Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Hỏa diệm hóa hồng liên

Đã đọc: 6407           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Một lời nói nặng của ai đó, mình mỉm cười. Một cái tát của một ai đó, mình hoan hỷ… Thì mình sẽ có được nước cam lồ và đang tự rưới nước ấy vào tâm mình, mát mẻ đến lạ thường...

Đọc, tán, tụng đến câu này tôi cảm thấy mát mẻ như được Bồ tát Quán Thế Âm dùng nước cam lồ trong bình Tịnh thủy rưới lên tâm mình vậy. Đó là câu cuối cùng trong bài tán Dương chi:

Dương chi tịnh thủy

Biến sái tam thiên

Tánh không bát đức lợi nhơn thiên

Pháp giới quảng tăng diên

Diệt tội tiêu khiên

Hỏa diệm hóa hồng liên

Nam mô Bồ tát Thanh Lương Địa

Khi chúng ta thực tập theo Phật, đó có thể là những cái lạy tiếp xúc với Bụt bằng năm vóc sát đất hoặc ngồi thở thật vững chãi và chánh niệm, hay là niệm danh hiệu Bụt miên mật thì mình sẽ cảm thấy mát mẻ. Khi đó mình sẽ tham dự vào pháp hội Linh Sơn, hoặc được dự vào chúng hội mà ở đó Bồ tát Quán Thế Âm đang dùng tịnh thủy rưới những giọt cam lồ mát dịu cho mình.

Đó là hình tượng, nhưng còn trong tâm thức thì nước cam lồ chính là sự thực tập. Khi đã đầy đủ lượng và thành tâm (tin và hành sâu) thì mình sẽ cảm nhận sự mát mẻ trong tâm mình. Sự mát mẻ ấy cũng toát ra bên ngoài, người khác sẽ cảm được qua từng hành động, lời nói, nét mặt… của mình.

Một khi tâm mình chứa đầy tham-sân-si và được phát hiện trong ý-khẩu-thân thì thế nào tâm mình cũng nóng bức như lửa. Vì nóng nên không an, nên bức rức, không có khả năng kiến tạo hạnh phúc cho mình và hiến tặng bằng an cho người. Và tôi gọi đó là tâm bệnh. Cái bệnh cố hữu của con người này gọi chung là nỗi khổ niềm đau. Nhưng mấy ai nhận ra được và có khi nhận ra nhưng chưa chắc đã chấp nhận mình khổ, đang sống trong cái khổ!

Cũng bởi không chấp nhận nên cứ thế quẩn quanh, sống với nó, để cho nó theo mình như bóng với hình, luân hồi sanh tử. Chỉ khi nào mình ngộ ra điều đó, chấp nhận và tìm thuốc để trị liệu thì mới mong hết khổ. Thuốc ấy là pháp Phật mà tôi gọi là diệu dược chữa trị khổ đau. Thuốc thì đã có đó, với tám vạn bốn ngàn phương nhưng đôi khi người bệnh không chịu uống vì còn nghi, vì còn chưa nỡ bỏ những niềm vui thế tục.

Những lý lẽ được đưa ra như: nếu ai cũng tu hết thì con người sẽ đi về đâu? Nếu ai cũng ăn chay thì chăn nuôi làm sao mà phát triển?... Đại loại là những cái thấy ngắn ngắn như thế bao vây nhận thức của mình nên mình chưa dám hoặc không nỡ bỏ. Và vì vậy không vượt thoát khỏi khổ đau được. Nhưng nếu có nhận thức đầy đủ về sự giải thoát, vượt khỏi luân hồi trong lục đạo (6 nẻo: trời, a tu la, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục) thì mình sẽ thôi luyến tiếc những thứ thuộc về mình, của mình.

Một lời nói nặng của ai đó, mình mỉm cười. Một cái tát của một ai đó, mình hoan hỷ… Thì mình sẽ có được nước cam lồ và đang tự rưới nước ấy vào tâm mình, mát mẻ đến lạ thường. Khi đó, cái tôi và cái của tôi trở thành không, vô tướng thì liền giải thoát. Sự giải thoát ấy có mặt ngay khi mình nhận diện và vững vàng thực tập. Có thể ban đầu mình còn yếu ớt nhưng dần dà mình sẽ có được tập khí lành này để ứng đối một cách tự động (automatic) như là khi đưa tay vào lửa, nóng mình liền rút tay lại vậy.

Bao giờ sự thực tập có đủ sức đề kháng và những phản xạ kiểu như thế thì mình sẽ có thể ngồi trên hoa sen, mát mẻ, thơm tho mà chưa cần phải về Tây phương cực lạc. Bởi Tịnh độ vốn ở đây, ở ngay bây giờ, nơi và thời điểm hiện tại, lúc mình có chánh niệm và đạt được Tam muội của sự thực tập. Và hương thơm, hoa trái của sự thực tập đó cũng chính là thứ tịnh thủy có thể bay ngược gió, tỏa chiếu khắp mười phương để tất cả chúng sinh chỉ cần thấy dạng, nghe danh đã “trăm ngàn phiền não sạch không”. Giọt cam lồ từ sự thực tập ấy thật sự màu nhiệm như lời bài tán Dương chi: “Biến sái tam thiên. Tánh không bát đức lợi nhơn thiên. Pháp giới quảng tăng diên. Diệt tội tiêu khiên. Hỏa diệm hóa hồng liên”. Hiểu được diệu nghĩa đó thì mỗi hành giả đều có thể hiến tặng cho pháp giới một bông hoa sen cao quý nhiệm mầu…

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)