TT. Thích Trí Chơn: "Giáo dưỡng đệ tử là một sứ mệnh lớn"

Đã đọc: 1313           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tiếp Tăng độ chúng để duy trì mạng mạch Phật pháp là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của người tu, đặc biệt là vị trụ trì. Tuy nhiên, việc nuôi chúng, độ đệ tử, dạy môn sinh… chưa bao giờ dễ dàng. Nhất là thời đại ngày nay, có nhiều thách thức làm cho “khoảng cách” thầy trò càng xa, theo nghĩa khó nắm bắt những tâm lý, lối sống mới mẻ của người trẻ khi họ bắt đầu vào đạo.

Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện xung quanh việc nuôi dạy đệ tử, mối quan hệ thầy trò trong “gia đình tâm linh” với TT.Thích Trí Chơn, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, trụ trì tu viện Khánh An - Q.12.

TT.Thích Trí Chơn

Ba “dấu ấn vàng” kết nối tình thầy trò
 
* Thưa Thượng tọa, khi mới vào đạo, thầy đã được bổn sư dạy như thế nào? Điều gì làm thầy ấn tượng nhất ở thầy mình?
 
- Tôi may mắn vừa sinh ra đã được ở chùa tu học. Chùa tôi là ngôi chùa cổ, do vậy, các thời khóa hành trì đều thực hiện bằng nghi lễ, tán tụng. Hai thời công phu và các bài tán căn bản tôi nằm lòng từ nhỏ.
 
Tôi lớn lên đã luôn có thầy bên cạnh nên có rất nhiều dấu ấn về thầy, song ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh uống trà cùng thầy, bị phạt ngồi kiết-già và học Luật Tỳ-ni.
 
Hồi tôi làm tiểu, mỗi sáng sau giờ công phu, thầy hay rót một chén trà đậm rồi đưa cho tôi uống. Nhìn tôi nhăn mặt vì uống trà đắng không quen, thầy luôn bật cười đắc ý. Nụ cười của thầy thật đặc biệt do răng đã rụng gần hết, chỉ còn một, hai chiếc cứ nhảy lên nhảy xuống trong vành môi khiến tôi không thể nhịn được, cũng bật cười theo, có hôm làm đổ cả chén trà. Nụ cười ấy đã nuôi dưỡng tình thầy trò ấm áp suốt nhiều tháng năm dài.
 
Không như nhiều vị khác, thầy tôi có kiểu phạt rất đặc biệt. Mỗi lần tôi bỏ tụng kinh hay nghịch ngợm, thầy bắt tôi ngồi kiết-già trong xó cửa ngay vị trí thầy tiếp khách, mặc cho người ta qua lại và tụi trẻ tới trêu chọc. Nhưng chính cái tư thế ngồi kiết-già trong xó cửa đó đã giúp tôi vững chãi trong công phu tu tập của mình hàng chục năm nay.
 
Khi tôi còn rất nhỏ, có lần thầy trao cho tôi quyển Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu và nói: “Con học thuộc bộ luật này đi, rồi thầy sẽ chia tài sản cho con”. Do “tham tài sản”, tôi học đêm ngày. Chẳng bao lâu, tôi thuộc nhuần nhuyễn bộ luật tiểu bốn cuốn. Đến giờ, tôi vẫn ứng dụng bộ luật này trong từng hành vi, cử chỉ như thuở sơ tâm. Sở dĩ tôi thành tựu được phẩm chất của một thầy tu cũng đều nhờ bộ luật này. Tôi nghĩ, bất cứ ai đi trên đường đạo, tu tập ở bất cứ pháp môn nào - nhất là những vị viện chủ, trụ trì, người thu nhận đệ tử, tiếp Tăng độ chúng hay phụng sự Giáo hội - nếu thuở ban đầu được nuôi dưỡng bằng tinh thần bộ luật này thì sẽ luôn thành tựu công đức.
 
* Đến giờ, khi đã độ chúng, thầy giáo dưỡng đệ tử ra sao? Cách thức dạy học trò của thầy có gì mới so với thời thầy được bổn sư dạy dỗ?
 
- Thực ra, đến hôm nay, tôi vẫn tiếp tục dùng “ba dấu ấn vàng” của thầy để lại như “gia bảo” trong việc nuôi dạy đệ tử.
 
Thứ nhất, người xuất gia ở Khánh An cố nhiên sẽ được trau dồi phẩm hạnh bằng việc hành trì giới luật, bằng công phu tu tập và nhiều “phép thử” qua tháng năm. Đó là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là vị ấy muốn được thế phát xuất gia phải thuộc hai cuốn luật, muốn thọ giới Sa-di phải thuộc ba cuốn luật và muốn thọ giới Tỳ-kheo phải thuộc bốn cuốn luật (thời làm tiểu, tôi đã thuộc bốn cuốn).
 
Thứ hai, sau giờ công phu sáng, việc đầu tiên tôi làm trong ngày là cùng ngồi uống trà với các đệ tử. Đây là thời gian tôi nhắc nhở, bảo ban đệ tử và cũng là cơ hội để đệ tử có những thắc mắc, những điều chưa thông trên đường tu bộc bạch, thưa trình với tôi. Theo đó, tôi có dịp quán chiếu đệ tử với những tâm trạng sướng, khổ, buồn, vui mà tìm cách chăm sóc, hóa giải. (Cũng đôi khi chính tôi có nỗi buồn và đệ tử là người chia sẻ, động viên). Hay đơn giản hơn, đây là dịp để thầy trò cùng trò chuyện, thăm hỏi, hiến tặng nụ cười cho nhau, kết nối và sưởi ấm nhau trong tình đạo. Thực tế, có những vị ngại uống trà, ngại gặp thầy, nhưng một người thầy thì phải có kỹ năng tiếp cận để chăm sóc đệ tử mỗi ngày.
 
Thứ ba, một người vào tập sự ở Khánh An, các thời khóa hành trì buộc phải ngồi kiết-già, đó là điều kiện tiên quyết. Người tu mà không vượt qua được cái đau vặt vãnh của tư thế ngồi, chỉ biết chiều chuộng những cảm thọ dễ chịu của thân thì làm sao có thể đi xa hơn. Tôi thấy nhiều vị tu sĩ trẻ bây giờ, ngồi tụng kinh, tụng giới mà lưng cong như lưng bà ngoại, hai đầu gối không chạm được đất, cứ vênh lên như củ ấu. Phong thái của một người tu có đĩnh đạc, ý chí có cao nhàn hay không đều do dụng công, rồi từ đó biểu hiện ra dáng đứng, khi đi, thế ngồi. Vậy nên, thiền tọa (ngồi kiết-già), thiền hành (đi trong chánh niệm) là việc mỗi ngày Tăng chúng Khánh An đều phải thực tập.
 
Tạo Tăng - sứ mệnh thiêng liêng
 
* Có một điều quan trọng trong việc giáo hóa học trò là nuôi dưỡng sơ tâm Bồ-đề của họ, để tâm đó lớn lên và theo thời gian, chú tiểu trở thành vị Tỳ-kheo có thể tiếp quản “gia tài” giáo pháp, trở thành bậc mô phạm. Theo thầy, người trụ trì làm công việc đó như thế nào, nhất là đệ tử thường nhiều lứa tuổi, đến từ các vùng miền khác nhau, tâm tính sai biệt…
 
- Người thầy phải luôn xác định việc giáo dưỡng đệ tử là một sứ mệnh lớn, như một người nhận lãnh thiết kế, xây dựng một công trình lớn của đạo pháp, lớn hơn cả việc xây chùa, tô tượng, đúc chuông. Mạng mạch của Phật pháp nằm ở Tăng đoàn chứ không nằm ở ngôi chùa. Người cư sĩ có thể xây chùa nhưng không thể tạo Tăng. Tạo Tăng là sứ mệnh thiêng liêng nhằm tiếp nối mạng mạch đạo pháp, không thể hời hợt.
 
Giáo dưỡng đệ tử bằng khẩu giáo thôi chưa đủ, mà quan trọng hơn là phải bằng thân giáo. Các thời khóa thiền tọa, thiền hành, tụng kinh, sám hối, dùng cơm, chấp tác... vị thầy nhứt thiết phải có mặt với đệ tử. Thầy phải nói những gì mình làm và làm những gì mình nói. Thầy là tấm gương soi cho đệ tử mỗi ngày, thầy thân bất nghiêm thì trò tâm bất kính (dù trò không dám nói ra). Trò mà không kính thầy thì khả năng thành tựu công trình xây dựng Tăng đoàn không cao.
 
Một vị thầy khéo nhiếp chúng là vị thầy phải tường lãm giới luật. Tường lãm giới đã thọ và tường lãm những nguyên tắc điều hành trong Tăng bằng các pháp yết-ma, hành xử bằng sáu pháp hòa kính thì cho dù một trú xứ tứ phương tụ về, tuế niên, phong tục bất đồng…, vị thầy vẫn có thể giáo hóa đồ chúng nhẹ nhàng.
 
Trong hướng dẫn công phu tu tập, vị thầy là bổn sư, là hướng đạo sư; nhưng trong sinh hoạt, vị thầy chỉ là một thành viên trong Tăng, phải tôn trọng đức của Tăng, sống bình đẳng, hòa hợp cùng Tăng thì mới am tường được nếp sống chung mà hành xử cho phải phép.
 
Tại Khánh An, khoảng 5 năm trở lại đây, con số Tăng chúng tu viện là 20. Hàng năm đều có một số vị xuất chúng và cũng có một số vị nhập chúng, số lượng người ra - vào tương đương nhau - Ảnh: TVKA
 
* Thượng tọa sẽ làm gì khi có một học trò chưa thuần thục, hoặc chưa thực có tâm tu?
 
- Mỗi tối, sau giờ thiền tọa, nếu có những vị biếng lười trong tu tập thì chúng tôi nhắc nhở, khuyến tấn chung. Những vị có biểu hiện thối thất tâm tu hay những lỗi lớn thì thầy trò gặp nhau bên chén trà, cùng nhau giãi bày, chia sẻ. Khi vị ấy nhận lỗi của mình thì tôi hướng dẫn giải pháp sám hối. Và tôi luôn giải thích, sám hối không phải là một hình thức trừng phạt mà là sám hối để lòng thanh thản, để tội được tiêu, để trở lại sống trong Tăng đoàn thanh tịnh. Hai hình thức sám hối phổ thông là sám hối trước Tăng chúng và sám hối Hồng danh trên Phật đường.
 
* Trong thời đại ngày nay, việc nuôi dạy đệ tử dường như gặp nhiều thử thách hơn so với trước đây?
 
- Người tu trẻ hôm nay gặp rất nhiều áp lực, vừa học Phật học vừa học thế học, rồi lại phải sống có bổn phận ở trong chùa. Họ phải đối mặt với rất nhiều cám dỗ của thế giới hưởng thụ. Vị thầy nuôi dưỡng đệ tử nên có sự cảm thông, khoan thứ và bao dung hơn. Hãy luôn ý thức mình là cái khuôn, thay vì sỉ vả chiếc bánh bị méo thì nên xem lại cái khuôn, sẽ ổn hơn.
 
Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, việc thu nhận đệ tử, tiếp dẫn hậu lai là sự nghiệp vĩ đại của trưởng tử Như Lai, nó tương đương với đại nguyện xây dựng Tăng đoàn, xây dựng Giáo hội để hoằng dương Phật pháp. Đừng nghĩ đơn giản độ chúng là kiếm người giữ chùa, tìm người tụng kinh hay chọn người thị giả. Hãy xem đệ tử là tài sản lớn nhất của mình, là tài sản lớn nhất của Đức Thế Tôn. Nuôi và dạy với tâm huyết như vậy mới khả dĩ báo ân Tam bảo.
 
Xem người đệ tử như con nhưng cũng có khi phải xem đệ tử như bạn thì mới nuôi dưỡng được đạo tình. Đừng sợ đệ tử bất kính mà hãy soi chiếu lại mình đã đủ nghiêm thân chưa.
 
* Kính cảm ơn Thượng tọa!

T.Nhuận thực hiện

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập