Câu chuyện Phật Đản Sanh

Đã đọc: 4279           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Ngày đản sinh thái tử, trong thành Ca Tỳ La Vệ, cảnh vật vui vẻ lạ thường, khí hậu cây cỏ đơm hoa trổ trái tươi mát; sông, ngòi, mương, giếng nước đều trong đầy; trên hư không chim muông háo hức hót, và những luồng ánh sáng như hào quang tỏa chiếu ánh sáng. Thái tử chào đời có nhiều điều khác thường so với nhân thế như thân thể rực rỡ trong ánh binh minh và không gian kết đầy những những hoa, rồi mưa hoa ngát thơm ngào ngạt, tuông từ các vị thiên vương, mây trời kết ngũ sắc cúng dường, hoa đàm bừng nở, gió nhạc êm đềm, ba ngàn thế giới vang động, vạn vật như cúi đầu cung đón bậc Thầy của ba cõi Người, Trời và Thần.

Trước khi vào chuyện, thiết tưởng, chúng ta cũng cần hiểu qua về những sự kiện, từ ngữ, thuật ngữ  liên quan đến lịch sử của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni:

A.- Thử tìm hiểu từ ngữ, địa danh, thuật ngữ và ý nghĩa của sự kiện:

I-/Đản Sanh: Đản có nghĩa là xán lạn.Đản Sinh là ngày sinh của một bậc tôn quý sẽ mang lại lại cho cõi đời sự hân hoan xán lạn. Về phương diện ngôn ngữ thì hai tông phái Phật Giáo có hai quan niệm về đức Phật Đản Sinh khác nhau:

            a/-Phật Giáo Theraveda:  không dùng chữ “Phật Đản sanh” mà dùng “Bồ-tát Đản sanh”, vì cho rằng, nếu nói Phật Đản sanh thì sẽ hiểu Phật đã Thành Đạo từ lâu rồi, kiếp này chỉ là thị hiện lại; và nếu đã thành Phật rồi, bây giờ lại Đản sanh thì tại sao phải tìm đạo tu hành,phải chiến thắng ma vương mới được đắc đạo?

             b/-Phật Giáo Đại thừa: thì cho rằng sự xuất hiện của đức Phật là sự thành tựu từ tâm nguyện nung nấu ở quá khứ. Đức Phật muốn dùng cuộc đời sống động của Ngài để chứng tỏ Phật không phải là bậc quá cao siêu, chỉ dành cho một giai cấp nào đó. Phật là sự giác ngộ, là kết quả thành tựu qua quá trình tu học và tu trì. Hình ảnh đức Phật từ cõi trời Đâu Suất (còn gọi là Đao Lợi) giáng sinh xuống cõi trần và hóa thân làm thái tử. Với ngôi vị Thái tử, Ngài sang cả về địa vị, đầy đủ về vật chất, cũng có vợ đẹp con thơ. Nhưng cũng như chúng sinh, ngài cũng phải chịu sự chi phối của luân hồi: Sinh - Lão - Bịnh -Tử. Qua ý thức, Ngài thức tỉnh, rồi tiến đến hành động là cắt đứt mọi ràng buộc,bằng cuộc sống khổ hạnh của bậc xuất gia, Ngài tu tầm Đạo Giải Thoát. Đức Phật Thích ca là vị Bồ Tát thực hành Bồ Tát Đạo qua vô số kiếp. Sự giáng trần của Ngài là thực hiện đại sự nhân duyên như trong kinh Pháp Hoa - phẩm Phương tiện giảng rằng Đức Phật ra đời để dạy cho chúng sanh nhận chân được Phật Tri Kiến của mình mà thoát ly sanh tử khổ đau.

      2/ Thị Hiện:Kinh A Hàm viết về ngày sanh của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni: “Một chúng sanh duy nhất,một con người phi thường, xuất hiện trong thế gian nầy, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp,vì lợi ích và hạnh phúc của chư thiên và loài người”. Như vậy, Thị hiện có nghĩa là sự xuất hiện đầy đủ hình tướng mà thế gian thấy được.Dường như thuật ngữ Đản sinh và Thị Hiện chỉ Phật Giáo thường dùng để nói ngày sinh của đứcThích Ca Mâu Ni.

       3/Giáng Sinh(giáng trần):từ một nơi cao quý,hạ sinh xuống một nơi thấp kém.      

II/ Bồ Tát: (Bodhisatha): Là bậc Thanh vân, Duyên Giác, bậc đạt đến Tri Giác Ngộ, xuất hiện giữa cõi ô trược để giáo hóa chúng sinh.

III/Cõi Trời Đao Lợi: Cõi trời Đao Lợi của Đế thích là tín ngưỡng của người Ấn Độ. Hoàng hậu Maya khi mãn kiếp, bà sinh về nơi đây. Đức Phật Thích Ca đã có lần thuyết pháp cho mẹ Ngài và chư Thiên ở cõi trời nầy trong 3 tháng . Theo Từ điển Phật học Huệ Quang (tập II, tr.1474) ghi: “Trời Đâu suất là tầng trời thứ 4 trong 6 tầng trời ở cõi Dục, ở giữa tầng trời thứ III (Dạ Ma) và tầng trời thứ IV (Hóa lạc). Chư thiên ở cõi trời này sống hỷ lạc, vật chất sung mãn.”

IV/Quốc gia Nepal: là quốc gia thánh địa Phật giáo, nằm hẳn trong lục địa dưới chân Himalaya ở Nam và Đông Á, Bắc giáp Tây Tạng; Nam, Đông và Tây giáp Ấn Độ. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc:

 -Diện tích:147.181 km2 - ngọn Everest thuộc Himalaya cao nhất thế giới 8.850m

 -Quốc hiệu: Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal - Thủ đô: Kathmandu

 -Dân số:29.331.000

 -Ngôn ngữ :Nepali

 -Mả số điện thoại: 977

 -Lái xe bên trái.

 -Tôn giáo: 3 tôn giáo chính

      */Ấn Độ giáo: 75/6 % (ngôi đền Pashupatinath là nơi  người Hindu khắp nơi trên thế giới đến hành hương. Shiva là vị thần bảo hộ quốc gia Nepal ).

      */Phật giáo: 20%, ba hệ phái lớn của Phật giáo là Đại Thừa, Tiểu Thừa và Kim Cương Thừa cùng tồn tại. Phật giáo là tôn giáo hàng đầu ở khu vực phía Bắc thưa dân, chủ yếu là nơi sinh sống của các tộc người Tây Tạng, người Sherpa.

      */Hồi giáo: 4%

 V/ Hoa Vô Ưu (Udumbar): Theo kinh Pháp Hoa văn cú và một số kinh khác như Tạp A Hàm, Đại Bát Nhả Ba La Mật Đa,Hoa Nghiêm…thì hoa Vô Ưu hay Ưu đàm, là loại hoa thiêng, 3.000 năm mới nở một lần, và khỉ nở thì có Đức Phật ra đời". Hoa Ưu Đàm thường làm biểu tượng cho sự xuất hiện của đấng Thế Tôn. Có tài liệu cho rằng hoa Ưu Đàm là hoa của cây Sala (Shorea).

  VI/ Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini): Địa điểm linh thiêng Lâm Tỳ Ni thuộc quận Rupandehi, tọa lạc dưới chân dãy Himalaya. Cách cố đô Ca Tỳ La Vệ 25 km về phía Đông, cách Ấn Độ khoảng 36 km. Đây là nơi hoàng hậu Mayadevi sinh ra Siddhartha Gautama (Tất-đạt-đa - Phật Thích Ca). Hiện Lâm Tỳ Ni được bao bọc bởi một khu tu viện lớn mới được xây dựng có một số ngôi chùa và đền thờ Hoàng hậu Maya. Tại đây còn có ao Puskarini là Thánh tích, nơi Hoàng hậu làm lễ nhúng nước và vin vào cành hoa Vô Ưu (Udumbar ) trước khi sinh đức Phật. Khu nầy là một trong 4 nơi hành hương quan trọng vì gắn liền với cuộc đời của đức Phật, gồm : Nơi Phật Nhập Niết Bàn (Kushinagar ), Bồ Đề Đạo Tràng - nơi Phật thiền định 49 ngày dưới cây bồ đề (Bodh Gaya) và đức Phật giảng Pháp đầu tiên (Sarnath). Lâm Tỳ Ni bị bỏ quên trong nhiều thế kỳ. Năm 1895, Feuhrer nhà khảo cổ nổi tiếng người Đức khi ông đến các vùng đồi thấp của dãy núi Churia phát hiện các trụ cột lớn tại đây. Tiến hành khai quật, phát hiện ngôi đền bằng gạch và đá sa thạch điêu khắc những cảnh sinh thành của đức Phật.

      Năm 1986 nhà khảo cổ người Anh Cuningham khai quật được 1trụ đá trong số 4 trụ đá thường gọi là “Tứ Động Tâm” do vua A Dục (Ashoka Bindusara Maurya) đến thăm Lâm Tỳ Ni lúc nơi đây còn là một ngôi làng phồn thịnh, cho xây bốn ngôi tháp và một cột trụ đá vào năm 249 TCN để ghi lại vị trí nơi sinh của đức Phật vào 2600 năm trước khi nhà vua đến.Trên trụ đá có dòng chữ được khắc và dịch như sau:

- Năm Thiên Ái Thiện Kiến thứ 25 vua A Dục đích thân đến đây chiêm bái.

-  Đức Phật Đà, dòng họ Thích Ca đi xuất gia, Đản sinh nơi đây.

- Vua sắc - thanh trụ để kỷ niệm nơi Ngài đản sinh.

- Thôn Lâm tỳ ni, nơi Phật đản sinh được miễn thuế.

-  Đó là hồng ân Phật đối với nơi Ngài đản sinh.

Căn cứ vào trụ đá được khai quật, Tây phương xoá bỏ quan niệm cho rằng đức Phật là nhân vật huyền thoại và chấp nhận Ngài là nhân vật lịch sử. Trụ đá là bản khai sinh của đức Phật.

Các tấm phù điêu tại đây mô tả cảnh Hoàng hậu Maya, tay phải cầm một nhánh của cây Sala (Shorea) và một cậu bé sơ sinh đứng thẳng trên những cánh hoa sen, xung quanh đầu là vầng hào quang hình bầu dục và cùng các vị Thiên sứ.

Năm 1997, UNESCO công nhận Lâm Tỳ Ni là di sản văn hoá thế giới, tiếp tục khai quật, trùng tu và tôn tạo. Hiện nay, khu này được chia thành hai khu là khu phía Tây và khu phía Đông. Phía Đông có các tu viện của Phật giáo Nam Tông, phía Tây có các tu viện của Phật giáo Bắc Tông. Chính phủ Nepal không cho xây và khai thác thương mãi như nhà hàng, khách sạn, cửa hàng ăn tại khu vực nầy.

VII/ Thành Ca Tỳ La Vệ (kapilvastu): Cách di tích vườn Lâm Tì Ni 38 km về phía Tây (hơi chếch Bắc) là di tích cố đô Ca Tỳ La Vệ do ông Robin Coningham và ông Armin Schmidt 2 nhà khảo cổ học người Anh khai quật và tìm thấy một hệ thống tường bao 300m x 200m là khu vực của kinh thành xưa. Thành Ca Tỳ La vệ và Lâm Tì Ni được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1997.

     Theo sự nghiên cứu của các học giảVincent A.Smith, Dr.Vost, Dr.Rhys Davids, P.C. Mukherji và Nundo Lal Dey thì Kinh thành Ca Tỳ La Vệ của vua Tịnh Phạn trên bờ phía Đông của sông Banganga, gồm các làng Chitra-Dei Ramghat, Sandwa và Tilaurakota. Tilaurakota thuộc địa hạt Terai vùng biên giới giữa Nepal - Ấn Độ, cách chợ Taulihawa một dặm rưởi. Chợ này cách12 dặm về hướng Bắc và Đông Bắc của ga Shoharatgarh. Khu vực rộng lớn xung quanh chợ Tilaurakota được xác nhận như là thành lũy và cung điện của vua Tịnh Phạn. Taulihawa còn dáng vẻ cổ kính của kinh thành Ca Tỳ La Vệ ngày xưa, nhưng hiện nay hoang vắng, ít người ở. Dân chúng thỉnh thoảng đào đất và bất ngờ tìm thấy rải rác các pho tượng, đồ đất nung, và những đồng tiền bằng kim loại; đôi khi gặp cả tiền vàng và chuổi tiền đồng v.v...

Gần làng Nigalihawa có hồ Nigali lớn. Năm 1899, người ta đào thấy ở đây một trụ đá bị gãy đôi của vua A Dục, phần trên dài gần 5m, bị lấp trong lùm cây cạnh bờ hồ, và phần dưới dài gần 1m, nằm trên mặt đất. Phần trên của trụ đá có ghi hàng chữ Tây Tạng, với câu chú: “OM MANI PADME HUNG” (Án Ma Ni Bát Di Hồng) và trên dòng chữ này có khắc hình hai con công. Phần nửa trụ đá dưới có khắc hàng chữ Brahmi (tiếng Ấn Độ cổ), ghi lại chuyến đến thăm Ca Tỳ La Vệ của vua A Dục (Asoka),

Làng Vardahawa cách Kudàna một dặm rưởi về hướng Đông. Giữa 2 làng có hồ Kunaùn. Người ta tin rằng, đây là nơi mũi tên của thái tử Tất Đạt Đa, trong cuộc thi bắn cung, để cưới công chúa Da Du Đà La (Yasodhara, Rahulamata, Bimba, Bhaddakaccana, con vua Suppabuddha), rớt xuống tạo thành con suối.

Từ khi Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo Nepal thành lập gần 20 năm trước , quý Thượng tọa như Bhadanta Dhammaloka, Aniruddha và các vị Đại Đức khác trong Giáo Hội, đã nghĩ đến việc tìm cách duy trì và bảo vệ thánh tích Ca Tỳ La Vệ. Trong thời gian đó, chính phủ Nepal ủy thác Nha Khảo Cổ trùng tu, chăm sóc các Phật tích trong vùng Terai, gần biên giới Nepal và Ấn Độ.

VIII/ Nhà tiên tri A Tư Đà (Asita):là vị tiên ngụ tại thành Ca tì la vệ, nghe Thái tử giáng sinh, bèn cùng với người hầu là Na la đà (Nàlaka) đến cung vua Tịnh phạn để xem tướng Thái tử, thấy có tướng tốt của bậc đại trượng phu, ông đoán  rằng, nếu Thái tử xuất gia, sẽ đắc Đạo Bồ Đề, thành bậc Chánh Giác, chuyển vô thượng tối diệu pháp luân. Lại tự than và khóc vì không còn sống để được thái tử giáo hóa, sau bảo người hầu Na la đà xuất gia để chờ ngày thái tử thành đạo . Theo kinh Phật Bản Hạnh từ quyển 7 đến quyển 10, thì ông có đủ 5 phép thần thông, thường ra vào nơi tầng trời thứ 33.

IX/Tài liệu nói về đức Phật Đản sinh: Các nguồn tài liệu sớm nhất về cuộc đời Đức Phật bao gồm, kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy, một vài bản kinh bằng tiếng Pali như Kinh Trung A Hàm và từ các tông phái Tiểu thừa khác nhau. Tuy vậy, mỗi một bản kinh chỉ nêu lên những mảng nhỏ về cuộc đời Đức Phật.Bản tường thuật đầu tiên xuất hiện trong bộ thi phẩm Phật giáo vào cuối thế kỷ thứ II trước Công Nguyên, như Kinh Đại Sự (Mahavastu) của trường phái Đại Chúng Bộ (Mahasanghika school) thuộc Tiểu thừa. Tuy không thuộc về Tam Tạng Kinh Điển (Tripitaka), nhưng bản văn này đã bổ sung thêm các chi tiết. Một thi phẩm khác xuất hiện trong kinh văn của trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ, cũng thuộc Tiểu thừa là: Phổ Diệu Kinh (Lalitavistara Sutra). Các bản kinh Đại thừa về sau tác phẩm này đã mượn và trau chuốt thêm, như giải thích rằng Đức Phật đã giác ngộ rất lâu từ trước, và việc hóa thân làm Thái Tử Tất Đạt Đa chỉ để chứng minh con đường đạt được giác ngộ, hầu hướng dẫn chúng sinh. Một số trong các bản tiểu sử này được đưa vào Tam Tạng Kinh Điển. Nổi tiếng nhất là bản Huyền Thoại về cuộc Đời Đức Phật (Buddhacarita) do nhà thơ Ashvaghosha viết vào thế kỷ thứ I  của Công Nguyên. Các bản văn khác còn xuất hiện muộn hơn trong các Mật điển, như trong Chakrasamvara, Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, đức Phật cũng hóa thân thành đức Kim Cương Trì (Vajradhara)  và dạy Mật điển.

X/ Những truyền thuyết và ý nghĩa

1/Sinh bên hông:

      a/Kinh Đại Bản (Nam Tông) viết: “Bồ Tát trong thai mẹ 10 tháng mới sinh ra. Mẹ Bồ Tát đứng mà sanh. Khi sanh ra, chư thiên đỡ Ngài trước, sau mới đến loài người.Thân Bồ Tát không đụng đến đất, có bốn thiên sứ đỡ lấy Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ mà thưa: “Hoàng hậu hãy hoan hỷ, Hoàng hậu sanh một bậc vĩ nhân”. Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị ô nhiễm”.

    b/Kinh Vị Tằng Hữu Pháp thuộc Kinh Trung A Hàm và Kinh Đại Bổn thuộc Kinh Trường Bộ, của Bắc tạng cho rằng thái tử sanh ra từ bên hông hữu của Hoàng hậu

    c/Giải thích: Hầu hếtcác nước Đông phương, đều thần thánh hóa sự ra đời của các bậc Thánh nhân, hoặc huyền thoại kỳ tích của những nhà lãnh tụ. Ví dụ như  bà Nhan Thị mẹ Khổng Tử, đến núi Ni sơn cầu tự và mộng thấy Hắc Đế bảo bà sẽ sanh được Thánh tử và phải vào trong hang núi Không Tang để sanh. Khi tỉnh dậy thì bà biết mình đã thụ thai.Cũng đang lúc bà mơ ngũ ở lần khác, bà thấy 1 Lão ông xưng là Ngũ Tinh, dắt theo 1 con thú giống con trâu con, mình có vằn và có 1 sừng. Con thú thấy bà, liền nằm phục xuống và nhả ra 1 viên ngọc màu xích (màu đỏ). Sau nầy bà biết đó là con Kỳ Lân, có nghĩa là bà đang mang thai  bậc Thánh nhân.Khi Khổng Tử ra đời thì có hai con rồng xanh từ trên trời bay xuống nằm phục ở hai bên sườn núi và có 2 nữ thần đem nước hương lộ đến gội đầu cho bà, rồi trong hang đá có dòng suối nước nóng chảy ra để bà tắm, tắm xong thì suối cạn. Hay như bà Ngô Thị Ngọc Dao khi mang thai vua Lê Thánh Tông cũng mơ thấy trời sai tiên đồng giáng trần..v.v.

          Vì vậy, bên cạnh một đức Phật lịch sử, chúng ta còn có một đức Phật huyền thoại. Thật tế, huyền thoại nầy, đã củng cố thêm niềm tin sâu xa trong lòng dân gian. Xét về ý nghĩa của niềm tin, thì chúng ta có thể kết luận rằng “Tin Để Quy Ngưỡng, Chứ Không Phải Tin Là Mê Tín”. Thế nên, chuyện siêu phàm về đức Bổn Sư là điều tất nhiên và dễ hiểu. Thái tử Đản Sinh ra từ bên hông phải vì người Ấn Độ xem bên phải là thiêng liêng, mầu nhiệm.

      2/Ý nghĩa của voi trắng sáu ngà: Truyền thuyết kể rằng Hoàng hậu Maya chiêm bao thấy voi trắng sáu ngà từ trên không trung xuống và ẩn vào bên hông bên phải; sau đó bà thọ thai. Voi trắng 6 ngà là tượng trưng cho sức mạnh, sự hùng dũng luôn hướng về phía trước, là biểu đạt hình tượng Bồ Tát thành tựu Lục Độ Ba la mật (Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) , là biểu tượng của vị Bồ tát với hạnh nguyện cứu đời.

      3/ Ý nghĩa đi bảy bước: Thái tử vừa sinh ra, liền bước 7 bước trên 7 hoa sen. Tại sao là số 7 mà không là số khác?. Điều nầy đã có nhiều bản kinh viết, tuy có khác đôi chút nhưng vẫn là con số 7. Có rất nhiều cách giải thích khác nhau nhưng vẫn cùng chung ý nghĩa:

     -Con số 7 là con số tốt lành của người Ấn xưa.

     -Là con số “Huyền học Đông phương” mà người Ấn rất xem trọng.

     -Bảy bước là vì Ngài là vị Phật thứ bảy, tiếp nối sáu vị Phật đi trước là Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Tỳ Xá Phù, Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp.

     - Số 7 tượng trưng cho sự thành tựu sinh hóa cả vũ trụ không gian là đông,tây, nam, bắc; thời gian là quá khứ, hiện tại, vị lai.

     -Thất Bồ Đề Phần (Trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, xả).

     -Theo tư tưởng kinh Hoa Nghiêm toàn thể vũ trụ trên, dưới, trong, ngoài, phải, trái và chính giữa.

     -Từ vật nhỏ vi trần đến vật lớn như núi tu di tất cả không ngoài con số 7 như:

        *-Thất Đại: là địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến, thức.

        *-Thất thánh tài: là tín, tấn, giới, tàm quý, văn, xả, huệ.

        *-Thất chúng:Tỳ kheo,Tỳ kheo ni,Thức xoa,Sa di,Sa di ni,Ưu bà tắc,Ưu bà di.

        *-Thất thánh quả: là Tư đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm , Ala hán ,Duyên giác, Bồ Tát , Phật là quả vị tối cao.

    4/- Đi và đứng trên hoa sen: Tất cả các hình tượng Phật, Bồ Tát đều đứng trên hoa sen, vì hoa sen có tính chất đặc thù mà các loài hoa khác không có như : Sen là hoa tinh khiết, biểu tượng cho tinh thần nhập thế của Phật giáo được diễn đặ bằng tư tưởng: “cư trần bất nhiễm trần” ( trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn).

     5/Thái tử một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, và nói:Thiên thượng thiên hạ -Duy ngã độc tôn…”. Nếu chúng ta hiểu cái “TA”của thái tử nói là cái “TA=NGÔ

của sinh - diệt, của thân ngũ uẩn “duyên sanh giả hiệp”, của chúng sinh bình thường thì quả là lời nói quá tự cao tự đại! Đức Phật dạy chúng ta về giáo lý Vô Ngã như trong kinh Kim Cang rằng :” Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, thì cái TA trong lời thái tử không rơi vào phạm trù nầy. Là người học Phật. chúng ta nên hiểu cái TA đó là cái TA Chân Thật, Chơn Ngã, Chơn Tâm, cái TA của Phật Tánh, của Tâm Thanh Tịnh, Tâm Viên Giác, của Phật Tri Kiến, là xa lìa tất cả những cái gì gọi là đối đãi nhị nguyên như:”thiện - ác, giỏi - kém, sáng - tối, trung thành – phản bội .... “. Cái TA mà thái tử  nói là cái TA không có hình tướng, nên cái Ta nầy không bị huỷ diệt. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Như Lai Tánh, đức Phật dạy: Ngã tức là nghĩa Như Lai Tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh tức là nghĩa của Ngã. Nhưng vì chúng ta đã bỏ quên, chưa nhận ra được nó nên cứ mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Duy Ngã độc tôn này chính là cái “Như Thật Tri Kiến”, là Vô Ngã, bao gồm toàn thể vũ trụ hư không đều đồng thể Phật Tánh Như Lai – Ai đạt được hành trạng Vô Ngã rốt ráo tức đạt được 4 Tánh: “Thường – Lạc – Ngã – Tịnh”  bất biến của Niết bàn. Đây mới chính là “Duy Ngã độc tôn”. Như vậy, câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” không phải riêng  cho cá nhân đức Phật, cũng không phải cái “Ngã Sinh Diệt” mà là cái “Chơn Ngã Chẳng Hề Sanh, Diệt”.Đó mới là Cái Ngã mà Đức Phật phán dạy lúc Ngài vừa mới Đản sinh.

          6/Ba mươi hai tướng tốt: 32tướng tốt là sắc tướng của một Chuyển Luân Vương (cakravartī-rāja), của một vị Bồ tát, hay là của một vị Phật.Tuy nhiên, trong 32 tướng Chuyển Luân Vương lại không có hai tướng là có chữ Vạn ở trước ngực và tướng phát ra hào quang như Phật. Theo Luận Trí Độ, thì Bồ Tát thì cũng có 32 tướng tốt nhưng có 7 tướng khác hơn so với Chuyển Luân Vương. Trong nhiều bộ kinh quan trọng như  Đại Bát Nhã, Trường Bộ kinh, Đại Trí Độ Luận, Niết Bàn Kinh, Trung A Hàm Tam Thập Nhị Tướng Kinh đều có nhắc tới 32 tướng tốt và cho đó là kết quả của “Tâm Từ Bi Vô Lượng”. Chương thứ 13 kinh Kim Cang viết: “Tu Bồ Đề, ý ông thế nào? Có thể nào dựa vào 32 tướng mà thấy được Như Lai không? - Kính Thế tôn, không. Không thể dựa vào 32 tướng mà thấy được Như Lai. Tại vì sao? Như Lai nói 32 tướng, tức chẳng phải tướng, đó gọi là 32 tướng.” Đại ý cho thấy các hình tướng nhìn thấy, hay cảm xúc được, chỉ là hư vọng và vô thường không thể nào là chân lý là thực chất của vạn vật. Thấy được cải “Tính Không” của các “Hình Tướng” này và không chấp vào các hình tướng thì thấy được thật tướng.Ngoài 32 tướng tốt đó, còn phải nói đến 80 vẻ đẹp khác của Phật. Bàn chân Phật có hình bánh xe Pháp Luân (Dharma wheel), có ngàn cánh (hay căm), ứng với tướng tốt thứ nhì, được khắc bên trong bản diêu khắc "Dấu Chân Phật" vào thế kỷ thứ I. Trong tranh tượng, người ta thường diễn tả một số tướng tốt như là hào quang, hay chấm đỏ nổi lên cao giữa chóp đầu tượng trưng cho trí huệ

B.- Phật Đản Sinh:

          Cách đây trên 25 thế kỷ, năm ấy, hoàng hậu đã 40 tuổi vẫn chưa có con, hoàng gia rất lo lắng và nôn nóng. Một đêm trong mùa Lễ Hội Cầu Mưa diễn ra hằng năm khoảng tháng 6 và tháng 7.  Sau khi dâng cúng hương hoa trong cung điện, hoàng hậu ra bố thí cho dân nghéo, trở về cung an giấc, bà mộng thấy con voi trắng sáu ngà từ trên hư không lấy ngà khai hông bên hữu của bà mà chui vào. Hoàng hậu Bà đem chiêm bao kể cho vua Tịnh Phạn (Sudhodana, Zas gtsang-ma) nghe. Vua vội mời các thầy đến đoán mộng, và được giải rằng: "Hoàng hậu sẽ sinh một quý tử tài đức song toàn". Vua Tịnh Phạn vô cùng hân hoan. Voi trắng , tượng trưng cho trí huệ vượt chướng ngại, sáu ngà cho sự chiến thắng sáu giác quan hệ thống Ngũ Uẫn, đó là: Sắc (Rùpa) Thọ (Vedana),Tưởng (Samjnà),Hành (Samkàra),Thức (Vijnàna).

Hoàng hậu mang thai đến 10 tháng mới đản sanh Thái Tử Sĩ Đạt Đa (Sakya Sidhartha, Don-grub) thuộc giai cấp qúy tộc Thích Ca (Sakya) họ Cù Đàm (Gotama) vào ngày trăng tròn tháng năm, tức rằm tháng tư Âm lịch năm 623 trước Dương lịch, lúc mặt trời mọc tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), cách Ca Tỳ La Vệ 15 dặm trên đường về Devadaha thuộc nước Câu-ly (Koly) nơi phụ hoàng của bà là đức vua A Nậu Thích Ca (AnuShakya) đang trị vì để sinh con đầu lòng theo tục lệ của Ấn Độ lúc bấy giờ. Khi dừng chân ngoạn cảnh, bà đưa tay phải vin vào cành hoa Vô Ưu thơm ngát mà ba ngàn năm mới nở một lần, thì thái tử cũng thị hiện ngaycùng lúc. Cũng theo tục lệ Ấn Độ, thái tử theo họ mẹ là Thích Ca (Thích-ca Mâu-ni (Shakyamuni) Thích ca nghĩa là năng nhân, Mâu Ni là sự tĩnh lặng thấu suốt. Bảy ngày sau thì hoàng hậu băng hà,và thăng lên cõi trời Đâu Suất. Em gái ruột của hoàng hậu là Ma Ha Bà Xà Ba Đề (Mahã Pajãpati) lên làm kế mẫu.

Ngày đản sinh thái tử, trong thành Ca Tỳ La Vệ, cảnh vật vui vẻ lạ thường, khí hậu cây cỏ đơm hoa trổ trái tươi mát; sông, ngòi, mương, giếng nước đều trong đầy; trên hư không chim muông háo hức hót, và những luồng ánh sáng như hào quang tỏa chiếu ánh sáng.  Thái tử  chào đời có nhiều điều khác thường so với nhân thế như thân thể rực rỡ trong ánh binh minh và không gian kết đầy những những hoa, rồi mưa hoa ngát thơm ngào ngạt, tuông từ các vị thiên vương, mây trời kết ngũ sắc cúng dường, hoa đàm bừng nở, gió nhạc êm đềm, ba ngàn thế giới vang động, vạn vật như cúi đầu cung đón bậc Thầy của ba cõi Người, Trời và Thần.

Theo Kinh A-hàm - kệ Đản Sinh thuyết rằng Hoàng hậu Maya đứng mà sanh. Khi Thái tử giáng trần thì được 4 vị thuộc hàng chư thiên nâng đỡ, đặt Ngài trước hoàng hậu mà thưa : “Hoàng hậu hãy hoan hỷ, Hoàng hậu sanh một bậc vĩ nhân”. Lúc đó, Ngài đứng vững trên hai chân, bỗng nhiên từ dưới đất mọc lên một đóa sen Thất Bảo lớn như bánh xe để Ngài đứng lên trên,mở mắt hướng về phía Đông, mặt hướng phía Bắc, nhìn bốn phương rôi khoan thai bước đi bảy bước, hoa sen nở đón mỗi bước chân. Tay phải Ngài chỉ lên trời, tay kia chỉ xuống đất và ứng khẩu nói:”Thiên thượng, Thiên hạ duy ngã độc tôn Tam giới giai khổ - Ngã đương an chi” (Trên Trời và dưới trời chỉ có ta tôn quý; Ba cõi đầy khổ đau – Ta làm cho yên ổn) có nghĩa là trên trời, dưới thế tất cả chúng sinh ai ai cũng đều có chơn ngã là Phật tánh là Chơn Tâm mới thật, là duy nhất của ta.

Tin Hoàng tử chào đời được loan truyền trong nhân gian, thần dân vui mừng, Vua Tịnh Phạn mời một số đạo sĩ đến coi tướng, vị trẻ nhất trong các vị Bà la môn này là ngài Kiều Trần Như . Các đạo sĩ đều nói Hoàng tử có 32 tướng tốt, trên đời chưa thấy ai có; nếu sau này làm vua sẽ là một Hoàng Đế nhân đức anh minh, còn nếu xuất gia học đạo sẽ là bậc đại thánh.

Ba ngày sau, nhà vua cho mời A Tư Đà - một thân hữu rất được dòng họ Cồ Đàm kính trọng. trước khi ngài lui về ở ẩn. A Tư Đà đã từng là tế sư hoàng triều của thời thời Tiên vương Sihahanu. Ngài căn cứ vào một số thân tướng mà đoán rằng đây quả là một vị vương tử phi thường sẽ trở thành một vị Phật và sẽ chuyển Pháp Luân. Nếu Thái tử ở ngôi vua sẽ là một đại đế thống nhiếp thiên hạ, đem lại an lành cho trăm họ. Còn nếu xuất gia, thái tử sẽ là bậc đại giác cao cả, trí tuệ tuyệt vời siêu việt, Ngài sẽ phán nhận vũ trụ nhân sinh một cách xác đáng, Ngài sẽ dạy cho con người phương cách xây dựng bản thân, gia định và xã hội được có hạnh phúc đẹp tươi, cao hơn là giác ngộ sự thật của muôn vật, và giải thoát mọi ưu phiền do vô minh, tham ái chấp trước và sinh tử luân hồi. Giải giảng đến đây thì Ngài A Tư Đà ứa nước mắt vì Ngài biết sẽ không thể sống để được nhìn thấy thái tử Sĩ Đạt Đa thành Phật, Ngài căn dặn cháu trai là Nalaka nhớ rằng về sau phải làm đệ tử của đức Phật tương lại này. Tịnh Phạn Vương muốn đổi số mệnh của con thái tử, nên đặt tên cho Thái tử là Tất Ðạt Ða (Siddartha) theo tiếng Phạn, nghĩa là: "Kẻ sẽ giữ chức vị mà mình phải giữ".

        Đản Sinh của đức Phật là sự kiện lịch sử. Đức Phật thuộc dòng dõi Kiều Thi Ca (Gotama), là hệ gia phả kết hợp giữa dòng Sư tử thành Ca Tỳ La vệ và vương quốc Câu Ly láng giềng – Tịnh Phạn vương cưới hai chị em ruột công chúa nước Câu Ly là hoàng hậu Maya và thứ phi Ma Xà Ma Đề,sau nầy là kế mẫu của thái tử.

        Lịch sử đã ghi nhận sự hiện hữu của đức Phật trên thế gian nầy cách nay hơn 25 thế kỷ: Đó là một nhân vật có thật trong lịch sử nhân loại. 

Quảng Tuệ Tống Phước Hiến

-----------------------------

-Nguồn tham khảo: - https://vi.wikipedia.org/wiki/Nepal

                            - www.hanhhuong.net/index_files/Page2314  

                            - quangduc.com/a45624/01-thanh-ca-ty-la-ve  

                            - Các bộ Tự Điển và Kinh sách Phật Giáo

                            - Các trang web Phật học, của các tổ chức Phật Giáo

                            và cá nhân các nhân sĩ, Phật tử nghiên cứu Phật Giáo

                            - Các bài viết chuyển trên các phương tiện đại chúng.









Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập