Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Thêm & bớt trong ứng xử vợ chồng

Đã đọc: 3855           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong chuyến hành hương vừa qua, đoàn chúng tôi có tất cả tám mươi thành viên trong nước lẫn ngoài nước. Một cặp vợ chồng có địa chỉ email là “happy couple” tức lứa đôi hạnh phúc. Thế nhưng trong thời gian đi chung, chúng tôi thấy họ chỏi nhau như nước với lửa...

PHẬT DẠY NHIỀU VỀ TÌNH YÊU

Kể từ năm 2002 khi chúng tôi trở về Việt Nam, hầu như tháng nào cũng có người đến chùa Giác Ngộ nhờ tư vấn về tình yêu. Với vai trò là người góp ý những gì được đức Phật dạy trong kinh điển, rồi người này đồn người kia, người kia giới thiệu người nọ, kết quả là hầu như ai có rắc rối cứ đến chùa gặp thầy Nhật Từ. Từ sự tình cờ đó dẫn đến tình huống mà việc từ chối không được cho phép, chúng tôi phải làm công tác này suốt bảy năm qua. Hôm nay nhân đọc bài viết ngắn trên tạp chí Thế giới Phụ nữ, chúng tôi cảm thấy những điều nêu ra trong bài viết rất gần gũi với tinh thần Phật dạy, đặc biệt là cho nhân thừa đối với mối quan hệ hạnh phúc vợ chồng. Chúng tôi quyết định chia sẻ nó trong buổi pháp thoại ngày hôm nay với đề tài: “Thêm bớt trong ứng xử vợ chồng”.

Nhân thừa bao gồm rất nhiều bài kinh đức Phật nhắm đến đối tượng người Phật tử tại gia. Mục đích của bài kinh nhân thừa là giúp cho người tại gia sống và trải nghiệm hạnh phúc trong mối quan hệ vợ chồng và hoa trái của nó là con cái. Tương quan xã hội trong các thành viên gia đình được xem như mối quan hệ đa chiều quan trọng nhất. Nếu ta không thiết lập được hạnh phúc với những người thân thương thì việc chia sẻ đối với tha nhân đôi lúc không mang trọn ý nghĩa.

Từ nhiều thế kỷ xa xưa, kể từ khi Phật giáo phân chia thành hai bộ phái: Đại chúng Bộ và Thượng tọa Bộ thì kinh điển Phật giáo được sử dụng trong các nghi thức tụng niệm có khuynh hướng pháp môn. Do đó mỗi trường phái Phật giáo chọn lấy đôi ba bài kinh mà theo vị sáng tổ của trường phái này xem là quan trọng nhất.

Theo ngài Buddhaghosa, số lượng các bài kinh được đức Phật thuyết giảng là trên dưới 300.000 bài dài, ngắn, vừa, phần lớn đề cập đến vấn đề nhân thừa. Nhưng rất tiếc trong thực tế thông qua các nghi thức tụng niệm mà ta có cơ hội tham gia đọc tụng hầu như chỉ toàn những bài kinh pháp môn.

Chúng tôi cũng đã lưu ý điều này rất nhiều trong các bài giảng. Các chùa Tịnh độ tông thường tụng kinh A Di Đà, Phổ Môn, Dược Sư, Địa Tạng, Vu Lan và gọn lại trong mỗi ngày là Di Đà, Phổ Môn. Kinh Di Đà được hiểu cho người chết, Phổ Môn được hiểu cho người già bệnh, Dược Sư cho người đang hấp hối và Sám Hối dành cho người có tội. Pháp môn thiền thì sử dụng bài Bát Nhã Tâm Kinh, còn lại là chánh niệm tỉnh thức.

Từ chỗ đó, giới trẻ và giới trí thức khi tiếp cận với Phật giáo không có cơ hội để trải nghiệm được những bài pháp mà đức Phật nói cho họ dưới nhiều góc độ và nhiều vấn đề khác nhau. Chúng tôi có thể xác định mà không sợ chủ quan rằng trong các tôn giáo xưa cũng như nay, đông cũng như tây, đạo Phật đề cập đến vấn đề tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình nhiều nhất bằng văn bản. Sự ra đời của đức Phật được các kinh điển mô tả là lợi ích cho số đông, bao gồm chư thiên và loài người.

Chư thiên là loài người ngoài hành tinh, những con người đang sống ngoài địa cầu của chúng ta. Nhưng đối tượng chính yếu như mối quan hoài đặc biệt của đức Phật lại là con người. Số lượng người đi xuất gia trong thời đại của đức Phật chỉ chiếm mức 0% so với số lượng Phật tử tại gia.

Trải qua chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dù ở bất kỳ châu lục, quốc gia nào, số lượng đó vẫn duy trì ở con số 0%. Nghĩa là hạnh phúc trong đời với tư cách một người Phật tử chân chính gồm có ba ngôi tâm linh: Phật, pháp, tăng và năm điều đạo đức là chuẩn mực về đời sống. Trong đó quan trọng nhất là vế “không tà hạnh” mà người tại gia hiểu như chung thủy một vợ một chồng. Trên thực tế “không tà hạnh” trong các dục còn nội hàm rộng hơn rất nhiều so với “chung thủy một vợ một chồng”.

Nhiều người vợ/ người chồng không thỏa mãn với tình và dục do người còn lại cam kết hoặc chia sẻ nên tự thỏa mãn lấy chính mình thì đó được gọi là tà hạnh trong các dục. Có những trường hợp sống theo chủ nghĩa độc thân, ngại lập gia đình vì sợ phải đối diện với việc phân chia tài sản khi ly dị cho nên tự cho mình quyền quan hệ với nhiều người khác để không phải mang trách nhiệm pháp lý trong hôn phối, đó cũng là tà hạnh trong các dục.

Từ lâu các chùa cứ nghĩ rằng việc bàn về tình yêu trong chùa là điều cấm kỵ, trong khi tình yêu là thực phẩm của người tại gia, nhưng lại là nam châm của luân hồi. Người Phật tử nghiêm túc đi chùa lâu năm cũng nghĩ như thế. Kết quả, người ta thường tổ chức đám cưới ở chỗ khác, còn đám ma người ta mới về chùa. Theo chúng tôi, tổ chức đám cưới tại chùa rất hợp lý, nó có ý nghĩa gần như suốt cuộc đời còn lại của đôi tân lang và tân nương. Tổ chức đám cưới tại chùa có chư tăng làm lễ chúc phúc, nhắc nhở bài kinh Thiện Sinh đức Phật dạy về năm chuẩn mực của người chồng và năm chuẩn mực của người vợ để cả hai cùng quan tâm chăm sóc cho hạnh phúc của nhau.

Khi đã nhận người thứ hai làm vợ hoặc chồng, được sự chứng kiến của Tam Bảo và các vị bạn đạo thì lúc đó con đường thôi thúc họ duy trì hạnh phúc, tránh những mâu thuẫn trong gia đình được cam kết ở mức độ cao hơn. Quãng đời còn lại của họ, con em họ trở thành Phật tử là điều chắc chắn.

Vì hiểu sai lời Phật dạy hoặc chạy theo các nghi thức thuộc về pháp môn mà nhiều người vô tình đã quên đi rất nhiều bài kinh đức Phật dạy về hôn nhân. Kết quả là giới trẻ không đến với đạo Phật. Chúng tôi xin chia sẻ tám trong số mười điều được biên tập lại trong tạp chí Thế giới Phụ nữ để dễ hiểu hơn và do đó khi tiếp cận dưới góc độ Phật học sẽ giúp chúng ta có được sự tham khảo ở mức độ nhân thừa.

1. THÊM QUÀ TÌNH CẢM, BỚT SỰ THỜ  Ơ

Rất nhiều cặp vợ chồng cảm thấy hụt hẫng vì một trong hai người đã bỏ quên thói quen quan tâm đến người còn lại bằng quà. Trong khi trước đó chỉ vài tháng hoặc vài năm khi tình yêu còn đeo đuổi như ong bướm thì họ thường xuyên làm công việc này và cảm thấy rất hạnh phúc. Đây là một phần quan trọng trong khái niệm bố thí Dàna mà đức Phật đã dạy. Bài kinh Thiện Sinh nêu một trong năm nghĩa vụ của người chồng là phải thường xuyên chăm sóc vợ bằng quà. Đó là kỹ năng tâm lý cực kỳ có ý nghĩa đối với đời sống vợ chồng. Người nữ có bán cầu cảm tính lớn hơn lý tính cho nên rất dễ hạnh phúc, xúc động và cảm thấy tự hào, gắn bó với chồng hơn khi được người chồng quan tâm bằng những quà cáp, mặc dù nó chẳng đáng bao nhiêu tiền.

Ngày nay, tâm lý học hiện đại chứng minh rằng các đấng mày râu mỗi khi được vợ tặng quà cũng cảm thấy hạnh phúc tương tự, vì ít ra nó thể hiện sự quan tâm. Một số người dễ dàng tặng biếu cho nhân viên cấp dưới, hay các đối tác của mình nhưng khi tặng cho vợ hoặc chồng lại ngại bàn tay. Trong khi đó việc tặng biếu như thế này lại có một ý nghĩa xã hội rất lớn trong hôn nhân.

Kinh Phật đề nghị tặng vào những dịp sinh nhật và ngày cưới. Xã hội hiện đại mở rộng thêm một số tình huống khác, đó là những dịp đi công tác xa hay du lịch một mình. Hầu như cảm xúc nhớ về người ở nhà hy sinh lo công việc nhà để mình được an tâm sẽ làm cho người đi có cảm giác biết ơn, từ đó mang về phần quà đặc sản của nơi mình đang đến. Điều đó chứng tỏ việc vắng nhà của chúng ta là do công vụ chính đáng và người còn lại sẽ không phải hoài nghi.

Mối quan hoài trong hôn nhân có ý nghĩa nuôi dưỡng tình yêu rất lớn. Đến ngày sinh nhật, nếu người vợ được nhận những đóa hoa hồng tươi đẹp và đặc biệt là món quà gợi nhắc lại kỷ niệm thời gian còn yêu nhau thì người vợ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Phụ nữ có thói quen để ý xem chồng mình có nhớ những ngày kỷ niệm hạnh phúc của mình không.    Người chồng nào không nhớ ngày sinh của vợ thì làm sao vợ có thể cảm nhận tình cảm thực sự từ chồng. Quà thường rất đơn giản như hoa tươi, thiệp chúc mừng hay những món nữ trang giản dị.

Một nhà tư tưởng phương Tây đã phát biểu: “Đừng song hành với phụ nữ qua các cửa hàng nữ trang”. Trong tình huống này, nếu không thể hiện anh hùng thì sẽ không chiếm được cảm tình người đẹp, nhưng nếu thể hiện sẽ bị “cháy” túi. Do đó quà chỉ nên mang tính tiêu biểu thể hiện tấm lòng. Nhiều người nghĩ rằng nếu thương nhiều thì phải tặng quà đắt giá. Thực ra việc tặng quà là dịp chúng ta nhắc lại tình cảm đẹp nhất giữa vợ và chồng. Người tặng nghĩ nó như một nhịp nối hâm nóng cuộc tình và như vậy phải thực tập thói quen vô ngã. Tặng biếu là vô ngã, quan tâm tới người khác cũng là vô ngã và đừng bao giờ buộc người tiếp nhận phần quà phải sử dụng nó.

Rất nhiều chị em phụ nữ bị vướng vào điều này. Tặng phần quà nào đó mà chồng không mặc, không ăn, không sử dụng thì giận dỗi, buồn đau. Như vậy, thay vì tặng quà để bắc nhịp cầu tình yêu thì lại càng phá hỏng tình yêu đó. Chúng ta phải thực tập bố thí Ba- la- mật trong kinh Phật dạy. Chuyển giao quyền sở hữu về một vật nào đó từ bản thân đến người thân thương là ta không còn là chủ nhân của nó nữa. Hãy để cho chủ nhân của nó được quyền sử dụng theo ý muốn.

Tương tự, nhiều ông chồng sau khi tặng quà nữ trang cho vợ lại thỉnh thoảng hỏi thăm món quà đó còn không. Như vậy vô hình chung, việc tặng chỉ là cái cớ để đong đo xem vợ mình có trân trọng và thương yêu mình thực sự. Nếu món quà không được sử dụng, điều đó thể hiện người tiếp nhận không thương mình, quan niệm này hoàn toàn sai. Rất nhiều người chưa nhận ra vấn đề nên cứ chi tiết hóa vào nó. Mục đích việc tặng quà để hâm nóng tình yêu đang dần nguội lạnh. Người tiếp nhận cũng nên tế nhị vì tâm lý của người tặng luôn muốn mình sử dụng. Nếu nó không quá trái ngược với cá tính của chúng ta thì hãy sử dụng cho người kia vui lòng.

2. THÊM CHÚT QUAN TÂM, BỚT SỰ BÀNG QUAN

Quan tâm thuộc về thiện chí, là một tâm lý thiện theo tâm lý học Phật giáo. Quan tâm cho nhau là cách để thiết lập hạnh phúc và duy trì hạnh phúc đang có. Mỗi khi thiết lập sự quan tâm thì thái độ bàng quan sẽ giảm đi và hạnh phúc bắt đầu tăng trưởng. Chúng ta cần quan tâm cái gì? Sức khỏe của người mình thương, công việc người đó đang gánh vác, những khó khăn mà người đó đang chịu đựng, và các thách đố mà người đó cần phải vượt qua. Không phải quan tâm nào cũng mang lại hạnh phúc cho người được quan tâm, do đó cần phải có nghệ thuật. Một số người vợ quan tâm chồng như đứa con trai của mình, chăm chút từng ly từng tí làm cho người chồng mất đi cảm giác mình là điểm tựa hạnh phúc của vợ con. Tính hào hiệp của quý ông ngày càng giảm sau mỗi lần tiếp nhận sự quan tâm quá mức chu đáo của vợ. Trong khi đó, ở tại công sở, quý ông lại được các cô thư ký và đồng nghiệp nữ nhờ vả, thỉnh mời, nài nỉ khiến ông cảm giác rằng mình mạnh mẽ, phong độ hẳn lên. Mâu thuẫn tâm lý này nếu các bà vợ không quan tâm thì đôi lúc ông chồng sẽ đi tìm vợ bé hoặc bồ nhí do bởi họ muốn thể hiện mình là đấng nam nhi.

Ngược lại các đức lang quân cũng phải quan tâm đến vợ mình, chia sẻ những vất vả nhọc nhằn trong cuộc sống. Nhiều người chồng rất vô tư, về đến nhà bỏ cặp xuống, cất áo rồi nằm trên võng đong đưa hay ngả lăn trên chiếc đi-văng xem ti vi, không hề nghĩ đến việc gia đình, cho đó là phận sự của người vợ. Việc giặt giũ, cơm nước, con cái, bếp núc, chuyện bên vợ bên chồng thậm chí cả tương quan xã hội cứ ỷ lại hoàn toàn vào vợ. Khi thành công thì không khen vợ câu nào, xảy ra chuyện thì “con hư tại mẹ”, “cháu hư tại bà”. Sức chịu đựng của chị em phụ nữ có giới hạn, có thể rất dai dẳng nhưng khi không chịu nổi nữa sẽ bùng nổ với sức công phá khó lường.

Đừng bao giờ để người kia mệt mỏi trong lúc mình khỏe re. Đừng bao giờ để cho người kia phải nặng nhọc trong lúc mình khoanh tay đứng nhìn như một kẻ bàng quan. Sự quan tâm sẽ giúp cho hai người trở thành một trong mối quan hệ tương tác. Chồng tăng trưởng thêm phần quan tâm đến vợ và vợ bớt đi phần quan tâm chăm sóc chồng như đứa con thì hạnh phúc gia đình sẽ được đầm ấm.

3. THÊM LÒNG GIÚP ĐỠ, BỚT THÓI SAI KHIẾN

Một số ông chồng có thói quen gia trưởng, ra lệnh, yêu cầu, bắt buộc vợ phải làm theo ý mình, không làm theo thì tức giận và nói những lời nặng nề. Hoặc cũng có rất nhiều bà vợ bản tính ẻo lả và điệu đà luôn sai khiến chồng đến chóng mặt để thiên hạ nghĩ rằng chồng là người sợ vợ. Mặc cảm tâm lý sợ vợ khiến nhiều ông chồng sống không được thoải mái. Hãy hiểu tâm lý và trở thành người vợ hiền lành ngoan ngoãn để các ông có cơ hội hãnh diện, tự hào với bạn bè. Nếu người vợ đứng ra cáng đáng tất cả công việc trong gia đình, chứng minh rằng chồng mình không biết làm gì ra trò trống thì cũng khó được hạnh phúc.

Ở xã hội phương Tây, khi kinh tế của người nữ phát triển theo hướng tự lập, tạo ra văn hóa cộng nghiệp mới đó là chồng sợ vợ nếu không sẽ bị ly dị. Nó ngược hoàn toàn với nền văn hóa phương Đông đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển. Do vậy trụ cột kinh tế gia đình vẫn là người chồng. Vợ không chiều chồng sẽ bị chồng bỏ rơi mà theo vợ bé. Do đó chúng ta phải biết sống trung đạo để cho sự nương tựa lẫn nhau không làm cho một trong hai người cảm thấy mình yếu thế và mất sự tôn trọng. Quan niệm là vật sở hữu của người chồng sẽ làm người chồng có thói quen sai xử vợ. Trong khi đó tương quan vợ chồng theo tinh thần Phật dạy là bạn đời của nhau. Vợ chồng xem nhau như bạn thì tinh thần phụng sự với sự phát tâm mới mang lại hạnh phúc.

Bản chất phần lớn người nam là lè phè không tươm tất. Người vợ theo sau thâu tóm, sắp xếp ngăn nắp thì cũng đừng lấy lỗi đó để la rầy chồng. Phải xem việc mình giúp người chồng như thế là để cho cả hai được hạnh phúc. Sẽ rất khó sống nếu người chồng có tác phong ngăn nắp đến từng li từng tí. Bà vợ nào đụng đâu bừa bộn đó thì các ông chồng cũng phải điên đầu. Do đó cả hai bên phải hỗ trợ nhau tìm thế chủ động như một cơ hội để cam kết phục vụ cho người kia hạnh phúc. Phải làm với sự phát tâm thì mới hoan hỉ được. Ngược lại, chất chứa cảm giác như nô lệ, hoặc như con vật để giải trí, ức chế tâm lý này dễ khiến hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ. Mặt khác, khi tiếp nhận giá trị phụng sự của người còn lại thì người tiếp nhận phải ngỏ lời biết ơn và tìm cơ hội đáp lại ân tình đó.

Phật dạy phải biết ơn và đền ơn. Chẳng hạn người chồng nằm bệnh viện, vợ lo toan tất cả mọi thứ ở nhà, và tương quan xã hội rồi lại vào bệnh viện chăm sóc chồng. Tiếp nhận điều đó người chồng phải biết ơn. Mở lời cám ơn không khó, vấn đề ở chỗ chúng ta có để ý nó hay không. Sau khi hồi phục sức khỏe phải tìm cách phụng sự cho vợ để đền đáp những gì trong thời gian nằm bệnh, mình đã không làm được. Đó là mối tương quan rất hay mà người thực tập vô ngã thực hành tốt. Thái độ kể công chỉ gây mệt mỏi nhức đầu cho người được phụng sự. Người nam khi tự ái sẽ tỏ vẻ bất cần dẫn đến những căng thẳng trong đời sống vợ chồng.

4. THÊM SỰ BÀN BẠC, BỚT TÂM ĐỘC ĐOÁN

Tâm lý người đàn ông đặc biệt người có tính gia trưởng thường là thái độ tự quyết định và xem người vợ không có mặt trong gia đình, tự xem mình như một thẩm phán, một quan tòa, tất cả những gì mình suy nghĩ đều đúng và vợ con chỉ có nhiệm vụ phục tùng theo. Thói gia trưởng không bao giờ đảm bảo hạnh phúc. Ngược lại, bàn bạc luôn là một nghệ thuật làm cho hai bên tương quan bình đẳng về giới tính. Bàn bạc trong vợ chồng bao giờ cũng tốt hơn hành động một mình vì hai cái đầu cùng tư duy vẫn hiệu quả hơn. Hai bàn tay làm sẽ chu đáo hơn một bàn tay. Hai người cùng chung sức thì công việc sẽ sớm thành tựu hơn.

Người vợ được sánh ví như bàn tay trái, chân trái vì sức khỏe kém hơn chồng. Nếu cơ thể chỉ có một bên phải mà không có bên trái là một con người bất toàn, què quặt. Cả trái và phải phối hợp lại mới thành một con người hoàn chỉnh, vợ chồng trong tương quan đời sống tại gia cũng như vậy. Tâm tưởng người vợ thường đi chi tiết vào các ngóc ngách của vấn đề, trong khi người chồng lại thường tư duy và nhìn nhận một cách bao quát. Hai sự tương quan này tạo ra diện tích của một vấn đề có rộng, có sâu, có trong, có ngoài, và có chi tiết. Do vậy vấn đề được cả hai cùng bàn bạc sẽ hoàn chỉnh hơn, chu đáo hơn. Đừng bên nào ỷ lại vào tầm quan trọng về vai trò vị trí xã hội, hoặc về vị thế nổi trội kinh tế của mình mà buộc người kia lép vế hơn và phải chấp nhận theo.

Hãy xem những khác biệt trong tương quan vợ chồng là một sự bổ sung để các ý kiến của người kia được ta đón nhận có tôn trọng. Nội dung của sự bàn bạc thường là gì? Lớn nhất, tế nhị nhất, khó nói nhất đó là chuyện tiền bạc. Sự chi tiêu tiền bạc giữa vợ và chồng bao giờ cũng khác nhau.

Các nhà tâm lý học cho chúng ta một kết luận: Chồng làm ra tiền và vợ làm thủ quỹ thì hạnh phúc gia đình mới được đảm bảo. Người chồng làm ra tiền kiêm luôn công việc thủ quỹ, thì tình trạng ngoại tình phần lớn dễ dàng diễn ra. Vì khi việc chi tiêu của người chồng, vợ không hề biết đến thì các ông chồng dễ làm theo những sở thích của riêng mình. Phải để cho vợ nắm khoản chi tiêu và cũng phải tin tưởng vì bản chất của phụ nữ là lo toan từng tiểu tiết. Chồng không nên quan tâm đến những thứ này. Chi cũng phải chi đều, nhiều bà vợ ỷ vào tình thương của chồng nên bắt chồng cung phụng tiền bạc cho gia đình bên ngoại. Mỗi khi cha mẹ chồng bệnh thì chỉ chìa ra rất ít, hoặc tỏ ra bực dọc, giận dỗi nếu chồng tặng biếu tiền quà cho anh em ruột thịt. Mất lòng về vấn đề chi tiêu tài chánh cho hai phía gia đình sẽ đẩy hạnh phúc hôn nhân đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Bàn bạc tiếp theo là vấn đề con cái. Cách nuôi dưỡng, cách chăm sóc và hướng nghiệp tương lai của chúng cũng phải được sự đồng thuận của hai bên. Đừng phủ đoán cũng đừng độc tài. Hãy chọn cách thức hay nhất, người còn lại phải chấp nhận hoan hỉ theo, như tinh thần Phật dạy “tùy hỷ công đức”. Tính tác giả đưa ra phương hướng cho con cái không quan trọng mà quan trọng là con đường nào tốt nhất cho chúng trong tương lai. Phải có tinh thần vô ngã, nhượng bộ thì chúng ta mới không cảm thấy bị lép vế, nhất là những ông chồng khi phải chọn đề xuất của vợ vì có phần hay hơn phương hướng của mình. Dĩ nhiên phải nêu rõ lý do để hai bên cùng đồng ý. Những chia sẻ trong bàn bạc sẽ biến người kia trở thành bộ nhớ thay thế cho mình để khi quên, mình sẽ được nhắc nhở bổ sung, bởi không ai là hoàn hảo.

5. THÊM LỜI ÁI NGỮ, BỚT GIẬN HỜN OÁN

Ái ngữ là nghệ thuật truyền thông giúp cho người đối diện khi nghe có cảm giác hài lòng. Càng giữ hài lòng này lâu dài thì mối quan hệ đó càng hạnh phúc. Phần lớn hạnh phúc của người tại gia thuộc về giác quan. Mắt thấy những điều ưa thích, tai nghe những ngữ điệu êm tai, mũi ngửi mùi thơm tho, lưỡi nếm những vị hợp khẩu, thân xúc chạm những thứ mình thích, và ý hình dung với những điều chúng ta quan tâm, hài lòng.

Người phụ nữ thường thích được khen. Cho dù quý ông có thương nhớ, quan tâm chăm sóc vợ cỡ nào đi nữa nhưng nếu thiếu lời khen thì khó chứng tỏ sự thương yêu thực sự mà mình dành cho vợ. Hãy cố tìm điểm tích cực của vợ để khen, thậm chí cô ấy không đẹp. Đó là người biết sử dụng nghệ thuật ái ngữ trong truyền thông. Hạnh phúc nằm ở chỗ chúng ta biết hài lòng, hay còn gọi là biết đủ. Thái độ không biết đủ, luôn so sánh vợ mình với người khác thì sớm muộn sẽ xảy ra tình trạng ngoại tình. Do đó, phải tìm điểm tích cực để khen. Đừng chì chiết, nói tràng giang đại hải mà phải thực tập buông xả. Chuyện gì đã qua không nhắc lại nữa để lòng được nhẹ tênh.

Hãy xem những chuyện không vui của vợ chồng như gió thoảng mây bay. Chỉ cần cơn gió thoảng qua, mây sẽ bay không giữ lại, không ngăn cản mặt trời soi rọi vạn vật ở thế gian. Cũng vậy, xua tan mối hờn giận, oán trách thì mối quan hệ hôn nhân sẽ trở nên trong lành và tươi đẹp. Nói cách khác trong hôn nhân, cần phải sử dụng ngôn ngữ trái tim nhiều hơn ngôn ngữ lý trí. Tranh luận ăn thua đủ bằng ngôn ngữ lý trí với nhau sẽ không bao giờ được hạnh phúc dù thương vợ rất nhiều. Chúng ta phải biết dùng ngôn ngữ thương yêu và cảm thông. Tìm điểm tích cực nhất để làm cho sóng lặng gió yên. Tìm những ngôn ngữ khôi hài nhất để những căng thẳng bị phá vỡ.

Trong chuyến hành hương vừa qua, đoàn chúng tôi có tất cả tám mươi thành viên trong nước lẫn ngoài nước. Một cặp vợ chồng có địa chỉ email là “happy couple” tức lứa đôi hạnh phúc. Thế nhưng trong thời gian đi chung, chúng tôi thấy họ chỏi nhau như nước với lửa. Chồng nói A, vợ phát biểu B. Vợ nói C, chồng tìm cái phủ định D để thảo luận. Họ không hạnh phúc với nhau nhưng cũng không thể bỏ nhau, vì “Bỏ thì thương, vương thì khổ”. Ấy vậy mà họ đã sống với nhau trên bốn mươi lăm năm, có mấy mặt con, và nhiều cháu. Khi ngồi trò chuyện, người chồng mới kể: “Chúng tôi là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất. Mỗi tuần chúng tôi đi ăn nhà hàng bốn lần”. Ai nghe cũng thèm vì ở hải ngoại, mỗi tuần vợ chồng được đi ăn nhà hàng với nhau một lần là đã hạnh phúc lắm rồi, huống chi cặp vợ chồng này đi bốn lần. Nhưng sau đó ông giải thích tiếp: “Vợ tôi đi ngày thứ ba và thứ năm. Còn tôi đi ngày thứ hai và thứ tư”. Như vậy có nghĩa hai người chỉ đi ăn một mình.

Dĩ nhiên ông chồng không nói rõ tại sao lại như thế, nhưng có lẽ họ thường xuyên tranh cãi bằng ngôn ngữ lý trí cho nên đi ra ngoài ăn nhằm giảm bớt cãi nhau. Giải pháp đó là trì hoãn phản ứng hay thay đổi cái đà. Tâm đang bị vướng vào câu nói gì, quan điểm nào khiến hai bên có khuynh hướng tấn công, phê bình lẫn nhau thì lúc đó chúng ta phải rời khỏi địa điểm. Để tự mình hít thở không khí trong lành và tươi dưỡng máu làm mới lại nơron thần kinh cho quá trình trao đổi chất được tốt đẹp, mọi căng thẳng, khó chịu được tan biến và người còn lại cũng không có cơ hội để đào sâu thêm sự rạn nứt của hai bên.

Người chồng phát biểu vô tư lự trong chuyến hành hương vừa qua. Đó cũng là một kinh nghiệm để chúng ta thấy, khi hai bên không ăn khớp với nhau, lời nói không còn là ái ngữ nữa thì quý ông chồng nên chủ động thực tập những lời khen. Khen vợ hay, đẹp, giỏi thì người vợ sẽ cảm thấy rất hạnh phúc về mặt tinh thần. Thỉnh thoảng, các bà vợ cũng phải khen chồng mình. Khen làm sao cho ông cảm thấy hãnh diện hơn. Như vậy, khích lệ hạnh phúc là sự hiểu biết và cảm thông của những người bạn đời trong cuộc sống hôn nhân gia đình. (Còn tiếp)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)