Hiểu Biết Để Cảm Thông

Đã đọc: 1720           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thời gian dù có lâu hơn, có dài hơn, nhưng nếu ta không biết tích lũy phước báu, thì kết cuộc dù sống 100 năm cũng vô tích sự mà thôi. Vì thế, ngay từ thuở nhỏ, các em phải cố gắng ra sức học hành để nâng cao trình độ hiểu biết. Sau này lớn lên, có tri thức vững vàng để góp phần làm lợi ích cho đời. Tùy theo khả năng cá nhân mà mỗi người chọn lựa cho mình một công việc phù hợp để nuôi sống bản thân, làm tròn bổn phận trách nhiệm đối gia đình và phục vụ tốt cho xã hội.

Ngày xưa, trên hòn đảo nọ, có cô Niềm Vui cùng chị Nỗi Buồn, anh Giàu Sang và chị Kiến Thức, anh Danh Vọng cùng chị Tình Yêu, ngoài ra còn nhiều nhân vật quan trọng khác.

Một hôm, có thông báo hòn đảo sắp chìm, mọi người hay tin chuẩn bị thuyền bè để rời khỏi đảo. Ai cũng xôn xao mong sớm đi khỏi đặng được bề an ổn. Mỗi chị Tình Yêu cứ nấn ná lại vì tiếc nuối sự nghiệp bấy lâu. Mãi đến phút cuối, cô ngậm ngùi ra đi, và hòn đảo bắt đầu chìm thật. Lúc này, chị Tình Yêu mong muốn được mọi người giúp đỡ. Thấy anh Giàu Sang ung dung trên chiếc tàu lớn đang chạy ngang qua, chị liền hô lớn, “anh Giàu Sang ơi, anh giúp em cùng về đất liền nhé!”. Nghe vậy, anh Giàu Sang liền lên tiếng “không được đâu, tàu của anh chứa nhiều châu báu, vàng bạc và các thứ đồ quý giá nên hết chỗ rồi, em thông cảm đi nhờ tàu khác”. Rồi chiếc tàu anh Danh Vọng cũng đến, chị Tình Yêu liền kêu lớn, “anh Danh Vọng ơi! Cho em quá giang với!”. Anh Danh Vọng đáp, “tôi cao quý sang trọng thế này, sao có thể đi cùng cô được, cảm phiền cô đi nhờ tàu khác”. Rồi đúng lúc đó, chị Nỗi Buồn chạy qua, Tình Yêu liền lên tiếng, “xin giúp đỡ em, chị Nỗi Buồn ơi! Chị cho em đi theo với nhé!” – “Ồ, không thể được! Tôi đang ôm trong lòng nỗi khổ niềm đau, chỉ muốn yên thân một mình, xin em thông cảm tìm tàu khác nha”. Rồi tàu của chị Niềm Vui chạy tới, cô Tình Yêu gắng la thật lớn, nhưng vì vui quá nên chị Niềm Vui cũng không nghe cô gọi.

Quá thất vọng ê chề, chị Tình Yêu ngồi rầu rĩ, nửa tỉnh nửa mê, thì bỗng nghe một giọng oang, oang, “này cô Tình Yêu! Hãy đến đây, tôi sẽ đưa cô rời khỏi chỗ này”. Cô Tình Yêu chợt tỉnh giấc mộng và lờ mờ thấy một ông già đầu tóc bạc trắng. Cô nhanh chân lên tàu mà quên thưa hỏi, cùng kính chào ông. Sau khi về đến đất liền, ông già chợt nhiên biến mất. Cô rất đỗi ngạc nhiên và vô cùng biết ơn ông lão, bèn tìm đến ngài Kiến Thức để hỏi cho ra ông lão giúp mình là ai. Lão Kiến Thức nhỏ nhẹ, từ tốn trả lời, “đó chính là ông Thời Gian”. Cô tình yêu hỏi tiếp, “tại sao những người kia không giúp tôi mà chỉ có ông thời gian làm việc ấy?” Ông lão Kiến Thức mĩm cười, “chỉ có thời gian mới hiểu hết tất cả sự mầu nhiệm trong cuộc sống!” – “À, thì ra là thế, chỉ có thời gian mới là quan trọng và thiết thực nhất trong đời”.

Thời gian đối với người trí vô cùng quan trọng, họ không bao giờ để lãng phí dù chỉ là một chút, với những kẻ ngu si thì hoàn toàn ngược lại. Họ si mê mãi dính mắc trong ngũ dục trần gian, như con thiêu thân lao vào lửa, giống hệt bùn đất chẳng có giá trị gì. Anh Giàu Sang vì có nhiều châu báu, vàng bạc là những vật quý hiếm, nên những nhu cầu thiết yếu hằng ngày anh hầu như được vừa lòng, thỏa mãn. Chính vì thế mà anh cứ mãi bám vào đó, chỉ lo thụ hưởng, vui chơi với các lạc thú trần gian, để thời gian trôi qua vô ích. Anh không biết rằng, đời nay giàu có là nhờ nhiều đời biết gieo trồng phước đức, hiện đời không biết tích lũy thêm, mãi vui chơi hoang phí, thì đến khi phước hết thì họa đến, sau khi chết chỉ mang theo nghiệp xấu mà chịu vô vàn đau khổ. Người trí sáng suốt biết tranh thủ thời gian để đóng góp, sẻ chia, giúp đỡ nhiều người, nhờ vậy giảm bớt tính tham lam, sân giận, si mê, mà thoải mái nhắm mắt xui tay khi duyên trần đã hết, và đời sau chắc chắn được ấm no, hạnh phúc.

Thời gian thoi đưa cứ mỗi ngày trôi qua lặng lẽ, không thể nào quay ngược trở lại. Nếu ta không biết tu tâm, dưỡng tánh thì uổng phí cả kiếp người. Sự giàu có thực chất chỉ như bóng mây mờ, hư ảo, là cái phước của đời trước và là cái họa của đời này khi ta không biết chi tiêu ăn xài hợp lý. Nếu ta dùng tiền chỉ để thỏa mãn dục trần, mãi chìm đắm trong thú vui tạm bợ, thì tiền mất tật mang, ta còn tự mình rước họa vào thân. Vàng bạc tuy quý hiếm khiến ta phải đào đãi khó khăn, dùng làm đồ trang sức hoặc làm của hồi môn thủ hậu về sau, nhưng thời giờ còn quý hơn tất cả, cứ mãi trôi nhanh, không bao giờ quay trở lại. Nếu chúng ta không biết tranh thủ, tận dụng từng thời khắc quý báu để làm tròn bổn phận, trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, thì ta sẽ gây tổn thất, thiệt hại nặng nề cho toàn nhân loại và cho cả chính mình về sau.

Một ngày mới bắt đầu là một cơ hội giúp ta rèn luyện nhân cách sống, mình hãy cố gắng làm điều gì đó đóng góp cho đời. Sự đóng góp, dấn thân phục vụ nhân loại, sẽ giúp ta kết nối yêu thương và duy trì mạng sống lâu dài. Chính vì vậy, ta phải tiếc từng chút thời gian để suy xét, quán chiếu cuộc đời mà dấn thân phục vụ, nỗ lực làm thiện không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán, vì thế gian này cần có đôi bàn tay rộng mở. Mạng sống con người chỉ dựa vào hơi thở, chỉ một tích tắc thở ra không thở vào là cuộc sống coi như chấm dứt. Mạng sống này là vô thường biến đổi, ngắn ngủi, mong manh, nên ta phải biết trân quý từng giây phút mà gắng công tu tập, chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Nếu ta chết đi mà một đời không biết gieo trồng phước đức, cơ hội kiếp sau mang thân người quả thực rất khó. Do đó, Phật vì lòng từ bi thương xót tất cả chúng sinh nên chỉ dạy “ thân người khó được ” giống như con rùa mù một trăm năm mới trồi lên mặt biển, gặp bọng cây trôi giạt mà bám vào được, còn dễ hơn được sinh lại làm người.

Cho nên, chúng ta phải biết con người mới thật sự là quý nhất. Có con người là có tất cả, vì con người có trí tuệ, biết siêng năng, chăm chỉ, cần cù lao động, sẽ làm ra nhiều lúa gạo, sẽ khai thác đào mỏ, luyện vàng. Nếu không có những con người siêng năng chịu khó, biết tranh thủ tận dụng thời gian làm những việc có ích, phục vụ nhân loại đầy đủ các nhu cầu cần thiết, thì cuộc sống này sẽ trở nên vô ích.

Thời gian dù có lâu hơn, có dài hơn, nhưng nếu ta không biết tích lũy phước báu, thì kết cuộc dù sống 100 năm cũng vô tích sự mà thôi. Vì thế, ngay từ thuở nhỏ, các em phải cố gắng ra sức học hành để nâng cao trình độ hiểu biết. Sau này lớn lên, có tri thức vững vàng để góp phần làm lợi ích cho đời. Tùy theo khả năng cá nhân mà mỗi người chọn lựa cho mình một công việc phù hợp để nuôi sống bản thân, làm tròn bổn phận trách nhiệm đối gia đình và phục vụ tốt cho xã hội.

Này các em, này các bạn trẻ, ta có đôi bàn tay khéo léo để làm tất cả mọi việc. Khi còn nhỏ, đôi bàn tay này giúp cho chúng ta học viết chữ, qua đó nâng cao trình độ hiểu biết, có kiến thức phổ thông, sau này lớn lên dùng đôi tay, với trái tim hiểu biết mà dấn thân đóng góp, phục vụ cho gia đình và xã hội. Chúng ta có đôi chân mạnh mẽ để gánh chịu toàn thân, giúp thân này làm lợi ích vì nhân loại. Đôi chân này luôn giúp chúng ta đi xa ngàn dặm, trèo non lội suối. Dù đường đời có chông gai hiểm trở, đôi chân này vẫn luôn tiến bước không ngừng cho đến khi sức cùng, lực kiệt mới thôi. Tất cả chúng ta với tình yêu thương nhân loại, công ơn sâu dày của cha mẹ sinh dưỡng, mang nặng đẻ đau, hy sinh chịu đựng, vất vả nhọc nhằn để nuôi mình khôn lớn, trưởng thành, mình phải dùng thân này để phục vụ mọi người, gắn kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống.

Nếu chúng ta không biết vun trồng tri thức thì loài người không thể nào phát triển. Để chinh phục đỉnh cao hiểu biết, đạt được danh vọng, giàu sang, là cả chuỗi ngày dài ta phải trải qua một thời gian nhọc nhằn, lao khổ. Cuộc sống vốn dĩ công bình được cái này thì phải mất cái kia. Thế nhưng, khi mọi thứ gần như toại nguyện thì ta vui vẻ hạnh phúc, bằng ngược lại thì ta thất vọng, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi. Nếu được thì hân hoan phấn khởi vui sống qua ngày, nếu mất thì kéo theo nỗi khổ niềm đau cùng vạn khối sầu. Cuối cùng, lúc chết đi cũng chỉ mang theo hai bàn tay trắng, cùng sự nghiệp thiện, ác của mình.

Sự sống mong manh, cuộc đời vô thường giả tạm, vậy mà ta cứ mãi nhọc nhằn vất vả, bon chen cả đời cũng chỉ để có chút tình yêu thương bé bỏng. Trong khi đó, ta không biết nhìn lại chính mình, không biết mình là ai, và từ đâu đến? Tuy có lúa gạo, có vàng bạc, có danh vọng, có vợ đẹp con ngoan, có tình yêu, có thời gian, nhưng ta lại thờ ơ với chính mình, và ta chẳng biết mình là gì cả. Thật là tội nghiệp cho ta quá chừng!

Ta có tính biết sáng suốt ngay nơi thân vật chất này, nương nơi mắt thì thấy rõ ràng các hình sắc mà không lầm lẫn, tai có tiếng thì nghe có tiếng, không tiếng nghe không tiếng, tính nghe vẫn thường hằng như thế có khi nào vắng thiếu bao giờ đâu? Mũi lưỡi thân ý cũng lại như vậy. Trong bầu vũ tru bao la này trên là trời, dưới là đất, song hành với chúng ta có năm loài cùng chung ở, chúng ta thấy rõ nhất là con người và các loài súc sinh. Đất giúp cho con người có sự sống nhờ đôi bàn tay và khối óc. Trời cao bao gồm mây mưa, mặt trăng, mặt trời, các sóng điện giúp con người đủ điều kiện tồn tại trên đời. Trời và đất không có cái hiểu biết, ngược lại con người có tri giác, có hiểu biết, chính vì vậy con người là trọng tâm của trời đất, là vật tối linh của muôn loài.

Lâu nay, chúng ta hầu như ai cũng coi trọng trời đất mà lại coi thường và lãng quên chính mình. Làm việc gì cũng cầu trời, khẩn đất phù hộ, đó chính là sai lầm lớn nhất của con người. Sợ trời phạt, mong trời thương, rồi cầu thần đất, thần tài ủng hộ cho có nhiều đất đai, của cải, tài sản, mà không biết gieo nhân nào để gặt được quả lành. Cho nên có câu: có trời, có đất, có ta, nhưng không có con người, thì trời đất bao la này cũng trở thành vô nghĩa. Không có con người thì tất cả mọi thứ thiên hình, vạn trạng trên thế gian này đều trở thành vô nghĩa và không có gì giá trị. Trong chúng ta, ai cũng có trái tim yêu thương và hiểu biết, trái tim này luôn bao dung, độ lượng và dung nhiếp hết tất cả mà tạo nên sự hòa hợp trong cuộc sống. Nếu ta có nhiều lúa gạo, vàng bạc, của cải, mà không biết đem ra sẻ chia để làm vơi bớt nỗi đau khổ, bất hạnh bằng tình người thì tất cả những thứ ta đang có còn giá trị gì nữa. Tình thương nhân loại ở chỗ nào? Lúa gạo là nhu cầu cần thiết trong đời sống hằng ngày, nó luôn làm cho con người no đủ mà không sợ chết đói, chết khát. Vàng bạc nếu so với lúa gạo thì giá trị thực tế không bằng, không có vàng ta vẫn sống bình thường, không có lúa gạo ta không thể tồn tài. Cụ thể như năm 1945, hơn 2 triệu người Việt Nam bị chết vì nạn đói. Vậy mà, nhân loại cứ cho cái gì quý hiếm là có giá trị. Từ nhận định chủ quan đó, ta cứ mãi chạy theo các nhu cầu vô vị, không cần thiết.

Bây giờ, ta hãy thử làm một bài toán so sánh các giá trị vật chất ở thế gian. Vàng có thể nuôi sống con người hằng ngày hay không? Người ta vẫn nói có vàng mới mua được lúa gạo, nhưng người trong sa mạc hoang vắng mang theo đầy vàng có thể giúp ích qua cơn đói khát hay không? Trong khi đó, ta chỉ cần ăn và uống để sống. Về giá trị giao dịch sản phẩm nuôi sống nhân loại, người ta sắp đặt theo giá trị quý hiếm, thường có, nhưng trên thực tế vật quý hiếm lại không có nhu cầu chính đáng. Những gì cần thiết cho sự sống con người đáng lẽ phải có giá trị hơn, vì nó tác dụng trực tiếp nuôi sống chúng ta thường ngày, nhưng lại bị liệt vào diện bình thường thấp kém, để rồi con người phải lệ thuộc vào các thứ phù phiếm, xa hoa mà suốt đời phải nhọc nhằn, lao khổ.

Như nước là nhu cầu cần thiết cho con người trong sinh hoạt hằng ngày, tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng, tiêu dùng... có nước đầy đủ thì cây xanh tươi tốt, tạo ra hoa màu, thực phẩm, hấp thu khí dưỡng, làm bóng mát cho đời. Thiếu nước vài ngày thì cây cỏ sẽ chết. Vậy mà có mấy ai quan tâm? Các nhà doanh nghiệp vì lợi ích riêng mà cam tâm, đành lòng xả thải các chất độc hại làm ô nhiễm môi trường nước,gây thiệt nghiêm trọng cho con người và tất cả muôn loài. Vì chút lợi ích cá nhân nhỏ nhoi đối với một số người mà cả triệu, triệu con người cùng muôn loài chịu khổ. Không khí là nhu cầu cần thiết để bảo đảm sự sống cho cả hành tinh, thiếu nó vài phút thì mọi loài sẽ chết, vì nó bao trùm khắp cả hư không. Vậy mà con người chỉ biết lợi trước mắt, làm tổn hại sự sống hôm nay và cho cả về sau. Lúa gạo, nước, không khí, so với vàng cái nào quý hơn? Chắc chắn ai cũng nói vàng quý hơn. Đó là cái thấy sai lầm nghiêm trọng từ ngàn xưa cho đến ngày nay mà ít ai quan tâm, nhận biết. Con người đã tạo ra sự mâu thuẫn quá lớn. Những cái cần thiết giúp ích cho nhân loại mỗi ngày thì ta lại lơ là, lãng quên, mà chấp nhận gánh lấy hậu quả đau thương từ chủ nghĩa tiêu thụ vật chất quá đáng.

Bây giờ, chúng ta thử so sánh giữa vàng và sắt xem thứ nào có giá trị hơn? Ai cũng nói vàng giá trị hơn, vì vàng tính thành tiền thì đương nhiên mắc hơn sắt, nhưng lợi ích thiết thực cho con người lại chính là sắt chứ không phải là vàng. Trong cơ thể con người rất cần chất sắt, vì nó là yếu tố quan trọng để tạo thành máu đỏ. Con người nếu thiếu máu thì sẽ chết, nhưng nếu thiếu chất vàng thì cũng không hề gì. Đó là giá trị chất sắt trong con người, ngoài ra sắt còn đáp ứng những nhu cầu cần thiết phục vụ sự sống tiện lợi về nhiều mặt như xây dựng nhà cửa, cầu cống, xe cộ giúp con người có chỗ ăn, ở, nghỉ ngơi, đi lại dễ dàng mà tiết kiệm được thời gian. Những gì cần thiết cho con người thì chúng ta lại lãng quên và ít quan tâm tới. Cho nên, chúng ta đành chịu chấp nhận sống chung với ô nhiễm, sống chung với bệnh hoạn, sống chung với tệ nạn xã hội, sống chung với những cái đang dần hủy diệt thiên nhiên và sự sống con người.

Người nông dân phải cực khổ, vất vả nhọc nhằn, một nắng hai mưa, chân lấm tay bùn, đầu đội trời, chân đạp đất, mới tạo ra những hạt gạo thần tiên giúp nhân loại được no đủ mỗi ngày. Vậy mà chính con người lại đánh giá gạo là vật chất thấp nhất trong các nhu cầu cần thiết để phục vụ cho sự sống thường ngày. Chúng ta cần có một cuộc hội thảo về vấn đề này, phải tìm ra giải pháp chính đáng để giúp con người cân bằng lại giá trị cuộc sống. Ta cứ nghĩ rằng những gì quý hiếm là đắt tiền mà bỏ quên giá trị thiết thực của sự sống. Lúa gạo tuy cần thiết, vàng bạc tuy quý hiếm, ai biết làm phước thiện nhiều đời thì mới giàu sang, nhiều tài sản, nhưng nếu ta không biết trân quý thời gian mà sử dụng vào các việc vui chơi trác táng thì uổng phí cả một kiếp người. Mọi thứ ta làm được để trở nên giàu sang, có cuộc sống đầy đủ, tiện nghi vật chất, nhà cao cửa rộng, tiền bạc của cải, nhưng chỉ một chớp nhoáng thoáng qua như trận động đất tại Nhật Bản vừa rồi, tài sản, của cải đều sẽ bị cuốn trôi đi hết. Cuối cùng, ta chỉ còn lại hai bàn tay trắng cùng nỗi tiếc nuối, khổ đau.

Do đó, tiền bạc của cải, vật chất ta biết xử dụng đúng nhu cầu mục đích sẽ đem lại lợi ích cho mọi người, bằng ngược lại ta chỉ tiêu xài hưởng thụ cho cá nhân quá đáng thì trở thành vô nghĩa. Tất cả mọi thứ chỉ có giá trị khi ta biết đem lại lợi ích thiết thực, phục vụ cho đời sống con người. Nếu con người không có lương tâm, không có đạo đức, không có trái tim hiểu biết, luôn sống si mê, vô độ thì những thứ đó có cũng như không, chẳng mang đến lợi ích gì cho ai cả, mà con gieo thêm tai họa cho nhiều người.

Thực tế cuộc sống, vì cái thấy biết sai lầm từ ngàn xưa đến nay mà ai cũng nghĩ cái gì quý hiếm là có giá trị cao, nên lãng quên những giá trị thiết thực trong cuộc sống. Không có châu báu, vàng bạc, đá quý, ta vẫn sống, vì nó chỉ là món đồ trang sức tô điểm và phụ thuộc con người sử dụng. Không có lúa gạo, không có nước để tiêu dùng, không có không khí để thở, không có con người tâm linh thì thử hỏi ta có thể sống còn được hay không? Rốt cuộc, con người vì si mê chấp ngã, mong muốn chiếm hữu, nên ai cũng thích được tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, để rồi cuối cùng tạo ra không biết bao nỗi khổ, niềm đau mà làm tổn hại cho nhau.

Thực tế, cuộc sống này khổ nhiều hơn vui, vì ta cứ mãi đua tranh, giành giựt nên bức hại nhau không một lòng thương tiếc. Mỗi ngày, thế giới này có vô số con người bất hạnh, thiếu thốn khó khăn, chết đói, chết khát. Họ đang đói tình thương, đang cần những bàn tay rộng mở, đang cần sự nâng đỡ sẻ chia để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh, với tinh thần bao dung, độ lượng. Trong khi đó, số người lãng phí, xa hoa, ăn trên, ngồi trước thì lại chiếm quá nhiều.

Vậy cái gì thực sự quý giá nhất trên đời này? Nói chung tất cả mọi thứ cái gì cũng quý cả nếu ta biết xử dụng đúng nhu cầu. Nếu ta biết sống bớt tham lam ích kỷ, thụ hưởng cá nhân để san sẻ, giúp đỡ những con người khốn khó, bất hạnh vượt qua nỗi khổ, niềm đau thì những gì ta có đều là rất quý. Hiện nay, cả thế giới mỗi ngày có hơn 40 ngàn người phải chết vì đói, khát. Lương thực tiêu dùng khan hiếm, thiếu thốn mọi bề, trong khi một số người lại xa hoa, phung phí. Con người cần vật chất, con người cần tình cảm, con người cần tinh thần, con người cần sự sẻ chia và con người cần có sự yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Có lương thực, thực phẩm đầy đủ mới bảo đảm nuôi sống con người. Có tình cảm để con người nối kết yêu thương mà đóng góp sẻ chia cho gia đình, xã hội. Có tinh thần lành mạnh, sáng suốt, minh mẫn để luôn sống lạc quan, yêu đời. Có con người tâm linh để sống với trái tim hiểu biết, sẻ chia, giúp đỡ mọi người trên tinh thần tương thân, tương trợ, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

Vì vậy, ta phải biết tin sâu nhân quả, tránh ác làm lành để chuyển hóa tâm si mê, chấp ngã, trở về sống với tính biết thanh tịnh sáng suốt của mình. Khi sống được với tính biết sáng suốt, ta sẽ không bị dòng đời cuốn trôi dù phải sống trong môi trường si mê, loạn động, để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Thế mới biết, con người là quý nhất, các vật chất khác chỉ phụ thuộc nơi con người mà thôi. Không có châu báu, vàng bạc, ngọc quý, kim cương, ta vẫn sống, nhưng thiếu lúa gạo, nước uống, không khí cùng tình thương chân thật thì ta khó lòng sống bình yên và hạnh phúc. Vậy mà thế gian cứ mãi chạy theo những điều phù phiếm, xa hoa tạm bợ mà quên đi những điều cần thiết và quý giá nhất. Có con người là có tất cả khi ta sống với trái tim hiểu biết và yêu thương, biết chia sẻ nâng đỡ những nỗi khổ, niềm đau.

Sư phụ chúng tôi đã dạy rằng: “Học tập, làm việc, uống ăn làm nên sự sống; tu là hơi thở quyết định sự sống; thân thể này thiếu tu cũng như thiếu hơi thở trong chừng phút giây là chết ngay.”

Do đó, Sư ông chúng tôi chủ trương tu, học và lao động như cái đỉnh ba chân không thể thiếu. Lao động như ăn cơm, học hỏi như uống nước, tu như hơi thở và có con người tâm linh thì cuộc sống này sẽ là thiên đường hạnh phúc. Chúng ta muốn vượt qua những phù phiếm, hư danh, ảo vọng trong đời, để làm tròn trách nhiệm, bổn phận gia đình, có cơ hội dấn thân phục vụ xã hội thì hãy nên áp dụng ba điều trên cho hài hòa, hợp lý. Lao động giúp chúng ta tạo ra của cải vật chất để nuôi sống bản thân, nhưng không vì thế mà ta tham đắm vơ vét cho riêng mình, làm tổn hại chung đến nhân loại. Đối với người đời thì sự học hỏi giúp mở mang trình độ tri thức, áp dụng vào công việc hằng ngày để đem lại lợi ích cho đời. Đối với người xuất gia thì việc học nhằm biết được phương pháp để tu hành, mà chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc, dấn thân đi vào đời, vì lợi ích chúng sinh với tinh thần vô ngã, vị tha.

Tóm lại, ta có quyền làm giàu để nâng cao đời sống do sự siêng năng, tinh cần bằng chính đôi tay và khối óc của mình. Nhờ vật chất sung mãn, đời sống được ổn định, ta không phải lo toan, bận bịu về kế sinh nhai, ta có điều kiện bố thí sẻ chia và thời gian để nâng đỡ cưu mang người khác. Ta phải nhớ rằng, tài sản, địa vị tuy rất cần thiết trong cuộc sống nhưng chưa chắc sẽ mang lại hạnh phúc, an vui thật sự, nếu ta không biết tận dụng thời gian để làm mới lại chính mình và sống với tính biết sáng suốt. Thời gian vô cùng quý giá, vì nó đi qua mà không bao giờ trở lại. Nếu con người không biết chắt chiu, trân quý từng phút giây để làm những việc có nghĩa cho đời, thì quyền cao chức trọng hay giàu sang, phú quý có được lợi ích gì cho ai?

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập