Tổ Đình của Văn Nghệ Sĩ Phật Tử

Đã đọc: 1337           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Nói như thế có vẻ quá đáng, thật ra cũng không quá đáng khi mà anh chị em đã từng đến đây, xem như đã về đến nhà mình, tình thầy trò, tình thân hữu trong mọi giới nghệ thuật được trải rộng và gắn kết.

Thầy Huyền Lan, trưởng tử của cố Hòa Thượng tọa chủ tu viện Phước Hoa, thay mặt và thực hiện việc chỉ đạo của Hòa Thượng tiếp đãi anh chị em quá ân cần chu đáo mỗi khi mời đoàn về chùa họp mặt. Nhất là dịp lễ Vu Lan 2014, có những  vị ở xa tận miền cao như nhạc sĩ Hằng Vang mà thầy Huyền Lan gọi là lão tướng trong làng văn nghệ sĩ Phật tử, cũng nhiệt tình có mặt chung vui cho dù tuổi đã bát tuần.

 Hiện nay, ngoài tu viện Phước Hoa tại Đồng Nai, chưa nơi nào quy tụ anh chị em nghệ sĩ Phật tử đủ mọi lãnh vực: âm nhạc, soạn giả, báo chí, thi ca, M-C, nghệ sĩ ca ngâm... mà tạo cho họ có cảm giác thân thương, thoải mái như thế.

 Sáng nay, được tin HT ân sư Thích Thông Quả vừa viên tịch, anh em bảy người thuê xe ra viếng tang. Qua khỏi tu viện Thường Chiếu độ trăm mét, quẹo vào khỏi vài chục ngôi chùa, tu viện nằm dọc hai bên đường, mới tới tu viện Phước Hoa. Ngoài cổng chùa đã treo cờ và hình ảnh cố Hòa Thượng với những câu thơ ngắn gọn gói trọn tình đồ đệ, có lẽ tác giả là thầy Huyền Lan. Sân chùa rộng thoáng vẫn không đủ chỗ cho hoa và nhà bạt để nghinh đón Chư Tôn Đức quang lâm cùng quan khách.

 

Sau khi ban tiếp lễ lấy danh sách, thầy dẫn chương trình mời đoàn văn nghệ sĩ Thành phố vào niệm hương. Nhạc sĩ Quý Luân bê khay đi đầu, kế đến nhạc sĩ Đặng Công Ninh, nhà báo Minh Mẫn, soạn giả Dương Kinh Thành, nhạc sĩ Thanh Hiệp, nhạc sĩ Giác An, MC Tánh Thuần vào cung đối linh đường. 

 

Anh MC Tánh Thuần đọc lời tưởng niệm của Văn nghệ sĩ Phật tử trước giác linh cố Hòa Thượng. Thầy Huyền Lan cảm tạ đoàn, không quên ôn lại kỷ niệm dĩ vãng đối với anh chị em văn nghệ sĩ. Còn rất nhiều anh chị vắng mặt vì biết tin muộn. Thầy xác định, mặc dù tôn sư đã vắng bóng, thầy vẫn tiếp tục hàng năm mời anh chị em văn nghệ sĩ Phật tử về sinh hoạt với chùa, nhất là vào mùa hiếu hạnh Vu Lan.

 Thầy Huyền Lan là trưởng tử, trách nhiệm khá nặng trước đại tang của tông môn, tuy đon đả tiếp đoàn, nhưng thầy không dấu được nét mệt mỏi, u buồn trước sự ra đi tất yếu của ân sư. Đoàn văn nghệ sĩ Phật tử rất hiểu và cảm thông nỗi đau mất mát, nhưng anh em cũng cảm thấy hụt hẩng trước những mất mát đau thương, mặc dù biết rằng tự tánh vốn không sanh diệt; hiện tượng sanh diệt là hiện tướng vô thường thì tâm vô thường làm sao khỏi vướng nét thương đau. Sự mất mát của ân sư, không chỉ riêng cho tông môn, ngay cả anh em văn nghệ sĩ ngỡ chừng cội thông già ngả bóng về Tây cũng mất luôn bóng râm che mát đàn con. Tuy còn đó thầy Huyền Lan, nhưng vẫn thiếu một điểm tựa tình cảm và tâm linh mỗi khi đoàn về lại ngôi nhà thân thương; một tổ đình ấm cúng của văn nghệ sĩ Phật tử Việt Nam.

 Tuổi hạc của Hòa Thượng cũng đã 76, cõi Tịnh đón chờ cũng không quá muộn, nhưng đối với tình nghĩa sư đệ, cuộc chia phôi cũng có phần hơi sớm. Thay mặt giới văn nghệ sĩ Phật tử, chúng con xin cảm niệm dâng lên ân sư lời nguyện cầu chân thành dành cho giác linh cố Hòa Thượng được cao đăng Phật quốc. Đồng thời chia sẻ niềm thống thiết với thầy Huyền Lan và đạo chúng tông môn.

 NAM MÔ CHỨNG MINH SƯ BỒ TÁT

Thay mặt đoàn thành kính bái bạch

 

 

                    LỜI TƯỞNG NIỆM

               CỦA VĂN NGHỆ SĨ PHẬT TỬ

 

                    =============

          

               NAM MÔ PHẬT BỔN SƯ MÂU NI

 

               Kính bạch Chư Tôn Đức Ban Tổ Chức tang lễ.

 

               Kính bạch Chư Tôn Đức Môn Đồ Pháp Quyến.

 

               Thưa Thầy Huyền Lan kính mến.

       Trong khoảnh khắc này thời gian và không gian như ngừng đọng trước cảnh thiên thu vĩnh biệt. Nơi đây, chúng con là Văn nghệ sĩ Phật tử: -Nhạc sĩ Đặng Công Ninh -Soạn giả Dương Kinh Thành -Nhà báo Minh Mẫn -Nhạc sĩ Giác An -Nhạc sĩ Quý Luân -Nhạc sĩ Thanh Hiệp -Cư sĩ Tánh Thuần xin phép Chư Tôn Đức để thành kính có lời tưởng niệm dâng lên Giác-linh Cố Hòa Thượng thượng Thông hạ Quả -Viện chủ Tu Viện Phước Hoa, vị Thầy vô vàn kính mến của Văn Nghệ Sĩ chúng con.

               Kính bạch Giác linh Hòa Thượng!

        Hôm nay là những giờ phút sau cùng, chúng con còn được đối trước kim quan Thầy để tâm sự đầy vơi trong thâm tình tưởng nhớ. Thời gian sẽ từng nhịp trôi qua và chẳng còn bao lâu nữa chúng con sẽ vĩnh viễn xa Thầy.

        Giờ đây, dẫu kính thương vô hạn nhưng chúng con vẫn nén lòng để không bật thành tiếng khóc, chỉ một dạ chí thành cầu nguyện Giác linh Thầy thanh thản ra đi. Bởi Thầy đã thường dạy: 

“Chuyện sinh tử là lẽ thường tình của con người cũng như  tất cả vạn hữu. Thấu triệt được lẽ ấy thì con người luôn tự tại trước mọi sinh diệt của cuộc đời. Chúng ta học Phật để biết rằng bản tánh của vạn pháp xưa nay chưa từng sanh cũng chưa từng diệt. Sanh diệt chỉ là bề mặt của hiện tượng, như mây trắng ngàn năm bây giờ vẫn còn bay mãi, như nước đại dương vẫn rì rào vỗ sóng ngàn khơi”

Vậy thì sự viên tịch của Thầy cũng đâu có mất đi. Thầy vẫn hiện hữu trong mỗi chúng con và trong Môn đồ đệ tử pháp quyến của Thầy!

                Kính bạch Giác linh Hòa Thượng!

       Dẫu biết là thế nhưng hay tin Thầy viên tịch, chúng con cũng không tránh khỏi bàng hoàng đau xót khi hồi tưởng về quá khứ mỗi Mùa Vu Lan Tháng Bảy chúng con về Tu Viện Phước Hoa diện kiến và vấn an sức khỏe Thầy. Thế mà từ nay và mãi mãi đâu còn những tháng ngày thân thương ấy...

 Mấy hôm nay trên các trang báo điện tử Phật giáo có đăng bài “Một dấu lặng bình yên giữa từng nốt nhạc” của Soạn giả Dương Kinh Thành đã viết những lời tha thiết: Cố Hòa Thượng đối với Anh chị em Văn Nghệ Sĩ như một dấu lặng khiêm nhường nằm bên trên những nốt nhạc tưng bừng nhiều cung bậc. Vì thế, như một chốn bình an, như một chốn đi về, Tu Viện Phước Hoa hằng năm chào đón anh em về tụ họp, quây quần bên bóng mát của Hòa Thượng, được Hòa Thượng ân cần hỏi han từng người một... Bên bờ dậu thiền xá, bên từng khóm hoa vẫn còn lưu giữ biết bao ân tình êm ái để anh chị em Văn Nghệ Sĩ có những giây phút xả bỏ bao phiền lụy của cuộc đời và bao thăng trầm của sự nghiệp.

        Nay Hòa Thượng không còn nữa! Có lẽ rồi đây anh chị em Văn nghệ sĩ chúng con sẽ phải tự ôn lấy bao lời dạy tốt đẹp của Hòa Thượng để tiếp tục sống và giữ gìn lấy mình, đồng thời không quên trách nhiệm bảo vệ ý nghĩa trong sáng của cụm từ “VĂN NGHỆ PHẬT GIÁO”

         Trước di ảnh và Giác linh Thầy, một lần nữa chúng con nguyện cùng nhau thực hiện những hạnh nguyện mà Thầy thường dạy bảo. Thầy hãy tin tưởng nơi chúng con để an nhiên ra đi mà không vướng bận gì trên trần thế.

         Chúng con xin chia sẻ nỗi mất mát lớn lao này với Môn đồ đệ tử của cố Hòa Thượng (trong đó có Đại Đức Thích Huyền Lan). Quý Thầy và chúng con cùng nhau nén đau thương để thành tâm cầu nguyện Giác linh Tôn sư Cao Đăng Phật Quốc, sớm hội nhập Ta Bà tiếp tục giáo hóa độ sanh. Đó là cách thể hiện hiếu đạo đích thực nhất của người con Phật trong chốn Thiền môn muôn thuở.

           Trước Giác linh đài thành tâm khể thủ:

 

                “LÁ RỤNG VỀ CỘI

                NƯỚC CHẢY RA KHƠI

               SỐNG, GỞI THÂN SANH TỬ MỘT ĐỜI

               THÁC, VỀ CHỐN NIẾT BÀN MUÔN THUỞ”.

 NAM MÔ PHƯỚC HOA TU VIỆN -VIỆN CHỦ HÚY thượng THÔNG hạ QUẢ GIÁC LINH HÒA THƯỢNG ĐÀI TIỀN CHỨNG GIÁM.

 

 
















Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập