Ấn Độ Ngày Nay – Một Hoài Niệm

Đã đọc: 1012           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sau một thời gian nhiều năm rời xa Ấn Độ, tôi nay mới có dịp trở lại nhất là sau trận đại dịch Covid bị giam hãm ở VN gần 3 năm qua. Cái cảm giác được tung bay lại trên các bầu trời làm tôi thấy phấn khích khi mà trước đây thời gian ở trên máy bay cùng những dấu đóng trên passport của tôi dày đặc các trang.

Vậy mà trong đại dịch tôi lại chẳng thể đi đâu ngoài ngôi đạo tràng nhỏ ở Hà Nội. Suốt trong thời gian đó nhờ việc không được đi lại, làm các việc nọ kia mà tôi có thời gian hơn để sống với chính mình và tu tập hàng ngày. Cuộc sống của một con người quả là bất định, nhất là khi cái chết, cái bệnh tật lãng vãng cận kề. Tâm lý do đó cũng thất thường, vui buồn sinh diệt các cảm xúc, tâm lý đan xen lẫn nhau khi mà bên ngoài có quá nhiều người bị bệnh bị chết. Cũng may là nhờ có tu trong đạo Phật nên tâm tôi cũng có được sự an trú trong tĩnh lặng, nhận thức rõ sự vô thường của đời sống nên tôi tìm thấy sự an lạc hàng ngày qua các khóa tu niệm sớm trưa. Có lúc tôi lại tự nghĩ, đại dịch nếu nhìn ở một khía cạnh tích cực thì đó chính là sự mở bày, khai thị cho con người thấy được sự mong manh, huyễn hóa của một đời người, để người ta nhìn lại chính mình, nhắc nhở chúng ta cần có thời gian xoay vào bên trong; bớt đi bon chen, tranh giành tạo vô lượng vô biên nghiệp nhân xấu trong cuộc sống. Nếu không thì trong dòng chảy của nghiệp lực đẩy đưa, cuộc sống nhân ngã, hơn thua, tranh giành chắc chắn sẽ tạo tác ra thêm nhiều bi kịch khác nữa trong cuộc đời.

Cuộc sống ở những xã hội phương tây thì có chuẩn mực, lề lối với những khuôn phép cư xử văn hóa nhất định gần như trong mọi lễ nghi, sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Do đó trong một không gian sống như vậy ta sẽ thấy dễ thích nghi và cảm thấy bình an trong cuộc sống. Cuộc sống ổn định với lương cao, đời sống vật chất đầy đủ, không thiếu một thứ gì. Nếu chẳng may bị thất nghiệp thì đời sống an sinh xã hội của mỗi cá nhân cũng được chính phủ chăm sóc, hổ trợ mọi thứ về y tế, giáo dục và tiền tiêu dùng cho tự thân, gia đình và con cái các chi phí trong cuộc sống, kể cả tiền nhà chính phủ cũng trợ cấp. Những chính sách xã hội như vậy, ngay cả những quốc gia Á châu giàu có như Singapore hay Nhật Bản cũng không thể làm tốt như vậy được.

Nếu chúng ta muốn thử những cảm xúc mạo hiểm, rủi ro thì có thể về việt Nam để đầu tư, làm ăn, trải nghiệm hay học hỏi. Việt Nam chúng ta có tất cả bức tranh đa màu sắc ấy. Nhiều người đã về Việt Nam hàng chục năm nay để đầu tư hay cũng về để sinh sống lúc tuổi già. Thành công cũng có nhiều mà thất bại rồi trở lại nước ngoài để sống cũng không phải là ít. Kẻ ngậm ngùi hối tiếc vì thất bại, kẻ hân hoan, sung sướng vì công thành danh toại sau một thời gian biết đầu tư, nắm bắt cơ hội. Thành công hay thất bại là tùy ở nơi mỗi con người có biết học hỏi để vươn lên sau những lần vấp ngã. Ai ai đầu tư, ai ai bước chân ra cuộc đời lập nghiệp cũng đều phải chấp nhận tất cả những rủi ro và thất bại. Người có được sự thành công là người biết đứng lên lần thứ 10 sau 9 lần vấp ngã ấy. Người đó có vấp ngã, mất mát, thất bại bao nhiêu lần đi nữa vẫn không làm mất đi ý chí, sự quyết tâm và lý tưởng của họ. Còn người sợ vấp ngã, không dám thử thách sự vấp ngã, bãn lãnh của chính mình hoặc không thể hoặc không dám đứng lên đi tiếp thì người ấy chỉ còn lại một con đường quay đầu để tránh bị vấp ngã, nhưng sẽ là người không có sự thành công lớn trong tương lai.

Tôi đã về Việt Nam với tâm thế đó cách đây mấy năm, để dấn thân làm việc, trải nghiệm sự đời và học hỏi. Có thể nói đạo Phật cho tôi cái nhìn sâu sắc hơn trong cuộc đời qua các thuyết lý duyên sinh, nhân quả và nghiệp báo. Hiểu và quán chiếu về các chân lý này trong cuộc sống, tôi va chạm với mọi tầng lớp người chung quanh, mọi lãnh vực trong đời sống. Dĩ nhiên cuộc sống thế gian ở chung quanh tôi rất là phức tạp, đủ mọi chuyện lừa lọc dối gian trong cuộc đời. Tôi đã bị mất mát khá nhiều vì tin người và bị lừa lọc, ngay cả khi trong lúc xây chùa, làm các việc Phật sự ở Thái Lan, huống là ở Việt Nam dấn thân, va chạm vào đủ các duyên sự, hoàn cảnh. Nếu không có tu Phật, nếu là một người đời không biết đến Phật pháp thì chắc tôi đã phải gục ngã từ lâu khi đối diện với bao lần thất bại, bị lừa gạt mất hết tất cả. Thấy rõ như vậy về giá trị của đời sống tu tập tâm linh nên tôi có thể kiểm soát được nội tâm của mình, vẫn buông xả được những cảm xúc ưu phiền khi bị mất mát, khổ đau. Vẫn sống được với sự bình an và lạc quan trong cuộc sống dù rằng bản thân tôi đã từng trải và chịu nhiều thăng trầm trong cuộc sống.

Trong cuộc sống không có gì với tôi có thể là bi quan cả, tất cả đều phải luôn luôn lạc quan dưới mọi góc nhìn. Đời sống ta luôn luôn có 2 mặt cho đến nhiều mặt và bi quan hay lạc quan luôn là 2 mặt chính trong đời sống và đó cũng là cửa ngỏ đưa con người ta biến hình thành con người thật của chính họ. Người có nhận thức bi quan thì thường hay than thở cùng với hàng tá vấn đề tiêu cực, khó khăn trong cuộc sống. Người có nhận thức lạc quan thì luôn tìm thấy hướng đi, tìm thấy cơ hội, niềm tin và khả năng thành công của mình trong thời gian tới, vì họ thấy được thuận lợi đang có với họ trong mọi công việc và đời sống. Họ đã biết hưởng và cảm nhận mọi điều may mắn của phước báu mà họ đang có. Khi họ gặp phải nghịch cảnh, trái ý, đắng lòng, tuyệt vọng bế tắc, cùng đường thì xem như họ đang học các bài học về sự chịu đựng, lòng kiên nhẫn, ý chí khát vọng vươn lên.

Phải chăng Trời Phật chỉ ban cho con người sự thành đạt khi người ấy đã vượt qua các bài kiểm tra khắc nghiệt trong cuộc sống. Chính ở trong đáy vực của sự thất bại ấy, ta mới thấm thía và học được rất nhiều bài học về tình người và người với nhau khi ta bị nạn, bị thất thế sa cơ.v.v. Đời sống con người đôi khi suy gẫm và thấu triệt được cái khổ đau tận cùng của kiếp nhân sinh thì lúc ấy con người ta mới nhận chân ra được cái hạnh phúc thiêng liêng nhất, đó là sự bình an, thanh thản và cảm giác “đủ” trong cuộc sống. Biết “đủ” thì sẽ hạnh phúc vô vàn. Không biết “đủ” thì sẽ lao tâm, khổ trí vất vả suốt một cuộc đời. Đến lúc nhắm mắt xuôi tay, cái khổ đau vẫn chất chồng mà vẫn không có lối thoát.

Sang đến Ấn Độ tôi bắt đầu cảm thấy cái không khí của Lễ hội, vui chơi, náo nhiệt và những con người tất bật trên các con đường xá đông đúc. Nhớ đến cảnh xưa khi những năm đầu mới đến Ấn Độ thì nay đã hoàn toàn đổi khác. Ấn Độ ngày nay hiện đại hơn nhiều, các tòa nhà cao ốc, những kiến trúc to lớn mọc lên sừng sững khắp nơi làm tôi giật mình. Thật không ngờ sau mấy năm không chú ý và trở về Ấn Độ, nay lại khác đến như vậy; và cho đến khi anh chàng đệ tử người Ấn Alok dẫn tôi đi 3-4 siêu thị ở Gaya để mua sắm thì tôi mới thật sự tin rằng là mình không nằm mơ. Ấn Độ hay Bồ Đề Đạo Tràng ngày nay đều có tất cả; Vào các siêu thị điện máy thì hàng hóa, máy móc ngoại nhập cũng không thiếu, thương hiệu nước ngoài nào mà không có; các máy điều hòa loại tiết kiệm điện inverter thậm chí còn rẻ hơn ở những nước khác trên thế giới. Vào siêu thị thực phẩm thì đồ ngoại nhập cũng có nhiều, mà đồ nội địa ăn chay thì cũng quá nhiều và giá cả thì cũng rất rẻ, mua 2-3 xe đẩy cũng chỉ hết 200 usd. Bồ Đề Đạo Tràng ngày nay như vậy đó, quý phật tử khi đi hành hương không phải mang rất nhiều đồ thực phẩm như trước nữa, mà chỉ mang tiền và bỏ chút thời gian đi shopping là đủ.

Trung tâm Viên Giác là ngôi chùa thứ hai tại Bồ Đề Đạo Tràng được tôi và thầy Hạnh Tấn bắt đầu cho xây dựng từ cuối năm 99 đến nay đã hơn 22 năm rồi. Ngôi chùa vẫn còn đó, sừng sững giữa đất trời và sự đổi thay vô vàn của đất nước Ấn Độ. Xóm làng, đường xá chung quanh khu vực đạo tràng, nhà cửa mọc lên như nấm và các cung đường quanh co, ngoằn ngèo với nhau hiện ra làm tôi không thể nhận biết hết được, sự đổi thay quá lớn. Tôi thấy mình lạc lõng giữa khung trời bao la và rừng người đông đúc. Những bé trai, bé gái con của người chủ thầu xây dựng chùa tôi là bạn Dara Singh trước kia nhỏ bé thế kia mà giờ đây đã lớn sầm, trở thành thương nhân thành đạt hoặc có người đã có gia thất. Còn tôi ngày nào trẻ trung sung mãn, du lịch ngược xuôi Bắc Nam Trung Ấn để hành hương, dẫn đoàn hoặc nghiên cứu viết sách thì nay đã trở thành một ông thầy già chậm chạp, may mà chưa đến nổi đãng trí hay quên!  Cuộc đời của một con người sao quá vô thường, đổi thay đến như vậy phải không quý phật tử.

Trong hơn 2 năm dịch bệnh, chùa gần như không có các hoạt động để đón tiếp các phái đoàn, bên ngoài thời tiết lại khắc nghiệt mưa bão, nước tràn vào chùa nên tình trạng khi tôi về lại có phần tệ hại. Chùa xuống cấp khá nặng, các phòng ốc bụi bặm, giường ghế ga nệm không người chăm sóc nên bị hoen ố vàng vọt. Tầng hầm thì bị nước thấm vào ở hai bên hông chùa, cùng những cơn bão có lúc đưa nước vào trong đến tượng Phật Di Lặc. Khi tôi về chùa thì các cảnh ấy dĩ nhiên không còn thấy và được dọn dẹp sạch, nhưng nước ở tầng hầm thì cũng còn lưu lại vài mươi khối cùng với bàn ghế gỗ mốc meo, ẩm ướt khắp nơi. Thật là một cảnh tượng không mấy vui lòng cho người viễn chủ lâu ngày trở về. Có lẽ cũng là tại tôi không có đủ lòng từ bi thương xót trụ xứ này khi rời xa ngôi chùa mà tôi tâm huyết xây dựng trong bao nhiêu năm. Có lẽ tôi phải nên sám hối vì sự ra đi năm nào của mình để tìm những gì phù du huyễn hóa bên ngoài nội tâm giác ngộ của mình và đạo tràng thiêng liêng nơi một vị Phật đã từng giác ngộ. Ngày ấy tôi đã hưởng được ân phước của đất Phật, đã có rất nhiều và tất cả nhưng đã bỏ đi. Giờ đây tìm về và thấy được thì thời gian đã trôi qua bao nhiêu năm rồi, cái già, bệnh và hình bóng của thần chết dường như lai vãng, ẩn hiện đâu đây. Tôi thấy mình tội lỗi thật nhiều và quyết tâm sám hối.

Để có thể đón tiếp các phái đoàn và phật tử đến nghỉ lại từ tháng 10, tôi cùng với thầy Thông Trí là đệ tử xuất gia với tôi nhiều năm trước ở Thái cùng phật tử Chúc Nguyên dấn thân huy động đội ngũ thợ và người làm tập trung sửa sang, lau chùi dọn dẹp lại toàn bộ ngôi chùa. Từ trên chánh điện cho đến xuống dưới tầng hầm, tất cả đâu đâu cũng đều đem ra sắp xếp lau chùi, một phần bỏ đi và phần khác đưa trở lại vị trí cũ. Các thợ sơn, thợ điện, thợ làm trần cũng được gọi về để làm mới lại toàn bộ tầng hầm. Cho đến lúc viết bài này là đã trải qua 2 tuần làm việc liên tục và sự đổi thay đã thấy rất rõ, mọi sự khang trang, đẹp đẽ dần dần hiện lên như xưa. Tuy nhiên sự trung tu toàn diện cho ngôi chùa này chắc chắn cũng còn phải làm nữa và làm rất nhiều nên tôi đành hẹn các thợ khác như thợ chống thấm, thợ xây dựng là vào tháng 4 sang năm. Còn bây giờ làm thì không còn kịp nữa vì đầu tháng 10 đã bắt đầu vào mùa cao điểm hành hương và nhiều người đến ở rồi.

Để cùng với chúng tôi góp phần vào việc cúng dường Tam bảo, xây dựng trùng tu ngôi chùa Viên Giác này, quý phật tử có thể tùy tâm góp phần công đức cúng dường vào các mục:

  1. Tiền sửa sang, sơn mới, làm trần ở tầng hầm khoảng 800m2:  10.000 usd.
  2. Tiền sắm sửa thay mới toàn bộ các chăn ga gối giường: 5000 usd.
  3. Thay mới toàn bộ hệ thống điều hòa (30 máy): 18.000 usd (600 usd/máy)
  4. Tiền chống thấm cho khoản 400m2 tầng hầm: 120.000 usd (công ty chống thấm báo giá).

Hai mục số 1 và số 2 hiện đang làm và sẽ cố gắng có đủ chi phí để hoàn thành trước tháng 10. Còn 2 mục 3 và 4 dự tính sẽ bắt đầu tiến hành thi công vào tháng 4 năm 2023. Rất mong quý phật tử phát tâm cúng dường và hộ trì cho những công việc Phật sự của ngôi chùa Viên Giác này được sớm thành tựu viên mãn.

Ở Việt Nam quý phật tử cũng có thể chuyển tịnh tài vào tài khoản cá nhân của chúng tôi như sau: Tên: Nguyen Huu Tuan. Ngân hàng: Vietcombank. STK: 0301000432318.

Bồ Đề Đạo Tràng luôn là một nơi đất lành cho hàng đệ tử con Phật hướng tâm về đây để tu niệm hàng năm và tạo các dấu ấn công đức, nơi muôn đời là thửa ruộng công đức của người phật tử để sản sinh ra những bậc giác ngộ.

Sửa sang lại tất cả ở Tầng hầm

Lời cuối xin niệm ân tất cả sự phát tâm đóng góp, cúng dường của chư tôn đức và quý Phật tử đã phát tâm hộ trì, đóng góp, cúng dường cho ngôi già lam Viên Giác này trong hiện tại và thời gian qua.

Khí trời Ấn Độ đã bắt đầu chuyển mùa sang Đông mấy hôm nay và cơ thể tôi vẫn chưa quen lại khí hậu mùa ở đây nên đã nhuốm bệnh và cơn ho dai dẵng, lì lợm hành hạ tôi suốt mấy ngày nay dù đã uống 3 ngày trụ sinh mà vẫn chưa thuyên giảm.

Dù sao tôi vẫn lạc quan và tin mình sẽ khỏe lại trong vài ngày tới để tiếp tục sứ mạng của của một người xuất gia, tự độ và độ tha. Còn nếu vô thường có đến thăm hỏi sớm hơn, biết đâu tôi sẽ sớm gặp lại người trong mộng, đức Phật A Di Đà!

Bồ Đề Đạo Tràng vào một buổi chiều cuối thu, 20/09/2022.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập