Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Chùa Vĩnh Nghiêm một chốn tổ quan trọng trong hệ thống Trúc Lâm Yên Tử

Đã đọc: 2372           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm Vĩnh Nghiêm chưa tới thành tâm chưa đành

Chùa Vĩnh Nghiêm còn có tên là chùa Đức La thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang. Chùa được xây dựng trên một quả đồi thấp, phía sau lưng là dãy núi Cô Tiên. Toàn bộ khu chùa chiếm gần 3 mẫu Bắc Bộ. Một phía chùa nằm sát bờ sông Lục Nam, phía bên kia xa hơn một chút là dòng sông Thương chảy vòng tới trước mặt, chênh chếch là ngã ba Phượng Nhỡn, nơi con sông Lục Nam gặp gỡ sông Thương. Người xưa đã tả rằng: Chùa Vĩnh Nghiêm là một thắng cảnh cổ. Trước mặt bên trái thì có Xương Giang, Nguyệt Giang, Đức Giang. Đức Giang chẽ nhánh hội vào Lục Đầu Giang mênh mang uốn khúc đưa thuyền từ bi cứu vớt chúng sinh. Đằng sau mé phải thì có Lạng Sơn, Phượng Sơn. Hình Sơn, Quả Sơn chập chùng muôn lớp quanh co ôm ấp sánh với cảnh Phật Bổ Đà…phong cảnh nơi đây thực là kỳ diệu (Bia trùng tu chùa Vĩnh Nghiêm khắc năm Hoằng Định thứ 7-1606). Một tấm bia khác ghi: Nay ở huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Nguyên, đạo Kinh Bắc, nước Đại Việt có một khu sùng phúc, rõ là đất Tam bảo. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn vạn dặm, trùng trùng điệp điệp vân tròn ôm lấy thành hình chiếc lọng hoa. Ở chỗ hai ba con sông, sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc, khoảng giữa là ngôi chùa cổ có một bầu trời riêng, truyền rằng đó là chùa Vĩnh Nghiêm. Thực là một danh lam đứng đầu thiên hạ… chùa do Lý Diên Bảo mở ra đầu tiên… (Bia công đức chùa Vĩnh Nghiêm. Mặc Vĩnh-khắc năm Hoằng Định thứ 7-1606)

Căn cứ vào ghi chép trong các văn bia hiện đang lưu giữ tại chùa cho biết, chùa Vĩnh Nghiêm ra đời từ trước thời Lý. Điều này phù hợp với những dấu vết vật chất mà các nhà khảo cổ học đã phát hiện được ở xung quanh chùa vào những năm 70-80 của thế kỷ trước. Đó là những mảnh gốm, sức thời Tùy, Đường, thời Lý. Tuy nhiên dấu tích kiến trúc thời Trần là rõ hơn cả, đó là mảnh lá đề bằng đất nung màu hồng trang trí hình chim phượng, cũng có ở chùa trong dịp trùng tu nhà tổ đệ nhất năm 2003 đã phát hiện được một số hiện vật cổ thời Trần, đó là: Một chân tảng hoa sen bị vỡ đôi (tương tự như ở chùa Cao, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), trên cây đòn nóc toàn thượng điện còn có hàng chữ Hán ghi: Khởi Diên Ninh ngũ niên, tuế thứ Mậu Dần, Đông thập nguyệt Ất Mão, sóc thập ngũ nhật, Kỷ Tỵ, nhập nội thí tính, phán phủ tặng tự trí tín thượng sĩ Sùng Kính phụng hiến phượng pháp nhãn (nghĩa là: Đặt nóc vào ngày Kỷ Tỵ, ngày 15 tháng 10, mùa Đông, năm Mậu Dần, niên hiệu Diên Ninh thứ 5 do các vụ nhập nộ thị tỉnh pháo thủ tặng chùa tự trí tín, thượng sĩ hiệu Sùng Kính tặng hiến pháp nhãn). Như vậy, có thể xác định vào thời điểm 1456 chùa Vĩnh Nghiêm đã có ngôi thượng điện như ngày nay.

Bằng các nguồn tư liệu như bia ký, thư tịch và kết quả điều tra khảo cổ học tại di tích, có thể xác định: Chùa Vĩnh Nghiêm được khởi dựng từ trước thời Lý; đến thời Lý thì ngôi cổ tự này cũng đã khá khang trang mang tên ban đầu là chùa Chúc Thánh. Tới thời Trần, ngôi chùa được xây dựng và phát triển trở thành một trung tâm Phật giáo lớn trong hệ thống Trúc Lâm Yên Tử do Tam tổ khai sáng của dòng thiền Trúc Lâm hưng công mở rộng và đổi tên thành chùa Vĩnh Nghiêm, vì thế hình ảnh chùa thời Lý vẫn còn lưu lại ở cái tên trên bia chùa là Chúc Thánh Vĩnh Nghiêm tự bi.

  Đến thời Hồ, đặc biệt là dưới triều Minh đô hộ, chùa Vĩnh Nghiêm cùng với nhiều công trình văn hóa khác bị hủy diệt hoàn toàn. Sang thời Lê, Vĩnh Nghiêm được phục hưng trên cơ sở bình đồ kiến trúc thời Trần. Những công trình kiến trúc còn lại đến nay được tạo dựng dưới thời Lê-Nguyễn và muộn hơn nữa. Có thể nói, không một thành phần kiến trúc nào của ngôi cổ tự này được giữ nguyên vẹn vật liệu của thời đại sinh ra nó. Nhưng nếu nhìn chung trên những nét tổng thể đại quát thì chúng ta vẫn có thể thấy đây là một quần thể kiến trúc gỗ đời Nguyễn còn lưu giữ được một số thành phần cấu kiện kiến trúc thời Lê.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chùa Vĩnh Nghiêm là một trung tâm, một chốn Tổ quan trọng trong hệ thống Trúc Lâm Yên Tử. Nó được xây dựng trước thời Lý, đến thời Trần được xây dựng thành trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm. Người có vai trò lớn trong việc xây dựng chùa chiền bấy giờ là tổ Pháp Loa, vị tổ thứ hai của phái Trúc Lâm. Có thể nói ông đã huy động cả giới quý tộc nhà Trần vào việc xây dựng, biến chùa Vĩnh Nghiêm trở thành trụ sở của Trung ương Giáo hội Trúc Lâm, bản thân ông trở thành người lãnh đạo Giáo hội khi mới 24 tuổi. Kể từ đây, Giáo hội Trúc Lâm phát triển không ngừng. Số người xuất gia và gia nhập Giáo hội Trúc Lâm ngày càng đông. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận (tr.328) của Nguyễn Lang có ghi: Tháng 9 năm Quý Sửu (1313) Pháp Loa phụng chiếu đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lượng Giang, đặt văn phòng Trung ương của Giáo hội ở đó, quy định mọi chức vụ của Tăng sĩ của Giáo hội, kiểm tra tự viện và làm sổ Tăng tịch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam Tăng sĩ có hồ sơ tại Giáo hội Trung ương. Pháp Loa thấy số lượng Tăng sĩ đông quá liền quyết định ba năm mới có một lần độ Tăng. Giới đàn được tổ chức 3 năm một lần và mỗi lần số người xin thụ giới bị thải ra có đến hàng nghìn người. Tính đến năm 1932, số Tăng sĩ đã được xuất gia trong giới đàn do Giáo hội Trúc Lâm tổ chức dưới quyền lãnh đạo của Pháp Loa là trên 15.000 vị. Về tự viện, năm 1313 có tới trên 100 ngôi chùa thuộc vào Giáo hội Trúc Lâm. Pháp Loa đã làm rất nhiều việc xây dựng…

Về tổ chức của Giáo hội: Căn cứ quy tụ của Phật giáo thời Trần là ở trên núi Yên Tử, trong đó chùa Hoa Yên là quê hương tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm. Mỗi năm chùa đều tổ chức kết hạ an cư 3 tháng, thu hút rất đông các Tăng sĩ bốn phương về tham dự. Dưới thời Trần, vị Tăng sĩ nào cũng ước ao được về kết hạ 3 tháng trên núi Yên Tử, vậy mới có câu ca dao:

Dù ai quyết chí tu hành

Có về Yên Tử mới thành lòng tu

Chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử quy mô thì có hạn mà số Tăng sĩ về dự an cư kết hạ lại quá đông cho nên Giáo hội Trúc Lâm đã tổ chức an cư tại một số ngôi chùa lớn khác như chùa Báo Ân, chùa Sùng Nghiêm, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Quỳnh Lâm, chùa Thanh Mai và chùa Côn Sơn. Riêng chùa Vĩnh Nghiêm được chọn làm văn phòng Trung ương của Giáo hội. Bản thân Pháp Loa năm 1913 đã ở Vĩnh Nghiêm, đề ra quy định mọi chức vụ của Tăng sĩ trong Giáo hội và kiểm tra tự viện. Trong thời gian này Tăng sĩ được cấp độ điệp (một loại giấy thông hành dành riêng cho Tăng sĩ) mới có thể di chuyển mà không gặp trở ngại, xuất trình độ điệp tại các chùa thì sẽ được tiếp đón và có thể ngủ lại tại chùa. Năm 1308 Pháp Loa là người đầu tiên được vua Trần Anh Tông ban cho độ điệp sau khi nhận chức trụ trì chùa Báo Ân. Pháp Loa đã dựng trên 200 Tăng đường để làm nơi cư trú và tu học cho Tăng sĩ, chỉ tính từ năm 1313 đến năm 1329 đã có 15.000 người xuất gia dù đã được hạn chế mỗi kỳ giới hạn chỉ khoảng 3.000 người được thọ giới. Có thể đoán định thời đó số lượng Tăng sĩ không ít hơn 30.000 vị.

Như vậy, đến giữa thế kỷ XIV mối quan hệ giữa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử với cả nước phát triển tới đỉnh cao. Đường dây Trúc Lâm với 4 trung tâm là Vĩnh Nghiêm, Thanh Mai, Yên Tử và Quỳnh Lâm đã hoàn thiện. Chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang đã phát triển và có mối liên hệ chặt chẽ đến hệ thống các chùa: Am Vãi, Yên Mã, Bình Long, Hòn Tháp, Hồ Bấc, Đồng Vành, chùa Cao, Khám Lạng, Hang Non đóng vai trò tích cực trong việc phát triển Phật giáo Trúc Lâm ở phía Tây Yên Tử, đóng vai trò rất to lớn và trở thành trung tâm truyền bá Thiền phái Trúc Lâm ngay từ thời kỳ đầu. Cả Sơ tổ Trúc Lâm, Nhị tổ Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang đều lấy nơi đây để tu hành và làm Phật sự, chỉ bấy nhiêu cũng đủ khẳng định vị thế của Vĩnh Nghiêm tự chính là chốn Tổ của Thiền phái Trúc Lâm đương thời.

Sang thời Lê-Nguyễn và sau này, mặc dù Vĩnh Nghiêm không còn giữ được vai trò và vị trí trung tâm Phật giáo như triều Trần nhưng vẫn giữ được kho tàng di sản Hán-Nôm khá phong phú, nhiều nhất là văn khắc trên ván in bằng chữ Hán, gồm: 7 kệ ván in kinh, sách như Hoa Nghiêm Kinh, Bản Nguyện Chân Kinh, Di Đà Kinh, Khai Thánh Chân Kinh, Tỳ Khâu Ni Giới Kinh, Quan Thế Âm Kinh, Đại Thừa Chỉ Quán, Thiền Tông Bản Hạnh, Sadini Uy Nghi, Tịnh Độ Sám Nguyện, Thượng Đế Khuyến Thế Văn, Thần Du Phương Ký, Giới Thực Ngưu Nhục, Tịnh Độ Vấn Đáp, Văn Xương Kiến Thế Văn, Văn Xương Thánh Nguyên Văn, …(khoảng trên 3.000 tấm) có thể phân thành 3 loại chính văn quý: Sách Kinh-sách Luận-sách Luật. Đây thực sự là di sản văn hóa có giá trị rất lớn, góp phần tích cực trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và chùa Vĩnh Nghiêm là một trung tâm.

Trong bài Minh của Hòa thượng Thích Thanh Hanh khắc trên bia đá năm Bảo Đại thứ 7 (1932) hiện đang lưu giữ tại chùa có đoạn:… Kể từ triều Lý cách nay 883 năm mà rừng thiền rậm rạp, chùa chiền ngời ngời, vang vang tiếng ngọc, đông đúc môn đồ. Có được cái đó há chẳng phải do công đức to lớn như núi, mênh mông như sông nước các bậc tu hành hun đúc lên hay sao?... Có thể nói, với công trình kiến trúc cổ thời Lê-Nguyễn, với hệ thống tượng Phật đúng quy chuẩn, mẫu mực, phong cảnh thiên nhiên thanh tịnh mà gần gũi cùng nhiều tài liệu, hiện vật quý hiếm còn lại đến ngày nay, chùa Vĩnh Nghiêm mãi xứng đáng là chốn Tổ quan trọng trong Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)