Quảng Đời Khó Quên (tiếp theo và hết)

Đối với Đức Phật, việc BIẾT ƠN và ĐỀN ƠN là vô cùng quan trọng nên trong Kinh Tăng Nhất A Hàm có ghi lời Phật dạy như sau: “Này các thầy Tỳ Kheo! Nếu người nào BIẾT ƠN và ĐỀN ƠN, cho dù ở cách xa Ta ngàn dặm nhưng Ta vẫn xem người đó như đứng hầu gần bên Ta. Còn nếu như người nào KHÔNG BIẾT ƠN và ĐỀN ƠN, cho dù người đó có đứng hầu gần bên Ta nhưng Ta vẫn xem họ cách xa ngàn dặm”.
Đối với Đức Phật, việc BIẾT ƠN và ĐỀN ƠN là vô cùng quan trọng nên trong Kinh Tăng Nhất A Hàm có ghi lời Phật dạy như sau:
“Này các thầy Tỳ Kheo! Nếu người nào BIẾT ƠN và ĐỀN ƠN, cho dù ở cách xa Ta ngàn dặm nhưng Ta vẫn xem người đó như đứng hầu gần bên Ta. Còn nếu như người nào KHÔNG BIẾT ƠN và ĐỀN ƠN, cho dù người đó có đứng hầu gần bên Ta nhưng Ta vẫn xem họ cách xa ngàn dặm”.
Chúng tôi viết tiếp bài sau đây thay cho con để biểu lộ lòng biết ơn và cũng để nhắc nhở chúng phải luôn nhớ nghĩ công ơn của mẹ:
Một bài thơ không thể nói hết lên được những nhọc nhằn, nhẫn nại, lòng nhân từ... của mẹ trong suốt 5 năm cha ở trại cải tạo nên xin được ghi thêm đoạn dưới đây:
(1):Chạy buôn:
Khi đổi đời trong nhà vốn liếng không còn gì nên mẹ rất khổ. Lý do là vì:
Cha dốc hết tiền có trong nhà để xây phòng dạy thêm. Trong đầu ông tính toán nhiều thứ.
Cha dự tính: năm đầu xây phòng dạy các lớp từ Đệ thất đến Đệ ngũ. Năm sau mở lớp Đệ tứ…. Không ngờ, mới mở được một khóa, vừa đủ tiền trả nợ mượn xây phòng thì đổi đời. Vậy là mộng cha tan tành!!! Thật đúng là: Định việc do người. Thành việc do Trời
Trước đây, cả gia đình sống nhờ vào đồng lương, nay không biết lấy đâu ra một số thu nhập như đã có để chi dùng. Trong khi ấy, chồng phải đi học tập, con cái còn nhỏ dại, không làm thì lấy gì ăn. “Bụng đói, đầu gối phải bò”. Mẹ nghĩ, duy nhất có một con đường là ra chợ tìm cách mua bán. Chỉ có việc làm ấy mới mong chóng có gạo đem về nuôi sống gia đình hằng ngày. Buôn thì buôn gì đây? Mẹ đi dạo xem đây đó, thấy hàng gì bán chạy, liền đi mua về bán. Lúc đầu mới đổi đời, hàng xe đạp bán chạy lắm. Mẹ vào các tiệm lớn, mua dăm cái vỏ xe, ruột xe hoặc các đồ phụ tùng, ra ngồi dọc lề đường bán. Về sau, mặt hàng này không còn kiếm ăn được nữa, mẹ phải chuyển qua mua bán thứ khác.
Trong thời gian đi buôn, mẹ thật khó quên những ngày buôn gạo. Thời gian đầu chưa có tiền sắm nổi chiếc xe đạp, thành thử đi xa gần gì cũng phải lội bộ. Mỗi buổi sáng, từ chín giờ đã phải ăn cơm trưa để đi bộ đến bến xe lam, mất khoảng hơn nửa giờ. Rồi đi vào Mộ Đức, tới các máy xay gạo, mua gạo khoảng trên 30 ký, có khi tới 40 ký vì nghĩ đi đường xa, phải mua nhiều cho đáng một ngày đi. Thời kỳ này, mẹ mua gạo xong, phải vác lần lần ra tới đường Quốc lộ rồi đón xe là có ngay. Bây giờ có xe đạp, nhờ người thân thấy thương cho. Khi đứng đón xe, họ không dừng. Nhiều lần như vậy, xe chạy luôn. Mẹ nghĩ, có thể vì xe đầy khách, mà cũng có thể vì chiếc xe đạp mẹ đem theo cồng kềnh. Họ chịu chở thì phải ràng cột, mất thời giờ. Nghĩ vậy, mẹ đành phải còng lưng đạp xe đi, vừa thở hồng hộc để cho kịp phiên chợ ở trong Cống Kiểu bán. Vì sợ nếu về tối sẽ không có người mua hoặc có người mua sẽ bị dìm giá hoặc làm hành động thiếu tình người..
Hồi đó, người dân Quảng Ngãi mua bán gạo ngoài chợ đều dùng lon sữa bò để đong. Đây là lúc thật hồi hộp. Hôm nào người mua đong ít be bợ thì bữa đó đem gạo về được khá và có chút tiền lời. Còn chẳng may gặp kẻ thiếu tình người, họ đong sao mà gạo còn dính ở bàn tay, cánh tay, khuỷu tay vẫn thuộc về họ. Những hôm như thế, đi suốt một ngày vô cùng vất vả, chỉ đem về có vài lon gạo.
Có nhiều hôm mẹ về nhà tối, ba đứa con ra ngõ đứng chờ. Mẹ thấy thương quá nên từ đó bữa nào về tới chợ trễ là ruột mẹ cồn cào, mong bán cho nhanh để về với con. Thành ra, có khi biết là họ có ác tâm, cũng đành phải bán đổ bán tháo cho họ.
Ôi, bây giờ có giấy bút nào đủ để mô tả lại hết những cảnh chạy đôn, chạy đáo, những sự bươn chải, lặn lội mua bán vô cùng khổ cực của những người vợ như mẹ.
(2): Nuôi con:
Mẹ biết có nhiều người rất giỏi giang, xốc vác, đã từng chịu khổ trước kia. Chừng khi đổi đời, họ cũng rất khó khăn mới làm đủ nuôi gia đình. Huống chi như mẹ, đã từng có cuộc sống ổn định, nay bị sa sút một cách quá đột ngột, làm sao có khả năng kham, nuôi sống đầy đủ cho cả nhà. Vậy nên, ở nhà lắm khi gạo không có ăn, phải chạy vay mượn từng vài lon. Có lúc, chỉ còn chút ít gạo, bận không đi mượn được, phải ghế củ lang khô thật nhiều để ăn cho đủ bữa. Đứa lớn nhất cố gắng moi tìm lấy cơm không (cơm không dính củ lang khô) cho em, nhưng thấy toàn một màu đen của củ, chứ chẳng thấy cơm đâu. Những đứa nhỏ, tuổi đang lớn, ăn như tằm ăn lên. Những ngày thiếu gạo, sợ cơm không đủ ăn, lúc nào mẹ cũng phải để bà cháu ăn trước. Đứa lớn, tuổi mới độ lên sáu, ra vẻ như người lớn, dặn các em ăn, nhớ để phần cho mẹ. Nhưng chúng còn nhỏ quá, có biết gì đâu, cứ ăn cho no bụng mới thôi. Chừng chúng xong bữa rồi, mẹ trông vào nồi, chỉ thấy trơ những về củ cháy dưới đáy. Mẹ ăn mà nước mắt lưng tròng, lòng vừa cảm động, vừa tủi thân. Cảm động vì thấy cơm chỉ toàn củ mà các con tuổi tuy còn rất nhỏ mà dường như hiểu được nỗi khổ của mẹ, mẹ đã tận lực rồi và chỉ có thế, nên chúng cũng vui vẻ chịu ăn, chứ không chê. Tủi thân vì nghĩ mình không được như một số người, có tiền dư của để. Khi “tan hàng”, chỉ vỏn vẹn có hai bàn tay trắng nên con cái phải chịu khổ cực đến mức này.
Ăn uống kham khổ, thiếu thốn như vậy làm sao có đủ sữa cho con bú. Đêm, con đói sữa đòi bú, mẹ vạch vú ra, vú teo như vú bà già, mặc dầu lúc ấy tuổi đời mới độ hai mươi sáu. Con nhây mãi, rát cả đầu vú mẹ mà chẳng ra chút sữa nào. Con nhả vú, úp mặt vào vú mẹ, khóc thét lên. Mẹ ôm chặt con vào lòng, nức nở khóc theo. Những lần như thế, trước đây, để dỗ con, mẹ thường khuấy bột bích chi cho con ăn. Nay bột đã hết mấy ngày mà chưa mua được vì không tiền. Mẹ phải xuống bếp, nghiêng thùng đựng gạo, vét lấy một nắm, bỏ nấu, lấy ít nước cháo cho con uống. Đứa bé lúc ấy mới độ bảy tháng tuổi. Ở vào tuổi này, chị và anh nó, hết sữa guigoz đến babilac còn èo uột không chịu uống. Bây giờ chỉ một tí cháo khuấy nhuyễn cùng một chút muối, nó đã uống ngon lành và thiêm thiếp nép vào người mẹ ngủ liền ngay. Mẹ thấy con dễ chịu quá mà thương, rồi xúc động khóc nữa.
(3): Đi Thăm Nuôi: Lo đủ ăn cho gia đình đã là khó. Còn nỗi lo khó hơn là có khi một tháng, có khi hai tháng phải đi thăm nuôi chồng và bác. Vì bác chưa có vợ, mẹ thấy thương nên cố gắng cáng đáng.Tất cả đồ thăm nuôi phải mua để dành từ từ, chứ có tiền đâu mua một lúc. Đường phải mua từng ký, lựa loại còn mật cho rẻ, rồi đem phơi khô để cất, khỏi lo để lâu đường ướt. Các con nhỏ thấy mẹ phơi đường, mắt nhìn hau háu, thèm ăn lắm, nhưng sợ mẹ rầy la nên vội lẻn đi chơi. Chồng và bác cần lớ, phải mua gạo, bắp, đậu…về rang. Củi đắt không dám dùng nhiều, phải lấy lá xoài khô trong vườn, bỏ dặm vào để rang cho đỡ tốn. Lửa gặp lá khô cứ cháy bùng lên. Khi rang xong đủ một nửa bao cát lớ thì cánh tay và mặt rát bỏng lên, cũng phải ráng chịu. Sống trong cảnh thiếu thốn triền miên như thế trong nhiều năm, vậy mà khi đi thăm nuôi chồng và bác, lúc nào cũng ráng lo cho đủ những thứ cần dùng. Lớ, đường, bánh tráng, chà bông, thịt kho sả là những thứ chủ yếu. Thỉnh thoảng có ký sữa bột, đáng lẽ để dành lại cho con, nhưng vì thương chồng, sợ chồng ăn uống thiếu thốn, cần bồi bổ thêm cho khỏi đau ốm, cũng đem lên cho chồng. Nếu so sánh cảnh sống của hai bên: chồng trong trại cải tạo có nỗi khổ mất tự do và nhớ nhà. Còn những người vợ như mẹ phải chịu biết bao nhiêu là thứ khổ.
Chẳng hạn như cảnh đi thăm nuôi. “Đến hẹn lại lên”. Tới kỳ phải đi thăm, sợ chồng và bác trông chờ tội nghiệp. Nào các địa danh như F7A, Vực Liêm, Hành Tín, Sơn Nham, Kim Sơn, Gia Trung không nơi nào là không có bàn chân của mẹ đặt đến để thăm cha và bác.
Thời gian đầu bác ở khác trại, trại Sơn Nham, trại nổi tiếng là rừng thiêng nước đôc. Sau bác chuyển về Kim Sơn rồi lên Gia Trung, mẹ cũng đi thăm.
Đi thăm bác ở Sơn Nham:
Đi thăm nuôi, cực nhất là vào mùa đông giá rét. Nơi thăm nuôi vất vả và nguy hiểm nhất phải kể là trại Sơn Nham. Đến được đó phải lội sông Sơn Hà, vượt qua đoạn đường rừng đầy vắt và phải đi qua cầu khỉ.
Một hôm, vào lúc chập choạng tối, một người đem thơ bác gửi về, báo bị đau nặng, cần mấy loại thuốc có ghi tên để chữa trị. Thế là mẹ phải đạp xe ngay tới nhà những người buôn thuốc tây. Đi hết nhà người này tới nhà người kia mới tìm mua đủ thuốc. Hôm đi thăm bác, mẹ phải thuê xe Honda thồ, khởi hành từ quá nửa đêm, tập trung tại nhà một người quen để đi chung nhiều người. Trời tháng chín, tháng mười, mưa cứ tầm tã đổ. Thêm vào, gió mùa đông bắc thổi về, lạnh như cắt ruột. Khi đi đến trên Núi Tròn, mưa và gió dữ quá. Bao nilon bọc quanh đồ thăm nuôi đã đủ nhiều nhưng vẫn sợ nước thấm hết vào đồ ăn, thật uổng công một chuyến đi thăm. Vậy là, mẹ đã phải lấy áo mưa mặc trong mình, che đồ đem đi thăm bác cho khỏi ướt. Mưa suốt liền cả mấy tiếng đồng hồ, thấm ướt, rét run cũng phải đành ráng chịu. Phải nói sức chịu đựng của cơ thể lúc ấy, sao mạnh quá.
Rồi đến đoạn qua sông Sơn Hà. Vào mùa nắng ráo, nước chỉ tới mắt cá chân. Nhưng giờ là mùa mưa, nước lên đến quá đầu gối. Nước từ trên nguồn chảy xuống rất xiết, vẫn cũng phải cố lội qua sông. Các bà đi thăm nuôi, một tay cầm tay nhau, còn tay kia giữ đồ thăm nuôi trên đầu. Chỉ lỡ sơ xuất trợt chân là có thể bị ngã xuống nước, đồ bị cuốn trôi đi mất.
Đi qua sông chỉ nguy hiểm vào mùa mưa thôi, chứ còn nạn đi qua cầu khỉ, có đi là phải phập phồng. Cầu làm bằng những thân tre già, bắc ngang vắt vẻo qua một khúc suối, dài chừng khoảng mươi thước. Đàn bà như mẹ có bao giờ đi qua những chiếc cầu như thế đâu. Mẹ lại yếu thần kinh, không khi nào dám đứng trên cao nhìn xuống, nhưng nay đành phải đi qua chiếc cầu khỉ khẳng khiu này. Đã vậy, còn phải mang trên vai một số đồ thăm nuôi nữa. Đi thì phải cố nhìn thẳng về phía trước, không dám nhìn xuống, lỡ thấy khoảng sâu hoắm dưới kia, chóng mặt, sẽ ngã xuống mất.
Còn điều này cũng thật đáng sợ. Mẹ phải đi bộ từ bờ sông Sơn Hà vào đến trại khoảng chừng ba, bốn cây số đường rừng, rất nhiều vắt. Đường đi khúc khuỷu, gập ghềnh, đầy những đá lởm chởm, hai bên cây cối um tùm. Đi mà cứ ngay ngáy lo, sợ cọp hoặc thú rừng khác bất thần tấn công. Khi về đến nhà mới biết là mình được bình yên. Đôi khi nghĩ dại, lỡ có điều nào xấu xảy ra, rồi bà nội, chồng mình, con mình sẽ ra sao?!
Phải nói, trong suốt những năm thăm bác, chưa có lần nào mẹ vất vả và mất sức như lần này. Nhưng bù vào chỗ khổ đó, mẹ có chút an ủi về tinh thần. Đó là đem đủ thuốc kịp thời lên cho bác. Khi gặp bác, mẹ điếng người do thấy bác phải chống gậy đi, người thì gầy rộc, nước da xanh bủng. Còn bác, vừa trông thấy mẹ, đã khóc sướt mướt vì mừng. Về sau mới biết nhờ vào số thuốc ấy, bác đã bớt bệnh. Mẹ rất mừng.
Cảnh cho con đi thăm cha: Đây là lần đi thăm ở trại Gia Trung, thuộc tỉnh Gia Lai-Kontum. Lúc này, cha và bác ở cùng trại. Kể từ ngày ấy, mẹ bớt khổ vì chỉ còn thăm một nơi. Hôm ấy, mẹ quá mừng khi gặp cha, lại vội hỏi chuyện, sợ hết giờ thăm nên quên lửng có đưa con lên thăm. Thằng út đứng đằng xa nhìn cha tủm tỉm cười. Cha thấy lạ, sao thằng nhỏ con ai lại cứ nhìn mình cười nên buột miệng hỏi: “Thằng nhỏ kia con ai vậy em?”. Mẹ nghe liền rơm rớm nước mắt, vội chạy lại ôm út đến cho cha. Cha ôm nó vào lòng, cảm động đến lặng người đi và cố giữ không để nước mắt chảy ra. Còn mấy người đi thăm ngồi cạnh, nghe cũng xúc cảm, chăm chăm nhìn cha. Chuyện là thế này: lúc cha đi học tập, thằng út chưa đầy một năm tuổi. Lần lên thăm đây, nó kém 4 tuổi. Sau này, mẹ kể chuyến đi thăm ấy, về tới nhà, mẹ mệt rã rời tới mấy ngày vì nó. Đi xe đò, phải để nó ngồi trên mình suốt mấy trăm cây số, vì tiết kiệm không trả tiền vé thêm một ghế nữa. Còn đoạn từ Quốc lộ 19 vào trại, phải đặt nó một bên cái nừng, bên kia là đồ thăm cha và bác. Mẹ phải rất vất vả gánh đi. Đi được một đoạn đường ngắn là phải trở vai vì nếu cứ gánh một bên, vai sẽ rát buốt chịu không nổi. Đau, mẹ cũng ráng chịu, không nỡ để con đi bộ vì nó còn quá nhỏ không đi đường xa được. Gánh đâu khoảng nửa cây số, định ngừng lại để thở thì thấy dấu chân cọp hiện rõ trên mặt đường. Mẹ thất sắc, đứng khựng lại. Có chị thăm nuôi đi cùng, thấy vậy cũng hoảng sợ, mặt tái mét, vội bước đi thật nhanh. Mẹ không biết làm sao, cũng gánh, ráng theo chị. Nhưng chỉ được vài bước, do quá run sợ, người mẹ bải hoải, yếu hẳn đi, không thể nào bước thêm được nữa. Mẹ đánh liều, đứng tại chỗ, phó mặc số mạng cho trời đất.
Bất giác mẹ nghĩ nếu có điều xấu xảy ra thì chồng và hai con ở nhà ai chăm lo. Còn mẹ chồng nhưng bà đã trên 70 tuổi rồi, sức yếu lắm.
Nay hồi tưởng lại, chúng con xin kính cám ơn bà Nội đã trông nom chúng con vào thời gian cực kỳ khó khăn ấy để mẹ yên tâm chạy buôn, kiếm gạo về nuôi gia đình. Nếu không có bà Nội, chúng con và mẹ phải khốn đốn đến mức nào nữa. Khi qua đến Mỹ, có được thời giờ rảnh, cha mẹ con thường đi chùa tụng kinh, niệm Phật, làm điều thiện để cầu nguyện cho hương linh bà Nội sớm về cảnh giới an lành.
(4): Con Cái Bệnh Nặng.
Chưa hết đâu. Đó chỉ là nỗi khổ về thân thể, vài ba tháng mới có một lần. Còn nỗi khổ khác làm cho tinh thần mẹ phải bạc nhược, mất ăn, mất ngủ và xảy ra thường xuyên hơn. Đó là nỗi lo lắng mỗi khi con cái bệnh nặng. Vì ăn uống thiếu thốn, gần như tuần nào, ba đứa con cũng có một đứa đau. Nhiều hôm phải thức trắng đêm vì chúng, như lúc chúng đau, gặp dịch sốt xuất huyết lan tràn. Có khi thấy triệu chứng bất thường, biết ở nhà không lo được, dù đã quá nửa đêm và ngoài trời mưa phùn, gió rét căm căm, mẹ cũng phải trùm chăn kín người cho con, rồi bế chạy thẳng tới nhà y tá. Bình thường mẹ rất sợ bóng đêm, giờ vì thương con, đã dám băng mình đi trong đêm tối đen như mực mà không chút sợ hãi.
Rồi có lúc con đau suyễn cả ba đứa. Nghe họ bày cho chúng ăn thịt tắc kè bay sẽ hết suyễn. Vậy là mẹ đặt mua tắc kè bay sống về làm thịt. Làm mà run. Vì con nên mẹ đã phải sát sanh rất nhiều. Nay mẹ đau khắp mình, có lẽ bị quả báo.
Con đau, lo lắng, ngủ không được, mẹ thức dậy đốt đèn dầu hỏa, róc mía thuê kiếm thêm tiền nuôi con và chồng ở trại cải tạo. Không dùng đèn điện vào việc này vì sợ trả tiền nhiều.
Giai đoạn lấy mía về nhà: Một bó mía đủ nặng để một người đàn ông có thể vác được, chừng 30 tới 40 cây, mẹ đặt một đầu lên trên ghi đông xe đạp, đầu còn lại để trên yên xe, đẩy từ nhà chủ xe nước mía về tới nhà khoảng 2 cây số. Róc mía bằng dao nên chậm. Róc xong lại dùng xe đạp đưa bó mía đã róc tới nhà chủ. Chủ vừa ý mới được nhận tiền. Cứ vậy mà tiếp tục. Công việc rất vất vả! Thật đúng là “Bói rẻ hơn ngồi không.”
Sau này, lắm khi ngồi hồi tưởng lại chuyện đã qua, mẹ cảm thấy rùng mình và tự hỏi làm thế nào mẹ có thể chịu nổi những cảnh như vậy trong nhiều năm.
Xin có lời kết:
Người đàn bà Việt rất thương chồng.
Nhẫn nại, nhân từ, lại thủy chung.
Dù chồng gặp nạn bao năm tháng,
Vẫn cố nuôi con, giữ vẹn lòng.
***
- Ứng Dụng Phật Pháp Vào Cuộc Sống Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Nợ Đòi, Oán Báo Đứng Hàng Đầu (phần cuối) Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Biết Ơn và Đền Ơn ! Thích Viên Thành
- Lễ nhập kim quan Hoà thượng Thích Tịnh Hậu Quảng Ấn
- Độ sinh và độ tử Nguyễn Đức Sinh
- Hãy Sống Hiếu Thảo Với Mẹ Cha (tiếp theo) Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Với vua Trần Nhân Tông Nguyễn Đức Sinh
- Ám Áp Tình Người Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Tan hợp giữa đời Vĩnh Hảo
- Tách trà buổi sáng và những mật ngôn tình cờ Huệ Trân
- Tô thắm Ngày hội Tình nguyện Quốc gia 2021 với hàng trăm phần việc thiện lành Thắng Trân
- Đòi Nợ, Báo Oán Đứng Hàng Đầu Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Nói chút về văn hoá Huế qua chương trình 'Hành lý tình yêu' Thích Pháp Bảo
- Lan tỏa sự thiện lành với hàng trăm chiếc bánh cực chất được gửi đến tuyến đầu ngăn dịch Thắng Trân
- Những may mắn lớn nhất đời tôi Tuệ Thiền Lê Bá Bôn
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
- Ứng Dụng Phật Pháp Vào Cuộc Sống
- Nợ Đòi, Oán Báo Đứng Hàng Đầu (phần cuối)
- Cố Tu Tạo Phước (Phần 4)
- Cố Tu Tạo Phước (Phần 3)
- Âm Đức Và Dương Đức
- Tránh Xa Ác Khẩu (phần cuối)
- Tránh Xa Ác Khẩu (Phần 2)
- Bát Chánh Đạo Trong 37 Phẩm Trợ Đạo (Phần cuối)
- “Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng vợ lẻ, lặng lẻ … vào thời LM de Rhodes và những hệ luỵ” (phần 38)
- Bát Chánh Đạo Trong 37 Phẩm Trợ Đạo (phần 2)
Được quan tâm nhất


Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)