Đức Pháp Vương: Hãy chuyển hóa oán hận thành yêu thương!

Đã đọc: 23952           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

"Tôi khuyên người VN quay trở lại với đời sống tâm linh, thực hành chuyển hóa những giận hờn, oán hận thành yêu thương, thiện hạnh" - Đức Pháp Vương Gyalwang Druk.

Việt Nam - nơi con người biết hướng về tâm linh

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Hôm nay là một ngày của hòa bình, ân phúc, của điều gì đó thật kì diệu, khi Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII có mặt tại đây, cùng chia sẻ với độc giả VietNamNet về những điều yêu thương và tốt đẹp.

Trong nhiều thư của độc giả gửi về tòa soạn, có rất nhiều người ca ngợi, tỏ lòng tôn kính đối với Ngài. Ngay cả những người không theo một tôn giáo nào, đã tỏ lòng tôn kính và bày tỏ tới Ngài những nồi niềm dày vò trong họ. Có thể, đây là lần đầu tiên họ bày tỏ - trước Ngài, mà có lẽ trước đó họ có thể cũng chưa từng bày tỏ với chính người thân của mình. Và họ mong rằng, những lời chỉ dẫn của Ngài sẽ như một nguồn sáng, lời chia sẻ của người bạn, người thầy dành cho họ.

Thay mặt bạn đọc, tôi xin bày tỏ lòng tôn kính đối với Ngài và cảm ơn sự thăm viếng của Ngài.

img6816

Đức Pháp Vương cùng tăng đoàn và các nhà báo VietNamNet làm lễ trước giờ phỏng vấn

Câu hỏi đầu tiên, xin được hỏi Đức Pháp Vương: Đây là lần thứ 3 Ngài đến VN - mảnh đất vốn có quá nhiều đau khổ và chiến tranh, nhưng cũng là mảnh đất của những con người luôn luôn mang khát vọng hòa bình lớn lao, và họ hi sinh tất cả cho hòa bình của dân tộc họ và của con người nói chung trên thế gian. Vậy nhân duyên nào làm cho bước chân của Ngài tới nơi đây?

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Xin chân thành cảm ơn VietNamNet đã mời chúng tôi đến đây, để chia sẻ những tình cảm, tri kiến đến với mọi người.

Đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều khổ đau, thiệt thòi, nhưng nơi đây, tâm người VN vô cùng khát khao hòa bình, chân hạnh phúc. Trong tâm tư của tôi, có những hình ảnh rất đẹp về người VN. Nơi đây, con người rất để tâm đến vấn đề tâm linh. Và những người lãnh đạo cũng quan tâm đến sự phát triển cả về xã hội và tâm linh.

Dù đất nước này đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng chiến tranh đã lùi xa, VN đang trong giai đoạn phát triển. Với quan kiến của tôi, VN sẽ phát triển cả hai chiều về xã hội và tâm linh.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Nhiều bạn đọc của VietNamNet đang nghĩ về đất nước mình, và tin vào những điều mà Đức Pháp Vương đã nhìn thấy qua tuệ nhãn của mình. Vậy trong khoảng thời gian đầy đổi thay giữa lần thứ nhất, thứ hai, và thứ ba đến VN, Ngài có thể nói cho những người đang ở trên mảnh đất này, rằng những điều kì diệu gì đang hiện ra? Và với một đòi hỏi có vẻ thô thiển của tôi, xin Ngài có thể mô tả sự kỳ diệu nào đó mà Ngài tận chứng trên mảnh đất này?

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Từ lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba đến đây, tôi nhận thấy người VN đã có phương cách tâm linh hướng cuộc đời mình đi cho có ý nghĩa hơn.

Tôi đã nhìn thấy niềm hạnh phúc của họ qua những nụ cười hoan hỉ khi được lắng nghe giáo pháp, những ánh mắt khát khao phát triển tâm linh. Về cuộc sống bên ngoài, tôi cũng thấy sự phát triển xã hội, cuộc sống tốt hơn, no đủ hơn.

Phật giáo đã được truyền vào VN hơn 2000 năm. Như vậy, nguồn gốc của người VN là Phật giáo. Người VN nên quay trở lại tìm cội nguồn của chính mình.

Niềm vui của tôi là được thấy mọi người cười trong hạnh phúc, tri ân, phát triển tâm linh của mình.

"Không có ai mang khổ đau cho mình ngoài chính mình"

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có một độc giả đặc biệt gửi thư đến cho Đức Pháp Vương, là bà Đỗ Thị Huệ. Bà đã từng theo con đường tu hành, nhưng cuối cùng giã từ cửa Phật, vì bà chứng kiến người một người bạn thân của mình sống trong chân thành, lao động cần cù, nhưng không thay đổi được đời sống gia đình. Họ vẫn sống trong đói nghèo, bệnh tật và có những lúc không được đối xử công bằng. Trong khi đó, có những người  trong đời sống này sống một cuộc sống toan tính, lừa lọc thậm chí chà đạp lên lợi ích của người khác, nhưng lại sung túc và giàu có. Bà Huệ không thể cứu giúp được người bạn của mình, bà Huệ thấy bất lực và đã rời bỏ cửa chùa.

Nếu bây giờ người đàn bà bất hạnh đó đến trước Ngài để hỏi "đức tin của tôi sẽ hướng vào đâu, tôi tìm hạnh phúc ở đâu trong hiện thực xã hội này". Ngài có thể nói với bà điều gì, và bằng cách nào Ngài mang lại cho người đàn bà ấy đức tin?

img6883

"Đối với quy luật nhân quả, không bao giờ quá muộn"

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Đạo Phật, thật ra không phải là một tôn giáo, mà là cách thức, phương tiện giúp con người sống có hạnh phúc ngay trong cuộc sống thực tại. Như vậy, điều quan trọng là các phật tử và mọi người khác, nên làm thế nào để hướng cuộc đời mình theo cách sống có ý nghĩa, tốt đẹp, an vui, hài hòa với mọi người.

Trong trường hợp câu hỏi của bà Huệ, đạo Phật có một danh từ gọi là quy luật về "Nghiệp". Đơn giản hơn, là quy luật nhân - quả. Nếu ta gieo trái ngọt, sẽ có trái ngọt. Gieo hạt cay đắng, sẽ nhận quả đắng.

Đôi khi, vì chưa biết giáo lý nhân quả nên người ta thường thắc mắc là đời này tôi sống tốt, mà có nhiều khổ đau. Tại sao có người sống quá bất thiện, mà lại có hạnh phúc. Bởi ta chưa biết rằng đời trước, năm trước ta đã gieo nhân bất thiện, nay ta phải nhận quả đắng. Còn những người khác, có thể đời trước họ đã nhân lành, nên bây giờ họ vẫn đang được hưởng quả lành.

Tuy thế, tất cả chúng ta đều không biết rằng khi nào quả của mình sẽ chín. Như chúng ta trồng một cái cây, không thể ngồi mong đợi quả chín. Đến mùa, đủ nhân duyên, điều kiện thì trái sẽ chín, ngoài sự kiểm soát.

Nhân quả giống như một vòng quay. Nhân tạo quả, quả lại tạo nhân. Như ta gieo một hạt, cho quả, quả lại tạo ra vô số hạt mới. Chúng tôi gọi là vòng luân hồi sinh tử. Trong đó, con người bị dẫn dắt, trôi lăn trong vòng sinh tử.

Nhưng chúng ta không quá muộn trong bất kì điều gì. Nếu đời trước chúng ta đã phạm sai lầm, nhưng nay biết tỉnh ngộ, biết tìm một hướng sống mới, ngay bây giờ vẫn có thể loại trừ được Nghiệp. Giống như bệnh ung thư, nếu phát hiện sớm thì vẫn có cách điều trị.

Đối với quy luật nhân quả, không bao giờ quá muộn, chúng ta vẫn có thể làm điều gì đó, và nên nỗ lực làm gì đó, để loại trừ bớt khổ đau trong kiếp sống hiện tại bằng cách sống tốt hơn, hòa bình hơn, chia sẻ với mọi người hơn. Đừng vì một bất công, bằng cặp mắt cái nhìn hiện tại, mà từ bỏ tôn giáo, từ bỏ con đường đẹp đẽ mà mình đang theo.

Tôi khuyên mọi người hãy tin vào quy luật giữa nhân quả, chấp nhận quả của mình đã chín, dù là quả khổ đang phải chịu đựng. Vẫn còn cách thay đổi cách sống, thay đổi hành động của mình, đừng hủy hoại niềm tin của mình. Sống không có đức tin thì cuộc sống ấy đi vào tăm tối.

Tôi khuyên bà Huệ hãy tìm hiểu kĩ về quy luật nhân quả, phát khởi niềm tin, giúp mọi người có hành động tích cực, bằng hài hòa, thương yêu, thiện hạnh, cân bằng với những hạt giống bất hạnh mình đã gieo từ nhiều đời. Hãy tìm cho mình đức tin để chuyển hóa cuộc sống hiện tại. Hãy trở lại với cuộc sống tâm linh, làm những gì mình có thể để loại trừ bớt các bất thiện nghiệp.

Đau khổ này không phải do ai đem lại, mà do chính mình đã gây ra có thể từ tháng trước, năm trước, hay vô số đời trước.

Có một số người luôn đổ lỗi cho Phật, Trời, Chúa, đã mang lại bất hạnh cho chúng ta. Nhưng sự thực, cách nhìn của triết lý Phật giáo là không bao giờ đổ lỗi cho bất kì ai. Người đáng đổ lỗi nhất chính là bản thân mình, là sự lười biếng, buông trôi của mình.

Như khi ta biết mình có bệnh, đến tìm bác sĩ, bác sĩ hướng dẫn một vài phương cách mà vẫn không nghe theo. Khi bệnh nặng thì ta không thể đổ lỗi cho bác sĩ.

Không có ai mang khổ đau cho mình ngoài chính mình. Hãy nỗ lực cố gắng, cải thiện cuộc sống hiện tại, vẫn kịp thời chuyển bớt những kết quả xấu mình đã tạo.

Tìm về cội nguồn khổ đau, bất an là chính chúng ta. Trở về để cải thiện chính mình. Hạnh phúc sẽ luôn bên chúng ta.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có nhiều bạn đọc bày tỏ rằng, họ tin vào Đức Phật, đức Chúa Trời, các vị Thánh khác có một quyền năng tối thượng. Họ tin các vị có thể biến thế gian từ đời sống ngày thành đời sống khác. Nhưng họ cũng băn khoăn - một băn khoăn hết sức trong sáng - tại sao các Ngài lại cứ để chúng sinh buồn bã mãi, đau khổ mãi, đấu tranh mãi như vậy. Tại sao không có một ngày các Ngài đưa bàn tay của mình trải dài một hạnh phúc bất tận trên thế gian này. Để đến một ngày mới, cả người già, người trẻ, người tin hay không tin, người tốt kẻ xấu đều được hưởng những gì đẹp đẽ nhất. Không chiến tranh, thù hận, đói khát, nguyền rủa.

Phải chăng, có một thông điệp, hay bí mật gì đó của đức Phật, Chúa Trời gửi cho con người ở thế gian này, rằng không thể dùng phép thiêng để thay đổi ngay mọi thứ trong khoảnh khắc?Rằng phép thiêng là chính ở các ngươi ?

img6853

"Không có ai mang khổ đau cho mình ngoài chính mình. Hãy nỗ lực cố gắng, cải thiện cuộc sống hiện tại"

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Đây vẫn là vấn đề nhiều người chưa hiểu tại sao con người đau khổ, tại sao Chúa, Trời, chư Phật cứ để con người đau khổ, trầm chìm mãi, mà không làm cho chúng sinh mở mắt ra đã thấy mọi sự thay đổi lớn, an vui hạnh phúc sẵn đầy đủ. Vì chúng ta chưa hiểu rõ quy luật nhân quả.

Không ai tạo khổ đau cho ta ngoài bản thân ta. Có người nói, tôi không làm gì tạo nên nhân khổ đau. Nhưng hãy thiết thực nhìn cách mà ta đang sống, bằng cách ăn thịt chúng sinh, giết hại chúng sinh, phá hoại môi trường, đẩy vào môi trường cả những ô nhiễm vật chất và ô nhiễm tinh thần, những từ trường của sân giận, ganh ghét, để rồi dẫn đến những bệnh dịch không thể chữa được.

Chính chúng ta đang tạo nên nhân khổ đau, nhưng ta lại lờ đi, không quan tâm. Nếu có ai đó kêu gọi ta bảo vệ môi trường, ta vờ như không biết hoặc không muốn biết là chính mình đang mang đến tai họa cho thế hệ mình và thế hệ tương lai.

Trong lúc chịu đựng các hậu quả, ta vẫn chưa có tinh thần bảo vệ môi trường cho các thế hệ sau. Khổ đau là do ta tạo ra, và ta gánh chịu. Không thể đổ lỗi.

Hãy quay lại cải thiện lối sống nơi chính mình. Sống cởi mở, yêu thương, chan hòa vào cộng đồng, tập thể mà ta đang sống. Giáo lý Đức phật đã dạy ra sống bớt hận thù, bớt sân giận. Học giáo lý, ta sẽ cải thiện đời sống của mình.

Có người nói đến sự-gia-trì của đức Phật, nhưng thực ra, đức Phật chỉ là người dẫn đạo, còn mọi thứ đều do chính chúng ta làm. Nương vào sự dẫn đạo đó, nếu ta áp dụng, thực hành phát triển lòng từ bi, ta biết yêu thương cởi mở, giúp đỡ, trân trọng người khác, thì ta có hạnh phúc.

Ngay cả những người thân quen nhất, đối khi vì quá quen thuộc, mà ta quên mất trang trải biểu lộ tình thương với họ. Hãy học để yêu thương những người mà ta tưởng như ta đã quá nhàm chán. Trải rộng ra là với những người mà mình hạnh ngộ.

Trong lúc mà tâm mình thay đổi, hạnh phúc sẽ có mặt, như là một trò ảo thuật như mọi người mơ ước, mà chính chúng ta phô diễn được.

"Tự tin nương tựa vào chính mình"

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có một hiện thực làm cho chính bản thân tôi, một hiện hữu trước Ngài, cũng cảm thấy lúng túng khi phải đối diện. Hiện thực đó là mấy nghìn năm lịch sử, đền thờ, chùa chiền mỗi ngày được xây nhiều hơn, sách thánh, giáo lý được in nhiều hơn, nhưng tội ác cũng nhiều hơn, sự ghen tị, lòng vô cảm giá lạnh, nỗi hận thù tăm tối... cũng nhiều hơn. Vậy thưa Pháp Vương, Ngài lý giải gì về điều mâu thuẫn và bất ổn này? Chúng sinh phải đợi chờ đến bao giờ cho sự đổi thay của thế gian khi mà họ đã chứng kiến những điều đau khổ kia kéo dài mãi trong suốt chiều dài lịch sử của con người trên thế gian?

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Nhiều tôn giáo hiện nay đang có một vài khó khăn. Một số tôn giáo đang không thực sự thực hành pháp, không đưa con người vào thiện hạnh, cải thiện cuộc sống, mà lại hướng theo bè đảng. Đây là một sai lầm, không đúng theo tôn chỉ của các bậc khai sáng ra tôn giáo ấy.

Những điều mà ta cần nương tựa là cải thiện chính mình, trở thành người tốt, thay đổi chính đời sống của mình. Còn nếu ai đó cho rằng có sẵn một nơi nương tựa, che chở, như một số người Hồi giáo cho rằng đã có Chúa Trời che chở, mà dùng súng đạn giết hại người khác, cho rằng tội ấy đã có Thánh chịu - đó là cái nhìn vô cùng lầm lạc. Lịch sử đã có những cuộc chiến tranh đẫm máu như thế, chỉ vì họ hướng tôn giáo lệch đường.

Nhà thờ nhiều hơn, kinh sách nhiều hơn, nhưng con người lại không hướng về thực hành.

Tôi khuyên cả những người ở tôn giáo khác, có cái nhìn tức thời trở lại. Tôn giáo xuất hiện không phải để gây thêm đau khổ, chiến tranh ở cuộc đời, không phải để giành giật sự phát triển của tôn giáo mình, mà để mang hạnh phúc cuộc đời mình.

Ngay trong Phật giáo, Đức Phật chưa từng nói rằng hãy nương tựa vào ta, ta sẽ bảo vệ các con, đưa các con đến nơi giải thoát an toàn, hay hãy nương tựa, hãy cúng dường. Ngài chưa bao giờ nói thế.

Ngài chỉ nói rằng: ta là người hướng đạo, các con phải đi trên đôi chân của mình. Mỗi người phải tự thực hành để cải thiện.

Lời khuyên của tôi đến với mọi người, dù ở tôn giáo khác, không tôn giáo, vấn đề là tìm một lối sống. Điều căn bản nằm ở hành động, lời nói, suy nghĩ luôn là an lành, chứ không nên trông đợi ở bất kì ai, cho dù là Chúa, Trời, Phật.

Tôi xin nhắc lại lời dạy của Đức Phật: Này các tỳ kheo, các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Ta chỉ là người mở đường, các con phải tự dấn bước. Bước đi bằng đôi chân và ý chí của mình.

img6823

"Con đường mà tôi theo là tình yêu thương, chia sẻ với mọi người"

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có nhiều người quan tâm đến cuộc đời của Đức Pháp Vương. Con đường từ lúc Ngài sinh ra đến nay, là con đường của khổ hạnh, dâng hiến, đấu tranh, hay chia sẻ, hay là tìm cách  tránh xa các tục tằn tội lỗi thế gian quanh Ngài?

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Đây là một câu hỏi hay, ai cũng hỏi tôi theo con đường, phương pháp cách sống của tôi là gì. Thực ra cho đến nay, con đường mà tôi theo là tình yêu thương, chia sẻ với mọi người. Cảm thông với những nổi khổ, nhu cầu của mỗi chúng sinh.

Dĩ nhiên, tôi chưa phải là người hoàn thiện, mà còn đang trên đường tự xây dựng, tự hoàn thiện mình. Tôi cũng là người bình thường như mọi người khác, đang cố gắng hướng cuộc đời mình, trang trải tình yêu thương cho mọi người. Tôi đang muốn hiểu rằng, mọi người cần gì, muốn gì.

Nói về dòng Truyền thừa, cách đây khoảng 1000 năm bên Ấn Độ, có một đại học giả Narapa, được tính là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Bằng nhiều phương tiện thiện xảo, Ngài đã đạt được giác ngộ trong đời, bằng sự chứng ngộ của chính mình, sáng lập ra dòng Truyền thừa. Ân phước gia trì của dòng Truyền thừa được truyền đến ngày nay.

Từ khi còn rất nhỏ, mới 2, 3 tuổi tôi đã được mọi người tìm thấy, phát hiện và có những cuộc thử nghiệm về kiến thức để công nhận là hóa thân của đại thành tựu giả Narapa, cách đây 1000 năm về trước.

Dòng Truyền Thừa này là dòng luôn sống để hành động, lợi lạc cho mọi người. Ước nguyện của tôi là hiểu mọi loài chúng sinh, đến cả loài động vật - hiểu để cảm thông. Và tôi sẽ làm hết mình để viên mãn mọi ước nguyện của mọi người, mọi loài.

Tôi nguyện sẽ trở lại cuộc đời này nhiều lần nữa, để thực hành tiếp công hạnh của mình là cảm thông, chia sẻ tri kiến, niềm vui, con đường tâm linh của mình. Cho đến khi chúng sinh không còn đau khổ, thì tôi mới thực sự được viên mãn.

Tôi không nói với mọi người rằng hãy tin tôi, hãy tin dòng Truyền thừa, mà các bạn hãy cố gắng hiểu nhau, cảm thông, chia sẻ với nhau những thiện hạnh, tình thương của mình.

img6965

"Tôi đi khắp nơi với ước nguyện mang những bài pháp, sự an bình cho mọi người"

Chuyển hóa dục vọng thành tình thương

Nhà báo Quang Thiều: Thưa Đức Pháp Vương, tôi đang ngồi trước Ngài đây, tôi là một hiện hữu  trước Ngài. Trong con người tôi có những phần tăm tối và những phần ánh sáng của đời sống này. Tôi cảm thấy có một con quỷ dục vọng nằm trong thân xác mình. Nó luôn luôn đi theo tôi, rủ rê tôi, thúc giục tôi, tìm cách làm cho tôi tăm tối để thực hiện những khát muốn của nó. Có lúc tôi đã đuổi được nó ra khỏi mình. Nhưng này sau đó nó lại trở về là lại tìm cách lối kéo tôi. Và tôi nhận ra nếu một khi thân xác tôi còn hiện hữu trong đời sống này thì tôi luôn luôn phải đấu tranh chống lại con quỷ dục vọng đó.

Tôi có một câu hỏi mà có thể  mắc lỗi trước Ngài, rằng Ngài cũng có một thân xác như tôi và trong thân xác ấy cũng có một con quỷ dục vọng mặc dù trí tuệ, tâm hồn và lòng từ bi bên trong thân xác Ngài là  mênh mông vô bờ bến. Vì thế, chắc chắn con quỷ dục vọng cũng làm những gì với Ngài như đã, đang và sẽ làm đối với tôi. Vậy nhưng tôi tin là Ngài có một thân xác giống thân xác của tôi. Vậy Ngài tìm cách nào để trừ tiệt hay cầm giữ nó? Câu trả lời của Ngài sẽ là nguồn sáng cho tôi, và cả những người khác nữa, những người  đang ngày ngày phải kìm hãm và trốn chạy trốn con quỷ dục vọng đó nhiều lúc đến tuyệt vọng?

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Tôi luôn tin rằng tôi giống như các bạn, chúng ta đều là anh chị em trong thế giới loài người. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi ở cấp độ cao cấp hơn các bạn. Chỉ có điều, tôi biết phương pháp để thực hành, chiến đấu với những tình cảm sâu ẩn trong lòng.

Con người thế gian đều bị "con quỷ dục vọng" chi phối, kêu gọi, và rất khổ sở với nó. Dường như những con quỷ ấy hiện trong tham lam, tật đố, ganh ghét, kiêu căng, chiến tranh, con quỷ ấy cuốn mình đi.

Điểm khác biệt giữa tôi với các bạn chỉ là tôi đã có cách và tôi đang thực sự có phương tiện để chuyển hóa những tình cảm, dục vọng xấu thành thiện hơn, tốt hơn.

Trong kiếp sống loài người, nếu không có dục vọng, tình cảm, thì con người không tồn tại được. Dục vọng và tình cảm không phải là xấu, mà vấn đề là làm thể nào để chuyển hóa, tự chủ được, chuyển hướng đi xấu, thành hướng đi lợi ích. Chúng ta không phải hủy diệt, đánh đuổi nó, chỉ cần chuyển hóa nó.

Chúng tôi dùng những phương tiện thiện xảo để chuyển dục vọng thành đại ái, ước muốn đem đến tình thương cho mọi loài, ham muốn cá nhân thành ham muốn nhân loại.

Người VN có tôn giáo nguyên thủy là đạo Phật, tôi khuyên người VN quay trở lại học tôn giáo gốc của mình, đưa vào thực hành chuyển hóa những giận hờn, tham lam, tật đố, ganh ghét, kiêu căng, oán hờn, gây khổ đau cho mình cho người, thành yêu thương, từ bi, để làm cuộc đời này an bình hơn, hạnh phúc hơn.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Con đường của cá nhân Ngài, theo tôi nghĩ là tinh thần của dòng Truyền thừa. Những hành xử, đấu tranh, dâng hiến cho con người của dòng Truyền thừa cũng hiển lộ trong con người Ngài.

Bí mật nào làm nên sự lan tỏa và sức mạnh của dòng Truyền thừa, ở nhiều quốc gia, dân tộc, văn hóa, thể chế chính trị khác nhau? Hay đôi khi, bí mật là ở chỗ chẳng có bí mật nào?

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Bạn nói đúng, chả có gì là bí mật. Rất giản đơn như mặt trời chiếu sáng ở VN, ở Tây phương hay Ấn Độ chỉ là một mặt trời, vẫn là một tia nắng với mục đích đem sự bình an ấm áp cho mọi loài. Nhưng khi xuất hiện ở VN, ta gọi là mặt trời VN. Khi xuất hiện ở Ấn Độ, ta gọi là mặt trời Ấn Độ. Cũng như giáo lý Truyền thừa đi khắp nơi trên thế giới này, nhưng ở mỗi quốc gia, đất nước, giáo lý này lại thâm nhập với văn hóa, phong cách, đời sống của quốc gia.

Tôi đi khắp nơi với ước nguyện mang những bài pháp, sự an bình cho mọi người. Hay hướng giúp phương cách sống an lạc, tự chủ, độc lập, tự tin.

Con người thường yếu đuổi, không tự tin ở khả năng của chính mình, nên có cảm giác phải nương tựa vào Trời, Phật, thần thánh. Vì chúng ta chưa hiểu được và chưa tin vào tiềm năng của con người.

Ước nguyện của tôi là giúp con người có tự tin vào khả năng của mình. Tự tin rằng mình là nguyên nhân chính có thể đem khổ đau hay hạnh phúc cho mình. Khi đó, họ mới sống không ỷ lại vào Chúa, Trời hay đấng thần linh, sống có trách nhiệm với chính mình. Họ là người có trách nhiệm xây dựng cuộc đời họ, trách nhiệm cải thiện chính mình.

Mỗi đất nước có nền chính trị khác nhau, nhưng trong sự thực hành tôn giáo, không có rào cản của chính trị, văn hóa, mà chỉ một mục đích duy nhất là con người cải thiện chính mình, nhận ra trách nhiệm chính mình, một cuộc sống bình an hạnh phúc.

Đó là bí mật - nếu các bạn có thể gọi đó là bí mật. Còn tôi, gọi rất đơn giản, là thông điệp muốn trao gởi đến các bạn niềm tự tin chính vào bản thân bạn.

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có những khoảnh khắc nhanh hơn cả một cái chớp mắt nhưng đủ  giúp ta nhìn thấy con đường mà đôi khi ta đi hết cả đời vẫn không nhận biết được.

Hồi nhỏ, khi sống ở nông thôn, những đêm mưa lớn chúng tôi đi bắt cá, bắt ếch  trên cánh đồng. Trong đêm tối đen, tôi đã đi lạc ra khỏi cánh đồng làng mình và  không xác định được con đường trở về làng mình nữa. Bất chợt có một tia chớp lóe lên, và trong khoảnh khắc ấy,  tôi đã nhìn thấy toàn bộ con đường đi về làng, dù sau đó cả cánh đồng ngập chìm trong bóng tối

Tôi tin rằng Đức Pháp Vương đã mang đến VN một trái tim nồng ấm. Tôi tin những gì Ngài cất lời hôm nay trong căn phòng nhỏ bé và giản dị này, căn phòng mà những người có mặt tại đây và những người đang lắng nghe lời ngài qua hệ thống truyền thanh của Vietnamnet sẽ nhận được tia chớp tư tưởng của tình yêu thương vạn vật và cuộc tranh đấu không mệt mỏi cho an bình của thế gian. Và tôi mong và tin Ngài đã và sẽ cầu phúc cho dân tộc này - một dân tộc đã có quá nhiều đau khổ, quá nhiều chiến tranh, một dân tộc xứng đáng được tất cả những vị Thánh trên trời xanh này ban phước cho.

Rất đa tạ sự hiện diện của Đức Pháp Vương, với tất cả những điều Ngài đã cất lời hôm nay, lời của Ngài hay lời của một ai đó vô danh nhưng với tình yêu thương chân thành, khtas vọng hoà bình mãnh liệt và sự thấu hiểu hạnh phúc  sẽ như hương thơm của bông sen, lan tỏa vào tâm hồn của những con người  đang khổ đau, đang đi tìm ý nghĩa đích thực trong cuộc sống.

Hi vọng một ngày nào đó, thế gian của chúng ta không cần một ngôi chùa hay một giáo đường, không cần những pho giáo lý mà tất cả những thứ đó đều ở trong chính con người chúng ta.

Xin cúi đầu đa tạ.

Theo Tuần Việt Nam

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (18 đã gửi)

avatar
Ma Vương 26/03/2010 04:20:12
Làm quái gì có cái được gọi là "Đức Pháp Vương" hay "bậc toàn tri tôn quý" - vốn là những từ dành để Phật tử tôn xứng Đức Phật Thích Ca.

Từ "Đức Pháp Vương" và từ "Nhiếp Chính Vương - Thay vua trông nom việc triều chính" là do một nhóm đệ tử người Việt tu theo phái Drukpa dựng lên nhằm làm hoa mắt thiên hạ để bành trướng và lôi kéo mọi người đi theo phái Rồng (drukpa)

Núp bóng dưới chiêu bài "nguyện cầu quốc thái dân an", các pháp hội quán đỉnh nghi quỹ tu hành của nhóm Drukpa (VN-Ấn Độ)thực ra là phương cách "cải đạo" tín đồ các tông phái khác sang phái Drukpa.

Cho nên, chuyến đi của lạt-ma Gyalwang Drukpa và nhóm tùy tùng sang VN lần 3 này là chuyến đi vừa mang tính tiếp thị dòng mật tông Drukpa, vừa để quảng cáo các sản phẩm Phật giáo Tây Tạng do những người bảo trợ chuyến di này nhập khẩu về tràn lan thông qua cái gọi là Siêu thị Phật giáo mà sư cô Huệ Đức, một nữ tu mượn đạo tạo đời, làm Tổng giám đốc điều hành.
avatar
K.Thanh 26/03/2010 06:07:19
Trên tinh thần chung ,tông phái nào tôi cũng rất kính trọng vì nó phù hợp với một căn cơ nào đó ,cho dù tông phái đó xuất phát từ quốc độ nào .Tuy nhiên ,mấy ngày nay ,báo chí PG,wedsite PG dùng danh từ "Đức Pháp Vương" trống không tôi cũng có phần lo ngại và cãm thấy khó chịu .Tại sao chúng ta không dùng từ liên đới để tránh hiểu lầm là :Đức Pháp Vương của tông phái Drukpa-Tây Tạng ?.Hay là :Đức Lạt ma Gyalwang-Pháp Vương tông phái Drukpa .

Còn sư cô Huệ Đức thì tôi và nhiều đồng nghiệp không lạ gì .Có thể nói cô đã khéo dựa dẫm để làm kinh doanh PG và để nhận nhiều chức mà không cần dòm lại sau lưng hãy còn nhiều,rất nhiều sư cô tài đức song toàn hơn thế .Nếu cô muốn lôi kéo tín đồ sang tông phái xa lạ này thì ít ra cũng phải phân biệt đây là Đức Pháp Vương của ai .Những vị đang nâng đở sư cô này tôi nghĩ cũng có phần trách nhiệm .
avatar
Ma Vương 26/03/2010 06:45:10
Sự thật từ Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa được nhóm Drukpa VN dịch từ từ His Holliness Gyalwang Drukpa; và từ Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche được dịch từ Their Eminences Khamtrul Rinpoche.

Trong tôn giáo, His Holliness chỉ là một danh từ tôn xưng một vị đạo cao đức trọng. Khi chuyển nghĩa sang tiếng Việt cùng lắm là Đức Gyalwang Drukap. Điều này cũng giống như His Holliness Dalai Lama mà ta thường gọi là Đức Đạt Lai La Ma, không ai gọi là Đức Pháp Vương Đạt Lai Lạt Ma. Mà nếu có gọi như vậy thì phải gọi ngài Đức Đại Đại Pháp Vương Dalai Lama, vì ngài lãnh đạo cả cái ông Pháp Vương tự bịa ra này.

Còn dịch là Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa thì hóa ra ông này là Vua Pháp, là Đức Phật Gyalwang Drukpa à? Đại ngôn là đọa địa ngục đấy.

Their Eminences là một từ chỉ chức danh trong Ki-tô giáo, nghĩa là Hồng Y giáo chủ. Còn nghĩa thông thường của nó là đất cao, vị trí cao, nổi bật, siêu việt, chức cao, hiển hách v.v. Tuy nhiên nhúm Drukpa VN dịch nó là Nhiếp Chính Vương (Thay vua trông nom triều chính; chính đây là chính trị)thì tôi xin bó tay cho cái sự ngu dốt của họ.

Cho nên, sự thật không có cái chức Đức Pháp Vương, Nhiếp Chính Vương trong Tông phái Drukpa. Cái này do nhúm Drukpa VN tự đẻ ra.
avatar
Thành 26/03/2010 07:22:49
Ồ ! Rất cảm ơn vị có bút danh Mavương .Hóa ra một sự việc trọng đại như rứa mà bọn họ tùy tiện như thế à !Tự tôn quá mức tông phái mình như rứa thì đúng là bó tay thật .Cứ cái đà lộng giả thành chơn này biết mô chừng họ cũng sẽ sản sinh thêm một "Thanh Hải Vô Thượng Sư " nữa thì nguy cho PGVN mình quá !
avatar
abc 26/03/2010 09:05:08
Chúng ta bàn luận quá nhiều về danh xưng của một vị chức sắc tôn giáo. Có quan trọng gì danh xưng Đức Pháp vương đâu. Có Đức Giáo hoàng được thì cũng có Đức Pháp vương được thôi.
Các tín hữu Ca-tô giáo (Tin lành, Chính thống giáo) chẳng có ai phàn nàn về danh xưng Giáo hoàng; chẳng có ai nói Giáo hoàng chỉ là Giáo hoàng của một nhánh Ca-tô đâu. Cũng chẳng có ai sợ lầm lẫn.

Quan trọng hơn cả là Đức Phật được tôn xưng mười danh hiệu tôn quý nhất, là: "Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Từ xưa tới nay chưa hề có ai tôn xưng Đức Phật là Đức Pháp vương như Ma Vương đã nói đâu. Đúng là Ma Vương đã ngụy tạo danh xưng này: "Đức Pháp Vương" hay "bậc toàn tri tôn quý" - vốn là những từ dành để Phật tử tôn xứng Đức Phật Thích Ca."

Quan trọng hơn cả là hãy đọc bài viết kỹ lưỡng và suy xét giá trị lời phát biểu hơn là chỉ chú ý đến danh xưng.
avatar
Kiều Uyển Hoa 26/03/2010 09:44:11
Có đấy, bạn abc ạ!
Ngoài mười danh hiệu tôn quý ấy ra, trong những bài Tán Phật, có những câu:
- Pháp vương vô thượng tôn
- Đấng Pháp vương vô thượng
Không phải chỉ là Đức Pháp vương mà phải là "Đấng Pháp Vương vô thượng". Cũng có khác đấy.
Có thể có nhiều đức Pháp vương ở thế gian, nhưng chỉ có một "Đấng Pháp vương vô thượng" là Đức Phật mà thôi.
avatar
Thành 26/03/2010 10:27:51
Cũng may mắn là tôi không thuộc tông phái Drukpa này nên dễ dàng bàn luận để tránh tai tiếng chung cho PGVN.Còn bạn abc gì đó lại kéo ngược ý nghĩa này để dừng lại chê trách người khác quan trọng quá danh xưmg. Chỉ cần nhắc lại lời kinh nhật tụng hằng đêm (Tán Phật) như bạn kieuuyenhoa trên cũng đủ nhắc khéo abc gì đó ơi Còn ở đây,vấn đề muốn nêu lên là lạm dụng danh xưng thái quá.Điều này với một em nhỏ chúng ta dễ dàng mắng cho là hổn hào !Nói chi đến "Đấng Pháp Vương Vô Thượng-Ba Cõi Chẵng Ai Bằng..".

abc gì đó ơi ! bạn lại còn dắt nhau qua La Mã,nơi có bọn cưởng từ đoạt lý(lời GS Trần Mạnh Quang)ngự trị mà phân bì ,lại quên rằng từ Giáo Hoàng đố ai dám mạo xưng .Còn Chính Thống Giáo,nhân vật lãng đạo của họ là ai-thưa bạn ?-Đó là Đức Thượng Phụ đấy ạ !.Không ai dẫm chân ai .

Chúng tôi không lạm bàn về nội dung bài phát biểu trã lời phỏng vấn này của Ngài Gyalwang ,cho nên abc gì đó ơi đừng vôi cho rằng chúng tôi không đọc kỷ .Chúng tôi chỉ nói một điều duy nhất :Lạm Dụng Danh Xưng .

Có một vài trang wedsite PG đưa tin rằng "Ngài Gyalwang Drukpa Đời thứ XII vào thăm tp.HCM (Hoa Nghiem.com),và trong suốt bài tin tìm đỏ mắt không hề thấy từ "Đấng Pháp Vương"đâu cả .Có lẽ mấy trang wed này không thuộc tông phái Drukpa như bạn abc gì đó chăng ?
avatar
Ma Vương 26/03/2010 17:49:18
Bạn abc quý mến! Tôi thử diễn nôm bài Tán Phật mà Phật tử VN tụng đọc hằng ngày mỗi khi tiến hành khóa lễ.

Pháp Vương là bậc chí tôn. Trong 3 cõi, không ai có thể so sánh với Ngài. Ngài là thầy của Trời, Người và là cha của 4 loài. Vì vậy, dù con chỉ nương tựa Ngài trong giây lát, cũng có thể diệt trừ bao nghiệp chướng từ vô lượng kiếp ...

Xin hỏi: lạt-ma Wyalwang Drukpa đời thứ 12 có đủ các phẩm chất như thế không mà nhóm Drukpa dám tùy tiện phong ông nào là "Đức Pháp Vương", nào là "bậc toàn tri tôn quý", lại còn có cái chức bá láp "Nhiếp Chính Vương"?

Cách đây khoảng 800 năm, ngài lạt-ma Gyalwang Drukpa đời thứ I lúc sinh thời, người đời cũng chỉ dám ca ngợi ngài qua các danh xưng: Druk Thamchay Khyenpa (Long Vương- the Omniscient Dragon), hay một cách tôn kính là Je Drukpa (Đức Đạo sư Rồng - Lord Dragon-Master) hay là The Drukchen (Rồng Lớn - the Great Dragon).

Còn nhúm Drukpa VN ngày nay liều mạng và ngông cuồng hơn, dám tự phong cho lạt-ma Gyalwang Drukpa, sinh năm 1963, cái chức “Đức Pháp Vương”, ngang Phật. Họ khộng phạm thượng chứ là gì?
avatar
abc 27/03/2010 00:03:11
Bạn Ma Vương thân mến,
Bài của bạn không phải là diễn nôm mà là dịch nghĩa từ Hán Việt ra Việt ngữ. Còn bài diễn nôm (từ thơ Hán Việt ra thơ Việt) là:
Đấng Pháp vương vô thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời, người
Cha lành chung bốn loại
Quy y tròn một niệm
Dứt sạch nghiệp ba kỳ
Bài này có trong các cuốn Nghi thức mà Phật tử tụng đọc thường ngày.
Nói về danh xưng thì chính bạn cũng đang lạm dụng danh xưng đó thôi. Bạn xưng là Ma Vương mà bạn có đủ các tính chất của ma vương chưa?

Còn bạn Thành, bạn có lối xưng hô không lịch sự chút nào. abc thì gọi là abc, tại sao lại abc gì đó ơi. Tôi thấy ngoài bạn ra chẳng có ai gọi ai như thế.
Còn câu: "Có lẽ mấy trang wed (web) này không thuộc tông phái Drukpa như bạn abc gì đó chăng ?" Tôi không hiểu rõ ý của bạn lắm.
Chắc bạn cho là tôi thuộc tông phái Drukpa chứ gì. Nếu vậy thì tội nghiệp bạn quá! Bạn cũng có nhiều cái mũ đấy. Xin chúc mừng bạn, bạn Thành!

Tôi rất vui khi đọc bài viết của các bạn.
Nếu các bạn nói "Đấng Pháp vương vô thượng" thì tôi nhớ ngay bài Tán Phật. Còn các bạn chỉ nói Đức Pháp vương nên nhất thời tôi thấy lạ; cảm ơn bạn Kiều Uyển Hoa đã nhắc nhở.

Thế mới biết phần bình luận của trang web này ích lợi như thế nào. Ai thấy ai chưa đúng là xúm lại góp ý. Để làm gì? Để cho mọi người ai cũng hiểu biết như mình.

Bạn Thành ơi, cụm từ "Đức giáo hoàng" có gì hay mà bạn nói "đố ai dám mạo xưng". Ở bên Trung Hoa còn có Hồng Tú Toàn xưng là em Jésus kia, thế mới hay!
Còn kinh thánh ghi rõ là "các người không được gọi ai là cha, vì các ngưới chỉ có một người cha trên trời." Bây giờ có thêm Đức Thượng Phụ, thế mới hay!

Tôi thật sự vui khi thấy còn có nhiều người nhiệt huyết. Có câu nói: Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư.
Vâng, thầy của ta!
Reply Tán thành Không tán thành
-1
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
Thành 27/03/2010 01:55:21
Bạn abc gì đó ơi ! Xin bạn bớt nóng giận và trở lại vấn đề chính đang thảo luận là danh xưng "Đấn Pháp Vương"do nhóm Drukpa VN dịch và gán cho Ngài Gyalwang như vậy đúng hay sai .Tôi thú thật là tuổi đời tôi còn quá trẻ,lại đang mon men bước vào đường học đòi Phật pháp,cho nên rất muốn lắng nghe là chính.

Thành-Là tên thật của tôi trong khai sinh chứ không là một bút hiệu hay bí danh gì cả , nếu bạn cần tôi cũng sẵn sàng cho bạn biết .Bạn có ý lên án tôi là xưng hô mất lịch sự (với ai?),có lẻ bạn dư thừa lịch sự lắm nên mới có nhã ý ban tặng cho người khác như thế .Ngay từ lúc đầu ,vị có tên Ma Vương nói thật tôi rất dị ứng ,nhưng khi abc xuất hiện,tôi thấy Ma Vương vẫn còng có chổ để người ta gọi.Hơn nữa những vấn đề Ma Vương phân tích rất hay,đáng để cho người sơ cơ như tôi học hỏi .Tại sao người lớn hơn tôi không thấy rằng abc ,dù có bị sử dụng kiểu nào thì cũng vẫn là abc-3 mẫu tư la tinh thời mẫu giáo tôi học .Vì vậy,khi tôi gọi "Bạn abc gì đó ơi"-Gì đó ơi là tên thật của bạn tôi muốn biết đó thôi .Nếu giả sử tôi có mất lịch sự thì cũng đâu phải
mất lịch sự với bạn-mất lịch sự với abc-cơ mà !Đó là thủ pháp tránh né,có ý đồ của những vị muốn nói chuyện chính nghĩa mà ngại nêu tên thật của mình.Bạn đã thành công rồi đó .các mẫu tự la tinh có abc,có Ma Vương và đương nhiên có tên tôi .Thế còn bạn ở đâu ? sao ngang nhiên giấu mặt mà lên án kẻ khác lắm thế ? Ma Vương hơn bạn ở chổ này .

Tôi chỉ có một cái đầu,bạn abc gì đó lại tặng tôi nhiều mủ lắm thế ,thôi xin trã bớt về cho bạn đó.Mong bạn nên quay về chuyện "Đức Pháp Vương",chớ lòng vòng bài kệ tán Phật như vậy nữa.Bạn đi khá xa rồi đó ,bạn abc gì đó ơi !
avatar
abc 27/03/2010 05:30:12
Bạn Thành,
Vậy là tôi hết muốn nói gì với bạn vì bạn chẳng hiểu gì cả. Trang web đâu có bắt buộc ai cũng phải để tên thật trong khai sinh đâu. Những phóng viên, những người viết bài trên báo, viết sách... ai cũng có thể tự để tên thật, hay chọn cho mình một bút danh nào đó mà mình thích. Còn bạn thì cho rằng ngại nêu tên thật của mình là vì thủ pháp tránh né, có ý đồ, giấu mặt... Lại thêm một cái mũ nữa mà bạn muốn chụp lên đầu người khác rồi đó. Tôi chả ngại gì cả, nhưng tôi vẫn thích để abc và thấy không cần phải giải thích. Tôi chả bao giờ cần biết tên thật của bạn. Biết để làm gì nhỉ? Có hàng ngàn người tên Thành đấy thôi!
Bạn nói: "Gì đó ơi là tên thật của bạn tôi muốn biết đó thôi." Có ai muốn biết tên người khác mà "gì đó ơi"? Vậy có bao giờ bạn nói "Nhất Linh gì đó ơi", hay "Thế Lữ gì đó ơi" không? Hoặc "Ma Vương gì đó ơi" không? Đó chắc cũng toàn là bút danh thôi, chẳng lẽ họ cũng có ý đồ gì đó, ngang nhiên dấu mặt, dùng thủ pháp để tránh né chăng? Tôi cũng hân hạnh được bạn muốn biết tên thật của mình.
"Bạn cũng có nhiều cái mũ đấy. Xin chúc mừng bạn, bạn Thành!" Nếu câu này mà bạn cũng không hiểu thì tôi bó tay. Chẳng lẽ tôi phải giải thích đó là mũ mà bạn muốn chụp lên tôi khi thấy tôi không đồng ý chỉ trích việc gọi Đức Pháp vương sao.

Chẳng lẽ các ý kiến trên trang web là những mệnh lệnh sắt thép, không ai được có ý kiến khác sao? Để đến nỗi người ta phải sợ, như bạn Thành nói: nào là phải dùng thủ pháp tránh né, phải giấu mặt, mà không dám để tên thật. Nghe sợ quá! Nghe có mùi độc tài rồi đó.
Các lời bình luận trên trang web chỉ là những ý kiến; đã có ai thẩm định, đánh giá và kết luận đâu mà lớn tiếng cho rằng đó là "chuyện chính nghĩa".
Bạn nói: Ma Vương hơn bạn ở chỗ này. Đương nhiên rồi. Nhưng bạn không thấy là Ma Vương cũng hơn cả bạn sao. Ma Vương chả tò mò tên thật của tôi là gì. Dù để trả lời cho một ý kiến khác mình vẫn lịch sự, ôn tồn giải thích, chả chụp cho tôi cái mũ nào.
Tôi vẫn cảm thấy vui, một niềm vui có hai cái mũ không mất tiền mua. Đó há không phải là một điều phúc sao. Không biết mừng thì thật là vô minh.

Dù sau đây bạn có nói gì thì abc cũng sẽ không bao giờ trả lời bạn nữa. Đây là những dòng cuối cùng abc viết cho bạn. Chấm hết.
avatar
Thành 27/03/2010 10:33:02
A Di ĐÀ Phật ! Rất cảm ơn sự yên lặng của bạn .
avatar
Ma Vương 27/03/2010 11:56:32
Anh DK Thành và bạn abc thân mến! Cám ơn các bạn đã lời khen tôi. Quả thật tôi không xứng đáng như lời khen của các bạn. Mấy năm trước đây, khi lạt-ma Gyalwang Drukpa 12 đến VN, tôi chưa có máy vi tính và chưa biết Internet, nên không biết vị “Đức Pháp Vương” và “Nhiếp Chính Vương” do nhóm Drukpa tự phong này đã đến VN 2 lần rồi.

Dạo gần đây, đọc tin trên GNO, tôi biết có “Đức Pháp Vương” và Tăng đoàn sang thăm VN. Lúc đầu tôi cứ ngỡ đây là cái chức sắc của tông phái Rồng (Drukpa). Đến khi tôi đọc vài bản tin do nhóm Drukpa VN viết tâng bốc thái quá vị lạt-ma này như thần như thánh sống, tôi sinh nghi, liền truy cập vào trang tiếng Anh drukpa.org để tìm hiểu rõ ngọn nghành cái chức này. Tôi đọc đỏ cả mắt trong trang web ấy cũng không thể nào tìm đâu ra được hai cái chức đó. Tôi hiểu nhóm Drukpa VN này đang tiếp thị quảng cáo và lòe bịp mọi người để bành trướng tông phái và bán các sản phẩm Phật giáo Tây Tạng.

Tôi suy luận đơn giản là, người bảo trợ cho chuyến đi tiền tỷ này là tu nữ mượn đạo đời Huệ Đức, CEO Siêu thị Phật giáo vừa khai trương ở chùa Phổ Quang, và vài công ty khác. Bỏ ra tiền ra quảng cáo thì phải có thu vào, nguyên tắc kinh doanh mà. Nếu không thế thì sập tiệm à?

Đã nhập hàng PG Tây Tạng thì phải có người mua. Phật tử VN đa số tu Tịnh độ thì sao mà bán được sản phẩm mật tông Tây Tạng được. Cho nên cần phải có người tu theo Mật Tông. Muốn có người tu theo Mật tông thì phải thầy dạy Mật tông. Thầy Mật tông trong nước thì không ép-phê, nên phải mời thầy Mật tông nước ngoài. Thầy Mật nước ngoài đến VN muốn thu hút được người PTVN thì phải đánh bóng thổi phồng ông thầy này lên như thần như thánh mới thu hút được thiên hạ.

Vì vậy, tất cả các pháp hội quán đỉnh nghi quỹ tu trì, nếu tra cứu từ điển Phật học, ta hiểu ngay đây là hoạt động truyền trao cách thức tu tập cho đệ tử sau khi đã quy y theo thầy, nói cách khác, đây là hoạt động cải đạo tín đồ từ Tịnh độ tông sang Mật tông. Khi hàng triệu người chuyển sang tu Mật tông thì Huệ Đức sẽ hốt tiền tỷ nhờ bán các sản phẩm mật tông. Vì vậy, tôi nói chuyến đi của lạt-ma Gyalwang Drukpa 12 thực chất là chuyến đi quảng cáo tiếp thị sản phẩm Mật tông.

Nhưng ở đời, khôn vặt thì khó bền. Họ phong cho lạt-ma Gyalgang Drukpa 12 là Đức Pháp Vương và hai vị khác là Nhiếp Chính Vương. Mới nghe qua ai cũng thấy dợn dợn người. Khổ nỗi nhiếp chính vương nghĩa là thay vua trông nom việc triều chính. Vậy, vị Đức Pháp Vương kia chỉ là ông VUA BÙ NHÌN à? (HAHAHA…). Nhóm Drukpa VN khôn vặt và ngu dốt là thế.
Reply Tán thành Không tán thành
-1
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
thanhhuyen 28/03/2010 06:30:17
Và đương nhiên ngày 26/03/2010,Latma Gyawang Drukpa đời thứ XII (Pháp Vương của nhóm Drukpa VN)phải đếm Quan Âm Tu Viện (Cù Lao Phú Nhuận)-Nơi trú xứ của sư cô Huệ Đức ,người có công rất lớn trong việc truyền bá Mật tông Tây Tạng vào VN để...kinh doanh ! Trong buồi lễ ,nhìn sư cô và một nhân vật(Ngài A.Đ) tất bật mà thầm nể phục cho ê kíp làm văn hóa P.G này.Nguy quá !
Reply Tán thành Không tán thành
-3
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
vtmt 30/03/2010 09:50:17
À, nhân tiện thấy mọi người đang bàn luận sôi nổi, mình xin phép được tóm tắt một số ý chính.
1. Việc sử dựng danh từ "Pháp Vương": một số Phật Tử Việt Nam có suy nghĩ rằng danh từ "Pháp Vương" được sử dụng như một danh hiệu chỉ riêng cho đấng Phật Đà. Các Website tiếng Anh của Drukpa cũng không nhắc đến từ "Pháp Vương". Tuy nhiên, chúng ta không thể kết luận rằng danh hiệu Pháp Vương là do Drukpa VN vô cớ đặt ra, bởi vì có thể họ đã dịch từ danh hiệu tiếng Tây Tạng của ngài. Một số dòng truyền thừa Tây Tạng (như tông Ninh Mã) cũng có sử dụng danh từ "Pháp Vương" (Dharma King) để chỉ những bậc thượng sư, tinh thông Phật Pháp. Ở PG Thái Lan, chúng ta cũng có một danh hiệu cho người đứng đầu Tăng Đoàn là Vua Sãi (Sangha Raja). Do đó, chúng ta nên suy xét thật kỹ lưỡng và thảo luận với các Tôn Đức trước khi vội qui tội cho Drukpa VN.

2. Lo ngại sự du nhập của Phật Giáo Tây Tạng sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến PGVN:
Thứ nhất, Phật Giáo Kim Cang Thừa (hay còn gọi là Mật Tông) không phải là hoàn toàn mới với PGVN. Phái thiền Tì-na-đa-lưu-chi của Việt Nam có những phương pháp tu tập theo Mật Tông rất rõ ràng. Các nhà khảo cổ học cũng tìm được các cột trụ đá thời Đinh có khắc bản Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni (USNISA VIJAYA DHARANI). Phật Đỉnh Tôn Thắng là một vị Phật thù thắng của Mật Tông, còn có tên Tây Tạng là Namgyalma. PGVN hiện giờ kết hợp yếu tố của cả Thiền-Tịnh-Mật; bài chú Đại Bi (Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni) cũng là một bài chú của Mật Tông. Cả Bát Nhã Tâm Kinh cũng có một đoạn chú của Mật Tông (Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát đỏa bà ha – Gate gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha).

Thứ hai, Truyền Thừa Drukpa là một dòng truyền thừa lâu đời của Phật Giáo Tây Tạng, nổi tiếng với sự giữ gìn giới luật cẩn thận. Ngài Gyalwang Drukpa thứ 12 là một vị lãnh đạo Phật Giáo đầy uy tín và được thế giới công nhận (tờ Times của India đã bầu chọn ngài là một trong những người có ảnh hưởng nhất ở Ấn Độ).

Thứ ba, những gì ngài Gyalwang Drukpa giảng dạy đều khế hợp với truyền thống Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Nguyên Thủy. Trong những bài giảng của ngài, ngài luôn nhấn mạnh đến sự liên tục của giáo pháp, rằng Phật Giáo Kim Cang Thừa đặt nền tản trên Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Nguyên Thủy. Do đó, Phật Giáo Kim Cang Thừa sẽ không thể nào phát triển nếu thiếu hai thừa còn lại.

Thứ tư, chúng ta cần thừa nhận rằng PGVN, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã từng có thời kỳ suy kiệt nặng nề. Ngay cả hiện nay, chúng ta vẫn chưa dịch xong và phổ biến hết bộ Đại Tạng Kinh Đại Thừa. Do đó, sự giúp đỡ của các truyền thống Phật Giáo quốc tế là điều hết sức quan trọng để khôi phục lại Phật Giáo Việt Nam. Hiện nay, nước ta đã có mặt của cả ba truyền thống Phật Thừa, và đây là một điều hết sức hoan hỉ, là một tín hiệu tốt lành cho Phật Giáo nước nhà. Chúng ta không nên quá câu nệ vào hình thức hay tông pháp, mà hãy lắng nghe lời dạy của ngài Gyalwang Drukpa xem lời dạy đó có lí không, có khế hợp với những gì chúng ta biết hay không. Ngày xưa ngài Huệ Năng và Thần Tú đâu có câu nệ vào tông pháp Đốn-Tiệm, chỉ có những đồ đệ của các ngài phân biệt thật rạch ròi vậy thôi. Chúng ta nên kết hợp những lời dạy của ngài Gyalwang Drukpa để làm giàu thêm Phật Giáo VN. Ngài Gyalwang Drukpa cũng nhấn mạnh nhiều lần rằng người VN cần trở về với truyền thống của mình.

3. Có sự lo ngại rằng một số cá nhân, tổ chức đang lợi dụng ngài để kinh doanh sản phẩm Phật Giáo: đây là một lo ngại chính đáng, tuy nhiên, mình không thể nào phán xét một cách rõ ràng động cơ của những cá nhân, tổ chức ở trên. Như Đức Phật đã dạy, chuyện mình làm chỉ có tâm mình biết thôi. Mình chỉ cầu mong rằng họ có tâm thiện nhằm hoằng dương chánh pháp. Việc sử dụng các phương tiện kinh tế, truyền thông để hoằng dương chánh pháp là điều hết sức hoan hỷ. Các tổ chức PG ở Mỹ, Châu Âu hay Nhật đều có tổ chức hết sức qui củ. Nếu chúng ta không cố gắng, phấn đấu hoằng dương Chánh Pháp, làm giàu thêm cho PGVN thì Phật Pháp sẽ biến mất khỏi Việt Nam.
Cám ơn tất cả các bạn đã đóng góp ý kiến và mong các bạn sẽ có thêm nhiều đóng góp cho PGVN.
avatar
Thiên Vương 02/04/2010 05:33:47
Bạn vtmt thân!
Bạn đã có ý rất hay. Tuy nhiên tôi nghĩ, từ Pháp Vương (Đức Phật) cũng tương tựa như từ Vua Sãi (Tăng Thống) ở Thái Lan mà bạn so sánh xem ra có vẻ khập khiễng. Bởi vì từ Vua Sãi, nghĩa là đứng đầu chư Tăng của một quốc gia nào đấy. Còn từ Pháp Vương, dễ bị ngầm hiểu là Đức Phật của tất cả chúng sinh.
Tôi thật sự không nhất trí gọi ngài Gyalwang Drukpa 12 là Đức Pháp Vương cho dù tiếng Tây Tạng, hay tiếng Tàu có thế nào cũng mặc kệ. Khi chuyển ngữ bất kỳ ngôn ngữ nào sang tiếng mẹ đẻ, anh phải nghĩ đến cái nghĩa chung mà mọi người thường hiểu.
Bạn có nói là Dòng Drukpa là dòng phái lâu đời của PG Tây Tạng, nhưng đọc lại lịch sử PG Tây Tạng, trong 4 tông phái chính của PG Tây Tạng hiện nay, không thấy nhắc đến dòng phái Drukpa.
Còn Gyalwang Drukpa 12 được tờ The Times ò India bầu là người có ảnh hưởng nhất Ấn Độ, thì quả tình là tôi chưa bao giờ nghe thấy. Nếu bạn có bài báo này xin cho tôi xem với. Riêng tôi, tôi cứ tưởng Đức Dalai Lama 14 và Kakarpa 17 là hai vị có ảnh hưởng nhất Ấn Độ hiện nay chứ, hóa ra là ngài Gyalwang Drukpa 12 nhỉ. Lạ thật!
Còn các tổ chức bảo trợ cho ngài Gyalwang Drukpa 12 sang VN có lợi dụng ngài hay không thì xin bạn hỏi thăm mọi người xem, mỗi khi ngài Gyalwang 12 đi đến đâu, nhóm Drukpa VN đều xin nơi đó cho bán sách dịch của ngài giá sấp sỉ 400 ngàn/1 cuốn khoảng 200 trang thôi. Rẻ mà. Mỗi nơi bán khoảng từ 500 đến 1000 cuốn (thành tiền là từ 200 đến 400 triệu)là êm rồi.
Reply Tán thành Không tán thành
-1
Cảnh báo nội dung không phù hợp
avatar
kinhthanh 02/04/2010 06:12:00
Bạn Thiên Vương nói rất đúng !Lại còn đưa ra thêm nhiều động thái của nhóm Drukpa VN ,ăn theo-chính xác là lợi dụng chuyến đi giảng của Ngài GyaWang .Còn non nước nào mà nhóm người này không làm được cơ chứ ?Nghe đâu mấy vị chủ chốt này còn đang làm văn hóa thành hội PG nữa cơ đấy !

Ban Văn óa Thành Hội PG tp.HCM nghĩ sao ?
avatar
Hai Nguyen 26/11/2011 04:56:03
sao chung ta mai cu ban luan ve cach xung ho cua mot so phat tu goi ngai nhu vay?
vi chung ta con vuong voa cai chap phan biet ma thoi.
phat tu xung ho ngai nhu vay do chi la bay to long ton kinh den ngai ma thoi.
Doi voi toi cai quan trong la thong tin ma ngai muon gui den cho chung ta,va chung ta nen lam theo de cuoc song cua ching minh va moi nguoi duoc hanh phuc hon.
con ve giao phai,thi khong nen chia re nhu vay!Tuy benh ma cho thuoc,cho nen Duc Phat da giay cho chung sanh den ca 8400 phap mon.
cho nen bot no di mot chut,chu khong thi vuong phai vao cai toi goi la Tang thuong man do!
tổng số: 18 | đang hiển thị: 1 - 18

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.89

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập