Vì Hoa Kỳ là một đất mới, một xã hội hợp chủng, đa nguyên, có một tổ chức chính trị, văn hóa rộng rãi cởi mở, nên Phật giáo Hoa Kỳ cũng mang một mầu sắc tương tự. Chẳng đâu người ta thấy sự có mặt của đủ các truyền thống Phật giáo như ở đây: Tiểu thừa, Ðại thừa, Kim Cương thừa, Tịnh Độ tông, Liên Hoa tông, Thiền tông Nhật Bản, Thiền tông Trung Hoa, Mật tông Tây Tạng...
Tất cả các truyền thống này phát triển tự nhiên, như có đầy đủ duyên lành, song song, không ganh đua, không gây ra những mâu thuẫn giáo lý, quyền lợi thế tục như người ta đã thấy nơi một số tôn giáo khác. Người phật tử Hoa Kỳ do đó có thể chọn lựa các giáo phái, truyền thống khác nhau, cho thích hợp với bản năng và xu hướng tâm linh của mình.
Ở các nước Á Châu (Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa…), theo truyền thống thì có hai nhóm: một là tăng đoàn, là đoàn thể những người tu sĩ đã xuất gia dành trọn đời tu hành theo chính pháp. Và hai là cư sĩ bao gồm những phật tử tại gia, có đời sống và gia đình riêng, mà hoạt động tôn giáo chú trọng vào việc ủng hộ tăng đoàn tu tập cho đạt thành chánh quả. Ðối với nhóm người này, Phật giáo là truyền thống tín ngưỡng của gia đình của dân tộc nhiều hơn là một nguồn sống cho nhu cầu tâm linh.
Ở Hoa Kỳ, ngoài hai nhóm trên tương đối ít, lại có một nhóm phật tử thứ ba, thành phần khá đông, nửa là cư sĩ, nửa là tu sĩ. Họ vẫn có công ăn việc làm như những người khác - đôi khi họ lại vẫn có, vẫn giữ truyền thống tín ngưỡng của gia đình, nhưng có một đời sống tu tập Phật pháp rất chuyên cần nghiêm chỉnh. Họ đến các trung tâm Phật giáo để học hỏi, tìm hiểu đạo Phật, để hành thiền, để tìm những lời giải cho những thắc mắc tâm linh.
Người phật tử cư sĩ Mỹ không nghĩ đến chuyện phải giúp đỡ, ủng hộ các nhà sư xuất gia mà chỉ nghĩ đền sự giải thoát cho chính mình. Niềm tin phải giúp đỡ các tu sĩ chuyên tu, làm công quả ở chùa để có thêm công đức dường như không có nơi người Mỹ. Nhiều phật tử Hoa Kỳ không lưu tâm đến khía cạnh tôn giáo, khía cạnh linh thiêng, tín ngưỡng của Phật giáo mà chỉ chú ý nhiều đến khía cạnh thực tế của sự tu tập, đến kỹ thuật quán tưởng (meditation), ngồi thiền (Zen), có một đời sống chay tịnh lành mạnh (ăn chay, tránh sát sinh) hay coi đạo Phật như là một phương pháp chữa trị những căn bệnh tinh thần. Nhiều người trí thức Hoa Kỳ lại chỉ chú ý đến Phật giáo như một ngành khoa học về tâm lý, về tâm linh con người.
Do đó, nhiều người Mỹ, theo đạo Phật, không thấy có gì là mâu thuẫn với tín ngưỡng cổ truyền của họ. Ðiều này đã giải thích phần nào sức hấp dẫn và sự thành công của Phật giáo trên đất Mỹ.
Thiền sư Nhật S.Suzuki đã thốt lên: “Người Tây phương các anh, không ra là phật tử tại gia, mà cũng không phải là tu sĩ xuất gia, thọ giới, sống độc thân tu hành. Các người là một loại gì đâu đấy!”
3. Cơ cấu tổ chức cũng như phương thức hành trì cuả Phật giáo Hoa Kỳ cũng bị thay đổi nhiều, khác lạ với Phật giáo tại các nước Á châu.
Hệ thống tổ chức tôn ti trật tự trên dưới bớt chặt chẽ, chế độ “thầy - trò, sư phụ - đệ tử” được “dân chủ hóa” bởi tinh thần trọng tự do và bình đẳng của người Mỹ. Không khí tu tập tại các trung tâm Phật giáo rất thoải mái, khác với không khí trang nghiêm tại các chùa Á châu.
Cũng khác với nhiều nước bên Á châu, phái nữ theo đạo Phật rất đông, hoặc bằng hoặc là đông hơn phái nam. Do đó, cũng như trong nhiều cơ chế khác ở xã hội Mỹ, Phật giáo Hoa Kỳ được “nữ giới hóa”, nghĩa là trong đó tiếng nói cũng như quyền lợi của phái nữ được đề cao và tôn trọng. Sự đóng góp của phái nữ vào công việc truyền bá phát triển Phật giáo rất đáng kể. Rất nhiều ni sư, nữ thiền sư, những ni sư trưởng, được đào tạo tại Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Ðộ hay ngay tại Hoa Kỳ đã xuất hiện, ban pháp thoại, giảng kinh, viết sách, viết báo để hoằng dương Phật pháp.
4. Tinh thần thiết thực, thích tham gia vào công tác xã hội của người Hoa Kỳ đã giúp cho Phật giáo phát triển mạnh. Ðó là ngành Phật giáo “dấn thân vào đời”. Ðây là một ngành Phật giáo mới xuất hiện sau này ở Âu Châu và Mỹ châu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng giúp công đẩy mạnh Phật giáo dấn thân với ngành Tiếp Hiện, mà thầy đã thành lập tại Việt Nam, nay được truyền bá tại Hoa Kỳ, vùng Berkeley.
5. Nếu không khí cởi mở, tự do của xã hội Hoa Kỳ đã giúp cho sự phát triển của Phật giáo, thì nó cũng đã có những ảnh hưởng không lành mạnh.
Vào những năm 60, Thiền Nhật Bản Zen trở thành một cái “mốt” thời thượng trong giới trẻ của phong trào chống đối lề thói thường của phong trào “híp-py”. Hiện tượng này đã làm nhiều thiền sư Nhật lo ngại và các bậc thầy đã phải mất rất nhiều công phu, thời giờ tổ chức những cuộc hành thiền, pháp thoại, viết sách, viét báo để sửa sai sự lệch lạc ấy của Phật giáo Hoa Kỳ.
Vào những năm 80, Phật giáo Hoa Kỳ cũng bị một số tai tiếng xấu. Một vị thiền sư thủ tọa, viện trưởng, người Hoa Kỳ, đã bị tố giác là có quan hệ bất chính với một nữ tín đồ, cũng là người Mỹ, đã có gia đình. Sau đó người ta cũng vạch ra nhiều tai tiếng khác trong lề lối quản trị của trung tâm, kể cả sự che dấu quan hệ bất chính của vị thủ tòa mà nhiều người đã biết.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tuy đây không phải là một hiện tượng chỉ xảy ra đối với Phật giáo, vụ tai tiếng này đã làm xôn xao cộng đồng Phật giáo một thời, vì ít người nghĩ là những lỗi lầm này lại có thể xảy ra tại những thiền đường, đối với những vị thiền sư đã trải qua những thời kỳ tu luyện gay go, nhiều năm khép mình vào giới luật, và được coi là đã giác ngộ.
Người ta cho rằng phong tục tập quán của xứ này trong quan hệ nam nữ (rất phóng túng), quan hệ thầy trò (rất lỏng lẻo), quan niệm về giá trị cá nhân (rất cao), nhất là nhãn quan nhìn “Thiền thất” như là một “trung tâm huấn luyện”, không khác một “trường đại học” bao nhiêu, thay vì là một cơ sở tôn giáo trang nghiêm như ở bên Á châu, đã ảnh hưởng không ít vào sự đổ vỡ trên.
IV. Tương lai của Phật giáo Hoa Kỳ sẽ ra sao?
Với câu hỏi này, không thể có được một câu trả lời xác quyết. Nếu có cũng chỉ là một lời phỏng đoán, vì như ta đã biết là tôn giáo này đã từng có ở một vài nơi những thời kỳ rực rỡ, cực thịnh để rồi lại bị chìm đắm trong quên lãng như tại Ấn Ðộ, Nam Dương, vì một khúc ngoặt bất thường của lịch sử.
Với câu hỏi này, Ðức Dalai Lama trả lời: “Câu hỏi khó trả lời quá”. Ngài suy nghĩ thêm một lúc rồi nói: “Tôi nghĩ là mọi người ai cũng như ai, đều có những vấn đề như nhau: sinh lão, bệnh, tham ái, vướng mắc. Giảng dạy Phật pháp thì ở đâu cũng giống nhau, vì cùng từ một nguồn gốc mà ra. Thế nhưng văn hóa mỗi nơi một khác. Ngày nay Phật giáo đã sang Tây phương và sẽ trở thành Phật giáo Tây phương. Tôi nghĩ thật là một đại hạnh khi Phật giáo trở thành một thành phần của đời sống Hoa Kỳ”.
Tuy vậy có nhiều người, đã rất tin tưởng vào sự phát triển của tôn giáo này. Giáo sư Robert A. F.Thurman của đại học Columbia, đã thuật lại một nhận định của một vị giáo sư người Nhật ở đại học Kyoto, tên là Gadjin Nagao: “Phật giáo có 5 thời kỳ cực thịnh và nhân loại đã chứng kiến 4. Thời kỳ thứ nhất, tất nhiên là thời kỳ đức Phật Thích Ca còn tại thế và còn đang hành đạo. Thời kỳ thứ hai tương ứng với thời kỳ phát triển của Phật giáo Ðại thừa từ Ấn Ðộ, đề rồi lan truyền sang Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Tây Tạng, Mông Cổ v.v. Thời kỳ thứ ba, kéo dài từ đời nhà Ðường bên Trung Hoa cho đến thế kỷ thứ bảy sau khi Thiền tông đã nảy nở vững chắc tại Trung Hoa và Nhật Bản… Thời kỳ thứ tư chính là triều đại Kiếm Thương bên Nhật đồng thời với thời kỳ Chấn hưng Phật giáo tại Tây Tạng khi Mật tông đã trở thành quốc giáo xứ này. Còn thời kỳ thứ năm?
- “Sẽ không có thời kỳ cực thịnh thứ năm, trừ phi Phật giáo phát triển được tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là xứ độc nhất giúp Phật giáo có được một thời cực thịnh nữa trong lịch sử loài người. Ðiều này chỉ có thể thực hiện được bởi người phật tử Hoa Kỳ và một khi Phật giáo được chấn hưng từ Mỹ nó sẽ có ảnh hưởng lớn lao, ngược lại về các nước châu Á. Thời kỳ cực thịnh thứ năm chỉ có thể xảy ra tại Hoa Kỳ mà thôi”, ông nhấn mạnh. Tiếc thay ông đã không đưa ra một luận cứ nào minh chứng cho lời tiên đoán đó.
Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)