Lưỡng nguyệt san Đạo Phật Ngày Nay

Chữ ngã trong thông điệp đản sinh

Đã đọc: 3376           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Khi mới sinh ra đời, trong bảy bước đi trên sen hồng nâng gót ngọc, Thái tử Tất Đạt Đa một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, đã gởi một Thông điệp rất quan trọng cho nhân loại: “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn”.

Có nhiều cách lý giải thông điệp này, tùy theo nhận thức, mục đích của từng người. Nghĩa đơn giản nhất của thông điệp này là: “Trên Trời, dưới Trời chỉ có cái Ta là quan trọng nhất”. “Ngã” có thể giúp ta tiến lên thành Thánh và có thể thành Phật nếu biết đem “cái Ta” ấy phụng sự cho chúng sanh. Nhưng nó cũng có thể đưa ta đoạ xuống địa ngục, bàng sanh hoặc thành A tu la.

Đức Phật đã thấy rõ được sự tác hại của bản ngã nên Ngài đã cảnh tỉnh chúng sanh phải luôn quán chiếu và hãy nên cẩn trọng về nó.

Cũng vì bản ngã hay muốn thể hiện cái “ta” này, lúc nào cũng chứng tỏ ta hơn mọi người, không muốn ai hơn mình. Nếu có ai hơn, liền đốkỵ tìm cách nói xấu, hoặc không bao giờ thấy được điều hay, tốt của người để hoan hỷ. Điều này đã khiến biết bao nhiêu người phải cô đơn, lạc lõng, phiền não, trở thành ngông nghênh.

Tự ngã của ta hay kiêu căng, rồi tiến đến cực đoan, độc đoán, độc tài… có thể làm ta trở thành người vong ân bội nghĩa, tự mãn trên sự thành công. “Cái ta” luôn yêu cầu được đáp ứng, thoải mái thụ hưởng. Và rồi cái ta ấy phải bị mọi người oán trách, xa lánh vì đã tự tạo ra lo sợ, gây biết bao oan trái, làm tổn phước lực để rồi phải trở thành tán gia bại sản, thân bại danh liệt, chết trong ô nhục.

Cũng vì cái “ta” này đã khiến cho nhiều gia đình tan nát, mất hạnh phúc; cha mẹ con cái, anh chị em không có sự đồng thuận. Trái lại ai nấy thích sống riêng theo cảm tính của mình, mạnh ai nấy lo, thích hưởng thụ dục lạc, rồi cũng vì nuông chìu con cháu, muốn gì được nấy mà không hướng dẫn đạo đức, uốn nắn lúc còn măng, để trưởng dưỡng “cái ta” mỗi ngày mỗi lớn, dạy không được nữa, khiến hư thân, mất nết, nguy hại cho xã hội. Đến khi thành tre rồi, làm sao uốn cho nổi; than trời trách đất, rốt cuộc con hư, gia đình tan nát!

Cái “ta” này đã khiến cho xã hội phải nhiều điêu linh thống khổ. Kẻ sống với cái ta sẽ trở nên “Độc tài chuyên chính”, chứng tỏ “bản ngã” hách dịch, cửa quyền. Cũng vì cái “ta” và muốn thể hiện “cái ta” này, bao nỗi bất hoà có mặt, xã hội phải nhiều xáo trộn, lắm chia rẽ, nhiều hận thù. Vì cái ta, muốn làm bá chủ thiên hạ, mới xảy ra hai cuộc chiến tra­nh thế giới. Cái ta đã khiến cho nhiều người chạy theo ngũ dục, phải bỏ dở con đường cao đẹp và chịu khổ cực trong đọa xứ.

Bởi vì chấp ngã, con người sẽ thể hiện hai bản năng: một là bản năng sinh tồn, lúc nào cũng muốn tranh giành, gom góp để bảo tồn sự sống cho riêng mình, lúc nào cũng lo hạnh phúc, lợi lạc cho riêng mình để quên đi những người khốn khổ chung quanh. Hai là bản năng hưởng thụ, luôn khao khát tìm kiếm những khoái lạc của nhục dục tầm thường, khiến họ phải đoạ lạc vào chốn khổ đau, mất đi nhân cách, hao tổn phước báu, gây khổ lụy cho nhiều người. Riêng người chấp ngã sẽ có nhiều ích kỷ, cao ngạo, muốn thụ hưởng, sinh tâm tham lam, luyến ái, xem mình quan trọng, là cái rốn của vũ trụ… Họ muốn mọi người phải tôn trọng, phải phục tùng mình, ai trái ý phật lòng mình, thì sanh tâm nóng giận. Nếu làm thân phận kẻ đứng sau thì “bản ngã” tự tạo ra tốchất của phiền não, bực dọc, oán trách người trên. Nếu làm người có quyền hành thì kẻ ấy sẽ tăng trưởng việc trù dập, bắt nạt kẻdưới, và sanh ra muôn vàn bao oan trái chất chồng.

Cái “ta” núp bóng dưới nhiều chiêu bài tốt đẹp, thể hiện dưới nhiều góc độ, rất khó vượt qua. Nó thầm kín chi phối, sai sử khiến cho con người tạo ra muôn vàn tội lỗi, ác nghiệp, luôn hơn thua, kiêu mạn, chỉ trích, công kích người khác. Cái ta luôn tìm lỗi người để mà che đậy sự sai lầm hay tội lỗi của mình.

Từ cái “ta” này sinh ra muôn vàn phân biệt, đối xử. Thấy cái gì cũng là của ta: thân ta, gia đình ta, dòng họ ta, làng xã ta, quốc gia ta, tiền bạc, nhà cửa, chức quyền, địa vị của ta… Cái ta hì hục bảo vệ những thứ “của ta” như thể nó sẵn sàng mọi thủ đoạn để tranh giành chiếm giữ.

Đây chính là nguồn gốc của hận thù, xung đột, chiến tranh, tang thương biến đổi. Nếu không tu pháp buông xả với tinh thần vô ngã thì con người sẽ “chấp ngã” nhiều hơn.

Chấp thủ “cái ta” này càng thâm sâu chừng nào, thì tự ái, ngã mạn càng cao chừng nấy. “Chấp cái ta” này đã khiến cho sự học rộng, hiểu nhiều trở thành một “Sở tri chướng,” cản trở con đường tiến tu. Cái ta sẽ làm cho sự thông thái trong giao tiếp, giảng giải trở thành một trong tám nạn là “Thế trí biện thông” mà đức Phật đã chỉ rõ trong các kinh điển.

Theo đức Phật, chấp ngã là nguyên nhân của mọi sự khổ. Kinh Viên Giác cũng dạy rõ: “Chấp ngã và chấp pháp là nguyên nhân của vô minh. Vô minh dẫn chúng sanh chạy theo hình tướng bên ngoài, đánh mất bản tâm, sinh ra muôn vàn tội lỗi!”

Phải biết rằng con người chết vì sắc diện (đẹp), con voi chết vì cặp ngà (quý), ve sầu chết vì tiếng kêu (to), đom đóm chết vì điểm sáng (chói), ong chết vì sáp mật (ngọt), chồn chết vì chất xạ hương (thơm), con nai chết vì cái sừng (bổ), chim sẻ chết vì bộ lông (tốt). Tất cả cũng đều do quá coi trọng, chăm sóc và thể hiện ra cái bên ngoài, biểu hiện của “Cái tôi sở hữu” mà quên đi Phật tánh, tình người, tình đồng loại, luôn hiện hữu ở bên trong ta.

Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên: “Khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”. Ngã chấp từ lâu đã che mờ Phật tánh của chúng sanh, nên khi mới vừa xuất hiện ở cõi đời này, đức Phật dạy: “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn”. Trên tinh thần này, HT.Thích Thiện Siêu khẳng định: “Vô ngã là Niết bàn,” và ta có thể thêm vế thứ hai: “Có ngã là có địa ngục”.

Nhận chân được nhu cầu chuyển hóa “cái ta”, Phật dạy các đệ tử phải thực hành trì bình khất thực: “Bình bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa, mắt xanh xem trần thế, nói pháp độ người qua”. Ngài cũng đã thu nhận các hạng người ở giai cấp thấp hèn làm đệ tử, cũng không ngoài mục đích phát triển Phật tánh trong mỗi chúng sanh và dẹp đi những “ngã chấp” trong đầu các vua, quan và những người ở giai cấp trên.

Trong bài Bát Nhã Tâm kinh, đức Phật cũng đã dạy: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”, nghĩa là “quán soi thân thể, cảm giác, ý niệm, tâm tư và nhận thức là không thực thể, tức không có cái tôi thì lập tức sẽ qua hết mọi khổ đau hoạn nạn”.

TU CHUYỂN HÓA CÁI TÔI

Chỉ có tu hành, dẹp đi được “cái ta” tiến đến vô ngã thì mới vào được cửa đạo và thực chứng được Niết bàn. Chỉ có dẹp đi được “cái ta” thì con đường tu mới được hanh thông, không còn bị ngũ dục và tham sân si chi phối. Còn “cái ta” là còn thích hưởng thụ hơn là phục vụ, nên tham sân si… sẽ lớn dần theo thời gian. Đóng góp với tâm “hữu ngã” sẽ đánh mất tâm Bồ đề nên làm thiện pháp sẽ thành ma nghiệp!

Thấy được cái nguy hại của “bản ngã” là có chánh kiến. Dẹp đi “cái ta” là chìa khoá vào đạo, là cứu cánh của việc tu hành, là thước đo của người tu. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Càng tu lâu chừng nào, càng thấy mình không là gì cả, đó mới chính thực là tu”.

Tu là quá trình chuyển hoá nội tâm, làm triệt tiêu “bản ngã” và chuyển đổi nghiệp lực của mình chứ không phải ở những thành tựu về vật chất bên ngoài. Do vậy nhắc nhở hay giúp đỡ nhau dẹp trừ “ngã chấp” là nhiệm vụ của người tu.

Muốn chuyển hoá “cái ta” để trở thành “vô ngã” thì chúng ta phải xem mình là nhỏ và thấp nhất. Hãy quên mình có thể chấp nhận làm một thùng rác, để chứa đựng những dơ bẩn của cuộc đời, cho cuộc đời được trong sạch, thơm tho.

Phải tu theo hạnh của Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, không dám xem thường ai, thể hiện sự khiêm cung, vì tất cả đều là Phật sẽ thành. Phải sống hoà thuận, học hỏi được những điều hay, lẽ phải nơi mọi người, luôn quán chiếu tìm lỗi mình, để hoàn thiện tự thân, không nên thấy lỗi người, vì thấy lỗi người, lỗi mình ngay bên ấy (Pháp Bảo Đàn kinh). Phải thường xuyên tôn kính mọi người, đảnh lễ chư Phật, Bồ tát, học hạnh Thánh hiền, sống đúng theo giới luật, biết hy sinh và luôn phụng sự cho tha nhân với một tình thương và sự hiểu biết.

Tất cả công đức ta tạo ra, đều hồi hướng đến đạo Vô thượng Bồ đề. Xem sự thành đạt hôm nay là do nhờ được gia hộ của chư Phật, Bồ-tát và trợ lực của các thiện trí thức, cũng như sự đóng góp của mọi người, cùng sự tinh tấn vượt khó vươn lên, chứ không phải là nhờ sự tài giỏi của riêng ta. Bên cạnh đó, ta cũng phải tuỳ hỷ đối với những thành tựu, phước báu của những người khác. Từ đó mới tạo được công đức. Chỉ có hương giới đức mới bay ngược gió và lan toả khắp muôn phương, cho mọi người quy kính.

Tu chuyển hoá “cái ta”, thế giới mới hy vọng hoà bình, chúng sanh mới an lạc và đó mới là “Kính mừng Phật đản” một cách thiết thực, vì thực hành đúng bản hoài của chư Phật, giúp cho Phật tánh trong mỗi chúng sanh được hiển lộ.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)