Tình Người Là Như Thế Đó?

Đã đọc: 1577           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Theo luật nhân quả, ai đã từng làm phước nhiều đời, giúp đỡ nhân loại được cơm no, áo ấm, thì ngày sau mới được phước làm vua. Luật pháp thời này mang tính cách độc tôn theo thể chế cha truyền con nối, nên dân gian có câu: “con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Nếu gặp ông vua hôn quân mê muội, thì dân chúng khổ sở, lầm than, cơ cực. Dưới thời phong kiến, ông vua được xem là con trời đại diện cho đấng thượng đế tối cao, nên đất nước và con người đều thuộc quyền sở hữu của nhà vua. Ở thời cổ đại xa xưa, con người rất tin tưởng vào đấng thần linh, thượng đế nên không dám chống lại, sợ thần linh giận dữ, trừng phạt.

Một con người sống có đạo đức, nhân cách, được mọi người tôn quý, kính trọng, chưa hẳn người đó xuất thân từ một gia đình có uy quyền, thế lực và giai cấp quý tộc. Cũng không hẳn là người có nhiều học vị, bằng cấp hoặc người có nhiều tiền của. Sự thật, trong đời sống con người, không có giai cấp khi máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Cao quý hay hạ tiện là tùy theo cách sống của ta trong hiện tại mà thôi. Nếu người đó đạt được những tiêu chuẩn trên mà lại không có giới hạnh đạo đức, sống thiếu tình thương, tình người trong cuộc sống, thì giá trị của nó cũng không thiết thực và lợi ích gì cho ai.

Ngày xưa, có một con sư tử và chín con chó sói cùng đi săn chung với nhau. Chúng bắt được mười con nai. Khi đến lượt chia mồi, sư tử hỏi ý kiến đồng bọn, nên chia như thế nào cho công bằng, hợp lý?

Một con sói lanh lợi liền nói, “chúng ta có mười tên, săn được mười con, thì mỗi phần một con chia đều như vậy là công bằng và hợp lý nhất”. Sói vừa dứt lời, đã bị sư tử tát cho một cái lòi cả mắt ra, làm cả bầy sói sợ điếng cả hồn. Với sức mạnh hiện tại, sư tử đã phủ đầu kẻ dưới quyền của mình. Rồi sư tử quay sang hỏi cả bầy sói, vậy chúng ta nên chia như thế nào cho công bằng đây? Sói nâu thấy bạn mình mới bị lòi mắt, nên hoảng quá run lên bần bật, vừa nói vừa khóc, “dạ kính bẩm thưa ngài: để hết mười con nai ngài xơi từ từ ạ!”. Sư tử gầm lên thật lớn, xong liền đạp cho chú sói nâu một đạp lăn cù mèo, rồi nói, “đồ cái thứ gian dối dua nịnh, ngươi tưởng ta là kẻ bóc lột người quá mức hay sao?”. Mọi việc rồi cũng đâu vào đấy. Sư tử làm ra vẻ trang nghiêm, đạo đức rồi nói, “này các bạn sói thân yêu của ta, các bạn hãy nên chia như thế nào cho công bằng mà không một ai trong chúng ta chịu thiệt thòi”.

Cả bầy sói lúc bấy giờ sợ xanh cả mặt, chẳng con nào dám nhúc nhích, hó hé gì cả! Sư tử bực quá, chỉ ngay con sói đen trong bầy, “chú mày ý kiến thế nào?”. Sói đen run rẩy thưa, “dạ, dạ, kính bẩm ngài… cả đoàn chúng ta cả thảy có mười, săn được mười chú nai. Phần ngài chín nai thì bằng mười, chúng con một nai chín sói cũng bằng mười. Dạ, đó là cách chia đều nhất và công bằng số một, kính bẩm thưa Ngài ạ”. Sư tử nhà ta ra chiều đắc ý lắm, “được, chú sói đen thông minh lắm đấy, hãy đợi ta ban thưởng hậu hỷ sau. Ta từ xưa đến nay không muốn làm người mạnh hiếp kẻ thế cô, ta căm thù sự bất công áp bức và không bao giờ ưa kẻ gian dối dua nịnh”. Sói đen cung kính thưa, “dạ, kính bẩm ngài, con từ xưa nay dốt đặc, nhờ chứng nghiệm thực tế của hai bạn sói con vừa rồi, nên mới có chút sáng kiến trình ngài đấy thôi”. Sư tử nhà ta cảm thấy hãnh diện lắm nên lớn tiếng nói, “này, lũ sói nhà ngươi hãy ngoái lỗ tai lớn ra mà nghe và bắt chước sự khôn ngoan như chú sói đen kia đấy nhé”. Cả bầy sói đồng thanh, “dạ, dạ, xin nghe”.

Câu chuyện ngụ ngôn trên cho chúng ta thấy một bài học thiết thực trong cuộc đời, sự tinh khôn, ma mãnh, xảo quyệt của sư tử là đại diện cho lớp người không có nhân cách đạo đức. Bầy sói là tượng trưng cho các loài vật hay kẻ dưới quyền. Người và vật cũng đồng nghĩa là một chúng sinh, nhưng con vật mặc dầu có thú tính ăn nuốt lẫn nhau, nhưng chúng chỉ sát hại con mồi khi đói khát, lúc no đủ, chúng không quan tâm đến miếng mồi ngon nữa. Loài người là một chúng sinh cao cấp hơn các loài vật khác, nhờ biết suy nghĩ, nhận thức, tìm tòi, biết phân biệt đúng sai, phải quấy, tốt xấu, nếu biết vận dụng đi theo chiều hướng tốt đẹp thì xả bỏ sự tham lam, ích kỷ cá nhân, mà dấn thân phục vụ, đóng góp lợi ích thiết thực cho mọi người. Ngược lại, nếu tinh ranh, ma mãnh thì sẽ mưu mô, xảo quyệt, cướp của, lường gạt công khai, lại còn ngông nghênh ăn trên, ngồi trước, mà nói rằng “ta rất bình đẳng công bằng, liêm chính, chí công vô tư”.

Đó là bài học đau thương buồn tủi cho kiếp con người chúng ta, khi ai đó nhân danh một đấng thượng đế tối cao có quyền ban phước giáng họa. Đôi khi, chính ta cũng muốn như vậy. Khi bản ngã đã trương phình to ra, con người vì tham muốn quá đáng do si mê, chấp ngã, nên nhân danh đấng tối cao, tìm cách dùng đủ mọi hình thức để mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Khi có quyền cao chức trọng, ta chẳng từ bỏ một mưu sâu, kế độc nào, miễn làm sao có lợi cho mình là được, mà chẳng cần quan tâm, đếm xỉa đến ai.

Trong khi đó, loài vật không gian hùng như vậy. Chúng vì quán tính tập nghiệp mà bất đắc dĩ phải sát hại lẫn nhau để bảo tồn mạng sống. Khi đã đầy đủ rồi chúng không màng đến miếng mồi ngon nữa. Con người vì thông minh hơn, nên khéo léo hại người không bằng gươm đao, mà tìm đủ mọi cách để hạ độc thủ một cách tinh vi. Do đó, một khi con người đã ác rồi thì cùng hung, cực ác. Nhất là các ông vua thời phong kiến man rợ, dã man đến tận cùng. Ngày xưa, con người cảm thấy bé nhỏ với bầu vũ trụ bao la này, nên đã chấp nhận phó thác cuộc đời cho một đấng tối cao, mà chịu sự ban phước, giáng họa của đấng ấy. Từ đó, các ông vua thời phong kiến lợi dụng quyền năng trên, chế tác ra luật pháp độc tôn, bắt buộc mọi người phải tin theo, phải noi theo, dưới danh nghĩa là một thiên tử, tức con trời, nên có quyền cai trị đất nước. Tất cả mọi người đều phải trung thành tuyệt đối theo sự sắp xếp của nhà vua. Vua muốn phong quan tiến chức cho ai thì phong, muốn giết ai thì giết, kẻ dưới không có quyền khiếu nại. Nếu vua bảo chết mà không chịu chết thì chịu tội bất trung. Với một quyền lực như vậy, ông vua được hưởng tất cả mọi nhu cầu cần thiết theo sự kính trọng tột cùng của mọi người.

Theo luật nhân quả, ai đã từng làm phước nhiều đời, giúp đỡ nhân loại được cơm no, áo ấm, thì ngày sau mới được phước làm vua. Luật pháp thời này mang tính cách độc tôn theo thể chế cha truyền con nối, nên dân gian có câu: “con vua thì được làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Nếu gặp ông vua hôn quân mê muội, thì dân chúng khổ sở, lầm than, cơ cực. Dưới thời phong kiến, ông vua được xem là con trời đại diện cho đấng thượng đế tối cao, nên đất nước và con người đều thuộc quyền sở hữu của nhà vua. Ở thời cổ đại xa xưa, con người rất tin tưởng vào đấng thần linh, thượng đế nên không dám chống lại, sợ thần linh giận dữ, trừng phạt.

Ngày nay, con người văn minh, tiến bộ vượt bực, nên thấy chế độ phong kiến quân chủ, độc tôn không còn phù hợp với thời khoa học hiện đại. Do đó, con người thay đổi cơ chế quyền lực thành dân chủ nhiều đảng, cùng cạnh tranh làm việc, phục vụ, đóng góp lợi ích cho xã hội, được dân tin tưởng bầu qua từng nhiệm kỳ một. Nếu vị lãnh đạo nào có khả năng làm lợi ích cho đất nước, cho xã hội nhiều, thì được bầu thêm một nhiệm kỳ mới. Nhưng tối đa chỉ hai nhiệm kỳ rồi cũng phải nhường chỗ lại cho người khác. Vì tre tàn, măng mọc, nên tình trạng tham nhũng, lạm phát, lãng phí của công rất ít khi xảy ra. Cơ chế dân chủ hay ở chỗ, nếu mình nắm ghế quyền lực mà không đủ khả năng làm lợi cho đất nước thì tự xin rút lui, từ chức, để nhường lại cho người khác. Nếu lạm dụng quyền hạn tham nhũng thì có ban hành pháp truy tố, đem lại sự công bằng cho xã hội.

Lần bước theo thời gian trên đà tiến bộ của nhân loại, thể chế phong kiến quân chủ theo hệ thống cha truyền con nối, dần dần nhường lại cho thể chế phong kiến cấp tiến. Một ông vua ngày xưa được mệnh danh là con trời, nên đã đặt ra những hình luật khắc nghiệt như chu di ba họ, bảy họ, chín họ, theo kiểu diệt cỏ phải diệt tận gốc, nhằm bảo vệ giòng dõi của mình. Gã sư tử kia là đại diện cho con người ích kỷ, độc tôn đó. Lúc nào cũng mồm mép ba hoa để chứng tỏ mình là một người có nhân cách đạo đức, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Thường thì con người có những cái thấy biết sai lầm do sự chấp ngã gây ra, nên lúc nào cũng muốn chiếm hữu của người khác bằng nhiều hình thức. Miệng thì tuyên truyền hô hào dân chủ, kêu gọi mọi người bình đẳng đóng góp ý kiến để xây dựng phát triển mở mang, nhưng hành động, xử sự thì hoàn toàn độc tài, cai trị.

Chúng sinh vì một niệm bất giác mà bị gió nghiệp cuốn trôi trong luân hồi sinh tử. Từ một bản tâm bình thường thanh tịnh, trong sáng, vô ngã, vị tha, chúng ta kết thành ngã si, ngã ái, ngã chấp, để rồi khoát lên mình quan niệm, lý tưởng sống, mà cố chấp bảo vệ, nhằm mục đích phục vụ cho cái tôi này. Chính vì vậy, con người trở nên tàn nhẫn, độc ác hơn các loài vật. Con người là một chúng sinh cao cấp hơn hẳn các loài khác nhờ biết suy nghĩ tìm tòi, quán chiếu soi sáng lại chính mình, nên có thể dời núi lấp sông, vá trời lấp biển. Con người có thể tạo nên các tiện nghi vật chất đầy đủ để mưu cầu hưởng thụ cho riêng mình, nên bằng mọi cách vơ vét, gôm thâu, bành trướng thiên hạ để nắm quyền cai trị, nhằm hưởng lộc tối cao.

Chính cái gã sư tử đó ra vẻ dân chủ, bình đẳng lắm, nhưng thực chất chỉ là hạng lừa đội lốt sư tử mà thôi. Nào là văn minh, dân chủ, công bằng, tự do, nào là… vì lợi ích của nhân loại, hứa hẹn đủ thứ, để rồi trở thành con ma nhà họ hứa. Ai biết cách tâng bốc, chạy lòn phía sau thì công danh sự nghiệp lên như diều gặp gió. Ai thành tâm nói lên sự thật thì lãnh án khổ sai, lưu đày biệt xứ. Cuộc đời lúc nào cũng bị phủ lên lớp áo màu xanh, hy vọng đổi mới, phát triển, mở mang, nhưng chỉ trên danh nghĩa suông, mang tính cách hình thức, chỉ lợi ích riêng cho một số người.

Chúng ta phải làm thế nào để trở thành một người có đức hạnh và đạo đức? Muốn trở thành người có đức hạnh không phải đơn giản và dễ dàng, nó đòi hỏi người ấy đối với bản thân, phải luôn biết xét nét, nhìn kỹ lại chính mình để thấy được những lỗi nhỏ nhặt nhất, mà tìm cách khắc phục, chuyển hóa chúng. Người có đức hạnh phải biết làm chủ bản thân qua các cảm thọ, xúc chạm, để thấy biết rõ ràng sự thật nơi thân này. Biết cảm thông, bao dung và độ lượng, tha thứ cho những ai đã từng làm cho mình đau khổ tột cùng, luôn sống vì lợi ích chung, lấy niềm vui thiên hạ làm niềm vui chính mình. Ai sống được như vậy là người đức hạnh, đạo đức và đang đi trên con đường giác ngộ. Chúng ta hãy nên học theo hạnh lắng nghe của Bồ tát Quán Thế Âm, sẵn sàng chia vui, sớt khổ vì lợi ích tha nhân, sẵn sàng chấp nhận khổ đau để mọi người được an vui hạnh phúc.

Thế gian này có năm loài cùng chung ở, trong sáu nẻo luân hồi, nhưng con người là một chúng sinh cao cấp nhờ có suy nghĩ, nhận thức, phân biệt đúng sai. Nếu biết vận dụng đi theo chiều tốt đẹp thì không ai bằng và ngược lại thì vô cùng cực ác. Lịch sử nhân loại đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ điều đó. Chỉ có con người tâm linh mới có đủ khả năng, giúp nhân loại vượt qua rào cản của si mê, tội lỗi nhờ có hiểu biết và thương yêu trong tinh thần bình đẳng. Ai làm người cũng phải một lần biết thao thức, trăn trở, nên mở rộng tấm lòng để cùng nhau kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống.

Đời sống con người luôn song hành hai phần thân và tâm, tức thể xác và tinh thần. Nhưng đa số chúng ta chỉ chú trọng về phần vật chất cung phụng cho thân nhiều, mà quên lãng đi yếu tố tình thần. Tuy sống trong giàu có, tiện nghi mà lại nghèo nàn tâm linh, nên thường thất vọng, đau khổ. Lại có hạng người tuy giàu có, dư dả, nhưng lại sống khổ sở hơn người nghèo, vì họ chẳng dám ăn, dám xài, nói chi đem ra giúp đỡ cho người khác. Họ sống trong tham lam, ích kỷ, lao tâm, nhọc sức để tích chứa cho riêng mình.

Muốn cho xã hội được phát triển vững mạnh, lâu dài, con người cần phải làm giàu tri thức và đạo đức. Tri thức giúp ta phát triển xã hội, đạo đức giúp cho con người sống có hiểu biết và yêu thương hơn. Tri thức và đạo đức như đôi cánh chim tung bay khắp cả bầu trời rộng lớn, bồi đắp cho nhân loại sống có tình người, biết yêu thương, nương tựa vào nhau. Thiếu tri thức thì ta không thể giúp ích gì được cho ai, ngược lại, có tri thức mà không có nhân cách đạo đức thì ta dễ dàng bị tha hóa, tiêu cực, bởi sự hấp dẫn của tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp mà làm thiệt hại cho nhau. Con người là chủ nhân của bao điều họa phúc, bất hạnh hay an vui đều do chính mình tạo lấy. Chúng ta hãy vì tình thương của nhân loại mà cùng nâng đỡ và chia sẻ cho nhau. Con người hơn hẳn loài khác là có hiểu biết, có tri giác, nên ta dễ dàng cùng nhau chia vui, sớt khổ, thiết lập tình yêu thương chân thật, theo nhịp cầu tương thân, tương ái trong cuộc sống.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập