Đọc "Vô Quái Ngại" Tập Thơ Lê Văn Thanh

Đã đọc: 1499           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

    Cầm tập thơ của tác giả Lê Văn Thanh trên tay, cái tựa đề của tác phẩm thật khó hiểu đối với nhiều người: Vô Quái Ngại. Vậy vô quái ngại là gì? Đó là một cụm từ nằm trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, một kinh căn bản và phổ thông của Phật Giáo, được hiểu đại khái “” là không, “quái ngại” là chướng ngại. Vậy “vô quái ngại” là không còn chướng ngại, là ở trạng thái tâm không bị ngăn trở bởi bất cứ hiện tượng và tâm lý nào, nên không còn vướng bận, nghi ngại hay sợ hải bất cứ điều gì xảy ra ở ngoài đời hay chính trong lòng mình. Từ đó tâm hết vô minh, hết nghi ngờ, an nhiên tự tại, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh hạnh phúc là Niết Bàn.

 

    Tất nhiên, đặt tựa đề tác phẩm của mình như thế, nhà thơ Lê văn Thanh không tự cho mình chứng được cảnh giới ấy mà ông chỉ muốn hướng tâm linh của mình về mục đích của đạo pháp, bày tỏ một chân lý sống thiện lành giữa cuộc đời đầy dẫy ta bà và nhiểu nhương nầy.

 

    Tập thơ có hầu hết là Đường luật và một số ít bài theo thể thơ khác, viết về nhiều đề tài trong cuộc sống. Tất nhiên một tập thơ như thế không dễ gì cuốn hút được nhiều người đọc. Nếu người đọc không có chút khiếu văn chương, không sâu nhiệm trong cuộc sống và hời hợt với triết lý đạo Phật thì tất nhiên không hứng thú với tập thơ nầy. Tuy nhiên, nếu ai đọc và cảm nhận được thì sự tâm đắc sẽ đưa ta vào khu rừng cây cao bóng cả của văn chương, dẫn dắt ta đến nhưng lâu đài lung linh của trí tuệ ẩn trong không gian yên tỉnh cúa thiền, thụ hưởng thứ thời gian êm đềm trôi của tâm trắng trong và thanh tịnh.

 

    Ta hãy đọc bài “Vô Cầu” để hiểu cái tâm Vô Quái Ngại của nhà thơ:

 

Phong trần tạm trú đến rồi đi

Vô niệm tuỳ duyên tiếc nuối gì

Cay đắng ngọt bùi tuỳ khẩu vị

Được còn thua mất để tâm chi

Ánh hồng chiễu rọi trời tươi sáng

Bóng tối bủa vây đất thẩm sì

Không có có không như thị hiện

Mê mờ chấp trước hoá tham si

                 (Vô Cầu)

 

    Theo Phật pháp tâm “vô niệm” không phải là tâm không có suy nghĩ, không có tư tưởng. Tâm vô niệm là cái tâm mà tư tưởng, suy nghiệm không dính vào ô dơ của trần gian. Bài thơ “Vô Cầu” cho ta thấy chân lý là sự tự nhiên được diễn biến tuỳ theo duyên mà có. Vị cay đắng hay sự được thua, ánh hồng hay bóng tối là vô niệm, nghĩa là nó trong sạch mà xuất hiện khi có, khi không tuỳ duyên của nó. Nếu con người “tiếc nuối”, tức là khởi động cái tâm phàm, tức là bị “quái ngại”, tức là “niệm”. “Niệm” như là gởi sự ô dơ của thế gian vào môi trường tinh khiết, thì tức khắc “Mê mờ chấp trước hoá tham si”.

 

    Không chỉ dùng Đường thi để bày tỏ ý nguyện tu tập của mình, nhà thơ Lê Văn Thanh cũng gởi tâm tình của mình vào câu lục bát:

 

Lòng trần đón gió hư không

Đường trần vô ngại suối dòng như như

Cõi trần sạch bóng phù hư

Tây phương: Suối đó – Thuyền từ tiêu diêu

Đất trời đâu chốn hoang liêu

Tâm bình ý tịnh: Sớm chiều chùa đây

Gió yên biển lặng quang mây

“bát phong bất động” phương tây: Tâm thường

              (Lời vọng hư không)

 

     “” nghĩa là không có thật, “không” nghĩa là trống. Theo thuyết nhà Phật nếu bạn hiểu về sự hư không thì tâm hồn bạn sẽ thanh thản, lúc đó đường trần của bạn sẽ “vô ngại suối dòng như như”. Chữ “như như” có thể hiểu là chân như, là sự giác ngộ. Bài thơ cho ta biết chùa không ở đâu xa, nó ở ngay trong tâm bình tịnh của ta. Khi ta có tâm bình tịnh thì “bát phong bất động” tức là tám ngọn gió thăng trầm của cuộc đời ngưng thổi. Tám ngọn gió đó chia làm bốn cặp: Hưng thịnh, lợi lộc, suy sụp và điêu tàn. Khi tám ngọn gió bất động thì ta có “tâm thường” tức là tâm an lạc.

 

     Tập thơ còn nhiều bài thơ tải đạo, giúp cho người đọc sâu nhiệm thêm về pháp môn tu tập. Nhờ lời thơ cô đọng giáo lý, người đọc có tiền duyên dễ dàng hiểu qua trực giác như “kiến tánh”, nhưng không phải “kiến tánh thành Phật” mà thành con Phật. Ngoài những bài thơ như thế, tập thơ còn có những bài thơ khác tưởng nhớ đến quê hương, đến kỷ niệm trong đời, đến nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tất cả đều tiềm ẩn, mang mang cái phong cách sống “vô quái ngai” buông bỏ được cái tâm bất tịnh, tạo nét đẹp cuộc sống bàng bạc trong thơ một khung đời an tịnh.

 

     Hãy đọc bài thơ “Nhàn Ca” để thấy niềm vui thanh khiết trong tâm hồn:

 

Trăng non chớp mắt hoá trắng già

Thấp thoáng song ngoài bóng ngựa qua

Mượn chén lưu linh mời Đế Thich

Ngâm thơ Lý bạch ngắm hằng Nga

Thanh minh ý đạt tình non nước

Hạ chí thi thành thứ gấm hoa

Thu liễm hàm tàng muôn sự sống

Mầm xuân đông tận dậy hoan ca

                   ( Nhàn Ca)

 

    Đọc bài thơ ta thấy trong vế mở, hình ảnh vô thường diễn ra chớp nhoán. Vậy thì các vế thơ sau phải buồn lắm. Nhưng không, nhà thơ đã vẽ vào bức tranh những cảnh sắc bốn mùa thanh trong và tươi đẹp, gíán tiếp bày tỏ sự hoá giải trong tâm hồn mình, biến sự buồn thành niềm vui thanh khiết.

 

    Bài thơ “Tiêu Dao” của tác giả là bản hoà điệu linh hồn Phật tánh trong cõi vô vi của Lão giáo:

 

Tâm hư hành giả xả căn trần

Ý thức vô môn hết thở than

Nhất hấp đất trời thôi chuyển hoá

Nhất hô vạn pháp chẳng hư hàn

Đường về bản thể hoà non nước

Tự tánh Bồ Đề nhập gió trăng

Dòng sống vô thường như thị hiện

Tiêu dao tự tại với mây ngàn.

                 (Tiêu Dao)

 

     “Tự tánh là Bồ Đề” nhưng không về cõi Tinh Độ, không bay đến cõi Niết Bàn  mà lại “hoà non nước”, “nhập gió trăng’’Tiêu dao tự tại mây ngàn” nghĩa là tan vào trong vô vi trời đất. Bài thơ cho ta một quan niệm sống hay một triết thuyết “nhị giáo” vừa sống đạo của triết gia vừa đầy chất lãng mạn của tâm hồn người thi sĩ. Ở lối sống nào thì phong cách cũng thoái mái, buông bỏ trần gian, êm ái bay cao bay xa đến một chân trời im lặng siêu việt.

 

    Ẩn hiện trong thơ của Lê Văn Thanh, một tâm hồn chưa đầy thi phong, tồn tại trong trời đất mông lung hương sắc và mộng mơ. Sự hưởng thụ của thi nhân trong cuộc sống nầy nó cũng thanh khiết như con bướm hút mật, mật chứa trong lẽ đạo tuyệt vời, và lẽ đạo tuyệt vời tạo nên một tình bác ái yêu thương tha nhân:

 

Trước thềm thi lão ngắm quỳnh hoa

Trăng toả vườn khuya ngan ngát và

Tứ lộng từ chương khai cú đẹp

Tâm tình ý mãn nhạc hoan ca

Không gian bất niệm thời gian định

Pháp giới vô ngôn thế giới hoà

Xuân hạ thu đông đồng nhất quán

Trẻ gà tật bệnh bạn bè ta

                  ( lạc Thọ)

 

     Qua thơ ta thấy người thi lão ngắm hoa trong vườn trăng. Hoa và trăng làm nên thơ. Thơ ấy có tứ và ý nằm trong bất niệm và vô ngôn của một thế giới an hoà bốn mùa đồng nhất. Rồi từ cái tất cả đó nẩy sinh tình yêu vĩ đại trong câu thơ kết : “Trẻ già tật bệnh bạn bè ta”. Bài thơ từ một đoá Quỳnh Hoa, cho ta hưởng cái lạc thú lồng lộng giữa trời, trong sự thanh tịnh lắng đọng tâm hồn và trong thứ tình yêu vô đối phát sinh trong lòng.

 

    Nói chung thơ Lê Văn Thanh không phải là thứ thơ dễ hiểu. Không dễ hiểu vì nó là sự tích tụ, sự cô đọng lời dạy con đường tìm chân lý của Phật. Thế nhưng thơ ấy cần thiết cho cuộc đời, để thanh lọc tâm hồn, để hướng dẫn nguyên tắc sống, để nâng cao nhân cách làm Người viết hoa, chưa nói đến sự ngộ đạo, đạt đạo là cái cao xa. Nói thế không có nghĩa là tiếng thơ “Vô Quái Ngại” khô khan. Nếu bạn đọc không chịu đọc thì thôi, nhưng nếu chịu đọc thì ta hành hương đến một miền cổ tích, với biết bao vẽ đẹp thâm thuý, kích tích trí tò mò, mở rộng kiến thức và cho ta như hít thơ thoả lòng những cơn gió mát đầy hương

 

    Tập thơ có cả trăm bài thơ, người viết chỉ lướt sơ qua năm bài thơ chưa phải là hay nhất. Mong rằng người đọc sẽ tìm được cho hồn mình nhiều phút giây an vui hơn cả sự thư giản khi đi vào vườn thơ của tâm hồn Lê Văn Thanh ./.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập