Bài kệ duy nhất của thiền sư Quảng Nghiêm

Đã đọc: 8813           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thiền sư Quảng Nghiêm (1121 - 1191) người huyện Ðan Phượng, tỉnh Hà Tây. Ông tu ở chùa Thánh Ân thuộc huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh). Ông đã để lại cho đời một bài kệ duy nhất. Thế nhưng cho đến nay, nhiều người đã hiểu và dịch khác nhau.

Từ chỗ hiểu đến suy diễn, khoảng cách ngày càng xa. Vậy nên cố gắng trả lại đúng ý cho tác giả bài kệ cũng là điều cần thiết. Tác phẩm Văn học đời Lý (Mai Lĩnh xuất bản 1943) trích dẫn trong Thiền uyển tập anh bài kệ của Thiền sư Quảng Nghiêm, phiên âm và dịch như sau:

Thị tật

Li tịch phương ngôn tịch diệt

Khứ sinh hậu thuyết vô sinh

Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

Dịch nghĩa :

Cáo bệnh với mọi người

Thoát kiếp rồi bàn câu tịch diệt

Không sinh hãy nói chuyện siêu sinh

Tài trai có chí xông trời thẳm

Giẫm vết Như Lai luống nhọc mình

                                              (Ngô Tất Tố dịch)

Trong Tiểu truyện Thiền sư Việt Nam, phái Vô ngôn thông, Khánh Vân Nguyễn Thụy Hoà lại phiên âm và dịch khác:

Phiên âm :

Li tịch phương ngôn tịch diệt khứ

Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh

(Hai câu sau vẫn giữ nguyên)

Dịch :

Lìa vắng lặng mới nên vắng lặng

Sống vô sinh hiểu lẽ vô sinh

Nam nhi nung chí mau tinh tiến

Noi Phật cùng nhau gắng thực hành.

 

Ý của hai bản dịch khác hẳn nhau, một bên không theo Như Lai, một bên theo Như Lai.

Vân Thanh trong Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam, phiên âm giống như Khánh Vân nhưng lại dịch khác:

Lìa tịch, mới nói tịch diệt đi

Sanh, vô sanh, rồi mới nói "vô sanh"

Nam nhi tự có chí xung thiên

Ðừng đến “Như Lai làm chỗ làm”

Trong Thơ văn Lý - Trần, tập 1, Nguyễn Ðức Vân, Ðào Phương Bình phiên âm tuy khác nhưng dịch nghĩa chẳng khác Ngô Tất Tố là mấy.

Thanh Từ trong Thiền sư Việt Nam dịch cũng tương tự như Ngô Tất Tố.

Cũng có người phiên âm chữ “hưu” () trong câu cuối thành chữ “hựu” (). Ðọc là “Hựu hướng Như Lai hành xứ hành”. Có nghĩa là “Lại hướng theo Như Lai...”

Vậy nên hiểu như thế nào mới đúng ý tác giả?

Theo tôi, bài kệ có lẽ nên phiên âm và ngắt câu như sau:

Li tịch phương ngôn tịch diệt

Sinh sinh hậu thuyết vô sinh.

(Hai câu sau giữ nguyên)

Thiền sư Quảng Nghiêm thuộc đời thứ 12 (Vân Thanh cho là đời thứ 11) Thiền phái Vô ngôn thông. Tư tưởng của ông chịu ảnh hưởng của Ðại thừa Vô ngôn thông là lẽ đương nhiên. Quan niệm về tịch diệt của ông không giống như quan niệm tịch diệt pháp (Santa dharma) của Tiểu thừa. Tiểu thừa đã đối lập giữa tịch diệt và vô tịch diệt, giữa sinh tử vô sinh tử. Quan niệm sinh tử của Quảng Nghiêm cũng là quan niệm của Thiện Hội. Qua đối đáp giữa thiền sư Vân Phong, đời thứ tư và Thiện Hội, đời thứ ba Thiền phái Vô ngôn thông cũng có thể hiểu rõ hơn về quan niệm tịch diệt, sinh tử của Quảng Nghiêm:

“Vân Phong hỏi Thiện Hội làm sao tránh được sinh tử?

Thiện Hội: Ði vào chỗ sinh tử.

Vân Phong : Chỗ sinh tử là chỗ nào?

Thiện Hội : Nó nằm ngay trong chỗ sinh tử.

Vân Phong : Làm sao hiểu được điều đó ?

Vân Phong chưa hiểu được ý Thiện Hội và Thiện Hội cũng chưa thể làm cho Vân Phong hiểu được.”

Có thể nói Quảng Nghiêm đã làm rõ thêm quan niệm của Thiện Hội:

Li tịch phương ngôn tịch diệt

Nghĩa là bất sinh - bất diệt nằm ngay trong sinh - diệt. Tam luận tông cho rằng “sinh tức vô sinh”. Có nghĩa là tục đế gọi là sinh, thực ra là “giả sinh”, co nghĩa là do nhân duyên hoà hợp mà thành. Cho nên cái mà tục đế gọi là sinh, chân đế gọi là vô sinh.

Bát bất duyên khởi (không chi duyên khởi) của Long Thọ (Nagarjuna) trong Trung luận cũng cùng ý đó: “Bất sinh diệc bất diệt, bất thường diệc bất đoạn, bất nhất diệc bất dị, bất lai diệc bất khứ”.

Câu thứ hai của bài kệ, Ngô Tất Tố phiên âm như trên e rằng không phù hợp với ý của tác giả bài kệ:

Khứ sinh hậu thuyết vô sinh

Chữ khứ ( ), có lẽ do chữ sinh ( ) bị đọc nhầm. Vậy nên đọc là:

Sinh sinh hậu thuyết vô sinh

“Sinh-sinh” (jati-jati), có nghĩa là sống trong cuộc sống bình thường, cuộc sống sinh, tử. Có sống trong cuộc sống sinh tử rồi mới có quyền nói về vô sinh vô tử. Sinh (jati) cũng tức là vô sinh (ajati).

Kinh Dịch, Hệ từ truyện cũng có khái niệm “sinh sinh”: “Sinh sôi nảy nở đó là Dịch” (Sinh sinh chi vị Dịch). Sách Trang Tử, thiên Ðại Tông sư cũng có khái niệm này : “Sát sinh giả bất tử, sinh sinh giả bất sinh”. Nguyễn Duy Cần giải thích “Sinh sinh là sống theo cái sống của tư dục”. Có nghĩa là những ai diệt được lòng ham sống thì sẽ không chết, còn những ai ham sống thì không phải thực sự sống.

Câu thứ tư của bài kệ “Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”. Muốn hiểu đúng câu này phải đặt nó trong lôgích của hai câu trên, đồng thời cũng cần làm rõ khái niệm Như Lai. Theo Phật học đại từ điển (1): Như Lai, Sanskrit là Tathàgata. Thông thường có thể tách ra thành Tathà và àgata. Tathà có nghĩa là “như vậy”, tương đương với từ “such” trong tiếng Anh. àgata nghĩa là “đến” (lai). Hợp lại là Như Lai, chỉ nhân cách. Thực ra Tathàgata có năm cách hiểu khác nhau:

1. Tathà-gata, chỉ những người đi vào cõi Niết Bàn theo con đường của chư Phật.

2. Tathà-àgata, chỉ những người đã đạt được chân lý.

3. Tathà-àgata, chỉ những người đạt được chân lý giống như chư Phật trong quá khứ.

4. Tathà-àgata, chỉ những người đi theo con đường đức Phật đã đi nhưng hiện thân ở thế gian.

5. Tathà-àgata, chỉ những người theo chân lý hiện thân ở thế gian

Ba cách hiểu trước là cách hiểu của Tiểu thừa. Hai cách hiểu sau là cách hiểu của Ðại thừa (không xa rời thế gian). Như vậy Quảng Nghiêm đã hiểu Như Lai (Tathàgata) theo cách hiểu của Ðại thừa Vô ngôn thông, có nghĩa là người theo chân lý như đức Phật nhưng lại hiện thân ở thế gian (khác với Tiểu thừa).

Bài kệ có thể phiên âm như sau:

Li tịch phương ngôn tịch diệt

Sinh sinh hậu thuyết vô sinh

Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

Tạm dịch :

Xa lìa cõi tịch rồi mới nói tới tịch diệt

Sinh trong đời thường (tục đế) rồi mới nói đến vô sinh (Chân đế)

Làm trai (hoặc người tu hành) cần có chí lớn

Ðừng theo vết cũ lối mòn của người đi trước.

Toàn bài kệ ý muốn khuyên người tu hành phải tuân theo tôn chỉ cúa đạo Phật. Nhưng không cần tìm Bồ đề ở đâu xa mà chính ngay ở cuộc sống sinh tử của thế gian. Vậy nên người tu hành cần phải có ý chí, tự mình “thắp đuốc lên mà đi”, chứ đừng chỉ bắt chước theo người khác.

Vì vậy đầu đề của bài kệ có lẽ không nên ghi “Ðừng theo bước Như Lai” (Hưu hướng Như Lai) như trong Thơ văn Lý - Trần.

Bài kệ của Quảng Nghiêm chứng tỏ Thiền sư Việt Nam đã lãnh hội ý chỉ của Thiền Vô ngôn thông một cách sâu sắc.

Ghi chú:

(1)   Thương vụ ấn thư quán Quốc tế hữu hạn công ty. Bắc Kinh, 1994

Đánh máy: Cư sĩ Mỹ Hồ

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập