Suy Niệm về sự Đản Sinh của Thế Tôn

Sự xuất hiện của Thế Tôn như ánh trăng sáng đi qua vần thái dương, như những làn gió mát, thổi qua giữa những trưa hè oi bức, làm dịu lại những chặng đường tử sinh. Như là tiếng nói làm chấn động và nghiêng đổ cung ma, giống như tiếng rống của sư tử, làm khiếp sợ những con thú vật khác. Và sự xuất hiện này đã đi ngang qua dòng chảy của thời gian hơn hai ngàn năm, ấy vậy mà những hình ảnh, những tư tưởng, những thông điệp mang tải chất liệu của từ bi và tuệ giác vẫn luôn chảy về trong tâm thức của tất cả những người có duyên với Ngài và cả trần thế này.
Lại một mùa Sen nữa đang về với trần gian, và trần gian một lần nữa như ấm lên sau tháng ngày băng giá, trời đất như bình yên sau thời gian rung chuyển, chim chóc cũng vui hơn sau những ngày đấu tranh miệng lưỡi, con người cũng hạnh phúc hơn sau tháng ngày lặn hụp trong khổ đau và oán trách. Tại sao như vậy? Lí do ấy ai trong chúng ta cũng biết đó là kỉ niệm ngày sinh của thái tử Tất Đạt Đa, mà sau khi giác ngộ được người đời tôn xưng là Thế Tôn. Để kỉ niệm ngày đản sinh của từ phụ Thích Tôn, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về sự kiện trọng đại này trong lịch sử nhân loại.
Thế Tôn thong dong tự tại đến giữa cuộc đời đầy phong ba bão táp này mà kinh điển gọi là “ngũ trược ác thế”. Khi ngài đến đây, đất trời ca tụng, người người mừng reo, chim chóc hát ca. Bởi lẽ đến để đem ánh sáng cho đời, làm đẹp cho thế gian, thăng hoa cho cuộc sống. Như kinh văn đã ghi rằng: "Ngài xuất hiện giữa cõi đời là vì sự hạnh phúc và an lạc của chư Thiên và loài người. Ngài xuất hiện giữa cõi đời là dựng đứng lại những gì đã xiêu vẹo, khai mở những gì đã bị che lấp, bật đèn cho mọi người thấy, dẫn đường cho mọi người đi". Quả thật, sự xuất hiện của Ngài như tiếng gọi chúng con trở về sau những tháng ngày lang thang vô định trên đường dài sanh tử luân hồi. Người về giữa chốn nhân gian, như để dẫn lối cho chúng con đi vào con đường thanh lương, con đường giải thoát. Người đến với thế gian này như để minh chứng cho chân lý hùng hồn của sự sống, với những ai sống và thực hành những thiện pháp thì người ấy sẽ gặt hái được những hạt giống của hạnh phúc, và ánh đạo vàng chỉ hiện hữu với những ai biết thường hằng tinh tấn tu học.
Thế Tôn đã xuất hiện giữa vùng trời Ấn Độ trong thời kì mà xã hội xứ Ấn thời bấy giờ bị đóng khung bởi giai cấp, xã hội bị phân chia theo bốn chủng tộc khác nhau, từ Thủ đà la, Vệ xá, Sát đế lợi cho đến Bà la môn. Cũng chính từ sự phân chia giai cấp này, nên làm cho đời sống con người không thể thay đổi được, mà chỉ biết cúi mặt phó thác cuộc đời cho số mệnh đã định. Trước xã hội như vậy, sự xuất hiện của Đức Phật đã đánh thức trái tim nhân loại qua tư tưởng “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn” và “ không có giai cấp trong đời sống tăng đoàn của Phật giáo”. Tuy nhiên, đức Phật không hề có chủ trương chống lại hệ thống giai cấp của xã hội đương thời. Ngài khéo léo đưa ra cái nhìn như thật, đầy trí tuệ về sự cấu thành các giai cấp. Theo Ngài, các giai cấp được hình thành do quy luật tự nhiên về tái sanh và hạnh nghiệp. Giai cấp là một phần kết quả nghiệp quá khứ, mỗi người đều tạo được vị trí xã hội riêng do nghiệp hay hành động của mình:
“Các loài hữu tình vừa là chủ nhân của nghiệp, vừa là kế thừa nghiệp, nghiệp là thai tạng từ đó họ sinh ra, họ là quyến thuộc của nghiệp, vừa là cư trú trong nghiệp của mình. Nghiệp phân chia các loài hữu tình thành các hạng hạ liệt và ưu thắng” [1]. Có thể nói Ngài đã dám nói lên tiếng nói của chân lý mà chỉ có bậc đại hùng đại trí, không bị đắm nhiễm bởi chấp thủ, không bị ràng buộc trong ngã chấp, vượt thoát mọi sợ hãi của thế nhân, mới dám đánh tiếng thách thức lịch sử lâu đời của xã hội thời ấy. Với tư tưởng bình đẳng, Người đã phân tích cho nhân loại biết rằng, nếu y cứ vào pháp luật, đạo đức, nghiệp báo, tu hành giải thoát thì tất cả đều bình đẳng như nhau, tức là bất luận vua quan thần dân, tôi tớ, giàu sang hay nghèo hèn, nếu ai làm những điều trái với pháp luật của chính phủ thì đều bị xử phạt. Cũng vậy trên tinh thần của đạo đức, nghiệp báo dù là vua quan hay thần dân, thông minh hay ngu đần…, nếu đã tạo những ác nghiệp như giết người, trộm cướp, tà dâm… thì phải chịu nghiệp báo như nhau, nghiệp báo không có phân chia giai cấp. Trên đạo lộ giải thoát cũng vậy, sự an lạc giải thoát, quả vị giác ngộ sẽ đến với những ai biết tu học, biết đoạn trừ phiền não, biết thực hành Thánh hạnh.[2] Từ ý nghĩa này nên luận định rằng, mọi chủng tánh là bình đẳng đồng nhất. Như vậy, chúng ta thấy sự xuất hiện của Thế Tôn mang đến cho nhân loại thông điệp bình đẳng. Có thể nói thông điệp này vẫn là ước mơ muôn thuở của nhân loại.
Thế Tôn đã ra đời không phải ở một cõi giới xa xăm nào, mà Ngài xuất hiện ngay tại nhân gian này, với thân hình của một con người, Ngài cũng chịu nhiều khổ đau, rồi từ trong giọt lệ khổ đau ấy, đã vượt thoát mọi cám dỗ của cuộc đời, tự thân băng qua sa mạc khổ não đau thương ấy, bằng chính sự nỗ lực tu học cho đến ngày thành tựa đạo nghiệp giải thoát. Ở đây, chúng ta đón nhận được tin tức nào từ sự kiện này? Chúng ta cần biết rằng, với thân phận của con người, dù sống trong biển đời đầy dẫy những khổ đau, đầy hệ phược, đầy bóng đêm, nhưng nếu chúng ta biết gieo trồng và chăm bón đời sống của mình bằng thiện nghiệp, bằng sự vượt khó thực hành thánh đạo, thì kết quả chúng ta sẽ đạt được là hoa trái của hạnh phúc, là vị ngọt của cam lộ. Như vậy, sự xuất hiện của Ngài như mở ra cho chúng ta một vận hội mới, một hướng đi mới, một niềm tin mới, một sự hy vọng mới. Đó chính là quả vị giải thoát không phải của riêng ai mà của tất cả chúng ta khi trong ta biết tu tập, biết quán chiếu và thực hành chánh pháp, xa lìa ác pháp. Với lời xác quyết rằng “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và đều có khả năng thành Phật. Ta là Phật đã thành, các chúng sanh là Phật sẽ thành”.
Sự xuất hiện của Thế Tôn như ánh trăng sáng đi qua vần thái dương, như những làn gió mát, thổi qua giữa những trưa hè oi bức, làm dịu lại những chặng đường tử sinh. Như là tiếng nói làm chấn động và nghiêng đổ cung ma, giống như tiếng rống của sư tử, làm khiếp sợ những con thú vật khác. Và sự xuất hiện này đã đi ngang qua dòng chảy của thời gian hơn hai ngàn năm, ấy vậy mà những hình ảnh, những tư tưởng, những thông điệp mang tải chất liệu của từ bi và tuệ giác vẫn luôn chảy về trong tâm thức của tất cả những người có duyên với Ngài và cả trần thế này.
Hỡi những ai có duyên lành với Thế Tôn trong ngày đản sanh, hãy cùng nhau thực hiện những lời dạy của Ngài. Đó là hãy sống bằng ánh sáng của tuệ giác, hãy yêu thương nhân loại bằng trái tim của từ bi, hãy xây dựng đời sống bằng sự bao dung và tha thứ, hãy nói lên tiếng nói của chân lý bình đẳng, hãy hướng đến đời sống thánh thiện, hãy đi về bến giác của giải thoát.
Kính lạy Đức Phật Đà từ bi vô lượng! Trong thế giới chúng con đang sống này, còn biết bao người cần đến Ngài! Ban cho họ ánh sáng để hồi đầu tĩnh mộng. Còn biết bao người cần đến Ngài! Ban cho họ ánh sáng để phản quan tự tĩnh. Còn biết bao người cần đến Ngài! Giúp cho họ sống đôn hậu chân thành. Còn biết bao người cần đến Ngài! Giúp cho họ có tín tâm mạnh mẽ, vượt thoát phiền lụy, chứng nhập chân như. Xin ngài hãy gia ân cho chúng con nhân mùa Phật Đản này.
Đông Hưng mùa Phật Đản 2557. 2013
[1] Thích Minh Châu, Trung Bộ kinh tập III-481, VNCPHVN –2001
[2] Xin tham khảo các bản Kinh văn Hán tạng:
《雜阿含經》卷44(1184經)(大正2,320b27~c10); 《雜阿含經》卷20(548經)(大正2,142a18~143a1);《中阿含經》卷37 (梵志品)(阿攝惒經)(大正1,663b25~666c14);《長阿含經》卷6(小緣經)(大正1, 36b28~39a20)。
- Đưa Phật Đản Đến Gần Hơn Với Mọi Người. Trang Trí Vườn Lâm Tì Ni và lễ Tắm Phật Mừng Phật Đản tại cửa hàng làm việc ở Quy Nhơn - Bình Định Quảng Phúc
- Kính Mừng Đại Lễ Phật Đản An Tường Anh
- Kính Mừng Phật Đản (PL: 2567 DL: 2023) Minh Đạo
- Ánh sáng ngày Phật Đản sinh An Tường Anh
- Phật Đản Trong Văn Hóa Và Hòa Bình Thích Trừng Sỹ
- Mừng Khánh Đản Thiên Hạnh
- Bậc Thầy của Trời - Người Thích Thông Huệ
- Vô Ngã Văn Việt
- Mừng Phật Đản Sanh Liễu Nguyên
- Lắng Đọng Tâm Tư - Đêm Đốt Nén Nguyện Cầu Phật Đản PL 2557 Thích Minh Tuệ
- Khái Niệm Niết Bàn từ Quan Điểm Tâm Lý Học Tiến Sĩ. Ruwan M. Jayatunge MD , Thích Nữ Tịnh Quang
- Tháng Năm Thích Nữ Tịnh Quang
- Kinh THÁNH CẦU Giới Lạc MAI LẠC HỒNG
- Thông điệp Phật đản của Tổng Giám đốc UNESCO Minh Phú chuyển ngữ
- Ý nghĩa chú tắm Phật TS Huệ Dân
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất


Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)