Vai Trò Hoằng Pháp Đối Với Phật Tử Tại Gia

Đã đọc: 1606           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Khi Phật còn tại thế, ngài nói với các Thầy Tỳ kheo rằng: “Này các Thầy! các Thầy hãy đi các nơi để truyền bá Chính pháp của Như Lai, các Thầy không được đi nhiều người một hướng, một nơi, một ngả, mà hãy chia ra mỗi người đi mỗi hướng khác nhau”.

 

Đạo Phật đã truyền vào Việt Nam trên 2000 năm, tùy theo vận mệnh của đất nước, Phật giáo có những lúc thịnh lúc suy, nhưng vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc với tinh thần sống “tốt đời đẹp đạo”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thống nhất vào năm 1981 với phương châm sống “tốt đạo đẹp đời”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã từng bước củng cố tổ chức, đề ra các chủ trương đường lối thích hợp với thời đại hội nhập và phát triển, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục ngang tầm với Phật giáo các nước tiên tiến và các nước lấy Phật giáo làm quốc giáo.

Đọc lịch sử ai cũng có thể biết kể từ khi thành đạo cho đến ngày nhập Niết-bàn trong suốt 49 năm, đức Phật Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ làm một việc duy nhất đó là: “Hoằng pháp, độ sinh” đem giáo lý của ngài đi vào cuộc sống với tinh thần tốt đời đẹp đạo. Khi Phật còn tại thế, ngài nói với các Thầy Tỳ kheo rằng: “Này các Thầy! các Thầy hãy đi các nơi để truyền bá Chính pháp của Như Lai, các Thầy không được đi nhiều người một hướng, một nơi, một ngả, mà hãy chia ra mỗi người đi mỗi hướng khác nhau”.

Đức Phật đã gửi thông điệp từ bi đến với Tăng Ni nhiệm vụ chính là hãy đem giáo lý của Ngài mà truyền bá rộng khắp thế gian để đem lại lợi ích cho nhiều người. Nhưng ngày hôm nay có một thực trạng rất đau buồn Tăng Ni Phật giáo các tỉnh miền Bắc chỉ đáp ứng việc hoằng pháp rất giới hạn, hơn 80% các chùa không có giảng dạy Phật pháp mà chỉ lấy cúng kiếng làm lẽ sống. Thế cho nên,

Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Lịch sử muôn đời của tổ tông.

Mái chùa thời kỳ hội nhập và phát triển không còn giữ nét đẹp của hai thời vàng son Phật giáo Lý-Trần. Xã hội ngày càng phát triển trong xu thế toàn cầu hóa nhờ con người văn minh và tiến bộ. Trong đó, vai trò Phật giáo đóng góp rất to lớn và quan trọng về việc xây dựng hình thành con người sống có văn hóa đạo đức, sống có ý thức trách nhiệm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại có nhiều vấn đề cần phải được hội thảo và cải cách lại, để đảm bảo chức năng vai trò trách nhiệm của Tăng Ni và Phật tử tại gia sống đúng theo lời Phật dạy.

Đạo Phật là chánh tín nhân quả giúp con người sống đạo đức từ bi, để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình và đóng góp lợi ích cho xã hội. Mục đích của đạo Phật là tìm ra lẽ thật của thân tâm và hoàn cảnh để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Chúng ta phải nói ra những gì chân thật để mọi người hiểu đúng Phật giáo là chánh tín nhân quả. Phá bỏ các tập tục mê tín của các truyền thuyết khác xen vào làm mờ tối đạo Phật là việc làm cần thiết và tối quan trọng nhằm giúp mọi người tin sâu nhân quả, theo nguyên lý làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau.

Một con người muốn quy hướng về Phật giáo trước hết phải tìm hiểu ý nghĩa và mục đích của đạo Phật. Đầu tiên, chúng ta phải hiểu rõ những lời Phật dạy về đạo làm người, sống như thế nào cho đúng trong đối nhân xử thế mà không làm tổn hại mình và người khác.

Ngày nay, sự hộ pháp của hàng cư sĩ tại gia càng đa dạng hơn với nhiều hình thức khác nhau từ bố thí, cúng dường vật thực cho đến thực hành pháp và hướng dẫn Phật pháp sâu rộng đến mọi tầng lớp. Người cư sĩ tại gia ngoài trách nhiệm làm tròn bổn phận đối với gia đình người thân, đóng góp lợi ích cho xã hội, kế đến là hộ trì Tam bảo và hoằng pháp lợi sinh tuỳ theo hoàn cảnh sống của mình.

Trước tiên trong vai trò hộ pháp để cho Phật pháp được trường tồn ở thế gian này, người tại gia cần phải hỗ trợ vật chất để đảm bảo đời sống an sinh trong nhà chùa, ổn định bền vững và ngày càng phát triển lâu dài. Trong kinh Bổn phận người gia chủ, Đức Phật đã khẳng định với Anathapindika rằng, muốn trở thành người Phật tử chân chính, thì phải hộ trì gìn giữ cúng dường Tam bảo để chư Tăng, Ni có thời gian tu hành và duy trì Phật pháp.

Vai trò hộ pháp đầu tiên của người cư sĩ, chính là góp phần đảm bảo đời sống tối thiểu cho người xuất gia. Kế tiếp của người Phật tử tại gia là sự hỗ trợ về điều kiện tu hành cho chư Tăng, Ni và mọi người. Hộ pháp còn được hiểu là sự phòng hộ, gìn giữ về các phương diện liên quan đến Tam bảo như chùa chiền, Tăng sĩ, kinh điển, băng đĩa và thanh danh của Giáo hội các cấp. Ngoài ra, người Phật tử chân chính cần phải chung tay hộ trì Tam bảo bằng khả năng sẵn có của mình, phát nguyện dấn thân, đóng góp vì lợi ích chung.

Người xuất gia từ bỏ đời sống gia đình, chuyên tâm học hỏi và tu sửa, nhằm đạt được giác ngộ, giải thoát và giáo hóa chúng sinh. Việc trợ duyên của hàng cư sĩ, giúp cho người xuất gia có thời gian tu hành, được gọi là hộ pháp chân chính.  Ngày nay, sự hộ pháp của hàng cư sĩ tại gia càng đa dạng hơn với nhiều hình thức khác nhau từ bố thí, cúng dường vật thực cho đến thực hành pháp và hướng dẫn Phật pháp sâu rộng đến mọi tầng lớp. Hộ pháp vừa có nghĩa là người ủng hộ Phật pháp, vừa có nghĩa là sự che chở bảo vệ chánh pháp được phổ biến khắp mọi nơi.

Mục đích của đạo Phật là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, tức là phước huệ song tu hành Bồ-tát đạo cho đến khi nào thành Phật viên mãn mới thôi. Khi chúng ta đã thật hiểu rồi mới phát lòng tin sâu đối với Phật pháp và quyết tâm thực hành tránh ác làm lành để đem lại an vui, hạnh phúc cho chính mình, gia đình, người thân và phục vụ tốt cho xã hội.

Trách nhiệm chính của Tăng Ni là truyền bá chánh pháp theo lời Phật dạy trên nền tảng nhân quả và đạo đức. Trước tiên chư Tăng Ni hướng dẫn khuyến khích quý Phật tử nam nữ tại gia phát tâm quy y Tam bảo, giữ gìn năm điều đạo đức và nỗ lực nghiên cứu học tập, ứng dụng lời Phật dạy, trao dồi rèn luyện đạo đức cá nhân, xây dựng nếp sống gia đình hạnh phúc, trên thuận dưới hòa, đóng góp lợi ích xã hội và hộ trì Tam bảo đúng theo luật pháp đất nước Việt Nam với tinh thần tốt đời đẹp đạo.

Trong suốt chiều dài lịch sử đó, dân tộc Việt Nam chúng ta phải tự hào rằng: Phật giáo hai triều đại Lý-Trần đã mang đạo vào đời như các vị vua minh quân: Vua Lý Thái Tổ, Vua Trần Thái Tông, Vua Trần Nhân Tông, Thái úy Lý Thường Kiệt, Tuệ Trung Thượng Sĩ, luôn hộ trì Tam bảo, truyền đèn nối đuốc làm cho Phật pháp được phát triển và hưng thịnh. Để đáp ứng các nhu cầu truyền bá chánh pháp Phật-đà đến quý Phật tử gần xa và đặt nền móng cho sự phát triển trong bền vững lâu dài về sau, chúng tôi xin đề ra vai trò trách nhiệm của Tăng Ni hoằng pháp đối với Phật tử tại gia như sau:

Hiện nay Tăng Ni Phật giáo Việt Nam gồm có ba hạng: Thầy tu, thầy cúng. Thầy tu thì vừa học, vừa tu và hướng dẫn Phật tử cùng tu theo lời Phật dạy, thầy cúng là chỉ lo việc cúng kiếng theo nghi lễ Phật giáo, hoặc cúng kiếng theo phong tục tín ngưỡng dân gian mang nặng sắc thái mê tín dị đoan.

Sư tổ của chúng tôi thường dạy:

 “Tu mà không học tu mù. Học mà không tu như đãy đựng sách”

Như vậy việc tu và học là gắn liền với nhau. Tu có nghĩa là sửa mà sửa từ đâu? Sửa từ thân miệng ý của chúng ta, ý nghĩ xấu hại người sửa lại ý nghĩ tốt giúp người, miệng nói làm tổn thương người sửa lại thành từ ái hiền hòa, thân hành động làm khổ chúng sinh sửa lại thân giúp người, cứu vật. Vậy mà hiện nay có rất nhiều Phật tử đi chùa hàng chục năm nhưng chưa hiểu cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chưa biết nhân quả nghiệp báo là gì, chưa bao giờ nghe giảng pháp và đến chùa tham dự khóa tu lần nào. Lỗi này do ai? Đó là trách nhiệm của Tăng Ni. Nguyên nhân chính dẫn đến tệ trạng đó là tu sĩ trong thời đại @ chỉ lo việc cúng kiếng là chính để làm kế sinh nhai mà không có giảng dạy Phật pháp.

Một thầy trụ trì phải là người thay Phật hoằng truyền Phật pháp, giảng đạo cho Phật tử của mình hiểu đạo, giảng giải lợi ích của người biết tu theo Phật, thế nhưng nhiều thầy trụ trì chỉ đơn thuần là người trông chùa, là người thủ nhang, là người thầy cúng kiếng, thậm chí cúng kiếng mê tín theo văn hóa ngoại lai, thế cho nên người Phật tử chỉ biết cúng bái và cầu khẩn van xin là lỗi tại các tu sĩ thiếu ý thức trách nhiệm hoặc “mượn đạo tạo đời”. Một khi Phật tử đã không hiểu đạo tức đồng nghĩa với mê muội, một đất nước mà nhiều con người như thế thì đạo đức suy đồi.

Như chúng ta đã thấy, Tăng Ni Trụ trì đã khó làm tròn trách nhiệm do làm việc bao đồng quá mức. Vậy mà có những Tăng Ni Trụ trì nhiều ngôi chùa. Cá biệt có những Tăng Ni kiêm nhiệm cả bảy tám ngôi chùa, đa số là trưởng và phó ban tri sự tỉnh và huyện. Như vậy, những ngôi chùa kiêm nhiệm Trụ trì thì công tác hướng dẫn Phật tử tu học sẽ ra sao? Không nói ra chắc ai cũng biết kết cục của nó là như thế nào? Đây là hiện tượng cửa quyền quan liêu trong hệ thống điều hành Phật giáo mang tính cách gia đình trị, ai là đệ tử hoặc người của mình thì được nắm giữ hết các chức vụ quan trọng. Đó là một thực trạng đau buồn đang xảy ra tại Phật giáo các Tỉnh miền Bắc. Như vậy, vai trò của Tăng Ni là đặc biệt quan trọng trong công tác hoằng pháp độ sinh và hướng dẫn Phật tử cách thức tu học trên nền tảng chánh tín nhân quả đạo đức.

Giải pháp để tháo gỡ mọi vướng mắc: Nếu các vị Trụ trì tại các cơ sở của Giáo hội Phật giáo các Tỉnh Miền Bắc, đều ý thức được vai trò Trụ trì của mình là “Hoằng pháp, độ sinh” thì chúng tôi tin rằng vấn nạn hoằng pháp hướng dẫn Phật tử như hiện nay sẽ được tháo gỡ một cách nhanh chóng và khả quan. Hiện nay có nhiều  vị trụ trì cấm Phật tử chùa mình tham gia các khóa tu chùa khác đây là việc làm mang tính chất cực đoan trong khi chùa mình chỉ cúng kiếng theo tín ngưỡng dân gian có tính cách mê tín.

Một số đề xuất: Hiện nay, ngành công nghệ thông tin internet toàn cầu phát triển rất mạnh mẽ, chúng ta có thể “Hoằng pháp, độ sinh” bằng nhiều hình thức như sau: Truyền bá bằng máy nghe pháp, đĩa VCD, sách báo, trên mạng Internet, ... và đây cũng là phương tiện phổ biến nhất hiện nay của các tổ chức Phật giáo trên thế giới.Theo suy nghĩ của chúng tôi: Các chùa nên mở khóa tu thường kỳ hàng tháng vào những ngày rằm mùng một và các ngày chủ nhật. Thuyết giảng và hướng dẫn Phật tử tu tập vẫn là vai trò chính yếu của Tăng Ni và các vị trụ trì đối với vấn đề “Hoằng pháp, độ sinh” là việc cần thiết phải làm. Thế cho nên để phát huy được vai trò  “Hoằng pháp, độ sinh”. Chúng con kiến nghị một số ý kiến như sau:

 

Thành lập các giảng đường để thuyết giảng Phật pháp thường kỳ và tổ chức khóa tu hướng dẫn Phật tử gần xa. Hạn chế dần việc kiêm nhiệm Trụ trì và kiêm nhiệm nhiều chức vụ nhưng không có hội họp hoạt động theo đúng chức năng. Ngoài ra phải thường xuyên động viên, khen thưởng các chùa quy y được nhiều Phật tử mới, có tổ chức khóa tu thường kỳ để động viên tinh thần tu học ngày càng tốt hơn.

Đối với chư vị Trụ trì: Nhiệm vụ chính của Trụ trì là làm cho mọi người trong cộng đồng hiểu biết Phật pháp và tin sâu nhân quả để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình và đóng góp lợi ích cho xã hội. Nhiệm vụ chính của chư Tăng Ni là hoằng pháp độ sinh mà bây giờ Phật giáo các tỉnh miền Bắc có rất nhiều thầy trở thành thầy cúng kiếng theo dạng mê tín.

Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về công tác hoằng pháp cho Tăng Ni và quý Phật tử, nhờ vậy dễ tiếp cận với những người chưa biết đạo để hướng dẫn họ quay về đạo Phật như hai triều đại Lý-Trần đã biết đưa Phật pháp vào đời. Thường xuyên khuyến khích công đức truyền bá đạo lý lẫn nhau trong Tăng Ni và Phật tử.

Nhân ngày kỷ niệm đại hội Phật giáo Việt Nam thành lập năm 1981-2017 - 36 năm một chặng đường, tuy có nhiều đóng góp rất tích cực trong việc hoằng pháp độ sinh, nhưng vẫn còn quá nhiều khiếm khuyết do chư Tăng Ni thiếu ý thức và trách nhiệm. Chúng ta cần phải hội thảo, bàn bạc và cải cách lại trong việc hoằng pháp độ sinh của các Tỉnh thành huyện hội Phật giáo.

Trước khi dứt lời, chúng con kính chúc đại hội Phật giáo Việt Nam thành công tốt đẹp theo tinh thần ổn định, kế thừa và phát triển với tinh thần đạo pháp và dân tộc đất nước Việt Nam trên 4000 năm văn hiến sống tốt đời đẹp đạo. Thích Đạt Ma Phổ Giác

 






Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập