Nghĩ về mái trường TCPH Vĩnh Long

Thưa các huynh đệ, bao nỗi niềm, bao tâm sự về trường lớp, về thầy cô, về bạn bè đều được gói trọn trong tập san KỶ YẾU LỄ TRUYỀN THỐNG đã và đang gửi tới các huynh đệ.
(Vài suy nghĩ khi đọc tập Kỷ Yếu Lễ Truyền Thống)
Thân tặng TNS Trường TCPH Vĩnh Long
- “Khi ta ở chỉ là nởi đất ở
- Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”
Sơn Thắng ơi! Mái trường TCPG Vĩnh Long thân thương ơi! Không phải đến bây giờ chúng tôi mới thấm thía câu nói ấy, mà ngay từ khi còn là học tăng, chúng tôi đã cảm nhận được “sức sống tâm linh” nơi đây rồi. Các huynh đệ thân mến, chúng ta hãy dành ra một phút, lắng đọng tâm tư nghe những lời tâm sự của bạn bè mình. Xa mái trường mến yêu, đã có một huynh đệ khóa III viết trong tập KỶ YẾU LỄ TRUYỀN THỐNG như sau:
“Thỉnh thoảng, chúng tôi có về thăm Sơn Thắng. Và rồi… lại vội vã ra đi. Mỗi người một hoàn cảnh. Chúng tôi chưa có được một lần họp mặt đầy đủ, dù rằng mấy năm nay trường đều có tổ chức “Ngày Truyền Thống”[1]. Âu cũng là lẽ đương nhiên. Hợp tan vô thường, vốn dĩ bình thường là vậy.
Sau khi tốt nghiệp lớp TCPH khoá III, chúng tôi mỗi người mỗi ngả, nhưng dù ở bất cứ nơi đâu, trong lòng mỗi huynh đệ chúng tôi vẫn vẹn nguyên đạo tình Sơn Thắng, nơi đã cưu mang và giáo dưỡng chúng tôi suốt một thời Cơ Bản.
Học đường Sơn Thắng – Trường TCPHVL – TV Sơn Thắng, nơi đã nuôi lớn đạo tâm chúng tôi trong lặng lẽ âm thầm. Từ khoá I cho tới nay đã là bốn khóa. Sơn Thắng cứ thế êm đềm cùng năm tháng. Không ồ ạt, không khoa trương, Sơn Thắng khiêm cung trong công tác đào tạo những “kỹ sư tâm hồn”, tưới tẩm mầm xanh cho phật pháp.
Ở đây, ngoài những kiến thức Phật học cơ bản, chúng tôi còn được học nhiều bài học quý báu từ nếp sống đạo hạnh của Hoà thượng Hiệu Trưởng, quý Thầy giáo thọ, quí Thầy trong Ban lãnh đạo. Nhờ đó, chúng tôi có được những bước đi thăng bằng giữa cuộc sống bấp bênh. Đến lúc ra trường, chúng tôi có được ít nhiều sự vững vàng khi đối diện với cuộc sống bên ngoài đầy phức tạp.
Nhớ về Sơn Thắng, tự đáy lòng chúng tôi dâng lên niềm luyến lưu xen lẫn chút tự hào. Vâng! Một chút tự hào mà không tự mãn, một chút hãnh diện mà không kiêu căng. Nhớ về Sơn Thắng cũng là nhìn lại mình, để chăn giữ mình tốt hơn”.
Thưa các huynh đệ, bao nỗi niềm, bao tâm sự về trường lớp, về thầy cô, về bạn bè đều được gói trọn trong tập san KỶ YẾU LỄ TRUYỀN THỐNG đã và đang gửi tới các huynh đệ. Cũng trong tập Kỷ Yếu này, một cựu tăng sinh khóa I có viết đôi dòng tâm sự khi trở về mái trường xưa như sau:
- “Còn đây dấu cũ chưa mờ
- Mà người năm ấy bây giờ nơi đâu?
- Người về với cuộc bể dâu
- Người đi với những nhiệm mầu hơn xưa
- Thời gian lá rụng bao mùa
- Mà nghe kỷ niệm mới vừa hôm qua…
- Vòng tay xiết chặt chan hòa
- Những khuôn mặt đã nở hoa trong hồn
- Những thân thương, những dỗi hờn
- Những gian lao vẫn chưa sờn đôi vai
- Những mật ngọt, những đắng cay
- Những đêm thiền tập, những ngày học kinh
- Những ân sư, đậm nghĩa tình
- Những người bạn quý vững tin đại thừa.
- Về thăm chốn cũ năm xưa
- Hết chăng ngôn ngữ cho vừa xuyến xao!”
Cũng trên tinh thần tương liên hòa hợp, kết mối thâm giao tình pháp lữ, một Sư Em khóa IV cảm niệm về ngày truyền thống thật chân thành:
“Dẫu mai này xa xôi cách mấy
Vẫn nhớ rằng ngày ấy nơi đây
Lễ hội truyền thống đắp xây
Của trường Trung Cấp nơi này Vĩnh Long.
Sư em luôn ước luôn mong
Sư anh sư chị một lòng về đây
Một người viên gạch đắp xây
Dựng lên tháp báu nơi này trường ta”.
Lễ truyền thống là dịp cho các huynh đệ gặp nhau, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn cho nhau, cùng sách tấn lẫn nhau trên đường tìm về nguồn cội. Các huynh đệ ơi, chúng ta hãy trân trọng những phút giây hiện tại, trân trọng những giờ phút bên nhau, đừng để lãng phí thời gian đến nỗi không có đến một lời hỏi thăm huynh đệ khi gặp mặt. Xa trường rồi, chúng ta mới cảm thấy nhớ, mới cảm thấy thương thầy mến bạn:
- “Dẫu biết rằng có tiết học dang dở
- Có ngày buồn đến lớp chẳng học chi
- Cũng có khi Giáo thọ vắng trường kỳ
- Mà mãn khoá cũng thấy buồn chi lạ!
- Ngày hội ngộ đủ đầy mong manh quá
- Này đệ huynh, này tỉ muội bốn phương
- Thôi đành chúc ai nấy phút mãn trường
- Tròn hạnh nguyện, đạo tâm hằng kiên cố!”
Chúng ta hãy tiếp tục lắng nghe lời tâm sự của một tăng sinh khi viết về Ngày Truyền Thống:
“Nơi Sơn Thắng ấy chúng tôi chất chứa đầy những kỉ niệm thân thương, nay xa mái trường chúng tôi buồn lắm! Nơi đó còn đọng lại biết bao tình người mà chúng tôi không thể nào quên, chúng tôi nhớ HT Hiệu Trưởng, nhớ quý thầy Giám Thị, nhớ Quý Bác trong Ban bảo trợ, nhớ quý Cô phật tử thường đến chùa nấu ăn cho chúng tôi, nhớ những hàng dừa xanh, nhớ những mương nước mà chúng tôi thường tắm. Bao nỗi nhớ nhung cứ hiện lên trong đầu chúng tôi, bao kỉ niệm vui buồn còn khắc mãi trong tâm khảm chúng tôi. Sơn Thắng ơi! Sơn Thắng còn nhớ chúng tôi không? Chúng tôi nhớ Sơn Thắng lắm!”
Thật là những lời bộc bạch chân chất, mộc mạc và chân thành biết mấy. Đối với Sơn Thắng – Trường TCPH Vĩnh Long, chúng ta mang nặng nghĩa tình thâm ân. Các huynh đệ thân mến, giờ đây chúng ta đã mỗi người mỗi ngả, kẻ ở chân trời, người nơi góc biển, kẻ ở thành thị, người chốn thôn quê, nhưng tin rằng, các bạn vẫn giữ vẹn tình pháp lữ, không quên những ngày tháng bên nhau và luôn nhớ về ngày truyền thống. Chúc các huynh đệ luôn an lành, gặp nhiều thuận duyên trên đường hành đạo, thường tinh tấn theo con đường mình đã chọn, xin gửi lời chúc thành đạt tới toàn thể huynh đệ.
[1] Trường TCPH Vĩnh Long lấy ngày 21/7/Âm Lịch hằng năm làm Ngày Truyền Thống.
- Tinh hoa tư tưởng Cổ Việt Nguyễn Viết Hồng
- Huê Nghiêm: Ngôi tổ đình 300 năm tuổi ở đất Sài Gòn - Gia Định Pháp Đăng/Báo Giác Ngộ
- Nét Văn Hóa Phật Giáo Thời Đại về đâu sen và sóng? Trần Kiêm Đoàn
- Nguyễn Lang: Việt Nam Phật Giáo sử luận Nguyễn Lang
- Tổng luận về Văn học Phật giáo Việt Nam hải ngoại Tâm Huy - Huỳnh Kim Quang
NAm Mô A Di Đà Phật.
Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)