Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

NSƯT Kim Cương người mang tình thương vào đời

Đã đọc: 3900           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trái tim của người nghệ sĩ rất gần với Phật pháp qua tinh thần từ bi, lòng thương người...

Người nghệ sĩ một thời vang bóng, nay đã rời xa sân khấu, bỏ lại đằng sau những bon chen của ánh đèn màu phố thị, hào hoa náo nhiệt, tìm vui với công việc mang tình thương vào đời giúp người khốn khó... Nữ nghệ sĩ Kim Cương tên thật là Nguyễn Thị Kim Cương, pháp danh Từ Huệ, sinh năm 1937 tại Sài Gòn. Cha là ông bầu Nguyễn Ngọc Cương và mẹ là Nghệ sĩ Nhân Dân Bảy Nam. Hiện giờ, nghệ sĩ Kim Cương là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật, trẻ em khiếm thị, trẻ em mồ côi ở Hóc Môn, TP.HCM.

Mỗi người đến với đạo Phật đều có mỗi nhân duyên khác nhau. Vậy nhân duyên đặc biệt nào khiến nghệ sĩ Kim Cương bén duyên với Phật pháp?

Trái tim của người nghệ sĩ rất gần với Phật pháp qua tinh thần từ bi, lòng thương người, biết đau cho nỗi đau của người khác. Nghệ sĩ Bạch Tuyết, Thanh Kim Huệ, Lệ Thủy, Út Bạch Lan và nhiều văn nghệ sĩ khác… theo Phật pháp cũng là lẽ đương nhiên.

Đối với phần đông người Việt Nam ít nhiều gián tiếp hay trực tiếp đều bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của đạo Phật. Từ nhỏ mẹ tôi cũng thường dẫn tôi đi chùa nhưng thật sự hiểu và làm một Phật tử thuần thành thì chỉ mới 20, 30 năm thôi.

Ngoài đức Phật Bổn sư, ba nguồn hỗ trợ cho việc học đạo của tôi là HT. Thích Thanh Từ (vị bổn sư đã dạy cho tôi rất nhiều điều), bạn bè tôi và sách vở, băng giảng của Đại đức Thích Nhật Từ. Tôi thích các sách của Cao Huy Thuần, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Tường Bách và đặc biệt là sách và pháp thoại của thầy Nhật Từ. Phải nói thầy Nhật Từ là một trong những vị thổi luồng gió mới vào giáo lý đạo Phật qua những đĩa giảng và tác phẩm. Thầy là một trong những nhịp cầu giữa Phật pháp và tuổi trẻ, nối những bờ vui, để những chúng sanh u tối như tôi tìm được lối về sau bao năm dài mê ngủ.

Theo tôi, biết được Phật pháp là một duyên lành. Tôi đến với Phật pháp chỉ vì triết lý sống của Phật pháp, vì những phương thuốc của Phật làm tôi vơi bớt những khổ đau, dẹp được cái tôi (bản ngã) vốn có của một nghệ sĩ đa tài. Vào được cửa Phật, tôi như bừng tỉnh khi nhận thấy mọi thứ diễn ra trên cuộc đời này rồi cũng sẽ tan dần theo mây khói, vậy thì sá gì một chút danh, một chút lợi mà ta phải khổ.

Tôi đến với Phật chỉ mong mỗi ngày tu thêm một chút, buông xả thêm một chút, giúp người thêm một chút để những kiếp về sau sanh ra bất cứ nơi nào tôi cũng được nương nhờ bóng mát từ bi của Phật.

Là một nghệ sĩ Phật tử đang sống trong một quốc gia có nhiều tôn giáo, cô có gặp trở ngại gì khi người ủng hộ cô trên con đường nghệ thuật không phải là Phật tử?

2000 năm qua hình ảnh của mái chùa, lời kinh, nhịp mõ, bóng dáng từ hòa của chư Phật, của các vị Tăng Ni đã ăn sâu vào huyết quản của từng người dân Việt. Nên sự kỳ thị, ánh mắt không thiện cảm của người khác đạo đối với một nghệ sĩ như tôi, là đệtửcủa Phật theo tôi sẽ không thể xảy ra.

Những người mến mộ tôi không chỉ là Phật tử, mà còn thuộc nhiều tôn giáo khác nhau. Họ ủng hộ tôi như tôi từng ủng hộ những tôn giáo khác. Không có thần thánh hay Thượng đế nào xúi người ta làm bậy. Khi khán giả khác đạo biết tôi gắn bó với Phật pháp, là một Phật tử thuần thành đang thực hành hạnh nguyện của chư vị Bồ-tát, tạo công ăn việc làm cho những mảnh đời bất hạnh chắc là họ sẽ thương tôi.

Nhiều người biết tôi gắn bó với Phật pháp họquý trọng tôi hơn. Trong giao tiếp, tôi đã nói cho mọi người biết về lời Phật dạy, bằng cách này hay cách khác. Tôi đã nhắc cho họ nhớ rằng nương tựa Tam bảo là một phước báu lớn trên đời.

Được biết, năm 2009, cô đã chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ và Nepal. Xin cô cho biết cảm xúc của mình trong chuyến chiêm bái đó?

Qua chuyến tham quan Tứ động tâm tại Ấn Độ và Nepal, tôi không còn thấy Phật là một đấng tối cao trong tín ngưỡng. Tôi nhìn thấy một đức Phật lịch sử cao quý, rất người. Ngài là một thanh niên 29 tuổi bỏ ngai vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan, cất bước trong chiếc áo vàng giải thoát. Ngài một mình ra đi trong đêm vắng để tìm con đường cứu giúp nhân sinh.

Tôi đã bật khóc khi đến thành Câu Thi Na nơi Phật nhập Niết bàn. Trước mắt tôi, Ngài không chỉ là một Đấng Đại giác cao siêu, nhưng lại vừa là một Ông lão 80 tuổi, đi bộ suốt 49 năm tìm phương thuốc giải cứu mọi loài thoát khỏi khổ đau. Quả thật cao quý biết dường nào.

Chiêm bái Phật tích Ấn Độ đã giúp tôi trở thành con người an lạc hơn, thảnh thơi hơn.

Được biết, cô đang dành hết tâm lực cho công tác từ thiện xã hội, nghĩa là cô đang thực hành lời Phật dạy. Cô muốn chia sẻ, hay có tâm sự, nhắn gửi những gì đến với bạn đọc?

Tôi nghĩ nếu mình sống với nhau bằng tấm lòng và tình thương thì mọi chuyện sẽ rất dễ dàng. Bình đẳng, chân thật, cởi mở, cảm thông, hài hòa với mọi người thì cuộc đời chắc chắn sẽ không có chông gai. Trên đời này không ai hoàn hảo, vẹn toàn, chính tôi cũng còn rất nhiều khuyết điểm nhưng bạn bè thương tôi là thương cái đúng của tôi.

Sư phụ của tôi từng dạy: "Người làm từ thiện phải ví mình như bình tịnh thủy và nhành dương liễu của Bồ tát Quan Âm. Nước cam lồ trong bình tịnh thủy sẽ dập tắt những ngọn lửa sân giận đang bùng cháy. Còn nhành dương liễu biểu trưng cho sự mềm mại, dẻo dai". Muốn dấn thân vào đời, làm từ thiện thì phải mềm mại, dẻo dai như giọt nước nhành dương vậy.

Nếu tôi không học hạnh của Bồ tát Quan Âm thì tôi đã bỏ làm từ thiện lâu lắm rồi. Khi làm từ thiện, có rất nhiều chuyện trái ý nghịch lòng xảy ra. Đó là chưa kể đến nhiều gian nan thử thách khác. Tôi đã chuyển hóa được nhờ quán chiếu "mình là người" và "người là mình" để dễ cảm thông và từ bi rộng mở, như đất có thể dung chứa, như nước có thể rửa sạch các bợn nhơ, để nhận chịu mọi nghịch cảnh chông gai của cuộc đời. Tôi mong muốn mọi người cũng thế.

Cô có thể chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng giáo lý đạo Phật trong cuộc sống cho độc giả gần xa?

Buổi sáng, tôi thức dậy lúc 5h00 và lạy Phật, tụng kinh Pháp Hoa cũng như ngồi thiền trước bàn Phật đến 6h00. Đó là những giờ phút tâm linh nhất của tôi. Quỳ trước Phật, trước vong linh của má, của ba và những vị tiền bối. Tôi đã thì thầm khấn tất cả những niềm vui nỗi buồn. Tôi trải lòng với Phật, cầu mong mọi chuyện sớm qua đi. Những nghiệp báo trả vay rồi cũng tan dần theo năm tháng. Vì thế, mỗi khi có chuyện buồn, phiền não, tôi đều đối diện bàn Phật, quán niệm hơi thở 15 phút hoặc nửa tiếng để có sự bình yên trở lại. Tôi xin chia sẻ hai cách tôi quán tưởng như sau.

1. Tôi quán cuộc đời này rất vô thường, cái gì rồi cũng qua. Hạnh phúc, bao nhiêu rồi cũng hết; đau khổ bao nhiêu rồi cũng tàn. Nhờ đó, tôi lấy lại được bình tĩnh và tìm ra nguyên nhân tại sao nó đến với mình? Từ đó, tôi tìm được hướng giải quyết tốt hơn là để tâm rơi vào tuyệt vọng hay cái chết.

2. Tôi luôn đặt mình vào từng hoàn cảnh của những người tôi tiếp xúc để thiết lập cảm thông, khi có chuyện không hay xảy ra. Dù có xảy ra bất kỳ chuyện gì, tôi cũng thấy nhẹ nhàng, thanh thản vì tôi đồng cảm với họ, luôn hiểu được họ.

Từ khi hiểu Phật pháp, tôi mới có được suy nghĩ này. Hai phương pháp trên đã giúp tôi vơi đi nhiều phiền não, trị lành được căn bệnh nan y của mình, dùtrước đây phải loay hoay mãi vẫn bị vướng kẹt.

Mỗi sáng thức dậy, tôi đều nguyện cầu cho mình đời đời kiếp kiếp sanh ra nơi nào cũng được gặp Phật pháp, được làm con Phật và được trải lòng giúp đỡ những mảnh đời không may bằng tất cả trái tim và khả năng của mình.

Luôn tiện, tôi xin thông báo, các em mồcôi, cơ nhỡ, tật nguyền nào, tuổi từ 25-35, có nhu cầu được nuôi dưỡng vàdạy nghề, vui lòng liên lạc với Trung tâm Người tàn tật và Trẻ mồ côi của chúng tôi tại địa chỉ:

33B Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP.HCM, ĐT: (08)3827-3045.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)