Nội quy Đạo tràng " Đạo Phật Ngày Nay"

Đã đọc: 4398           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

   

 

 

 

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM                                CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

               CHÙA GIÁC NGỘ                                                Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

92 Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP.HCM                                         ----oOo----

 

 

NỘI QUY

ĐẠO TRÀNG “ĐẠO PHẬT NGÀY NAY”

 

I. THÔNG TIN VỀ ĐẠO TRÀNG

Tên Đạo tràng: Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay

Người đứng đầu Đạo tràng: TT. Thích Nhật Từ (UV HĐTS GHPGVN, UVTT GHPGVN TP.HCM)

Thành viên tham gia Đạo tràng: Khoảng 300-500 thành viên tại mỗi ngôi Chùa sinh hoạt.

Văn phòng của Đạo tràng: Chùa Giác Ngộ (92 Nguyễn Chí Thanh, P3, Q10, TP.HCM) và một số chùa khác.

 

II.  TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠO TRÀNG

§1. Tổ chức và hướng dẫn Phật tử tu học theo “bốn chân lý thánh” (tứ thánh đế), đặc biệt là bát chánh đạo, nhằm góp phần xây dựng một Tịnh độ tại trần thế theo tinh thần Hiến chương GHPGVN qua các phương diện giáo dục, hoằng pháp, văn hóa và từ thiện. Mục đích là giúp người có niềm tin Phật pháp ngày càng tinh tấn trong lý tưởng phục vụ nhân sinh theo tinh thần vô ngã, vị tha; đồng thời giúp người chưa biết đạo Phật có thể quy ngưỡng Phật, Pháp, Tăng, sống an vui và hạnh phúc, bây giờ và tại đây.

§2. Xây dựng Đạo tràng thích ứng với văn hoá Việt Nam, cho người Việt Nam; khích lệ và phổ biến các nghi thức tụng niệm thuần Việt nhằm giúp người Việt Nam hiểu được Phật pháp và hành trì Phật pháp hiệu quả hơn.

§3. Truyền bá Phật pháp bằng các phương tiện hiện đại; tham gia các hoạt động hoằng pháp, tạo môi trường giáo dục các Phật tử (gồm mọi lứa tuổi) sống cuộc đời thanh cao, thiểu dục, tri túc; gương mẫu trong đời sống đạo đức; siêng năng trong học Phật; không ngại gian lao, không từ khó nhọc, góp phần xây dựng đất nước và phát triển Phật giáo.

§4. Tổ chức các hoạt động nhân đạo và từ thiện song song với hoằng pháp; cứu giúp các nạn nhân thiên tai, tặng quà và thuyết giảng Phật pháp tại các trại giam, Trung tâm giáo dục lao động, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm người già và tàn tật, Trung tâm cô nhi, mổ mắt cườm cho bệnh nhân nghèo, tổ chức khóa tu cho bệnh nhân ung bướu và khiếm thị.

§5. Tổ chức và tích cực tham gia các sự kiện văn hóa Phật giáo, nhằm góp phần giúp người hữu duyên đến với đạo Phật, sống có ý nghĩa, bình an và hạnh phúc.

§6. Hướng dẫn và khích lệ các bậc cha mẹ và giới trẻ thấy được tầm quan trọng của việc tổ chức lễ Hằng thuận (lễ cưới) tại Chùa để đôi tân hôn được sự chứng minh của Tăng đoàn, hiểu rõ cách duy trì hạnh phúc gia đình.

§7. Tổ chức và tham gia “hộ niệm” thân nhân của hội viên trong các dịp bệnh nặng, hấp hối, lễ tang, lễ cúng thất, cúng giỗ nhằm giúp cho người còn sống được lợi lạc, người qua đời được siêu sinh.

§8. Tích cực tham gia phục vụ các hoạt động Phật sự của GHPGVN. Giúp đỡ những bạn đồng tu ngày càng tinh tấn trong tu học và làm Phật sự; hướng dẫn và giúp đỡ thân bằng và thân hữu của các hội viên quy y Tam Bảo, làm người Phật tử chân chánh, tham gia các sinh hoạt của Phật giáo; siêng năng nghe giảng Phật pháp tại các giảng đường để tăng tưởng phước đức và trí tuệ.

 

III. NƯƠNG BA NGÔI TÂM LINH VÀ GIỮ NĂM ĐẠO ĐỨC

3.1. Ba ngôi Tâm linh

1. Con nương tựa đức Phật, bậc tuệ giác siêu việt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời, giúp con sống trong hạnh phúc.

2. Con nương tựa chánh Pháp, kho tàng chân lý cao siêu, giúp con kết thúc nỗi khổ niềm đau.

3. Con nương tựa Tăng đoàn, các vị chân sư, sống đời thanh cao, dẫn dắt mọi người về với chánh đạo, sống an vui, hạnh phúc.

 

3.2. Giữ năm điều đạo đức

1. Không được giết hại. Nhận thức được rằng giết hại mang lại khổ đau, chúng con nguyện mở lòng từ bi, bảo vệ sự sống, xây dựng hoà bình, thương yêu loài vật, bảo vệ môi trường.

2. Không được trộm cướp. Nhận thức được rằng trộm cướp mang lại khổ đau, chúng con nguyện tôn trọng sỡ hữu của người, những gì không cho thì không được lấy; con học hạnh từ bi, nhường cơm sẻ áo, giúp người bất hạnh vượt qua khổ đau.

3. Không được ngoại tình. Nhận thức được rằng ngoại tình mang lại khổ đau, chúng con nguyện sống chung thuỷ, một vợ một chồng; bảo vệ hạnh phúc của người như chính hạnh phúc của gia đình mình.

4. Không được nói láo. Nhận thức được rằng dối gạt mang lại khổ đau, chúng con nguyện nói những lời chân thật, lời hoà giải và đoàn kết, lời có văn hoá và lịch sự, và những lời hay ý đẹp.

5. Không được uống rượu, ma túy và các chất gây say. Nhận thức được rằng rượu, ma tuý và các chất gây say mang lại khổ đau, chúng con nguyện không tiêu thụ những độc tố và sản phẩm đồi truỵ, bảo vệ sức khoẻ để chăm sóc hạnh phúc cho người thân.

 

IV. THỰC HÀNH SÁU ĐIỀU NGUYỆN

1. Con xin phát nguyện: “Trọn cả đời này, nương tựa Phật pháp, tôn kính Tăng đoàn; trong các kiếp sau, làm bà con Phật pháp, kết quyến thuộc từ bi, sống an vui, hạnh phúc trong đời.”

2. Con xin phát nguyện: “Từ bỏ điều xấu, ác và phi pháp; thực hành điều thiện, lợi ích tha nhân; tu tập thiền định, làm chủ cảm xúc; giữ gìn tâm ý thanh tịnh, trang nghiêm.”

3. Con xin phát nguyện: “Đọc kinh mỗi ngày, nghiền ngẫm lời Phật, tiêu hóa lời Phật trong cuộc sống này, nhận diện bất hạnh, kết thúc khổ đau, trải nghiệm hạnh phúc.”

4. Con xin phát nguyện: “Kết thúc phiền não, tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ; giải phóng khổ đau.”

5. Con xin phát nguyện: “Bảo vệ Phật giáo, phát triển Phật giáo; giúp cho người thân, tất cả mọi người trở thành Phật tử, đầy đủ phước đức, sống có giá trị, được nhiều an vui.”

6. Con xin phát nguyện: “Phát tâm bồ-đề, theo đường Bồ-tát, học hạnh từ bi, phát triển trí tuệ, mang lại lợi ích cho rất nhiều người, góp phần xây dựng Tịnh độ nhân gian.”

 

V. NỘI QUY TU HỌC

1. Thực hành trọn vẹn năm điều đạo đức; giữ gìn chính niệm trong các oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi; giữ thân, miệng, ý thanh tịnh, trang nghiêm.

2. Trải nghiệm tu tập, tâm luôn hoan hỷ, thái độ hòa nhã, cởi mở, thân thiện, độ lượng, bao dung. Học hạnh lắng nghe, hiểu biết, cảm thông, tùy hỷ, hợp tác.

3. Mang “Thẻ hành giả” (thẻ có mã vạch) để tiện điểm danh. Khi bị mất thẻ, hoặc thẻ trục trặc, báo Ban Tổ chức khắc phục sự cố.

4. Khóa tu một ngày, các vị đồng tu không cần mang theo hành lý cá nhân. Nếu lỡ mang theo, gửi Ban Tổ chức, nhận thẻ giữ đồ, để không lẫn lộn.

5. Sau khi đăng ký, các vị đồng tu trật tự xếp hàng, không nên chen lấn, di chuyển nhẹ nhàng, ngồi đúng vị trí đã được sắp xếp.

6. Khi nghe chuông lệnh, hoặc nghe thông báo của Ban Tổ chức thì các đồng tu hoan hỷ hợp tác, nghiêm túc chấp hành.

7. Trong thời gian tu, không ăn đồ mặn, không uống rượu bia, không hút thuốc lá, không ăn trầu cau.

8. Ở trên điện Phật, tụng kinh, nghe pháp, phải mặc áo tràng do Chùa quy định. Trong lúc giải lao, ăn mặc thường phục lịch sự, kín đáo.

9. Giữ gìn yên lặng như trong thiền định. Đi nhẹ, nói khẽ, truyền thông vừa nghe. Không gây ồn ào, không nói thế sự, không bàn thị phi, không nói lỗi người.

10. Đến giờ tụng Kinh, nghe pháp, ngồi thiền, niệm Phật, bái sám, cũng như ngủ nghỉ, phải giữ im lặng, không được đi lại, quay tới, ngó lui, làm náo động chúng.

11. Ở trong điện Phật, không nên thắp hương, không cúng món mặn; không được tự tiện đánh mõ, trống, chuông. Không đốt vàng mã trong khuôn viên Chùa.

12. Suốt thời gian tu, nên tắt điện thoại, hoặc chế độ rung. Khi có việc cần, dùng đến điện thoại, chỉ nên nói khẽ, nói thật ngắn gọn.

13. Không nên mang theo nữ trang quý giá, giầy dép đắt tiền, để khỏi bận tâm trong suốt khóa tu. Tiền đem vừa phải để tiện sử dụng khi cần dùng đến.

14. Không nên mang theo thức ăn, thức uống vào trong điện Phật, thiền đường, giảng đường, để giữ trang nghiêm nơi chốn thiêng liêng.

15. Không mang giày dép vào trọng điện Phật. Để các giày dép ngay thẳng, ngăn nắp, đúng nơi quy định.

16. Không được xả rác trong khuôn viên Chùa. Giữ gìn vệ sinh, trang nghiêm cửa Phật.

17. Không được ăn ngủ ngoài giờ quy định. Không ăn phi thời.

18. Không được tự tiện phân phát kinh, sách, băng, đĩa, tài liệu... mà Ban Tổ chức chưa được duyệt qua, hoặc không cho phép. Nếu ai vi phạm thì Ban Tổ chức sẽ thu lại hết và mời vị ấy rời khỏi Khóa tu.

19. Nếu không duyên sự, không đi ra ngoài phạm vi của Chùa. Chuyên tâm, nhiếp niệm suốt thời gian tu.

20. Trong ngày tu học, Chùa sẽ đóng cửa lúc 7 giờ sáng. Các vị đồng tu nên đi đúng giờ, ổn định chỗ ngồi; góp phần trang nghiêm và tạo thành công cho toàn Khóa tu.

 

VI. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

1. Cách thức đăng ký. Đăng ký các khóa tu với Ban Tổ chức đúng ngày quy định. Điền đủ thông tin như trên trang web Đạo Phật Ngày Nay. Liên hệ điện thoại từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, chiều 14 giờ đến 17 giờ.

2. Hủy bỏ khóa tu. Khi đã đăng ký, nếu có duyên sự, không thể tham dự, báo Ban Tổ chức. Không được tự ý chuyển phiếu đăng ký cho bạn tu khác.

3. Đến Chùa đúng giờ. Đến ngày khóa tu, có mặt trước giờ làm thẻ đăng ký.

4. Giấy tờ tùy thân. Đối với khóa tu hai ngày trở lên, hoặc là khóa tu “xuất gia gieo duyên”, đồng tu phải đem CMND (bản chính và bản có dấu thị thực) cùng phiếu đăng ký, để xin tạm trú.

5. Khóa tu nhiều ngày. Chỉ mang quần áo, vật dụng cá nhân thực sự cần thiết. Không mang vàng bạc, vật dụng đắt tiền. Chùa đã có sẵn: Mùng, mền, chiếu, gối, tọa cụ, thau giặt, xà bông, thực phẩm.

6. Cất giữ hành lý. Trong suốt khóa tu, hành lý cá nhân của các đồng tu sẽ được cất giữ, khóa lại cẩn thận.

7. Áo tràng đồng phục. Tất cả đồng tu đều mặc áo tràng đồng phục.

8. Áo tràng, quần áo. a) Phải treo áo tràng ở khu vực riêng, đúng số thứ tự; b) Phải phơi quần áo đúng chỗ quy định; c) Khi lấy áo tràng và quần áo mình, tránh lấy lẫn lộn của những người khác.

9. Cất giữ giầy dép. Phải xếp ngay ngắn, ở chỗ để dép, không vứt bừa bãi. Không nên lấy lộn giầy dép người khác.

10. Cách lên điện Phật. Nghe hiệu lệnh chuông, đồng tu sắp hàng đi lên điện Phật, ngồi đúng thứ tự đã được sắp xếp. Người nào đi trễ, hoan hỷ ngồi sau.

11. Cách rời điện Phật. Khi thời khóa xong, đồng tu thư giản, nhẹ nhàng đứng dậy, đi theo từng hàng, tuần tự đi ra, không nên chen lấn.

12. Cách thức lễ lạy. Thân đứng trang nghiêm, hai chân chữ V, tay búp hoa sen, đặt ở trức ngực, đưa lên ngang trán, hít vào thật sâu, khom thân hạ xuống, hai gót đỡ thân, chóng tay xuống đất, hai gối và trán đều trạm xuống đất, bàn chân duỗi ra, thở ra thật sâu, như hôn chân Phật, từ từ đứng dậy, chấp tay cúi xá, làm lại từ đầu.

13. Đang khi tĩnh tọa. Lưng, cổ, đỉnh đầu tạo thành đường thẳng, tiếp giáp với sàn, thành góc 90. Giữ yên lặng thiền, không quay tới lui, không giao động thân; không làm động tâm người ngồi xung quanh.

14. Khi đi kinh hành. Chấp tay búp sen trang nghiêm trước ngực, không cần xá chào; mắt nhìn phía trước, chân đi nhẹ nhàng, theo điệu niệm Phật, từng bước thảnh thơi, thể nhập chính niệm, bây giờ tại đây.

15. Nghe giảng Phật pháp. Chú tâm nghe giảng, ghi chép cẩn thận, để hiểu sâu sắc những lời Phật pháp. Những gì không hiểu thì hỏi giảng sư, hoặc hỏi trực tiếp, hoặc viết trên giấy.

16. Giao tiếp xá chào. a) Khi gặp Tăng sĩ, cúi đầu chấp tay, xá chào cung kính; b) Gặp bạn đồng tu, chấp tay xá chào trong tình huynh đệ.

 17. Ăn cơm chính niệm. a) Các vị đồng tu đều phải ăn chay trong thời gian tu. Không ăn phi thời; b) Đến giờ dùng cơm, khi nghe tiếng chuông, mặc áo tràng vào, sắp hàng thứ tự, đứng đúng vị trí; c) Nghe tiếng chuông một, chấp tay trước ngực. Nghe tiếng chuông hai, cúi đầu xá xuống. Nghe tiếng chuông ba, nhẹ nhàng ngồi xuống; d) Đang khi ăn cơm, không được nói chuyện, không khua chén bát, không được khạt nhổ, giữ vệ sinh chung.

18. Nằm nghỉ buông thư. Nằm ngủ, nghỉ ngơi, không nằm bên trái vì bị ép tim; không nên nằm xắp, máu không lưu thông, tức bụng, khó thở, dễ bị ác mộng. Không dùng nệm thụn, không nằm gối cao, quá thấp, quá cứng. Nằm ngửa ngay thẳng, tay duỗi theo thân, hít thở thật sâu, giữ tâm vắng lặng, buông xả mọi thứ, thân tâm thư giản.

19. Ngủ nghỉ tỉnh lặng. a) Các vị đồng tu ngủ, thức đúng giờ như trong thời khóa; b) Không dời chỗ ngủ; không được tự ý dời chiếu, mền, gối; c) Đến giờ ngủ nghỉ, tắt hết các đèn, không được nói chuyện, không đi qua lại, không gây tiếng ồn, không làm động tâm người nằm kế bên; d) Nghe chuông báo thức, mới được mở đèn; e) Các đồng tu nam không được ở trần, áo thun, áo lá; các đồng tu nữ không áo sát nách, không mặc quần ngắn.

20. Tiền bạc, tư trang. Các vị đồng tu phải tự bảo quản, không để mất mát. Hoặc có thể gửi Ban Tổ chức giữ. Giữ thẻ mã số để nhận đồ lại, không bị lẫn lộn.

21. Giao tiếp thân nhân. a) Trong thời gian tu, nếu có duyên sự, chỉ tiếp thân nhân sau giờ ăn cơm. Không được tiếp khách ở nơi ngủ nghỉ; b) Chỉ gọi điện thoại, khi thật sự cần.

22. Tắm giặt, vệ sinh. a) Phòng của người nam ở bên tay trái, phòng của người nữ ở bên tay phải, không vào lẫn lộn; b) Tắm giặt, vệ sinh phải theo thứ tự, không được tranh giành; c) Khi đi ra vào, nhớ cài khóa cửa, cẩn thận, nhẹ nhàng, không gây tiếng ồn; d) Lúc tắm, vệ sinh, không được ca hát, cười giỡn, nói chuyện; e) Khi vệ sinh xong, dùng nước rửa sạch; dội nước, rửa tay; f) Không được bỏ giấy vào trong bồn cầu; g) Đồ dùng phụ nữ không vứt bừa bãi; h) Phải tiết kiệm nước, xà bông và điện; k) Ra khỏi nhà tắm, mặc áo chỉnh tề, không được ở trần, không mặc áo thun, áo lá, quần đùi; l) Giặt giũ và phơi đúng nơi quy định; m) Các quần áo lót phải treo kín đáo trong quần áo ngoài.

23. Khi xong khóa tu. a) Kiểm tra hành lý, vật dụng cá nhân, tránh bị bỏ quên; b) Gửi Ban Tổ chức: túi vải, thẻ đeo, các số thứ tự để tái sử dụng cho khóa tu sau.

 

VI. THỜI KHÓA TU HỌC

06g00: Các đồng tu có mặt tại Chùa

06g15: Điểm tâm

07g00: Ổn định chỗ ngồi

07g15: Sinh hoạt Nội quy

08g00: Nghe Pháp thoại

10g00: Tụng Kinh

11g00: Ăn cơm chính niệm

11g45: Thiền buông thư

13g00: Thức chúng

13g30: Thực tập Thiền chính niệm

14g30: Tụng Kinh/ Bái sám

15g00: Nghe Pháp thoại/ Pháp đàm

16g30: Kết thúc ngày tu

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập