Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản văn hóa thế giới

Đã đọc: 2177           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Từ năm 2006, khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có một không hai tại Việt Nam đã được xếp hạng Di tích Quốc gia. Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới được đệ trình từ tháng 1-2009. Nhờ tư vấn của Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS), vào lúc 20 giờ 30 ngày 31-7-2010 theo giờ địa phương, nhằm lúc 6h30 sáng 1-8 (giờ Việt Nam), Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là tin vui đặc biệt cho đất nước và con người Việt Nam trước thềm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Niềm vui được nhân đôi

Trong kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO diễn ra tại Brasilia, thủ đô của Brazil từ 25-7 đến 3-8-2010, trong số 39 hồ sơ được đề cử, có 29 đề cử di sản văn hóa, 8 đề cử di sản thiên nhiên và 2 đề cử di sản hỗn hợp. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO chính thức thừa nhận là Di sản văn hóa thế giới thứ 900. Trước kỳ họp 34 này, thế giới có 890 di sản thế giới tại 148 nước, trong đó 689 địa danh là di sản văn hóa, 176 di sản thiên nhiên, và 25 di sản văn hóa và thiên nhiên.

Việc khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được liệt vào danh sách di sản văn hóa thế giới nâng số di sản thế giới của Việt Nam thành 6, trong đó có 4 di sản văn hóa thế giới gồm quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (cùng năm 1999) và Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2010) và 2 di sản thiên nhiên thế giới gồm Vịnh Hạ Long (1994 - di sản thiên nhiên và 2.000 - di sản địa chất) và Vườn quốc gia Phong Nha – Kẽ Bàng (2003). Ngoài ra, Việt Nam hiện có 3 di sản phi vật thể gồm Nhã nhạc cung đình Huế (2003), không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên (năm 2005), không gian văn hóa Quan họ Bắc Ninh (2009) và Ca trù (2009).

Từ tháng 12-2002, Hoàng thành Thăng Long được phát lộ và khai quật đến nay khoảng 19.000 m2. Về quy mô thì đây là đợt quật khảo cổ học lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong 1.300 năm, trải qua các vương triều từ tiền Thăng Long cho đến Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đã từng là trung tâm chính trị, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và tôn giáo của cả nước. Trong bối cảnh cả nước hân hoan hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 18/21 nước thành viên Ủy ban Di sản thế giới đã bầu chọn Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, có ý nghĩa thời sự vô cùng to lớn.

Các giá trị toàn cầu

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội thỏa mãn tiêu chí 2, 3 và 6 trong bộ 6 tiêu chí của Ủy ban Di sản thế giới. Tiêu chí thứ 2 dành cho “Những di sản có khả năng biểu đạt sự giao thoa lớn giữa các giá trị nhân văn trong một giai đoạn lịch sử hoặc một vùng văn hóa của thế giới trong sự phát triển của kiến trúc hoặc kỹ thuật, công trình nghệ thuật kỳ vĩ, các công trình quy hoạch đô thị hay các công trình tạo dựng cảnh quan”. Tiêu chí 3 dành cho: “Những di sản có ý nghĩa như một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng là đặc thù của một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc vừa mất đi”. Và tiêu chí 6 quy định: “Những di sản có mối liên hệ trực tiếp hoặc rõ ràng với những sự kiện hay truyền thống trong cuộc sống hiện tại với các tư tưởng hay tín ngưỡng, với các tác phẩm nghệ thuật và văn hóa có giá trị nổi bật toàn cầu”.

Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội thể hiện rõ nét sự giao lưu văn hóa lâu dài, cũng là nơi tiếp biến văn hóa, triết học và tôn giáo có giá trị toàn cầu. Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội còn là nơi minh chứng về văn hóa Đại Việt tại châu thổ sông Hồng trong suốt một thiên kỷ. Các tầng văn hóa khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội minh chứng về kiến trúc và nghệ thuật của các vương triều tại Việt Nam, thể hiện các phương diện chính trị, luật pháp, kinh tế, văn hóa và tôn giáo liên tục trong hơn một ngàn năm, một di sản thuộc hàng quý hiếm trên thế giới.

Di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là bằng chứng xác thực về sự phục hưng ngoạn mục của Việt Nam sau cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc suốt hơn một ngàn năm với bá quyền Trung Quốc. Ở phương diện nào đó, sự độc lập chủ quyền của Việt Nam vào giai đoạn đó có ảnh hưởng tích cực trong phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Vẫn còn đó những nỗi lo

Khi Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được liệt vào di sản văn hóa thế giới chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển về du lịch và kinh tế của Việt Nam. Nhưng để làm được việc đó, trước nhất chính phủ đầu tư vào công tác bảo trì, trùng tu các di sản đúng với quy định khắt khe của UNESCO, song song với các quy định về quy hoạch đô thị và tiện ích ở các khu vực phụ cận.

Trong hai tháng tới, Hà Nội cần ráo riết triển khai công tác tổ chức đón số lượng du khách quốc tế và trong nước trong dịp Đại Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhiệm vụ quan trọng hơn vẫn là công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị của di sản thế giới đặc biệt này. Kinh phí cho các công tác vừa nêu không phải là chuyện quá thuận lợi với Việt Nam hiện nay, nhưng nếu biết huy động sự phát tâm của quần chúng và doanh nghiệp, việc bảo tồn và tôn tạo không phải là quá khó khăn.

Cần lưu ý rằng các thảm họa thiên nhiên, phát triển đô thị, thảm họa ô nhiễm và khai thác du lịch quá mức trong khi quản lý thì kém sẽ là các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gây nguy hại cho các di sản thế giới tại các nước nghèo. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội không phải là một ngoại lệ.

Theo PGS.Tống Trung Tín, khi báo chí đã đưa tin này cách đây vài tháng rồi mà: “Họ vẫn lờ đi thì thật đáng trách hay nói thẳng ra là đã vi phạm Luật Di sản văn hóa. Còn đằng này báo chí lên tiếng rồi, thậm chí Cục Di sản cũng có văn bản rồi mà họ vẫn phớt lờ thì thật đáng trách… Cứ như trường hợp này và cứ lý do kiểu này, chúng ta sẽ phá hoại hết các di sản dưới lòng đất của Hà Nội”. Thiển nghĩ Chính phủ Việt Nam cần quy định các chế tài đối với các hình thức xâm phạm và phá hoại di sản thế giới của Việt Nam và di sản cấp quốc gia Việt Nam.

Để bảo vệ các giá trị lịch sử văn hóa của những khu vực liên hệ đến Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội nên chỉ đạo các cơ quan hữu trách đề ra giải pháp tối ưu trong việc bảo vệ nguyên trạng các đoạn thành còn lại. Việc làm này là rất cần thiết vì nó thể hiện tính cam kết của Chính phủ trong việc thực hiện các quy định quốc tế của UNESCO trong việc bảo tồn di sản thế giới của Việt Nam. Điều này còn gián tiếp cho thấy quy mô của Thăng Long ngày xưa rộng lớn và đó chính là sự tự hào của đất nước và dân tộc Việt Nam.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)