Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Hạt giống của mặt trời

Đã đọc: 2034           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Niềm hạnh phúc lớn nhất của người đệ tử Bụt là đạt được kết quả trong chuyển hóa thân tâm và sự nghiệp độ đời. Có thể khẳng định, không niềm hạnh phúc nào lớn bằng niềm hạnh phúc khi tâm tư bừng sáng; mọi sợi dây trói buộc trong thế gian đều cắt đứt, mọi gánh nặng đều buông bỏ… Những bài thơ, những bài ca về đời sống phạm hạnh, khi việc cần làm đã làm xong, trở thành nguồn ánh sáng soi chiếu cho thế gian, như ánh mặt trời rạng rỡ buổi sớm mai, như ánh trăng mát dịu đi ngang thái không. Và từ đó mãi về sau, các bậc chân nhân rong chơi trời phương ngoại.

Chuyện kể rằng; ngoài khả năng biện tài, thầy Vangisa thường làm thơ để ca ngợi Tam bảo. Nhiều lần thầy được Bụt khen ngợi. Đó là lúc hạt giống nghệ sĩ của thầy đã chuyển hóa. Trong quá khứ, thầy vẫn có những hạt giống này. Nhưng thầy sử dụng năng khiếu sẵn có hướng về mục đích khác, mà không nhằm vào sự tu tập. Bởi vậy, quá khứ, thầy đã vướng nhiều khổ đau bởi hạt giống văn nghệ đứt ruột.

Xuất gia không bao lâu thì thầy y chỉ sư viên tịch. Đó là nỗi buồn lớn trong lòng thầy Vangisa. Nhưng may mắn, thầy còn có Bụt và Tăng đoàn để nương tựa. Thầy liền đi về tịnh xá Kỳ Viên để tiếp tục tu học. Lúc ấy thầy còn trẻ lắm. Nội lực và công phu hành trì trong thầy chưa lớn mạnh nhiều. Thêm yếu tố là nghệ sĩ, nên tâm hồn thầy dễ rung động và dễ xúc cảm khi tiếp xúc với những cái đẹp trong thế gian. Tại tịnh xá Kỳ Viên sáng nào cũng có các cô thiếu nữ từ thôn làng vào cúng dường. Và những lần đó, niềm xao xuyến tơ tưởng trong thầy lại khởi lên. Vóc dáng xinh đẹp của các cô thiếu nữ đã làm thầy mềm lòng. Vì thế, thầy không còn khả năng an trú trong giây phút hiện tại.

Một lần đi khất thực cùng với thầy Ananda, thầy Vangisa mở lòng bày tỏ những khó khăn hiện tại mà thầy đang gặp. Thầy Ananda liền hiểu những ẩn khuất sâu kín trong tâm lý bạn mình. Thầy khéo vận dụng cách chia sẻ về niềm an lạc mà tự thân thầy chứng đạt trong thiền tập với thầy Vangisa. Thầy Ananda cho rằng; tinh tấn hành trì lời Bụt dạy và thực tập oai nghi thì sẽ làm biểu hiện nhiều cái đẹp tuyệt vời khác. Lúc này, thầy Vangisa mới hiểu rõ; cái đẹp mà mình đang kẹt vào chỉ là cái đẹp mong manh, dễ tan vỡ như bọt nước, đầy hư ảo như giấc mộng. Từ đó, thầy Vangisa nỗ lực thiền quán. Thầy sử dụng ánh sáng chánh niệm để chiếu soi vào hình tướng của các pháp và thấy được bản chất của các đối tượng mà mình đang vướng mắc. Thầy thấy tính cách bất tịnh, chóng tàn phai của sắc đẹp và đối tượng của năm dục. Không bao lâu, thầy đạt được những bước tiến thật lớn và chứng quả bất sinh.

Giai thoại trên cho mình thấy rằng: Được tu học cùng Tăng thân là phước duyên lớn cho người xuất gia và tại gia. Khi gặp khó khăn, mình không đủ nội lực để chuyển hóa thì nhờ bạn đồng tu giúp đỡ. Thời đó, các thầy tu thật vững chãi. Người chứng quả vị thấp nhất cũng đã nhập vào dòng Thánh. Vào dòng này rồi thì không còn thoái lui nữa. Kinh tạng chép lại nhiều bài thơ do thầy Vangisa sáng tác. Đó là những bài ca chiến thắng của thầy. Bài hát ngợi ca công ơn của Bụt, người của dòng dõi Mặt trời. Bụt đã gieo hạt giống dòng dõi Mặt trời vào tâm hồn thầy. Nhờ sự chiếu soi của Bụt mà thầy không còn phiêu bồng cảnh chợ, cảnh quê. Đây là bài thơ của thầy Vangisa:

Ngày xưa say thơ mộng

Ta phiêu bồng khắp nơi

Cảnh chợ rồi cảnh quê

Cuối cùng được gặp Bụt!

Thế Tôn đã thương xót

Dạy cho ta phép mầu

Nghe xong khởi niềm tin

Khoác áo người khất sĩ.

An trú trong chánh pháp

Kiên cố ta một lòng

Nay chứng được tam minh

Đền ơn bậc tỉnh thức!

Hạt giống của mặt trời

Thế Tôn đã gieo rắc

Vì chúng sanh u tối

Người khai mở lối ra.

Bốn sự thật nhiệm mầu

Tám con đường nẻo chánh

An lạc và tự do

Nghĩa cùng lời vi diệu.

Phạm hạnh đã cao siêu

Độ sinh càng khéo léo

Niết bàn cứu muôn loài

Ơn sâu người chỉ dạy! *

Mình thuộc về dòng dõi này không? Sẽ không ngại ngùng để khẳng định mình là dòng dõi của Bụt. Mình là những người học trò mà Bụt tin cậy để nối tiếp sự nghiệp của Ngài. Dù xuất gia hay tại gia, ai cũng đều có hạt giống dòng dõi Thánh. Có hạt giống Bụt thì mới học tập và sống đúng với lời Bụt. Khi mình quy y, phát nguyện thọ trì năm giới, Bụt đã gieo trong tâm mình hạt giống Thánh. Có thể mình còn giận hờn, còn trách cứ, nghi kỵ, lên án. Nhưng điều đó không đáng để mặc cảm là không thể tu học thành công. Phận sự của mình là mỗi giây phút, mỗi ngày, luôn nuôi dưỡng hạt giống tuệ giác, từ bi. Trong bài kệ Tùy hỷ hồi hướng có câu: “Nếu con đã từng nói lời ái ngữ, dù chỉ một vài câu”. Ái ngữ mà tiết kiệm đến chừng đó, vẫn có công đức để hồi hướng về quả vị bồ đề. Vậy, không có lý do gì mình phải xấu hổ vì những yếu kém đang có. Hạt giống của Thánh Tăng cần được tưới tẩm và nuôi dưỡng mỗi ngày. Nếu không, hạt giống ấy sẽ héo mòn và đất tâm chỉ toàn là hạt giống gai góc, hẹp hòi, thù hận.

Thầy Vangisa dành cho Bụt nhiều tình thương và sự tôn kính lớn. Thầy xem mình là hạt giống Mặt trời, còn Bụt là Mặt trời. Đây không phải là điều thầy Vangisa tự nghĩ, rồi tưởng tượng bằng tính nghệ sĩ. Đây là sự thật mà tự thân thầy đã chứng nghiệm. Ngay bây giờ mình có thể chứng nghiệm với cái thấy của thầy Vangisa. Khi tiếp xúc với bất cứ hiện tượng gì với tâm chánh niệm, mình thấy rõ tính tương tức, tính duyên sinh và sự tương quan toàn diện của vạn vật. Thân tâm là cuộc đời, là liên hệ khắng khít. Một tâm niệm an lành thì sự sống được nuôi dưỡng. Bụt dạy: “Thấy được tính duyên khởi là thấy được Như Lai”. Vì thế, mình thấy Bụt qua hình tướng một đám mây hay một hạt sương. Mình tiếp xúc với Bụt bằng tách trà nóng trên tay. Và nhìn đâu mình cũng thấy Bụt mỉm cười. Dù mình tu chưa giỏi bằng Bụt, hình tướng mình không đẹp bằng Bụt, nhưng mình sẽ là những vị Bụt tương lai.

 Cuộc sống quanh ta, có lúc hiển bày, có lúc ẩn tàng. Vạn pháp tuy sinh diệt nhưng đều mầu nhiệm về cả hai phương diện hiện tượng và bản thể. Nhờ vô thường nên hạt giống được nảy mầm, thành cây, đơm hoa, kết trái. Nhờ vô thường nên khổ đau được chuyển hóa thành hạnh phúc. Và cũng nhờ vô thường nên mình ý thức và an trú sâu sắc hơn về sự có mặt của người thương yêu, biết trân kính những yếu tố hạnh phúc đang có. Vạn pháp trên sự tướng có biểu hiện sinh và diệt, đến và đi. Nhưng tất cả những biểu hiện sinh diệt ấy từ xưa nay chưa bao giờ từng sinh khởi và vắng mặt trên thế gian. Chỉ có sự ẩn tàng và tiếp nối. Mình có mặt hôm nay nhưng cũng có mặt từ ngàn xưa đến ngàn sau. Thấy và chứng được lẽ thực này, an lạc và tự do sẽ có mặt. Những khổ lụy từ thế gian sẽ không khuynh động đến mình.

Thế giới nhiều xung đột và bạo động. Những cuộc nội chiến làm hàng trăm người chết mỗi ngày. Tất cả những điều đó là tính chất của khổ đế, một sự thật luôn có mặt trong đời này. Nhưng tiếp xúc và ý thức về khổ đau không phải để mình né tránh hay lãng quên. Ý thức, tiếp xúc về khổ đau trong cuộc đời để mình hiểu rõ nguyên nhân và có hành động xây dựng, bảo vệ, che chở sự sống. Biết về khổ đau bằng năng lượng chánh niệm sẽ không làm mình khổ đau thêm. Mình nương tựa vào lời Bụt dạy để thực tập sâu sắc và cảm nhận được hạnh phúc. Hạnh phúc này có trong hiện tại mà không cần tìm cầu. Nó rất gần gũi thân thương như lúc nhìn một chiếc lá hay một ngọn nến trong chánh niệm. Đó là an trú, là hiện pháp lạc cư cùng với Bụt, ngồi bên Bụt.

Ai cũng có quá khứ như thầy Vangisa. Lúc chưa học hỏi và hành trì lời Bụt dạy, mình là người lang thang, lo đi tìm hạnh phúc trong ngũ dục. Có lúc mình rơi vào tâm trạng khổ đau vì chưa tìm ra lối thoát, mang thân phận người đánh mất quê hương, hết cảnh quê rồi tới cảnh chợ. Nhiều thanh niên thiếu nữ đã lao vào thú tiêu khiển và hưởng thụ. Niềm vui mà họ có được trong các điều kiện ấy chưa bao giờ được đáp ứng thỏa mãn nhu yếu trong lòng họ. Như người bộ hành qua sa mạc, người ấy trong tình trạng nóng bức, hốc hác, khó chịu và cơn khát nước đang xâm nhập khắp tế bào trong cơ thể. Người ấy băng qua một đoạn đường dài giữa buổi trưa nắng gắt. Người ấy mừng rỡ vì gặp một lỗ chân trâu còn đọng một ít nước. Nhưng nước trong lỗ chân trâu lại chứa đầy vị mặn chát của muối.

Những hình ảnh Bụt đưa ra để minh chứng về những hiểm nguy và tai họa của dục: “Dục như than hừng, miếng thịt sống, khúc xương trần, bó đuốc rơm, cây sai trái, lưỡi dao bén, thanh sắt nhọn, v.v…”. Thầy Vangisa được gặp chánh pháp nên thoát khỏi cảnh ngộ này. Nhờ bậc thiện tri thức luôn hiện hữu trong đời nên niềm tin trong mình được thắp lên. Tỏa sáng như một ngọn đuốc. Thắp lên ngọn lửa của bồ đề tâm thì ngọn lửa này thành đuốc thiêng. Đuốc mà cháy trong vòng vài phút rồi tắt ngấm là đuốc rơm. Nhưng đuốc thiêng thì bừng sáng suốt đời. Thắp đuốc rơm mình sẽ không thấy bản chất chân thật của các dục. Nhưng thắp đuốc thiêng mình liền nhận ra tai họa của các dục để nhanh chóng xa lìa. 

Như nai vừa thoát bẫy sập, như cánh chim thoát khỏi lưới bủa vây. Từ thân phận cùng tử, mình trở thành học trò của Bụt. Bốn sự thật có mặt trong đời (khổ, tập, diệt, đạo) là bốn sự thật nhiệm mầu. Trong cái khổ của thế gian mình vẫn tìm thấy hạnh phúc chân thực. Mỗi sáng ngồi thiền, nghe chuông thỉnh, hô canh: “…Ngày mới nguyện đi trong tỉnh thức. Mặt trời trí tuệ rạng muôn nơi!” liền có hạnh phúc. Bài hô canh đầu ngày là bản tuyên ngôn tự do dành cho những ai nguyện sống tỉnh thức và đang sống tỉnh thức. Chỉ cần một lời niệm Bụt mà thân tâm nhất như, không tán loạn, thì lập tức thoát khỏi cõi sinh tử. Sống trong hiện tại vẫn đới nghiệp vãng sanh. Chư Tổ có câu kệ này:

Ái hà thiên xích lãng

Khổ hải vạn trùng ba

Dục thoát luân hồi khổ

Tảo cấp niệm Di Đà.

Sư ông Làng Mai dịch:

Sông ái dài muôn dặm

Biển mê sóng vạn tầm

Cõi luân hồi muốn thoát

Niệm Bụt hãy nhất tâm.

Xa lìa sông ái dục thì đời sống phạm hạnh mau chóng thành tựu. Một chiến thắng vẻ vang của người chiến sĩ không trang bị vũ khí, cung tên. Người chiến sĩ tâm linh chỉ trang bị cho mình tâm thương yêu và sự buông xả. Với người đệ tử Bụt, khi thành tựu phạm hạnh, thì không xem đó là phần thưởng cho riêng mình. Sự nghiệp giác ngộ và độ đời là ý nghĩa báo ơn Bụt. Thầy Vangisa lấy sự chuyển hóa trong tu học làm tràng hoa thơm dâng cúng dường Bụt và bạn đồng hành. Nếu không có sự khai thị của thầy Ananda, chưa chắc thầy Vangisa sớm nhận thức rõ tình trạng của mình để chuyên cần thực tập. Vì vậy, tu với Bụt cũng quan trọng mà tu với các bạn đồng tu cũng quan trọng như nhau.

Trong thầy Vangisa có hạt giống Mặt trời. Mình là đệ tử Bụt cũng có hạt giống ấy. Bụt được sinh ra trong thế gian, giác ngộ trong thế gian và những điều Bụt dạy được chứng nghiệm từ thế gian: “Như những bông sen xanh, bông sen hồng hay bông sen trắng, sinh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước và đứng thẳng không bị nước nhiễm ướt. Cũng vậy, Như Lai sinh ra ở trong đời, lớn lên trong đời, vươn lên khỏi đời, và sống không để đời ô nhiễm”.** Mình là những hạt sen, những bông sen được sinh ra, lớn lên trong cõi sinh tử. Nhưng nhờ pháp Bụt mình là những đóa sen vươn lên khỏi nước, đứng thẳng, không để phiền lụy đam mê trong đời trói buộc.

 

*Trích Đường Xưa Mây Trắng, chương 70, Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

** Trích Kinh Bông Hoa, Nikaya.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)