Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Chùa làng chùa thị

Đã đọc: 1903           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Ở quê tôi, đa phần các làng đều có chùa và đình. Ngày xưa lúc còn bé, tôi và những đứa trẻ trong làng hay đến chùa và đình vào những dịp lễ để vui đùa và ăn ké theo người lớn. Những hình ảnh về các sinh hoạt lễ hội của chùa và đình vẫn còn in đậm trong ký ức tôi cho đến ngày nay.

Thật ra lúc còn nhỏ, tôi chẳng hiểu được ý nghĩa về sự có mặt của chùa và đình trong làng, cũng như những sinh hoạt lễ lạt thường kỳ tại các ngôi chùa và đình đó có tác động thế nào đến đời sống văn hóa và tâm linh của người dân. Nhưng càng lớn lên tôi càng nhìn ra được vai trò quan trọng của chùa và đình trong làng. Ở đây tôi chỉ xin nói riêng về vai trò của chùa làng, vì nó gắn liền với cuộc đời tôi kể từ thời tấm bé.

Nói đến vai trò của chùa làng, tôi xin kể cho các bạn nghe một sự kiện xảy ra trong làng tôi lúc tôi còn rất nhỏ. Chuyện là thế này, tại làng tôi, có một họ tộc theo đạo Thiên Chúa. Lúc đó tôi không biết và cũng không phân biệt được họ theo Tin Lành hay Công giáo. Họ không đông đảo lắm chỉ có mấy gia đình. Họ thường tụ tập tại các tư gia này để đọc kinh, làm lễ. Họ là những gia đình có nhiều người ăn học khá hơn người dân khác trong làng. Vì vậy, họ mở lớp học, dạy trẻ em trong làng tại nhà riêng. Tôi là một trong những đứa bé tham dự vào các lớp học mẫu giáo a, b, c,… tại những ngôi nhà của họ tộc theo đạo Thiên Chúa này. Ấn tượng mà tôi còn nhớ mãi là cái cảm giác ngồ ngộ kích thích sự tò mò muốn xem và nghe lúc các gia đình này tụ họp để đọc kinh. Nhưng lúc đã nhìn thấy họ đọc kinh và nghe âm điệu là lạ, nhìn cây đèn bạch lạp màu trắng xanh xao, thì mình lại có cảm giác ngờ ngợ, xa lạ sao đó… Cho nên, đa phần bọn trẻ chúng tôi chỉ đến xem một lát thì bỏ về. Dân trong làng, những người lớn tuổi khác thì không thấy có mặt ở đó dù chỉ để xem. Lúc đó, tôi có cảm nhận mấy gia đình theo đạo ấy là một ốc đảo lẻ loi trong cái làng của mình.

Mấy năm sau, tôi rời làng, lên tỉnh để học. Bẵng đi một thời gian vài năm, khi tôi về lại thì hoàn cảnh đã thay đổi. Hầu như đa phần trong số các gia đình họ đạo ấy đều bỏ đạo đi theo chùa. Những người con cháu trong các gia đình họ đạo đó đã không còn tiếp tục giữ đạo nữa. Có lần về chùa làng trong dịp lễ tôi thấy họ đi chùa lễ Phật và sinh hoạt chung với bà con trong làng. Cái ốc đảo họ đạo kia hầu như đã bị chuyển hóa toàn bộ.

Ở chùa làng, thường những vị thầy trú trì làm rất nhiều việc cho dân làng. Ngoài việc trông nom chăm sóc ngôi chùa, mà chùa nào cũng có ruộng đất canh tác riêng để tự túc, việc lễ lộc hàng tháng, hàng năm tại chùa, vị trú trì còn kiêm luôn việc coi ngày giờ tốt, xấu để cưới hỏi, ma chay, xây cất và sửa chữa nhà cửa, thậm chí sửa chuồng bò, chuồng heo cũng nhờ thầy xem ngày tốt. Những khi dân làng có chuyện tang chế thì vị thầy ở chùa làng là người tận tình cố vấn, hướng dẫn, và thực hiện các lễ nghi cho tang quyến. Chùa làng còn là nơi để dân làng đến uống trà, trò chuyện, tâm sự đủ mọi thứ trên đời. Tôi nhớ trong thời kỳ chiến tranh, chùa làng cũng là nơi để dân ở những làng khác chạy giặc đến tạm cư một thời gian, khi bình an thì quay về lại làng cũ. Vì vậy, có thể nói chùa làng là cái ngôi từ đường của bá tánh trong làng. Nó gần gũi, hữu ích, thân thiện, và không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Tôi vẫn không quên hình ảnh rất cảm động của người dân làng mang, xách, đội từng trái bầu, trái bí, củ khoai, cái bắp chuối, rổ rau sống, giỏ bánh mứt đến chùa làng trong những dịp lễ cúng. Họ xem đó như là chuyện bình thường của người trong nhà, trong họ nên làm lúc nhà từ đường cúng giỗ. Với tình cảm thiêng liêng, sâu sắc và truyền thống lâu đời như vậy, dân làng xem chùa làng, xem đức Phật, xem ông thầy như người nhà với tất cả sự kính trọng và thân yêu.

Trong ngôi làng như thế thì đâu còn chỗ nào cho một tôn giáo mới nảy sinh và phát triển.

Có người nói, chùa chiền gì mà lung tung quá, mê tín dị đoan quá, không hợp với Phật pháp! Chùa chiền gì mà đi xem bói, đi coi ngày tốt xấu để cưới hỏi, để xây chuồng bò, chuồng heo!

Những phàn nàn và thậm chí chỉ trích trên, không phù hợp với thực tế. Tại sao?

Bởi vì tập tục bị phàn nàn đó là của người dân chứ không phải của chùa. Chùa làng nếu muốn phục vụ cho dân thì trước hết phải đáp ứng theo một số nhu cầu của họ, mà ở đây là những tập tục đã có từ lâu đời. Chùa cũng không thể quay lưng hay chống đối cực đoan với các tập tục đó mà phải lần hồi thay đổi bằng những phương thức hợp tình hợp lý, nếu không chùa sẽ trở thành một thứ ốc đảo bị cô lập trong cộng đồng làng xã địa phương. Nhắc tới điều này, tôi nhớ, trước cộng đồng Vatican 2 vào đầu thập niên 1960, Công giáo cũng vì cấm con chiên thắp nhang, thờ cúng ông bà tổ tiên nên khi truyền vào Á châu thì bị thất bại, không thể phát triển, vì bị người dân chống đối, tẩy chay. Do đó, cộng đồng Vatican 2 mới để cho con chiên được tiếp tục giữ tập tục truyền thống của họ. Trước cộng đồng Vatican 2, Giáo hội Công giáo cũng chỉ trích việc thờ cúng ông bà là mê tín dị đoan, là hủ tục cần phải thay đổi để sống theo nếp sống văn minh.

Dĩ nhiên, chùa là nơi để thực hiện mục đích chuyển mê khai ngộ cho con người, tức là có nhiệm vụ giáo dục, điều hướng, và giúp con người khai mở tâm và trí, để xây dựng niềm tin trong chánh kiến, phát triển trí tuệ và mở rộng lòng từ bi. Nhưng việc chuyển mê khai ngộ thì còn tùy theo căn cơ của con người và hoàn cảnh của xã hội mà ứng dụng phương thức, cũng như có mau chậm khác nhau. Muốn chuyển hóa dân làng từ mê tín sang chánh tín cần phải chuẩn bị một số việc cần thiết như sau.

Thứ nhất, nâng cao dân trí bằng con đường mở mang trường học, khuyến khích và hỗ trợ cho dân làng và con em của họ có điều kiện học hành tới nơi tới chốn để tránh tình trạng thất học, hay học ít nên thiếu nhận thức chính xác. Trong trường hợp này, chùa làng có vai trò rất lớn và rất hữu dụng trong việc giúp giáo dục con em của dân làng bằng cách biến chùa thành trường học, thành nơi dạy kèm cho các em. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng ngày xưa khi đất nước chưa thành lập hệ thống giáo dục chính thức thì chùa là trường học, là trung tâm văn hóa đào tạo nhân tài cho xã tắc.

Thứ hai, giúp dân làng ngày càng hiểu biết thêm về Phật pháp. Đây chính là sứ mạng trọng đại mà chùa là cơ sở nền tảng để thực hành. Chùa cần thường xuyên giảng giải Phật pháp trong các lễ lạt hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, hay trong các khóa tu học đặc biệt. Chùa là thư viện, là trung âm ấn hành, biếu tặng và khuyến khích quần chúng đọc kinh sách Phật học.

Thứ ba, các vị trú trì cần được đào tạo có trường lớp căn bản về khả năng chuyên môn làm trú trì. Các vị trú trì không thể thiếu một số yếu tố cần thiết như trình độ Phật học căn bản, biết các khoa nghi lễ tổng quát, biết cách tiếp xử với quần chúng Phật tử nông thôn, có tấm lòng từ bi hỷ xả đủ để có thể bao dung, tận tụy phục vụ cho dân làng mà không đòi hỏi điều gì vượt ngoài hoàn cảnh tại địa phương cho phép.

Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Thực tế, thì không đơn giản như vậy. Dân làng thường là thành phần nông dân có học thức thấp, sống giản dị, chất phác, thuần hậu và giữ gìn tập tục một cách bền vững. Cho nên, người dân làng ít hiểu biết thấu đáo tinh hoa triết lý và giáo pháp đức Phật để đem ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Niềm tin của dân làng, vì vậy, cũng rất mộc mạc và pha lẫn tính huyền thoại đôi khi không phù hợp với chánh tín, rất khó để thay đổi lối sống theo tập tục lâu đời. Hơn nữa, các vị Tăng, Ni trú trì các ngôi chùa làng thường là gốc gác từ gia đình nông thôn mà ra, không phải là những vị Tăng, Ni có trình độ văn hóa và Phật học cao - những vị có trình độ văn hóa và Phật học cao thì thấy không thích hợp với vai trò trú trì ngôi chùa làng - nên cũng khó lòng mà thực hiện các phương thức chuyển hóa dân làng hiệu quả. Từ thực tế đó cho thấy rằng chúng ta, trước hết, là phải chấp nhận hiện thực khiếm khuyết ở một số mặt mà không thể đòi hỏi sự hoàn hảo quá lớn. Rồi thì, song song với việc duy trì sự có mặt của chùa làng là đề ra và thực hiện các phương thức chuyển hóa và hoàn thiện lần hồi tùy theo hoàn cảnh ở mỗi địa phương.

Nhân đây tôi cũng xin đề cập đến một sự kiện rất đáng quan ngại về tình hình chùa chiền tại nông thôn Việt Nam ngày nay. Với đà phát triển của xã hội theo chiều hướng kinh tế thị trường những năm gần đây, bộ mặt nông thôn Việt Nam đang ngày càng biến dạng trong chiều hướng tiêu cực: đất đai trồng trọt mùa màng ngày càng bị mất vì nhường chỗ cho các hãng xưởng mọc lên; vành đai các đô thị lớn mở rộng đến các miền nông thôn; nhiều dân quê không còn thấy việc làm ruộng là phương kế sinh nhai thích hợp nên tìm cách vào các thành phố để kiếm công ăn việc làm; tuổi trẻ nông thôn sau khi học xong thì đa phần đều chọn sống ở thành thị nên không quay về miền quê nữa; đình, chùa ở nhiều làng vì vậy cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng thậm chí có nơi còn không có Tăng, Ni nào trú trì để hướng dẫn Phật tử tu học và duy trì cơ sở vật chất. Các tổ chức Giáo hội dường như vẫn chưa quan tâm đúng mức hầu đề ra kế hoạch cụ thể và khả thi để duy trì và phát triển hệ thống chùa làng. Thêm vào đó, đa phần Tăng, Ni đều không muốn về làm trú trì ở các ngôi chùa làng, vì nhiều lý do, mà trong đó có lý do chùa làng không phải là đất phát triển, không thích hợp với bằng cấp cao mà họ đã thành đạt, v.v…

Tình hình này nếu còn tiếp tục kéo dài thì thành trì kiên cố lâu đời nhất để bảo vệ Phật giáo, bảo vệ văn hóa truyền thống dân gian Việt Nam sẽ bị sụp đổ!

Khi làn sóng văn minh phương Tây mà đi theo là các trào lưu văn hóa mới, các thị trường kinh tế tư bản tự do thổi vào Việt Nam trong các thập niên đầu thế kỷ hai mươi và đặc biệt là trào lưu toàn cầu hóa trong vài thập niên qua, mô thức sinh hoạt của xã hội Việt Nam đã lần lần thay đổi: sức mạnh của đô thị hóa, công nghiệp hóa, tin học hóa ngày càng phát triển lôi kéo theo đó là sự gia tăng dân số tại thành thị đến mức chóng mặt mà hệ quả không tránh khỏi là xã hội nông thôn đứng trước tình trạng thụt lùi cả về mặt dân số lẫn sức duy trì và phát triển đủ để đáp ứng những biến động dồn dập đưa tới.

Chùa chiền, do đó, cũng bị cuốn hút theo cơn lốc thời đại. Về mặt khách quan, đó là nhu cầu không thể cưỡng và còn rất cần thiết đối với các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, cũng như các cộng đồng xã hội khác. Ngược lại, về mặt chủ quan, đó là thách thức đầy nguy cơ cho Phật giáo nếu không biết cách thích nghi để vừa bảo vệ truyền thống, vừa phát triển đạo giáo, và vừa tránh được những bế tắc khó thoát. Trong bối cảnh đó, chùa chiền ngày càng được kiến tạo nhiều hơn tại các thành phố, nhưng lại bị lãng quên ở miền quê, miền núi xa xôi. Số lượng Tăng, Ni cũng càng lúc càng gia tăng ở thành thị. Đó là tin vui vì theo lý thuyết một ngôi chùa có mặt sẽ giảm đi một nhà tù, một người xuất gia đầu Phật sẽ bớt đi một người xấu tạo bất ổn cho xã hội.

Đến đây, một vấn đề khác cần được đặt ra là, với tình trạng phát triển của Phật giáo qua hình thức chùa chiền và Tăng, Ni có mặt đông đảo có thực sự giúp ích cho cộng đồng xã hội bớt những tệ nạn, những bất an hay không? Chưa có một nghiên cứu hay thống kê nào đầy đủ và khả tín về vấn đề này được thực hiện và đưa ra cho đến nay để có thể giúp người ta có nhận định và chứng thực cụ thể. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo Phật giáo và cả hàng ngũ cư sĩ Phật tử có quan tâm đến vận mệnh của đạo pháp và dân tộc cũng cần phải nghiêm chỉnh xem xét và thẩm định lại chuyện này.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)