Sách và rượu

Đã đọc: 2090           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Sống là sự chuyển động không ngừng, mỗi ngày trái đất quay quanh mặt trời 24 giờ. Nếu mình ngừng lại là đã thụt lùi rồi, đàng này với sự tranh sống của mọi sinh vật trên quả đất càng ngày càng trở nên quyết liệt nếu mình không tiến bộ mà còn thoái lui thì làm sao có thể so sánh được với các bạn láng giềng, kể cả vài dân tộc mà mình từng xem thường như người Lào, người Campuchia - họ đã và đang vượt qua mặt mình về mọi mặt : văn hóa, trí thức, kinh tế, kỹ thuật ... vậy mà bạn ta - dân ta vẫn mãi say trong men rượu.

Bạn thân,
Rất vui được tin V. đã nhận được sách, các bạn chuyền tay nhau đọc rồi cho mình biết cảm tưởng nhé ! Có những hiện tượng khó vui đối với mình trong lần đầu trở lại quê hương sau 32 năm xa cách:

- Trước nhứt là khó thấy tiệm bán sách ở Ba Tri, Bến Tre, ... Nhớ lúc mình ra đi hãy còn ít nhứt là 1 tiệm sách mang tên "Nhân Dân" khá tươm tất cả ở Thị trấn lẫn Thị xã. Thuở ấy dù không có nhiều đề tài cho mình chọn ngoài những sách tuyên truyền cho đảng Cộng Sản, nhưng mình đã từng là khách hàng của nó với những tựa như : Paven... Thép đã tôi thế đấy, Ruồi trâu, Chủ nghĩa Mác Lê nin, Hồ Chí Minh tuyển tập, Nhựt ký trong tù, v.v.. Mình có hỏi H.D6 sao không thấy tiệm sách? Bạn nói có, nhưng bạn cũng nói trước là không có sách gì đáng đọc, đa số chỉ là dụng cụ học trò... làm mình cụt hứng ngay. Ngược lại, quán café, quán ăn, quán nhậu, thì san sát bên nhau, đường nào, khu phố nào cũng có và từ sáng tới tối - tới khuya lúc nào cũng đông khách, có tiền, không có tiền cũng nhậu. Không biết đào đâu ra mà người ta phung phí kinh khủng như thế? Bên cạnh đó, đạo quân bán vé số cũng đông không kém gì quán xá. Đủ cỡ, đủ loại người: tật nguyền, già trẻ, nam phụ lão ấu, hầu như ai cũng bán vé số. Có em chỉ mới 8, 9 tuổi. Hỏi:Tại sao con không đi học mà bán vé số? Câu trả lời của em làm mình đau thắc ruột: "Dạ, không có tiền". Hỏi tiếp : cha mẹ con làm nghề gì? "Dạ, cũng bán vé số" !!!

- Trong một buổi trà đàm hiếm hoi với mấy người anh, người bạn (đa số đều có học) tình cờ mình có đề cập tới vấn đề sách và đọc sách. Tiếc thay, đề tài đã không được chú ý, mình bắt đầu nói tới những tựa sách có thể giúp nhân loại tiếp cận hạnh phúc, giảm thiểu khổ đau và rất dễ tiếp nhận... Nhưng than ôi, dường như mình đang chạm phải bức tường thành dựng bằng đá tảng. Đổi lại, mình có cô em dâu mà trình độ chỉ mới tới hết lớp 9 đã phải bỏ học đi buôn kiếm sống. Hôm mình tới nhà H. chơi với các bạn, vì V. gọi gấp nên đi vội bỏ lại cuốn sách (Hạnh Phúc Đích Thực) đang đọc dở trên chiếc võng, lúc trở về thấy cô em dâu đong đưa trên chiếc võng đó và say mê đọc cuốn sách đó. Thực tình, có lẽ đấy là một trong những niềm vui lớn của mình trong chuyến trở về lần này. Mình hỏi: "có khó hiểu cho em lắm không?" Em nói: "đâu có gì khó anh, sách hay quá, nhưng thôi em trả cho anh đọc tiếp". Tôi xua tay: "em giữ lấy mà đọc, tuy chưa đọc hết nhưng anh đã biết hết nội dung rồi».

- Ngay những ngày đầu mình đã choáng váng trước các cảnh ăn nhậu say sưa ở chung quanh mình. Họ là bạn cùng xóm, cùng trường, cùng lớp, là em, là cháu, là người hàng xóm, kể cả người đi trên đường phố trong một cái thị trấn nhỏ bé như Ba Tri mình. Một buổi chiều tối chạy xe ngang qua mấy dãy quán nhậu trên những con đường dẫn về nhà trọ PK. mình đã bắt gặp và đã bị ngửi thấy mùi rượu bốc lên nực nồng, nó bay ra từ quán lẫn từ người chạy xe hay đi bộ trên các con phố. Trong khoảnh khắc mình đã thốt lên trong lòng một câu khá ngộ : "Chiều buông, phố lên đèn là cả nước đều say xỉn !!". Tương lai đất nước, tương lai dân tộc đi về đâu trước hiện tượng này? Tiền đốt vào thuốc lá, vào bia, vào rượu, đốt cả thân - tâm con người trên cả nước mỗi ngày như thế chúng ta sẽ xây được bao nhiêu trường học, đào tạo được bao nhiêu con người hữu dụng? Làm giảm được bao nhiêu em bé đang bị phải đi bán vé số trong lúc ở tuổi các em đáng lý phải được vui học chốn học đường. Tiết kiệm được biết bao nhiêu ngân sách cho vấn đề an ninh do tình trạng say xỉn gây ra. Tiết giảm được bao nhiêu tai nạn chết người cũng như chi phí trị liệu do rượu, thuốc lá, ma túy gây ra? v.v.... Hôm ở nhà hai bạn T. & H. mình có đề cập tới vấn đề ấy với các bạn đang "nhậu", nhưng các bạn mình đã tự biện minh bằng những lý lẽ rất phi lý làm mình cũng cụt hứng. Có bạn còn nói một câu xanh dờn rằng : "Ở đây mà không nhậu là không có bạn bè, nhờ nhậu mới làm ăn được..." Mình tự hỏi không biết tại sao? Một hôm khác mình lại gặp 3 chú nhỏ chừng 4 hay 5 tuổi gì đó (con của mấy đứa em họ) mỗi cu cậu cầm một cái ly và một chay nước đóng tuồng làm người lớn uống rượu "mời anh, chúng ta cùng uống... dô!..." rồi giả bộ say xỉn đi ngả tới ngả lui trông buồn cười mà lòng thì héo hắt làm sao. Cảnh tượng làm mình nhớ tới hành động của mẹ thầy Mạnh Tử vì muốn con nên người mà bà phải dời nhà tới 3 lần. Nhưng với hoàn cảnh cả nước đều nhậu như ngày hôm nay mình không biết nếu sống lại bà sẽ dời nhà đi đâu?

- Như các bạn biết, trong gần 6 tuần về thăm quê hương, mỗi lần có tiệc mình đều từ chối 2 thứ : ăn mặn và uống rượu, vị tình lắm cũng chỉ mím môi cho các bạn vui thôi chứ không bao giờ uống một giọt rượu nào. Thái độ ấy đã làm nhiều bạn, nhiều anh, nhiều em không vui. Họ đã phiền trách cũng như ngạc nhiên nhiều về mình, vì 32 năm trước mình đã từng say sưa be bét, đôi khi còn tệ hơn họ bây giờ. Mình công nhận điều đó, nhưng người ta đã quên rằng tuổi 20 đâu giống với tuổi 30, ...40, ...50, ...60 ... Sống là sự chuyển động không ngừng, mỗi ngày trái đất quay quanh mặt trời 24 giờ. Nếu mình ngừng lại là đã thụt lùi rồi, đàng này với sự tranh sống của mọi sinh vật trên quả đất càng ngày càng trở nên quyết liệt nếu mình không tiến bộ mà còn thoái lui thì làm sao có thể so sánh được với các bạn láng giềng, kể cả vài dân tộc mà mình từng xem thường như người Lào, người Campuchia - họ đã và đang vượt qua mặt mình về mọi mặt : văn hóa, trí thức, kinh tế, kỹ thuật ... vậy mà bạn ta - dân ta vẫn mãi say trong men rượu. Thiệt là buồn !

- Mình cũng ghi nhận thêm một điều nữa là : Khi trên bàn không có rượu bạn mình rất kiệm lời, ít nói - không phải vì không có đề tài để nói, đúng ra là các bạn không có quan điểm sâu sắc hoặc không biết cách trình bày quan điểm của mình như thế nào cho hợp lý. Nhưng khi đã uống vào đôi ba ly là đua nhau "nhả ngọc phung châu" miệng nổ tựa như bắp rang tạc đạn, nhưng lại toàn những chuyện tào lao bệ rạc rồi đi đến sinh chuyện đáng tiếc. Lại buồn !

May thay, bên cạnh đó chúng ta cũng có không ít người trên cả nước còn biết ham đọc sách, ham rèn kỹ năng - ý chí quyết vượt thắng số phận. Như đã nói, mình đã rất vui với thái độ ham học của cô em dâu. Mình cũng rất vui với V. và em gái của bạn M. khi biết các bạn thích đọc sách. Từ đó mình đã tự hỏi : Liệu có thể nào nuôi dưỡng được thái độ đẹp này không? Từ đó mình có ý tưởng tặng sách cho các bạn, và ước mong sao các bạn có thể tự hình thành NHÓM YÊU SÁCH. Nếu được mình sẽ tự nguyện làm người giới thiệu sách tới các bạn. Hôm lên Đồng Nai khánh thành cái cầu do chương trình Hiểu & Thương tài trợ bắt qua con suối sâu từng gây tai nạn cho nông dân. Tại đó mình gặp một cô giáo tiểu học ngỏ ý nhờ các anh chị trong chương trình Hiểu & Thương tài trợ cho trường của cô một thư viện, làm mình rất hứng thú và đã bày cho cô cách xin sách ở các nhà xuất bản như thế nào. Đó là kinh nghiệm của mình khi trong tay không có 1 đồng xu mà đã lập được 1 thư viện trong trại tị nạn hồi mình mới vượt biên tới đảo Pulau Bidong.

Các bạn có nguyện vọng thành lập cho quê mình một thư viện như thế không, có muốn dân mình THAY RƯỢU BẰNG SÁCH không? Giấc mơ của các bạn cũng là giấc mơ của mình. Chúng ta có quyền hy vọng cho điều đó.

Thân mến,
Chân Minh


Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập