Bái biệt Hòa thượng Thích Chơn Thiện

Đã đọc: 1773           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Vào lúc 7h sáng nay (17/11), tại Tổ đình Tường Vân, Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã chính thức cử hành lễ truy niệm Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; Đại biểu Quốc hội; Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQVN trước khi phụng tống kim quan Hòa thượng tân viên tịch nhập bảo tháp.

Lễ tưởng niệm Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Thiện được cử hành tại Tổ đình Tường Vân.

Hòa thượng Thích Đức Phương, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN; ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội; ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế; ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN; đại diện các cơ quan Trung ương; đại diện Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành cùng đông đảo Tăng, Ni và đồng bào phật tử trang nghiêm trước Giác linh đài nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN cung thiên Tiểu sử Hòa thượng Thích Chơn Thiện.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Thiện, thế danh Nguyễn Hội, là đệ tử đức cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Đệ nhất Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam, pháp danh Tâm Ngộ, pháp tự Chơn Thiện, pháp hiệu Viên Giác.

Hòa thượng sinh ngày 1 tháng 12 năm 1942 (nhằm ngày 24 tháng 10 năm Nhâm Ngọ) tại làng Dưỡng Mong thượng, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vốn xuất thân trong gia tộc nhiều đời thâm tín Tam bảo, từ thuở nhỏ Hòa thượng đã sớm bộc lộ niềm tin và ý nguyện xuất thế.

Năm 1960, hội đủ duyên lành, Hòa thượng được đức Tăng thống bấy giờ là trụ trì Tổ đình Tường Vân cho xuất gia, làm thị giả cho Ngài, và cho thọ Sa-di giới ngày 17 tháng 11 năm Quý Mão (1963) tại Tổ đình Tường Vân.

Bảy tháng sau, tức năm Giáp Thìn (1964), Hòa thượng được Bổn sư cho thọ Cụ-túc giới tại Đại giới đàn Quảng Đức, Việt Nam Quốc Tự, Sài Gòn.

Trong sự nghiệp tu học của mình, Hòa thượng đã đóng góp rất lớn cho sự ổn định và phát triển của Giáo hội, thể hiện qua việc định hướng và xây dựng Giáo hội vững mạnh.

Ngoài các chuyến công tác đối ngoại ở nước ngoài với vai trò đại biểu Quốc hội, Hòa thượng đã nhiều lần đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm trưởng đoàn tham dự nhiều hội nghị và hội thảo Phật giáo Quốc tế được tổ chức ở các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Mỹ; tham gia giao lưu hữu nghị với các giáo sĩ và trí thức tại Maroco; thực hiện nhiều chuyến đi hoằng pháp tại các nước châu Âu như Cộng hòa Pháp, Đức, Nga, Ucraina, Ba Lan, Cộng hòa Séc…

Năm 1995, Hòa thượng tham gia Ban kiến thiết Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, và làm trưởng Ban xây dựng Học viện.

Từ năm 2009 đến năm 2013, Hòa thượng tiến hành các thủ tục xin cấp đất xây dựng cơ sở mới Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

Lễ đặt đá khởi công xây dựng được long trọng tổ chức vào ngày 14 tháng 9 năm 2015, đến nay đã có 13 hạng mục được xây dựng hoàn tất và chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Tháng 5 năm 2013, Hòa thượng cùng với chư Tôn đức trong môn phái Tổ đình Tường Vân tiến hành đại trùng tu ngôi Tổ đình, và lễ khánh thành được tổ chức vào tháng 3 năm 2015.

Trong sự nghiệp giáo dục, ngoài việc tham gia điều hành các cơ sở giáo dục, Hòa thượng trực tiếp giảng dạy cho nhiều khóa học tại Đại học Vạn Hạnh, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế; thuyết giảng Phật pháp cho Tăng Ni và Phật tử ở nhiều tỉnh thành; đóng góp tiếng nói trí tuệ cho các tạp chí và báo chí như Tư tưởng Đại học Vạn Hạnh, báo Giác ngộ, tập văn của Ban Văn hóa Trung ương, tạp chí Văn hóa Phật giáo, báo Đại Biểu Dân Nhân. Đặc biệt, Ngài đã nỗ lực giới thiệu Pháp tạng Pali, kết nối thống nhất tư tưởng Phật giáo từ Nguyên thủy đến Phát triển.

Bên cạnh đó, Hòa thượng còn tiêu biểu cho tiếng nói trí tuệ của một bậc chân nhân, thể hiện qua một số công trình nghiên cứu và dịch thuật giá trị, trở thành nguồn tài liệu căn bản cho việc tham cứu học tập và giảng dạy tại các cấp Phật học, cho việc thuyết giảng Phật pháp ở các tỉnh thành, đặc biệt cho việc vận dụng Phật pháp một cách sáng suốt và có hiệu quả nhằm đáp ứng cho các thách thức mang tính thời đại.

Với những đóng góp lợi lạc to lớn cho đạo và cho đời, Hòa thượng được Nhà nước và Giáo hội trân trọng ghi nhận và tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương và Bằng khen cao quý.

Qua 75 năm hiện diện ở đời, với 52 hạ lạp, Hòa thượng đã tận tụy vì Đạo pháp và Dân tộc. Với trí huệ trong sáng, đức hạnh cao vời, Hòa thượng đã để lại nhiều tiếng thơm cho đạo và cho đời, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng Giáo hội vững bền, đất nước phồn vinh, góp phần đưa Đất nước và Giáo hội hội nhập thế giới.

Với dáng vẻ thanh thoát, cách gợi chuyện nhẹ nhàng mà sâu lắng, cùng với nụ cười hoan hỷ, từ ái, Hòa thượng luôn để lại trong lòng mọi người niềm hân hoan quý kính sau những lần được tiếp xúc với Người.

Thân giáo của Hòa thượng không chỉ là tấm gương mẫu mực cho Tăng Ni Phật tử mà còn đem lại những ấn tượng tốt đẹp về một mẫu tu sĩ Phật giáo trong quá trình dấn thân hành đạo. Hòa thượng xả báo thân, an nhiên thị tịch tại Tổ đình Tường Vân, để lại bao nỗi niềm kính tiếc cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho Đất nước, cho Tông môn Tường Vân,chư Tăng Ni và quần chúng Phật tử.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự dâng lời tưởng niệm Giác linh Hòa thượng Thích Chơn Thiện của Trung ương GHPGVN.

Trong đó nhấn mạnh:

Trên bước đường trở thành bậc tri thức Phật học uyên thâm, sau bao năm xuất dương du học, trên diễn đàn học thuật bác học đa văn, Hòa thượng là một danh Tăng của Phật giáo Việt Nam được mọi người, mọi giới hết lòng kính trọng.

Trong công tác giáo dục đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam, với học vị Tiến sĩ Phật học, Hòa thượng đã cùng chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, các nhà giáo dục của Phật giáo Việt Nam đào tạo nhiều Tăng Ni tài đức, Phật tử hữu danh, có ích cho Đạo lẫn đời, hiện đang phục vụ các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam, để từ đó "Hoa đời hoa đạo đua nhau nở, mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.

Song song với công tác giáo dục, Hòa thượng còn biên soạn, dịch thuật nhiều kinh sách có giá trị, góp phần làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam.

Với ân đức uy nghiêm, đạo tâm kiên cố, trí tuệ viên dung, bậc tòng lâm mô phạm cho đàn hậu học, cho nên mỗi lời pháp, mỗi lời giáo huấn của Hòa thượng là khơi nguồn trí huệ, mỗi việc làm của Hòa thượng mở lối tương lai, mỗi cử chỉ của Hòa thượng là thể hiện sự khoan dung độ lượng, lòng từ chan chứa. Hòa thượng chính là hình ảnh giải thoát vô ngại, là lẽ sống muôn đời cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước học tập và làm theo.

Như Cổ đức đã nói: “Nước chảy theo khe nào có ý. Mây tuông đỉnh núi vẫn vô tâm”.

Hòa thượng đã góp phần xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển trang nghiêm, vững mạnh trên mọi phương diện, nhất là vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế, thế giới biết đến Việt Nam, Phật giáo Việt Nam ngày càng rõ nét, quan hệ tốt đẹp hòa bình.

Đặc biệt, về phương diện xã hội, Hòa thượng còn tham gia công tác Mặt trận cấp Trung ương, là Đại biểu Quốc hội từ khóa XI đến khóa XIV. Dù trên cương vị nào, Hòa thượng cũng đã dành nhiều tâm huyết, công sức để góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp, phồn vinh, văn minh thịnh vượng.

“…Trong giây phút nghìn thu vĩnh biệt, trước linh đài khói hương quyện tỏa, chúng tôi thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử có đôi lời tưởng niệm để vĩnh biệt bậc chân nhân sáng ngời gương đạo hạnh. Kính nguyện Giác linh Hòa thượng bất vong nguyện lực, tái hiện đàm hoa, phát triển đạo vàng, quang vinh họ Thích; và xin đốt nén tâm hương cúng dường Giác linh Hòa thượng để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình Pháp lữ đời đời trong Chính pháp, xin nguyện sẽ đoàn kết hòa hợp cùng nhau tiếp tục thực hiện những sự nghiệp mà Hòa thượng còn để lại, nhất là làm cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc như tâm nguyện của Hòa thượng lúc sinh tiền”.

Sau lễ truy niệm, lễ phụng tống kim quan cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Thiện nhập Bảo tháp (trong khuôn viên Tổ đình Tường Vân) đã được cử hành trang nghiêm và thiêng liêng theo truyền thống nghi lễ thiền môn xứ Huế.

Bái biệt bậc kỳ túc trưởng lão một đời chăm lo cho Đạo pháp và Dân tộc.

_Nguồn: daidoanket.vn_

                                                                                    

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập