Một ngày sinh hoạt với CLB Thanh Niên Phật Tử và GĐPT chùa Từ Tân

Đã đọc: 2724           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hôm chủ nhật 25/05/2014 trời mưa lâm râm nhè nhẹ. Dù trời mưa, nhiều thành viên Câu Lạc Bộ Thanh Niên Phật Tử vẫn tranh thủ đến Chùa Từ Tân, Tân Bình, Saigon sinh hoạt và chờ đón thời Pháp Thoại của TT. Thích Đồng Trí (Thích Minh Tuệ).

Sau thời tụng niệm buổi sáng cho thanh tịnh cõi lòng xong, Đại chúng chắp tay trang nghiêm cung đón bước chân quang lâm của HT. Trụ Trì và TT. Thích Đồng Trí. HT. Thích Viên Giác trân trọng giới thiệu TT. Giảng Sư Thích Đồng Trí đến đại chúng: Tu học xứ Phật Ấn Độ lâu năm, hoàn tất Tiến Sỹ Phật Học tại Ấn Độ, nhiều năm đi hoằng pháp nước ngoài, mở rộng tầm mắt khắp 5 châu và chính Hòa Thượng cũng từng nghe TT. Đồng Trí giảng say sưa nhiều thể loại chủ đề trên các diễn đàn Phật Pháp qua NET. Với sức học, tu tập, hấp thu văn hóa Đông Tây và khả năng diễn đạt trình bày hùng hồn trước công chúng của TT. Giảng Sư như vậy, Hòa Thượng mong rằng đại chúng hãy nắm bắt cho tốt cơ duyên quý hóa này mà lắng nghe, trao đổi, tiếp thu, áp dụng tu tập cho tốt hơn trong đời sống của mỗi người.

TT. Giảng Sư khéo léo bắt đầu câu chuyện bằng cảm nhận quán sát : thông thường sinh hoạt các chùa, người già nhiều hơn lứa trẻ, phụ nữ nhiều hơn đàn ông, chẳng hóa ra Phật Giáo ưu tiên dành cho các bà già hay sao? Không phải vậy! Phật Giáo cho mọi giới, mọi lứa tuổi, thành phần và đặc biệt là cho Tuổi Trẻ. Chính nhờ năng lực tuổi trẻ mà Thái Tử Tất Đạt Đa đã xuất gia, tu luyện và đắc Đạo. Tuổi trẻ cần hấp thu chất liệu Phật Pháp để định hướng cuộc đời tu dưỡng, trau dồi và cống hiến nhiều cho Đạo Pháp và Dân Tộc. TT. Giảng Sư đề cập ấn tượng đến thành công của Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc Vesak 2014 tại Chùa Bái Đính vừa qua hàng ngàn ngàn sinh viên trẻ đã phát tâm làm Tình Nguyện Viên cho biết bao nhiêu công việc : đưa đón đường, dọn dẹp thức ăn, phụ lo khách sạn, bảo vệ, trực,…Lễ rước Phật vào làng của Chùa Bằng Hà Nội và Lễ Khánh Thành Trúc Lâm Phương Nam cũng thế. Ngay tại các tự viện cũng vậy, ngoài sinh hoạt tu học, Phật tử trẻ còn làm biết bao nhiêu điều, năng động, nhanh nhẹn trợ giúp chư Tăng trong văn bản, văn phòng, xây dựng, thu âm, thu hình, trang trí, văn nghệ. Tre tàn phải có măng mọc, đây là thế hệ kế thừa, phát huy Phật Pháp cho hiện tại và tương lai.

Sau khi nhấn mạnh vai trò của Tuổi Trẻ trong phụng sự Đạo Pháp, TT Giảng Sư đi sâu phân tích trong bài Pháp Thoại : “Hành Trang cho Tuổi Trẻ vào Đời” với 8 yếu tố chính cần thiết, sau đây là vài điểm tiêu biểu, khái lược :

1-  Xác định điểm tựa, hậu thuẫn, dựa nương: đó là Tam Bảo, Thầy lành bạn sáng, đạo tràng, thành viên Câu Lạc Bộ Thanh Niên, những người luôn hiểu Ta, hướng dẫn, khích lệ, dìu dắt, trợ duyên cho chúng Ta vững bước hành trình, luôn bên cạnh Ta lúc thành công cũng như thất bại. Điểm tựa, bệ phóng, hậu phương vững chắc như thế luôn cần thiết cho mọi hành giả trên đường trường phải vượt qua nhiều chông gai thử thách.

2-  Có niềm tin vững chắc : Đức Phật đã dạy: Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và sẽ thành Phật. Quả vị Phật cao cả, khó khăn như vậy mà còn có thể thành tựu được huống chi là việc gì? Chúng ta đều có sẵn những tiềm năng vô hạn bên trong, quan trọng là chúng ta biết khai thác và sử dụng. Ngay cả những người khuyết tật mà họ còn rèn luyện để trở thành người hữu dụng, huống chi là chúng ta có nhiều điều kiện thuận tiện. Niềm tin là điều kiện tiên quyết cho sự thành tựu, chiến thắng, vừa ra trận vừa run, vừa lo thì rất dễ bị thất bại. Có 2 thái cực chúng ta phải tránh, đó là tự tôn và tự ty, thay vào đó là tự tin. Niềm tin đặt trên cơ sở hiện thực về khả năng, quá trình phấn đấu rèn luyện của mình về những điều kiện khách quan, đây không phải là cuồng tín, niềm tin ngây thơ, mù quáng và ảo tưởng…Một khi đã quyết định và thực hành việc gì thì phải kèm theo niềm tin chắc chắn thì mới có thể thành tựu như ý được.

3-  Lý tưởng sống, nhân sinh quan tốt đẹp: sống “mình vì mọi người”, sống là cho chứ chẳng nhận riêng mình, sẵn sàng hiến dâng, phục vụ, vô ngã vị tha, tìm thấy hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của bao nhiêu người khác. Khi đã xác định được lý tưởng, mục tiêu, nhân sinh quan lành mạnh, tích cực rồi, thì toàn bộ thời gian tâm sức, năng lực sẽ tập trung huy động cho chiều hướng ấy. Như vậy hành giả sẽ có nguồn động lực vô biên không mệt mỏi, một ý thức tự giác làm chủ cao độ trong mỗi việc làm lớn nhỏ hàng ngày. Đó cũng như là kim chỉ nam, bánh lái cho cuộc đời.

4-  Đặt kế hoạch từng giai đoạn cho cuộc đời: Lý tưởng, mục tiêu là việc xuyên suốt cả cuộc đời, tuy nhiên tùy theo từng ngày tháng, giai đoạn mà lên kế hoạch, chương trình, thời gian biểu cho phù hợp. Chẳng hạn cho đến 18 tuổi thì học xong tú tài cho tốt, rồi tùy theo đó mà chọn chuyên ngành cho mình, giai đoạn nào thì học Anh văn, ngoại ngữ, tiếp xúc, thực tập,…Phải biết tổ chức đời sống và cách sử dụng thời gian thích hợp nhất. Hơn ai hết, chính mình biết về sở trường sở đoản, năng khiếu và sự say mê của mình, thế cho nên tuy rằng tham khảo ý kiến với những người nhiều kinh nghiệm khác nhưng mà chính mình quyết định lối đi cho đời mình. Mình không phải là bản sao của cuộc đời ai khác. Hãy chiêm nghiệm về cách đầu tu của Steve Jobs, ông ta bỏ đại học, thậm chí bị sa thải bởi chính hãng Apple để say mê đi đầu tư vẽ, hoạt họa, sau này ông được mời thỉnh trở lại hãng Apple với một tầm cao mới. Vậy mình phải tự biết chính mình, căn cứ vào những nhu cầu, hoàn cảnh xung quanh, đặt ra kế hoạch đầu tư từng giai đoạn cho cuộc đời của mình.

5-  Cần mẫn siêng năng phấn đấu từng ngày giờ, góp nhặt từng cái nhỏ lại: Không thể giãi đãi rong chơi làm tài tử nhất thời mà say mê học tập làm việc liên tục từng ngày giờ và tiếc quý thời gian. Một người tài giỏi như nhà bác học Edison mà còn nói : ““Thiên tài gồm 1% năng khiếu và 99mồ hôi và nước mắt” Chúng ta đều biết những công trình khám phá đồ sộ các nhà bác học Newton, Pithagore,…. để lại nhưng ít ai biết được họ đã say mê làm việc đến mức độ nào? Học tập, làm việc, say mê trong chuyên môn của mình, nghiên cứu, khám phá là niềm vui, có như vậy thì mới có những tặng phẩm dâng đời có  ý nghĩa được. Việt Nam nhiều người có phẩm chất thông minh và cần cù, hy vọng tuổi trẻ phát huy về đức tính siêng năng cần cù đó.

6-  Chấp nhận và vượt qua khó khăn: Như tấm gương Bồ Tát Tất Đạt Đa khi xưa đã vượt qua muôn trùng khó khăn, kể cả sự quấy phá của Ma vương để cuối cùng chứng thành đạo quả, cổ đức đã dạy : Gian nan là trường học để tôi luyện anh hùng, Nếu phải đường đời bằng phẳng hết, anh hùng hào kiệt có hơn ai? “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”… Không có con đường nào đưa đến thành công rực rỡ mà trải đầy hoa hồng mà không có chông gai và thử thách. Do đó các em phải bình tĩnh và can đảm đối diện với khó khăn thử thách, đó cũng là cơ hội thể hiện khả năng, quá trình tích lũy và bản lĩnh của mình. Đôi khi các em phải chịu thất bại hoặc vấp ngã nhưng phải biết đứng lên sau khi ngã, lấy thất bại làm mẹ thành công, đôi khi còn phải biết làm lại từ đầu, làm lại cuộc đời,… Đây là cõi Ta Bà, chúng ta hầu hết sinh ra từ nghiệp cho nên những điều trái ý nghịch lòng nhiều lắm, cõi ngũ trược ác thế, cho nên chúng ta hãy luôn sẵn sàng ở tư thế đón nhận khó khăn và vượt qua.

7-  Rèn luyện thân thể, chăm sóc vườn tâm, có những thói quen tốt, đức tính tốt: Cần sự dẻo dai và bền vững, không quá ép cơ thể để sinh bệnh hoạn, biết các quá trình vận hành tâm sinh lý và đặt lịch sinh hoạt cho phù hợp. Tranh thủ tập thể dục dưỡng sinh vì tinh thần minh mẫn ở trong một cơ thể tráng kiện. Niệm Phật trừ loạn tâm và tu thiền định trong Phật giáo rất có ích lợi trong việc gạt bỏ mọi vọng tưởng, rối loạn của tâm, thâu nhiếp về một mối và chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện. Một cơ thể khỏe khoắn, một nếp sống lành mạnh, tâm vững vàng chuyên nhất, bén nhạy, đó là những điều kiện cần thiết cho sự thành tựu. Ngoài ra những đức tính tốt như khiêm cung, hòa nhã, nhân từ, rộng lượng, trung thực,…sẽ là động cơ bên trong dẫn dắt đi đến cuối hành trình và cũng sẽ chinh phục được tình cảm và các cấp trên dưới, đồng nghiệp ủng hộ , trợ duyên cho mọi thành công

8-  Không tự mãn, vượt qua chính mình, luôn tìm tòi, sáng tạo vươn đến tầm cao mới: với tự ngã với dục vọng con người thường dừng lại, hưởng thụ và ngủ quên trong chiến thắng. Một người đời mà họ còn phấn đấu vượt qua biết bao nhiêu kỷ lục, thậm chí qua kỷ lục của chính họ, huống chi là người tu học như chúng ta mang nặng tứ trọng ân và tứ hoằng thệ nguyện có biết bao nhiêu chuyện để làm. Một Thiền Sư Việt Nam đã để lại lời khuyên rất hay :

Nam nhi tự hữu xung thiên chí,

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

Dịch :

Làm trai có chí xông trời thẳm

Theo dấu Như Lai luống nhọc mình.

Ở ngoài đời, thông thường thì có nhu cầu trước rồi mới nảy sinh sáng kiến, với các thiên tài thì ngược lại, đi trước thiên hạ: có sáng kiến trước rồi nhu cầu theo sau. Nghĩa là ban đầu họ cũng chưa có khái niệm, chưa biết, nhưng khi có sáng kiến, có sản phẩm mẫu, họ lại thấy hay hay, tiện lợi và tìm về sử dụng. Do đó, trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ họ đang khuyến khích cho sự cải tiến, đổi mới và sáng kiến. Các em cũng phải luôn ở tư thế và tinh thần như thế để có thể có những đóng góp mang dấu ấn đặc biệt cho Đạo và cho Đời.

    Đại chúng rất chăm chú lắng nghe TT. Thích Đồng Trí thuyết giảng và rất hoan hỷ tán thán bài Pháp Thoại thiết thực vừa nhận được. 3 ca sỹ “cây nhà lá vườn” trong CLB Thanh Niên Phật Tử lên hát các ca khúc có liên quan đến chủ đề vừa giảng, về lẽ sống và chí hướng vươn lên để kính tặng TT. Giảng Sư và các bạn. Huynh Trưởng Vinh thay cho đại chúng nói lời tri ân và tặng bó hoa tươi tắn đến TT. Giảng Sư trước khi hồi hướng kết thúc buổi Pháp Thoại.

Đến buổi chiều, TT. Thích Đồng Trí lại tiếp tục sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Chùa Từ Tân. Sau khi giới thiệu về lịch sử Gia Đình Phật Tử Việt Nam kể từ Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục, Đoàn Đồng Ấu, cho đến Gia Đình Phật Hóa Phổ. và trải qua các kỳ đại hội cũng như những tấm gương sáng đóng góp cho GĐPT VN trong những giai đoạn sơ khai như : Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, cố HT. Thích Minh Châu, Cố ĐH. Võ Đình Cường,…

TT. Giảng Sư tổ chức gợi ý cho đại chúng thảo luận và sau đó Thượng Tọa bổ sung giảng giải chi tiết về cách phát triển 5 hạnh của GĐPT : Tinh Tấn, Hỷ Xả, Thanh Tịnh, Trí Tuệ, Từ Bi

Đây là lối sinh hoạt tương tác hai chiều giữa người trình bày và người nghe. TT. Giảng Sư đặt câu hỏi cho người nghe phải trả lởi, phải tư duy và phải bước vào thảo luận có như vậy hiệu quả truyền đạt mới cao. Quả thực như vậy đại chúng say sưa thảo luận, 90 phút trôi qua thật nhanh và 5 hạnh căn bản nhất của GĐPT từ nay được củng cố và thêm nhiều hướng để phát triển tu tập hơn.

Cuối ngày, HT. Trụ Trì Chùa Từ Tân đến tùy hỷ tán thán và nói lời tri ân đến TT. Giảng Sư. Nhị vị Tôn Đức cùng đại chúng chụp hình chung lưu niệm trong niềm hoan hỷ hoà hợp nơi sân trước của chùa.

Tuổi trẻ hôm nay quyết định vận mạng ngày mai cho Đạo Pháp và Dân Tộc Việt Nam. Cần có nhiều mô thức sinh hoạt phong phú hơn nữa để thu hút giới trẻ về sinh hoạt tu tập định kỳ dưới mái chùa hằng tuần. Các vị trụ trì, phụ trách trong ban ngành thanh thiếu niên Phật tử cần hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức và áp dụng với cục diện rộng toàn quốc để ngày càng nhiều hơn giới trẻ đến sinh hoạt đều đặn để tu dưỡng hoàn thiện mình, đóng góp cho phong trào tu học chung, cho sinh hoạt Thiền Môn Phật Giáo và góp phần hoằng dương Chánh Pháp rộng khắp nơi nơi.

                                                            Mùa Hạ, PL. 2558

                                                            Vạn Hạnh

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận trong ngày sinh hoạt với các Phật tử trẻ tại Chùa Từ Tân:








Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập