Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Lỗi & phải

Đã đọc: 4985           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Không phải lỗi tại tôi Đây là chuyện có thật, xảy ra tại tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ. Tại một nhà thương nọ, các bác sĩ đã giải phẫu một người đàn ông bị bệnh mập phì, gắn vào một cái vòng thắt bao tử để giúp ông bớt ăn nhiều.

Sau cuộc giải phẫu vài ngày và bắt đầu lại sức, ông đứng dậy đi lang thang trong hành lang của nhà thương để tìm nhà bếp. Khi thấy được nhà bếp thì ông đi thẳng tới cái tủ lạnh to tướng, mở ra và ăn ngấu nghiến tất cả đồ ăn để trong đó.  Vì ăn quá mức nên cái vòng thắt bao tử của ông téc ra, làm chảy máu nội thương.  Thế là bác sĩ phải mổ lại lần thứ nhì cứu ông thoát chết. Nhưng ai ngờ sau đó ông quay ngược lại kiện nhà thương và bác sĩ. Ông nói: "Tôi bị mổ lần thứ nhì không phải lỗi tại tôi mà là lỗi của nhà thương và bác sĩ đã không biết khóa cái tủ lạnh lại".

Khi nghe câu chuyện trên chắc bạn sẽ tức cười vì quá vô lý. Người đàn ông mập phì kia đã không biết lỗi mình tham ăn thì chớ, nay lại quay sang đổ lỗi cho người khác. Nhưng nếu nhìn kỹ một chút thì đa số chúng ta cũng thường mắc phải lỗi tương tự. Mỗi khi gặp đau khổ, phải chăng chúng ta hay nói: "Tôi buồn là vì ông A mắng chửi tôi; hoặc tôi khổ là tại bà B giựt tài sản của tôi v.v..."?

Ông A có mắng chửi tôi hay không, đó là vấn đề của ông A, vì tôi không thể làm chủ ý nghĩ và lời nói của ông ấy. Nhưng tôi có buồn giận hay không, đó là vấn để của tôi, vì tôi có thể làm chủ tâm ý và tình cảm của mình. Nếu tôi buồn vì bị ông A mắng chửi, đó tức là tôi đã vô tình cho phép ông ấy điều khiển tình cảm của tôi. Nói cách khác, tôi là một người nộm để cho người khác giựt giây. Khi bị người mắng thì tôi buồn, được người khen thì tôi vui. Như vậy sự vui, buồn của tôi hoàn toàn tùy thuộc vào kẻ khác. 

Nếu bà B giựt tài sản của tôi một cách bất lương thì điều mà tôi có thể làm là nhờ luật pháp can thiệp, và không cần phải "buồn khổ". "Buồn khổ" là một cảm xúc thừa và vô ích (hay vô minh). Nếu tôi buồn khổ, tức là tôi đã dại dột cho phép bà B hại tôi tới hai lần, một lần về tài sản, và một lần về tinh thần.

Tóm lại, người khác có thể làm bất cứ chuyện gì đối với ta, đó là việc của họ, vì họ đang tạo nghiệp. Chuyện quan trọng là phản ứng của ta đối với hành động của họ. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào ta, và ta là người chịu trách nhiệm về ý nghĩ, tình cảm của mình. Đừng đổ lỗi cho kẻ khác.

Nhìn lỗi người

Có một nhóm thuyền chài gồm năm sáu chiếc cùng ra khơi đánh cá. Chẳng may xế chiều, mây đen ở đâu bất ngờ kéo đến che phủ bầu trời, bão tố, sấm sét nổi lên ầm ầm, các thuyền đều chao đảo, và rồi có thuyền bị gẫy buồm, có thuyền bị thủng lỗ, có thuyền bị gẫy bánh lái, v.v... không có thuyền nào còn nguyên vẹn. Trên mỗi thuyền ai nấy đều hoảng hốt lo cứu chữa thuyền của mình. Duy có một thuyền cũng bị gẫy buồm, thủng lỗ, nước tràn vào sắp chìm mà anh chủ tàu không để ý lấp lỗ, tát nước mà cứ đứng trên khoang tàu nhìn sang thuyền kẻ khác la ó, chỉ trỏ bảo họ phải làm thế này thế nọ. Vì mải say mê chỉ bảo người khác mà không lo cứu thuyền mình nên thuyền của anh chìm trước tiên. 

Tất cả chúng ta đều là những người đang lênh đênh trên biển khổ sinh tử luân hồi, bị gió nghiệp thổi, bị bão phiền não làm thất điên bát đảo. Người nào ý thức được sự nguy hiểm thì lo tu hành, tu tâm sửa tánh của mình để chuyển nghiệp và phiền não. Nhưng cũng có người thay vì lo tu tâm sửa tánh của mình thì lại đi tu sửa người khác, thích để ý bắt lỗi, dòm ngó kẻ khác, chẳng khác gì anh chủ tàu chết chìm trên.

Nghĩ xấu là tự hại mình

Trong thân thể con người 70% là nước. Theo giáo sư Masaru Emoto thì nước chịu ảnh hưởng và biến thái theo tình cảm và ý nghĩ của con người. Thí dụ một người cầm trong tay một ly nước lọc và nghĩ tưởng đến "tình thương" (love), sau đó giáo sư Emoto đem ly nước đó ra làm đông đặc và chụp hình thì thấy nó cho ra những tinh thể nước (water crystal) rất đẹp với cấu trúc cân đối, màu sắc trong sáng. Cũng cùng một ly nước đó, nhưng người cầm khởi lên ý nghĩ xấu ác như thù ghét, ganh tị thì tinh thể biến dạng trở nên méo mó hỗn độn, màu sắc u ám. Thí dụ khác, không cần phải có người cầm ly nước với ý nghĩ mà chỉ cần viết xuống mảnh giấy một câu tốt lành như "tình thương" rồi để ly nước lên trên, cũng cho ra kết quả chẳng khác gì người cầm ly nước. Từ đó cho thấy những tư tưởng, ý niệm dù dưới hình thức nào, trong ý nghĩ hay chữ viết cũng đều tỏa ra năng lượng (energy) và rung động (vibration) ảnh hưởng đến tính chất của nước. Giáo sư Emoto đã gia công thử nghiệm và chụp hàng trăm tấm hình tinh thể nước với nhiều ý tưởng và cảm xúc khác nhau.  

Một ly nước với những tinh thể tươi đẹp, cân đối thì khi uống vào chắc chắn sẽ nuôi dưỡng và truyền năng lượng tốt vào cơ thể. Một ly nước với những tinh thể hỗn độn, méo mó thì chắc chắn sẽ làm cho cơ thể bệnh hoạn. Thuở xưa,  trong các thiền viện ở Nhật Bản, người nấu ăn cho đại chúng là người đứng hàng thứ hai sau vị trụ trì. Bởi vì nấu ăn cho đại chúng là một việc rất quan trọng, phải là người có nhiều lòng từ bi, biết lo lắng cho sức khỏe của họ, chứ không cần phải là người biết nấu ăn ngon. Bởi vì nấu ăn ngon mà tâm toát ra nhiều phiền não, tham, sân, ngã mạn, ganh tị thì những tư tưởng xấu ác này sẽ thấm vào nước, vào đồ ăn, và sẽ làm hại sức khỏe của đại chúng. 

Trên đây là nói về nước và thức ăn từ bên ngoài. Nhưng nước bên trong cơ thể con người như máu, đờm, dãi, mật, tủy, v.v... cũng chịu ảnh hưởng của ý nghĩ, và tình cảm của đương sự. Như ta thấy, chỉ cần khởi nghĩ một tâm niệm xấu ác đã làm biến chất một ly nước bên ngoài, huống chi là nước ngay bên trong cơ thể của người nghĩ. Vậy thì khi mình khởi lên những ý nghĩ xấu ác như tức giận, lo âu, sợ hãi, thù ghét, ganh tị, v.v... có phải là mình đang tự đầu độc mình không?

Cổ nhân thường nói "Ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình". Ý đó cũng nói khi muốn làm dơ kẻ khác thì mình đã tự làm dơ mình trước. Khi nổi sân, mắng chửi người khác, lúc đó trong người ta tim đập mạnh, huyết áp tăng, mặt mày xây xẩm. Nếu chẳng may ta có bệnh cao huyết áp thì có thể bị đứt mạch máu. Do đó mới có câu "tức hộc máu mà chết". Nếu không chết hộc máu vì sân thì từ từ tim mạch cũng bị hư hoại dần và sẽ có ngày trụy tim mà chết. 

Nếu chúng ta biết thương mình thì hãy tập giữ gìn tâm ý, đừng nghĩ xấu ác đối với kẻ khác. Vì nghĩ xấu kẻ khác chính là tự hại mình, tự đầu độc mình. Nếu có lỡ nghĩ xấu thì phải nhanh trí sửa lại, vì ta là chủ của sự suy nghĩ kia mà!

(1) Tiến sĩ Nhật, tác giả sách "The hidden messages in water".

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
15/11/2016 10:37:13
hay
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)