Đặc tính tư tưởng của thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam

Đã đọc: 1413           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thiền phái Lâm Tế khi truyền vào Việt Nam thể hiện rõ tinh thần tùy duyên nhi bất biến, bất biến nhi tùy duyên. Sự tiếp biến văn hóa, sự tiếp nhận có chọn lọc đã làm cho Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam ăn sâu bám rễ và hòa quyện cùng văn hóa bản sắc dân tộc Việt.

Thiền phái Lâm Tế truyền vào Việt Nam từ Trung Hoa qua hai giai đoạn chính là vào thời nhà Trần và đời Lê Trung hưng (vua Lê chúa Trịnh, chúa Nguyễn). Sau khi truyền vào Việt Nam, Thiền phái Lâm Tế có những thay đổi cơ bản để thích nghi với văn hóa, phong tục tập quán bản địa. Ngoài việc thừa hưởng những phương pháp đặc thù mang đậm phong cách Trung Hoa, Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam còn mang một nét rất riêng của văn hóa dân tộc, tạo nên một sắc thái Thiền mới cho Phật giáo Việt Nam, nhất là Phật giáo Đàng Trong. Điều này cho thấy tính phương tiện tùy cơ tiếp vật của Phật giáo. “Bất biến nhi tùy duyên”. Phong tục, văn hóa Việt Nam vẫn mang truyền thống thờ cúng tổ tiên ông bà cha mẹ. Ở đây, chúng ta thấy có các điểm dung hòa trong Thiền phái Lâm Tế với văn hóa truyền thống bản địa đó là: Dung hòa Nho – Lão – Phật và thờ cúng tổ tiên cùng sự dung hòa giữa Thiền, Tịnh, Mật song tu. Hãy cùng tìm hiểu hai vấn đề này để thấy rõ đặc tính của Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam.

Dung hòa Nho - Lão - Phật và thờ cúng tổ tiên

Tư tưởng Tam giáo (Nho – Lão – Phật) đồng nguyên được cổ xúy rất mạnh trong thời kỳ phong kiến tại nước ta. Các khái niệm “Cư Nho mộ Thích” khá phổ biến trong ý thức hệ tư tưởng thời bấy giờ. Trong bối cảnh lịch sử như vậy, Thiền phái Lâm Tế tất nhiên khi truyền vào Việt Nam cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Dân tộc Việt Nam ta vào thời xưa cũng có một tín ngưỡng theo đạo Sa bà, tin vào Thượng đế, Thần linh… Khi xã hội đã văn minh, tiến bộ, các quốc gia có mối liên hệ với nhau, có sự trao đổi giao lưu về kinh tế, văn hóa nên các luồng tư tưởng cũng theo đó mà hòa nhập với nền tư tưởng tôn giáo bản địa, làm cho tư tưởng tôn giáo của nước đó ngày càng đa dạng, phong phú. Riêng dân tộc Việt Nam, vốn là một dân tộc có tính nhu hòa, dễ dung hợp nên khi các tư tưởng tôn giáo ngoại lai truyền vào ít có sự xung đột. Những tư tưởng tôn giáo có nhiều ảnh hưởng đối với dân tộc ta là Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo. Ba tư tưởng này kết hợp với tư tưởng bản địa tạo nên một hình thái tư tưởng mới chưa từng có trong lịch sử, đồng thời cũng hình thành nên sắc thái đặc thù trong Thiền tông Việt Nam.

Thiền phái Lâm Tế khi truyền vào Việt Nam thể hiện rõ tinh thần tùy duyên nhi bất biến, bất biến nhi tùy duyên. Ảnh minh họa.

Với lịch sử Thiền tông Trung Quốc, ta hầu như ít thấy vị Tổ sư nào vừa là Thiền sư vừa là dịch giả, vừa tu thiền vừa tu Tịnh độ. Trái lại, điều này ta thường thấy những Thiền sư Việt Nam. Cụ thể, Tổ sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) vừa là Thiền sư vừa là dịch giả. Ngài là tác giả của các kinh: Tượng Đầu Tinh Xá, Báo Nghiệp Sai Biệt… Hay các vị Thiền sư Việt Nam về sau như Pháp Thuận (925 – 990) viết Bồ tát Hạnh Tu Chứng Đạo Tràng và Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn… Tam Tổ Trúc Lâm chủ trương vừa Thiền vừa Tịnh. Những đặc điểm này góp phần tạo nên những dấu ấn sâu đậm để hình thành bản sắc đặc thù và làm tôn chỉ cho Phật giáo Việt Nam.

Trong lịch sử Phật giáo Thiền tông Việt Nam, mọi Kinh điển đều được đánh giá cao, được học tập và nghiên cứu bằng nhận thức của Thiền tông. Thiền Lâm Tế khi truyền vào Việt Nam cũng thế, nó đã bị dung hòa với khuynh hướng tư tưởng này. Việt Nam vốn là một nước dung hòa, coi trọng lễ nghi, ảnh hưởng Nho giáo và đạo thờ cúng tổ tiên sâu sắc,  vì vậy Thiền Lâm Tế khi vào Việt Nam đã dung hòa với ba tín ngưỡng trên trở thành một dòng Thiền Lâm Tế mang đậm bản sắc của dân tộc Việt. Khác với Thiền Lâm Tế Trung Quốc, Thiền Lâm Tế Việt Nam không phá chấp một cách rốt ráo và táo bạo, mà được vận dụng hài hòa, uyển chuyển đầy kiên nhẫn theo từng căn cơ khác nhau. Đặc chất của Phật giáo Việt Nam là Thiền, hay nói cách khác, thiền là trái tim của Phật giáo. Nên những Phật tử luôn tự nhận mình là thuộc dòng Thiền nào đó của các dòng thiền Việt Nam, mặc dù họ thường tu pháp môn Niệm Phật. Cụ thể, với người xuất gia, dù có tu tập theo pháp môn nào đi nữa, cuối cùng họ vẫn tự nhận mình là Thiền sư, điều này đã được minh chứng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo nước nhà.

Tinh thần dân tộc ấy không phải là một sự cố chấp, bảo thủ mà là một niềm tự hào dân tộc. Bằng chứng là suốt trên bốn nghìn năm dựng nước, dân tộc ta đã tiếp thu không biết bao nhiêu nguồn tư tưởng khác nhau. Tuy nhiên, sự tiếp thu này không phải là một sự đón nhận máy móc, rập khuôn mà luôn mang tính chọn lựa, dung hòa tạo nên một hình thái văn hóa hoàn toàn sai khác. Chẳng hạn, tinh thần Tam Giáo Đồng Nguyên của Trung Hoa được các Thiền sư Việt Nam vận dụng một cách uyển chuyển, tạo nên một nguồn tư tưởng đặc thù hoàn toàn khác đối với tư tưởng ban đầu, không như tư tưởng Ấn Độ, Trung Hoa nơi đã sản sinh ra nó. Tuy nhiên, cái riêng đó không phải là cái riêng của nước với lửa mà là cái riêng của nước với sữa. Sự dung hòa Tam giáo này chúng ta có thể thấy rõ qua các Thiền sư như: Thiền sư Hương Hải, Thiền sư Pháp Thuận, Thiền sư Viên Chiếu, Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Liên Thái, Thiền sư Pháp Tính, Thiền sư Chân Nguyên, Thiền sư Như Trừng, Thiền sư Pháp Chuyên… Cụ thể, ta thấy rõ hơn về điều này qua các tác phẩm của Thiền sư Hương Hải. Đặc biệt, trong “Sự Lý Dung Thông”, Thiền sư nói:

“Luận nhưng thánh tổ Nho gia

Trong đời trị thế, người là nhân sư

Sao bằng đâu suất vị cư

Lão quân tiên chủ đại từ dược phương

Phật là vạn pháp trung ương

Làm thầy ba cõi đạo trường nhân thiên”.

Với người xuất gia, dù có tu tập theo pháp môn nào đi nữa, cuối cùng họ vẫn tự nhận mình là Thiền sư, điều này đã được minh chứng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo nước nhà.

Hương Hải từng là một Nho gia, sau khi đã học pháp môn Thiền Lâm Tế, Ngài vẫn không quên phong cách nói chuyện của Nho gia. Ngài nêu lên tư tưởng “Tam Giáo Đồng Nguyên” trong công cuộc truyền giáo của mình:

“Thành thị du lai ngụ tự chiền

Tùy cơ ứng hóa mỗi thời nhiên

Song chiêu nguyệt đáo sàng thiền mật

Tùng tiến phong sung bích khách miên.

Sắc ánh lâu đài minh sắc diệu

Thanh truyền chung cỗ diễn thanh huyền

Nguyên lai tam giáo đồng nhất thể

Nhiệm vận hà tằng lý hữu thiên”.

Dịch nghĩa:

Phố thành chơi dạo ở chùa chiền

Ứng biến tùy cơ mỗi tự nhiên

Cửa đón trăng vào thiền chõng ngọt

Thông reo gió thổi ngủ thêm yên

Lâu đài sắc sáng càng thêm sáng

Chuông trống tiếng đưa tiếng mỗi truyền

Ba giáo xưa nay cùng một thể

Theo thời sao lẽ có nghiêng bên.

Để gánh vác công việc của Như Lai một cách thành công và trọn vẹn, người Thiền tử phải là những đấng trượng phu có trung có hiếu. Mẫu người Phật giáo Việt Nam lý tưởng là phải:

“Dốc làm chí cả trượng phu

Đạo nên trung hiếu, ân thù vẹn hai

Trong khi khó nhọc mựa nài

Sức dùng hà đảm Như Lai viên thành”.

Phật tử Việt Nam không chỉ biết nhắm đến giác ngộ, mà còn nhắm đến việc giác ngộ trong trung hiếu. Gần Minh Châu Hương Hải hơn, Thọ Tiên Diễn Khánh khi viết Nam Hải Quan Âm đã không ngần ngại ngay trong câu mở đầu đã nói lên mẫu người lý tưởng của Phật giáo Việt Nam.

“Chân như đạo Phật rất mầu

Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân

Hiếu là độ được song thân

Nhân là vớt hết trầm luân mọi loài”.

Giống như khái niệm nhân nghĩa, phạm trù trung hiếu không phải là một phạm trù của riêng Nho giáo mà người Việt Nam cũng có đạo lý trung hiếu. Cho nên, các Thiền sư biết phối hợp tư tưởng trung hiếu của người Việt với lý tưởng Bồ tát để hình thành nên mẫu người Phật tử Việt Nam – người Phật tử trung hiếu. Một mẫu người mà ta khó tìm được sự tương đương ở nơi khác. Thực tiễn của dân tộc Việt Nam đòi hỏi Thiền tông phải đào luyện cho được mẫu người phù hợp với đạo đức của dân tộc, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn ấy. Cho nên, chúng ta không ngờ ngay khi Thiền Lâm Tế truyền vào Việt Nam thì không còn những nét phẩm chất táo bạo, triệt phá tận cùng kiến chấp, ngã chấp, cũng không còn những phong cách mãnh liệt nguyên sơ của nó. Phật giáo Việt Nam nói chung và Thiền Lâm Tế Việt Nam nói riêng chưa bao giờ là bản sao của Phật giáo hay Thiền Lâm Tế Trung Quốc, mà là sự kế thừa có chọn lọc, có sáng tạo cho phù hợp với văn hóa, truyền thống và tư tưởng của dân tộc. Chính vì thế mà đã có sự dung hòa giữa Thiền Lâm Tế và tư tưởng Lão, Nho và thờ cúng tổ tiên một cách mật thiết.

Hương Hải từng là một Nho gia, sau khi đã học pháp môn Thiền Lâm Tế, Ngài vẫn không quên phong cách nói chuyện của Nho gia. Ngài nêu lên tư tưởng “Tam Giáo Đồng Nguyên” trong công cuộc truyền giáo của mình. Ảnh minh họa.

Dung hòa Thiền - Tịnh - Mật song tu

Có thể thấy, Thiền Lâm Tế khi vào Việt Nam thì không còn nguyên hình phong thái Thiền Lâm Tế của Trung Quốc là dùng công án, tiếng hét, cú đánh… để thực hành và khai thị nữa mà đã được dung hòa với các pháp môn truyền thống một cách tài tình, khéo léo. Chính nhờ sự dung hợp này mà Thiền Lâm Tế trở thành tài sản tinh thần vô giá của dân tộc và được truyền bá, duy trì cho đến ngày nay. Cụ thể là, Phật tử thuộc dòng Lâm Tế hiện nay đa phần đang áp dụng Thiền, Tịnh, Mật song tu. Hành giả vừa thực hành thiền định vừa trì tụng công phu theo thời khóa của pháp môn Tịnh độ. Các Thiền sư của dòng Lâm Tế vừa là Thiền sư, vừa là dịch giả, vừa là người trì kinh, niệm Phật, trì chú. Chẳng hạn, các Tăng đồ Huế đều là truyền thừa của dòng Lâm Tế, tuy nhiên lại áp dụng pháp môn Tịnh độ và trì chú trong việc tu tập của mình. Trong các thời công phu hành trì hằng ngày: thời công phu sáng gồm chú Lăng Nghiêm, Kinh hành, niệm Phật; thời công phu chiều tụng kinh A Di Đà phát nguyện vãng sanh tịnh độ; tối có thời tọa thiền. Như vậy trong một ngày hành giả thực hành trọn vẹn cả thiền, tịnh và mật. Thiền bổ sung cho tịnh, tịnh bổ sung cho thiền, trì chú cũng đưa đến an định tâm. Thiền, tịnh, mật song tu đã trở thành một pháp môn rất phổ biến từ thời xưa cho đến nay. Tư tưởng này có thể tìm thấy ngay từ buổi đầu khi Thiền Lâm Tế được truyền vào Việt Nam. Ở đây cũng có thể lấy tư tưởng của Ngài Hương Hải – Minh Châu làm thí dụ.

Dù bản thân là một Thiền sư dòng Lâm Tế thuộc Thiền phái Tào Khê, Hương Hải – Minh Châu không những không có tư tưởng đối lập với tư tưởng Bắc Tiệm mà còn mang quan điểm tiệm tu của ngài Thần Tú: “Lý hiểu tường, sự giữ tiệm tu”. Tuy nhiên, quan điểm này không phải hoàn toàn giống với quan điểm ngài Thần Tú mà thiền của Hương Hải đã kết hợp chặt chẽ với tư tưởng Tịnh độ, điều này được thể hiện rõ trong “Sự Lý Dung Thông” của Ngài:

“Chuyển vô minh, bối trần hiệp giác

Vui về bề diệu dược liên bang”.

Tư tưởng Tịnh Độ (liên bang) được Ngài coi như là một thứ thuốc mầu, điều này thể hiện rõ trong việc Ngài phiên dịch và giảng giải các kinh: A Di Đà, Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ cùng việc soạn Khoa Cúng Cửu Phẩm.

Tư tưởng Thiền Tịnh song tu từ lâu đã xuất hiện trong giới Thiền sư Việt Nam. Ngay từ thời xưa, Ngài Thông Biện cũng đã áp dụng, Ngài thường trì kinh Pháp Hoa, đến nỗi thời bấy giờ, người ta gọi Ngài là Ngộ Pháp Hoa. Rồi đến vua Trần Nhân Tông, khi viết Cư Trần Lạc Đạo Phú cũng không quên căn dặn:

“Tịnh độ là lòng trong sạch

Chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương

Di Đà là tính sáng soi

Mựa phải nhọc tìm về cực lạc”.

Thiền Lâm Tế khi vào Việt Nam thì không còn nguyên hình phong thái Thiền Lâm Tế của Trung Quốc là dùng công án, tiếng hét, cú đánh… để thực hành và khai thị nữa mà đã được dung hòa với các pháp môn truyền thống một cách tài tình, khéo léo.

Chính trong truyền thống tư tưởng Tịnh Độ như thế mà các Thiền sư đã tiếp thu các tư tưởng truyền thống Thiền Việt Nam để tạo ra một sắc diện mới trong nhận thức kinh điển của Phật giáo Thiền tông nước ta. Từ đó, các vị Thiền sư đã xây dựng cho mình một dòng thiền mang đậm bản sắc Phật giáo dân tộc, vừa kết hợp tinh hoa Phật giáo thiền tông ngoại lai, vừa phát huy tích cực khả năng thể nhập quần chúng, lập ra nhiều pháp môn phù hợp với căn cơ của người bản địa. Các Thiền sư dòng Lâm Tế ngoài những lối tu tham Công án, Mặc chiếu còn thực hành một số pháp môn khác nên phương pháp của Thiền Lâm Tế Việt Nam không rập khuôn theo quan điểm phương pháp tu Thiền của Trung Quốc. Pháp Môn Thiền Tịnh song tu có thể nói là pháp môn chủ đạo trong phương pháp tu tập của môn đồ Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam. Thiền học của Tông phái Lâm Tế với những phương pháp tham cứu, thì phương pháp tham công án được coi là trụ cột chính yếu, còn tiếng hét, cú đánh… chỉ là những chiêu thức tinh xảo nhằm đâm thủng vỏ bọc của công án. Thiền công án một thời hưng thịnh ở Trung Hoa và Nhật Bản và đến nay rãi rác một số thiền viện ở Trung Hoa và Nhật Bản vẫn còn áp dụng, riêng ở Việt Nam thì hoàn toàn không còn nữa mà đã biến đổi dưới một sắc thái Thiền tông mang đậm nét văn hóa Việt Nam.

Tóm lại, với phương châm “tùy duyên nhi bất biến, bất biến nhi tùy duyên” Đạo Phật nói chung và Thiền phái Lâm Tế khi truyền vào Việt Nam cũng thể hiện rõ tinh thần đó. Sự tiếp biến văn hóa, sự tiếp nhận có chọn lọc đã làm cho Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam ăn sâu bám rễ và hòa quyện cùng văn hóa bản sắc dân tộc Việt. Đều này thể hiện đúng tinh thần “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Sự hòa quyện này đã trở thành nét đặc thù trong tư tưởng thiền học cởi mở, làm cho hành giả thực hành dễ dàng tiếp nhận, áp dụng vào trong đời sống tu tập, mang lại lợi lạc cho tự thân và tha nhân. Chính nhờ vậy mà dòng thiền này cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại và phát triển vững mạnh.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập