Con Đướng độc nhất đi đến Niết Bàn

Đã đọc: 1967           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Này Ananda, thế nào là vị Tỷ-kheo hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?

Tiêu đề trên rút ra từ đoạn kinh TỨ NIỆM XỨ (Trung Bộ Kinh số 10) do ngài Thích Minh Châu dịch: “-- Này các Tỷ-kheo, đây là con đường ĐỘC NHẤT nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ NIẾT BÀN. Ðó là Bốn Niệm xứ.”

Bài viết này nhắm giải thích 2 ý nghĩa quan trọng của pháp tu TỨ NIỆM XỨ: 1) Là con đường đi đến NIẾT BÀN.  2) Là con đường ĐỘC NHẤT để đi đến đó, không thể đi bằng một con đường nào khác được.

 

  1. I.              TỨ NIỆM XỨ LÀ CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN NIẾT BÀN

 

NIẾT BÀN là gì?  -- Nói cho dễ hiểu và cụ thể thì NIẾT BÀN là điểm đến, là mục tiêu của sự tu hành, chính là sự CHẤM DỨT KHỔ ĐAU như Đức Phật đã nói với ngài Anurada:

Lành thay, lành thay! Này Anuràdha. Trước đây và hiện nay, này Anuràdha, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ.”

(Kinh Tương Ưng 6 Xứ: http://budsas.net/uni/u-kinh-tuongungbo/tu4-44.htm )

TỨ NIỆM XỨ CHẤM DỨT KHỔ ĐAU  NHƯ THẾ NÀO?

Từ xưa tới nay ta khổ vì đã đồng hóa THÂN là TA, TÂM cũng là TA.  Cho nên khi THÂN ĐAU thì liền nói TA ĐAU, khi TÂM KHỔ thì liền nói TA KHỔ, ta bị lôi cuốn tức khắc theo sự CẢM THỌ thăng trầm của chúng.  Sự đồng hóa đó gọi là VÔ MINH CHẤP NGÃ.

Đến khi tu pháp TỨ NIỆM XỨ, thường trực dùng TRÍ TUỆ để quan sát THÂN và TÂM cùng với những CẢM THỌ của chúng (tất cả những gì thuộc về TA) một cách KHÁCH QUAN để xem chúng biến đổi như thế nào, thì dần dần có một khoảng cách phát triển giữa TA và chúng.  Từ đó chúng không còn khả năng lôi cuốn TA  tức khắc và nhanh chóng nữa.

Nhờ thế TRÍ TUỆ bớt bị những CẢM THỌ làm lung lay, nên càng vững chãi quan sát sâu hơn.  Sự QUAN SÁT SÂU HƠN này gọi là MINH SÁT TUỆ hay HÀNH THÂM BÁT NHÃ.  Và khi QUAN SÁT SÂU thì mới khám phá ra rằng THÂN, TÂM, CẢM THỌ, hay nói chung là 5 thành phần cấu tạo TA (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) đều là những pháp DO DUYÊN SINH không liên hệ gì tới TA.

Khi khám phá ra sự thật THÂN và TÂM (nói gọn) hay tất cả 5 UẨN (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) đều sinh/diệt theo DUYÊN với các pháp khác, không liên hệ gì tới TA, không là TA, không là CỦA TA, thì đó gọi là giác ngộ SỰ THẬT VÔ NGÃ, thấy TA không hiện hữu trong bất cứ PHÁP HỮU VI có sinh diệt nào cả.  Đó kể như đã đến bờ mé của sự TỊCH TỊNH NIẾT BÀN.

Khi đã nhận ra NGÃ chỉ là một ẢO TƯỞNG và VÔ NGÃ mới là một SỰ THẬT  thì cái tư tưởng có một người chịu nhận đau khổ, cũng chỉ là ẢO TƯỞNG sai lầm.  Cho nên ai giác ngộ được VÔ NGÃ thì cũng giác ngộ được KHÔNG NHÂN, KHÔNG CHÚNG SANH, KHÔNG THỌ GIẢ, tức không có một nhân vật nhận chịu khổ đau.  Bên trong cái thân xác của ta, chắc chắn chỉ có thịt xương máu mủ, chứ không núp chứa một nhân vật nào cả.   Đó chính là cách CHẤM DỨT ĐAU KHỔ của Đạo Phật bằng sức mạnh TRÍ TUỆ sống đúng với SỰ THẬT VÔ NGÃ, chứng nghiệm qua sự thực hành THIỀN QUÁN TỨ NIỆM XỨ.

Cũng nên lưu ý rằng VÔ NGÃ đang nói ở đây là một SỰ THẬT để khám phá, để GIÁC NGỘ, chứ không phải là một ĐỨC TÍNH để tập tành như tập sống với tánh Vị Tha, Hy Sinh, Nhường Nhịn, v.v.  Người tập sống với những Đức Tánh đó vẫn chỉ để xây dựng một cái NGÃ đẹp hơn thôi, chứ chưa ra khỏi CHẤP NGÃ, chưa đạt được VÔ NGÃ.  VÔ NGÃ của sự giải thoát coi PHÀM hay THÁNH đều chẳng phải là TA, đều chẳng phải là CỦA TA.

Chính pháp THIỀN QUÁN TỨ NIỆM XỨ này nói lên đầy đủ tinh thần KHOA HỌC THỰC NGHIỆM của Đạo Phật, và chứa đựng đầy đủ 5 ÂN ĐỨC PHÁP:  1) Thiết Thực Hiện Tại, 2) Không có Thời gian, 3) Đến để mà thấy, 4) Có khả năng hướng thượng, 5) Người TRÍ có thể chứng nghiệm được.

 

1)    THIẾT THỰC HIỆN TẠI:  Bởi vì khi thường xuyên quan sát mình, khổ đau sẽ giảm bớt ngay tức khắc, bởi tâm bị cắt đứt khỏi các đối tượng làm mình Tham, Sân, Si.

 

2)    KHÔNG CÓ THỜI GIAN:  Bởi có hiệu quả ngay tức khắc, không chờ đợi thời gian, và luôn luôn đúng trong cả 3 thời:  Quá khứ, Hiện tại, và Tương lai.

 

3)    ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY:  Bởi vì là một pháp tu THỰC NGHIỆM được, chứ không cần TIN.

 

4)    CÓ KHẢ NĂNG HƯỚNG THƯỢNG:  Bởi vì càng quan sát chính mình, càng phát lộ những điều không tốt để cải thiện.

 

5)    NGƯỜI TRÍ CÓ THỂ CHỨNG NGHIỆM ĐƯỢC:  Bởi những ai có TRÍ TUỆ đều sẽ chứng nghiệm đươc SỰ THẬT VÔ NGÃ để giải thoát như nhau.

 

  1. II.            TẠI SAO TỨ NIỆM XỨ LÀ CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT ĐI ĐẾN NIẾT BÀN

 

Nói như thế có nghĩa là không thể đi đến CHẤM DỨT KHỔ ĐAU bằng một con đường nào khác.  Nói như vậy có cực đoan lắm không?  Không lẻ các Pháp tu khác đều không đạt đến NIẾT BÀN được ư?  -- Tôi không cực đoan đâu, tôi sẽ giải đáp rõ từng thắc mắc.  Nhưng trước hết tôi xin đưa ra 3 lý do dễ hiểu, để thấy TỨ NIỆM XỨ phải là CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT mà ai cũng phải đi qua đó, trên đường đi đến NIẾT BÀN:

 

1)    MỘT BẬC GIÁC NGỘ PHẢI HIỂU RÕ CHÍNH MÌNH:  Không thể có một bậc giác ngộ, biết rõ mọi pháp mà chính mình thì chưa biết hết.  Phải hiểu rõ chính mình thì mới có thể hiểu rõ mọi pháp.  Bởi vì mọi pháp khác đều do mình mà thấy.  Cho nên tất cả các bậc giác ngộ khi đi tìm kiếm con đường giải thoát, luôn luôn trở lại tìm hiểu chính mình. Mà tìm hiểu chính mình chính là phải thực hành TỨ NIỆM XỨ.  Điều đó Đức Phật đã  tâm sự qua 2 câu kinh Pháp cú 153, 154 như sau:

153.     Lang thang bao kiếp sống

Ta tìm nhưng chẳng gặp

Người xây dựng nhà này

Khổ thay phải tái sanh.

 

154      Ôi người làm nhà kia

            Ngươi không làm nhà nữa

            Đòn tay ngươi bị gãy

            Kèo cột ngươi bị tan

            Tâm ta đạt tịch diệt

            Tham ái thảy tiêu vong

                       

Tâm ta đạt TỊCH DIỆT, tham ái thảy tiêu vong, chính là thời điểm chứng ngộ VÔ NGÃ không còn thấy ta hiện diện ở nơi đâu: “Như lai không từ đâu tới, Như lai chẳng đi về đâu”.

 

2)    PHẢI THỰC HÀNH TỨ NIỆM XỨ MỚI CÓ THỂ CHỨNG NGỘ VÔ NGÃ.  VÔ NGÃ là THỰC TƯỚNG của BÃN NGÃ.  Thực tướng này chỉ có thể khám phá ra khi BÃN NGÃ được khảo sát thấu đáo.  Sự khảo sát BÃN NGÃ chính là sự thực hành thiền quán TỨ NIỆM XỨ.  Do đó TỪ NIỆM XỨ đúng là CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT để đi đến NIẾT BÀN.  Vì đó là CON ĐƯỜNG phải đi để chứng ngộ VÔ NGÃ.

 

3)    PHẢI THỰC HÀNH TỨ NIỆM XỨ MỚI CHẤM DỨT ĐƯỢC VÔ MINH.  Đến NIẾT BÀN tức phải chấm dứt VÔ MINH.  Mà VÔ MINH theo định nghĩa của Phật ở trong Tương Ưng Bộ Kinh là sự thiếu hiểu biết về 4 SỰ THẬT của TỨ THÁNH ĐẾ:  1) Sự thật về KHỔ, 2) sự thật về NGUYÊN NHÂN của KHỔ, 3) sự thật về CHẤM DỨT KHỔ, và 4) Sự thật về CON ĐƯỜNG đi đến CHẤM DỨT khổ.  Mà tất cả 4 Sự thật đó đều được nhận ra từ trong chính TA.  Nếu không quan sát chính TA bằng TỨ NIỆM XỨ thì làm sao nhận chân được “đây là KHỔ”, “đây là NGUYÊN NHÂN của KHỔ”, “Đây là sự CHẤM DỨT KHỔ”, hoặc “đây đích thực là CON ĐƯỜNG đi đến CHẤM DỨT KHỔ”.  Khi đã nhận ra đầy đủ tất cả 4 SỰ THẬT, đó là lúc đã bắn xuyên thủng VÔ MINH, tận diệt mọi ĐAU KHỔ, chứng ngộ NIẾT BÀN.  Lúc đó cũng như một bệnh nhân đã thấy rõ thân mình hoàn toàn an lành, không còn chút bệnh hoạn nào nữa.

 

SO SÁNH TỨ NIỆM XỨ VỚI CÁC PHÁP KHÁC

 

Để ý rằng chúng ta cũng thường nghe Đức Phật nhắc nhở:  Không có BÁT CHÁNH ĐẠO thì không thể có sự đắc chứng thánh quả nào hết, hoặc không thấu hiểu TỨ THÁNH ĐẾ thì không thể CHẤM DỨT ĐAU KHỔ.  Những lời tuyên bố đó không mâu thuẫn với lời tuyên bố TỨ NIỆM XỨ là CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT đi đến NIẾT BÀN.   Bởi vì TỨ NIỆM XỨ chính là CHÁNH NIỆM ở trong BÁT CHÁNH ĐẠO, bởi vì VÔ NGÃ chính là DIỆT ĐẾ, là Sự Thật số 3 của TỨ THÁNH ĐẾ.   BÁT CHÁNH ĐẠO cũng chính là ĐẠO ĐẾ, Sự Thật số 4, của TỨ THÁNH ĐẾ.  Như vậy nếu bỏ qua TỨ NIỆM XỨ thì kể như chưa đầy đủ BÁT CHÁNH ĐẠO, chưa đầy đủ TỨ THÁNH ĐẾ, do đó không đi đến NIẾT BÀN là chuyện tất nhiên.

Còn với các pháp khác, ví dụ như pháp NIỆM PHẬT A DI ĐÀ cầu về TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC, hoặc pháp THIỀN VÔ NIỆM của THIỀN TÔNG TQ để đi đến “HOÁT NHIÊN ĐẠI NGỘ” thì sao?  Những pháp đó đều ra ngoài TỨ NIỆM XỨ nên không CHẤM DỨT KHỔ ĐAU được sao?  Có người còn tuyên bố: “PHẬT PHÁP VỐN VÔ PHÁP” hoặc “VẠN PHÁP ĐỀU LÀ PHẬT PHÁP” thì sao nữa?  -- Với các pháp vừa nói đó, thì tôi chỉ có một cách trả lời tổng quát, chung cho tất cả, là như thế này: 

Trước hết người Phật tử nên phân biệt một pháp môn đưa đến sự AN LẠCmột pháp môn đưa đến TẬN DIỆT KHỔ ĐAU.  Nếu chỉ nhắm mục đích tu hành để được AN LẠC hay AN VUI trong cuộc sống, thì có vô số pháp môn tu.  NGOẠI ĐẠO cũng có cách tu thể đạt đến AN LẠC.  Hầu hết các pháp môn mà Phật tử VN đang tu đều đưa đến AN VUI, AN LẠC.   Nhưng AN LẠC hay AN VUI thì không phải là mục tiêu tu hành của Đạo Phật, bởi đó vẫn chỉ là một HẠNH PHÚC TẠM BỢ không hơn gì các HẠNH PHÚC THẾ GIAN.

Phải hiểu chính xác rằng.  Đạo Phật ra đời chỉ để TẬN DIỆT KHỔ ĐAU cho chúng sanh chứ không chỉ đem đến AN LẠC TẠM BỢ.   Bởi thế Đức Thế Tôn mới tuyên bố rằng “Trước đây và hiện nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ.”  Mà muốn CHẤM DỨT KHỔ thì dĩ nhiên phải thấu rõ tất cả 4 SỰ THẬT của TỨ THÁNH ĐẾ như Đức Phật đã tuyên bố trong kinh Chuyển Pháp Luân: “Này chư tỳ kheo, từ xưa tới nay ta và các ngươi không ra khỏi khổ bởi không hiểu rõ đầy đủ 4 THÁNH ĐẾ”.  Tức bởi không hiểu đầy đủ 4 sự thật này:  1) Sự thật về KHỔ, 2) Sự thật về NGUYÊN NHÂN của KHỔ, 3) Sự thật về CHẤM DỨT KHỔ, và 4) Sự thật về CON ĐƯỜNG đi đến CHẤM DỨT KHỔ.

 

Phật xác nhận lý do không ra khỏi khổ như vậy rất chí lý.  Cũng ví như khi bạn bị đau khổ vì Bệnh, muốn tìm đến một ông bác sĩ để chữa trị, nhưng khi gặp ông bác sĩ khám bệnh xong ông ta tuyên bố “Tôi không biết BỆNH này là BỆNH gì?”, hoặc “Tôi không biết NGUYÊN NHÂN bệnh này do đâu ra?”, hoặc “Tôi không biết bệnh này có CHỮA LÀNH được hay không?”, hoặc “Tôi không biết CÁCH CHỮA cho bệnh này được lành”, thì chắc chắn bạn sẽ phải từ giả ông bác sĩ vô dụng đó.  Bởi ông ta sẽ không giúp bạn chấm dứt đau khổ.

 

Hoặc cúng như một anh chàng sinh viên vào trường y khoa, học hành để thành một bác sĩ giỏi để có thể chửa hết mọi bệnh hoạn cho xã hội.  Nhưng nếu trường đó không cung cấp cho anh ta đầy đủ kiến thức để định BỆNH, hoặc không đủ kiến thức để hiểu rõ NGUYÊN NHÂN của các thứ bệnh, hoặc không đủ kiến thức để hiểu về các sự LÀNH BỆNH, hoặc không đủ kiến thức để hiểu những PHƯƠNG CÁCH chửa lành bệnh, thì anh ta chắc chắn không bao giờ có thể trở thành một bác sĩ giỏi với trường y khoa đó.

 

Cũng thế, nếu một pháp môn không giúp ta biết rõ SỰ THẬT về KHỔ, không giúp ta biết rõ SỰ THẬT về NGUYÊN NHÂN của KHỔ, không giúp ta biết rõ SỰ THẬT về CHẤM DỨT KHỔ, không giúp ta biết rõ về SỰ THẬT CON ĐƯỜNG đi đến CHẤM DỨT KHỔ, thì chắc chắn pháp môn đó không có khả năng CHẤM DỨT KHỔ ĐAU.  Đó là cách bạn tự tìm ra câu trả lời cho các pháp môn khác, ra ngoài TỨ NIỆM XỨ, để xem nó có thể đi đến NIẾT BÀN được hay không?

 

Còn đối với những lời tuyên bố “PHẬT PHÁP VỐN VÔ PHÁP” hoặc “VẠN PHÁP LÀ PHẬT PHÁP” thì tôi xin miễn bàn.  Vì những lời tuyên bố như vậy chẳng khác gì lời khuyên một bệnh nhân đang đau khổ rằng:  “Không cần tìm cách chữa với một bác sĩ nào, bệnh anh cũng sẽ tự lành” hoặc: “cứ đi đến bất cứ ông bác sĩ nào, họ đều sẽ chữa lành cho anh”.  Thực tế có như vậy không?

 

CHÁNH PHÁP của Phật thật sự đã được Phật xác định rất rõ ràng minh bạch.   Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Phật đã định nghĩa thế nào là TU HÀNH CHƠN CHÁNH (đưa đến chấm dứt khổ đau) như sau:

 

Những thiện nam tử nào trong thời quá khứ, này các Tỷ-kheo, đã chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy đã làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế.

Những thiện nam tử nào trong thời vị lai, này các Tỷ-kheo, sẽ chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy sẽ làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế.

Những thiện nam tử nào trong thời hiện tại, này các Tỷ-kheo, chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; tất cả những vị ấy làm như vậy để như thật chứng ngộ bốn Thánh đế. Thế nào là bốn?

Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ", không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ tập", không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ diệt", không như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt", thời này các Tỷ-kheo, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không được Ta chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn.

 

SỰ LIÊN HỆ GIỮA TỨ NIỆM XỨ, BÁT NHÃ, VÀ TỨ THÁNH ĐẾ.

 

Vì thiếu sót trong sự thực hành TỨ NIỆM XỨ nhiều vị Thầy, Tổ, TQ đã hiểu sai kinh tạng ĐẠI THỪA, ví dụ họ dùng kinh BÁT NHÃ để chê bai và hạ thấp giáo lý TỨ THÁNH ĐẾ.  Một giáo lý mà chỉ các bậc Chánh Đẳng Chánh Giác mới có thể toàn triệt được.  Tôi đã từng nghe nhiều vị tu hành Bắc Tông tuyên bố rằng “Tiểu thừa tu pháp TỨ ĐẾ còn Bồ Tát Đại Thừa tu theo HẠNH BÁT NHÃ, nên KHÔNG CÓ PHÁP để tu, KHÔNG CÓ NIẾT BÀN để chứng”.  Họ tuyên bố như thế tại vì ở giữa kinh BÁT NHÃ có câu “không KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO”, “Không CHỨNG cũng không ĐẮC”.

 

Nếu BÁT NHà không có CHỨNG ĐẮC thì tại sao ở cuối kinh lại có câu “CHƯ PHẬT 3 ĐỜI ĐẮC VÔ THƯỢNG GIÁC” đều nương vào BÁT NHÃ?   Nếu BẮT NHà không có PHÁP để tu thì tại sao ở đầu kinh lại có “HÀNH THÂM BÁT NHÔ?  Tức không những có HÀNH mà còn phải HÀNH THÂM nữa.   Mà HÀNH như thế nào?  -- Đó chính là CHIẾU KIẾN NGỦ UẨN đến độ thấy các uẩn đều không có TỰ TÁNH, chẳng có THỰC THỂ, tức chứng ngộ VÔ NGÃ.

 

Cho nên BÁT NHÃ chính là MINH SÁT TUỆ chính là TỨ NIỆM XỨ, Do đó BÁT NHÃ cũng nằm trong ĐẠO ĐẾ của TỨ THÁNH ĐẾ chứ không ở ngoài TỨ THÁNH ĐẾ. Trong kinh TỨ NIỆM XỨ, phần QUÁN PHÁP, cũng có dạy về pháp QUÁN 5 UẨN.  Còn cái câu: “Chư Phật 3 đời đắc Vô Thượng Giác đều nương vào HÀNH THÂM BÁT NHÃ thì cũng một lần nữa xác nhận TỨ NIỆM XỨ là PHÁP ĐỘC NHẤT mà chư Phật 3 đời đều phải đi qua.  ĐẮC VÔ THƯỢNG GIÁC là sự chứng ngộ của các bậc CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC về 4 THÁNH ĐẾ như Đức Phật dã tuyên dương dưới đây.  Và sự chứng ngộ đó cũng do thực hành sung mãn TỨ NIỆM XỨ như đã nói ở trên.

"Này hỡi các Tỳ Khưu, ngày nào mà tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn pháp thánh đế, dưới ba sắc thái và mười hai phương thức chưa được hoàn toàn sáng tỏ thì, cho đến chừng ấy, Như Lai không xác nhận trước thế gian gồm chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, giữa các chúng sa môn, bà la môn, Trời và người, rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (anuttaram samma-sambodhim).

Đến khi, này hỡi các Tỳ Khưu, tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn pháp thánh đế, dưới ba sắc thái và mười hai phương thức, đã trở nên hoàn toàn sáng tỏ, chỉ đến chừng ấy, Như Lai mới xác nhận trước thế gian gồm chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, giữa các chúng sa môn, bà la môn, Trời và người, rằng Như Lai đã chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” 

 

Còn lý do tại sao BẮT NHÃ lại có câu “không KHỔ THẬP DIỆT ĐẠO”, “KHÔNG CHỨNG KHÔNG ĐẮC”?  -- Vì đó là trình độ thấy của một bậc đã đạt đến VÔ NGÃ.  Bởi VÔ NGÃ cho nên không còn thấy có ai để KHỔ, có ai gây ra sự khổ (TẬP), có ai  Chứng (DIỆT), có ai Tu (ĐẠO). Do đó mà nói không KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO.  Cũng bởi thế mà kinh KIM CANG mới có câu “Bồ Tát độ vô số chúng sanh vào NIẾT BÀN nhưng KHÔNG CÓ CHÚNG SANH NÀO vào niết bàn hết.  Bởi vì đến NIẾT BÀN là đạt VÔ NGÃ là không còn ai để đến hay đi, ra hay vào.

 

VÔ NGÃ của TỨ NIỆM XỨ cũng chính là KHÔNG, VÔ TƯỚNG, VÔ NGUYỆN.  Nhưng cái KHÔNG của VÔ NGÃ, là một SỰ THẬT ở ngoài TÂM và THÂN, với một CON ĐƯỜNG RÕ RÀNG để đi đến đó.  chứ không phải là cái KHÔNG do “TÂM KHÔNG” của một người còn phàm trần lý luận và suy diễn ra (KHÔNG này là một sản phẩm của TÂM phàm phu nên không phải là “CHƠN KHÔNG”).

 

Một bậc có sự GIÁC NGỘ thật sự, phải có khả năng diễn tả ĐẠO ĐẾ rõ ràng như là một SỰ THẬT để người TRÍ có thể CHỨNG NGHIỆM được.  Chứ không lý luận loanh quanh như một thứ “TRIẾT LÝ TÁNH KHÔNG” mơ hồ, KHÔNG CHÁNH, KHÔNG TÀ, KHÔNG ĐÚNG, KHÔNG SAI.  Nếu không ĐÚNG không SAI mà vẫn ĐẮC được ĐẠO thì sự thật NHÂN QUẢ và BÁT CHÁNH ĐẠO đều VÔ GIÁ TRỊ.   Tri Kiến kiểu đó chính là loại KIẾN HOANG VU, KIẾN TRÙ LÂM, KIẾN TRIỀN PHƯỢC, không thể CHẤM DỨT ĐAU KHỔ.

 

Cho nên các vị tu hành cần biết dứt khoát rằng phải tinh tấn thực hành TỨ NIỆM XỨ mới có thể có sự CHỨNG ĐẮC thực sự để hộ trì GIÁO PHÁP.  Mỗi khi không còn ai thực hành TỨ NIỆM XỨ thì GIÁO PHÁP sẽ bị SUY TÀN.   Đó là điều mà Phật đã khẳng định ở trong TƯƠNG ƯNG Bộ Kinh, phẩm Tương Ưng TỨ NIỆM XỨ:

 

--"Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không được tồn tại lâu dài? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?"

--"Do bốn niệm xứ không được tu tập, không được làm cho sung mãn, này Bà-la-môn, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài. Do bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, thưa Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài.”

Bởi sự quan trọng đó của pháp TỨ NIỆM XỨ mà  ở trong kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN của cả NAM TÔNG lẫn BẮC TÔNG, Đức Phật đã di giáo rằng, sau khi ngài diệt độ người tu hành phải lấy pháp TỨ NIỆM XỨ làm ĐUỐC để soi sáng đường tu hành của mình, không cần nương tựa một gì khác.  Nói như thế có nghĩa rằng với TỨ NIỆM XỨ ta sẽ thấy rõ các pháp khác mà không bị hiểu lầm như trường hợp hiểu lầm KINH BÁT NHÃ của các vị Thầy, Tổ Trung Hoa đã đưa ra ở trên.

 

26. Vậy nên, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Này Ananda, thế nào là vị Tỷ-kheo hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?

Này Ananda, ở đời, vị Tỷ-kheo, đối với thân quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ... đối với tâm... đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời (đó chính là 4 NIỆM XỨ).   Này Ananda, như vậy vị Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.

Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.

Phải thấy rằng TỨ NIỆM XỨ là pháp tối quan trọng cho người tu hành.  Người tu hành mà không thực hành TỨ NIỆM XỨ thì kể như một đứa trẻ đã lạc ra khỏi Trú Xứ của cha mẹ mình, rất dễ bị (Ác Ma) bắt cóc.    Cho nên trong những lời di giáo trên, Đức Phật đã xác định thêm:  Ai tinh tấn THỰC HÀNH TỨ NIỆM XỨ, thì được coi như là những vị TỐI THƯỢNG TỲ KHEO.  Ngoài ra, cũng chưa có một pháp nào như pháp TỨ NIỆM XỨ, mà  trong đó Phật đã khẳng định sự thành công trong một khoảng thời gian nhất định, cho những ai thực hành tinh tấn:

Này các Tỷ-kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong sáu năm, trong năm năm, trong bốn năm, trong ba năm, trong hai năm, trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì bảy tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong sáu tháng, trong năm tháng, trong bốn tháng, trong ba tháng, trong hai tháng, trong một tháng, trong nửa tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là Bốn Niệm xứ.

 

LỜI KẾT:

 

Trên đây là những lời chia xẻ chân thành của tôi về CHÁNH PHÁP TỨ NIỆM XỨ.  Pháp đã giúp cho tôi chứng nghiệm được nhiều điêu lợi lạc và phát triển trí tuệ để hiểu chính xác những lời dạy sâu sắc của Phật trong cả 2 hệ thống kinh tạng NAM TÔNG và BẮC TÔNG.  Muốn tu TỨ NIỆM XỨ một cách thành công, bạn nên tu với tinh thần TRÍ TUỆ, chỉ mong hiểu rõ cái BÃN NGÃ của mình, chứ đừng tu với tinh thần THAM ÁI, muốn đạt được cái gì hay cho BẢN NGÃ.  Khi tu với tinh thần TRÍ TUỆ bạn sẽ không hề chán nản, trái lại còn thú vị, như một ông KHOA HỌC GIA say sưa nghiên cứu ở trong phòng thí nghiệm, quên ăn, quên ngủ, quên vợ, quên con.  Bằng tu theo tinh thần THAM ÁI bạn sẽ mãi mãi bị che lấp bởi VÔ MINH CHẤP NGÃ và sẽ không bao giờ giác ngộ được VÔ NGÃ.

 

Cầu mong tất cả Phật tử đều tinh tấn tu hành để đón mừng mùa VESAK đang về.  Hãy thệ nguyện tinh tấn hơn nữa từ đây cho đến sang năm, 2019, là ngày đến phiên nước VN ta tổ chức VESAK QUỐC TẾ.

 

Thân ái.

NHƯ KHÔNG

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
Tuệ Thiền 21/05/2018 22:05:40
Xin góp vài lời gợi ý:
1) Phật dạy: Hành diệt thì vô minh diệt. Vô niệm chính là thức diệt, hành diệt. Ngài Huệ Năng nói: “ Này thiện tri thức, nếu trong các ông hàng hữu học, mỗi lần niệm khởi trong tâm, hãy hồi quang phản chiếu (tận nguồn tâm). Khi niệm diệt trong tâm, sự phản quán tâm cũng tự diệt, đó là vô niệm. Vô niệm hoàn toàn thoát ngoài các duyên ngoại cảnh, bởi vì nếu còn có cảnh duyên nào thì không thể là vô niệm được. (…) Nếu khởi chánh chân Bát-nhã quán chiếu thì trong khoảng một sát-na vọng niệm đều diệt. (…). (Lục tổ Huệ Năng; Vô Niệm (Pháp Bảo Đàn Kinh); D.T.Suzuki; dịch giả: Thuần Bạch).
2) “Phật pháp vốn vô pháp” chính là: không, vô tướng, vô nguyện; chính là đốn ngộ đốn kiến niết-bàn. Thiền sư Pa-Auk Sayadaw (PG Nam tông) nói: “Chính vì để loại trừ và ngăn ngừa những phiền não này mà quý vị cần phải thấy được minh sát trí hoặc tiến trình tâm minh sát tự thân nó cũng là vô thường, khổ, vô ngã”. (Biết Và Thấy,
tr. 448; dịch giả: Pháp Thông; NXB Tôn Giáo, 2006).
3) “Vạn pháp đều là Phật pháp” chính vì có “tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời”, nên có “thấy biết như thật” vạn pháp, chứ không phải “thấy biết như tưởng” về vạn pháp.
4) “Niệm Phật A DI Đà cầu về Tây phương cực lạc” thì ở mức độ thấp nhất, như nhiều Phật tử tại gia thực hành, là tạo thiện nghiệp để sau này được “xuất gia” ở môi trường thánh thiện (vãng sinh Tây phương cực lạc) để tiếp tục tu hành.
Kính bút.
Tuệ Thiền
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Đăng nhập