúng ta trốn tránh cuộc đời, hoặc chối bỏ sự thật của tội lỗi, mà tìm cách sám hối để làm mới lại chính mình. Sám hối là sám lỗi trước nguyện không cho tái phạm lỗi lầm xưa. Hối là ngăn ngừa lỗi sau, không cho phát sinh kể từ  ngày hôm nay.

139-Hạnh phúc là thứ mà người ta luôn kiếm tìm và dành quá nhiều ngôn ngữ lời nói để miêu tả nó. Nhưng thật sự có mấy ai đã có thể cảm nhận được hạnh phúc? Giữa bộn bề công việc của xã hội này, đôi khi chúng ta phải vội vã kiếm tìm hạnh phúc cho chính mình…

140-Có người nghĩ rằng được vào trường đại học mà mình mong muốn là niềm hạnh phúc lớn nhất….Người khác cảm thấy hạnh phúc với mình là khi ra trường có công ăn việc làm và thu nhập ổn định để chuẩn bị lập gia đình.

DANH NGÔN VỀ HẠNH PHÚC TRONG CUỘC SỐNG

141-Hạnh phúc chính là ta đang làm việc gì thì biết việc đó, ta phải sống với những gì trong hiện tại mà hiện tại chính là đây. Chúng ta hãy trân quý và tận hưởng những gì mình đang có ngay trong giờ phút hiện tại và đừng nên mong chờ.

142-Chúng ta muốn được hạnh phúc nhưng ta phải hiểu hạnh phúc thật sự là gì? Hạnh phúc là sự biết cảm nhận giá trị sống trong mỗi hoàn cảnh ngay tại đây và bây giờ, chứ hạnh phúc không phải là điểm đến mà ta đang mong đợi.

143-Người Phật tử phải nên biết sức mạnh tâm linh của mỗi người chính là nội tâm thanh tịnh, sáng suốt; nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế.

144-Này em hãy nhớ lấy điều này, khi chúng ta ghét bỏ một ai đó chính là em đang làm nghẹt thở và bóp nát trái tim mình, làm cho em cảm thấy chán nản và vô cùng tuyệt vọng! Vậy tại sao em cứ phải ghét bỏ một ai đó, làm chi vậy?

 145-Để được sống trọn vẹn với tình yêu không hề đơn giản chút nào, có người đang sống bên nhau nhưng không có tình yêu thật sự. Nhưng chia tay trong tình yêu chưa hẳn là đã mất hết tất cả, mà trên đường mình đang đi còn rất dài các em ạ.

146-Này các em, tôi đã từng lầm lỡ, tôi đã từng tiếc nuối, tôi đã từng sống trong đau khổ, vì tôi có quá nhiều sai lầm, tôi sẽ hướng dẫn cho các em học cách yêu thương bằng trái tim hiểu biết mà tha thứ cho nhau!

147-Em à, hãy mạnh mẽ và vững vàng hơn. Em hãy học cách chấp nhận sai lầm và tha thứ để đứng lên từ những đau thương ấy. Đó mới là người biết sống và đón nhận hạnh phúc chân thật.

148-Này em, hối tiếc về chuyện đã qua chính là em đang gậm nhắm những những niềm đau nỗi buồn. Em luôn tiếc nuối thì em sẽ đánh mất chính mình trong hiện tại và em đang xóa mờ con đường đi đến tương lai đang dang tay chờ đón em?

149-Tổn thương nào cũng đau đớn dù ít hay nhiều, tôi chỉ khuyên nhủ em hãy tha thứ và chấp nhận những gì đang có trong hiện tại, để rồi em sẽ quên nỗi đau ấy. Thay vì em ôm ấp nỗi đau đó, chính em đã biến nó thành một vết thương lòng khó buông xả được!

150-Này em, hãy sẵn sàng thứ tha cho chính bản thân mình, em hãy đón nhận một ngày mới bắt đầu thật là vui tươi và hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ!

151-Em à, chúng ta hãy học cách tha thứ cho nhau, tha thứ cho những lỗi lầm đã qua mà không hối tiếc. Tha thứ cho người mà em đang thấy căm hận vô cùng, vì họ đã làm cho trái tim em tan nát.

152-Tha thứ và chấp nhận những gì đang có trong hiện tại, là con đường nhanh nhất để em có thể đứng dậy và bước tiếp trong vững vàng.

DANH NGÔN VỀ RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC

153-Việc tu thì dựa vào sự thực hành của mình. Như uống nước, khi chưa uống thì bạn không biết mùi vị của nó, uống xong rồi mới biết được mùi vị của nước như thế nào. Có thực hành mới chuyển hóa được phiền não khổ đau.

154-Đi, đứng, nằm, ngồi trong tỉnh giác chúng ta phải kiểm tra chặt chẽ từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động là người biết thể hội Phật pháp chân chính. Thời gian trôi qua mau nhanh như tên bắn, chớ bảo khi đến già mới tu thì e rằng sẽ hối hận!

155-Sám hối đúng nghĩa là phải có tâm hổ thẹn và cầu tiến. Người biết hổ thẹn sẽ không dám để tội lỗi phát sinh hoài. Nhờ vậy, người thành tâm sám hối thì tội lỗi dần dần được tiêu trừ. 

156-Chúng ta hãy coi việc tu Phật là gấp rút, khẩn trương, tùy theo khả năng mà chọn lựa pháp môn để ứng dụng tu tập hay hợp với pháp nào thì pháp đó là số một! Nhưng phải nên nhớ tất cả đều phải tự lực là chính, chớ ỷ lại?

157-Gia tài, của cải, sự nghiệp, cha mẹ, vợ chồng, con cái mọi thứ ta chẳng đem theo khi sinh ra và cũng sẽ không mang theo lúc chết đi. Tất cả mọi thứ chẳng đem theo được, chỉ có nghiệp tốt xấu theo mình.

158-Chúng ta đừng nên chạy trốn khổ đau mà hãy đối diện với nó để tìm ra giải pháp nhằm thay đổi quan niệm sống như thế nào cho đúng. Trong cuộc sống này, tất cả chúng ta đều cần đến nhau như là việc ăn uống không thể thiếu được.

159-Chúng ta ai cũng biết rằng tham lam là điều không tốt có thể làm tổn hại đến người khác, nhưng làm người khó ai vượt qua khỏi chỗ này vì đó là thói quen do huân tập nhiều đời. Cuộc sống không dạy cho chúng ta con đường nhanh nhất để đạt được sự thành công viên mãn.

160-Người biết gieo trồng phước đức thì sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong hiện tại và mai sau. Kẻ chỉ biết cho riêng mình thì sẽ trở thành người ích kỷ, làm tổn hại người vật.

161-Người Phật tử, khi đọc Kinh, sám hối hay tham Thiền cảm nhận niềm vui nên dần hồi buông xả được phiền não, tham-sân-si từ từ nhẹ bớt, không còn nặng như ngày xưa.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập