Thăng Long Hà Nội ngàn năm thương nhớ trên những trang thơ An Giang

Đã đọc: 6960           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hà Nội – Thăng Long, trái tim của đất nước, thủ đô ngàn năm văn hiến, từng gắn liền với những trang sử vàng chói lọi chống ngoại xâm của dân tộc, nơi đây từ khai thiên lập địa cũng đã là thắng cảnh đẹp quyến rũ lòng người, khiến bất cứ ai, các tao nhân mặc khách, văn nghệ sĩ một lần qua đều phải dừng chân chiêm ngưỡng, xao xuyến, lưu luyến đề thơ, viết nhạc…

Là những người con của miền Tây Nam bộ, từ quê hương An Giang sông nước xa xôi ra đến Hà Thành, nếu kể từ nhà thơ Viễn Phương với bài thơ Viếng lăng Bác nổi tiếng, sáng tác vào tháng 4/1976, đến thế hệ các cây bút của Hội Văn học nghệ thuật An Giang những năm 1990, như Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Lập Em, Trương Công Thuốt, Hồ Thanh Điền, Lam Hồ, Lê Thanh My … các anh chị đều có những vần thơ lai láng tình đời, những vần thơ nặng lòng với Thăng Long – Hà Nội yêu dấu.

Nhiều người đã biết bài thơ và bài hát cùng tên Viếng lăng Bác đều do hai nhà thơ, nhạc sĩ miền Nam sáng tác. Có phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Viễn Phương và nhạc sĩ Hoàng Hiệp, hai ông đều cùng quê ở tỉnh An Giang? Chắc hẳn một điều là đã có sự đồng cảm do cả hai đều là dân miền Tây Nam bộ, lần đầu được đặt chân đến thủ đô Hà Nội mà những nốt nhạc của Hoàng Hiệp đã chắp cánh, thăng hoa cho lời thơ Viễn Phương thêm dạt dào, thiết tha ngân nga. Để hàng năm, mỗi lần đến tháng năm, kỉ niệm ngày sinh nhật Bác, chúng ta vẫn xúc động trào dâng khi nghe lại lời thơ, dòng nhạc :

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác. Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát. Ơi hàng tre xanh xanh Việt Nam! Giông tố mưa sa đứng thẳng hàng…

…Mai về miền Nam thương trào nước mắt, mai về miền Nam nhớ Bác khôn nguôi. Muốn làm con chim ca hót quanh lăng, muốn làm bông hoa hương toả đâu đây, muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Tôi đã cùng rất nhiều người miền Nam khi được đứng trước Ba Đình lịch sử, cũng đã từng ngâm nga, nhẩm lời bài hát ấy để thêm kính yêu Bác Hồ, thêm lòng tự hào dân tộc, để khi trở về miền Nam cứ thấy Thăng Long – Hà Nội trong ta trở nên gần gũi, gắn bó như quê hương máu thịt của mình.

 

       1.  Ruộng đồng, biên cương An Giang và những con người “mang gươm mở cõi”

Nhà thơ – chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ với bài thơ Nhớ Bắc viết khoảng những năm 1940 đã có những câu thơ hào sảng chí khí, thấm đậm tình cảm của đồng bào chiến sĩ miền Nam hướng về thủ đô Hà Nội trong những năm dài kháng chiến gian nan, lời thơ còn đọng mãi trong tâm hồn nhiều thế hệ :

Ai đi về Bắc, ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ nói đến những con người từ đất Bắc đã vào khai khẩn, mở mang, giữ gìn bảo vệ mảnh đất phương Nam say bước chinh Nam, quen mùi câu vọng cổ, nghe hương mùa sầu riêng mà vẫn không quên câu hát quan họ, vẫn chạnh lòng nhớ thương mùa vải đỏ.

Đồng cảm với lời thơ của Huỳnh Văn Nghệ, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang có bài thơ Trái tim Thăng Long sáng tác tháng 1/2010. Bài thơ là sự thể hiện những cảm nhận về công cuộc chinh Nam đầy gian khổ, nhọc nhằn nhưng luôn mang theo mình “trái tim Thăng Long” của những người mang gươm mở cõi. Mở đầu bài thơ là hình ảnh đoàn người Nam tiến trên con đường vô định, phải đối mặt với thiên nhiên hoang vu, hiểm trở, non cao, biển cả, bão tố, gió mưa, đất đai toàn lau lách …

Đoàn người xuôi về phương Nam

Vách núi cheo leo biển xanh bạc sóng

Một phương là nghìn trùng gió lộng

Một phương lau lách quét ngang trời

Không chỉ đối mặt với non cao, rừng thiêng nước độc, phải đến gần đây, trước khi con cháu biết làm quen, thích nghi sống chung với lũ, thì cha ông ở vùng đất An Giang này, nhiều đời từng điêu đứng, vật lộn hằng năm với nước lũ tràn đồng, lụt lội kéo dài, mưa bão dai dẳng

Đã bao mùa nắng gió đi qua

Bao mùa nữa lũ tràn, nước nổi

              (Thấp thoáng cánh cò – Nguyễn Lập Em)

Ý chí mạnh mẽ của những con người trong cuộc trường chinh nhọc nhằn dịu vợi, chỉ qua vài chi tiết so sánh đã được khắc hoạ rõ nét trong thơ Trịnh Bửu Hoài : Phương Nam mịt mùng đi như bơi / Ngủ như thức đêm bập bùng lửa đỏ / Mồ hôi chưa kịp khô đầu ngọn cỏ / Đường chân trời thôi thúc bến bờ xa / Đi là đi không một mái nhà / Ngày đội nắng đêm dầm sương bạc áo / Trăng theo người chiếc thuyền cong kỳ ảo / Trăm năm vành vạnh khoé môi cười…(Trái tim Thăng Long)

Nếu câu thơ của Huỳnh Văn nghệ trong Nhớ Bắc từng làm xao xuyến bao người trước hình ảnh người chiến sĩ ung dung yên ngựa, xông pha chinh Nam mà trái tim vẫn thổn thức đập nhịp thương nhớ Thăng Long. Bài thơ chủ yếu là những dòng cảm xúc trĩu nặng hoài niệm về miền đất Bắc. Còn với các nhà thơ An Giang, những con người trực tiếp tắm mình trong thiên nhiên Nam bộ, hiểu thấu cha ông thời khai phá, anh Trịnh Bửu Hoài và chị Nguyễn Lập Em đã viết được nhiều dòng thơ chân thực, sinh động như những thước phim nhiều gam màu, giàu cảm xúc, suy nghiệm, ngợi ca cha ông lao động gian khổ mà vẫn vững vàng bước chân đi tới.

Phương Nam bao la nhỏ bé phận người

Vượt núi cao chân trần bạt dốc

Băng rừng thiêng sá gì nước độc

Xẻ đồng bằng tay vung hạt mùa  xanh

                                         (Trái tim Thăng Long – Trịnh Bửu Hoài)

Hình tượng cánh cò quen thuộc trong ca dao được nhà thơ Nguyễn Lập Em dùng làm biểu tượng cho ông cha, những nông dân An Giang cần cù khai phá, chai sạm, dạn dày gió sương, tay chân gân guốc nhưng cũng rất trí tuệ, sâu lắng trải nghiệm tình đất, tình đời :

Cánh cò trắng chao tìm chỗ đậu

Đất đồng bằng trải ngút ngàn xa…

                        …Đất phương nam đêm ngày vẫy gọi

Cha đi theo thấp thoáng cánh cò

 

Hình ảnh không gian vùng đất và con người Tây Nam bộ thời kì đầu đặt chân đến khai khẩn luôn hiện ra chân thật, đầy yêu thương và giàu sức sáng tạo, khám phá trong thơ của các cây bút An Giang :

Đêm phương Nam ánh lửa bập bùng

Sự sống giấu dưới bao tầng lá mục

Bình minh là tiếng gà eo óc

Mồ hôi cha hoà cùng sương đêm

Ở đây có cả sự đồng cam cộng khổ, tin vào sức mạnh cộng đồng, bà con, chòm xóm, những nông dân tảo tần một nắng hai sương lam lũ khai khẩn gieo trồng. Từ tay trắng, đất hoang con người đã biến ra thành châu thổ, mùa vàng. Trịnh Bửu Hoài đã có những hình ảnh thơ cô đọng, nặng chiều sâu hoài niệm, chia sẻ nhọc nhằn :

Theo dòng sông khơi mạch đất lành

Bàn tay nối bàn tay thành châu thổ

Vai kề vai đẩy lùi gian khổ

Lửa hoang vu vụt sáng những đêm dài

Qua hình ảnh Thấp thoáng cánh cò, chị Nguyễn Lập Em liên tưởng đến cha ông thời mở đất, khắc hoạ một cách chân thật, gần gũi đến cảm động về tính cách con người phương Nam cùng bao nhọc nhằn nếm trải  

Bàn chân cha từng lún trong bùn

Cánh cò bay trước mặt

Cha của thời mở đất

Ngang tàng cánh tay vung

Thương cha ông sẵn sàng hy sinh đời mình, lao động cần cù gian lao cho đời sau cháu con hưởng hạnh phúc. Chị Nguyễn Lập Em đã nói về những ao ước bình dị mà sâu sắc, lớn lao của ông cha :

Cha của thời bùn ngập ống chân

Đã dạy con “bạc tiền như phấn thổ”

Niềm ao ước cho con biết chữ

Lớn hơn sản nghiệp đời mình

Do chính là những cháu con của nông dân, của ruộng đồng An Giang, mà các anh chị đã có được những hình ảnh thơ giàu cảm nhận về con người phương Nam, về cha ông chân chất hào hiệp, phong trần lang bạt, trọng tình nghĩa, xem thường danh lợi tiền tài.

Ấm lạnh nhân tình giữa phương Nam xanh

Cha phơi trải tấm lòng  

Chén rượu đầy vơi, chào mời hồn hậu

Khát vọng chinh phục tự nhiên, biến hoang vu, cỏ dại thành mùa màng, ước mơ một thuở, bao đời được nhà thơ Nguyễn Lập Em cảm nhận tinh tế, sâu lắng thương yêu:

Cả đời người lo chuyện ấm no

Trong giấc ngủ còn vung tay gặt

Cha đã thở bằng hơi thở đất

Đem mùa màng vào cả trong mơ

Trong bài thơ khác: Nghĩ dưới mái đình quê ngoại, chị Nguyễn Lập Em lại trăn trở về những ứng xử hôm nay của cháu con dành cho ông cha một thời. Những hình ảnh phong phú, sống động rất An Giang–Tây Nam bộ trong thơ chị làm nên đặc điểm riêng, tạo sự bất ngờ thú vị cho người đọc :

Có ai đời sau

Thờ người hiền

Khắc bia ghi tên người có công đào kinh, lập làng, mở chợ ?

 

Quê ngoại tôi hoang sơ, một thuở

Tiên hiền

                        Đắp đường, xây thành, dạy dân trồng lúa, dựng chùa cầu an

 

                    … Có ai đời sau

Giữ lấy chút tình

Thương người xưa một thời mở cõi

Thương con kinh đào bầu bạn cùng đất núi

Nhớ giống cá linh đầu nguồn

Nhớ mùa bông điên điển của vùng đất phù sa?

 

Có ai đời sau

Hàng trăm năm nữa sẽ qua

Còn trong ký ức thời gian tiếng lòng thầm gọi

Còn trong tâm tưởng mái đình, bóng núi

Chạnh nhớ cố hương ?

Trương Công Thuốt trong bài thơ Mùa xuân một góc phương Nam, từ một mùa xuân yên bình đến trên quê hương An Giang, thơ anh đã cảm thức bao nỗi niềm, hoài niệm về cha ông thời mở đất, cùng nhiều thế hệ nối tiếp giữ gìn, bảo vệ đất đai ngàn đời cho cháu con.

Ngày xưa cha ông

Tìm nơi mở cõi

Chọn vùng đất lầy

Chọn vùng đất cằn

Đói ăn hạt gạo – trời cho

Tứ thơ phát triển với nhiều hình tượng mang tính phát hiện riêng của một người đã từng sống, trải nghiệm, hít thở, uống nước sông Hậu, ăn gạo đồng bằng, yêu thương hết mình quê hương, ruộng đồng An Giang. Thơ Trương Công Thuốt đã nêu bật được đặc trưng thiên nhiên của vùng đất An Giang, vừa ưu đãi, vừa khắc nghiệt, thách thức biết bao công sức người lao động – những người dân An Giang kiên cường dựng nghiệp, cần cù khai phá và chiến đấu để gìn giữ cho muôn đời sau :

Nửa năm trời mưa

Cọng súng dài hơn cây sào nạng

Cá rô to như bàn tay

Mòng đậu xanh lưng trâu

 

Nửa năm nắng táp đồng

Con ốc bưu vùi sâu

Đàn ong no mật

Đeo quằn nhánh tràm non…

 

                    …Con quốc kêu văng vẳng bên tai,

Dân tứ xứ về Láng Linh lấy rơm rạ trộn bùn xây thành luỹ

Rèn giáo mác…

                   …Nối tiếp một thời dầu dãi nắng mưa

Hai mươi mốt năm ăn bụi ngủ bờ

Ngày bắn tỉa

Đêm tập kích bằng xuồng…

Câu thơ của Trương Công Thuốt đã nhắc đến chiến công đánh giặc Tây của người anh hùng Trần Văn Thành (Quản Cơ Thành), với chiến công nơi căn cứ Bảy Thưa – Láng Linh, thuộc huyện Châu Phú ngày nay. Nhà thơ Phạm Nguyên Thạch, khi đến đây dự lễ hội, thắp hương nơi đền thờ Đức Quản Cơ đã bùi ngùi nhớ đến cha ông từng tay súng, tay cày :

Nay Láng Linh đất ủ quá trăm năm

Súng sét dầy lớp mục

Gươm còn mấy khúc

Xỉn phèn bùn

 

Miếu thờ người của tấm lòng

Người không để lại chân dung, hình tượng

Nén nhang vọng tưởng

Khói vào hư vô

      (Bất chợt Láng Linh – Phạm Nguyên Thạch)

Ngoài anh hùng Quản Cơ và cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người An Giang còn dành nhiều ngưỡng mộ cho Tổng đốc binh - danh thần Thoại Ngọc Hầu. Từ năm 2009, An Giang đã có nhiều sự kiện hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cùng nhân lễ Kỷ niệm 180 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu (1829 – 2009). Có nhiều bài thơ in trong tuyển tập Thơ viết về An Giang (Văn nghệ An Giang xuất bản tháng 8.2008), đã thể hiện niềm tự hào, ca ngợi công đức và công lao khai phá vùng đất phương Nam, góp phần mở mang bờ cõi về hướng Tây Nam Tổ quốc của Thoại Ngọc Hầu :

Vốn người đất Quảng, lại lánh mình vào Nam

qua Lào, Miên, Xiêm – lại bôn tẩu trên miền thượng đạo

Đến vùng núi Sập khuyên dân táo bạo

biến rừng rậm rạp thành ruộng thành nương

nạo vét kinh mương, mở mang thôn ấp…

Đào xong kinh Thoại Hà

lại đến núi Sam, đào kinh Vĩnh Tế !...

…Bia còn đó, núi Sam ơi

Lăng thiêng – nghi ngút dưới trời khói hương…

           (Thăm lăng Thoại Ngọc Hầu – Nguyễn Đình Ảnh)

Như vậy để có mảnh đất An Giang đầu nguồn của hạ lưu sông Cửu Long, vùng đất thơ mộng, hữu tình, hùng vĩ ở biên thuỳ Tây Nam, tít tắp với những cánh đồng lúa phì nhiêu, bát ngát như hôm nay, cháu con luôn biết ơn và nhắc nhớ, ngợi ca cha ông thời mở cõi đã vừa cầm cuốc, cày gieo trồng, khai phá, mở mang, vừa chắc tay gươm, tay súng đổ máu giữ gìn, và trong mỗi con người ấy, trái tim mình vẫn không ngừng đập nhịp thương nhớ Thăng Long – Hà Nội.

 

2. Thăng Long – Hà Nội, ngàn năm thương nhớ.

 

Các nhà thơ An Giang tuy không có nhiều thời gian sống và làm việc tại Hà Nội, nhưng khi có dịp dừng chân, các anh chị cũng đã kịp gửi lại nhiều cảm xúc, nghĩ suy cho một Thăng Long xưa vừa cổ kính uy nghiêm và một Hà Nội ngày nay đang vươn lên những tầm cao mới, xứng đáng là trái tim của tổ quốc, là con chim đầu đàn trên mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Cảm nhận về Thăng Long – Hà Nội của các nhà thơ An Giang khá đa dạng.

Nhà thơ Hồ Thanh Điền gửi gắm niềm tự hào về Hà Nội hôm nay qua ghi nhận về sự phát hiện hoàng thành xưa giữa lòng thủ đô. Với anh, dấu tích xưa sẽ là chứng nhân cho những hoang phế bao đời, những đổi thay xưa nay của Hà Nội cũng là của đất nước.

Bao lâu rồi hoàng thành xưa chìm khuất

Để bây giờ lộ giữa Hà Nội – Thăng Long

Ẩn suốt ngàn năm bao la chiều kích

Đột nhiên thức dậy thấy những dáng rồng

Thơ Hồ Thanh Điền còn thể hiện sự tìm tòi cấu tứ, qua bài thơ Cây me nước trước đền Ngọc Sơn, anh phát hiện : Dáng phương Nam giữa trời phương Bắc / Mỗi độ mưa phùn cây cứ bình dị xanh. Nếu nhà thơ Viễn Phương đã từng xúc động trước hàng tre xanh xanh Việt Nam trồng nơi lăng Bác, thì Hồ Thanh Điền lại ngẩn ngơ, để rồi nhận ra :

Lẫn trong kiểng trước đền Ngọc Sơn

Cây me nước miền Nam lặng thầm trong chậu lớn

Ai gieo hạt hay mang cây giống

Mang chút tình thương nhớ phương Nam ?

 

Bao tuổi rồi bằng cầu Thê Húc cong cong

Hay xấp xỉ cụ rùa im lìm trong khung kiếng

Sần sùi gai góc chứa bao điều không nói lên thành tiếng…

 Thơ ca và âm nhạc đã có nhiều hình tượng thường được dùng để thể hiện tình cảm giữa hai miền Nam–Bắc. Chúng ta từng lắng đọng, bồi hồi khi nghe bài hát : Bóng cây Kơ nia, Gửi nắng cho em… Gửi cho miền Bắc chút nắng ấm phương Nam, thương cái rét của thợ cày, thợ cấy nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy, có tình thương tha thiết ở trong này (Phạm Tuyên). Riêng với hình ảnh Cây me nước của Hồ Thanh Điền thì có lẽ đây là lần đầu tiên me nước được trở thành hình tượng thơ, mà có thể nhiều người miền Bắc không biết về loại cây thân có nhiều gai nhỏ này, dân Nam bộ quen trồng làm hàng rào quanh nhà. Cứ gieo từng nắm hạt vào mùa mưa, cây rất dễ thích nghi, sẽ  nảy mầm, mọc lên thành hàng. Khi lên cao, cây được cắt tỉa cho thành những bờ giậu lá mướt xanh. Thơ Thanh Điền nói rất đúng đặc điểm cây “loài cây quê me nước”, hay cũng chính là biểu tượng cho tình cảm, nỗi lòng của nhân dân miền Nam :

                             Cây âm thầm tròn vo lá xanh

Thương cây xa miền quê hai mùa nắng

Xa khung rào mùa quýt đỏ đồng bằng

Không thản nhiên với đất trời mà lớn

Ôm điều gì trong dáng kiểng bao năm

Chốn phồn hoa sao cây vẫn vô danh

Tằn tiện khí trời chắt chiu màu đất

Dáng phương Nam riêng giữa trời phương Bắc

Mỗi độ mưa phùn cây cứ bình dị xanh

Chúng ta thế hệ cháu con luôn biết ơn, cảm phục tổ tiên, những người đã có công tạo dựng nên Thăng Long – Hà Nội, để Việt Nam có một vị thế đáng tự hào cho hôm nay và cả mai sau. Với Hồ Thanh Điền, ông còn tri ân cả những người trồng cây vô danh, không chỉ để tô điểm, phủ xanh làm đẹp Hà Nội, mà còn giúp bao người được lắng đọng cảm xúc, được trải lòng cùng thủ đô yêu mến :

Lẫn trong kiểng trước đền Ngọc Sơn

Ai nghĩ ra chọn loài cây quê me nước

Ai nghĩ ra cây sẽ quen gió mùa đông bắc

Xin cảm ơn người đã cho tôi chút xao động trong hồn

Với anh Trịnh Bửu Hoài, qua Đêm trăng trên Hồ Tây sáng tác 4/1994, Hà Nội lại được ví như người tình trong mộng, một tình nhân “áo vàng” đắm say, hư ảo, đầy quyến rũ như bóng nguyệt soi đêm Hồ Tây. Tình yêu của anh dành cho Hà Nội, cho Hồ Tây đong đầy mộng mơ, lãng mạn :

Hồ chiều phai

Long lanh

Chút nắng

Em áo vàng

Trêu bóng gương soi

Đêm tĩnh lặng

Hồ tròn bóng nguyệt

Em và trăng

Hoá mộng

Hồn tôi !

Câu thơ nhịp ngắn như những bước chân, bước đi, bước dừng, thể hiện được sự ngẩn ngơ trong chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đêm trăng Hồ Tây. Bài thơ không dài nhưng bộc lộ bao cảm xúc, nỗi niềm chất chứa, những lãng đãng, huyền hoặc mà bóng nguyệt lồng bóng nước đã “hoá mộng” hồn thơ Trịnh Bửu Hoài.

Với Lam Hồ, nỗi thương nhớ Hà Nội là nỗi nhớ lặng lẽ, âm thầm nhưng luôn da diết nồng nàn. Thương nhớ đến cái rét, hương hoa sữa, từng con đường, góc phố, dáng áo hồng, nhịp guốc khua của cô gái Tràng An… Tất cả đều trở thành nỗi nhớ đằm sâu khi chia xa, qua bài thơ Hà Nội mùa này trở rét:

Hà Nội đầu đông cái rét dễ thương

Hương hoa sữa bay rắc trên đường

Em vui líu ríu đôi chân sáo

Gõ vang nhịp guốc đêm mờ sương

Thơ Lam Hồ nồng nàn thiết tha trong ghi nhận những cảm xúc bịn rin, ngậm ngùi, không muốn rời Hà Nội

Hà Nội ba – mươi – sáu – phố – phường

Đêm này thôi làm sao ta chạm hết

Đêm này thôi làm sao biết được

Mở lòng. Chạm cái rét đầu đông

Hẳn là lời bài hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (thơ Lê Thanh Tuấn, nhạc của Trương Quý Hải) từng quấn quýt bước chân Lam Hồ trên các phố phường, hàng quán Hà Nội, để hình tượng “cái rét đầu đông”  trong thơ anh cũng trở thành nỗi nhớ không nguôi. Với Lam Hồ, chia tay Hà Nội thật không dễ. Sao có thể dễ dàng rời xa tình yêu đằm thắm, thiết tha từ bao giờ đã ngấm thành máu thịt con người :

Hà Nội là em mềm như dòng sông

Cho anh mãi mơ về đêm phố vắng

Thương tiếng guốc, nhớ hoài hương khói ấm

Ly cà phê đêm trước lúc chia tay

Thôi ta về thôi đêm sắp hết

Đường Nguyễn Du nức nở cung buồn

Ngõ nhà em về qua mấy phố

Có phố nào nhớ cái rét đầu đông.

Nhà thơ nữ Lê Thanh My (Tổng biên tập báo Thất Sơn của Hội Văn học nghệ thuật An Giang) một thoáng đi qua Hà Nội, chị cũng đã kịp phát hiện ra nét đẹp riêng của Hà Nội -  những gam màu của tháng giêng Hà Nội long lanh, lung linh trong cái nhìn đầy nữ tính :

Tháng Giêng Cầu Giấy xanh như ngọc

Em xoè bàn tay đếm ngón tay

Người đi từ độ bong bóng vỡ

Đồng bằng mưa giọt vắn giọt dài

Tình yêu của chị dành cho Hà Nội cũng ngập ngừng, thổn thức, mong nhớ, đợi chờ, mang nhiều cung bậc như là tình yêu dành cho “người ấy” vậy:

Tháng Giêng nắng tràn qua kẽ lá

Tìm hộ giùm em bóng một người

Mỗi ngày người ấy sang Cầu Giấy

Tiếng lòng em theo gió nhẹ rơi

Không kém phần lãng mạn và đắm say như trong thơ Trịnh Bửu Hoài và Lam Hồ, tình yêu Hà Nội trong thơ Lê Thanh My lại còn sâu lắng, nồng nàn và cũng đầy khao khát. Với chị, chia tay Hà Nội là chia tay một tình yêu, một tình nhân say đắm, do vậy sẽ rất khó phôi phai.

Đã tiễn nhau bằng bàn tay ấm

Chút rét ngoài hiên có sá gì

Mùa xuân đang đến bên ghềnh cửa

Đôi bờ đọng khẽ bóng hàng mi.

Và để rồi nơi đất phương Nam, mỗi độ vào xuân, chị sẽ lại nhặt ngàn cánh lá mai, đợi chờ hoa nở vàng gởi vào ngàn cánh nhớ đến tháng giêng – mùa xuân -  hương cốm - sắc đào nơi đất Bắc.

Hà Nội ơi phố hết nồng hoa sữa

Lai ngẩn ngơ hương cốm sắc đào

Ở đây em nhặt ngàn cánh lá

Đợi rợp mai vàng để ước ao

 

Tuy chưa thật nhiều, nhưng tất cả các bài thơ của người An Giang viết về Thăng Long – Hà Nội được giới thiệu và phân tích nêu trên đều có thể xem là những bài thơ hay, cảm xúc tự nhiên, chân thành, sâu lắng, đã nói hộ đồng bào An Giang, cũng là những người con đất Việt về tình yêu, niềm tự hào ,niềm tin, niềm hy vọng dành cho Hà Nội – Việt Nam. Qua đây giúp hiểu thêm về đất và người Hà Nội, về thủ đô ngàn năm văn hiến…

 

Có thể nói cái tên Thăng Long – Hà Nội – Hồ Chí Minh tự bao giờ đã trở thành niềm tin yêu – hy vọng – sự quý trọng của cả dân tộc và bạn bè quốc tế. Nói đến Thăng Long – Hà Nội là nghĩ ngay đến sự tiếp nối mở mang và giữ gìn biên cương, bờ cõi nước Nam của biết bao thế hệ ông cha. Phải nói từ cái tâm, cái tầm nhìn quyết định đời kinh đô Hoa Lư ra làng Cơ Xá ven Hồ Tây để xây dựng thành Thăng Long vào năm 1010 của vua Lý Thái Tổ, nhằm tính kế lâu dài cho con cháu. Cái gien di truyền quý hiếm mang bản sắc Việt Nam tiếp tục được toả sáng ở Lý Thường Kiệt, ở Trần Hưng Đạo, ở Nguyễn Trãi và đến chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Tôn Đức Thắng…cùng rất nhiều người con ưu tú Việt Nam, mà hình ảnh và cuộc đời họ là hình ảnh của cả dân tộc, những bản anh hùng ca bất tử nối tiếp bảo vệ, phát triển Hà Nội – Thăng Long, suốt ngàn năm tay gươm – tay liềm – tay đàn – tay súng, vừa đánh giặc – sản xuất – vừa làm thơ, viết nhạc ngợi ca, thôi thúc, động viên… Những vần thơ dòng nhạc viết về Thăng Long – Hà Nội – Hồ Chí Minh luôn có sức truyền cảm vang vọng sâu xa như tiếng đàn Thạch Sanh trong cổ tích, đã góp phần làm nên chiến công, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khẳng định với đồng bào, dân tộc, với thế giới về chủ quyền đất nước, vị thế của Hà Nội cũng là vị thế nước Việt Nam.

 

     Tháng 6/2010

 

Tài liệu tham khảo

1.     Tuyển tập thơ. 2010. Ngàn năm thương nhớ. NXB Hội nhà văn Việt Nam. Dày 2008 trang

2.     Tuyển thơ nhiều tác giả. 2008. Thơ viết về An Giang. NXB Văn nghệ An Giang.

3.     Tập thơ – Dân ca – Hát ru… 2000. Thấp thoáng cánh cò. Hội Văn nghệ – Trung tâm VHTT An Giang xuất bản.

4.     Báo An Giang số xuân Canh Dần 2010.

5.     Tạp chí Thất Sơn số xuân Canh Dần 2010, số 142. Hội Văn học nghệ thuật An Giang.

6.     Vũ Đức Nghĩa. Bài viết Thăng Long – Hà NộiNgàn năm thương nhớ”. Báo xuân An Giang 2010

 

ThS. Lê Huỳnh Diệu

(Đại học An Giang)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập